Ấm nước sôi

3

Ấm nước sôi

Sau khi tốt nghiệp đại học, một chàng thanh niên đã rất tự hào và đặt ra nhiều mục tiêu cho bản thân. Nhưng sau vài năm, anh ta vẫn không đạt được gì. Vì lý do này chàng thanh niên luôn cảm thấy phiền muộn trong lòng. Anh quyết định đến nhà vị giáo sư đại học mà anh quen biết để tìm ra vấn đề.

Sau khi nghe tâm sự của chàng thanh niên, vị giáo sư đại học bảo anh ta rằng: “Nào, cậu hãy giúp ta đun ấm nước này!”

Chàng thanh niên thấy ở góc tường có một cái ấm rất lớn và một cái bếp nhỏ bên cạnh, nhưng lại không thấy củi nên ra ngoài tìm. Anh nhặt vài cành khô bên ngoài và nhóm bếp. Nhưng rất nhanh bó củi đã cháy hết mà nước vẫn chưa sôi. Thế là anh vội vã ra ngoài kiếm thêm củi, khi quay trở lại thì ấm nước đã nguội lạnh. Người thanh niên nhận ra rằng, không nên vội đốt lửa. Anh lại ra ngoài kiếm đủ số củi rồi mới quay trở lại nhóm bếp đun nước, một lúc sau nước bắt đầu sôi.

Vị giáo sư đột nhiên hỏi anh ta: “Nếu không có đủ củi thì làm sao cậu đun được nước sôi?”

Chàng thanh niên suy nghĩ một lúc, rồi lắc đầu.

Vị giáo sư mỉm cười và nói: “Nếu điều đó xảy ra, hãy đổ một ít nước trong ấm đi!”

Chàng trai trầm ngâm gật đầu. Vị giáo sư tiếp tục nói: “Ban đầu, cậu đã quá tự mãn, đặt ra quá nhiều mục tiêu, giống như cái ấm lớn này chứa quá nhiều nước và cậu không đủ củi, vì vậy cậu không thể đun sôi nước. Nếu cậu muốn đun nước sôi thì có thể đổ một ít nước đi hoặc chuẩn bị đủ củi ngay từ đầu.”

Chàng thanh niên chợt nhận ra vấn đề. Anh đã loại bỏ nhiều mục tiêu trong kế hoạch của mình, chỉ để lại những mục tiêu gần, đồng thời dùng thời gian rảnh rỗi để học hỏi nhiều kiến thức chuyên môn khác nhau.

Lời bàn: Việc đặt ra mục tiêu cho bản thân giúp chúng ta có định hướng trong cuộc sống, khích lệ bản thân vượt lên khó khăn và tiến tới thành công. Tuy nhiên khi đặt mục tiêu cần phải có giới hạn, phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của bản thân. Nếu có quá nhiều mục tiêu chúng ta sẽ không thể hoàn thành và dễ trở nên nản chí.