CHA MẸ LÀ GÌ VỚI CON CÁI?
Là phiền phức, là gánh nặng, là áp lực hay là nguồn động lực, điểm tựa, nơi trở về?!
Chị bạn của mình chỉ có một đứa con trai duy nhất. Con chị ấy đang học đại học. Chị ấy có 1 căn nhà cho thuê, hai miếng đất ở một quận ngoại thành nhưng cũng là nơi khá sầm uất, một căn nhà do ba mẹ cho. Tiền xài cũng rủng rỉnh. Nghề nghiệp ổn định. Thu nhập cũng khá. Chị em trò chuyện:
– Chị nói thằng Nhím sau này đi làm phải nuôi ba mẹ. Nó bảo nó sợ nó lo không nổi.
Mình khá bất ngờ, nói luôn:
– Anh chị có nguồn thu ổn định khi về già, giao trách nhiệm cho nó chi tội nghiệp nó, tạo áp lực cho nó. Mà tài sản của chị chưa chắc đời chị đã xài hết.
Chị bảo:
– Kệ nó chứ. Giờ mình nuôi nó, sau này nó phải có trách nhiệm với mình.
– Nhím ngoan quá trời. Nó không phải đứa vô tâm, cũng không phải đứa vô trách nhiệm. Tụi nó ra đời lập nghiệp cũng nhiều áp lực. Mình tạo thêm áp lực cho tụi nó làm gì?! Em chỉ cần con hỗ trợ khi mình quá già yếu thôi. Còn em có kế hoạch tự lo cho bản thân và tự lo nguồn tiền sinh hoạt khi về già.
Chị bạn mình vẫn khư khư là con phải nuôi vợ chồng chị khi về già. Sau này, tài sản của anh chị để lại cho nó hết nên nó phải có trách nhiệm.
Bản thân mình, cho tới hiện tại, chưa phải nuôi bố mẹ ngày nào. Nhưng bất cứ khi nào bố mẹ cần là ba chị em mình đều sẵn sàng. Em trai mình ở cách nhà bố mẹ vài căn, ngày ngày nó, con nó, vợ nó đều ghé sang trò chuyện với bố mẹ. Em gái mình cùng chồng nó về thăm bố mẹ mỗi hai tuần một lần. Nó về là nhà mình lại tụ tập ăn uống cùng nhau. Mình thì ở ngay cạnh nhà bố mẹ, chung khuôn viên, khác nhà. Bố mẹ tự nấu ăn riêng. Hôm nào mình lười thì lên nhà ăn ké bố mẹ. Hôm nào mình nấu món gì khó, lạ thì bưng lên nhà bố mẹ ăn chung. Ngày ngày mình và mẹ đi chợ cùng nhau. Hôm nào thấy mẹ mà không thấy mình là mấy người bán ở ngoài chợ đều hỏi: con cô/chị đâu? Hoặc hỏi nay ai chở cô/chị đi vậy? Mẹ mình tự hào khoe với bạn bè: giờ tôi muốn đi đâu đều có chúng nó chở, tôi khỏe đẹp ra là nhờ uống sữa của con trai và con dâu cho.
Mình nghĩ, cha mẹ và con cái là quan hệ trách nhiệm khi ở giai đoạn cần.
Khi còn nhỏ, chúng ta cần cha mẹ nuôi dưỡng. Khi đủ trưởng thành, cha mẹ là điểm tựa, là nơi chúng ta tìm về an trú sau những bão giông cuộc đời. Lớn hơn nữa thì cha mẹ là người kết nối. Khi còn cha mẹ chúng ta còn có động lực để tém dẹp công việc mà về đoàn tụ đại gia đình. Khi cha mẹ mất đi rồi, có chăng cũng được vài lần giỗ đầu là đông đủ anh chị em. Sau đó rơi rụng dần, mỗi người một lý do để không về đoàn tụ gia đình, cũng bởi không còn động lực lớn lao để trở về.
Khi cha mẹ già yếu, là lúc cha mẹ cần chúng ta. Là lúc chúng ta có trách nhiệm với cha mẹ. Cũng có những trường hợp cha mẹ không có nguồn thu khi về già thì việc nuôi dưỡng cha mẹ là điều tất yếu.
Mình cũng chứng kiến rất nhiều người đã trưởng thành hơn, chững chạc hơn kể từ khi ba người đó mất đi. Ít nhiều gì, cha mẹ vẫn là điểm tựa tinh thần cho ta bấu víu. Một người em của mình, khi ba em ấy mất đi, em ấy trở thành người đàn ông duy nhất của gia đình. Em ấy tự thấy mình có trách nhiệm với mẹ, với em gái, với vợ con hơn. Mình thấy em ấy chững chạc hơn hẳn. Bớt ăn nhậu, bớt chơi bời. Tránh xa những sa ngã trước đây. Mình nhận ra ánh mắt em ấy tuy có kiên định hơn nhưng cũng hoang mang, lo lắng nhiều hơn khi ba em ấy còn.
Xuyên suốt cuộc đời, cha mẹ và con cái là mối quan hệ đồng hành, hỗ trợ, tương hỗ lẫn nhau. Nếu ai cũng rõ ràng quan điểm này, sẽ không ai gây áp lực cho ai. Ai cũng sẽ nỗ lực hết sức để có thể tự lo được cho chính mình, tự hoàn thành sứ mệnh cuộc đời mình. Rồi khi thật sự cần sẽ hỗ trợ lẫn nhau. Muốn đồng hành được lâu thì phải thấu hiểu. Muốn thấu hiểu thì phải có kết nối. Có kết nối thì sẽ không có ai cô đơn, không ai hờn trách gì nhau. Muốn hỗ trợ nhau thì phải có nguồn lực. Muốn tương hỗ lẫn nhau thì phải hiểu rõ vai trò của nhau ở từng giai đoạn.
Có rất nhiều cha mẹ, nhân danh cha mẹ để áp đặt, đòi hỏi ở con cái. Rất nhiều con cái nhân danh con cái để bòn rút, để vô ơn, để vô tâm và bất hiếu với cha mẹ.
Nên mong sao mọi cha mẹ trên đời, mọi đứa con trên đời, đều thấu hiểu rằng, cha mẹ và con cái là mối quan hệ đồng hành và hỗ trợ. Đồng hành và hỗ trợ đúng lúc, đúng vai trò. Không ai đặt mong cầu lên vai ai. Mỗi người cứ tự làm tốt vai trò của mình. Thế giới sẽ luôn màu hồng.