CHIA SẺ NIỀM VUI

57

 

Trang Tin Mừng hôm nay là một bài học của sự chia sẻ. Biết mình sẽ là Mẹ của Đấng Cứu thế,  điều đầu tiên mà Mẹ Maria làm là viếng thăm người chị họ Êlisabet. Chắc chắn, Mẹ muốn phục vụ và đồng hành cùng với chị mình đang mong đợi đứa con đầu lòng chào đời khi đã cao niên. Nhưng trên cả sự giúp đỡ, Mẹ Maria đang chia sẻ chính Chúa với người chị họ mình.

Chuyến đi không dễ dàng, nhưng người vẫn vội vã. Có thể nói, với cuộc Nhập Thể của Con Thiên Chúa, chuyến đi dài được tác giả của tác phẩm hai tập là Luca và Công Vụ Tông Đồ trình bày dọc theo tác phẩm, đã bắt đầu. Con Thiên Chúa từ trời đã xuống trần gian, rồi Người đi từ Nazaret lên Giêrusalem, còn các môn đệ của Người sẽ đi từ Giêrusalem, qua Samaria, và đến tận cùng trái đất, tất cả các đấng đều vội vã, dù gặp biết bao khó khăn.

Là Hòm Bia của giao ước mới, Đức Maria mang trong lòng mình “Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32), là Đấng mạc khải, là nguồn ơn phúc, là nguyên do đưa lại niềm vui. Đức Maria vội vã đưa Đức Kitô đến với những người khác. Đức Maria đi trong tư cách là người tin vào lời Thiên Chúa qua trung gian sứ thần Gabriel.

Sau khi nghe sứ thần cho biết tin vui của bà chị Êlisabét, Đức Maria đã vội vã lên đường để chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho gia đình bà. Ngôn sứ Isaia cũng đã tuyên sấm về cuộc hành trình thăm viếng này của Đức Maria như sau: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin mừng, công bố bình an; Người loan tin hạnh phúc công bố ơn cứu độ” (Is 52,7a).

Mẹ Maria, người thiếu nữ liễu yếu đào tơ đã một mình băng đoạn đường vừa dài vừa khó để đến với chị họ mình, vì qua lời sứ thần, cô tin và biết chị mình đang cần người giúp đỡ và chia sẻ. Sự hiện diện và lời chào của Mẹ trong ngôi nhà Dacaria đã mở ra cuộc thần hiện diệu kỳ : Thánh Thần từng bao phủ lấy Mẹ trong ngày truyền tin nay làm chủ tâm trí và miệng lưỡi bà Êlisabét khiến bà thốt lên những lời tuyên tín để đời, bà nhận ra cô em họ mình chính là Thân Mẫu Chúa tôi, là người có phúc vì đã tin ; Con Đấng Tối Cao đang hiện diện trong lòng Mẹ đã đem lại sức sống dồi dào cho hài nhi trong lòng bà Êlisabét, khiến cậu bé nhảy lên vui sướng.

Khi đi thăm viếng bà chị họ, Đức Maria đã “đi bước trước” đến với bà, không đòi bà phải mời như ngày nay người ta thường nói: “Ăn có mời, làm có khiến !”. Đối với Đức Maria: Chính tình thương đã thôi thúc vội vã lên đường đi thăm Mẹ khi vừa nghe sứ thần cho biết tin vui của bà. Qua đó cho thấy Mẹ đã thực hiện đức ái qua thái độ cảm thông chia sẻ như lời dạy của thánh Phaolô: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15).

Sự thăm viếng của Mẹ đã lập tức mang lại hiệu quả: thai nhi Gioan đã giãy đạp trong dạ mẹ vì được khỏi tội tổ tông truyền, như bà Êlisabét đã thốt lên ca tụng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc… Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc 2,42-44).

Lời chào của bà Elizabeth khi thấy Trinh Nữ Maria đến thăm mình và lời kinh chúc tụng của Trinh Nữ Maria đều khen đến cách thế Thiên Chúa lựa chọn con đường dẫn Ngài đến cuộc gặp gỡ cứu độ loài người. Con đường bé nhỏ nghèo nàn, khiêm tốn và kín nhiệm. Nhiều người không chịu được ý tưởng Con Thiên Chúa phải nhập thể làm người trong lòng một phụ nữ, và mở mắt chào đời từ cung lòng của một bà mẹ. Do đó, câu chào của bà Elizabeth: “Em ơi,Em thật có phúc hơn mọi người phụ nữ và Giêsu con em được chúc phúc” khiến cho họ khó chịu.

Khi Đức Maria vừa gặp bà Elizabeth thì hài nhi trong lòng bà đã nhảy mừng. Niềm vui do sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi Đức Maria đã bùng lên, rồi tuôn tràn, không những đến bà Elizabeth, mà nó còn tràn lan đến cả hài nhi đang nằm trong lòng bà nữa, khiến cho hài nhi cũng hân hoan nhảy mừng. Niềm vui đó chính là niềm vui phát xuất từ Chúa.

Bà Elisabeth gặp Đức Maria. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của một con người với mẹ của Đức Chúa như tác giả Luca mô tả, hoàn toàn đơn giản và thanh thoát. Cuộc gặp gỡ này chan hòa niềm tâm tình phấn khởi và niềm vui tươi hân hoan. Bà Elisabeth tự giới thiệu cho chúng ta như là người đã tôn kính Đức Maria trước tiên. Bằng những lời “em được chúc phúc”, “Thân Mẫu Chúa tôi”, “em thật có phúc”, bà phác họa những đường nét chính của dung mạo Đức Maria: công trình của Thiên Chúa nơi người, tương quan của người với Chúa Giêsu Kitô, thái độ của người đối với Thiên Chúa. Tất cả những điều này, Bà Elisabeth hiểu được nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng. Cuộc gặp gỡ này đã là cơ hội cho phép bà có một kinh nghiệm hết sức mạnh mẽ và một niềm vui thật chan hòa.

Ngài đã ban cho chúng ta khả năng để chúng ta trở thành niềm vui cho người khác. Niềm vui ấy khác hẳn với niềm vui của thế gian. Nếu niềm vui của thế gian ngắn ngủi, mau qua, và khi đã qua rồi chỉ còn để lại một nỗi trống vắng, thì trái lại, niềm vui phát xuất từ Thiên Chúa lại bất diệt.

Kitô hữu là người mang Chúa Kitô trong tâm hồn, nhưng chúng ta chỉ có thể cưu mang Chúa Kitô phong chức và hữu hiệu như Mẹ Maria khi chúng ta biết sống khiêm tốn bé nhỏ, yêu thích chọn lựa con đường và kiểu cách sống bé nhỏ của Thiên Chúa như một tôi tớ, như người khiêm hạ. Kiểu cách chọn lựa con đường gặp gỡ và cứu rỗi nhân loại trên đây cũng được nêu bật trong thư gởi giáo đoàn Do Thái hay diễn từ về chức linh mục của Chúa Giêsu.

Trong mọi thời đại và mọi cảnh huống, đức tin luôn có nhu cầu được vun đắp, được lớn lên và đổi mới từng ngày, ngang qua những biến cố lớn nhỏ, những lựa chọn liên lỉ thể hiện qua lối sống của ta. Đức tin lớn mạnh nơi ta sẽ dẫn ta bước vào cửa đổi đời mà nơi đó, phận nhỏ nhoi, hèn yếu của ta được diễm phúc tháp vào phận Chúa, được nâng cao và được mang những giá trị vĩnh hằng. Năm đức tin là thời điểm thuận tiện để ta được mời gọi đáp lại Lời Chúa với trọn niềm vui, để ta có cơ hội trở nên những chứng nhân của tân phúc âm hóa, trở nên chứng nhân của sự đổi đời, của sự hóa thánh và sự hiện diện tròn đầy của Vị Thiên Chúa Ở Giữa Nhân Loại.

Xin Chúa cho ta biết mở rộng lòng để chia sẻ trao tặng cho tha nhân những món quà vật chất cũng như tinh thần. Xin cho ta biết nghĩ tới những bệnh nhân liệt giường lâu ngày không tiền thuốc thang chữa trị, chia sẻ những món quà cho những cụ già không người thân thích trong các trại dưỡng lão, những trẻ em lang thang sống tạm bợ dưới  những cầu đường vì không có một mái ấm để đi về… Xin cho ta biết chia sẻ tình thương và niềm vui ơn cứu độ của Chúa Giáng Sinh đến cho họ.

Previous articleDUNG MẠO MẸ MARIA TRONG TRÌNH THUẬT TRUYỀN TIN
Next articleTìm Hiểu “Ngày Sinh” của Chúa Giêsu Kitô