CHÍNH TỘI CON ĐÃ TREO CHÚA TRÊN THẬP GIÁ

43

CHÍNH TỘI CON ĐÃ TREO CHÚA TRÊN THẬP GIÁ

Một người đàn ông công chức tên X., bình thường, khỏe mạnh, vui tươi, quân bình như bao người khác. Ông rất đúng mực và tận tụy với công việc và được cấp trên trao phó nhiều trọng trách. Ông rất thứ tự và vâng lời luật pháp quốc gia. Ông phục vụ chế độ tận tâm hết khả năng mình.

Nhưng công việc của ông hơi khác thường: Đó là thanh lọc, tổ chức lùng bắt và tiêu diệt dân Do thái trên khắp lục địa Châu Au. Ông giết tất cả chừng sáu triệu người trong đại thế chiến thứ hai. Nhiều năm về sau người ta truy tìm được ông ở Nam Mỹ, tên thật ông là Adolf Eichmann. Lúc bị bắt, ông hoàn toàn bình thường, ăn ngủ tốt, tuy đã luống tuổi. Giả dụ ông bất an hay điên khùng chúng ta còn có thể hiểu được, nhưng không, ông rất bình thường, ông cho là mình chỉ làm theo lệnh cấp trên, thế thôi, không áy náy chi cả.

Điều này làm cho chúng ta choáng ngợp, nhất là trong tuần thánh này.  Người ta phạm tội, những tội tày đình mà vẫn cứ bình thản nghĩ mình là phải. Phaolô giết Stêphanô, bẩy giám mục giết cô bé Jeanne d’Arc, thập tự chinh, tòa điều tra, giàn hỏa thiêu rối đạo. Mãi đến tận hôm nay vẫn còn tình trạng đó. Lịch sử nguyên vẹn đấy, làm sao chối cãi. Thì ra, nếu nhìn kỹ vào thế giới chúng ta sẽ thấy một mặt người ta hô hào văn minh tiến bộ, đối xử khoan dung, tha thứ, công bình, bác ái.Nhưng mặc khác lại đầy bất công, bóc lột, áp bức, man rợ, điên khùng, hủy diệt thai nhi, kẻ vô tội mà lương tâm không hề ân hận. Bất cứ ai cũng có thể cảm nghiệm được hai mặt trái ngược nhau này. Có lẽ bản thân mỗi người còn điên khùng hơn. Đó mới là điều đáng lo sợ vì mình hiếm khi nhận rõ vấn đề.

Chúng ta hãy xem xét những kẻ kết án và hành quyết Đức Giêsu hôm nay. Tín hữu thường có thành kiến cho rằng họ là những kẻ độc ác, gian manh hết cỡ, dám giết hại Con Đức Chúa Trời và động lực của họ là tối tăm quỉ quyệt. Nhưng không phải vậy, nghĩ như vậy là theo quan điểm lúc này và là một sai lầm lớn nếu đặt mình vào thời  đó. Tình huống tôn giáo, xã hội lúc ấy cho chúng ta thấy rõ hiển nhiên trong con người chúng ta cũng đầy những cảm nghĩ tương tự, có lẽ còn tệ hơn trong vai trò kết án và giết hại Đức Kitô.

Trước hết là phái Pharisêu: Những người này rất đạo đức và nhiệt thành với tôn giáo. Họ tỉ mỉ tuân giữ mọi lề luật Thiên Chúa truyền cho tuyển dân qua Môsê. Một chi tiết nhỏ nhất cũng không dám vi phạm. Hơn nữa còn lập ra những hàng rào vững chắc để bảo vệ lề luật. Họ miệt mài học hỏi lề luật và tuyệt đối tin tưởng vào sự công chính của lề luật. Họ nghĩ sự công chính này làm đẹp lòng Giavê. Họ rất sợ hãi xúc phạm đến lề luật và đền thờ, giống hệt như chúng ta hôm nay. Họ sẵn sàng trừ khử  những nguy hiểm phá vỡ lề luật. Lòng kính trọng của quần chúng bình dân đối với họ là bằng chứng: Được chào hỏi ngoài đường, chỗ nhất trong các bữa tiệc. Ngoài ra họ còn sẵn sàng “tử đạo” để đuổi ngoại bang, ngõ hầu đất nước được tinh tuyền. Ai bảo họ không đạo đức?

Caipha, Anna: Những chức sắc tôn giáo, chỉ một lòng gìn giữ cho đất nước an bình, tôn giáo chính thống, dân chúng tự do thờ phượng, trừ khử xáo trộn, nắm giữ chức Tư tế thượng phẩm trong dân, được toàn dân nghe theo và kính trọng. Ai bảo họ tâm địa gian ác? Câu trả lời là hoàn toàn không, tương tự như Giáo hội sau này thiêu chết John Huss và các kẻ rối đạo khác để bảo vệ Tin Mừng.

Philatô: Nhà chính trị tài ba và khéo léo, là toàn quyền Roma ở Palestine, 10 năm, từ năm 26 đến 36. Ông luôn nghĩ đến địa vị và nhiệm vụ của mình. Công việc hàng ngày của ông là giữ an ninh cho thành phố và toàn thể xứ sở. Trong thời buổi nhiễu nhương ông không thể làm khác đi được, mặc dầu biết Đức Kitô là vô tội. Ông tránh cuộc đối đầu với các lãnh tụ tôn giáo, mà ông biết rõ ảnh hưởng to lớn của họ trên đám đông. Nếu làm khác đi, ông sẽ gây nhiều tai họa hơn cho quyền bính Roma và bản thân cùng đám lính trong trại binh sĩ chịu tổn thất nặng nề. Kinh nghiệm đã cho ông hay như vậy, thà nhượng bộ hy sinh một người vô tội còn hơn. Thời nay chúng ta không hành xử như vậy sao? Nhượng bộ sự thật và lẽ phải để được hai chữ “bình an”! Chuyện này đầy rẫy trên thế gian.

Đám lính vệ binh: Đây không phải lính tinh nhuệ của Roma. Lính chính qui không dính dáng chi đến chuyện “nhơ” này. Đám lính hành hạ Đức Giêsu là những kẻ đánh thuê ô hợp thâu gom từ các vùng phụ cận, thuộc nhiều văn hóa khác nhau: Hy lạp, Dothái, Samaria …Họ có nhiệm vụ canh gác và thi hành án. Họ chẳng biết nhiều về bản án Đức Giêsu, nó diễn ra bình thường như hàng chục, hàng trăm vụ khác, làm sao họ để ý cho kỹ mà nhận ra sự thật? Cho nên khi được lệnh thi hành thì là công việc thường xuyên. Dầu sao tử tội Giêsu cũng sẽ bị điệu đi đóng đinh trên gò đất nhỏ ngoài tường thành như nhiều tử tội khác thì cũng là chuyện quen thuộc. Có điều đặc biệt là tử tội Giêsu tự xưng là vua Do thái nên họ bày chút trò chế diễu cho vui, tương tự như trẻ con tìm thấy con cóc ở vệ đường, hành hạ cho thỏa tính, thế thôi chứ không có ân oán gì.

Tuy nhiên tấn kịch thật hảm khốc và phạm thượng. Chủ yếu là do tội của chung loài người và riêng mỗi cá nhân vì mọi người đều phạm tội. Xin đừng trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho thiên hạ, còn ta đây thánh thiện lắm cơ có làm chi xấu đâu, hơn nữa còn dâng mình cho Thiên Chúa, khấn hứa đàng hoàng, dấn thân cho công lý và sự thật! Hỡi ôi thực tế khác hẳn: Tìm kiếm lạc thú, tiện nghi, chê bai khổ chế hãm mình, hy sinh. Xin nhớ lời tác gỉa Abert Camus mà mọi người đều quen biết: “Pharisêu là ai đó đòi hỏi kẻ khác nhiều hơn là chính mình”. Lạy Chúa, xin giúp chúng con thành thật trong tuần lễ thánh thiện này, đừng giả hình nữa. Xin cho chúng con kết hợp cụ thể với Chúa trong lời nói, việc làm nhất là tâm tình vâng theo thánh ý Thiên Chúa Cha.

Vì Chúa có thể tránh được nhục nhã này, tránh vào thành thánh nơi từng giết chết các ngôn sứ. Chúa đọc được các dấu hiệu và biết trước số phận đang chờ đón mình. Chúa có đủ tài năng để thay đổi nội dung rao giảng về Nước Trời đang mở rộng cho mọi người, ngay cả cho dân ngọai, về kẻ rốt hết lên hàng đầu và kẻ đang đứng đầu xuống hàng rốt hết, về sự hiện diện của Thiên Chúa trong các kẻ bé mọn, về Thiên Chúa giầu lòng thứ tha, về trời mới đất mới, ngõ hầu tránh khỏi tai họa. Nhưng Chúa đã không làm như vậy, thà lãnh nhận cái chết và giơ mặt chai như đá, để tiến vào Giêrusalem làm chứng cho sự thật.

Chúa đã trung thành với sứ vụ như người tôi tớ Thiên Chúa, phục vụ chân lý để chúng con được tự do. Bọn lính khi hành hạ Chúa đã chế diễu rằng: “Kính chào vua dân Do thái” họ có biết đâu rằng đó là sự thật. Nếu quả là sự  thật thì đâu là binh hùng tướng mạnh, đâu là quyền bính và ngai vàng? Con đường giải phóng dân Israel lại là một thất bại hoàn toàn? Chẳng ai tưởng tượng được: “Này vua các ngươi đang ngự đến, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ”. Cả đến các nhà thông thái nhất trong dân Do thái cũng không thể đoán trước được Thiên Chúa đã chọn con đường như vậy để cứu vớt nhân loại. Chúng ta nên suy nghĩ kỹ bài Tin Mừng để nhìn ra sứ mệnh và sự nghiệp của Đức Giêsu. Người đích thực là người tôi tớ đau khổ và trung thành của Thiên Chúa, cương quyết vâng phục Thiên Chúa trong sứ vụ . Chứ đừng cắt nghĩa theo sở thích rồi hành động lung tung.

Có hai người bạn đi với nhau, một người tên Thắng, người khác tên Hùng. Khi đi qua một con suối, Thắng chỉ xuống nước nói: “Hùng kìa, suối nhiều cá quá”. Hùng nhìn kỹ nhưng chẳng thấy cá đâu, dòng nước trong veo chẩy róc rách. Một lát sau họ đi qua đám dâu dại, Hùng vội bới đám dâu hái quả ăn. Thắng nói: “Tớ chẳng thấy quả nào, cậu hái dâu ở đâu vậy?”. Hùng trả lời: “cũng như bạn trông thấy cá ở dưới suối”.

Đây là chuyện ngụ ngôn của một đấng đáng kính về tuần thánh. Tín hữu thường đi qua tuần lễ mà không có ích lợi gì. Thản hoặc người được ơn này, kẻ ơn khác, chứ không tận dụng cuộc thương khó của Chúa để thâu lượm hoa trái thiêng liêng. Chúng ta hãy thật sự cảnh giác về thói vô tình của mình, thú nhận tội lỗi, thực hành khổ chế để thu lượm kho tàng ơn cứu độ do cuộc thương khó Chúa mang đến thế gian. Thu lượm sự giầu có ấy không khó lắm đâu, nếu chúng ta biết hy sinh bản thân cùng với những đòi hỏi của xác thịt.

Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu nhắn nhủ các tông đồ hãy cầu nguyện luôn. Chúng ta hãy nghe lời Người bền bỉ trong kinh nguyện, thánh lễ và đừng bao giờ nản lòng. Cầu nguyện trong tuần thánh này là đi theo Chúa trong suốt cuộc khổ nạn của Người. Đọc và suy gẫm kỹ lưỡng các tường thuật thương khó, mỗi chữ, mổi câu đều mang ý nghĩa cho linh hồn. Thí dụ: Hãy dùng bữa tiệc với Người ở Bêtania sáu ngày trước lễ vượt qua và chứng kiến người phụ nữ đổ dầu lên đầu và xức thuốc thơm cho thân xác Người, rồi lấy tóc mà lau chân Người tiên báo sự mai táng của Người. Giuđa kết án bà là phí phạm nhưng cử chỉ của bà còn lưu truyền cho đến hôm nay. Cử chỉ thống hối và yêu thương ấy liệu có phải là một phí phạm? Chúng ta thì sao? Làm được hành động yêu mến nào đối với Thầy Chí Thánh?

Ngày hôm sau Người tiến vào thành thánh từ cổng phía đông, có đám đông tung hô vang dội vì họ đã được chứng kiến phép lạ Lazarô sống lại. Liệu Chúa đã phục sinh chúng ta khỏi tội lỗi và chúng ta tung hô Người vì biết ơn? Và bao nhiêu người trong họ lại hô lớn đòi xử tử Người cho máu đào của Người đổ trên đầu họ và con cháu họ! Sự lật lọng này phải chăng là của chúng ta khi gặp gian truân?

Lắng nghe bài giảng đanh thép của Người trong đền thờ: Nhà Cha Người là nhà cầu nguyện chứ không phải hang trộm cướp, buôn bán kiếm lời. Liệu chúng ta có buôn thần bán thánh, lợi dụng chức quyền để thu vét của cải danh vọng?

Hãy đồng bàn với các Tông đồ trong phòng tiệc ly để lắng nghe tâm huyết cuối cùng của Người. Trong đó Người tuôn đổ tình yêu xuống trên Giáo Hội mới, ban cho Giáo Hội thịt máu Người như lương thực nuôi linh hồn cho đến cõi sống muôn đời, quỳ xuống rửa chân cho các cán bộ của Giáo Hội mới và sai họ đi phục vụ thế gian. Liệu chúng ta theo nổi gương khiêm hạ của Người, hay vênh váo ta đây nhà rao giảng? Đòi ăn trên ngồi trưóc và buộc người ta kính trọng?

Hãy theo Gioan và Phêrô khi vệ binh đền thờ điệu Người đến nhà Caipha xem chúng ta có can đảm hơn Phêrô không? Ai trong chúng ta sẵn lòng vác đỡ thập tự Chúa trên đường ra núi sọ? Hoặc chí ít bớt đi một nết xấu, một tội lỗi để thánh giá Người đỡ nặng nề?

Mọi người đều tưởng rằng thập ác là kết liễu sự nghiệp của Người. Liệu chúng ta có can đảm tin rằng đau khổ và hấp hối chỉ tăng thêm lòng nhiệt thành vì tình yêu Chúa Cha và nhân loại của Người. Nó là khởi đầu chứ không phải là kết thúc công trình cứu chuộc? Vì thế chúng ta đứng đấy cùng với Đức Mẹ, thánh Gioan và các phụ nữ để cùng dâng thánh lễ với Chúa. Còn nhiều sự kiện khác nữa chúng ta phải suy gẫm và cầu nguyện. Các thánh đã từng làm như vậy, cho đến tận thế các linh hồn đạo đức còn sẽ thi hành. Đó là cốt yếu nền thánh thiện của Giáo Hội. Liệu chúng ta noi gương hay cho là cổ hủ để tìm kiếm những hình thức ồn ào khác? Ước mong mọi ngươi phân định được rõ ràng. Amen.

Previous articleSỰ KHAI TRIỂN CÂU CHUYỆN THƯƠNG KHÓ
Next articleÝ NGHĨA SỰ TUẪN GIÁO CỦA CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM