“Xa xưa, một vị quân vương nuôi vài con khỉ trong nhà. Vị quân vương luyện cho lũ khỉ cách nhảy múa và cho chúng mặc những bộ quần áo tuyệt đẹp, đeo cho chúng những chiếc mặt nạ hình mặt người.
Một ngày kia, vị quân vương tổ chức yến tiệc và bắt bọn khỉ nhảy múa cho các triều thần thưởng thức. Diễn xuất điêu luyện giống như các mỹ nữ của lũ khỉ khiến ai cũng phải khen ngợi. Nhưng trong số các triều thần, một vị đã cố ý làm rơi một trái chuối trên sàn nhà. Ngay lập tức, những con khỉ đã tháo bỏ lớp mặt nạ, lao vào để tranh nhau trái chuối. Kết quả là cuộc trình diễn được dàn dựng tinh vi của lũ khỉ đã trở thành trò chế giễu cho mọi người”. Rõ ràng, khỉ vẫn mãi là khỉ. Dù có đeo mặt nạ, mặc trang phục và bắt chước động tác của người, chúng vẫn không thể che giấu bản chất thực sự.
Hàng ngày, chúng ta cũng phải đeo những chiếc mặt nạ để đóng các vai diễn trên “sân khấu cuộc đời”. Những kẻ tiểu nhân đeo mặt nạ sẽ khiến người khác tưởng nhầm là quân tử. Kẻ ác đeo mặt nạ đóng vai người lương thiện, kẻ ham lợi danh giả vờ là người liêm chính khiến người khác mất cảnh giác… Những chiếc mặt nạ khiến cho chúng ta không thể đánh giá đúng và phòng bị đối phương trong nhiều tình huống.
Nhưng cho dù cải trang thế nào, khi đứng trước lợi lộc, gặp phải những thứ trong lòng yêu thích, bản chất thực sự của con người sẽ biểu hiện ra một cách vô thức. Kẻ háo sắc dù có tỏ ra đàng hoàng, tử tế, nhưng trước người đẹp cũng khó che giấu bản chất thật qua ánh mắt, cử chỉ. Người hám lợi danh sẽ khó lòng giữ được phong thái đạo mạo khi những lợi lộc bày ra trước mắt.
Áp dụng trong các tình huống thực tế của cuộc sống, những ham muốn, sở thích thực sự của một người sẽ khiến anh ta quên đi “vai diễn” của mình mà lộ rõ bộ mặt thật. Từ cách phản ứng của một người trước lợi danh, chúng ta có thể đánh giá bản chất thực sự của anh ta và có cách ứng xử thích hợp.