Mẹ đâu biết rằng đối mặt với cú sốc thi trượt trường chuyên, con buồn vì trượt thì ít mà tổn thương vì những lời nhiếc móc, những cái thở dài của mẹ thì nhiều.
Mẹ đã nói như thế khi con trượt trường chuyên. Con cảm thấy mình bị bỏ rơi. Với cái tiếng học sinh giỏi, học trường THCS có tiếng, nói đúng hơn là “sang”, là “chảnh” nhưng con không thấy vui. Nhìn bề ngoài, con là đứa trẻ may mắn khi được ba mẹ đầu tư, quan tâm cho chuyện học.
* Vì sao tôi ít sẻ chia với mẹ hơn? * Áp lực “nhìn con nhà người ta…”
Tự khi nào con thấy sợ khi luôn bị gắn mác học sinh đứng đầu. Tự khi nào con không còn khái niệm của ngày cuối tuần, của một bữa ăn đàng hoàng. Tự khi nào con bị lạc vào mê cung của chương trình học và những kỳ vọng lớn lao của ba mẹ. Con và ba mẹ lỗi nhịp trong cuộc đua này, bởi có lúc con thấy mình không gánh nổi những mong muốn của ba mẹ nữa rồi.
Nhớ lại sáu năm trước, ngày con thi trượt trường chuyên, suốt ngày mẹ ca cẩm. Mẹ bảo vào cơ quan xấu hổ nhất là mỗi khi có ai hỏi đến chuyện học của con. Con đã từng muốn thi vào trường vừa sức mình thôi nhưng mẹ nhất quyết yêu cầu con phải vào trường chuyên lớp chọn mới “nên cơm nên cháo”.
Mẹ bảo rằng học mấy trường làng nhàng, vớ vẩn ấy chả ăn thua, chỉ thêm xấu hổ, mẹ nghĩ con vào trường chuyên mới “bõ công cha mẹ”, mặc kệ khả năng của con đến đâu. Thậm chí mẹ từng nói: “Thà trượt vào trường ngon còn hơn là vào trường thường”.
Quan niệm về trường ngon, trường thường của mẹ khiến con tiến chẳng được, lùi không xong. Rồi cùng dịp đó khi con gái cô H. vào trường chuyên, con chú T. vào một trường danh tiếng của top đầu thành phố, mẹ về nhà tỏ ra ngao ngán: “Con nhà mình cũng được học thêm học nếm, đầu tư không thiếu thứ gì, vậy mà chỉ đáng xách dép cho con người ta thôi”.
Nhưng cô H. và chú T. đâu có ép con cái học ngày học đêm, đâu có hằng ngày biến bữa ăn thành lớp học giống mẹ? Con của họ cũng đâu chịu cảnh bị “ra giá” phải thi đỗ? Mẹ đâu biết rằng những lời mẹ nói như “nếu thi trượt là đứa con chẳng ra gì”, “là tát nước vào mặt bố mẹ” khiến con thấy mệt mỏi, áp lực nặng nề khi phải đấu vào trường chuyên lớp chọn.
Mẹ đâu biết rằng không nhìn thẳng vào lực học của con cái, cứ mặc sức “thả câu” để rồi lấy đi cơ hội của con lúc nào chẳng hay. Thấy ba mẹ quá đề cao trường chuyên, bà ngoại nói: “Anh chị cứ quan trọng hóa, vào được trường chuyên rồi gồng mình lên cho theo kịp bạn bè có khi lại thành bi kịch ấy chứ”. Mẹ cự cãi: “Cũng tại cháu nó học… củ chuối quá bà ạ”.
Khi ấy, mẹ đâu biết rằng đối mặt với cú sốc thi trượt trường chuyên, con buồn vì trượt thì ít mà tổn thương vì những lời nhiếc móc, những cái thở dài của mẹ thì nhiều.
Giờ con đã vào đại học nhưng chẳng biết đến bao giờ mới hết phải gồng gánh những kỳ vọng của ba mẹ. Tại sao con chỉ gánh được 50kg mà ba mẹ cứ ép con phải gánh 100kg? Con cảm thấy mình đang bị bỏ rơi vì chính những áp lực, kỳ vọng không có điểm dừng của ba mẹ…