Đạo Đức Internet – Nguyên Tắc Phán Đoán Căn Bản

61

Đạo Đức Internet – Nguyên Tắc Phán Đoán Căn Bản

 

Dẫn nhập

Hội đồng Giám Mục Á Châu (HĐGMAC), trong tài liệu phiên họp của Hội Đồng năm 2004 với chủ đề Gia Đình Á Châu Hướng Về Nền Văn Hoá Của Cuộc Sống Hội Nhập(The Plenary Assembly 2004: The Asian Family Toward A Culture of Integral Life), nhận định rằng sự phát triển và lớn mạnh của nhân loại đang đạt đến cao điểm quan trọng, đưa đến nhiều thay đổi căn bản và xâu xa trong cuộc sống con người. Nền tảng chính của những thay đổi này là kinh tế và cuộc cách mạng đang diễn ra trong phương tiện truyền thông toàn cầu, một phương tiện đang có khuynh hướng biến thế giới thành Làng Toàn Cầu (Global Village) .

Cao điểm này là hiện tượng gia tăng về số lượng cũng như chiều sâu của kiến thức đang được truyền tải một cách hữu hiệu và nhanh chóng qua phương tiện truyền thông và kỷ thuật hiện đại bao gồm kỷ thuật số và Internet. Theo Hội đồng Giám Mục Á Châu, những áp dụng và chia sẻ của những kiến thức này, nói chung, đang cải tiến cuộc sống con người và đáng phải được lưu tâm. Phương tiện truyền thông hiện đại này đang biến đổi cuộc sống gia đình bởi vì ảnh hưởng của chúng trên mọi phương tiện đang được áp dụng trong mọi lãnh vực của cuộc sống hàng ngày, từ máy vi tính cho đến kỷ thuật y học. Tiến trình này, được gọi là “Hiện Đại Hoá” hay còn được gọi là “Nền Văn Hoá Mới,” (new culture) đang làm thay đổi cách suy nghĩ, cảm nhận, phán đoán và hành động của con người. Hội Đồng Giám Mục Á Châu nhấn mạnh rằng kỷ thuật hiện đại không chỉ gia tăng sự hiệu quả của những hoạt động con người, nhưng chúng còn ảnh hưởng đến tiến trình về sự nhận thức chính con người. Chúng bao gồm cuộc cách mạng về tri thức, kỷ thuật và xã hội, biến đổi mối liên hệ của chúng ta đối với thời gian, không gian, thiên nhiên và mọi người chung quanh. Ngoài ra nó còn ảnh hưởng đến nhân vị và giá trị luân lý, tự do và trách nhiệm.[1]

Nền văn hoá mới này, nói chung, được định hướng bởi phương tiện truyền thông hiện đại, mà điển hình là Internet. Hiện nay thế giới đang chứng kiến một sự chuyển đổi trong cách suy nghĩ và tiến trình cấu tạo kiến thức. Hầu hết các hoạt động trong xã hội đang trải qua một tiến trình thay đổi có ý nghĩa xâu xa hơn là chỉ một Sự thay đổi về “sự truyền tải” của ngành truyền thông, hoặc như sự thống trị của văn hoá truyền thông báo chí chuyển mình từ thể văn nói, văn viết đến hình thức đa dạng điện tử báo chí (multimedia) và ngược lại. Hiện tượng về truyền thông mới này, theo Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội, đang tạo nên một khả thể và thách thức hoàn toàn mới mẻ trong việc rao giảng Tin Mừng cũng như trong thương mại, giáo dục, chính trị, các mối liên hệ giữa các quốc gia, cũng như giữa những nền văn hoá khác nhau trong thế giới hiện đại.[2]

A. Internet – Phương Tiện Truyền Thông.

1. Internet là gì?

Để hiểu Internet là gì, chúng ta cần phải đi ngược lại dòng thời gian về cuộc chiến tranh lạnh trong thập niên 60, khi mà mọi phe phái cố gắng ngăn ngừa cuộc tấn công nguyên tử bằng cách tạo ra hệ thống phân quyền (decentralized) các máy vi tính. Với hệ thống này, nếu một hoặc nhiều máy vi tính bị đánh cắp thì không phải lo sợ là tài liệu cũng bị đánh cắp. Việc Liên Bang Xô Viết phát động chương trình Sputnik[3] là nguyên nhân để Hoa Kỳ thành lập Cơ Quan Nghiên Cứu Kế Hoạch Quốc Phòng Cao Cấp (Defense Advanced Research Project Agency) gọi tắc là DARPA mục đích là để lấy lại uy thế lãnh đạo về kỷ thuật của Hoa kỳ.

Cơ quan này, sau đó lại thành lập Văn Phòng Phát Triển Dữ Kiện Kỷ Thuật (Information Processing Technology Office) , gọi tắt là IPTO để nghiên cứu xa hơn nữa về Chương Trình Môi Trường Bán Tự Động Trên Mặt Đất (Semi Automatic Ground Environment Program) , đây là chương trình đầu tiên đã đưa ra hệ thống ra-da trên toàn quốc. Sau một thời gian kiên trì làm việc, điểm nối đầu tiên đã được thực hiện tại đại học California – Los Angeles (UCLA) vào ngày 29 tháng 10 năm 1969 được gọi là Cơ Quan Nghiên Cứu Cao Cấp Quốc Phòng Về Mạn (Advanced Research Project Agency Network) , gọi tắt là ARPANET tiền thân của Internet ngày nay.

Internet hay gọi tắc là Net bắt đầu vào cuối thập niên 1980, với sự trợ giúp tài chánh của chính phủ Mỹ, là hệ thống đầu tiên nối kết các đại học và các học viện thương mại và xã hội khác trên toàn nước Mỹ. Internet được hiểu như là một hệ thống nối kết nhiều máy vi tính trên toàn thế giới lại với nhau qua hệ thống điện thoại. Hệ thống này chuyển máy vi tính cá nhân thành một điểm của mạn toàn cầu, để máy có khả năng liên lạc với những máy được nối mạn khác trên thế giới qua những nhu liệu ứng dụng như email, newgroups, cũng như chuyển đạt dữ kiện qua hypertext (World Wide Web -WWW), cũng như những ứng dụng đồng bộ dùng cho nhiều người như chương trình Chat v.v… Internet cũng cung cấp hạ tầng cơ sở để cho phép một cá nhân có thể làm việc với người khác trên cùng một diễn đàn mà trong đó một người có thể giữ nhiều vai trò khác nhau vừa là người sử dụng, sản xuất và là người tiêu thụ.

2. Cyberspace (Không gian ảo) là gì?

Từ ngữ “cyberspace,” đầu tiên được sử dụng bởi William Gibson, một tiểu thuyết gia khoa học người Canada, trong một bài viết có tựa đề Burning Chrome được đăng trong tạp chí Omni. Từ ngữ này sau này lại được dùng trong một tiểu thuyết khác của ông có tựa đề là Newromancer, trong đó ông đã định nghĩa cyberspace như sau:

Kinh nghiệm ảo giác đồng nhất bởi hàng tỉ người sử dụng một cách hợp pháp, tại mọi quốc gia, … một đồ thị trình bày của các dữ kiện rút ra từ hàng ngàn máy vi tính trong hệ thống nhân loại. Một sự phức tạp không thể tưởng được. Những tia sáng đi vào khắp vào cõi vô biên của tâm trí, của những tụ điểm và chòm sao dữ kiện. Giống như thành phố của ánh sáng.[4]

Vào năm 1995, Gibson lại giải thích thêm về cyberspace trong một buổi phỏng vấn của đài truyền hình. Ông nói,

Trong một ý nghĩa chính xác, tôi nghĩ cyberspace là một nơi chốn, nơi đó một cuộc điện thoại viễn liên có thể xảy ra. Nói rõ hơn đó là nơi mà mọi cuộc điện đàm xảy ra… Tôi có thể nói rằng khi con người sử dụng Internet, đó là lúc mà họ đang đi vào cyberspace. Khi bạn dùng Internet là lúc bạn đang vào trong một địa hạt mà biên giới địa lý không còn hiện hữu. [5]

Từ những khái niệm này, Techtarget đưa ra định nghĩa rằng “Cyberspace là một sự nối kết toàn thể nhân loại qua máy vi tính và hệ thống viễn thông mà biên giới địa lý không còn hiện hữu.”[6] Từ ý niệm này, cyberspace có thể được diễn tả như là không gian nơi mà truyền thông xã hội và sự phát triển của các tư tưởng chính trị được định hướng. Nhưng hình thể của dữ kiện, tiến trình truyền đạt lại tuỳ thuộc vào những điều kiện đặc biệt của Internet.[7]

Hiện tại, từ cyberspace phần lớn được dùng trong ý nghĩa biểu tượng và hầu như được liên kết với Internet. Trong khi Internet là việc nối kết vật lý giữa các máy vi tính qua hệ thống vệ tinh hoặc điện thoại để chuyển đạt dữ kiện hay tin tức, thì, cyberspace không chỉ là sự nối kết vật lý, nhưng còn hơn thế nữa. Đây là một không gian trừu tượng mà qua đó sự liên lạc giữa người này với người kia được tiến hành xuyên qua Internet. Cyberspace thường được dùng để ám chỉ đến chủ thể và cá nhân chỉ hiện hữu trong hệ thống Internet. Thí dụ như một website được diễn tả một cách tượng trưng như sự hiện hữu trong cyberspace. Theo nghĩa này, các biến cố xảy ra trong Internet không xảy ra tại những quốc gia nơi mà những người tham gia hay những máy chủ được đặt môt cách thể lý, nhưng trong cyberspace. Chính vì điều này mà căn tính thể lý và địa điểm của người tham dự trong cyberspace trở nên khó để xác định nếu người tham dự muốn dấu tên hay nói cách khác nặc danh hoặc dùng ký hiệu, điều này dẫn đến hậu quả là “luật pháp của bất cứ quốc gia nào cũng không thể nào áp dụng trên Internet được.”[8]

Mặc dầu không một luật pháp quốc gia nào có thể áp dụng trong Net, nhưng, theo Ottmar John, những người làm việc trong không gian ảo này không phải là hoàn toàn tự do khi làm một việc gì đó có tính luân lý hay đạo đức. Nói cách khác, bất cứ hoạt động nào trong Internet cũng bao hàm những qui định đạo đức thích hợp. Theo ông, hiện nay, Internet được hiểu như là phương tiện truyền thông giữa con người, do đó cần phải có một sự phân biệt rõ ràng giữa chủ thể và khách thể trong những hành động luân lý, và rằng nhân vị và quyền lợi chung phải được xem như là thước đo trong việc định giá những biến cố cụ thể trong thế giới ảo. [9]

Trong ý nghĩa này, trong khi nhìn nhận rằng Internet là một, “diễn đàn…một trận tuyến mới đang rộng mở tại thời điểm bắt đầu của ngàn năm thứ ba, [10] Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội cũng điểm ra rằng, Internet có thể cung cấp nhiều cơ hội tuyệt vời cho việc truyền bá Tin Mừng nếu chúng được dùng một cách có trách nhiệm và người sử dụng phải có một nhận thức rõ ràng về những ưu điểm và khuyết điểm của chúng. Nó có thể cung cấp nhiều cơ hội tuyệt hảo nếu dùng vào những việc tốt, nhưng “nhiều điều bất lợi cũng có thể xảy ra nếu chúng được dùng một cách không thích hợp” [11] do bởi, chúng cũng có thể được dùng với mục đích để “khai thác, thao tác, thống trị, và lạm dụng.”[12] Vì thế chúng ta cần bước vào môi trường truyền thông mới này với một thái độ thực tế, tự tin và một sự hiểu biết đúng đắn rằng nó chỉ là phương tiện, không phải là mục đích trong chính nó như Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội nói “truyền thông tự nó không làm gì cả; chúng chỉ là phương tiện, dụng cụ, được dùng khi con người chọn để sử dụng.”[13] Dụng cụ, tự nó, không tốt cũng không xấu, do đó cần phải được định giá và phán đoán dựa trên nền tảng căn bản: “Ngày Sabbath là vì con người, chứ không phải con người được dựng nên vì ngày Sabbath” (Mk. 3:27). Để hiểu khái niệm luân lý này, trước hết chúng ta cần hệ thống hoá những gì chúng ta hiểu về truyền thông, đặc biệt Internet, để đưa ra một kiểu mẫu mà chúng ta có thể dùng để thảo luận tùy theo những hoàn cảnh khác nhau.

3. Internet được hiểu như Phương Tiện Truyền Thông.

Wilbur Schramm, vào năm 1954, đã đưa ra mẫu căn bản của truyền thông như sau.

Theo mẫu này, việc chuyển mật mã bản tin có thể bao gồm trong việc chọn lựa kênh (channel) để truyền bản tin tương ứng như trong tiến trình giải mã bản tin. Tiến trình giải mã tạo trong người nhận một sự hồi tiếp (feedback) được truyền ngược trở lại mà trong đó người gởi trở thành người nhận và người nhận thành người gởi.Trong tiến tình này, vai trò giữa người gởi và người nhận luôn thay đổi: Người gởi trở thành người nhận và người nhận trở thành người gởi và ngược lại. Cần chú ý là mỗi khi hoán đổi vị trí giữa người nhận và người gởi điều này là một tiến trình mới trong việc truyền tin.

Dựa và mẫu truyền thông này cũng như định nghĩa về mẫu truyền thông Internet vừa được diễn tả, một mẫu truyền thông có thể giải quyết những khía cạnh kỷ thuật của truyền thông có thể được đưa ra. Mẫu này có sáu thành phần bao gồm người gởi, chuyển mã (encoder), môi trường, giải mã, người nhận, và bản tin.

Thành phần của hệ thống này gồm như sau:

• Người Gởi: Người đang gởi một bản tin cho người nhận.

• Người Nhận: Người mà bản tin được gởi đến.
• Chuyển mã (Encoder): được dùng để biến âm thanh thành làn sóng điện, để chúng có thể truyền đi qua đường dây.
• Bản Tin: là bản tin được chuyển thành làn sóng để được truyền đi qua đường dây.
• Hệ Thống Truyền Thông (Medium): là hệ thống mà bản tin được truyền đi. Như hệ thống điện thoại, Internet, và những hệ thống điện tử khác.
• Giải Mã: nhận lấy bản tin dưới dạng làn sóng và chuyển trở lại hình thức mà người nhận có thể hiểu được.

Tuy nhiên, kiểu mẫu thì dễ hiểu đối với một chuyên viên kỷ thuật hoặc cho các kỷ sư sử dụng trong mục đích kỷ thuật, nhưng lại có thể khá phức tạp nếu dùng trong mục đích truyền thông để bàn về những vấn đề có tính cách luân lý hay đạo đức. Vì thế, để đơn giản hoá, một mẫu truyền thông khác được đưa đề nghị. Theo mẫu này, thì tiến trình chuyển mã (encoder), và giải mã (decoder) được nhập chung vào trong hệ thống truyền thông (medium), bởi vì, trong cái nhìn luân lý hoặc đạo đức, chúng ta không cần chú ý nhiều đến chi tiếc của hai thành phần kỷ thuật này. Chúng ta có thể xét những thay đổi của chúng như là thay đổi của toàn bộ hệ thống truyền thông (medium). Như vậy, mẫu này chỉ còn lại bốn thành phần.

Mẫu này chúng ta có thể gọi là Nối Kết Truyền Thông. Theo mẫu này, để được gọi là Nối kết Truyền thông phải hội đủ bốn thành phần: người gởi, người nhận, hệ thống truyền thông, cùng với bản tin đang được truyền tải qua hệ thống truyền thông đó. Điều này có nghĩa là khi một người gởi truyền đi một bản tin, hệ thống truyền thông (medium) truyền tải bản tin đó, và người nhận đồng ý để nhận bản tin đó. Như vậy khi bản tin chưa được gởi đi, thì người nhận và hệ thống truyền thông có thể không hiện hữu bởi vì đường dây chưa được nối kết. Thí dụ, đường dây điện thoại trong nhà mặc dầu trong lý thuyết là đã được nối với tất cả những máy điện thoại khác trên toàn thế giới qua hệ thống điện thoại. Tuy nhiên, cho đến khi nào chúng ta nhận một cú điện thoại thì mới được gọi là đường dây điện thoại đang được nối kết, nếu không hội đủ điều kiện này, thì đường dây của chúng ta không có Nối Kết Truyền Thôngnhưng chỉ được hiểu là một sự nối kết ảo.

Để gởi một bản tin qua hệ thống nối kết truyền thông này, người gởi phải chủ động xúc tiến việc nối kết, và người nhận phải ước muốn để nhận. Cả hai phải đồng thuận. Nghĩa là, để được gọi là có nối kết truyền thông thì cả hai bên, nhận và gởi, phải thoả mãn những điều kiện là người nhận muốn nhận và người gởi muốn gởi. Nói cách khác, nếu người nhận muốn nhận bản tin, nhưng người gởi lại không gởi bản tin hay ngược lại nếu người gởi muốn gởi bản tin, nhưng người nhận lại không muốn nhận bản tin thì chưa thể được gọi là hai người đã có nối kết truyền thông. Đối với một bản tin được gởi từ người gởi đến người nhận thì hệ thống truyền thông là phương tiện để chuyển tải, hệ thông này không nhất thiết là phải biết nội dung của bản tin mà nó chuyển tải.

Điều cần lưu ý trong hệ thống truyền thông này là việc nối kết giữa người gởi và người nhận là sự nối kết một chiều. Do đó nếu chúng ta cảm thấy, truyền thông đang xảy ra cả hai chiều, điều này phải được hiểu như là hai lần nối kết khác nhau – mỗi lần nối kết cho một chiều. Để dễ hiểu, chúng ta hãy minh hoạ một thí dụ của mẫu này áp dụng vào một trong những áp dụng thông dụng nhất của Internet: Chương trình tìm kiếm tài liệu (a search engine query) , như Google chẳng hạn.

• Đầu tiên gọi S là chương trình tìm kiếm tài liệu, và người dùng chương trình đó để tìm kiếm tài liệu là P. Giả sử P đang vô Internet và đang mở trang web của Google và gởi câu hỏi để Google tìm kiếm một tài liệu nào đó.

• P (người gởi) bắt đầu nối mạng với S (đang đóng vai người nhận) qua Internet (đường dây).
• P (người gởi) gởi câu hỏi (bản tin). S (người nhận) chấp nhận sự nối kết này, nhận câu hỏi được yêu cầu và bắt đầu công việc tìm kiếm tài liệu trên Internet để trả lời cho câu hỏi của P(người gởi). Đây là tiến trình của lần nối kết thứ nhất.
• Sau khi tìm được những kết quả, S, giờ đây trở thành người gởi bắt đầu tạo nối kết khác với P, hiện tại đang trở thành người nhận. S (người gởi) gởi kết quả cho P (người nhận). Đây là Tiến trình của lần nối kết thứ hai.

Nếu theo suy nghĩ của các nhà kỹ thuật truyền thông, cà hai tiến trình này được xem như là cùng một hệ thống nối mạng được sử dụng, vì thế không có sự nối kết nào khác được tạo ra. Điều này đúng trên phương diện kỷ thuật, nhưng theo cái nhìn của con người, thì đây là một sự nối kết mới. Trong trường họp này. P – người gởi của lần nối kết đầu tiên đã trở thành người nhận cho cuộc nối kết lần thứ hai, tương tự như vậy S, người nhận của lần nối kết trước đó, lại trở thành người gởi cho lần nối kết thứ hai. Hệ thống truyền thông (medium) là những gì nằm ở giữa, điểm đầu của việc nối kết là từ máy vi tính của P đến website tìm kiếm dữ liệu (Google, hoặc Yahoo) và ngược lại.

Lý do mà chúng ta cần phải hiểu nguyên tắc truyền thông này là để có thể xác định ai là người chịu trách nhiệm về một hành động nào đó trong Chuổi Trách Nhiệm mà chúng ta sẽ đề cập đến khi bàn về nguyên tắc luân lý căn bản của truyền thông.

Cần lưu ý là mẫu truyền thông này không chỉ áp dụng cho Internet và truyền thông dựa trên vi tính nhưng còn có thể áp dụng cho tất cả hình thức khác của truyền thông. Thí dụ, khi mua một tờ báo, tờ báo là “hệ thống truyền thông” (medium), người gởi là nhà xuất bản, người nhận là người đọc giả. Khi xem truyền hình thì truyền hình là “hệ thống truyền thông,” chương trình truyền hình là người gởi, và người xem là người nhận. Cũng vậy khi chúng ta nói chuyện với ai đó, không gian giữa hai người chính là hệ thống truyền thông và lời nói là bản tin.

4. Chuỗi Trách Nhiệm

Có nhiều vấn đề thuộc về luân lý có thể xảy ra theo kiểu mẫu truyền thông vừa nói trên. (1) Một ai đó, bằng cách này hay cách khác, có thể xen vào giữa cuộc điện đàm của hai người và bóp méo bản tin giữa hai người – người gởi và người nhận đầu tiên. (2) Hệ thống truyền thông (communication medium) có thể ảnh hưởng hoặc làm sai lạc hay bóp méo bản tin hoặc do cố ý của một người nào đó, hoặc do một lý do nào đó ngoài ý muốn, đặc biệt nếu Hệ thống truyền thông đó có nhiều máy vi tính đã được nối kết. Vì vậy, để xác định ai là người chịu trách nhiệm cho hành động của họ, điều này đưa đến khái niệm về “Chuổi Trách Nhiệm.” Để hiểu ý nghĩa của “Chuổi Trách Nhiệm”, trước hết cần khảo xác một vài thí dụ điển hình.

Thí dụ trong một bài tường thuật của tờ báo, một ký giả trích dẫn một lời bình luận từ một vài nguồn nào đó. Khi trích dẫn, ký giả hành động nhân danh tờ báo, là nguồn đang cố gắng để truyền tới người đọc về câu chuyện của bài báo.

Trong tiến trình truyền đạt từ nguồn đến người đọc, chủ bút của tờ báo xen vào, hoặc để sửa đổi lời trích dẫn, hoặc giải thích đề tài dựa vào lời trích dẫn đó. Nếu dựa theo nguyên tắc đạo đức báo chí: Nói Sự Thật (truth telling), thì người chủ bút nằm trong “Chuỗi Trách Nhiệm” cho việc truyền thông này. Bởi vì theo nguyên tắc đạo đức này, người chủ bút không được phép bóp méo ý nghĩa của lời trích dẫn.

Chịu trách nhiệm cho một bản tin có nghĩa là chúng ta phải nhận lấy ít nhất một phần trách nhiệm đối với hậu quả cuối cùng của việc truyền đạt đó, nếu bằng cách này hay cách khác, chúng ta có hành động gì đó gây ảnh hưởng đến bản tin. Thí dụ, khi tôi đang làm việc trong văn phòng. Hàng triệu cuộc điện đàm đang xảy ra trên đường dây điện thoại. Tôi không có trách nhiệm nào trong Chuỗi Trách Nhiệm đối với bất cứ cuộc điện đàm nào đang xảy ra này, bởi vì trong thực tế, tôi không có khả năng để gây bất cứ ảnh hưởng nào trên những cuộc điện đàm trên. Tuy nhiên, nếu một người nào đó gọi đến văn phòng hay nhà của tôi và để lại lời nhắn cho bạn của tôi, hay con cái của tôi, tôi có thể tạo ảnh hưởng lên lời nhắn đó, bằng cách nói sai lệch ý nghĩa của lời nhắn đó chẳng hạn. Trong trường hợp này, tôi ở trong Chuỗi trách nhiệm cho lời nhắn đó, do bởi tôi có khả năng để huỷ bỏ, hoặc sửa đổi ý nghĩa của lời nhắn đó trước khi chuyển nó đến tay người nhận thực sự.

Một thí dụ khác, giả sử một hacker phá được mật mã để vào một máy vi tính của một ai đó và cài đặt chương trình File Transfer Protocol (FTP)[14] trên ví tính đó, khiến cho máy vi tính này copy bất hợp pháp nhiều nhu liệu hoặc nhạc hoặc phim ảnh. Giả sử như nhiều ngày sau đó, người chủ của máy vi tính biết được và lập tức tắt máy vi tính của anh ta hay chị ta. Trong suốt thời gian này, chúng ta thấy máy vi tính đã vi phạm luật bản quyền tác giả. Trong trường họp này, theo cái nhìn luân lý, ai là người đã phạm luật: Máy vi tính hay người chủ của máy hoặc hacker? Dĩ nhiên không ai có thể kết tội máy vi tính bởi vì chúng chỉ là một chiếc máy. Do đó, vấn đề thực sự mà chúng ta cần nghĩ đến: ai là người đang nằm trên “Chuỗi Trách Nhiệm” trong trường họp này? Nếu dựa theo nguyên tắc “truyền thông tự nó không làm gì cả; chúng chỉ là phương tiện, dụng cụ, được dùng khi con người chọn để sử dụng,”[15] thì chúng ta không thể qui trách nhiệm cho người chủ của máy, bởi vì họ đã không biết được việc phạm pháp này, do đó đã không có hành động cụ thể nào để ngăn chận máy của anh hay chị ta copy cách bất hợp pháp. Máy của anh hay chị ta bị sử dụng như một dụng cụ truyền thông bởi một người gởi và nhận xa lạ. Trên phương diện luân lý, thì người chủ máy vô tội, anh ta hay chị ta chỉ là người ngoài cuộc đối với hành động vi phạm quyền tác giả. Như vậy người còn lại mà chúng ta có thể kết tội là hacker.

Từ những thảo luận này, Chuỗi Trách Nhiệm là cách thức để xác định tất cả những phần tử trách nhiệm cho việc thao tác hoặc bóp méo một bản tin trong truyền thông xã hội. Nhìn vào hình số 2, chúng ta có thể nhận ra con người là thành phần chính yếu trong tiến trình truyền thông. Truyền thông chỉ xảy ra giữa con người, vì thế, chỉ có con người – bao gồm công ty và chính quyền – mới được xét như là con người trong bối cảnh của truyền thông. Bất cứ những người có thể làm ảnh hưởng đến bản tin đều ở trong Chuỗi Trách Nhiệm. Máy móc không thể chịu trách nhiệm bất cứ điều gì theo cái nhìn đạo đức, bởi vì chúng không phải là con người. Không ai mang máy vi tính để bỏ tù cả.

Internet hay máy vi tính chỉ là môi giới qua đó mọi việc có thể xảy ra. Nó là một thực thể không hiện hữu (null entities) trong ngôn ngữ đạo đức. Như vậy, để tìm câu trả lời cho câu hỏi “tại sao nhu liệu vi tính bắt đầu thế này mà không là thế kia?” chúng ta phải tìm trong xã hội con người chứ không phải trong một máy tính. Kỷ thuật chỉ cho phép và tạo điều kiện cho việc liên lạc giữa con người với nhau. Chỉ có những hành động bị đặt vấn đề là những hành động do con người thực hiện. Phương tiện truyền thông (báo chí, truyền thanh, truyền hình, Internet) nói chung chỉ là dụng cụ. Chúng không có chỗ đứng khi xét về luân lý hay đạo đức. Vì thế chúng ta không cần phải lo lắng gì về khả năng của máy chủ cũng như nhu liệu mà người gởi và người nhận sử dụng. Điều mà chúng ta cần lưu ý đó là: ai là người phân phát nội dung của bản tin; bản tin từ đâu đến; và ai là người đang nằm trên Chuỗi Trách Nhiệm tại thời điểm đó v.v… Sự xác tín về tính nhất quán trong khía cạnh luân lý truyền thông là: con người và cộng đoàn nhân loại là trọng tâm trong việc lượng định về luân lý Internet.

Hiểu truyền thông theo nghĩa này, chúng ta thấy, truyền thông xã hội không phải là những dụng cụ trung lập trong cách sử dụng và những ảnh hưởng của chúng. Chúng được mở rộng cho bất cứ những chủ ý để hiện thức hoá những gì mà chúng có thể được dùng để thực hiện. Chúng có thể là một phương tiện hiệu quả để thực hiện một điều gì đó tốt hoặc xấu. điều tốt hay xấu này tùy thuộc vào cách mà con người xử dụn chúng.

Khi cha mẹ nhìn con cái đang từ từ trở thành các nhà chuyên môn trong nền văn hoá mới, một việc hoàn toàn xảy ra trong gia đình với Internet, các phụ huynh không thể không thắc mắc điều gì đang xảy ra cho con cái của họ trong một nền văn hoá không thể đoán trước được này. Dĩ nhiên, kỷ thuật hiện đại có sức mạnh tiềm ẩn rất lớn cho nhiều điều tốt như phá vỡ các bức tường ngăn cách, liên kết nhiều cá nhân và nhiều nhóm trên thế giới lại với nhau, khuyến khích sự hợp tác và chia sẻ. Nhưng liệu nó có thể được trang bị và giáo dục trong một cách thức để nó không phá hủy những giá trị xâu xa của cuộc sống, của sự thật và tố đẹp, luân lý và tôn giáo hay không?

Làm thế nào chúng ta có thể bảo đảm rằng cuộc cách mạng tin học và truyền thông, mà Internet là kỷ thuật chính yếu, sẽ giúp cho việc phát triển nhân bản và đoàn kết toàn cầu, được liên kết một cách gần gũi đối với sứ vụ truyền giáo và giáo dục của Hội thánh? Đâu là những dữ kiện chúng ta có về sức mạnh của nền truyền thông mới này ảnh hưởng trên nhân cách của giới trẻ? Những loại nghiên cứu nào chúng ta cần có để tìm hiểu tốt hơn về vai trò của truyền thông mới này trong cuộc sống giới trẻ? Và làm thế nào để những người quan tâm đến giới trẻ có thể định hướng vai trò của họ trong việc trả lời cho những ảnh hưởng này? Để trả lời cho những câu hỏi này, điều cần thiết là Hội Thánh và những người đang quan tâm đến giới trẻ phải biết cách thức mà giới trẻ đã và đang bị ảnh hưởng bởi nền truyền thông mới, và cách thức để truyền đạt những suy tư đạo đức cho chúng để tạo ảnh hưởng trên chúng.

———————————————————————————-

Chú thích:
[1] Xem Federation of Asian Bishops’ Conference (FABC), The Asian Family Toward a Culture of Integral Life, nos. 20-26 (23 Apr., 2004). Xem Fagan Sean, S.M., Does Morality Change? (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 21.
[2] Xem PCSC, Church and Internet, Feb. 22, 2002, 2. Xem JP II, The Media and the Family, 2. Xem FABC The Asian Family Toward a Culture of Integral Life, nos. 89, 90 (23 Apr., 2004).
[3] Chương trình Sputnik là một loạt các sứ vụ không gian dấu tên được phóng vào không gian bởi Liên Xô trong những năm cuối thập niên 50 để chứng tỏ khả năng nhân tạo của hệ thống vệ tinh. Sputnik 1, là vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới được phóng vào không gian vào ngày 4/5/1957. Phi thuyền Sputnik 5 được phóng vào quĩ đạo của trái đất vào ngày 19/8/1960 với hai con chó Belka và Strelka, 40 con chuột nhỏ, 2 chuột lớn cùng với nhiều loại thảo mộc khác nhau. Phi thuyền này trở về trái đất ngày hôm sau đó và tất cả những con vật đểu sống an toàn. Tất cả những phi thuyền Sputnik được phóng vào quĩ đạo bằng dàn phóng hoả tiển R-7, được chế tạo để phóng các đầu đạn nguyên tử. Chương trình Sputnik 1 và sự thất bại của hai chương trình Project Vanguard đầu tiên đã làm cho Hoa kỳ lo sợ, do đó đã đáp trả bằng một loạt đưa vào không gian những vệ tinh như Explorer 1, Project SCORE, Advanced Research Projects Agency and Courier 1B. Chương trình Sputnik cũng đưa đến việc thành lập cơ quan NASA và việc gia tăng ngân quĩ của chính phủ trong việc nghiên cứu khoa học và giáo dục tại Hoa Kỳ.
[4] Gibson William, Neuromancer (New York: Ace Books, 1984), 51.
[5] Ibid., 1.
[6]Techtarget, “Cyberspace – a What is Definition.” (Techtarget, 1999) at http://whatis.techtarget.com/definition/0,289893,sid9_gci21883,00.html.
[7] Borggman Erik, van Erk Stephan, and Haker Hille, ed., “Cyberspace – Cyberethics – Cybertheology,” Concilium 2005/1 (SCM Press: London, 2005), 7.
[ 8]Wikipedia, The Free Encyclopedia at http://en.wikipedia.org/wiki/Cyberspace.
[9]Xem John Ottmar, “Cyberethcic: New Challenges or Old Problems?” in Borgman Erik, Van Erp Stephan, and Haker Hille, eds., “Cyberspace – Cyberethics – Cybertheology,” Concilium, 2005/1 (London: SCM Press, 2005), 15.
[10]JP II, Message of The Holy Father For The World Communications Day Theme: “Internet: A New Forum for Proclaiming the Gospel” Sunday, May 12, 2002, 3.
[11] PCSC, Ethics in Internet, 2.
[12] Ibid., 1.
[13] PCSC, Ethics in Communication, 4.
[14] File Transfer Protocol (FTP) là một qui luật được dùng trong net để truyền tải dữ kiện từ một máy vi tính này đến máy khác trên hệ thống mạn như Internet.
[15] PCSC, Ethics in Communication, 4.