Luân Lý Trong Thế Giới Internet Hôm Nay
Tuy nhiên khi vào mạng, người ta như đang sống trong một không gian ảo (cyberspace), một nơi chốn mà những biên giới địa lý không còn hiện hữu nữa. Trong không gian đó hàng tỷ người trên khắp thế giới được kết nối với nhau qua các máy vi tính cá nhân nối mạng với hệ thống viễn thông toàn cầu, để có thể gặp gỡ và chia sẻ những kinh nghiệm phần nào mang tính ảo giác và phức tạp. Trong không gian đó, tên tuổi và địa điểm thực của những người tham dự rất khó xác định và thậm chí không tồn tại. Vì thế luật pháp của các quốc gia hầu như không có hiệu lực đối với mạng Internet. Điều này khiến cho mạng trở thành một loại không gian mới nằm ngoài tầm kiểm soát. Nhiều người có thể hiện diện cách “ẩn danh” trên mạng. Đó cũng là lý do khiến các thế lực xấu tha hồ đưa lên mạng những chương trình xem ra hấp dẫn, nhằm khuyến khích sự tự do phóng túng và thu hút người xem rơi vào những cái bẫy có vẻ êm dịu ngọt ngào của các giá trị xấu. Luân lý mạng trở thành một đề tài thời sự và thách đố cho những người có trách nhiệm trong đời sống Giáo Hội và cả xã hội.
Luân lý và đạo đức trong truyền thông là một lãnh vực vượt xa những quan tâm của Giáo Hội, cho đến cuối thập niên 1970 chỉ có 15 cuốn sách và 68 giáo trình viết về đề tài này, thế nhưng chỉ 20 năm sau đã có thêm khoảng 100 quyển sách và gần 200 giáo trình nghiên cứu đào sâu vấn đề (x. F.J. Eilers, Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo, bản dịch năm 2008 của UB Truyền thông Xã hội / HĐGMVN, tr. 87). Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội đã đưa ra một cái nhìn bao quát về những vấn đề này trong tài liệu “Đạo Đức trong Truyền Thông” ban hành năm 2000: “…Nhân loại đã thành công trong việc tạo dựng một mạng lưới toàn cầu để truyền đạt ngay tức thời những tin tức, ý tưởng, bình luận giá trị về khoa học, thương mại, giáo dục, giải trí, chính trị, nghệ thuật, tôn giáo và mọi lĩnh vực khác. Mạng lưới này, rất nhiều người đã có thể tiếp cận trực tiếp ngay tại nhà, trường học và nơi làm việc của mình – hay đúng hơn, ở bất cứ nơi nào. …Một cá nhân hôm nay có thể leo cao tới tận đỉnh của thiên tài và đức độ, cũng như có thể ngụp sâu tới tận đáy của sự suy đồi mà chỉ cần ngồi một mình trước bàn phím và màn hình. Công nghệ truyền thông liên tục thực hiện những cuộc đột phá, với tiềm năng khổng lồ – cho cả điều tốt lẫn điều xấu.” (Đạo Đức trong Truyền Thông, số 27). Chính vì thế, “mạng Internet đặc biệt làm dấy lên mối quan ngại về những hậu quả hoàn toàn mới do mạng Internet đem lại: đó là đánh mất giá trị nội tại của những thông tin, là đồng nhất cách thiếu phân biệt mọi thông điệp tới mức chúng chỉ còn là những bản tin không hơn không kém, là thiếu phản hồi một cách có trách nhiệm và làm suy giảm các mối quan hệ liên vị” (Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo, tr. 89).
Đúng thế, nhìn thẳng vào thực tế không ai phủ nhận những giá trị tích cực của mạng Internet, nhưng cho đến nay rất nhiều những vấn đề gay cấn đáng báo động về phương diện luân lý đạo đức liên quan đến mạng vẫn chưa được quan tâm đủ. Trong bối cảnh đó, việc nhận định biện biệt và ý thức cá nhân đóng vai trò quyết định trong chọn lựa của người sử dụng mạng. Bài viết này ước muốn lược qua những vấn đề bức xúc nhất hiện nay để khơi lên những trao đổi sâu rộng hơn nhằm giúp những ai đang sử dụng mạng hàng ngày tránh bớt được những nguy cơ tiềm ẩn của nó.
Với những khả năng mang tính cập nhật và phổ quát ở tầm mức toàn cầu, mạng trở thành một hệ thống thương mại bao gồm mọi dịch vụ với những chiến thuật cạnh tranh khốc liệt. Và khi nói đến thế giới của kinh doanh buôn bán thì lợi nhuận thường được đặt lên trên các tiêu chí về luân lý đạo đức. Thomas L. Friedman tóm tắt lịch sử của thế kỷ hai mươi mốt trong tác phẩm rất ăn khách Thế Giới Phẳng (The World Is Flat) và cho thấy những khả năng lớn lao của mạng Internet: “…Bây giờ Internet làm cho toàn bộ thế giới này giống như một thương trường. Cơ sở hạ tầng này sẽ không chỉ thúc đẩy tìm nguồn sản phẩm có giá tốt nhất, chất lượng tốt nhất, từ địa điểm tốt nhất, mà còn cho phép chia sẻ nhiều tập quán và tri thức, tôi có thể học từ bạn và bạn có thể học từ tôi là điều chưa từng xảy ra. Điều này rất tốt cho thế giới. Kinh tế sẽ thúc đẩy hội nhập và hội nhập sẽ thúc đẩy kinh tế” (tr. 331). Thế nhưng “lợi bất cập hại”, ngành thương mại Internet không chỉ có mỗi mặt tốt!
Không như các chương trình truyền thanh truyền hình mang tính “phát ra”, đi đến càng nhiều khán giả càng tốt, các trang mạng mang tính “thu vào”, và khả năng thành công của một web-site được tính bằng con số các vị khách đến thăm hàng ngày. Để duy trì sức thu hút, mạng là địa bàn mới của mọi loại quảng cáo, nơi giới thiệu, chào mời cho mọi loại hàng hoá sản phẩm, từ vật chất cho đến tinh thần, thậm chí cả cho đời sống thiêng liêng nữa. Quảng cáo trên mạng ngày càng đa dạng, hấp dẫn, nhưng phần nhiều mang tính lừa đảo. Một số nhóm quảng cáo thu thập các email của khách hàng và chào mời bán lại cho các công ty kinh doanh để thu lợi. Gởi thư hàng loạt là một ứng dụng tiện lợi của mạng, nhưng đã bị lợi dụng để quấy rối những người sử dụng. Các loại thư “spam” nhiều khi còn mang theo vi-rút làm tê liệt hoặc gây hư hại cho các máy tính. Không biết các “hacker” được lợi gì khi “tung chiêu” khủng bố trên mạng với các loại vi-rút nguy hiểm, nhưng chắc chắn những người kinh doanh phần mềm diệt vi-rút sẽ có thêm thu nhập…
Ngoài ra, không thiếu những tên “tội phạm thời a-còng” đã lợi dụng Internet để xâm nhập vào các trang web, lấy đi các tài khoản, thẻ tín dụng và cả những thông tin quan trọng của người khác để mưu lợi cá nhân cách bất chính. Điều này tạo nên bao hậu quả nhức nhối và những lo ngại về sự thiếu tin cậy của mạng Internet. Những biểu hiện mang tính thương mại và những xảo thuật trên mạng không thể coi thường, vì thế thông tin các loại lấy từ mạng cần phải được kiểm chứng kỹ càng, nếu không thì “tiền mất tật mang”. Có thể nói rằng người ta mua được mọi thứ trên mạng, nhưng không phải mọi thứ đều đáng mua! Tính thương mại còn ảnh hưởng cả trên các giá trị tôn giáo, như thể biến tất cả thành những món hàng. Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội cho biết: “Những dữ liệu thống kê cho thấy một số người ghé thăm các trạm thông tin tôn giáo hành xử như đang đi mua sắm, lựa chọn những thành phần của những gói hàng tôn giáo được cắt xén theo sở thích. Khuynh hướng những người Công Giáo muốn chọn lọc trong sự trung thành với các giáo huấn Giáo Hội là một vấn nạn đã được nhìn nhận trong những bối cảnh khác…” (Giáo Hội và Internet, số 9).
Ở cấp độ vĩ mô, thị trường truyền thông phục vụ chính yếu cho thiểu số những người giàu, người sở hữu các loại phương tiện truyền thông tân tiến nhất, và ngày càng xé rộng khoảng cách giữa những người “giàu thông tin hiểu biết” với những người kém cơ hội. Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội chỉ rõ điều này: “Các phương tiện truyền thông đôi khi được dùng để xây dựng và duy trì các hệ thống kinh tế, nhằm phục vụ cho sự chiếm hữu và tham lam… chúng thường góp phần tạo ra những bất công và mất cân đối, là những nguyên nhân gây nên đau khổ được chính các phương tiện này tường thuật lại. Cần phá vỡ hàng rào và sự độc quyền khiến cho nhiều quốc gia bị bỏ mặc bên lề của phát triển, cần cung cấp cho mọi cá nhân và quốc gia những điều kiện căn bản, cho phép họ chia sẻ sự phát triển” (Đạo Đức trong Truyền Thông, số 14). Vì thế những nguyên tắc chung rất cần thiết để thiết lập và duy trì các hệ thống kinh tế phục vụ cho công ích và bảo vệ người nghèo.
Những người lướt chuột trên mạng hàng ngày có thể khám phá ra nhiều hoạt động mới rất hấp dẫn, nó thu hút và dần dần lôi kéo họ xa rời những tương quan xã hội. Họ tự giam mình trước màn hình vi tính nhiều giờ mỗi ngày mà không ý thức rằng mình đang phí phạm sức khỏe và thời giờ. Nhiều người trẻ hôm nay đang mắc phải căn bệnh “ghiền mạng” và thích đi vào không gian ảo trên mạng hơn là gặp gỡ trực diện với bạn bè. Có nhiều loại nghiện khác nhau như ghiền phim ảnh, ghiền cờ bạc, ghiền trò chơi, ghiền tán gẫu… Cứ thử tính một bạn trẻ ngày nào cũng bỏ ra vài giờ chỉ để “đi dạo trên mạng”, “check” và “chat” (xem thư và tán gẫu trên mạng), thì kết quả học tập sẽ khác xa thế nào so với người dùng toàn thời gian đó cho việc học? Như vậy người sử dụng mạng cần ý thức rằng phương tiện truyền thông này có thể được dùng để “làm tha hoá con người hay gạt ra ngoài lề rồi cô lập con người; lôi kéo con người vào những cộng đồng băng hoại được tổ chức xoay quanh các giá trị giả dối và phá hoại; cổ vũ sự thù nghịch và xung đột, biến người khác thành ma quỷ, tạo ra một não trạng phe ta chống lại phe chúng; phô diễn những điều hèn hạ, thấp kém bằng sự hào nhoáng, trong khi lại không màng tới hay xem thường những gì cao quý và có giá trị; phổ biến những thông tin sai lạc, thất thiệt, ủng hộ những gì là xoàng xĩnh, tầm thường” (Đạo Đức trong Truyền Thông, số 13).
Các chương trình liên lạc qua mạng như điện thoại, email (thư điện tử), chat room (phòng tán gẫu), các blogs (trang nhật ký / thông tin cá nhân), Podcast (phát thanh và phát hình qua mạng) xuất hiện ngày càng nhiều, các bạn trẻ hầu hết đều có blog riêng và kết nối thường xuyên với những bạn bè của họ. Những trang giao tiếp xã hội kết bạn cùng sở thích ngày nay không còn xa lạ nữa, như Youtube, Multiply, Yahoo 3600, Facebook và MySpace… Chúng cho phép thành viên gởi đến các địa chỉ trong email của mình lời mời tham gia vào diễn đàn và trở thành thành viên mới. Khi tham gia người ta có thể chọn một “nick-name” tùy ý, chỉ cần có một địa chỉ email để đăng ký và tạo blog cho mình. Với những biệt danh đó, người tham gia các diễn đàn trên mạng ăn nói xuồng xã hơn, bạo dạn hơn, không còn kiêng nể gì so với trường hợp trao đổi mặt đối mặt. Vào mạng họ có một cảm tưởng rằng họ không phải chịu bất cứ một trách nhiệm nào về những hành động của mình vì cho rằng những lề luật luân lý không có hiệu lực. Vì ẩn danh, họ có thể tham gia vào những trò đùa vớ vẩn nhất, có thể đả kích những nhân vật hằng ngày họ phải tôn kính mà không bị xử phạt gì… Những quan niệm như thế đang khiến nhiều người trẻ trở nên phóng túng, chạy theo những thị hiếu thấp hèn và hạ giá chính mình.
Trong bài viết “Thời đại ảo và những hệ luỵ mang tên @”, tác giả Dương Bình Nguyên nêu lên điều đáng suy nghĩ: “Đáng sợ nhất là các cuộc đại chiến giữa fans của các ngôi sao. Dương Minh Long sau một vài lần post bài lên topic viết về Hà Trần đã bị một thành viên giấu mặt gửi tin khủng bố: Ngày mai tao sẽ giết mày nếu mày còn dám chê chị Hà. Cũng vẫn là Long, khi tham gia thảo luận trên mạng ttvnol.com cũng bị dội bom bằng những e-mail xúc phạm danh dự nặng nề. Khi tìm hiểu về thành viên này thì thật khó tin là một thanh niên lịch sự như một công chức sở Tây, đi xe Dylan, điện thoại di động xịn, lại có thể tung những thông tin chợ búa như vậy trên mạng. Long kết luận, Internet là môi trường lý tưởng để người ta bộc lộ hết mọi tính xấu của mình. Nếu như ngoài đời thật, có rất nhiều chuyện người ta không thể làm, không dám làm hoặc phải giấu kín thì Internet đã được công khai tất cả. Và vì thế, đây thực sự là thiên đường của những trò đồi bại”. Đời sống luân lý đạo đức của con người sẽ đi về đâu nếu người ta vào mạng chỉ để buông theo lối sống “thả cửa” như thế?
Hơn thế nữa, nhiều chương trình trên mạng thường phổ biến thứ “chủ nghĩa đạo đức tương đối và chủ nghĩa duy lợi ích”, là những chủ nghĩa tạo cơ sở cho nền văn hoá sự chết, tham gia vào “âm mưu chống lại sự sống” hiện nay bằng cách “gây uy tín cho nền văn hoá sự chết, là nền văn hoá chủ trương ngừa thai, triệt sản, phá thai và cả cái chết êm dịu là dấu hiệu của tiến bộ và chiến thắng của tự do, đồng thời mô tả những lập trường kiên quyết ủng hộ sự sống là kẻ thù của tự do và tiến bộ” (x. Đạo Đức trong Truyền Thông, số 15). Người “ghiền mạng” nếu không có khả năng biện biệt chọn lựa, sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng và cổ xúy cho những lối sống đi ngược với các giá trị Tin Mừng và nền luân lý Kitô giáo. Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế Giới Truyền Thông năm 2008, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhận định: “Khi truyền thông đánh mất trụ cột đạo đức của mình, để cho xã hội khống chế thì rốt cuộc nó không còn để ý đến trọng tâm con người, có một phẩm giá bất khả xâm phạm. Hệ qủa là nó liều lĩnh tác động ảnh hưởng tiêu cực trên lương tâm của họ, trên chọn lựa của họ để cuối cùng ràng buộc tự do và chính đời sống của họ vào những điều kiện khác nhau. Chính vì vậy, truyền thông xã hội phải miệt mài bảo vệ con người và hết lòng tôn trọng phẩm giá con người” (số 4).
Trong các căn bệnh “ghiền mạng”, đáng sợ nhất là bệnh ghiền các loại văn hóa và hình ảnh khiêu dâm. Kỹ nghệ khai thác tình dục trên mạng hiện nay đang ngày càng mạnh. Các trang web khiêu dâm đầy dẫy trên mạng, và những muốn vào truy cập đều dễ dàng vô cùng. Ngay cả với những người không muốn thì khi họ vào mạng, những hình ảnh hoặc đường dẫn (link) của các trang này vẫn xuất hiện nhan nhản trên các chương trình tìm kiếm của Internet. Văn kiện “Khiêu Dâm và Bạo Lực trong các Phương Tiện Truyền Thông” của Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền thông Xã hội định nghĩa khiêu dâm như “một sự vi phạm quyền tư riêng của thân xác con người trong bản chất là nam và nữ, hạ thấp nhân phẩm và thân xác con người thành một đối tượng vô danh của sự lạm dụng vì mục đích thỏa mãn dục vọng” (số 9). Nhiều nghiên cứu cho thấy các chương trình khiêu dâm là động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của mạng và đem lại nhiều tiện ích mới cho người sử dụng, vì nếu không có những hoạt động này thì mạng chỉ đơn thuần là nơi gởi email mà thôi. Nhưng mặt xấu của nó thì nhiều vô kể, vì những trang web khiêu dâm này gây thương tổn nghiêm trọng cho nhân phẩm, nhất là đối với trẻ em và nữ giới.
Các giáo huấn của Giáo Hội không ngừng lên tiếng phê phán và cảnh báo nguy cơ này: “Các phương tiện truyền thông giải trí đưa ra những màn trình diễn đồi bại và hạ thấp phẩm giá con người, kể cả việc khai thác tính dục và bạo lực. Thật là quá vô trách nhiệm nếu bỏ qua hay bác bỏ sự kiện này: tranh ảnh đồi truỵ và dâm bạo hạ thấp giá trị của tính dục, xói mòn các quan hệ nhân bản, khai thác các cá nhân – nhất là phụ nữ và người trẻ – hủy hoại hôn nhân và cuộc sống gia đình, cổ vũ các thái độ phản xã hội, làm suy yếu bản chất đạo đức của chính xã hội” (Đạo Đức trong Truyền Thông, số 16). Trong thực tế, những loại văn hóa khiêu dâm trên mạng thường dẫn đến những hành vi đồi bại vô luân của các cá nhân, đồng thời như gây nhiều nguy hại cho đời sống hôn nhân gia đình. Nhiều gia đình đã tan vỡ vì chồng hoặc vợ chỉ lo tìm “bạn tình” trên net, hoặc chạy theo những hình ảnh khiêu dâm ảo tưởng.
Tính ẩn danh và bản chất riêng tư của việc sử dụng Internet đang đem lại nguy hiểm thực sự cho đời sống xã hội, vì người ta ghiền văn hóa khiêu dâm và tiếp cận với nó mà không hề bị kiểm soát. Khi đó họ biến thành đối tượng khai thác của những thứ khoái lạc thấp hèn và lợi nhuận bất chính của kẻ khác. Bài viết tựa đề “Mặt Trái Tối Tăm của Internet” của linh mục Trần Công Nghị có nói “Ngay những ngày đầu của Internet, người ta đã thấy trước hiểm họa này. Tuy nhiên, tất cả những cố gắng ngăn chặn đều tỏ ra vô hiệu, phần lớn vì thái độ không quyết tâm của chính quyền các nước. Quyền tự do phát biểu đã được các chính quyền nại ra để tránh né phải đối đầu với những thế lực tư bản khổng lồ trong kỹ nghệ hình khiêu dâm trên Net. Hiện tượng hình ảnh, sách báo dâm dục là một thực trạng kinh hoàng. Các hình ảnh khiêu dâm đã tràn lan hơn bao giờ trong lịch sử loài người”. Bài viết cũng đề cập đến thư Mục Vụ nhan đề “Giá phải trả: Những hình ảnh khiêu dâm và cuộc tấn công vào Đền Thờ Sống Động của Thiên Chúa”. Trong thư này, Đức Cha Paul Loverde, Giám Mục giáo phận Virginia – Hoa Kỳ đã lên tiếng báo động về thực trạng kinh hoàng đang hoành hành như một trận dịch khổng lồ cướp đi linh hồn người ta và tàn phá hôn nhân gia đình: “Ngày nay có lẽ hơn bao giờ, người ta thấy hồng ân thị giác của mình và qua đó là viễn ảnh về Thiên Chúa bị bóp méo bởi những hình ảnh dâm dục tội lỗi. Chúng cản trở và hủy hoại khả năng con người nhìn thấy tha nhân như những biểu hiện độc đáo và đẹp đẽ của kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa. Thay vào đó chúng làm tối tăm tầm nhìn của họ, khiến họ nhìn người khác như những thứ để lợi dụng và lèo lái”.
Bản tin ngày thứ hai, 24/11/2008 của trang “tin tức online” có viết bài về Web sex, cho biết vừa rồi Công an mới đánh sập và bắt giữ những kẻ lập trang web sex mocxx…com, đó chỉ là phát súng đầu tiên của luật pháp vào những kẻ gieo rắc sự bệnh hoạn. Họ hàng nhà “mốc xì” vẫn phát triển như nấm, mà là nấm cực độc! Bài viết nhận xét: “Đó là phát súng quá muộn trước sự phát triển ồ ạt của loài nấm độc này… Không giản đơn trước câu hỏi tưởng chừng như quá thừa này! Chúng ta phải có một cái nhìn thẳng thắn về vấn đề sex. Sự mập mờ về khái niệm này đã sinh ra hậu quả khó lường… Chỉ một cái nhấn chuột, các trang web kiểu này sẽ hiện ra tức thì. Những câu chuyện, những hình ảnh, những bộ phim ở các web sex phổ biến ở ta đều mang tính dâm loạn, để tăng cường số lượt người truy cập, các tít được rút lên trang nhất đều cực kỳ ngắn gọn nhưng cực kỳ câu khách, điểm qua các tít này đã thấy kinh hoàng cho chuyện “giáo dục giới tính”… Mỗi một trang web lại cố tạo cho mình một phong cách riêng, một thế mạnh riêng để tạo thương hiệu…”. Những “thủ lĩnh” của đường dây tổ chức website sex lớn nhất VN có tên www.mocxxx này đều đã tốt nghiệp đại học, có người đang chuẩn bị bảo vệ luận án thạc sĩ. Được biết đến nay đã có 12 người bị bắt.
Ban đầu, nhóm này cũng chỉ xây dựng diễn đàn độc hại này với mục đích “đánh bóng tên tuổi”, thể hiện “bản lĩnh tin học” của mình. Tuy nhiên, khi số lượng người truy cập ngày càng nhiều, “ban quản trị” này đã liên kết với các thành viên khác tại Mỹ, Đức, đồng thời tạo nên hệ thống “chân rết” từ Bắc tới Nam, bắt đầu “làm kinh tế” bằng cách lập các panô quảng cáo trên trang web, chủ yếu bằng các nguồn từ nước ngoài, để thu lợi. Điều đáng sợ là trang web này có đến gần 300.000 thành viên đăng ký và hơn 30.000 lượt truy cập, thậm chí có lúc lên đến cả trăm ngàn lượt truy cập mỗi ngày với 32 chuyên mục đăng tải hàng triệu bài viết có nội dung đồi trụy (x. Kỳ 2: Xem web sex bằng tiền… cơ quan). Nhiều người còn là nạn nhân của kỹ thuật ghép hình và đưa lên các trang web xấu, hoặc bị khủng bố trả thù qua mạng bằng những hình ảnh hoặc câu chuyện dơ bẩn cùng với tất cả những thông tin cá nhân của mình. Các trang web loại này làm cho xã hội đặc biệt là giới trẻ trở nên đồi bại, hoang tưởng, lệch lạc và bệnh hoạn…
Tìm cô dâu qua thư tín trên mạng đang là một dịch vụ nở rộ ở nhiều nước phát triển, nhưng cũng có nhiều nạn nhân khi đã “sa bẫy” rồi mới biết đó là một dịch vụ mại dâm trá hình. Mạng Internet đã trở thành công cụ cho những hệ thống đường dây “buôn người” khắp thế giới. Trẻ em và nhất là các thanh thiếu niên do tò mò thường hay đi vào các trang mạng khiêu dâm hay những trang mang tính bạo lực. Chúng có thể nghĩ rằng làm như thế thì vô hại mà cũng chẳng ai biết, vì đó là không gian riêng tư của truyền thông mà! Tuy nhiên, các nguy cơ không chỉ do những hình ảnh khiêu dâm chúng gặp mà cả những người lạ mặt nữa. Nhờ tính ẩn danh của mạng Internet, nhiều kẻ xấu có thể rình rập bằng cách giả đò là những người đồng trang lứa, hẹn hò thuyết phục gặp gỡ để rồi lạm dụng và khống chế những người trẻ ngây thơ này.
Chat-sex (tán gẫu với web-cam và phô bày những hình ảnh khiêu dâm) là một “trò chơi kinh dị” đang trở thành một hiện tượng trong giới thiếu niên (tuổi teen). Một bài viết trên mạng cho biết: “Sau khi chọn cho mình những máy khuất và OK nhất, các teen bắt đầu trò chơi kinh dị của mình. Hàng ngàn các trò teen phô diễn trước webcam khiến ai thấy cũng phải tá hoả… Những bạn thích an toàn và yên tĩnh thì yêu cầu ba mẹ sắm hẳn cho mình một cái laptop có webcam để dễ dàng chat sex… Đa số những người chat sex là dân quậy và phá làng phá xóm, không công ăn việc làm nên rủ nhau lên mạng mua bán tình và chat sex. Teen nhà ta là những đối tượng bị cám dỗ vào những trò đen của xã hội này!” Và hậu quả là: “Có rất nhiều teen hiện nay bị đưa ảnh sex mà đa số đều bị chụp từ webcam kèm luôn nickname của các bạn với những câu chào mời hết sức tục tĩu: Em bán tình 100USD/đêm hoặc Tìm chồng ngoại quốc… Sau khi bị phát tán ảnh nuy lên mạng các teen mới hối hận thì đã muộn. Danh dự không bao giờ mua được bằng tiền và chính các bạn phải trả giá cho những phút giây nông nổi của mình.”
Các trò chơi bạo lực trên mạng cũng đầy sức thu hút đối với người trẻ. Nhiều trẻ em chỉ thích chơi suốt ngày, chém giết được càng nhiều “kẻ thù ảo” càng tốt! Những trò chơi đó tưởng chừng chỉ là giải trí vô hại, nhưng thực ra lại làm cho trẻ em quen dần với những phản ứng bạo lực, những ngôn ngữ hình sự, những cách giải quyết thiếu tình người trong mọi vấn đề, trở nên “vô cảm” trước những bất hạnh của người khác và nhiều khi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả cách sống, cách phản ứng trong đời thật. Nhiều người trẻ hôm nay thiếu sự tôn trọng và lòng biết ơn đối với những người trên mình như thầy cô, cha mẹ, người cao tuổi… Như thế, thay vì đẩy mạnh việc học cho người trẻ, trò chơi trên mạng Internet có thể làm họ bị lôi cuốn, mất tập trung và lãng phí thời gian, đồng thời chạy theo những điều hết sức tầm thường và vô giá trị (x. Đạo Đức trong Truyền Thông, số 17).
Các trò chơi trực tuyến online đang phát triển mạnh và trở thành vấn đề thời sự trên các phương tiện truyền thông tại Việt Nam và cả khắp thế giới. Nhiều trao đổi và bài viết đã phản ánh những ảnh hưởng tiêu cực của game online đối với người chơi, đặc biệt là giới trẻ. Một loại trò chơi trực tuyến online có tên là Võ Lâm Truyền Kỳ đã đưa ra cách chiêu dụ game thủ bằng một cuộc thi có thưởng. Người chơi cảm thấy mình có giá trị vì làm được những việc nghĩa hiệp và liên tục được thăng cấp. Một game thủ nổi tiếng cho biết: “Được tung hoành ngang dọc trong thế giới rộng lớn của các game online là một niềm say mê với nhiều dân ghiền game. Quăng mình vào cuộc chiến, mấy ai nhận ra rằng tất cả những thứ họ có trong tay như tiền bạc, vinh quang, chiến công, đẳng cấp… tất cả chỉ là ảo?” (Hoàng Tuấn) Có những bạn lại thẳng thừng nhìn nhận: “Ừ thì tôi là dân nghiện game. Tôi biết mình đang điên cuồng bên màn hình vi tính, mỗi ngày chơi năm bảy tiếng, cuối tuần “tăng ca” lên 15 tiếng, và có lúc đạt kỷ lục 48 tiếng đồng hồ chiến đấu không chợp mắt! Nhiều lúc chả ngủ một tẹo nào. Từ khi dấn thân vào nghiệp game, tôi biết cơ thể mình đang dần bị hủy hoại, không hề tập thể dục, cảm sốt nhức đầu lung tung…”.
Đọc bài “Bi hài chuyện ”cai nghiện” game cho… chồng!” của Thế Phong, ai cũng thấy xót xa vì “Không lẽ những giá trị ảo trong cái thế giới chỉ tồn tại trên màn hình vi tính, lại có thể trực tiếp đe dọa đến hạnh phúc gia đình vốn tưởng vô cùng bền vững trong đời thực hay sao?”. Nhiều phản hồi cho bài viết trên nêu lên những suy nghĩ rất chân thực: “Tôi thuộc thế hệ 8x, và cũng là 1 gamer. Tôi thấy bài viết này rất hay. Tôi rất thích bài viết này. Câu mà tôi thích nhất, thấy nó rất có chiều sâu, đó là “Và khi chúng ta đang đánh những con boss vô tri vô giác (quái vật trong game), trên Trường Bạch, Sa Mạc (tên địa danh trong Võ Lâm Truyền Kỳ) thì lúc này trên thế giới biết bao nhiều người đang tìm những giá trị đích thực cho cuộc sống của họ và gia đình của họ” Mong là VietNamNet sẽ có thêm nhiều bài báo thế này nữa, để thức tỉnh những người đang ngày đêm mê muội trong cái thế giới ảo đó” (Nguyễn Lê Toàn). Hoặc: “Quả thật chơi game online mang lại những hậu quả mà trong thời gian ngắn không nhận thấy được. Điều dễ nhận ra nhất là cuộc sống thực dần mất đi niềm vui. Bạn sẽ không còn quan tâm đến mọi người xung quanh nữa, dần dần bạn sẽ trở thành người vô tâm, ích kỉ. Tuy nhiên để cai nghiện game thật sự rất khó vì game online có sức cuốn hút rất lớn. Để cai nghiện game thì cần có 1 quá trình lâu dài và bài bản nếu không sẽ rất dễ nghiện lại” (Thế Phong). Những nhận xét đó cho thấy sức mê hoặc kinh khủng của trò chơi trực tuyến và biết bao vấn đề rắc rối khi người ta dính líu đến chúng.
Hiện nay, trên mạng Internet Việt Nam đang có rất nhiều loại hình Game Online (giải trí trực tuyến) nổi tiếng của thế giới do các nhà cung cấp trong nước phát hành. Với đồ họa và nội dung hấp dẫn, những loại game này đang nhanh chóng tìm được chỗ đứng. Thị trường Game Online hôm nay đang đem về doanh thu khổng lồ cho các nhà kinh doanh mạng và các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Thách đố cho các gia đình Việt Nam là xây dựng bầu khí yêu thương gắn bó, nề nếp gia phong tốt, để mọi thành phần trong gia đình giúp nhau ý thức về những tác hại của nhiều chương trình trên mạng để sử dụng chúng cách chừng mực, đem lại hiểu quả tốt cho cuộc sống và xây dựng hạnh phúc gia đình.
Internet có khả năng thu hút mạnh không chỉ vì trò chơi mà vì một số tính năng khác gây ấn tượng sâu sắc. Tài liệu “Đạo Đức trong Internet” nhận xét: “Internet có tính tức thời, trực tiếp, toàn cầu, phân quyền (decentralized), giao tiếp (interactive), có thể mở rộng vô hạn về nội dung và phạm vi, linh hoạt và có thể điều chỉnh ở một mức độ đáng kể. Internet là bình quyền (egalitarian), theo nghĩa là bất cứ ai với thiết bị cần thiết và một năng khiếu kỹ thuật khiêm nhường cũng có thể hiện diện cách tích cực trong không gian điện toán, công bố thông điệp của mình cho thế giới, và đòi hỏi được lắng nghe. Nó cho phép các cá nhân tham dự một cách ẩn danh, được chọn lựa vai trò, và hành động theo trí tưởng tượng; và cũng cho phép việc gia nhập vào cộng đồng với những người khác và dự phần vào việc chia sẻ” (Đạo Đức trong Internet, số 7). Như thế, tùy theo chọn lựa và sở thích của người sử dụng, họ có thể tích cực tham gia hoặc để bản thân bị thu hút cách thụ động vào một thế giới quá chú ý đến mình, luôn quy chiếu về mình và tự cô lập chính mình.
Không phải mọi kiến thức và thông tin trên Internet đều trung thực, an toàn, lành mạnh và lợi ích. Đắm mình trong không gian ảo của Internet, nhiều người trẻ đã bị mất phương hướng. Bài viết “Vô cảm trong thế giới ảo” của Quỳnh Trang trên trang web “Chúng ta – Suy ngẫm” nhận định: “Khi blog và mạng xã hội xuất hiện, giới trẻ tự do thể hiện mình. Từ những cảm xúc như tức giận, buồn, vui, bất mãn dẫn đến hành động trút giận, chửi rủa, than vãn… trong thế giới ảo, một thế giới mà giới trẻ nghĩ rằng ít người để ý và ngoài tầm kiểm soát. Tâm hồn giới trẻ rất dễ tổn thương. Một khi tự giam mình quá lâu trong thế giới ảo, giới trẻ sẽ có lối sống không lành mạnh và trở nên vô cảm với mọi người”.
Một bài viết đăng trên một trang web tư vấn tâm lý đề cập đến tâm sự của một bạn trẻ giấu tên: “Em là một cô bé 16 tuổi, em thấy cuộc đời này chẳng có ý nghĩa gì cả. Cuộc đời con người chỉ bao gồm: Sinh ra, lớn lên, học hành, đi làm, sinh con, chết, thế là xong, cứ lặp đi lặp lại mãi. Từ trước đến giờ em không cảm thấy yêu, ghét bất cứ ai, không khóc và rất ít khi cười, không buồn, không đau khổ, không hàm ơn. Dù có chuyện gì xảy ra cũng cảm thấy bình thường cho dù có động trời đến đâu đâu. Thậm chí nếu người thân của em chết đi em cũng không nhỏ một giọt nước mắt xót thương. Em bàng quan trước mọi thứ. Đôi khi em sợ chính bản thân mình…”. Bức thư của cô bé giấu tên này và nhiều tâm tư buồn chán hoặc bất cần đời của các bạn khác cho thấy tác động của không gian ảo mạnh mẽ đến thế nào. Nhiều người trẻ đã bị lệch nhân cách do những ảnh hưởng đó.
Những người ủng hộ thế giới ảo cho rằng đây là không gian mới của trí tuệ và dữ liệu, một nơi của bình đẳng và tự do, hoàn toàn đối nghịch với thế giới thực đầy dẫy những luật lệ nghiêm ngặt và chặt chẽ. Có người còn đặt ra “Tuyên ngôn độc lập” của không gian ảo, cho rằng chính phủ của thế giới thực chỉ là người trần mắt thịt, còn con người của không gian ảo là con người của trí tuệ. Không gian ảo là loại thế giới không có đặc quyền cũng chẳng có định kiến để phân biệt chủng tộc, quyền lực kinh tế, quyền lực quân sự hay giai cấp… (x. “Vô cảm trong thế giới ảo” của Quỳnh Trang). Tác giả Thu Hương cũng nêu lên nhu cầu của thế giới ảo trong bài viết “Ảo trong thực – thực trong ảo”: “Khi cuộc sống thực ngày càng bị thu hẹp và trở nên nặng nề với bao áp lực cùng với sự phát triển sâu rộng của công nghệ thông tin và Internet, nhu cầu có một cuộc sống ảo so với cộng đồng ảo của con người ngày càng lớn. Chính vì vậy các forum xuất hiện như nấm mọc sau mưa thu hút một lượng lớn người tham gia, với bao nhiêu buồn vui, ái ố hỷ nộ…”. Tuy nhiên, dù là một cộng đồng ảo của những người có cùng đam mê sở thích, mối quan hệ giữa các thành viên trong các forum khá thân thiết, và nhiều khi vượt ra ngoài thế giới ảo để trở thành những người bạn thực sự ngoài đời với nhiều hoạt động bổ ích cho xã hội.
Có nhiều chuyện không hay cho người trẻ hôm nay khi họ bước chân vào thế giới ảo mỗi ngày, nhưng chúng ta không thể đổ lỗi cho Internet là nguyên nhân gây nên các vấn đề. Phải giải thích thế nào về sự chuẩn mực tương đối của giới trẻ nhiều nước khác như Singapore chẳng hạn, trước sức phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và mạng Internet toàn cầu? Quan trọng là đã có cái gì để giúp định hướng và làm Kim chỉ nam cho người trẻ chưa? (x. Giới Trẻ trong Vòng Xoáy Xã hội của tác giả Chân Luận, Chia Sẻ số 56, tháng 12/2007 – tr. 149). Khi nói đến những lạm dụng trên mạng, văn kiện Đạo Đức trong Truyền Thông cho biết rằng các phương tiện truyền thông cũng có thể được dùng để cản trở cộng đồng và làm hại tới lợi ích toàn diện của con người, bằng cách làm tha hoá hoặc cô lập con người; lôi kéo con người vào những cộng đồng băng hoại được tổ chức xoay quanh các giá trị giả dối và phá hoại; cổ vũ sự thù nghịch và xung đột, biến người khác thành “ma quỷ”, tạo ra một não trạng “phe ta” chống lại “phe chúng”; phô diễn những điều hèn hạ, thấp kém bằng sự hào nhoáng, nhưng lại không màng tới hay xem thường những gì cao quý và có giá trị; phổ biến những thông tin sai lạc, thất thiệt, ủng hộ những gì là xoàng xĩnh, tầm thường… (x. số 13).
Trên đây chỉ là một thoáng nhìn vào môi trường hoạt động của con người trên mạng Internet toàn cầu với một vài vấn đề của nó. Còn rất nhiều vấn đề khác mà các tài liệu của Huấn quyền đã nêu lên như những lạm dụng kinh tế và chính trị, việc xuyên tạc văn hóa, giáo dục và tôn giáo, vấn đề về các nguồn tư liệu mật, xâm phạm sự riêng tư, các cám dỗ hưởng thụ, vấn đề an ninh quốc phòng và đề tài chiến tranh – khủng bố – rối loạn công cộng, vấn đề liên quan đến các nhóm thiểu số, sự lừa đảo, vấn đề liên quan đến tính chính xác và trung thực, tự do ngôn luận, xét xử công bằng, thiện ích chung, những thông điệp mang nặng tính chất của nền văn hóa thế tục, những vấn nạn liên quan đến đời sống hôn nhân và gia đình, vấn đề đạo văn, tin tặc… Trước tất cả những vấn đề ấy, Giáo Hội không chỉ đứng ngoài để phê phán và kết án, đúng hơn, Giáo Hội vẫn coi các phương tiện ấy không chỉ là sản phẩm của trí tuệ con người mà còn là những ân huệ to tát do Chúa ban và là những dấu chỉ thời đại đích thật (x. Sắc lệnh Inter Mirifica, số 1). Trách nhiệm của mọi thành phần trong Giáo Hội là hiểu biết những nguyên tắc tích cực Giáo Hội đưa ra để hỗ trợ cho đời sống và các hoạt động của họ liên quan đến mạng và những phương tiện truyền thông hôm nay.
Đây là vấn đề nhức nhối còn cần thêm nhiều suy tư – trao đổi – đóng góp của những người có trách nhiệm trong tình hình cụ thể của mỗi quốc gia. Ngay từ Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã đưa ra Sắc lệnh Inter Mirifica – Trong số Những Điều Kỳ Diệu – với những chỉ dẫn Mục vụ rõ ràng cho người làm công tác truyền thông (nhà báo, tác giả, diễn viên, nhà sản xuất…) và giới tiêu thụ truyền thông (khán thính giả, các phụ huynh, thanh thiếu niên…) cũng như các cấp chính quyền và giáo quyền (số 3, 9, 10, 11, 12, 13). Sắc lệnh đề ra tầm quan trọng của việc huấn luyện đào tạo linh mục – tu sĩ – giáo dân, không chỉ người làm công tác truyền thông mà cả những người sử dụng, thụ hưởng (số 15,16). Công Đồng cũng thiết lập ngày Truyền thông Thế giới (số 18), thiết lập Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông (số 19), và nhất là truyền phải thiết lập Ủy Ban Giám Mục về Truyền thông Xã hội cấp quốc gia (số 21), mà tại Việt Nam mãi đến tháng 9/2006 mới có. Công Đồng Vaticanô II cũng chỉ thị cho Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông soạn thảo một Huấn thị Mục vụ để nói lên lập trường của Giáo Hội và chỉ dẫn cho mọi người về những vấn đề của truyền thông. Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio này rất hay, được ban hành năm 1971, nhưng cho đến nay vẫn chưa được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Từ đó đến nay đã có rất nhiều những tài liệu hữu ích khác của Giáo Hội toàn cầu và nhất là của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu về truyền thông xã hội và Internet.
Vấn đề chính vẫn là sự hiểu biết đúng đắn, ý thức và chọn lựa của con người. Giáo Hội nhìn nhận các phương tiện truyền thông không phải là những sức mạnh mù quáng của thiên nhiên nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Vì cho dù mạng Internet có đưa tới những hậu quả ngoài ý muốn, nhưng chính con người vẫn có quyền lựa chọn sử dụng mạng vào các mục đích và phương cách tốt hay xấu. Những lựa chọn đó chính là trọng tâm của vấn đề luân lý đạo đức trong truyền thông, được thực hiện không phải chỉ do những người tiếp nhận thông tin – những khán giả, thính giả, độc giả – mà đặc biệt do những người kiểm soát các phương tiện truyền thông xã hội và ấn định cơ chế, chính sách, nội dung của việc truyền thông ấy (x. Đạo Đức trong Truyền Thông, số 1). Được sử dụng đúng đắn, Internet đem lại những ích lợi rất đặc biệt, vì nó cho phép người ta tiếp cận trực tiếp và tức khắc những tài nguyên tôn giáo và tâm linh quan trọng – những thư viện khổng lồ, những văn kiện giáo huấn của Huấn quyền, những bài viết của các thần học gia cũng như kho tàng khôn ngoan tôn giáo của nhiều thời đại. Internet có một khả năng đáng kể để vượt qua khoảng cách, giúp con người tiếp xúc với những người thiện chí có cùng tư tưởng, gia nhập vào những cộng đoàn đức tin ảo để khích lệ và nâng đỡ lẫn nhau (Giáo Hội và Internet, số 5). Việc huấn luyện và hướng dẫn sử dụng mạng đúng đắn sẽ giảm thiểu những nguy cơ luân lý nêu trên và phát huy mặt tích cực của mạng.
Giáo dục và đào tạo về Internet cần phải đưa vào chương trình huấn luyện về truyền thông dành cho mọi thành phần của Giáo Hội. Điều này đòi hỏi việc lên kế hoạch mục vụ rõ ràng và phù hợp với tình hình. Ngày nay, ngoài việc giáo dục rộng rãi về truyền thông, các Ủy ban – Văn phòng Truyền thông và các vị lãnh đạo trong Giáo Hội còn được mời gọi làm gương trong việc tổ chức truyền thông, phản ảnh những tiêu chuẩn cao nhất như trung thực, dám chịu trách nhiệm trước công luận, biết nhạy bén đối với nhân quyền và những nguyên tắc hay chuẩn mực khác có liên quan. Hơn nữa, các phương tiện truyền thông của Giáo Hội còn phải cam kết truyền đạt trọn vẹn sự thật về ý nghĩa đời người và lịch sử con người, nhất là đúng như nó được chất chứa trong lời mạc khải của Thiên Chúa và được diễn tả qua việc giảng dạy của Huấn quyền (x. Đạo Đức trong Truyền Thông, số 26). Giáo Hội cần tăng cường dùng Internet như một phương tiện truyền thông nội bộ nhanh chóng và ít tốn kém. Điều này đòi hỏi những người có trách nhiệm nhận thức rõ ràng về đặc tính của Internet như phương tiện truyền thông trực tiếp, tức thời, giao tiếp (interactive) và dự phần (participatory) (x. Giáo Hội và Internet, số 6).
Bên cạnh đó, Internet không thể là một ngoại lệ so với các phương tiện truyền thông khác trong việc áp dụng các luật lệ hợp lý nhằm chống lại việc gây thù hận, nhục mạ, gian lận và các tài liệu khiêu dâm, cũng như các vi phạm khác. “Những hành vi được kể là tội phạm trong những bối cảnh khác cũng phải kể là tội phạm trong bối cảnh của không gian điện toán, và các nhà chức trách dân sự có bổn phận và quyền để áp đặt những luật lệ ấy. Những quy định mới cũng có thể là cần thiết để đối phó với những tội ác đặc biệt trên Internet như việc reo rắc virus điện toán, ăn cắp tài liệu chứa đựng trên các đĩa cứng, và những việc tương tự” (Đạo Đức trong Internet, số 16).
Về phía Giáo Hội, việc né tránh hoặc rút lui một cách nhút nhát vì sợ kỹ thuật hay vì lý do khác là không thể chấp nhận, khi tính đến những khả năng rất tích cực của Internet. Việc tiếp cận tức khắc với thông tin giúp Giáo Hội củng cố những mối dây hiệp nhất và đào sâu thêm đối thoại với thế giới đương đại. Giáo Hội có thể sẵn sàng hơn để cho thế giới biết về niềm tin của mình và giải thích những lý do cho lập trường của mình về bất cứ vấn đề và biến cố nào. Giáo Hội có thể nghe rõ ràng hơn tiếng nói của ý kiến công chúng, và bước vào một cuộc tranh luận liên tục với thế giới quanh mình, và như thế dấn thân trực tiếp hơn trong nỗ lực tìm kiếm chung những giải pháp cho rất nhiều những vấn đề căng thẳng của nhân loại (x. Giáo Hội và Internet, số 10). Hy vọng sắp tới Giáo Hội Việt Nam sẽ có nhiều cố gắng hơn trong lãnh vực truyền thông quan trọng này.
Tóm lại, lượng thông tin đang choáng ngợp trên Internet với nhiều nội dung hỗn tạp chưa được đánh giá về phương diện chính xác và tầm quan trọng. Những vấn đề luân lý đạo đức của Internet vẫn luôn còn đó, nhưng “Internet sẽ là tốt hay xấu phần lớn là vấn đề lựa chọn, và với những ai đang cân nhắc lựa chọn, Giáo Hội mang đến hai yếu tố quan trọng: cam kết của Giáo Hội đối với phẩm giá con người và truyền thống khôn ngoan về luân lý đã có từ lâu” (x. Đạo Đức trong Internet, số 2). Giáo Hội cần có một sự hiện diện hữu hình và tích cực trên Internet và trở nên thành phần trong cuộc đối thoại công khai về sự phát triển của nó. Giáo Hội không giả định vai trò thống soái trong những quyết định và lựa chọn này, nhưng Giáo Hội mong giúp được bằng cách chỉ ra những tiêu chuẩn đạo đức và luân lý liên hệ đến tiến trình này – những tiêu chuẩn chỉ có thể tìm thấy trong những giá trị nhân bản và Kitô Giáo (x. Đạo Đức trong Internet, số 18). Và nói cho cùng, vấn đề then chốt nhất do mạng Internet và các tiến bộ trong công nghệ đặt ra là “con người có trở nên thật sự tốt hơn, nghĩa là trưởng thành hơn về mặt tâm linh, ý thức hơn về phẩm giá con người, có tinh thần trách nhiệm nhiều hơn, cởi mở hơn đối với người khác, nhất là những người nghèo nàn và yếu đuối nhất, có sẵn sàng hơn để cho đi và để giúp đỡ tất cả mọi người” không? (Gioan Phaolô II, Đấng Cứu Chuộc Con Người, số 15).
_________________________________________________
THƯ MỤC THAM KHẢO
Công Đồng Vaticanô II:
Sắc lệnh Inter Mirifica (Trong số Những Điều Kỳ Diệu) – năm 1963.
Các tài liệu của Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội:
Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (Hiệp thông và Tiến bộ) – năm 1971.
Văn kiện Khiêu Dâm và Bạo Lực trong Các Phương Tiện Truyền Thông – Một Phản ứng Mục Vụ – năm 1989.
Văn kiện Đạo Đức trong Quảng Cáo – năm 1997.
Văn kiện Đạo Đức trong Internet – năm 2002.
Văn kiện Đạo Đức trong Truyền Thông – năm 2000.
Các tài liệu khác:
Bênêđitô XVI,
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Lần Thứ 41, Vatican 2007.
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Lần Thứ 42, Vatican 2008.
Chân Luận, Giới Trẻ Trong Vòng Xoáy Xã hội, Chia Sẻ LTS số 56, tháng 12/2007.
F.J. Eilers, Truyền Thông trong Mục Vụ và Truyền Giáo, Manila 2004 (bản dịch của UB Truyền thông Xã hội / HĐGMVN năm 2008).
Gioan Phaolô II, Đấng Cứu Chuộc Con Người, Vatican 1979.
Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, Sự Hội Tụ các Phương Tiện Truyền Thông để Phục Vụ cho Công Tác Mục Vụ tại Á Châu, BISCOM VI – Bangkok 2007.
Thomas L. Friedman, Thế Giới Phẳng (The World Is Flat), năm 2005 (bản dịch của Nguyễn Quang A và các dịch giả khác, NXB Trẻ năm 2008).