ĐỨC MARIA CON CHIM HÓT HAY NHẤT
Xưa thánh Ambrosio từng khuyên nhủ: “Mỗi người cần phải có trái tim của Đức Mẹ để chúc tụng Chúa, phải có lòng trí của Đức Mẹ để ca ngợi Chúa”. Đối với thánh Phanxico Salesio, Mẹ là “nữ tu rất hoàn hảo”; Mẹ là nữ tu đầu tiên; Mẹ sống đời tu sĩ một cách hoàn hảo và thánh thiện siêu việt; không một lời nói, không một cử động, không một cái nhìn nào mà Mẹ không hướng về Chúa và làm vinh danh Chúa. Mẹ Maria đã “hát” bằng chính cuộc sống của Mẹ. Cuộc đời của Mẹ thực là bản thánh ca tán tụng Thiên Chúa qua muôn thế hệ. Vậy Mẹ đã “hát” với giai điệu bổng trầm như thế nào trong suốt hành trình đức tin trên dương thế bên Người Con yêu dấu của Mẹ là Chúa Giêsu Kitô, để trở nên mẫu gương cho đan sĩ Xitô Thánh Gia noi theo?
- Đức Maria “hát” trong biến cố Truyền Tin (Lc 1, 26-38)
Thánh sử Luca thuật lại rằng: “Bà Elisabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Nazareth, gặp một trinh nữ đã thành hôn với ông Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: ‘Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 26-28).
Khi sứ thần Gabriel đến chào Mẹ, lời đầu tiên ngài nói với Mẹ là một tiếng diễn tả niềm vui: “Mừng vui lên” (khaire). Sứ thần mời gọi Mẹ vui mừng lên và mở rộng lòng để đón niềm vui không chỉ cho một mình Mẹ, mà còn cho cả nhân loại. Lời chào này như là âm vang của những lời loan báo ơn cứu độ cho Giêrusalem, cho thiếu nữ Sion. Quả thế, xưa qua các ngôn sứ, Thiên Chúa đã mời gọi dân Do Thái hãy vui mừng lên vì ơn cứu độ mà Ngài hứa ban cho dân sắp thành hiện thực: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi” (Xp 3, 14); “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi…” (Dcr 9,9). Lời tiên tri xa xưa đó bây giờ được ứng nghiệm trong căn nhà của Mẹ ở Nazareth. Mẹ mừng vui, vì Đấng là vua của Mẹ đến với Mẹ để làm con của Mẹ. Tất cả những gì là vui mừng xưa kia trong dân Do Thái, do bởi lời hứa ban Đấng Cứu Thế, bây giờ đạt tột mức trong trái tim Mẹ. Thánh Bênađô đã ca tụng sự khiêm hạ của Mẹ đã khiến cho Thiên Chúa đoái thương cách đặc biệt: “Ôi Trinh Nữ diễm phúc, làm sao người có lòng khiêm nhường thẳm sâu như thế, một lòng khiêm nhường có khả năng lôi cuốn được Thiên Chúa” .
Vậy Mẹ đã làm gì để cõi lòng được chan chứa niềm vui? Chỉ đơn giản là Mẹ đã mở thật rộng tâm hồn mình cho tình yêu Thiên Chúa đổ tràn trên Mẹ. Mẹ đã để cho Thiên Chúa hiện diện trong Mẹ. Niềm vui dạt dào khôn tả trong lòng khiến cho Mẹ thốt lên hai tiếng ‘xin vâng’: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Tiếng ‘fiat’ mà Mẹ vừa thốt lên là lời đáp trả đầy tình con thảo trước đề nghị của Thiên Chúa, đồng thời khởi đầu cho sự kết hiệp nhiệm mầu: Chúa ở trong Mẹ và Mẹ ở trong Chúa. Chúa sống trong Mẹ và Mẹ sống trong Chúa. Tiếng ‘fiat’ của Mẹ thật quan trọng, như là sự quyết định cho cả vận mệnh nhân loại vậy, đến nỗi thánh Bênađô đã phải diễn tả: “Lạy Đức Maria, xin thốt lên lời mà đất trời và âm phủ đang mong đợi, hãy nhìn kìa; Đức Vua và Chúa tể của vũ trụ, Đấng đã ước muốn sắc đẹp của Mẹ, cũng đang nôn nóng ơn cứu độ thế giới tùy thuộc nơi sự ưng thuận của Mẹ”.
Qua đó, Mẹ Maria chỉ cho chúng ta thấy rằng hạnh phúc đến từ sự tiếp xúc với Thiên Chúa. Càng sống gần Thiên Chúa, người ta càng gần với nguồn vui. Vì Thiên Chúa đã muốn đến nơi mẹ, nên chính nơi Mẹ, Ngài đã làm trào vọt chan chứa niềm vui, một niềm vui có mục đích tràn lan trong nhân loại. Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã diễn tả đời sống nội tâm của Đức Mẹ một cách đơn sơ như sau: “Đức Mẹ không ở một mình vì có Chúa Giêsu ở với”. Có Chúa là có niềm vui. Ai sống kết hiệp cách mật thiết với Chúa trong lòng, người ấy không thể nào không hát lời ngợi khen Chúa liên lỉ, vì “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao…” (Is 61, 10). Khi nghiền ngẫm sâu xa các mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ bày, Đức Maria được chan chứa niềm vui, đầy tràn Thần Khí, quy hướng về Thiên Chúa mà vẫn một lòng khiêm hạ. Đức Maria hoàn toàn thi hành ý Chúa Cha. Mẹ đã muốn phục vụ Chúa với tất cả tình mến kín đáo nhưng mãnh liệt. Vì Mẹ yêu mến, nên Mẹ đã đặt tất cả niềm vui của mình trong việc phục vụ, hằng luôn luôn sao cho mình được hoàn toàn sẵn sàng trong tay Chúa. Mẹ sung sướng được thực thi mọi điều Người đòi hỏi Mẹ. Cùng với Đức Maria, chúng ta cũng hãy hát lên lời “fiat” trước thánh ý của Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.
- Đức Maria hát bài ca Magnificat (Lc 1, 46-55)
Thoạt nghe sứ thần Gabriel báo tin bà chị họ Elisabeth của mình mang thai được sáu tháng trong lúc tuổi đã già, với lòng ao ước muốn phục vụ, Đức Maria vội vã đi đến miền núi thăm bà Elisabeth (Lc 1, 39). Sự xuất hiện của Mẹ với lòng trào tràn niềm vui khiến cho bà Elisabeth được đầy Thánh thần liền kêu lớn tiếng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42). Bây giờ, Mẹ hoan hỷ cất lên lời tán tụng: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi…” (Lc 1, 46-55).
Khi chú giải bài thánh ca Magnificat này, thánh Beda diễn tả rằng Đức Mẹ muốn tuyên xưng những ơn riêng Chúa đã ban cho người cách đặc biệt, tiếp sau đó là kể ra những ơn chung Thiên Chúa không ngừng ban cho nhân loại đến muôn đời. Mẹ đem hết tình cảm con người bên trong ra mà ca ngợi Chúa. Lời tán tụng “Vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật Chí Thánh Chí Tôn” ngụ ý ám chỉ Mẹ không kể gì là do công trạng riêng của mình nhưng tất cả sự cao trọng của mình là do ơn của Đấng tự bản tính vốn là quyền năng và vô cùng cao cả thường làm cho các tín hữu từ chỗ nhỏ bé thấp hèn nên mạnh mẽ cao sang. Chính Thiên Chúa là Đấng đã làm tất cả nơi Mẹ, vì thế, lời ngợi khen và tri ân của Mẹ càng nồng nàn hướng lên Người. Ca vãn đó kết thúc bằng một lời ngợi khen tình thương Thiên Chúa, ngợi khen lòng nhân nghĩa qua đó Thiên Chúa đã thương xót dân Người bằng cách thực hiện lời “Người đã phán với Abraham và dòng dõi cho đến muôn đời” (Lc 1, 54-55). Qua trình thuật này, chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI ca tụng Đức Maria là ‘Trinh nữ cầu nguyện’ (Virgo Orans). Lời kinh Magnificat tuyệt hảo của Đức Maria là bài ca của các thời đại mong chờ Đấng Thiên Sai, nó hội tụ niềm hân hoan của Israel cũ và nỗi vui mừng của Israel mới. Trong thực tế bài ca của Đức Maria đã nới rộng tầm vóc để trở thành lời kinh của Giáo Hội trong mọi thời. Thánh Beda cho rằng Hội Thánh có thói quen hát kinh này vào giờ Kinh Chiều để các tín hữu vừa năng tưởng nhớ đến mầu nhiệm của Chúa mà thêm lòng sốt mến, vừa năng suy niệm các gương lành của Thánh Mẫu mà thêm vững mạnh trên đường nhân đức.
Mẹ ca tụng Thiên Chúa vì muôn ơn lành Chúa đã ban cho Mẹ và cho dân được Chúa tuyển chọn. Cuộc đời chúng ta cũng đã là một ân huệ Chúa ban rồi, nhưng chúng ta có thực hành giống Đức Mẹ như lời thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Êphêsô:“Hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5, 19). Cũng theo thánh Phaolô, việc hát ca tụng Chúa là dấu chứng biểu lộ niềm tri ân cảm tạ: “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài Thánh Vịnh, Thánh Thi và Thánh Ca, do Thần Khí linh hứng” (Cl 3, 16). Muốn hát ca tụng Chúa thì phải có tâm hồn như Đức Mẹ. Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận xem người đan sĩ Xitô Thánh Gia như loài chim hát ca tụng Thiên Chúa liên lỉ theo gương Đức Mẹ là “con chim” hót hay nhất. Đặc điểm của “bầy chim” này là không hát trong ngày xuân nắng đẹp, mà cả trong đêm tối hay giữa tuyết lạnh mưa sa. Nếu gian khổ không làm tắt được ngọn lửa yêu mến (Rm 8, 35), thì nó cũng không làm im bặt tiếng ca nơi đoàn con cái Mẹ. Chính bản thân cha Tổ Phụ đã sống trước lời giáo huấn này như trong một bức thư gửi cho bà kế mẫu: “Cái nhà đẹp nhất của chúng con nay đã biến thành đống tro tàn. Trót cơ nghiệp nhà dòng ở trong đó: sách vở, thuốc men, quần áo, vật thực…thay thảy đều cháy hết. Mặc lòng, chúng con đã hát Magnificat trọng thể tạ ơn Chúa”. Lặng người trước cảnh gian nan đến thế, cha vẫn thốt lên lời “Muôn năm Chúa”, và thấy “Không mất sự bằng an vui vẻ” vì đó là “Dấu Cha nhân hậu tỏ lòng thương con cái”cho nên “hằng ngợi khen Chúa và cám ơn người luôn”.
Cuộc đời Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã theo gương Đức Mẹ mà hát lên lời tán tụng Thiên Chúa. Cha cũng muốn con cái mình hãy dệt cuộc đời của mình thành bài Magnificat sống động. Đành rằng cuộc sống tựa như một “bản hòa tấu” được kết cấu với nhiều cung điệu bổng trầm vui buồn, nhưng bài thánh ca đó phải được hát lên từ con người của niềm vui thể hiện qua đời sống yêu thương huynh đệ. Vì lẽ đó cha muốn con cái mình hãy thương yêu nhau, hãy giúp đỡ nhau, hãy gánh đỡ gánh nặng cho nhau. Cha nói: “Nếu trong nhà dòng, mọi người đều bỏ mình đi mà lo đến anh em cách riêng, thì mọi người trong nhà đều được sự an ủi vui vẻ biết mấy”.
- Đức Maria Đã “Hát” Trong Nỗi Thống Khổ Dưới Chân Thập Giá Chúa Giêsu
Trong Phúc Âm theo thánh Gioan, có một chi tiết được thánh sử mô tả như sau:“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 25-27).
Trong đoạn văn này, ta nhận thấy Đức Maria không thốt lên một lời nào cả. Nhưng nếu các Thánh Tử Đạo đã dệt những đau khổ của mình thành bài ca ngàn trùng dâng về Thiên Chúa, thì hẳn đây là lúc Đức Mẹ đã “hát” trọn vẹn và hay nhất bản thánh ca Magnificat mà Mẹ từng hát: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”. Người đời có lẽ sẽ không thể hiểu nổi một người mẹ sao đặng có thể hớn hở vui mừng, khi ngước mắt nhìn con mình đang đau đớn quằn quại trên thập giá? Đó phải là nỗi đau thấu tận trời hơn là niềm vui ngợi khen Thiên Chúa chăng? Thánh Bênađô đã nhìn Mẹ như vị tử đạo anh hùng hiên ngang dưới chân thập giá khi viết rằng: “Lạy Mẹ diễm phúc, một lưỡi gươm đã đâm thâu lòng Mẹ. Lưỡi gươm ấy không thể đâm vào thân con của Mẹ mà một trật không đâm thâu lòng Mẹ. Lòng Mẹ đã bị đau khổ đâm thâu, vì vậy chúng con thật có lý mà tuyên bố rằng Mẹ còn hơn cả vị tử đạo, bởi vì nỗi đau do việc Mẹ cùng chịu khổ chắc chắn đã vượt quá sự đau khổ trong thân xác. Câu: thưa Bà, đây là con Bà, đối với Mẹ, chẳng còn hơn một lưỡi gươm và đã chẳng đâm thâu lòng Mẹ cùng đạt tới chỗ phân cách tâm với linh sao?”. Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI cũng nói lên nỗi đau tột cùng mà Mẹ phải chịu khi đứng gần bên thập giá Chúa Giêsu: “Sự kết hiệp giữa Đức Maria và con mình trong sự nghiệp cứu thế đạt tới tột đỉnh trên núi sọ: nơi đây, Đức Kitô “đã tự hiến dâng chính mình làm của lễ tinh tuyền cho Thiên Chúa” (Dt 9, 14), và cũng nơi đây, Đức Maria đứng kề bên cây thập giá (Ga 19, 25) “chịu đau khổ ác liệt với Con Một của mình và tham dự vào hy tế của người con với tấm lòng một người Mẹ, sẵn sàng chấp nhận trong tình yêu cuộc sát tế lễ hy sinh bởi xương thịt mình”, và chính Mẹ cũng dâng hiến hy lễ đó cho Chúa Cha vĩnh cửu”.
Tuy nhiên, nếu người đời có vui mới hát, thì ngược lại, Mẹ đã “hát” lời ca chúc tụng Thiên Chúa trong chính nỗi đau khổ tột cùng khi đứng dưới chân thập giá trên đồi Gôn-gô-tha. Sở dĩ ta có thể nói được điều đó, vì Mẹ thấy Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa Cha sắp hoàn thành sứ vụ cứu độ nhân loại; chính Con Chí Thánh của Mẹ sắp chiến thắng tử thần mà ban sự sống vĩnh cửu cho tất cả mọi người. Qua đó, Mẹ dạy chúng ta cũng biết “hát” như Mẹ trong cảnh đắng cay nghiệt ngã của cuộc đời chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn chúng ta noi gương Mẹ, vì Mẹ là người có trái tim bị lưỡi gươm đâm thâu qua, Đấng hiểu tất cả nỗi thống khổ của chúng ta. Mẹ bước đi với chúng ta, chiến đấu với chúng ta, và không ngừng tuôn đổ sự gần gũi của tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta. Thánh Bênađô dạy chúng ta rằng: “Nếu gió cám dỗ nổi lên, nếu cạm bẫy thử thách lô nhô trên đường sống, hãy ngước nhìn ánh sao hãy cầu cứu Maria. Chớ gì danh thánh người không hề rời xa môi miệng bạn, không hề rời xa trái tim bạn. Và để được người nguyện cầu cho, bạn đừng xao nhãng noi gương người đã sống. Theo Người, bạn chắc sẽ không lạc lối; kết hợp với Người, bạn chắc sẽ không tuyệt vọng; bàn hỏi Người, bạn sẽ không lầm lỡ. Nếu Người nâng đỡ, bạn sẽ không sa ngã; nếu Người che chở, bạn chẳng còn sợ hãi; nếu Người hướng dẫn, bạn chẳng còn mệt nhọc; nếu được Người chiếu cố, bạn sẽ đạt tới đích”.
Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận cũng muốn chúng ta hãy hát lên bài ca tụng Chúa như Mẹ Maria, ngay cả khi gặp trái ý nghịch lòng: “Chúa cho chúng tôi vui, chúng tôi cũng vâng. Chúa để chúng tôi buồn, cũng dạ. Chúa cho gặp những gì trái ý nghịch lòng, cũng vâng. Dẫu phải lâm những điều khốn cực lắm, cũng xin vâng hết thảy”; “Nếu chúng ta biết ấp yêu Thánh Giá vào lòng, thì mọi sự gian khổ đời này, không làm cho chúng ta nao núng. Có lòng trìu mến Thánh Giá thật, thì ở trong nhà Dòng này rất đỗi vui mừng. Như vậy, ai mà làm chi được chúng ta! Bề Trên có quở phạt, anh em có khinh chê, đó là Thánh Giá, là điều mình hằng nâng niu trân trọng. Những kẻ ấy ở trong nhà Dòng này vui thích biết mấy”. Cha năng nhắc rằng: “Không nên than van kêu trách, một đội ơn Chúa vì những sự khó chúng ta thường gặp. Chúng ta nghĩ xem, sự ấy là một điều rất nghịch. Một người ở trong nhà Dòng này, mà than van kêu trách buồn bực, tỏ mặt quạu cọ, không bằng lòng với Bề Trên, với anh em. Chúng ta nghĩ xem, thật là một điều rất nghịch, không biết nói làm sao được”. Như thế, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ta hãy hát ca tán dương Thiên Chúa như Mẹ Maria bằng mỗi phút giây cuộc đời, để cuộc đời chúng ta đáng là bản Te Deum hát mừng Thượng Đế ngàn lời hoan ca, được hát lên lúc chúng ta từ giã cõi đời này.
- Đức Maria hát giữa Giáo Hội cầu nguyện
Chương đầu của sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại việc Đức Maria cầu nguyện cùng với các Tông Đồ và vài người phụ nữ trong căn phòng các ông trú ngụ (Cv 1,14). Đây là hình ảnh một Giáo Hội cầu nguyện cùng với Thánh Mẫu Thiên Chúa. Mẹ “hát” với lời kinh của Giáo Hội để nài xin Thánh Thần Thiên Chúa xưa đã ngự xuống trên Mẹ, thì nay cũng ngự xuống trên Giáo Hội. Không hẳn là Mẹ xuất hiện như là Mẹ của từng môn đệ cho bằng là Mẹ của tất cả cộng đoàn. Việc chuẩn bị cho cuộc Hiện Xuống đòi phải có sự đồng tâm nhất trí cầu nguyện của các Tông Đồ. Vậy Mẹ khuyến khích cầu nguyện và Mẹ nâng đỡ sự chuyển cầu của mỗi người. Theo Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: “Sự hiện diện của Đức Maria đang cầu nguyện trong Giáo Hội sơ khai cũng như với trong Giáo Hội qua mọi thời đại, vì được mông triệu về trời, Mẹ vẫn không bỏ bê sứ vụ nguyện cầu và cứu độ của Mẹ”. Sau khi được rước lên trời, Mẹ không từ bỏ nhiệm vụ mang ơn cứu độ này, nhưng Mẹ vẫn chuyển cầu cho chúng ta bằng trăm phương ngàn cách, vẫn tiếp tục xin cho chúng ta những ân huệ cần thiết để hưởng ơn cứu độ muôn đời. Mẹ lấy tình mẫu tử mà chăm sóc đàn em của con mình đang lữ hành và đương đầu với bao nguy hiểm lo âu, cho đến khi họ được đưa vào quê trời vĩnh phúc.
Xin Mẹ cũng ban cho chúng ta ham thích cầu nguyện hơn nữa, vì mỗi khi cử hành thần vụ là chúng ta được tham dự cùng với ca đoàn thiên quốc mà tung hô chúc tụng Thiên Chúa. Xin Mẹ cũng dạy chúng ta biết cầu nguyện riêng, trong việc chú ý liên lỉ đến sự hiện diện của Chúa hoặc trong sự đối thoại êm đềm với Chúa. Ai hơn Mẹ, có thể hướng dẫn chúng ta trên con đường cầu nguyện, vì Mẹ đã hướng dẫn cộng đoàn Kitô Giáo tiên khởi trên con đường đó.
Kết luận
Trong Sắc lệnh Perfectae Caritatis, Công Đồng Vaticanô II đã xác quyết nhiệm vụ chính yếu của đan sĩ là phụng sự Thiên Chúa uy linh trong phạm vi đan viện. Hằng ngày đan sĩ phụng sự Thiên Chúa uy linh bằng việc hát lên lời ca chúc tụng Thiên Chúa trong các giờ thần vụ, Lectio Divina và lao tác. Đây thực là công việc rất cao quý đến nỗi thánh Biển Đức muốn đan sĩ phải nhanh chân đi cử hành thần vụ cùng với cộng đoàn khi nghe hiệu báo và đừng lấy gì làm hơn việc Chúa. Với thánh Augustino, “hát thánh ca là cầu nguyện hai lần”, nhưng để ta có thể ca ngợi Chúa liên lỉ thì ngài đã khuyên rằng: “Nếu bạn hát lên bằng lời, thì có lúc bạn sẽ ngưng bài ca. Hãy hát lên bằng cuộc sống của bạn, bạn sẽ không bao giờ thôi hát ca”; “Đừng để cho đời sống của bạn đi ngược lại lời miệng bạn đang hát…Bạn muốn ngợi khen Thiên Chúa phải không? Hãy sống đúng như điều bạn hát. Bạn sẽ là lời ngợi khen Thiên Chúa, nếu bạn sống tốt lành”.
Thế nhưng làm sao ta có thể “hát đúng, hát hay” bài ca chúc tụng Thiên Chúa với cả tâm hồn và ước nguyện, nếu như ta không cần đến một “nhà sư phạm đầy kinh nghiệm” tuyệt hảo là Mẹ Maria-con chim hót hay nhất trong cả niềm vui lẫn nỗi đau khổ xé lòng? Thật có lý khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô ký thác năm đời sống thánh hiến cho Đức Maria, Trinh nữ của lắng nghe và chiêm niệm, môn sinh tiên khởi của người Con yêu dấu của mình, là nữ tử quý mến của Chúa Cha và được trang điểm bởi mọi hồng ân, như mẫu gương tuyệt vời của việc đi theo Chúa Kitô trên con đường yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Ngài muốn chúng ta học nơi Mẹ, người môn đệ lý tưởng của Chúa Kitô, để trong năm thánh về đời sống thánh hiến này, “ở đâu có các tu sĩ thì có niềm vui” và niềm say mê Thiên Chúa được lan tỏa đến với mọi người, khiến dân Chúa khắp nơi cùng hát lên rằng: “Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi khen danh Ngài”.