CHÚA QUYẾN RŨ TÔI VÀ TÔI ĐỂ CHO NGƯỜI QUYẾN RŨ

800

Sống trong đời, ai ai cũng phải kinh qua nhiều thứ trải nghiệm: vui, buồn, sướng, khổ. Đó có thể là những phút giây khiến tâm hồn ta thơ thới, hân hoan. Đó cũng có thể là những khoảnh khắc khiến lòng ta tê tái. Cuộc sống mang đến cho ta đủ mọi cung bậc cảm xúc: cay, đắng, ngọt, bùi.

Đối với những người sống đời thánh hiến, có thể nói rằng, khoảnh khắc họ lắng nghe tiếng Chúa mời gọi là một khoảnh khắc mang tính bước ngoặt. Gọi là bước ngoặt vì nếu họ đáp lời xin vâng để theo đuổi tiếng gọi của Chúa tức là họ đã chính thức bước vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm: trải nghiệm những cung bậc cảm xúc trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian.

 

CHÚA QUYẾN RŨ TÔI

Hành trình ơn gọi sống đời thánh hiến của mỗi người có thể khác nhau, nhưng  tất cả đều chung quy ở một điểm: đó là cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa và muốn đáp trả lại tình yêu cao vời ấy. Như vậy, Thiên Chúa luôn là người đi bước trước để mời gọi, để lôi cuốn con người vào mối tình muôn thuở với Ngài. Và để thực hiện điều ấy, Thiên Chúa bắt đầu quyến rũ như lời ngôn sứ Hôsê: “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2, 16).

Lật lại những trang Tin Mừng, Chúa tuyển chọn các môn đệ theo cách thức rất lạ. Với các môn đệ đầu tiên, theo lời giới thiệu của Gioan Tiền Hô: “Đây là Chiên Thiên Chúa”, các ông liền đi theo Đức Giêsu. Họ đã đi theo Người và “đến mà xem” nơi Người ở (x. Ga 1, 35-39). Ông An-rê – một trong hai môn đệ đã đi theo Đức Giêsu hôm ấy – lại giới thiệu Đức Giêsu cho em mình là ông Simon. Để rồi khi Đức Giêsu đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, Ngài cất tiếng gọi “hãy theo Thầy”, hai ông liền bỏ mọi sự mà đi theo. Cũng cách thức ấy, Chúa đã lôi kéo được các ông Gioan và Giacôbê (x. Mt 4, 18-22), Philipphê và Nathanael (x. Ga 1, 43-49), Matthêu (x. Mc 2, 13-14),… Cách thức Chúa gọi các ông xem ra rất đơn giản: chỉ bằng một câu mời gọi ngắn gọn, không bóng bẩy, không hoa mỹ, không hứa hẹn điều gì về một tương lai tươi sáng. Điều đó chứng tỏ nơi Người có một sự cuốn hút, một sức quyến rũ đến kỳ lạ. Sức quyến rũ không đến từ vẻ bề ngoài hay do tài ăn nói, nhưng đến từ trong tâm khảm con người Giêsu. Sức quyến rũ ấy mạnh đến nỗi các ông dám từ bỏ tất cả để “lập tức” đi theo Người (x. Mt 4, 20).

Phần chúng ta, có người nhận ra mình có ơn gọi khi nhìn thấy gương sáng nơi các linh mục và tu sĩ. Người thì muốn bước theo Chúa để theo đuổi lý tưởng Phúc Âm. Có người theo Chúa khi nhìn vẻ duyên dáng của các nữ tu trong bộ tu phục đẹp. Hoặc có người bước vào đời tu chỉ vì đời tu có những thứ mình thích như thể thao, học thức hoặc địa vị… Chúa có muôn vàn cách để lôi kéo người ta đi theo Ngài. Làm thế nào để hiểu cho thấu ơn gọi, làm thế nào để lý giải tiếng Chúa kêu mời trong tim? Vì thế, có thể nói rằng ơn gọi là mầu nhiệm, là bí mật giữa Thiên Chúa và người mà Ngài tuyển chọn. Cũng như các môn đệ xưa, người bước theo ơn gọi dâng hiến là người cảm nhận được nơi Chúa một lời mời gọi đầy lôi cuốn, một sức quyến rũ mạnh mẽ kéo họ vào cuộc. Sự quyến rũ ấy được Chúa tỏ ra với những cách thức khác nhau. Nhưng chung hết, tất cả đều là những hương vị dịu ngọt của tình yêu thuở ban đầu. Những năm tháng đầu bước vào đời tu, người ứng sinh nhìn thấy biết bao cái đẹp trong “thiên đàng tại thế” này. Mọi thứ luôn chứa đựng trong nó một vẻ đẹp thuần khiết, các giờ kinh nguyện sốt sắng, các buổi lao tác hăng say, ai ai trong nhà dòng cũng đều hiền lành và thánh thiện… Họ xem thấy những điều ấy và chấp nhận ở lại. Và một khi họ đã chấp nhận ở lại để theo đuổi ơn gọi, Chúa sẽ tỏ mình ra cho họ.

 

TÔI ĐỂ CHO CHÚA QUYẾN RŨ

Không biết hai môn đệ đến với Đức Giêsu theo lời giới thiệu của Gioan Tiền Hô đã xem thấy gì. Tin Mừng đã không nói tới điều ấy. Nhưng có thể chắc chắn rằng, các ông đã nhìn thấy một con người Giêsu một cách chân thật nhất: không nhà, không cửa, không chỗ tựa đầu (x. Mt 8, 20). Đó là chính con người Giêsu. Đó là chính Thiên Chúa làm người. Có thể ban đầu các ông bước theo Chúa với biết bao mộng ước thời trai trẻ. Những mộng ước ấy có thể là những hoài bão mà lâu nay các ông hằng ấp ủ trong lòng, nay các ông muốn được hiện thực hóa nơi con người Giêsu này.

Sự thật là gì? Bước theo Chúa là bước trên con đường khổ giá đầy gai góc, đầy lệ rơi. Bước theo Chúa là chấp nhận đánh đổi tất cả như điều kiện mà Chúa đã đặt ra cho những ai muốn đi theo Người: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Nào có gì khó khăn để từ bỏ cho bằng từ bỏ chính bản thân mình, bỏ đi cái tôi ích kỷ, bỏ đi cái tinh thần yếu đuối, nặng nề. Thế mà ta vẫn thấy hầu hết các môn đệ vẫn trung thành với Chúa Giêsu tới cùng dẫu có bao phen các ông sa ngã vì yếu đuối. Chính điều đó nói lên một chân lý: nơi Người có một sức quyến rũ mạnh mẽ đến độ các môn đệ dám chấp nhận đánh đổi tất cả để theo và để trung thành với Người.

Người ứng sinh sau một thời gian tìm hiểu sẽ dễ dàng nhận thấy đời tu không còn đẹp như mơ nữa. Kiếp người mỏng dòn yếu đuối làm sao có thể dễ dàng thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của kiếp trần ai: đi tìm danh vọng, lạc thú, quyền lực. Có nhiều hình thức khác nhau của đời sống thánh hiến, nhưng không có hình thức nào mà người theo đuổi nó không phải trải qua đau khổ, không phải bước đi trên con đường thập giá. Đó là sự thật.

Nhìn về kinh nghiệm của ngôn sứ Giêrêmia, ta có thể dễ dàng thấy rõ điều này:

“Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con,

và con đã để cho Ngài quyến rũ.

Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.

Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con.

Mỗi lần nói năng là con phải la lớn,

phải kêu lên: “Bạo tàn! Phá hủy!”

Vì lời ĐỨC CHÚA mà con đây bị sỉ nhục và chế diễu suốt ngày.

Có lần con tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người,

cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa”.

Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng mãi trong tim, âm ỉ trong xương cốt.” (Gr 20, 7-9)

Giêrêmia đã được Thiên Chúa tuyển chọn khi ông còn ở trong dạ mẹ. Thiên Chúa đã thánh hóa ông để ông trở thành một ngôn sứ của Người. Dẫu rằng ông có sợ hãi và chối bỏ vì tuổi trẻ và không có khiếu ăn nói, nhưng Thiên Chúa, bằng chính tình thương quan phòng của Người, đã không cho ông cơ hội chối từ (x. Gr 1, 5-10). Chính Giêrêmia đã phải thừa nhận điều ấy khi nói: “Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng”. Động từ “để cho Ngài quyến rũ” nói lên một sự tín thác vô hạn của Giêrêmia vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, và có tình yêu nào mạnh mẽ cho bằng tình Chúa thương con người. Như thế, ta không có gì ngạc nhiên khi Giêrêmia bị thua cuộc trong tình yêu ấy, bởi chính Thiên Chúa đã lấy tình yêu làm vũ khí của Người. Đó là cái “dại” của ông – một cái dại của tình yêu, một cái dại có tính bước ngoặt bởi ông đã bị tình yêu Chúa quyến rũ. Chấp nhận tình yêu cũng là chấp nhận bước vào thử thách. Bị quyến rũ vì tình yêu là chấp nhận đánh đổi cả phận người.

Khi đáp lại tình yêu ấy, Giêrêmia đã phải gánh chịu biết bao đau khổ khi ông nói nhân danh một sứ mạng đến từ Thiên Chúa. Sứ mạng này đòi hỏi nơi ông một sự dấn thân. Sự dấn thân của ông, nhiệt huyết của ông vấp phải quá nhiều thử thách và chống đối: ông trở thành trò cười cho thiên hạ diễu cợt và phỉ báng. Người ta không tin lời ông, không đón nhận lời ông như những sấm ngôn đến từ Đức Chúa. Những chống đối ấy không phải ngày một ngày hai, nhưng là những chống đối mang tính tiệm tiến: mỗi ngày một nhiều hơn.

Rồi cái mỏng dòn của kiếp người lại trỗi dậy. Bao thử thách nghiệt ngã mà cuộc đời dành cho Giêrêmia như muốn quật ngã ý chí của ông: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa”. Có dễ dàng không khi cố gắng quên đi tình yêu một khi đã bị nó quyến rũ? Từ bỏ dễ đến thế sao khi tiếng gọi đã chạm thấu vào tim? Sự dằn vặt trong tâm trí Giêrêmia như một vết cắt sâu vào tim làm cho cõi lòng ông luôn phải băn khoăn thổn thức. Quả thực tình yêu của Thiên Chúa là một thứ gì đó quá mãnh liệt khiến cho con người một khi đã cảm nếm thì luôn phải khát mong. Tình yêu ấy cứ như một ngọn lửa “bừng mãi trong tim, âm ỉ trong xương cốt”, nó thiêu đốt Giêrêmia nhưng cũng cho ông một nghị lực. Nghị lực ấy làm cho ông luôn trung tín với Thiên Chúa. Từ kinh nghiệm về đau khổ, Giêrêmia đã có được kinh nghiệm gắn bó với Thiên Chúa.

Sống trong đời sống thánh hiến, người tu sĩ cũng được Thiên Chúa cho cảm nếm sự ngọt ngào bằng tình yêu của Ngài. Chỉ có tình yêu mới có sức mạnh kéo ta đến với Chúa. Thế nhưng tình yêu nào mà không phải trải qua thử thách. Con đường Chúa mời gọi ta theo Ngài là con đường của khổ hạnh, đắng cay, con đường của thập giá. Ta không thể cứ ngồi đấy nếm mãi thứ tình yêu dịu ngọt trong khi người ta yêu đã cất bước lên đường. Ta phải cùng lên đường với Ngài để vượt qua mọi nguy khó.

Lắm lúc trong đời sống tu trì, ta bỗng thấy mình thật lẻ loi. Đó là khi ta phải đối mặt với những thực tại trần gian: hiểu lầm của bề trên, những nghi kỵ của anh chị em đồng tu, những thách đố của đời sống cộng đoàn hay chỉ đơn giản là ta phải đối mặt với những đớn hèn nơi bản thân mình cả ngoài thể xác lẫn trong tâm hồn. Những thực tại ấy như muốn gào thét, xô đẩy ta đến với những bến bờ của tuyệt vọng. Hơn nữa, đó không phải là một cuộc chiến đấu mau qua. Bao lâu còn sống trong thân xác này, ta còn phải đối mặt. Thế thì tình yêu kia đâu rồi, người yêu ta đâu rồi? Ta có cảm giác như Thiên Chúa cũng đã ruồng bỏ ta rồi. Cảm giác bị Thiên Chúa ruồng bỏ luôn là một trong những cảm giác, một trong những kinh nghiệm đau đớn nhất của đời tu. Những tháng ngày tươi đẹp trong tình yêu thưở ban đầu nay đâu còn nữa. Những ngày phía trước sao chỉ là một cõi mù mịt không nhìn thấy lối ra. Tất cả có thể đánh gục ta nếu ta không kiên vững, không còn thiết tha bám víu vào một tình yêu mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho ta.

Đó cũng chính là lúc ta phải xác định lại rằng: tôi được tuyển chọn và kêu gọi do tình yêu và cho tình yêu. Lời mời gọi ấy thật ngắn gọn như lời Chúa mời gọi các môn đệ xưa: “Hãy theo Thầy”. Tuy ngắn gọn nhưng lại mang đầy ý nghĩa. Hãy theo Thầy để Thầy ở đâu thì các con cũng được ở đó. Hãy theo Thầy vác thập giá và sau này được cùng Thầy hưởng phúc vinh quang. Như ngôn sứ Giêrêmia, nếu thật sự ta đã được Thiên Chúa đụng chạm đến bằng chính tình yêu của Người và ta đã mạnh dạn đáp lại tình yêu ấy, thì nó cứ mãi như ngọn lửa thiêu đốt trong tim, âm ỉ trong xương tủy. Ta sẽ không thể lẩn tránh, không thể chối từ. Ta cần có tâm tình như Giêrêmia, đó là tín thác một cách vô điều kiện vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính Người, vâng chính Người, sẽ làm cho ta điều Người muốn vào đúng lúc đúng thời.

 

KẾT

“Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên vẫn dành cho ngươi lòng xót thương”(Gr 31, 3). Lời của ngôn sứ Giêrêmia như muốn nhắc nhở chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã, đang và vẫn sẽ mãi yêu thương chúng ta – những con người yếu đuối. Chính vì vậy mà Ngài sẽ không ngừng quyến rũ, sẽ không ngừng mời gọi ta đến với Người. Đến với Người, đồng hành với Người là chấp nhận cùng Người bước đi qua những thăng trầm biến đổi, những thử thách gian lao của cuộc đời này. Và dẫu cho những thứ đau khổ ấy có gian lao đến đâu đi nữa, hãy đặt nơi Người lòng tín thác, niềm cậy trông. Hãy cứ để cho Thiên Chúa dùng ta như khí cụ của Người. Hãy cứ để Thiên Chúa quyến rũ. Người sẽ không thể làm ngơ, nhưng sẽ cùng với ta tiến bước.