ĐỨC MARIA TRONG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI

167

Đức Maria với Thiên Chúa Ba Ngôi : ngoài Thiên Chúa Cha, chỉ có Đức Maria là Đấng duy nhất cho thể nói cùng Chúa Con: Đây là Con Ta. Theo thánh Bernard, Đức Mẹ xưng hô với Thiên Chúa toàn năng – Chúa các thiên thần – là Con của Mẹ, khi Mẹ hỏi Người một cách hết sức đơn sơ: ‘Hỡi Con, tại sao Con lại xử với chúng ta như thế?’

          Hỏi thử có thiên thần nào dám thốt lên một lời như thế hay không?… Nhưng Đức Maria, hoàn toàn ý thức về thiên chức Thần Mẫu của mình, đã không ngần ngại gọi Thiên Chúa trời đất là ‘Con’ của Mẹ. Thiên Chúa không bị xúc phạm trước lời gọi ấy, vì chính Người đã muốn như vậy. Người thực sự là Con của Mẹ Maria. Mỗi khi tìm hiểu về bản tính Chúa Kitô, chúng ta phải cẩn thận phân biệt giữa cuộc nhiệm sinh từ đời đời (Thần Tính, Ngôi Lời hằng hữu) và cuộc giáng sinh trong thời gian của Người. Là Thiên Chúa, Ngôi Con được sinh ra mà không phải tạo thành từ Chúa Cha từ trước muôn đời.

Là con người, Người được sinh ra và đã làm người, nhờ Đức Trinh Nữ Maria. Khi thời gian viên mãn, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng đã được Thiên Chúa xức dầu, đã mặc lấy xác thể loài người. Có thể nói, Người đã mặc một linh hồn và một thân xác được tạo dựng trong cung lòng Mẹ Đồng Trinh. Nhân Tính (hồn và xác) và Thần Tính hợp nhất trong Ngôi Lời. Ngay từ giây phút tự tình thưa lời xin vâng trước thánh ý Thiên Chúa, Đức Maria đã trở thành Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể. Tương tự như mọi bà mẹ, từ lòng mình, họ chỉ sinh một thân xác, chứ không phải linh hồn. Chúng ta có lý khi nhìn nhận những phụ nữ này là những bà mẹ. Chúng ta cũng hãy coi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa như vậy, vì sự kiện ngôi hiệp của Con Mẹ.

Từ trời cao, các thiên thần và các thánh kính sợ chiêm ngắm vinh quang cao cả của Đức Maria. Các ngài quá biết uy quyền của Mẹ, vì Mẹ đã, và mãi mãi đến đời đời vẫn là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng Tạo Thành, Mẹ Đấng Cứu Độ.

Vì thế, trong kinh cầu Đức Bà, tước hiệu vinh quang này được chúc tụng đầu tiên, Đức Mẹ Chúa Trời; nối tiếp sau đó là các tước hiệu khác, xứng hợp với chức phẩm Mẹ Thiên Chúa: Đức Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, Đức Mẹ mọi ân sủng, Đức Mẹ cực thanh, cực tịnh… Vì là Mẹ của Con Thiên Chúa, nên Đức Maria có một tương quan cá biệt với Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh. Mẹ là Nữ Tử của Chúa Cha, như lời các giáo phụ và huấn quyền Giáo Hội vẫn xưng tụng. Đức Trinh Nữ có liên hệ máu mủ với Chúa Con, mối liên đới đem lại cho Mẹ quyền cai quản Chúa Giêsu… Chúa Giêsu cũng có những bổn phận với Mẹ theo lẽ công bình mà mọi người con đều mắc với cha mẹ họ. Với Chúa Thánh Thần, Đức Maria là Đền Thờ và là Nhà Tạm của Người, theo như lời giáo huấn của các giáo phụ, và mới đây là của Đức Gioan Phaolô II.

Tương quan của Đức Maria với Ba Ngôi còn được lặp lại qua những lời chính xác khi mô tả mối tương quan của Thân mẫu Chúa với Hội thánh: “Người đã được trao tặng chức vụ và phẩm giá là Thân mẫu của Con Thiên Chúa, và vì thế trở thành ái nữ của Chúa Cha và Đền thờ của Chúa Thánh Thần”.

Tước phẩm căn bản của Đức Maria là “Thân mẫu Con Thiên Chúa”, được đạo lý và phụng tự Kitô giáo diễn đạt với  tước hiệu là “Thân mẫu Thiên Chúa”. Đây là một tước hiệu phi thường, bày tỏ sự hạ mình của Con một Thiên Chúa  trong cuộc Nhập thể của Người, và gắn liền với sự  tự hạ là đặc ân cao quý trao tặng cho một  thụ tạo được gọi sinh ra Ngôi Lời về xác thịt.

Là Mẹ của Chúa Con, Đức Maria là “ái nữ của Chúa Cha” một cách độc nhất vô nhị. Mối tình mẹ của Người có thể so sánh phần nào với tình Cha của Thiên Chúa.

Ngoài ra, tuy dù mỗi Kitô hữu là “Đền thờ Chúa Thánh Thần”  theo như lời tông đồ Phaolô đã nói (1Cr 6,19),  nhưng lời khẳng định đó mang một ý nghĩa khác thường nơi Đức Maria: thực  vậy, ở nơi Người mối tương quan với Chúa Thánh Thần  đã được tô điểm với chiều kích hôn ước. Tôi đã nhắc lại điểm này trong thông điệp Thân mẫu Đấng Cứu thế: “Chúa Thánh Thần đã ngự xuống ở trên Người, và Người đã trở thành hiền thê trung tín vào lúc truyền tin, khi đón tiếp Lời của Thiên Chúa thật”.

Mối tương quan đặc biệt của Đức Maria với Chúa Ba Ngôi đã mang lại cho Người một tước phẩm vượt xa trên mối tương quan của các thụ tạo khác. Công đồng đã nói tới điều đó một cách minh thị như sau: do “hồng ân siêu việt” Đức Maria đã vượt xa hết mọi loài thụ tạo”.

Tuy vậy, phẩm tước cao vời đã không ngăn cản Đức Maria trở thành liên đới với từng người chúng ta, thực vậy, Hiến chế Ánh sáng muôn dân nói tiếp như sau: “Người đã liên kết, trong dòng dõi Ađam, với tất cả những người cần được ơn cứu rỗi” và Người “đã được cứu chuộc một cách tuyệt  vời nhờ vào công trạng  của Con mình”.

Chúng ta thấy rõ ý nghĩa chính xác của những đặc ân ban cho Đức Maria và của những mối tương quan đặc biệt với Chúa Ba Ngôi: những đặc ân đó nhằm biến Người trở nên xứng đáng cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại. Vì thế sự cao cả vô biên của Thân mẫu Chúa là một hồng ân của tình thương mà Chúa dành cho tất cả mọi người. Khi tuyên xưng Người là “kẻ có phúc” (Lc 1,48), mọi thế hệ tuyên dương những “kỳ công” (Lc 1,49) mà Đấng Toàn năng đã thực hiện nơi Người nhằm tới toàn thể nhân loại khi Chúa “nhớ lại lòng khoan dung” (Lc 1,54).

Đức Maria là Kỳ Công kiệt tác của Thiên Chúa Ba Ngôi. Kỳ Công kiệt tác này không phải là một người xa lạ với đời sống các tín hữu. Thiên Chúa không ban nhiều đặc ân cho một người nào đó chỉ để làm chúng ta ngỡ ngàng. Kỳ Công kiệt tác này của Thiên Chúa Ba Ngôi là Hiền Mẫu Đấng Cứu Thế, đồng thời cũng là Mẹ chúng ta – Người Mẹ của một người con khốn nạn là tôi đây, nhưng trên phương diện này, tôi không thua kém bất kỳ ai khác. Mẹ Maria là Mẹ của tôi!

Hôm nay, chúng ta hướng lên Mẹ Maria trong niềm vui mừng và tán dương, một niềm tự hào thánh thiện. Ai cũng thích thú khi ta nhắc đến mối liên hệ giữa họ với những nhân vật lẫy lừng trong các lãnh vực văn chương, chính trị, quân sự, hoặc trong Giáo Hội! Bạn hãy ca tụng Mẹ Maria Vô Nhiễm, hãy nhắc cho Mẹ rằng: kính mừng Maria, Nữ Tử của Thiên Chúa Cha! Kính mừng Maria, Hiền Mẫu của Thiên Chúa Con! Kính mừng Maria, Hiền Thê của Thiên Chúa Thánh Thần! Không ai cao cả hơn Mẹ ngoài một mình Thiên Chúa!