ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ

7

ĐỨC MẸ

DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ

Dcr 2, 14-17

“Hỡi con gái Xi-on, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi, – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng ĐỨC CHÚA: Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi.” Bấy giờ, (các) người sẽ nhận biết rằng ĐỨC CHÚA các đạo binh đã phái tôi đến với (các) người. ĐỨC CHÚA sẽ lấy Giu-đa làm cơ nghiệp, đó là sở hữu của Người trên Đất Thánh và Người sẽ lại tuyển chọn Giê-ru-sa-lem. Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan ĐỨC CHÚA, bởi vì Người tỉnh giấc và ra khỏi Nơi Thánh của Người.

Mt 12, 46-50

Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? ” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Trên đường từ Sài Gòn về Vũng Tàu, tôi ngân nga bài hát mà nhiều ca đoàn hát khi dâng lễ vật : “Dâng Ngài, lòng mến vô biên, niềm tin vẹn tuyền ngàn lời ước nguyện, dâng Ngài cuộc sống hôm nay, hạnh phúc tương lai con tha thiết dâng Ngài. Dâng Ngài lời hát đơn sơ, nguồn vui tin thờ trọn đời mộng mơ, xin cho ngày mai ấm êm, tình nồng hồng phúc bên Cha hiền triền miên.

Con luôn mơ ước nhiều niềm vui, êm ru sớm chiều dù đời có bao lần ước nguyện đẹp nụ hoa xuân. Nay xin vâng ý Cha dìu đưa hồn con bến xa, thoát bóng đêm mịt mù về quê yêu dấu mong chờ…”

Tất cả tâm tình dâng hiến được gói gọn trong bài hát đơn sơ nhỏ bé này. Còn gì đẹp bằng khi mà đứa con tín thác cuộc đời mình trong vòng bàn tay cha mẹ. Trong gia đình chúng ta, không ít thì nhiều, ai ai cũng có con nhỏ, cháu nhỏ. Nhìn lại những đứa con, những đứa cháu nhỏ trong gia đình của chúng ta. Những đứa trẻ ấy rất dễ thương. Không bao giờ ai bế được nó đi ra khỏi nhà dù có mang bánh mang kẹo, mang đồ chơi dến dụ nó và cho dẫu rằng những món mà người ta đem ra dụ là những món mà chúng thích thú vô cùng đi chăng nữa. Vì sao ? Vì lẽ có một tình cảm thiêng liêng gắn bó như thế nào đó với cha, với mẹ của chúng. Chúng đã hoàn toàn tín thác vào tay của cha mẹ chúng. Trẻ thì như thế, lớn thì sao ? Lớn thì hoàn toàn ngược lại, chúng cảm thấy như không cần đến sự trợ giúp của cha mẹ nữa nhưng chúng ta ai ai cũng thích cái tâm tình đơn sơ phó thác đó hơn dù rằng con người cần đến lúc trưởng thành và tự lập.

         Hình ảnh đứa trẻ tin yêu phó thác cuộc đời chúng vào trong tay của cha mẹ chúng ta thấy dễ thương làm sao đó. Thử nhìn đứa nhỏ xem ? Chẳng hề lo no lo đói chi cả. Nhìn kỹ chúng ta thấy ai mới là người lo ? Cha mẹ chúng chứ ai ! Thử nhớ về đứa trẻ xem. Chẳng bận tâm gì cả, cứ đến giờ là được ăn và được ngủ. Thậm chí khó ngủ còn được quạt cho ngủ và được dỗ dành nữa là khác ! Thế đấy ! còn gì đẹp bằng tâm tình phó thác trong tay người lớn, trong tay những người có năng quyền lo cho đời mình.

         Dâng Thánh lễ hôm nay, chúng ta mừng kính Mẹ Maria, Mẹ Maria đã dâng mình, dâng cuộc đời của mình trong vòng tay quan phòng của Thiên Chúa, trong thánh ý yêu thương của Ngài.

         Nhìn lại cuộc đời của Đức Mẹ một chút chúng ta thấy rõ ràng rằng Mẹ Maria, Mẹ chúng ta phó dâng cuộc đời như thế nào và kết quả hay nói đúng hơn là hoa qủa của cuộc đời dâng hiến đó ra sao.

         Thuở thiếu thời, là một thiếu nữ Do Thái. Mẹ Maria được sinh ra trong một gia đình đạo đức, cùng với gia đình, cùng với dòng tộc, cùng với quê hương ngong ngóng đợi chờ Đấng Mêsia đến để cứu dân Người như lời các ngôn sứ đã tiên hứa tự ngàn xưa. Mẹ Maria ngày ngày lên Đền Thờ cầu nguyện, nghe Thánh Kinh Cựu Ước, chiêm niệm những lời của Thiên Chúa qua các ngôn sứ, qua những người đại diện của Thiên Chúa. Ngày ngày gắn bó với Đền Thờ, chia sẻ lời Chúa phải chăng đó không phải là hình ảnh của sự dâng hiến ?

         Chắc chắn, tâm tình của Mẹ Maria từ thuở thiếu thời đấy mang đậm nét của một tâm hồn đơn sơ, một tâm hồn khiêm hạ để dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa. Và hình ảnh dâng hiến ấy có lẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa, tâm hồn đơn sơ ấy Thiên Chúa đã nhìn thấy và Thiên Chúa đã chọn Mẹ để Mẹ cộng tác vào trong công trình cứu độ của Thiên Chúa.

         Đời dâng hiến cho Chúa đấy được Mẹ thân thưa từ nhỏ nhưng chính vào lúc, vào ngày, vào cái giờ mà sứ thần được Thiên Chúa sai đến với Mẹ và ngay từ lời “xin vâng” với sứ thần đã xác quyết hành động dâng mình của Mẹ một cách triệt để hơn, một cách công khai hơn, một cách xác tín hơn.

         Và, nhìn lại toàn bộ cuộc đời của Mẹ Maria, chúng ta thấy Mẹ không phải chỉ “xin vâng” – chỉ dâng mình – trong thời khắc ấy nhưng mà hình như cả cuộc đời của Mẹ, Mẹ mãi mãi xin vâng, xin dâng mình cho Chúa đến hơi thở cuối cùng trong cuộc đời.

         Trải dài cuộc đời Mẹ, chúng ta thấy toàn là dâng hiến và dâng hiến mà thôi.

         Mới có thai cục cưng Giêsu – Đấng mà được sứ thần báo là Con Đấng Tối Cao – Đấng Cứu Thế – đấy thì đã bị Giuse âm thầm từ chối và từ hôn. Như những người khác, Mẹ sẽ cảm thấy bực tức tại làm sao mà Thiên Chúa lại để cho tôi ra nông nổi như thế này như thế kia ? Nhưng không, đã một lần dâng hiến cuộc đời cho Chúa thì lại tiếp tục dâng hiến để cho Chúa muốn làm gì thì tuỳ Chúa.

         Mẹ Đấng Cứu Độ gì đâu mà phải sinh con trong hang đá bò lừa hôi tanh ? Nghe sao mà nó kỳ quá. Ngay như trong chúng ta đây dù nghèo mấy đi chăng nữa cũng chẳng phải cam chịu cái cảnh cay đắng như Mẹ là phải sinh con ở hang đá bò lừa. Dâng hiến là chỗ này này. Dâng hiến là đón nhận tất cả những khổ đau vất vả với lòng tin yêu và phó thác.

         Sau khi sinh, con trẻ chưa kịp biết đi đã phải bồng bế, phải dắt díu nhau trốn khỏi lưỡi gươm ác nghiệt của Hêrôđê vì ông sợ con trẻ Do Thái sẽ lên ngôi trị vì thay ông như lời người ta đồn đại. Sứ thần báo mộng là lên đường ngay. Phải chăng đây là hành động dâng hiến và phó thác cuộc đời mình để Chúa muốn làm gì thì Chúa làm.        

Xin vâng đồng nghĩa với phó thác và cũng đồng nghĩa với dâng cuộc đời của mình cho Chúa vậy. Ngay từ hôm đầu tiên, ngay trong bữa tiệc cưới Cana, cũng chỉ vì quan tâm, lo lắng cho đôi tân hôn không rơi vào cảnh bẽ mặt với bà con lối xóm Mẹ đã can thiệp với Chúa Giêsu để Chúa Giêsu làm điều gì đó để đôi tân hôn không bẽ mặt. Biết quyền năng của Chúa và biết Chúa sẽ thực hiện nhưng Chúa như là thử thách Mẹ nên Chúa đã nói với Mẹ : “Chuyện này giữa bà và tôi có can chi !” Đau lắm chứ ! Thế nhưng Mẹ tin tưởng vào Chúa và Mẹ đã căn dặn gia nhân rằng : “Người bảo gì, các anh cứ làm theo !”. Không những là tin mà còn quá tin nữa là đàng khác. Và lòng tin, lòng phó thác vào Chúa đã được Chúa bù đắp một cách mỹ mãn.  

Cách thế dâng hiến đẹp lòng Chúa nhất đó chính là thực thi thánh ý Chúa trên cuộc đời mình. Mẹ đã thi hành thánh ý Chúa một cách tuyệt hảo từ ngày thưa lời “xin vâng” với sứ thần cho đến lời “xin vâng” cuối cùng theo Thánh ý Chúa.

Như trong Tin mừng chúng ta vừa nghe đó. Nghe qua thì sốc thật. Người ta thưa với Chúa Giêsu một đàng nhưng Chúa Giêsu đã trả lời với họ một nẻo. Người ta báo, người ta thưa với Chúa Giêsu là có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy kìa nhưng rồi Chúa Giêsu không trả lời với họ là mời mẹ và anh em Thầy vào mà Thầy lại hỏi. Hỏi không đợi người ta trả lời mà tự  trả lời, lúc ấy chắc có lẽ Chúa chỉ tất cả những người đang nghe Chúa đang nói chuyện với đám đông. Chúa xác định rằng những ai thi hành thánh ý Thiên Chúa là anh em, là mẹ. Nói như thế không phải là Chúa khước từ hay chối từ Mẹ của mình nhưng nói như thế một cách nào đó Chúa Giêsu khẳng định rằng Đức Maria là 2 lần mẹ của Ngài, Mẹ Maria là Mẹ tuyệt hảo nhất trong các bà mẹ vì lẽ cả đời Mẹ đã thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha.   

Thế đấy ! Mẹ Maria hoàn toàn dâng hiến đời mình cho Chúa và rồi Thiên Chúa đã bù đắp, đã ban cho Mẹ muôn ơn xứng với tất cả những gì mà Mẹ đã dâng hiến.  

Đẹp thay hình ảnh của những ai dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa.

Kính thưa cộng đoàn, chắc có lẽ cộng đoàn chúng ta quá quen thuộc với tông đồ Phaolô. Một người thuộc dòng dõi Bengiamin,  cha của Ngài thuộc giới Pharisiêu chính hiệu, nhiệm nhặt sống đúng luật Môsê, sống chung với cộng đồng Do Thái. Cả cuộc đời trai trẻ, với nhiệt huyết có sẵn trong người, Phaolô đã bách hại đạo Chúa một cách kinh khủng. Thế nhưng, sau lần ngã ngựa và đụng chạm đến Thiên Chúa cuộc đời của Phaolô đã thay đổi. Ngài đã chỗi dậy từ cú ngã ngựa ấy và cuộc đời được đổi mới. Ngài không những không còn bách hại đạo nữa mà còn quay lưng lại để mà cổ vũ, để mà rao giảng một Giêsu Phục Sinh mà Ngài đã đụng, đã chạm đến.

Cuộc đời tông đồ của Ngài bắt đầu từ đấy. Không chỉ nói nhưng Ngài đã sống, đã thực hiện những gì Ngài đã rao giảng. Hơn một lần Ngài nói với các tín hữu : “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”. (Rm 12, 1.2)

Thánh Phaolô tông đồ, như Đức Maria, đã hiến dâng thân mình cho Chúa và cuối cùng Ngài đã được hưởng Triều Thiên Thiên Quốc dành cho Ngài. Ngài đã sống và Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện, và đẹp lòng Thiên Chúa. Tuyệt vời ! Hơn thế nữa, Ngài khẳng định cho chúng ta đó là cách thức xứng hợp để mà gọi là thờ phượng Chúa. Ngài còn chỉ chúng ta thêm là không được rập theo đời này vả cải biến tâm hồn để nhận ra đâu là Thánh ý Thiên Chúa.

Quả vậy, thánh Phaolô đã cải biến con người của Ngài, đã biến đổi tâm hồn của Ngài và Ngài nhận ra thánh ý Chúa trên cuộc đời của Ngài để rồi từ ngày ấy, Ngài chỉ có một hướng duy nhất, một mục đích duy nhất đó là nhắm về Thiên Chúa. Điều ấy, Ngài cũng đã bộc bạch trong thư gửi tín hữu Philip :  “Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết. Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt. Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su. Vậy tất cả chúng ta là những người hoàn thiện, chúng ta hãy nghĩ như vậy; và giả như có điểm nào anh em nghĩ khác, thì Thiên Chúa sẽ mặc khải cho anh em. Song, dù đạt tới đâu đi nữa, chúng ta cũng cứ theo hướng ấy mà đi. (Pl 3, 10-16)

Thế đấy, khi biết Chúa, khi nhận ra Thánh ý Chúa trên đời mình thì Thánh Phaolô cứ nhắm hướng ấy mà đi và chăm chăm một điều là thi hành Thánh ý Chúa thôi.  

Mẹ Maria, Thánh Phaolô tông đồ cũng như các thánh nam nữ của Thiên Chúa phải chăng là những người sống thờ phượng Chúa một cách hết sức xứng hợp đó là hiến dâng cuộc đời của các Ngài cho Thiên Chúa. Các hiến dâng đẹp nhất của các Ngài đó là thi hành Thánh ý Chúa trên đời mình.

Nhìn vào gương mẫu đời sống của các Ngài, nhìn vào cuộc đời chúng ta và cách riêng nhìn vào khía cạnh hiến dâng thân mình chúng ta chúng ta thấy thế nào ? cuộc sống ngày hôm nay như thế nào ?

Quá rõ nhưng chuyện quan trọng là chúng ta có nhìn ra hay không ?

Phải nói thẳng với nhau rằng cuộc sống ngày hôm nay quá phát triển, phát triển đến chóng mặt, đời sống kinh tế được nâng lên nhiều so với cái thời bao cấp. Ngày hôm nay, người ta ăn sung mặc sướng hơn xưa nhiều, người ta khá hơn trước nhiều nhưng đáng tiếc thay là tỷ lệ của đời sống kinh tế vật chất nó tỷ lệ nghịch với tình yêu, với lòng mến, với sự cho đi, với lòng bao dung, với lòng quãng đại thì phải. Ngày hôm nay, người ta ích kỷ hơn xưa nhiều lắm. Ngày xưa, người ta còn sống cái câu của ông bà là “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” nhưng ngày hôm nay người ta sống chuẩn mực cái câu “đèn nhà ai nấy rạng”. Họ sợ phải chia sẻ, họ sợ phải quan tâm đến những người xung quanh. Sợ vì lẽ nếu quan tâm, nếu chia sẻ thì phải thiệt thòi, phải bị mất mát đi cái mà họ đang có.

Phải đau đớn mà nói lên rằng chưa thời nào bằng cái thời này, thời này họ sống ích kỷ quá, chỉ biết vun vén cho mình chứ không biết chia sẻ, không biết hiến dâng cho anh chị em đồng loại. Ra đường chúng ta thấy đó, ở Vũng Tàu thì ít có cái nạn kẹt xe chứ còn ở thành phố HCM thì chúng ta thấy rõ điều này : ai ai cũng muốn mình đi mau về sớm còn người xung quanh mặc kệ. Thế là họ tranh thủ hết sức có thể để họ chèn người xung quanh. Hết rồi những hình ảnh đẹp của sự cho đi, của sự nhường nhịn, của sự hiến dâng cái lợi của mình, cái riêng của mình cho người khác.

Đời sống hôn nhân gia đình ngày nay đang đứng trên bờ vực của ly dị, của đổ vỡ, của chia ly đấy. Nguyên nhân : xin thưa đó là ngươi cha không còn hiến mình cho người vợ cho con cái mình nữa, người vợ không còn hiến mình cho chồng cho con cái nữa, người con thì chỉ biết mình mình không còn biết hiến mình cho cha cho mẹ nữa. Trong gia đình nhiều người có khuynh hướng là “an phận thủ thừa” là thúc thủ trong lô cốt cho an toàn, cho khỏi phải bị ai phiền hà, quấy rối. Ngày nay, người ta đánh mất cái cảm thức sống cho người khác và vì người khác.

Khi chưa sống cho người khác, vì người khác thì làm gì mà có thể nói rằng sống cho Thiên Chúa, vì Thiên Chúa và hiến dâng thân mình làm của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa được.

Một đô tám mươi bảy xu. Chỉ có bấy nhiêu. Mà sáu mươi xu lại là tiền cắc lẻ. Những đồng tiền cắc mà Della đã phải bòn nhặt từng lần. Della đếm đi đếm lại đến ba bận. Cũng chỉ có một đô tám mươi bảy xu. Và mai đã là lễ Giáng sinh rồi.

         Trong khi Della thút thít khóc, ta hãy ngó qua căn nhà của nàng. Đó là một căn phòng nhỏ có sẵn đồ đạc, mỗi tuần thuê hết tám đô. Nghèo làm sao ! Chỗ nào cũng có vết tích của cái nghèo.

Della thôi khóc, đứng dậy và bắt đầu trang điểm. Nàng tựa bên cửa sổ, hững hờ nhìn chú mèo màu tro đi trên bức hàng rào xám xịt ở cái sân nhạt nhòa đàng sau. Mai là Giáng sinh rồi mà nàng chỉ có một đô tám mươi bảy xu để mua cho Jim, chồng nàng, một món quà. Để được kết quả này, nàng phải ráng bòn góp từng xu nhiều tháng qua. Hai mươi đô một tuần lễ có nhiều nhặn gì. Những khoản chi tiêu lớn hơn nàng tưởng, và bao giờ cũng vậy. Vỏn vẹn một đô tám mươi bảy xu để mua cho Jim một món quà. Nàng đã ngồi nhiều giờ thích thú trù tính một món quà thanh nhã, một cái gì xinh xắn hiếm lạ, một cái gì xứng đáng với danh dự được là vật sở hữu của chàng.

Trong phòng có một tấm gương nhỏ ở giữa hai cửa sổ. Đột nhiên Della xoay người khỏi cửa sổ và đến trước tấm gương. Mắt nàng bỗng sáng long lanh mặc dầu khuôn mặt nàng hơi tái. Nàng nhanh nhẹn gỡ tóc và buông xõa xuống.

Này, có hai vật sở hữu mà Jim và Della rất hãnh diện. Một là chiếc đồng hồ vàng của Jim do cha chàng trối lại. Trước đó, nó là của ông nội chàng. Hai là mái tóc kiều diễm của Della, giờ đang đổ xuống bờ vai nàng như một thác nước xinh đẹp dài quá gối. Nàng mau mắn chải… Ngập ngừng giây lát, vài giọt lệ long lanh nơi khóe mắt, nàng khoác vào chiếc áo choàng cũ rồi phóng từ phòng xuống cầu thang và ra đường.

Đi một quãng, cuối cùng nàng dừng lại trước một cửa hiệu có bảng đề: “Sofronio, hàng tóc đủ loại”. Della chạy lên lầu, nơi có cửa hiệu. Nàng thở hổn hển và hỏi:

– Bà mua tóc của tôi không ?

Bà chủ đáp:

– Mua ! Mà bỏ nón ra cho tôi xem nào.

Della bỏ nón và để làn tóc óng ả tỏa xuống. Bà chủ vừa nói vừa mân mê mái tóc bằng bàn tay đầy kinh nghiệm:

– Hai mươi đôla.

Della đáp nhanh:

– Đưa mau cho tôi đi !

Hai giờ sau vun vút bay qua. Nàng bận rộn tìm khắp mọi cửa tiệm để lựa quà cho Jim.

Cuối cùng, nàng đã tìm thấy. Chắc chắn nó đã được làm cho Jim chứ không phải cho ai khác. Chẳng có cái nào giống như thế trong bất cứ cửa tiệm nào. Nàng đã lục lạo khắp nơi. Đó là một sợi dây đồng hồ bằng bạch kim, rất đẹp và xứng đáng với chiếc đồng hồ vàng. Thoạt nhìn thấy, nàng đã biết ngay nó phải là của Jim. Nó hội đủ hai yếu tố giống hệt như chàng: khiếu thẩm mỹ và phẩm chất cao. Hai mươi mốt đôla. Della về nhà với tám mươi bảy xu còn lại.

Tới nhà rồi nàng mới bớt hứng khởi và dần dần tự chủ hơn. Nàng bắt đầu chải và bới lại mái tóc bây giờ đã cụt ngủn, theo kiểu ăn ý nhất. Nàng lấy kẹp và uốn lại cẩn thận. Rồi ngắm mình trong gương, nàng tự bảo: Nếu Jim không giết mình trước khi chàng nhìn kỹ lại, chắc chàng sẽ nói mình giống một em bé. Nhưng mình biết làm gì hơn với một đô tám mươi bảy xu?

Khoảng bảy giờ, cà phê đã pha xong. Bữa tối kể như đã sẵn sàng, Jim không bao giờ về trễ. Della cầm chiếc dây đồng hồ ở trong tay và ngồi ở góc bàn gần cửa ra vào. Rồi nàng nghe tiếng chân bước lên thang. Trong giây lát mặt nàng tái đi.

Cửa mở, Jim bước vào rồi đóng lại. Trông chàng gầy gò và nghiêm nghị. Tội nghiệp, mới hai mươi hai tuổi mà chàng đã phải đối phó với mọi vấn đề của một gia đình. Chàng cần một áo khoác, chàng chưa có găng tay…

Cặp mắt Jim chòng chọc nhìn Della. Cái nhìn lạ hoắc. Trong ánh mắt ấy có một cái gì nàng không xác định được, nhưng nó làm nàng hoảng sợ. Della bật dậy tới bên chồng… Nàng hồi hộp:

– Anh yêu, đừng nhìn em như vậy. Em cắt tóc và bán đi vì em muốn tặng anh một món quà Giáng sinh. Rồi tóc em sẽ mọc lại mà, anh đừng giận nhé. Vì kẹt lắm em mới phải làm vậy. Tóc em mọc lẹ lắm. Nói “Chúc mừng Giáng sinh” đi, Jim. Mình phải vui lên chứ. À, anh chưa biết em mới mua cho anh một món quà xinh lắm!

– Em cắt tóc đi à ? – Jim ngờ ngợ chưa hiểu. Della đáp:

– Cắt và bán rồi. Dầu sao đi nữa vẫn thương em nghe ! Không có mái tóc em vẫn là em mà !

Jim nhìn quanh căn phòng, lạ lẫm hỏi như một anh chàng mộng du:

– Mái tóc của em bán mất rồi à ?

Della đáp:

– Đừng tìm, em bán mất rồi. Anh yêu, tối nay là lễ Giáng sinh, anh phải dễ thương với em. Em bán tóc là vì anh mà.

Dường như bây giờ Jim mới sực tỉnh. Chàng ôm hôn Della. Rồi lấy trong túi ra một gói đồ và để lên bàn.

– Đừng hiểu lầm anh, Della ! Không chuyện gì làm anh có thể nghĩ khác về em.

Những ngón tay của nàng thoăn thoắt mở gói đồ. Nàng kêu lên sung sướng. Và rồi một phản ứng mau lẹ của phái yếu chuyển niềm vui thành những giọt lệ và tiếng khóc.

Vì kìa, nằm đó là những chiếc trâm, cả bộ trâm san sát bên nhau mà Della đã bao lần thầm ước, ở một cửa tiệm phố Broadway. Những chiếc trâm sao mà xinh xắn, màu sắc thật hài hòa với mái tóc óng ả của nàng. Bây giờ chúng nằm đây. Còn mái tóc của nàng, suối tóc để cài trâm đâu rồi?

Cuối cùng nàng cũng nhoẻn cười được qua màn lệ mỏng:

– Anh Jim, tóc em mọc lẹ lắm !

Nói rồi nàng nhảy cỡn như chú mèo con hí hửng.

Jim chưa xem món quà xinh đẹp của chàng: sợi dây đeo mới cho chiếc đồng hồ vàng. Nàng háo hức trao quà cho chàng:

– Đẹp chưa, anh Jim ! Em phải săn cả phố mới tìm được đấy. Chắc từ nay mỗi ngày anh phải xem đồng hồ cả trăm lần. Đưa đồng hồ đây cho em, xem với sợi dây này nó có “oách” không ?

Thay vì nghe lời nàng, Jim nằm xuống chiếc tràng kỷ, hai tay gối sau đầu và mỉm cười:

– Della, mình hãy tạm cất những quà tặng Giáng sinh đi một thời gian đã. Đẹp quá, không nên xài ngay. Anh đã bán đồng hồ đi để mua trâm cho em. Và bây giờ có lẽ em dọn cơm được rồi đấy…

Chắc có lẽ, Chúa không bảo chúng ta phải cắt mái tóc đẹp đang có để bán đi mà mua cái dây đồng hồ cho chồng mình hay là phải bán cái mặt đồng hồ để mua những cái trâm cài tóc cho chồng. Chúa chờ, Chúa đợi chúng ta hiến thân cho Chúa trong hoàn cảnh riêng của mỗi người.   

Chúng ta, không ai là một hòn đảo, cuộc sống của chúng ta là một chuỗi các tương quan. Chúng ta sống là sống nhờ và sống với. Vì vậy, trong cuộc sống nếu chúng ta cứ khư khư giữ riêng cho mình, không biết cho đi, không biết hiến dâng thời gian, sức khoẻ, tiền của cho người khác thì thật sự cuộc đời của chúng ta thật là héo hon.

Như Đức Mẹ, như Thánh Phaolô, chúng ta nhìn lại cuộc đời của mỗi người chúng ta, chúng ta hãy dâng hiến cho nhau, dâng hiến cho anh chị em đồng loại, dâng hiến cho chồng, cho vợ, cho con. Phải chăng Chúa hiện diện trong những hiện thân đấy. Chúng ta dâng hiến cuộc đời chúng ta cho những người đó chính là chúng ta dâng hiến cuộc đời cho Chúa và đó chính là của lễ rất đẹp, rất xứng hợp mà Thiên Chúa đang chờ đợi.

Chúng ta không thể nào nói với Chúa rằng chỉ những người đi tu mới dâng hiến thân mình. Không, ai cũng có thể dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa qua anh chị em đồng loại cả. Dâng hiến cái gì, Chúa không đòi chúng ta phải hiến dâng tiền của, vật chất. Trong cuộc sống, đồng tiền rất cần, vật chất rất cần. Ngay cả những người đi tu cũng vậy, ai cũng cần vật chất, cần tiền nhưng tôi thiết nghĩ rằng cuộc sống này cần hơn tình thương, cần thêm lòng mến. Nếu chúng ta hiến dâng tình yêu, lòng mến cho anh chị em đồng loại tôi thấy rằng đó chính là của lễ đẹp nhất. Cuộc đời này cần lắm một nụ cười, một sự hy sinh, một lòng bao dung, một sự tha thứ cho anh chị em đồng loại.

Không gì đẹp bằng mỗi người chúng ta sống trọn vẹn tâm tình hiến dâng đời mình cho Chúa như Đức Mẹ và Thánh Phaolô. Cuộc đời này mau qua chóng tàn, cuộc đời này thật mong manh và vắn vỏi, chúng ta hãy sống làm sao cho có ý nghĩa, cho đẹp.

Thánh Phaolô mời gọi mỗi người chúng ta : “Anh em hãy dành cho chúng tôi một chỗ trong lòng anh em. Chúng tôi đã không làm hại ai, không làm cho ai phải sạt nghiệp, không bóc lột ai. Tôi nói thế không phải để lên án anh em, vì tôi đã từng nói: anh em hằng ở trong lòng chúng tôi, sống chết chúng ta đều có nhau. Tôi rất tin tưởng anh em, tôi rất hãnh diện về anh em. Tâm hồn tôi chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó”. (2 Cr , 2-5)

Nếu mỗi người chúng ta dâng hiến cho nhau, chúng ta hiến mình cho nhau thì chắc chắn chúng ta sẽ có một chỗ trong lòng anh chị em đồng loại và anh chị em đồng loại sẽ có một chỗ trong lòng chúng ta.

Với bản tính con người là mỏng dòn yếu đuối, chúng ta vẫn có khuynh hướng khư khư những gì làm mất đi tình nghĩa với anh chị em đồng loại đó là đồng tiền, là vật chất, là danh vọng. Chúng ta vẫn biết tiền bạc, danh vọng, vật chất nó sẽ không đi theo với chúng ta đến mộ phần những chúng ta lại muốn khư khư thu vén. Khi thu vén càng nhiều thì chúng ta không còn khả năng dâng hiến, không còn khả năng hiến mình cho Chúa, cho anh chị em đồng loại nữa. Vì thế, chúng ta chỉ còn một cách là chạy đến Chúa, chạy đến Mẹ, chạy đến các Thánh khẩn nguyện xin các Ngài giúp chúng ta biết bắt chước gương lành, bắt chước đời sống dâng hiến như các Ngài. Đặc biệt, là con cái của Đức Maria, chúng ta chạy đến Mẹ và xin Mẹ giúp chúng ta biết dâng hiến đời mình cho Chúa như Mẹ để ngày sau chúng ta cùng được như Mẹ là hưởng nhan Thánh Chúa đời đời chẳng cùng. Amen.          

Previous articleĐỨC MARIA TẠI PHÒNG TIỆC LY
Next articleMẸ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT