Giáo phận Iba đang hỗ trợ ngư dân bị Trung Quốc cấm đánh bắt ở vùng biển truyền thống của họ
“Tôi đánh bắt cá bốn mươi năm trời ở Bajo de Masinloc, rồi vào một buổi sáng năm 2012 Trung Quốc cướp mất quyền của tôi”, Manzano cho biết chỉ vài giờ trước khi tòa trọng tài quốc tế hôm 12-7 đưa ra phán quyết chống lại yêu sách của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên khoảng 90% Biển Đông, đưa ra đường chín đoạn phân giới, cái mà nước này gọi là lãnh thổ trên bản đồ năm 1947 do chính phủ theo dân tộc chủ nghĩa trước đây vẽ ra.
Trong phán quyết của mình, Tòa trọng tài thường trực ở The Hague nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã thực thi việc kiểm soát riêng mình về mặt lịch sử đối với các vùng biển hoặc các vùng tài nguyên ở Biển Đông.
Tòa trọng tài nói rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines, và đã gây ra “thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường rạn san hô ngầm” do việc xây dựng các đảo nhân tạo.
Manzano nhớ lại lúc ông và các bạn đánh cá chung trên 10 chiếc tàu đánh cá nhỏ đối mặt với tàu Trung Quốc dương súng và vòi rồng nhằm vào họ.
“Chúng tôi cố gắng tranh luận với họ nhưng họ di chuyển như thề đâm sầm vào chúng tôi và chúng tôi phải bỏ chạy”, Manzano nói với ucanews.com.
Manzano và 50 dân làng khác ở Zambales tham gia biểu tình ở Manila yêu cầu chính quyền giúp khôi phục nguồn thu nhập của họ.
Những ngư dân này thuộc giáo phận Iba và các linh mục ở đó đang giúp đỡ dân chúng vượt qua hoàn cảnh khó khăn này.
Khi được yêu cầu bình luận về nỗi vất vả của ngư dân, Cha Jancel Paje đề cập với ucanews.com trường hợp ông Manzano và nói rằng đó là những người sẽ nói về cuộc đấu tranh của họ.
Manzano cho biết Giáo hội Công giáo đã giúp đỡ ngư dân trong hai năm qua, giúp họ tổ chức các nghề nghiệp khác thay thế và các trợ giúp khác.
Ông nói trước khi Trung Quốc “phong tỏa”, một ngư dân có thể bắt được nhiều đến một tấn cá khi thời tiết tốt. Khi bị buộc phải đánh bắt ở vùng nước cạn, họ chỉ bắt được vài xô cá.
Chính phủ Philippines đã đưa ra số phận của các ngư dân như Manzano khi nộp đơn kiện lên tòa án quốc tế chống lại sự áp đặt quá đáng về chủ quyền biển của Trung Quốc.
Nhưng Manzano cho biết các cộng đồng bị ảnh hưởng đã không nhận được trợ giúp nào của chính quyền nên phải quay sang nhờ Giáo hội Công giáo.
Hôm 12-7, các ngư dân đi biểu tình trước sứ quán Trung Quốc mang theo mô hình của một con thuyền đánh cá trên đó có vẽ các khẩu hiệu, “Trả lại biển cho chúng tôi”.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm nay, cảnh sát cho phép người biểu tình đi lên bậc thang dẫn vào cửa chính của tòa đại sứ Trung Quốc, trong khi đứng canh gác bảo đảm an ninh.
Đảng cánh tả New Patriotic Alliance ra tuyên bố kêu gọi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bảo vệ lợi ích quốc gia trong quan hệ với gã khổng lồ châu Á này.
Ông Duterte nói rằng một phán quyết có lợi do tòa trọng tài đưa ra có thể củng cố các thỏa thuận song phương với Trung Quốc.
Bộ trưởng ngoại giao Philippines, Perfecto Yasay đã gợi ý các cam kết kinh tế chung trong vùng biển tranh chấp.
“Nhưng Trung Quốc cướp đoạt vùng biển của chúng tôi – Buddy France của nhóm ngư dân Pamalakaya nói – Chúng tôi không nghĩ người dân Trung Quốc là kẻ thù của chúng tôi nhưng chúng tôi yêu cầu Tổng thống Duterte phải ủng hộ quyền lợi của chúng tôi”.
Ông Manzano cho biết ông đã không cần bất cứ một dàn xếp nào nhằm yêu cầu người dân Philippines phải xin phép Trung Quốc để đánh cá. “Đây là vùng biển của chúng tôi mà”, ông khẳng định.
Neri Colmenares, một nhà lập pháp và thành viên của một liên minh vì chính sách ngoại giao độc lập, cho biết người dân Philippines nên tận dụng phán quyết của tòa trọng tài.
“Điều này nên buộc Trung Quốc ngưng các đòi hỏi phi lý và chấp nhận chủ quyền không thể tranh cãi của các quốc gia khác”, Colmenares nói.