HỌC GƯƠNG THÁNH CẢ

56

Phụng vụ ngày lễ kính Thánh Cả Giuse gợi đến cho chúng ta trang Tin Mừng rất ngắn cũng như quá hiếm hoi của Mátthêu hé lộ cho thấy con người Tin Mừng của Giuse, vị thánh vẫn thường được tôn kính và khẩn cầu dưới các tước hiệu trang trọng như Dưỡng Phụ của Đức Giêsu hay Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Và rồi, ta thấy được ngoài các tước hiệu, con người Tin Mừng của ngài có gì đặc sắc, có gì nổi bật đáng cho chúng ta chiêm ngưỡng? Quan trọng hơn, ngài có gì để giúp ta sống như thế nào để lãnh nhận được các ân huệ và phúc lành?

Đứng trước một biến cố đưa đến cuộc khủng hoảng tâm lý, con người dễ rơi vào tâm trạng bất an lo lắng hay bàng hoàng sợ sệt. Từ đó, tâm trí họ không còn sáng suốt để đưa ra những quyết định. Thánh Giuse cũng rơi vào trạng thái bất an lo lắng theo thường tình, khi nhận ra vị hôn thê của mình mang thai. Dù biết rằng người bạn của mình trong trắng thánh thiện, không thể có hành động trái luân thường đạo lý với ai, nhưng các câu hỏi cứ cuốn lấy tâm trí ngài, như dòng thác xoáy lấy khúc gỗ : mình có vai trò gì đối với bào thai trong bụng Maria ? Đón nhận Maria về nhà có đúng ý Thiên Chúa không ? Mình phải làm gì đây ?…

Cuối cùng, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ngài đã chọn giải pháp im lặng rời bỏ Maria như là phương cách tốt nhất. Nhưng, khi con người đã cố gắng hết sức mà vẫn bất lực, Thiên Chúa sẽ chỉ cho họ biết phải hành động như thế nào cho đúng ý Người. Có lẽ phải nỗ lực tìm kiếm ý Chúa một cách không mệt mỏi, đến nỗi ngay cả trong vô thức như giấc mơ vẫn còn tìm kiếm, thánh Giuse mới nhận ra lệnh truyền của Chúa qua sứ thần. Đây chính là điểm mà thánh Giuse đã hành động không giống lẽ thường, khi ở trong tâm trạng bất an lo lắng như người đời.

Điều khiến cho Giuse có một chỗ đứng độc đáo trong lịch sử cứu độ, đó là việc ông đón Maria đang mang thai về nhà mình làm vợ chính thức. Đơn giản là ông chấp nhận làm đám cưới với Maria. Đón Maria làm vợ cũng là nhận cả thai nhi trong bụng mẹ làm con. Giuse là cha khi ông chấp nhận đứng ra đặt tên cho con trẻ (c. 21). Ai có thể biết được điều gì sẽ xảy ra nếu Giuse cứ muốn âm thầm ly dị Maria? Giuse đã là chỗ dựa sống còn của ơn cứu độ, là nơi nương tựa của Mẹ và Con. Nhờ Giuse, Cô Maria không bị mang tiếng ngoại tình, và bé Giêsu không phải là con hoang, nhưng là con thuộc dòng Đavít. Đức Giêsu sau này có thể công khai và tự tin đến với dân Israel.

            Trong gia phả Đức Giêsu khi liệt kê các bậc tổ phụ sinh thành, Mátthêu đã dùng câu 16 để tạo một bước ngoặt, Giuse không sinh ra Giêsu. Qua ông và nhờ ông điều duy nhất được xác định là, Giêsu chính là hậu duệ hợp pháp của vua Đavít. Chỉ có thế, vì trong suốt tiến trình Giêsu giáng sinh và lớn lên, Tin Mừng cho thấy Giuse không đóng một vai trò chủ chốt nào.

Cái bóng của ông vẫn còn đó, nhưng chỉ thấp thoáng trong tư cách hỗ trợ ‘ông đón vợ về nhà.., ông đưa Maria đi khai sổ bộ.., ông tìm quán trọ.., ông ở bên Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.., ông đem Con Trẻ lên Giêrusalem để hiến dâng.., đang đêm ông đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập.., ông lại đưa Hài Nhi và mẹ Người trở về đất Israel.., rồi về Nadarét miền Galilê.., ông lo lắng đi tìm Trẻ Giêsu thất lạc trong đền thờ…’

Ngoài các điều trên, ông chỉ được coi như một con người tầm thường, bình dị, một công nhân lao động không được bà con lối xóm ngay tại Na-da-rét kiêng nể là bao, nói chung ông chỉ là một cái bóng mờ trong các sách Tin Mừng (Lc 4, 22).

            Lời khen tặng duy nhất Tin Mừng dành cho Giuse là: “Ông là người công chính”. Tuy nhiên danh hiệu này tự nó cũng chẳng phải là lời khen ngợi cao quí gì cho lắm. Công chính của Giuse chỉ là một thuộc từ gán cho ông, chứ không phải là một tước hiệu danh giá mà xã hội ban tặng như trường hợp của Basaba (Cv 1, 23). Khi sử dụng danh hiệu này, tác giá Mátthêu nhấn mạnh cho các độc giả Do Thái biết, trước con mắt các đồng hương Nadarét, Giuse đơn giản là một người tốt, một người chính trực, tức là một công dân Do Thái chính hiệu, luôn trung thành với các qui định của luật Môsê.

Trong xã hội đó, người ta gọi hạng người sống như thế là ‘công chính’, tương tự như ngày nay chúng ta nói ai đó là ‘lương thiện’ hay ‘công dân tốt’ vì tuân thủ luật pháp cách ngay chính ( Mt 5, 20). Cụ thể trong bối cảnh bài Tin Mừng hôm nay, từ này được dùng để giải thích: khi Giuse phải giáp mặt với tình huống hôn nhân khó xử, Mátthêu cho thấy ông chỉ muốn tuân thủ cặn kẽ các qui định của luật pháp được ghi rõ trong Đệ Nhị Luật.

Nếu có đôi nét đặc biệt nào thì chẳng qua cũng chỉ là thái độ tế nhị ông muốn thi hành các điều này cách kín đáo và thận trọng. Khi gọi ông là công chính, Mátthêu chỉ muốn nhấn mạnh có một điều: Giuse, miêu duệ Đavit, là một người Do Thái hoàn hảo trong việc tuân thủ luật pháp; và điều này, đối với các độc giả sách Tin Mừng ông viết mà phần đa là các Kitô hữu gốc Do Thái, sẽ có một tầm quan trọng và ảnh hưởng rất lớn.

            Và rồi Sứ thần Chúa được gởi đến can thiệp để khảng định với ông rằng: kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa đang muốn thực hiện là ‘vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ’. Trong kế hoạch đó, sứ thần cho thấy Giuse được dành cho một vai trò nhất định: qua ông và nhờ ông, Giêsu sẽ được luật pháp công nhận là miêu duệ vua Đavít, một điều có tầm quan trọng vô cùng lớn lao trong quan niệm của người Do Thái về đấng Mêsia.

Để thi hành cho được kế hoạch này, cụ thể ông phải ‘đừng ngại đón Maria vợ ông về’, phải công khai thi hành vai trò gia trưởng ‘đặt tên cho con trẻ là Giê-su’. Các đòi hỏi này ngầm hiểu ông sẽ phải đình chỉ thi hành các điều mà luật pháp qui định, những điều mà ông – một công dân Do Thái mẫu mực – đang chú tâm tuân thủ cách căn kẽ: ‘viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi nàng ra khỏi nhà’ (Đnl 24, 1).

Nếu chấp nhận thi hành theo lời sứ thần sẽ đồng nghĩa với việc, trước luật pháp Do Thái, ông không còn có thể coi mình là ‘công chính’ được nữa. Giuse phải lựa chọn một trong hai: kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa hay sự ‘công chính’ dân sự của riêng mình. Và may mắn thay, ông đã quyết định; ‘Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ ông về nhà…” Giuse thực tế đã quyết định rời bỏ sự công chính của Cựu Ước (luật pháp) để chu toàn công chính của Tân Ước cứu độ. Từ nay ông sẽ sống trong sự ‘công chính mới’ của kế hoạch cứu độ! Phải chăng đó mới đích thị là sự vĩ đại Tin Mừng của Thánh Cả Giuse?

            Và không chỉ một mình Giuse, Maria – bạn ông cũng đã phải kinh qua một trải nghiệm và chọn lựa tương tự: hoặc sự công chính của lề luật – có con với chồng đã thành hôn – hoặc kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa; “Việc đó xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Và lời ‘Xin vâng!’ của Maria cũng dứt khoát và vĩ đại không kém hành động ‘Đón vợ về nhà’ của Giuse, tức là rời bỏ sự công chính theo luật pháp để đi vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa yêu thương. Ôi, các cây cổ thụ của Tin Mừng quả vĩ đại dường bao, các ngài thật công chính và thánh thiện, nhưng là một thứ công chính thánh thiện của cộng tác vào chương trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa!

Maria là một mầu nhiệm, Giêsu là một mầu nhiệm. Giuse sống bên những mầu nhiệm, nên chính đời ngài cũng trở thành mầu nhiệm. Phải đến với mái ấm ở Nadarét ta mới thấy mầu nhiệm ẩn trong cái bình thường. Chỉ ai biết nhìn thì mới thấy sự thánh thiện phi thường ở đó.

            Trong đời sống thường ngày chắc rằng mỗi chúng ta cũng đều đã kinh qua một số lựa chọn tương tự, những điều mà ta quen gọi là vâng phục hay chu toàn Thánh Ý Chúa. Thế nhưng việc vâng phục này, theo thiển ý của tôi, rất thường khi sẽ đòi Kitô hữu phải khiêm tốn nhìn nhận thân phận hèn yếu, thấp kém và lỗi phạm của mình để dọn chỗ cho kế hoạch cứu độ đầy yêu thương mà Thiên Chúa đang muốn thực hiện nơi mình.

Thánh Giuse được gọi là công chính, vì ngài đã xoá mình đi, rút lui vào bóng tối, để cho ý Chúa được thể hiện trên cuộc đời Đức Maria. Nhưng, khi đã biết thánh ý Chúa không muốn như vậy, thánh nhân đã mau mắn làm như lời thiên sứ truyền, mà đón Maria về nhà mình. Đời sống của thánh nhân mời gọi từng người nỗ lực thực thi ý Chúa, giống như mảnh đất màu mỡ luôn sinh ra những hoa trái tốt lành cho người canh tác: “Khi mảnh đất nào được thấm mưa thường xuyên đổ xuống và sinh ra những loại cây có ích cho người canh tác, thì mảnh đất ấy sẽ nhận được phúc lành của Thiên Chúa. Nhưng nếu chỉ sinh ra những gai cùng góc, thì đó là mảnh đất bị bỏ đi, bị nguyền rủa đến nơi rồi, và rốt cuộc sẽ bị đốt cháy” (Hr 6,7-8).

Khiếm tốn nhìn nhận những yếu kém, những bất chính theo luật pháp hay luân lý để kế hoạch yêu thương thứ tha của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi mình, điều này đôi khi còn khó hơn cả những nỗ lực sống ngay chính lương thiện để được người đời ca tụng. Thánh Cả Giuse và Đức Maria là những nhân vật đặc biệt vì đã nêu gương và sẽ giúp ta thi hành được sự ‘công chính’ rất Tin Mừng này!

Xin Chúa cho ta dám ra khỏi những bận tâm toan tính khôn ngoan của loài người, để can đảm thi hành ý Chúa trong mọi giây phút của đời sống. Ước gì ta luôn tâm niệm: thánh ý Chúa là gia nghiệp ta mãi mãi, và thực thi thánh ý Ngài là lựa chọn trong suốt hành trình dương thế của ta.

 

Previous articleTA KHÁT !
Next articleTHA MÃI MÃI, THA LUÔN LUÔN !