CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY
Mt 1, 4-11
KHIÊM TỐN SÁM HỐI VÀ SỬA MÌNH
Trang Tin Mừng này được liên kết với trang Tin Mừng về phép Rửa. Tại sông Giođan, Thần Khí Thiên Chúa đã được ban cho Đức Giêsu, nay cũng Thần Khí ấy lại dẫn Người vào hoang địa. Chiều hướng của bản văn là: Bởi vì Đức Giêsu đến hoàn tất nỗi chờ mong của dân Người, nhất thiết Người phải đảm nhận mọi chiều kích của lịch sử dân Người: ở tại Ai Cập (2,13-15), đi qua sông Giođan (3,13-17), cám dỗ trong hoang địa (4,1-11). Qua các cám dỗ, Đức Giêsu cho thấy Người chấp nhận trọn vẹn thánh ý Chúa Cha; Người loại trừ mọi thứ cung cách Mêsia mà Thiên Chúa không muốn (mà chính Gioan Tẩy Giả đã hình dung), để chấp nhận làm một Mêsia chịu đóng đinh.
Sau khi Đức Giêsu ăn chay 40 đêm ngày. Ma quỷ đề nghị Người biến đá thành bánh mà ăn. Thật là một đề nghị hợp lý. Đói thì phải ăn. Muốn ăn thì phải có bánh. Nhưng có bánh bằng cách nào mới là vấn đề. Không phải cứ có nhu cầu là phải thoả mãn ngay. Và nhất là không được dùng những cách không hợp đạo lý để thoả mãn những nhu cầu của mình. Cơm bánh tượng trưng cho những nhu cầu thiết yếu của con người. Nhu cầu của con người thì có nhiều và có khuynh hướng ngày càng gia tăng. Vì thế cơn cám dỗ thoả mãn nhu cầu ngày càng lớn.
Trang Tin Mừng trình thuật về ăn chay và cám dỗ tập trung vào các biến cố của cuộc Xuất Hành. Dân Israel cũng là “con yêu dấu của Thiên Chúa”, nhưng tất cả hành trình trong hoang địa cho thấy họ đã là mộtđứa con nổi loạn và thất trung. Quả thật, ngôn ngữ của câu đầu đã khiến ta nhớ đến Đnl 8,2 và như ám chỉ đến hoàn cảnh của Israel tại hoang địa: “… Thiên Chúa đã dẫn …, như vậy Người thử thách…”.
Bản văn Đnl nói rằng Thiên Chúa “thử thách” dân để “biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không”. Còn ở đây, trong bản văn Mt, “thử thách” là để phá hỏng và kẻ “thử thách” là quỷ, chứ không phải là Thiên Chúa. Tại hoang địa, Đức Giêsu vừa tóm kết kinh nghiệm của Môsê và Êlia, vừa tóm kết lịch sử của dân Israel trong hoang địa.
Người ăn chay suốt bốn mươi ngày bốn mươi đêm (2): Con số 40 chỉ mộtthời gian khá dài và có sắc thái là mộtsự hoàn tất với kết quả tích cực là giải phóng và xây dựng con người. So với Lc, Mt thêm “bốn mươi đêm” để ám chỉ thời gian Đức Giêsu ở trong hoang địa tương đương với thời gian Môsê ăn chay trên núi cao để rồi sau đó được Đức Chúa ban cho các điều khoản của Giao ước (Xh 34,28; x. Xh 25,18).
Nhưng cũng có thể Mt muốn ám chỉ đến Êlia nữa (x. 1 V 19,8: ăn chay trong hành trình tiến về núi Khôrép). Hai dung mạo vĩ đại này, đại diện cho Lề Luật và các Ngôn sứ, sẽ tái xuất hiện trong cuộc Hiển Dung của Đức Giêsu (cuộc Hiển Dung này chính là cuộc thần hiển. Sau đó sẽ có việc thiết lập Giao Ước mới nhờ cuộc Khổ Nạn–Phục Sinh của Đức Giêsu). Có lẽ Mt muốn nói rằng việc Đức Giêsu ăn chay đã tóm kết cách nào đó kinh nghiệm của Môsê và Êlia, cũng như các cám dỗ sẽ tóm kết lịch sử của Israel tại hoang địa.
Các cám dỗ nhắm tấn công Đức Giêsu trong tư cách Mêsia và Người Con vâng phục và trung thành của Thiên Chúa. Quỷ xúi Đức Giêsu lạm dụng lời quyền năng của Người, rồi xúi Người ỷ lại vào quan hệ giữa Người với Thiên Chúa, và cuối cùng, xúi Người bỏ đi lòng trung nghĩa với Thiên Chúa. Chiến thắng của Người rất quan trọng. Nó xóa đi những bóng tối đã tích tụ lại trong lịch sử dân Thiên Chúa và nó cũng gợi ra chiều hướng dấn thân phục vụ ơn cứu độ. Thay vì chọn làm mộtMêsia-Phù thủy hay mộtMêsia-Thủ lãnh, Đức Giêsu chọn làm Mêsia-Tôi tớ khiêm nhường. Khi đó, Người vẫn là Người Con vâng phục, và cũng là Israel chân chính và hoàn hảo.
Với cơn cám dỗ thứ nhất, ma quỷ muốn xô đẩy con người làm nô lệ cho dục vọng. Xúi giục con người chỉ tìm thoả mãn những bản năng thấp hèn. Giới hạn con người vào sự sống xác thịt. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ khi Người cho biết con người không chỉ có đời sống thể lý mà còn có đời sống tâm linh. Người nâng cao phẩm giá con người khi quyết tâm chống lại cơn cám dỗ thoả mãn những nhu cầu thân xác để chăm lo cho sự sống tâm linh.
Với cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ muốn biến con người thành nô lệ cho tham vọng, nô lệ cho ma quỷ. Vì ham hố chức quyền, vì mưu cầu danh vọng mà đánh mất tự do của mình, cam tâm làm nô lệ cho ma quỷ. Vì tham vọng mà đánh mất chính mình. Đức Giêsu vạch trần âm mưu đen tối của ma quỷ khi cương quyết chối từ danh vọng quyền thế. Người còn chỉ cho ta con đường duy nhất phải theo đó là thờ phượng Thiên Chúa. Chỉ có thờ phượng Thiên Chúa mới đem đến cho con người tự do đích thực, tự do trong tâm hồn, không bị nô lệ một tham vọng nào.
Với cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ đẩy con người vào nô lệ cho cuồng vọng. Điên cuồng đến chống lại Thiên Chúa. Dùng Thiên Chúa để phục vụ cho những ước vọng ngông cuồng của mình. Không đến với Chúa trong tâm tình của người con thảo đối với Cha hiền. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ. Người chỉ cho ta con đường của người con hiếu thảo. Người con hiếu thảo tin cậy phó thác và luôn làm theo ý Cha, chứ không bao giờ dám thách thức Cha. Người con hiếu thảo vâng lệnh Cha sai bảo chứ không bao giờ dám sai bảo Cha.
Cám dỗ của ma quỷ hiểm độc vì nó tiến từng bước: Từ hạ thấp phẩm giá con người khi khiến con người làm nô lệ cho dục vọng đến cướp mất tự do của con người khi xúi giục con người nô lệ cho ma quỷ.
Và sau cùng đi đến chỗ tận cùng là chối bỏ Thiên Chúa, không coi Thiên Chúa là cha. Cám dỗ càng hiểm độc vì ma quỷ đã khéo léo học những âm mưu thâm hiểm trong lớp vỏ nhung lụa, êm ái, hợp lý và đầy quyến rũ của những nhu cầu, quyền lực và uy tín.
Chúa Giêsu nói “không” với quỷ, nhưng cũng phải nói “không” với chính mình, bởi vì con đường Người theo kềm hãm các khát vọng và những đòi hỏi của bản tính tự nhiên. Các phản ứng của Người trước đau khổ, những tủi nhục, những thất bại, thì cũng giống như mọi người. Người không thể phạm tội, nhưng Người có thể chọn con đường chung của mọi người, là sự thỏa thuê. Vinh quang không phải là một tội, mà còn là mộtquyền Người có thể dùng. Sự rút lui của quỷ chứng tỏ đây không những là mộtchiến thắng của chủ trương Mêsia khiêm nhường và phục vụ như tôi tớ, mà còn là mộtchiến thắng riêng của Đức Giêsu. Người đã không nhường bước cho mộtnẻo đường tiện nghi thoải mái, đã không muốn hưởng trước một thành công; nhưng Người đã tôn trọng con đường đã được chọn cho Người dù phải hy sinh, thiệt thòi. Rời khỏi hoang địa, không những Người được thánh hiến mà còn đủ tư cách Mêsia.
Mùa Chay giúp chúng ta nhìn nhận thân phận mình, với biết bao yếu đuối và lỗi lầm, rất cần được Chúa tha thứ và đỡ nâng. Ông Môsê đã chỉ dẫn cho người Do Thái, khi đến dâng của lễ, hãy thưa với Chúa về nguồn gốc du mục của mình và nhớ lại những điều tốt lành Ngài đã làm với tổ phụ họ, nhờ đó, họ dâng của lễ với lòng tri ân chân thành và đáng được Chúa chấp nhận. Nhìn nhận thân phận mình sẽ giúp chúng ta khiêm tốn và sám hối sửa mình, và nhờ đó, chúng ta được đón nhận lòng Chúa xót thương.