Kinh Sáng Danh

91

Theo truyền thống của Hội Thánh, khi bắt đầu bất cứ công việc gì, chúng ta làm “Dấu Thánh Giá” để tuyên xưng danh Chúa Ba Ngôi; và khi kết thúc công việc, chúng ta đọc “Kinh Sáng Danh” để tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi.

“Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng, Amen.”

 Lời kinh có dạng thức như một câu mệnh lệnh với ý nghĩa là hãy làm cho danh Chúa Ba Ngôi tỏ rạng, hãy làm cho danh Thiên Chúa Ba Ngôi được nhiều người hiểu biết. Lời kinh còn nhắn nhủ rằng, ta phải tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi – Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần – có trước vô cùng, hiện có bây giờ, và hằng có đời đời chẳng cùng.

Quả thực, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống ki-tô hữu; là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh và là ánh sáng chiếu soi mọi mầu nhiệm khác của đức tin;[1] là mầu nhiệm được ẩn giấu trong Thiên Chúa, không ai hiểu biết được nếu ơn trên không mặc khải. Nhưng, trước cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa và sứ vụ của Chúa Thánh Thần, mầu nhiệm Ba Ngôi vẫn là một mầu nhiệm mà lý trí của loài người và ngay cả đức tin cũng không thể vươn tới được. Thánh Tô-ma A-qui-nô đã quả quyết: “Bất cứ ai chủ trương lấy lý lẽ tự nhiên chứng minh Ba Ngôi Thiên Chúa thì phạm đến đức tin…”[2] Thế nên, cảm nghiệm được sự hiện diện và hồng ân của Ba Ngôi Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta có lòng tin mạnh mẽ. Chúng ta có thể nuôi dưỡng lòng tin này nhờ tuân theo sự hướng dẫn của thánh Au-gut-ti-nô. Nghĩa là chúng ta xin Chúa ban ơn để chúng ta nghiệm thấy “dấu vết của Ba Ngôi Thiên Chúa hiển hiện nơi vật thụ tạo.”[3]

Thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na đã cho ta cảm nghiệm sâu lắng này, ngài đã thốt lên: “Ôi lạy Ba Ngôi vĩnh cửu! Nhờ ánh sáng trí khôn và trong ánh sáng của Chúa, lạy Chúa Ba Ngôi, con đã nếm thử và đã nhìn thấy vực thẳm của Ngài cũng như vẻ đẹp của thọ tạo do Ngài dựng nên. Vì khi chính bản thân con được mặc lấy Ngài, con đã thấy con là hình ảnh của Ngài. Lạy Cha vĩnh cửu, điều này có nghĩa là Cha ban cho con được tham dự vào quyền năng và sự khôn ngoan của Cha, sự khôn ngoan của riêng Con Một Ngài. Còn Thánh Thần, Đấng phát xuất từ Ngài là Cha và từ Con của Ngài, lại ban cho con ý muốn, và nhờ đó làm cho con có thể yêu mến.”[4]

Tuy nhiên, về việc tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi khi đã thực hiện xong mọi công việc, thánh Phao-lô tông đồ đã dạy trong thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô như sau: Cầu chúc anh em được đầy tràn ân sủng của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Thật vậy, ân sủng và ân huệ được ban trong Chúa Ba Ngôi thì được ban do Chúa Cha, qua Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần. Cũng như ân sủng được Chúa Cha ban qua Chúa Con, thì ơn được thông hiệp vào các ân huệ cũng được ban cho chúng ta chỉ trong Chúa Thánh Thần mà thôi.[5] Như vậy, ai tôn vinh Chúa Cha, thì tôn vinh nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần; ai bước theo Chúa Ki-tô là do Chúa Cha lôi kéo (Ga 6,44) và Chúa Thánh thần thúc đẩy (Rm 8,14). [6]  Vì thế, đọc lời “Kinh Sáng Danh” để tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi là điều phải làm để sống trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa mọi lúc và mọi nơi.

Ôi Thiên Chúa của con, con thờ lạy Ba Ngôi, xin giúp con quên hẳn mình đi để ở trong Chúa, bất động và bình an như thể hồn con đang sống trong vĩnh hằng; xin đừng để điều gì quấy phá sự bình an của con, và làm con phải ra khỏi Chúa, ôi Ðấng Bất Biến của con, nhưng xin cho mỗi phút đem con vào sâu hơn trong mầu nhiệm của Chúa ! Xin cho tâm hồn con được bình an và trở thành thiên đường của Chúa, nơi cư ngụ Chúa yêu thích, nơi Chúa nghỉ ngơi.[7] Xin cho con biết làm vinh danh Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống thường ngày của con. “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng, Amen.”

[1] GL HTCG số 234.

[2] ST, I, Q.32,a.1.

[3]  ST, I, Q.45,a.7.

[4] Thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, viết “về Thiên Chúa quan phòng”, Đối thoại.

[5] “Ánh sáng, ánh hào quang và ân sủng trong Chúa Ba Ngôi và bởi Chúa Ba Ngôi.” Trích thư thánh A-tha-na-xi-ô, giám mục.Bài đọc II, Kinh Sách lễ Chúa Ba Ngôi.

[6] GL HTCG số 237.

[7]  Lời nguyện của chân phước Ê-1i-sa-beth Chúa Ba Ngôi, trích trong GL HTCG số 2565.

Previous articleNgười Ăn Mày
Next articleDấu Thánh Giá