LỘNG NGÔN VÀ LOẠN NGÔN
Chưa bao giờ hết và hơn bao giờ hết, ngày hôm nay người ta lại lạm dụng cụm từ “tự do ngôn luận” đến kinh hãi. Dĩ nhiên là bất cứ ai, mỗi người đều có quyền ngôn luận và ngôn luận bất cứ điều gì cũng như dưới hình thức nào khi người ta muốn.
Chuyện gia đình đến Xã Hội và ngay cả Giáo Hội, không cần phải nói nhiều lời thì ở đâu cũng có vấn đề vì là con người mà. “Ở rộng người cười, ở hẹp người chê” nên rồi không thể nào tránh khỏi những lời đàm tiếu, dư luận, phê bình, chỉ trích …
Những năm gần đây, ta bắt gặp nhiều trang mạng cũng như trang cá nhân đua nhau phê bình chỉ trích công khai người khác nhưng quên một điều căn bản là họ không biết sự thật thật bên dưới sự việc. Điều đáng tiếc hơn nữa là họ đi xa quá khi dùng những ngôn từ kinh khủng cho các vị giáo sĩ mà xem ra là họ bất đồng chính kiến.
Có những vấn đề và sự việc mà họ chỉ thấy bề mặt hay bên ngoài nhưng họ không tiếc lời để sỉ vả các vị giáo sĩ. Thậm tệ hơn cả là họ đã gán cho linh mục đó những cụm từ như là … con chó. Thật đáng sợ và đáng nể cho những người như vậy vì hiếm có ai dám ngạo mạn như thế. Có người công khai làm video clip để thóa mạ linh mục này linh mục kia khi linh mục lên tiếng của mình về những điều mà linh mục đó thấy sai trái.
Có thể nói là họ đã loạn ngôn để chửi rủa các vị linh mục. Họ đã dùng bàn phím để múa biết bao nhiêu ngôn từ nhằm đả phá những vị không đi theo lập trường của họ hay của nhóm họ.
Và, gần đây nhất, một vài cá nhân đã tự tiện loan tin trước Tòa Thánh về những vấn đề gọi là cẩn mật hay cực mật về chuyện thuyên chuyển giám mục hay bổ nhiệm giám mục của Tòa Thánh. Nhiều người đã không ngần ngại làm cả video clip nói về tiểu sử của vị này vị kia và để những câu chấm lửng làm cho nhiều người hoang mang và đáng tiếc là có nhiều người cư ngỡ đó là thông tin thật và bắt đầu chia sẻ dùm cho những lời lộng ngôn đó.
Thật ra, chuyện bổ nhiệm hay chuyện thuyên chuyển giám mục đều là quyền của Tòa Thánh. Các bước để chọn giám mục thì như bài viết của một vị linh mục đã chia sẻ với cộng đoàn dân Chúa. Chỉ đến khi Tòa Thánh công bố thì tin đó mới chính thức và đó là tiếng nói chính thức của Tòa Thánh. Trong khi đó nhiều người cứ vui vẻ đưa ra những luận điệu nước đôi để gây hoang mang và bàn tán cho nhiều người.
Điều đáng tiếc thay là những thông tin đó bất lợi hay nói cách khác là phá rối đường lối của Tòa Thánh. Chỉ khi nào Tòa Thánh công bố thì mới thành sự, khi chưa công bố mà loan đi trước thì Tòa Thánh sẽ không quyết định như những gì người ta nói. Chính vì thế, những lời lộng ngôn của một số người đều mang lại sự hoang mang, chia rẽ trong Giáo Hội.
Như mọi người đã biết và quá biết rằng Giáo Hội bao nhiêu năm qua đã gặp, đang gặp và sẽ gặp nhiều khó khăn để rồi là người Kitô hữu chân chính nên chăng phải thận trọng trong lời ăn tiếng nói của mình. Cần cân nhắc điều gì nên nói và cần nói kẻo lỡ nói ra sẽ gây bất hòa và chia rẽ thay vì cần xây dựng sự hiệp nhất và yêu thương.
Trên tất cả mọi sự, mọi người đều biết sức mạnh của truyền thông. Truyền thông ngày hôm nay có thể nói là chi phối đời sống không chỉ của Xã Hội và Giáo Hội nữa. Chính vì thế, khi sử dụng các phương tiện truyền thông cần lắm sự đắn đo suy nghĩ và nhất là phải biết dựa trên nguyên tắc của đạo đức truyền thông. Nhiều khi chỉ vì thỏa mãn cái tôi, thỏa mãn sự sung sướng của cá nhân mà người ta vô ư đưa những ngôn từ lẽ ra không nên đưa hay không được đưa lên mạng xã hội hay các trang web.
Nên nhớ rằng một khi đã nói ra thì không thể nào thu lại lời của mình. Chính vì thế nên càng cần phải thận trọng khi nói ra điều gì đó. Với người Kitô hữu thì lại cần phải thận trọng hơn trước khi nói lời nào đó và phải xem xét lời đó mang lại sự hiệp nhất yêu thương hay không ? Với Kitô giáo, đức ái vẫn là nền tảng cũng như là điều tối quan trọng mà người Kitô hữu phải quan tâm và phải sống. Chính khi căn cứ vào bác ái, yêu thương người ta nhận ra “anh em là môn đệ của Thầy”.
Với những loạn ngôn và lộng ngôn đã, đang xảy ra trong cuộc sống gây tổn thương như thế nào cho Giáo Hội và cho mỗi người chúng ta, thiển nghĩ đó là bài học kinh nghiệm cho mỗi người để trước khi ta nói lời gì đó ta nên thận trọng và cân nhắc xem lời đó như thế nào. Ước mong lời người Kitô hữu nói ra là lời yêu thương và hiệp nhất để xây dựng gia đình, cộng đoàn và Giáo Hội.