1. Đức Maria, Mẹ của người dâng hiến
Đức Maria là người mẹ đặc biệt của người dâng hiến và người dâng hiến là người con đặc biệt của Mẹ. Mối liên hệ này phát xuẩt từ nền tảng Đức Maria được tuyển chọn làm Mẹ Chúa Giêsu, cội nguồn của đời dâng hiến. Thật vậy, có ai sống đời dâng hiến mà không được Thiên Chúa kêu gọi thông qua Chúa Giêsu một cách trực tiếp hay gián tiếp? Chính Chúa Giêsu đã gọi mỗi người chúng ta dâng hiến cuộc đời cho Ngài và cho Tin mừng. Ngài gọi ta, cho ta ở với Ngài trong thời gian huấn luyện ở học viện, nhà dòng, đại chủng viện…. Ngài huấn luyện chúng ta qua bề trên, anh chị em,.. Ngài sai chúng ta ra đi rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Ngài trong từng hoàn cảnh sống của chúng ta…
Nếu Mẹ là Mẹ của chúng ta trong ơn gọi thánh hiến thì Mẹ có trách nhiệm chứ không chỉ vì yêu thương mà chuyển cầu, giữ gìn ơn gọi của chúng ta. Thật vậy, có người mẹ nào không muốn và không làm những gì tốt nhất, ý nghĩa nhất cho con của mình? Điều quý giá nhất của ơn gọi dâng hiến là bền đỗ đến cùng trong ơn gọi. Chúng ta hãy chạy đến với Mẹ vì sự chuyển cầu, sự chở che của Mẹ thật hiệu quả. Trong tiệc cưới Cana, Mẹ chỉ cần nói với Chúa Giêsu “họ hết rượu rồi” thì cho dù giờ của Chúa chưa đến, Chúa vẫn can thiệp hoá nước thành rượu ngon cho đám tiệc được tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
2. Đức Maria, mẫu gương tuyệt vời của đời dâng hiến
Nói đến đời dâng hiến là nói tới việc khấn giữ, sống ba lời khuyên Phúc Âm một cách triệt để. Về điểm này, ngoài Chúa Giêsu, nguồn cội của ơn gọi, không ai có thể nổi bật bằng Đức Mẹ.
Nếu nhân đức căn bản có tầm quan trong bậc nhất của đời dâng hiến là vâng phục, thì quả thật trong số các thọ tạo, Đức Maria là tấm gương vâng phục số một của những người dâng hiến chúng ta. Trong biến cố truyền tin, sau khi được sứ thần giải thích kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Mẹ đã cất tiếng xin vâng: “Tôi đây là nữ tì của Chúa, tôi xin vâng như lời thánh thiên thần truyền”. Mẹ không chỉ xin vâng lúc này, nhưng xin vâng suốt cả cuộc đời, vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh vui buồn của cuộc sống, vâng cả khi đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, Con Mẹ.
Nếu nhân đức thứ hai của đời dâng hiến là khiết tịnh, thì khỏi phải bàn, Mẹ Maria đã khởi nguồn cho đời sống khiết tịnh này. Trong khi mọi người nữ Do thái chờ đợi kết hôn, hy vọng sinh con nối dõi tông đường, sinh Đấng Cứu thế… thì một mình Mẹ lại ngược dòng dâng hiến cho Chúa cả thân xác lẫn tâm hồn. Thân xác của Mẹ, trái tim của Mẹ, tình yêu của Mẹ không chia sẻ cho ai khác, ngoài một mình Thiên Chúa, và sau này dù Mẹ đã được tuyển chọn làm Mẹ Chúa Giêsu và kết hôn với thánh Giuse, thì Mẹ vẫn giữ mãi một thân xác, một trái tim, một tình yêu, một tấm lòng cho Chúa.
Chẳng có ai trong chúng ta muốn sống tròn đầy một cuộc đời dâng hiến mà không muốn có Thiên Chúa làm gia nghiệp duy nhất. Xét về lý tưởng này, chúng ta phải thừa nhận Đức Mẹ chính là mẫu gương nghèo khó triệt để nhất của chúng ta theo gương Chúa Giêsu. Mẹ được sinh ra trong gia đình nghèo, sống trong ngôi làng nghèo Nazareth, kết hôn với thánh Giuse, một thợ mộc nghèo, sống nghèo vật chất và sống nghèo tinh thần, làm những công việc của người nghèo: nội chợ, chăm lo cho chồng, cho con… Mẹ chọn sống nghèo bởi vì Mẹ đặt Chúa, đặt kế hoạch của Chúa lên trên hết trong cuộc đời. Vì thế, Mẹ trở nên giầu có nhất vì Mẹ có Thiên Chúa, có Chúa Giêsu là kho tàng mọi ân sủng của toàn thể nhân loại.
Mẹ Maria là Mẹ của đặc biệt của người sống đời dâng hiến vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu, cội nguồn và lí tưởng của đời dâng hiến. Mẹ là mẫu gương sáng chói về việc sống những đòi hỏi của đời dâng hiến: nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục… Nếu Mẹ là Mẹ của những ai sống đời dâng hiến, thì chắc chắn Mẹ vừa yêu thương vừa có trách nhiệm chuyển cầu, gìn giữ, dạy bảo chúng ta sống thực sự ơn gọi dâng của mình.