Nạn “giả” trong xã hội
Phải nói rằng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng là một hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện nay. Song, điều lo ngại là hàng giả không chỉ dừng ở các mặt hàng tiêu dùng mà còn lan tràn sang cả lĩnh vực sản xuất. Ví như nạn phân bón giả không đem lại hiệu quả cho cây trồng, khiến cho cà phê, tiêu, điều… năng suất thấp. Cái giả trong tình huống này dẫn đến hệ quả lớn về chỉ tiêu kinh tế vùng, năng lực xuất khẩu. Ngoài ra, nhiều gia đình bị vỡ nợ, chưa kể phân bón giả hủy hoại môi sinh, làm đất bị biến chất.
Gần đây, khi sự kiện liên quan đến giáo dục của Hà Giang, Sơn La bùng lên, người ta càng lo lắng hơn vì việc tạo ra kết quả giả đã lan tràn vào cả ngành giáo dục. Cái giả trong trường hợp này rõ ràng rất tinh vi, bởi theo điều tra, quá trình thi, niêm phong, vận chuyển bài thi đều đúng và đều có máy quay giám sát. Vậy mà chỉ cần có 6 giây là đã có thể chỉnh sửa kết quả một bài thi. Cái giả đã được lập trình sẵn trong đầu óc người chủ mưu nên tinh vi hơn cả máy móc. Sở dĩ có thể qua mắt vòng kiểm soát bởi cái giả này đã được tổ chức thành hệ thống mà một người không thể làm được. Việc tạo ra một kết quả giả trong tình huống này đã để lại một dư chấn lớn trong dân chúng, thậm chí gây suy giảm niềm tin đối với hệ thống giáo dục quốc gia.
Nguyên nhân tạo ra cái giả chính là lòng tham và lợi nhuận. Nhiều mặt hàng trôi nổi kém chất lượng như mỹ phẩm giả, thuốc chữa ung thư giả hằng ngày hằng giờ tuồn vào thị trường khiến nhiều người tiền mất tật mang… Cái giả còn cho thấy lỗ hổng của cơ chế kiểm soát: Chúng ta có rất nhiều cơ quan chức năng liên quan đến việc chống hàng giả, từ công an, thuế vụ, hải quan, thanh tra…, nhưng đôi khi có những lô hàng lớn, những cái giả “tầy đình” như kỳ thi ở Hà Giang vừa rồi vẫn “chui lọt qua lỗ kim”.
Rất khó hy vọng kiếm tìm một giải pháp căn cơ triệt để cho nạn “giả” trong xã hội. Tuy nhiên, vẫn có thể tạo ra các cơ chế để kiểm soát tốt hơn, với điều kiện sự kiểm soát phải thực sự minh bạch, công tâm.