NÉT MỚI MẺ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC HÔM NAY

53

NÉT MỚI MẺ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC HÔM NAY

Mục lục

I. VÀI NÉT LỊCH SỬ VỀ VĂN KIỆN “ĐÀO TẠO LINH MỤC” TỪ CÔNG ĐỒNG VATICAN II

II. NÉT MỚI MẺ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC HÔM NAY VỚI BẢN RATIO 2016

A. Về tổ chức đào tạo

  1. Đặc tính “duy nhất”

  2. Đặc tính “toàn diện”

  3. Đặc tính “cộng đoàn”

  4. Đặc tính “truyền giáo”

B. Về mặt thần học

III. KẾT LUẬN: “KHO TÀNG TRONG CHIẾC BÌNH SÀNH”

I. VÀI NÉT LỊCH SỬ VỀ VĂN KIỆN “ĐÀO TẠO LINH MỤC” TỪ CÔNG ĐỒNG VATICAN II[1]

  1. Văn kiện chính yếu về việc “Đào Tạo Linh Mục” được gọi là Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (viết tắt là RF) của Tòa Thánh, được dịch là “Quy Chế Nền Tảng Về Đào Tạo Linh Mục”. Mỗi Hội Đồng giám mục sẽ dựa vào bản Ratio Fundamentalis này để soạn cho quốc gia của mình một Ratio riêng, một “Quy chế địa phương về đào tạo linh mục”.
  2. Với Sắc lệnh “Cum Adolescentium Aetas” năm 1563, Công đồng Trentô đã công bố việc thiết lập các Chủng viện. Sắc lệnh đòi buộc các giám mục tại giáo phận của mình phải thành lập một chủng viện để đào tạo linh mục. Sau này, khởi đi từ những kinh nghiệm tại các Giáo hội địa phương về việc đào tạo linh mục, Tòa Thánh soạn ra một “Quy Chế Nền Tảng” (Ratio Fundamentalis), được coi là “luật chung” hay “phổ quát”. “Quy Chế Nền Tảng” sẽ được áp dụng sau đó vào những bối cảnh và yêu cầu của mọi nơi mọi thời.
  3. Qua Công đồng Vatican II, một luồng gió mới của Chúa Thánh Thần đã thổi vào Giáo Hội. Công đồng đã xác định rằng việc canh tân Giáo Hội “phần lớn tùy thuộc việc thi hành chức vụ linh mục”, từ đó Công đồng tuyên bố “việc đào tạo linh mục là việc vô cùng quan trọng”:

“Mọi người mong ước canh tân toàn thể Giáo Hội, Thánh Công đồng ý thức rõ ràng như thế, và công cuộc canh tân này phần lớn tùy thuộc việc thi hành chức vụ linh mục đã được Thần Linh Chúa Kitô thúc đẩy, do đó Thánh Công đồng tuyên bố việc đào tạo linh mục là việc vô cùng quan trọng” (OT 1).

Chính vì tầm quan trọng của linh mục trong đời sống, trong sự canh tân và phát triển của Giáo Hội, mà các nghị phụ đã dành trọn 2 sắc lệnh trong số 16 văn kiện của Công đồng để bàn về linh mục:

  • Sắc Lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Các Linh Mục – Presbyterorum Ordinis – được công bố ngày 7 tháng 12 năm 1965.
  • Sắc Lệnh về Đào Tạo Linh Mục – Optatam Totius – được công bố ngày 28 tháng 10 năm 1965.

Công đồng Vatican II đã bế mạc ngày 8-12-1965. Và để áp dụng những giáo lý của Công đồng vào trong những hoàn cảnh sau này, trước khi bế mạc, Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã cho thiết lập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới vào ngày 15-9-1965.

  1. Trở lại việc hình thành “Quy Chế Nền Tảng” (Ratio Fundamentalis), chính Công đồng Vatican II với sắc lệnh về đào tạo linh mục Optatam Totius đã quy định trong số đầu tiên:

“Vì các dân tộc và các vùng miền quá đa dạng, chỉ có thể đưa ra những luật chung. Vì vậy chúng ta sẽ thiết lập trong mỗi quốc gia hay trong mỗi nghi thức một ‘quy chế [ratio] đào tạo linh mục’ riêng, được các Hội Đồng Giám Mục ấn định, được chỉnh sửa vào những thời điểm nhất định và được Tòa Thánh chuẩn nhận. Như thế, những luật phổ quát sẽ được thích nghi cho phù hợp với hoàn cảnh riêng của mọi nơi mọi thời, ngõ hầu việc đào tạo linh mục luôn đáp ứng cho những nhu cầu mục vụ ở những vùng miền mà thừa tác vụ phải được thi hành” (OT, số 1).

  1. Bản Ratio Fundamentalis I: Tại Khóa I của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới vào năm 1967, các giám mục đã xin Tòa Thánh một văn bản khung với những quy tắc căn bản về đào tạo, để thực hiện những Ratio quốc gia. Vì thế, ngày 6 tháng 1 năm 1970, bản Ratio Fundamentalis đầu tiên đã được Bộ Giáo Dục Công Giáo biên soạn và công bố để chỉ dẫn cho các Hội Đồng Giám Mục một số tiêu chuẩn hay nguyên tắc chung, ngõ hầu các Hội Đồng Giám Mục có thể biên soạn “Quy chế địa phương” cho quốc gia mình về đào tạo linh mục.

Rồi, ngày 19 tháng 3 năm 1985, bản Ratio Fundamentalis đầu tiên này đã được chỉnh sửa lại để ăn khớp với giáo luật mới theo Bộ Giáo Luật năm 1983 (phần lớn những chỉnh sửa gần như chỉ liên quan đến các ghi chú).

  1. Sau đó, hướng dẫn và bổ túc vô cùng quan trọng của các Đức Giáo Hoàng là Tông Huấn Pastores Dabo Vobis của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, về “Việc Đào Tạo Linh Mục Trong Hoàn Cảnh Hiện Nay”, ban hành ngày 25/3/1992, và Tự sắc Ministrorum Institutio (Quy chế các thừa tác viên), ban hành ngày 16/1/2013 của Đức Bênêđictô XVI. Tông Huấn Pastores Dabo Vobis là kết quả của Khóa Họp thông thường lần thứ 8 của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 1990. Hai điểm quan trọng mà Tông Huấn PDV đã khai triển thật rõ khi bàn về đào tạo linh mục đó là: 4 chiều kích đào tạo (nhân bản, thiêng liêng, trí thức, mục vụ) và giai đoạn thường huấn (sau Chủng viện). Còn Tự sắc Ministrorum Institutio đã cho thấy rõ rằng việc đào tạo chủng sinh phải được tiếp nối một cách tự nhiên bởi việc thường huấn linh mục và cùng với việc thường huấn này làm nên một thực tại duy nhất.
  2. Chính yếu dựa trên Văn kiện Ratio Fundamentalis I (năm 1970 cùng với bản chỉnh sửa năm 1985) và Tông Huấn Pastores Dabo Vobis (năm 1992) nhiều Bản Ratio của các quốc gia đã được hình thành trong đó có Bản Ratio của Việt Nam “Đào Tạo Linh Mục – Định Hướng và Chỉ Dẫn” được Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc phê chuẩn ngày 31-10-2011 và được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ban hành ngày 11-04-2012. Bản Ratio này được chính thức áp dụng cho tất cả các đại chủng viện tại Việt Nam từ ngày 01-9-2012.
  3. Bản Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis mới 2016: Kể từ năm 1970 đến 2016, sau 46 năm, với nhiều thay đổi về mặt văn hóa xã hội và chuyển biến trong Giáo Hội, và do việc áp dụng từng bước giáo lý của Công đồng Vatican II cùng với những cố gắng đáp ứng những nhu cầu mới của Dân Chúa và thách đố của việc tân phúc âm hóa, ngày 8-12-2016, Văn kiện Ratio Fundamentalis mới đã ra đời với tựa đề HỒNG ÂN ƠN GỌI LINH MỤC – RATIO FUNDAMENTALIS INSTITUTIONIS SACERDOTALIS.

Sự kiện mà văn kiện này được công bố ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội nói lên vai trò của Đức Mẹ trong việc đào tạo các linh mục: “Bản Ratio mới này nhắm đến lợi ích của các linh mục, những người đặt cuộc đời và công cuộc đào tạo bản thân mình dưới tấm áo choàng của Đấng là Mẹ của lòng thương xót và Mẹ các linh mục […]” (Ratio 2016, Kết luận).

II. NÉT MỚI MẺ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC HÔM NAY VỚI BẢN RATIO 2016
Trong giới hạn của bài, xin được trình bày vài nét mới mẻ quan trọng trong việc đào tạo linh mục hôm nay trong bản Ratio 2016: (1) về tổ chức đào tạo với tính bó buộc, liên tục, tiệm tiến của các giai đoạn đào tạo; (2) sợi chỉ đỏ xuyên suốt về thần học liên quan đến nội dung đào tạo.

A. Về tổ chức đào tạo
Trong phần dẫn nhập, bản Ratio mô tả 4 đặc tính của đào tạo hiện nay: “đào tạo phải duy nhất, toàn diện mang tính cộng đoàn và truyền giáo” (Ratio 2016, Dẫn nhập, 3).

4 đặc tính này không phải tất cả đều mới mẻ, nhưng nét mới mẻ ở trong nội dung và tầm quan trọng của mỗi đặc tính cũng như sự phối hợp giữa các đặc tính lại với nhau cùng với tính bó buộc, liên tục, tiệm tiến của các giai đoạn đào tạo.

Có thể phân 4 đặc tính trên đây thành 2 nhóm:

a) Phương diện cá nhân người linh mục với 2 đặc tính: duy nhất và toàn diện;

  • Duy nhất: nói đến thời gian đào tạo sẽ kéo dài suốt cuộc đời linh mục.
  • Toàn diện: nói đến nội dung đào tạo bao trùm 4 chiều kích đào tạo: nhân bản, thiêng liêng, trí thức, mục vụ.

b) Phương diện cộng đoàn với 2 đặc tính: cộng đoàn và truyền giáo;

  • Cộng đoàn: nói đến cộng đoàn Giáo Hội nơi ứng sinh linh mục được gọi, được đào tạo và sau khi làm linh mục được sai đến để phục vụ.
  • Truyền giáo: mục đích của của ơn gọi linh mục được xác định trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Chúa Giêsu lập Giáo Hội để tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng Cứu độ của Ngài.
  1. Đặc tính “duy nhất”
    Đào tạo linh mục là “một hành trình duy nhất cho đào tạo khởi đầu và thường huấn”. Bản Ratio tuyên bố trong phần dẫn nhập:

“Công cuộc đào tạo linh mục tiếp nối ‘hành trình đào tạo duy nhất của người môn đệ’. Hành trình này bắt đầu với bí tích Thánh Tẩy, được nên hoàn thiện với các bí tích khai tâm Kitô Giáo khác, được đón nhận như tâm điểm của đời sống lúc vào chủng viện, và được tiếp tục trong suốt cuộc đời” (Ratio 2016, Dẫn nhập, 3).

Trước hết, cụm từ “hành trình đào tạo duy nhất của người môn đệ” đặt việc “đào tạo linh mục” vào hành trình đào tạo của “kitô hữu” được gọi là “người môn đệ của Chúa Giêsu”: “Hành trình này bắt đầu với bí tích Thánh Tẩy, được nên hoàn thiện với các bí tích khai tâm Kitô Giáo khác”.

Và “công cuộc đào tạo linh mục tiếp nối ‘hành trình đào tạo duy nhất của người môn-đệ-kitô-hữu’. Như vậy, sau giai đoạn đào tạo kitô hữu, việc đào tạo linh mục (người môn-đệ-linh-mục/disciple-prêtres) gồm giai đoạn đào tạo tại chủng viện (giai đoạn khởi đầu) và giai đoạn sau chủng viện (gọi là thường huấn).

Như vậy, nét mới mẻ “duy nhất” về thời gian nhấn mạnh đến 3 yếu tố:

  • Yếu tố suốt đời: Đào tạo người linh mục là đào tạo suốt đời từ khi chịu bí tích Thánh Tẩy đến chết, gồm 3 giai đoạn:
  • trước chủng viện (từ khi chịu bí tích Thánh Tẩy đến khi vào chủng viện);
  • tại chủng viện là “giai đoạn đào tạo khởi đầu”;
  • sau chịu chức là “giai đoạn thường huấn”.
  • Yếu tố bắt buộc: sự “duy nhất” bao hàm tất cả những thành phần trong đó với tính chất bắt buộc (cả 3 giai đoạn và những gì trong đó đều là bắt buộc).

Ratio 2016 đã khai triển thời gian đào tạo tại chủng viện là “giai đoạn đào tạo khởi đầu” gồm 4 giai đoạn với 2 giai đoạn “mới thêm vào và mang tính bắt buộc” (giai đoạn dự bị và giai đoạn tập vụ):

a) Giai đoạn dự bị (Ratio 2016, số 59-60), có mục tiêu làm cho ơn gọi đã được phân định lần đầu ăn sâu vào trong một tiến trình bước theo Chúa Kitô cách say mê và triệt để. Đồng thời, giai đoạn dự bị này giúp chủng sinh hiểu rõ bản thân hơn nhờ được sống trong cộng đoàn. Giai đoạn này “được trình bày vào dịp Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1990 (hội nghị khoáng đại thứ tám), sau một thời kỳ thử nghiệm và đánh giá, với căn tính và cách đào tạo chuyên biệt, nay đã trở nên cần thiết và bắt buộc” (Ratio 2016, Dẫn nhập, 3).

b) Giai đoạn “đào tạo người môn đệ”: ứng sinh linh mục được đào tạo để gặp Chúa Giêsu, biết Chúa Giêsu, theo Chúa Giêsu và trở nên môn đệ của Chúa Giêsu (Ratio 2016, số 61-67). Giai đoạn này tương ứng với chu kỳ triết học trước đây.

c) Giai đoạn “đồng hình đồng dạng” với Chúa Giêsu, Mục tử và Tôi tớ (Ratio 2016, số 68-73). “Giai đoạn này giúp chủng sinh từng bước nên giống dung mạo của vị Mục tửNhân lành, Đấng nhận biết chiên của mình, trao ban mạng sống mình vì đoàn chiên và đi tìm những con chiên đang ởngoài ràn chiên (x. Ga 10,14-17)”. Giai đoạn này tương ứng với chu kỳ thần học trước đây.

d) Giai đoạn tập vụ hay tổng hợp ơn gọi (Ratio 2016, số 74- 79). Ratio chỉ rõ là giai đoạn này “nằm giữa thời gian chủng viện và thụ phong linh mục… Có hai mục tiêu cho giai đoạn này: một mặt là hòa nhập vào đời sống mục vụ qua việc đảm nhận dần dần nhiều trách nhiệm hơn trong tinh thần phục vụ; mặt khác là chuẩn bị cách thích đáng để chịu chức linh mục nhờ được đồng hành một cách chuyên biệt. Trong giai đoạn này, ứng sinh được mời gọi bố cách tự do, ý thức và dứt khoát, ý muốn trở thành linh mục sau khi đã lãnh nhận chức phó tế” (Ratio 2016, số 74) và nói thêm rằng: “thông thường, giai đoạn này được thực hiện bên ngoài môi trường chủng viện, ít ra là trong một phần quan trọng của khoảng thời gian này”(Ratio 2016, số 75) .

  • Yếu tố liên tục (tiệm tiến): các giai đoạn sẽ liên tục nối tiếp nhau theo một tiến trình tiệm tiến.

Ví dụ: Năm dự bị là giai đoạn đầu tiên của đào tạo khởi đầu; bước vào giai đoạn này không có nghĩa là cắt đứt với hành trình đời sống Kitô hữu trước đây, hay cắt đứt với cội nguồn gia đình, cội nguồn văn hóa và cội nguồn thiêng liêng. Tiến trình đào tạo người môn đệ bắt đầu với bí tích Thánh Tẩy, rồi hoàn thiện với những bí tích khai tâm khác; điều này có nghĩa là ứng sinh nào chưa nhận lãnh bí tích Thêm Sức thì phải làm trước năm dự bị.

Bước vào giai đoạn khởi đầu của đào tạo là muốn theo một “tiến trình đào tạo tiệm tiến duy nhất”, một tiến trình mà sẽ được tiếp tục thực hiện trong đời sống người môn đệ ngay cả khi đã là linh mục; “người môn đệ linh mục vẫn luôn mãi khổ nhọc theo Thầy và sẽ không bao giờ ngưng làm cho mình trởnên đồng hình đồng dạng với Thầy” (Ratio 2016, Dẫn nhập, 3).

Tóm lại, về mặt thời gian, tính “duy nhất”:

  1. Đặt việc đào tạo người linh mục (hay người-môn đệ-linh-mục) trong ơn gọi nền tảng của kitô hữu (hay người-môn-đệ-kitô-hữu). Việc đào tạo linh mục bắt đầu từ khi vào chủng viện và là việc tiếp nối chương trình đào tạo kitô hữu, đã bắt đầu từ bí tích Thánh Tẩy.
  2. Chương trình đào tạo linh mục bao gồm 2 thời kỳ bắt buộc là “thời kỳ khởi đầu” (trước khi chịu chức linh mục) và “thời kỳ thường huấn” (sau khi chịu chức linh mục).
  3. Thời kỳ khởi đầu gồm 4 giai đoạn:
  • Giai đoạn dự bị: giúp chủng sinh hiểu rõ bản thân hơn nhờ được sống trong cộng đoàn chủng viện.
  • Giai đoạn “đào tạo người môn đệ” tương ứng với chu kỳ triết học trước đây.
  • Giai đoạn “đồng hình đồng dạng” tương ứng với chu kỳ thần học trước đây.
  • Giai đoạn tập vụ hay tổng hợp ơn gọi “nằm giữa thời gian chủng viện và thụ phong linh mục”, giúp chủng sinh hòa nhập vào đời sống mục vụ và chuẩn bị cách thích đáng để chịu chức linh mục.
  1. Thời kỳ Thường huấn gồm 3 giai đoạn kéo dài suốt đời linh mục:
  • Những năm đầu đời linh mục: “Giai đoạn đầu tiên của hành trình này là giai đoạn những năm liền ngay sau khi thụ phong linh mục” (Ratio 2016, số 83).
  • Những năm sau đó, khi làm cha sở hay khi thi hành sứ vụ linh mục với nhiều vấn đề (x. Ratio 2016, số 84).
  • Những năm về hưu hay đau yếu: “Các linh mục cao niên và đau yếu là một chứng tá sống động cho cộng đoàn tín hữu và linh mục đoàn, đồng thời là một dấu chỉ hữu hiệu và hùng hồn của một cuộc đời dâng hiến cho Chúa” (Ratio 2016, số 85).
  1. Đặc tính “toàn diện”
    Nói đến nội dung đào tạo bao gồm 4 chiều kích đào tạo: nhân bản, thiêng liêng, trí thức, mục vụ.

Tính “toàn diện” với 4 chiều kích đào tạo phải được thể hiện cả trong giai đoạn tại chủng viện là “giai đoạn đào tạo khởi đầu” và giai đoạn sau chủng viện là “giai đoạn thường huấn”. Nghĩa là trong mỗi giai đoạn đều phải lưu ý đến cả 4 chiều kích đào tạo: “những chiều kích luôn có mặt trong hành trình của mỗi chủng sinh; tuy nhiên, tùy theo giai đoạn đang diễn ra mà chúng ta chú ý đến khía cạnh này hay khía cạnh kia nhiều hơn, nhưng không vì thế mà bỏ qua các khía cạnh khác” (Ratio 2016, số 57).

Ví dụ, trong thời gian tại chủng viện, “chu kỳ triết học” được gọi là “giai đoạn đào tạo người môn đệ” và “chu kỳ thần học” được gọi là “giai đoạn đồng hình đồng dạng”. Cách gọi mới này khẳng định tính “toàn diện”, bởi vì: “điều này muốn nhấn mạnh rằng, với việc học triết học và thần học, chúng ta không thể chỉ xem xét chiều kích tri thức để đánh giá chủng sinh về tiến trình đã hoàn thành và về tiến bộ đạt được ỗi giai đoạn. Trái lại, nếu các nhà đào tạo nhận định chung mọi chiều kích đào tạo, thì chỉ những chủng sinh nào không những đã thành công các môn thi dự kiến, mà còn đạt được sự trưởng thành cần thiết về nhân bản và trong ơn gọi cuối mỗi giai đoạn, mới được phép bước sang giai đoạn sau” (Ratio 2016, Dẫn nhập, 3).

  1. Đặc tính “cộng đoàn”
    Bản Ratio lưu ằng nền đào tạo toàn diện được thực hiện nhờ việc đào tạo mang tính cộng đoàn.

Trong truyền thông từ lâu tại các chủng viện, việc đồng hành cá nhân, thường được gọi là “việc linh hướng”. Trong bản Ratio 2016 này, ngoài việc “đồng hành cá nhân”, việc “đồng hành cộng đoàn” được đề cao và nhấn mạnh (x. Ratio 2016, 50-53).

Chính cộng đoàn giúp đào tạo người linh mục thành “con người hiệp thông” (PDV 18):

  • hiệp thông với Thiên Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô: “Đời sống cộng đoàn phải ảnh hưởng trên mỗi chủng sinh, thanh lọc ý hướng của họ và biến đổi cách sống của họ, để từng bước họ nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” (Ratio 2016, 50).
  • hiệp thông với anh em trong tình huynh đệ và hiệp thông với đoàn chiên sau này: “Cộng đoàn chủng viện là một gia đình mà bầu khí trong đótạo thuận lợi cho tình bằng hữu và huynh đệ. Khi đã sống kinh nghiệm ấy, sau này chủng sinh sẽ hiểu rõ hơn những đòi hỏi, những năng động và cả những vấn đề của các gia đình được giao cho họchăm sóc trong mục vụ” (Ratio 2016, 52).

Tóm lại, đời sống cộng đoàn trong chủng viện sẽ giúp người linh mục tương lai hiệp thông với “Chúa Kitô-toàn-thể” (le Christ-total) bao gồm: Chúa Kitô là Đầu và Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội.

  1. Đặc tính “truyền giáo”
    Một điều mới quan trọng trong Ratio 2016 là truyền giáo được gắn liền với người linh mục trong thuật ngữ “đào tạo người môn đệ truyền giáo”.

“Ý tưởng căn bản là làm sao các chủng viện có thể đào tạo được những người môn đệ truyền giáo “say mê” đối với Thầy, những mục tử mang “mùi chiên”, những người sống giữa đàn chiên để phục vụ và mang đến cho đàn chiên lòng thương xót của Thiên Chúa. Do đó, mỗi linh mục phải luôn nhận thức mình là một môn đệ đang tiến bước và luôn cần được đào tạo một cách toàn diện, nghĩa là luôn cần được làm cho nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” (Ratio 2016, Dẫn nhập, 3).

Từ đây, có thể nói rằng Ratio 2016 đã định nghĩa “linh mục là người môn đệ truyền giáo”; trong đó có 2 yếu tố: (1) người môn đệ; (2) truyền giáo.

  • “ Người môn đệ” là “môn đệ của Chúa Giêsu”: biết Chúa Giêsu, yêu mến Chúa Giêsu, đi theo Chúa Giêsu.
  • “truyền giáo” là “rao giảng Chúa Giêsu”, làm cho người khác biết Chúa Giêsu, yêu mến Chúa Giêsu, đi theo Chúa Giêsu.

Ý niệm này đã được trình bày thật rõ trong số 61: “Người môn đệ là người được Chúa gọi để ở với Người (x. Mc 3,14), đi theo Người và trở thành người truyền giảng Tin Mừng. Người môn đệ học hỏi hằng ngày để hiểu thấu những bí mật của Nước Thiên Chúa, trong tương quan mật thiết với Chúa Giêsu. Việc ở cùng Chúa Kitô trở nên con đường mang tính sư phạm và thiêng liêng, làm biến đổi đời sống và khiến nên chứng nhân cho tình yêu của Người trong thế giới” (Ratio 2016, số 61).

Trong thư luân lưu[2] về căn tính truyền giáo của linh mục, ngày 29/6/2010, Bộ Giáo Sĩ đã khẳng định: “Căn tính truyền giáo của linh mục trong Giáo Hội như là chiều kích nội tại của việc thi hành ba chức năng (tria munera): dạy dỗ (munus docendi), thánh hóa (munus sanctificandi), cai trị (munus regendi)”.

Thánh Phaolô đã khẳng định thật rõ về sứ mạng rao giảng Tin Mừng của người tông đồ: “Thưa anh em, Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu” (1 Cr 1,17).

Thực vậy, khi thi hành 3 chức năng, linh mục sẽ “giảng thế nào, dạy giáo lý thế nào” để loan báo Tin Mừng, để loan báo Chúa Kitô, chứ không phải để trình bày kiến thức. Linh mục sẽ “cử hành thánh lễ thế nào” để loan báo Chúa Kitô cho những người tham dự. Linh mục sẽ tổ chức, điều hành cộng đoàn thế nào để loan báo Chúa Kitô, chứ không phải để đạt tới sự phát triển một cộng đoàn thành công “về mặt trần thế”.

Điểm mới mẻ và tinh tế trong bản Ratio 2016 chính là nhấn mạnh đến “con người truyền giáo” chứ không phải đến “việc truyền giáo”.

Tên gọi “giai đoạn đào tạo người môn đệ” (thay cho ‘chu kỳ triết học’) và “giai đoạn đồng hình đồng dạng” (thay cho ‘chu kỳ thần học’) cho thấy rõ điểm nhấn này: nhấn mạnh đến “con người” hơn là “những kỹ năng, kiến thức”. Đào tạo linh mục tại chủng viện là đào tạo “người môn đệ của Chúa Giêsu” biết, gặp gỡ, ở với Chúa Giêsu (trong chu kỳ triết học: 2 năm) và rồi “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu” (trong chu kỳ thần học: 4 năm). Và kết quả khi đã ở, đã biết, đã thấm nhuần, đã có được những tâm tình, thái độ của Chúa Giêsu (đồng hình đồng dạng), người linh mục “sẽ giống Chúa Giêsu” bày tỏ cho người chung quanh biết về Thiên Chúa là Cha yêu thương, muốn cho con người được cứu độ.

B. Về mặt thần học

  1. Về mặt thần học, nét mới mẻ trong bản Ratio 2016 chính là một tổng hợp khéo léo các chiều kích thần học (một bên là chiều kích Kitô Học, bên kia là chiều kích Ba Ngôi, chiều kích Thánh Thần, chiều kích Giáo Hội) khi trình bày “linh mục là người môn đệ truyền giáo”.

Thật vậy, khi trình bày về “chức vụ và đời sống linh mục” (sắc lệnh Presbyterorum Ordinis) và “đào tạo linh mục” (sắc lệnh Optatam Totius), Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh đến chiều kích Kitô[3] (linh mục nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô để hành động nhân danh Chúa Kitô-là-Đầu: ‘in persona Christi Capitis’); tiếp đến, trong viễn tượng thần học của PO và OT, Tông huấn Pastores Dabo Vobis đã trình bày rõ hơn về “đào tạo linh mục” với điểm nhấn về chiều kích Ba Ngôi và chiều kích Giáo Hội[4] (x. PO 2; 4; PDV 11; 12; 15-18).

Một cách tóm tắt, Tông Huấn PDV đi từ chiều kích Kitô đến chiều kích Ba Ngôi nhờ vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Như vậy, chiều kích Ba Ngôi của chức linh mục được nổi bật qua mối tương quan của linh mục với Giáo Hội. Công đồng Vatican II đã trình bày Giáo Hội như là hoa trái của Mầu nhiệm Ba Ngôi[5]. Tiếp đến, Tông huấn Pastores Dabo Vobis đã khẳng định: “Chính trong lòng Giáo Hội xét như là mầu nhiệm hiệp thông giữa Thiên Chúa Ba Ngôi trong nỗi day dứt thi hành sứ vụ truyền giáo mà mọi căn tính Kitô hữu được mạc khải và đồng thời căn tính biệt loại của linh mục và của thừa tác vụ linh mục cũng được mạc khải” (PDV 12). Như thế, ơn gọi linh mục trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi được thực hiện trong Giáo Hội và qua Giáo Hội.

  1. Ở đây, bản Ratio 2016 đã khéo léo trình bày việc đào tạo linh mục với điểm nhấn về Chúa Giêsu (triết học: “giai đoạn đào tạo người môn đệ [của Chúa Giêsu]” – thần học: “giai đoạn nên đồng hình đồng dạng [với Chúa Giêsu]”), nhưng việc đào tạo này được thực hiện trong cộng đoàn Giáo Hội dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Hai chiều kích “Kitô học” và “Giáo Hội học” đan xen dưới tác động của Chúa Thánh Thần.
  • chính Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi ứng sinh linh mục nên “người môn đệ Chúa Giêsu” qua việc đào tạo trong Giáo Hội;
  • chính Chúa Thánh Thần, qua Bí tích Truyền chức do Giáo Hội trao ban, sẽ biến đổi ứng sinh linh mục tự bản chất để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, từ đó người linh mục có thể hành động “in persona Christi Capitis” (nhân danh Chúa Kitô-là-Đầu);
  • sau khi chịu chức, người linh mục sẽ được Giáo Hội sai đi Loan báo Tin Mừng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, ”Sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội, cũng như sứ mệnh của Chúa Giêsu, là công việc của Thiên Chúa, hay nói theo thánh Luca, là công việc của Chúa Thánh Thần” (Redemptoris Missio 24). Nói cách khác, sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội (‘họa ảnh của Ba Ngôi’/icône de la Trinité) đang phản chiếu chương trình cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21) và như “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18).
  1. Một nét thần học nữa trong đào tạo linh mục liên quan đến “chiều kích Giáo Hội”, đó là Ratio 2016 nhấn mạnh rất nhiều đến việc “đào tạo nhân bản” về mọi phương diện: sức khỏe thể lý, tâm lý (trưởng thành tình cảm, tính dục), phán đoán, giao tiếp xã hội…; nhất là, chủng sinh cần biết về chính mình, lịch sử của cuộc đời mình, lịch sử của gia đình mình với những điểm mạnh và điểm yếu (x. Ratio 2016, số 94).

Điều này phản ảnh một nét của mầu nhiệm Giáo Hội. Giáo Hội là thánh thiện nhưng bao gồm những con người tội lỗi. “Chúa Kitô thánh thiện, vô tội và tinh tuyền, không hề phạm tội chỉ đến để đền tội lỗi dân chúng, còn Giáo Hội, vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Giáo Hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân” (Lumen Gentium 8).

Như Giáo Hội, khi cố gắng khám phá bản thân trong bối cảnh lịch sử của gia đình và xã hội nơi mình sống, ứng sinh linh mục ý thức về bản thân những yếu đuối, lỗi lầm của mình, để rồi sẽ luôn “sám hối và canh tân”, để ân sủng Thiên Chúa biến đổi mình.

III. KẾT LUẬN: “KHO TÀNG TRONG CHIẾC BÌNH SÀNH”
Với tựa đề “Hồng Ân Ơn Gọi Linh Mục”, bản Ratio 2016 muốn nói đến nguồn gốc ơn gọi linh mục đến từ Thiên Chúa, do Thiên Chúa ban cho con người đầy yếu đuối mỏng manh. Từ đó, đứng trước ơn gọi cao quý này, người linh mục cũng cảm nhận tâm tình của thánh Phaolô khi đứng trước sứ mạng cao cả làm chứng và rao giảng Chúa Kitô: “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.” (2 Cr 4, 7).

Và hồng ân ơn gọi linh mục này chính là hồng ân trở thành “người môn đệ truyền giáo” trong lòng Giáo Hội hôm nay, dưới tác động của Chúa Thánh Thần.

Trung thành với hồng ân ơn gọi linh mục cùng với sứ mạng truyền giáo trong bối cảnh hôm nay cả là một điều khó khăn[6]. Người linh mục cần phải luôn khiêm tốn, ý thức về thân phận mỏng dòn của mình, và phó thác để cho quyền năng của Thiên Chúa thể hiện trong cuộc đời và sứ vụ của mình. Và “thường huấn nhằm nâng đỡ linh mục luôn trung thành với thừa tác vụ linh mục theo một hành trình hoán cải liên tục, ngõ hầu làm sống lại ơn ban đã lãnh nhận vào lúc truyền chức” (Ratio 2016, 81).

Và một điều kiện để có Chúa trong cuộc đời đó là gắn bó với Giáo Hội, ở trong Giáo Hội. Thật vậy, thánh Tôma chỉ có thể gặp được Chúa Phục Sinh khi ông hiện diện trong cộng đoàn các tông đồ (x. Ga 20,24-29). Vì “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 121 (Tháng 11 & 12 năm 2020)
WHĐ (27.03.2021)

[1] x. Tham luận thứ nhất của Đức Tổng giám mục J.-C. Patrón Wong, Khóa họp với Giám đốc và đội ngũ đào tạo các Chủng viện Pháp về bản Ratio Fundamentalis mới, Paris ngày 18 và 19 tháng 3 năm 20173.

[2] Congregation of Clergy, Circular Letter to Priests on Missionary Identity: “The missionary identity of the priest in the Church which is intrinsic to the exercise of the ‘Tria Munera”, 29-6-2010.

[3] Gilles Routhier, L’écho de l’enseignement de Vatican II sur le presbytérat dans la situation actuelle (Première partie), Revue Théologique de Louvain, Année 2010/41-1, pp. 86-112; [https://www.persee.fr/doc/thlou_0080-2654_2010_num_41_1_3813], 27.8.2020

[4] x. HĐGMVN, Đào tạo Linh mục – Định hướng và Chỉ dẫn, 2012, số 9-17

[5] x. Hiến chế Lumen Gentium, số 2-4: Giáo Hội từ Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

  • Giáo Hội khai sinh từ ý định tự do của Chúa Cha hằng hữu (số 2);
  • Ý định đó được thực hiện qua sứ mệnh của Chúa Con (số 3);
  • Được bổ túc nhờ sự thánh hóa mà Chúa Thánh Thần mang đến (số 4).

[6] Theo thống kê vào cuối năm 2019, tổng số dân của Việt Nam là 96,2 triệu người, trong đó, khoảng có khoảng 7 triệu người công giáo, chiếm 6,7%. Truyền giáo vẫn đang là một thách đố rất lớn đối với Giáo Hội Việt Nam. Nhất là đối với việc đào tạo là 2.746 chủng sinh đang theo học tại 10 Đại Chủng Viện ở Việt Nam trong niên khóa 2019-2020.

Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Chủ tịch Ủy Ban Giáo sĩ & Chủng sinh
Ngày 30-8-2020

Previous articleLàm sao tính ngày tháng của lễ Phục Sinh?
Next articleMón ăn Jrai Tây Nguyên