“Tôi xin lỗi! Tôi xin thứ lỗi vì những tai hại kinh khủng mà sự tò mò của tôi đã gây ra cho con người.”
Tôi muốn nói một đôi lời – thật sự là hai tiếng — về quyển sách mới của tôi. Một số độc giả có thể nghĩ đó là quyển The Coming Technology Tsunami (Trận sóng thần công nghệ), nhưng đó là quyển sách cũ của tôi. Quyển mới sẽ có tựa đề Apolgia pro mea curiositos (Lời xin lỗi vì sự tò mò của tôi).
Và đây là hai lời: Xin lỗi! Tôi xin lỗi vì những tai hại kinh khủng mà sự tò mò của tôi đã gây ra cho con người.
Thứ nhất: Sự tò mò của tôi đã gây ra căn bệnh nghiện cho tất cả những đứa con của quý vị khi sử dụng điện thoại thông minh. Chúng không thể sống mà không có điện thoại thông minh. Chúng không thể ăn bữa cơm mà không có điện thoại thông minh ở bên cạnh. Tạ ơn Chúa vì các thầy cô giáo vẫn còn đủ thông minh để cấm điện thoại thông minh trong lớp học — có lẽ chúng ta nên nói với các mục tử cũng làm như vậy trong nhà thờ. Cá nhân tôi, tôi muốn nhìn thấy chúng bị cấm tại các bàn ăn tối. Nhưng rồi, chính tôi vẫn giữ chiếc điện thoại thông minh cạnh đĩa ăn của tôi như các bạn, và chúng ta thường bị cắt ngang bởi những tin nhắn và email khẩn mà chúng ta phải đọc và trả lời. Vì vậy chúng ta phải hết sức cẩn thận, nếu chúng ta cấm con chúng ta không mang điện thoại đến bàn ăn, thì chính chúng ta cũng cần phải tuân theo kỷ luật đó.
Thứ hai: Tôi xin lỗi vì sự thật rằng phát minh của tôi đã phá hủy sự đối thoại giữa con người với nhau. Các bạn và tôi thường nhìn thấy những đôi bạn và cả nhóm các bạn trẻ đi trên đường phố nhắn tin điện thoại chứ không nói chuyện với nhau. Khi họ ngồi trong phòng khách, họ thường bấm điện thoại hơn là có sự trao đổi tinh thần với nhau. Vì vậy tôi chân thành xin lỗi các bạn. Tôi quỳ xuống đất xin các bạn tha thứ.
Thứ ba: Tôi xin lỗi vì tôi đã tàn phá sức khỏe của con cái của các bạn, có thể là sức khỏe của chính các bạn. Trước đây không lâu, nếu bạn cần nghiên cứu thông tin, bạn cần phải chạy đến thư viện. Nếu bạn không thể “đón một cuốc xe,” bạn phải đi bộ nhiều dặm để đến đó, và trải qua nhiều giờ săn lùng câu trả lời. Bây giờ bạn chỉ cần “chạm đầu ngón tay” trên điện thoại thông minh của bạn và để cho Google làm tất cả mọi việc cho bạn. Và thế là Google thì rất khỏe còn bạn nhanh chóng trở thành người nghiện chiếc ghế sofa.
Tôi cũng xin lỗi vì con cái của các bạn không còn chạy đến các bạn với những câu hỏi tò mò của chúng, vì chúng tìm đến với Google. Đó là một sự mất mát lớn.
Thứ tư: Tôi xin lỗi vì sự thật rằng đầu ngón tay trỏ của con các bạn và của chính chúng ta đang trở nên xơ cứng để thao tác màn hình cảm ứng tốt hơn.
Thứ năm: Cũng trong tinh thần đó tôi phải xin lỗi vì sự thật rằng tay phải của các bạn, nếu bạn thuận tay phải, hoặc tay trái của các bạn, nếu bạn thuận tay trái, đang trở nên dài hơn để bạn có thể giữ chiếc điện thoại trong tay lúc bạn tự chụp ảnh (selfie). Và cũng vậy, tôi phải xin lỗi vì nụ cười giả tạo luôn luôn gắn trên khuôn mặt của bạn vì bạn lúc nào bạn cũng sẵn sàng để chụp tấm ảnh selfie.
Vâng, tất cả mọi điều này đều cần một sự tha thứ của các bạn, và sẽ còn nhiều điều khác nữa sẽ đến. Năm 1952, do tình cờ, tôi khám phá ra plasma trong sóng xung kích (shockwave); lúc đó tôi đề nghị với một số nhà khoa học về tên lửa của Đức rằng thay vì xây cái gì đó cao tới 65 tầng, đổ đầy chất nổ và đặt một cái ngòi vào trong nó, thì chúng ta có thể nhẹ nhàng hơn bằng cách sử dụng lực đẩy plasma (plasma propulsion) gắn trong với khả năng đưa tên lửa phóng lên như một máy bay và sau đó tăng tốc đi vào không gian bằng động cơ turbo jet, sau đó là ram jet, và tiếp theo là plasma propulsion. Họ nói với tôi bằng những thuật ngữ rõ ràng rằng tôi là một đứa trẻ con chẳng biết mình đang nói về vấn đề gì.
Bây giờ nó đang sắp diễn ra như vậy. Đang có những nghiên cứu sâu về plasma propulsion cho ngành chế tạo tên lửa ngoài không gian. Những chuyến thám hiểm mặt trăng, và sau này là những chuyến đổ bộ sao Hỏa, việc sẽ xảy ra ở đâu đó trong những thập niên sắp tới hầu như chắc chắn sẽ là việc sử dụng plasma thay vì tên lửa.
Mười năm tới sẽ thay đổi kỳ diệu như tôi đã bàn đến trong quyển sách của của tôi. Ở Hoa kỳ, mọi gia đình sẽ có robot. Chúng ta thậm chí có thể có robot tranh cử tổng thống. Khi tôi viết đến đây, New Zealand đang có một nỗ lực xây dựng một robot tranh cử vào văn phòng chính trị.
Một lúc nào đó trong hai hay ba năm tới chúng ta sẽ thấy một loạt các vệ tinh được đưa thêm lên quỹ đạo với những vệ tinh hiện đang có, để mọi người trên thế giới giữ liên lạc với nhau. Bạn có thể tưởng tượng sự gián đoạn tại bàn ăn tối khi các tin nhắn đến từ bất kỳ nơi nào trên thế giới vào bất kỳ lúc nào trong ngày hay đêm? Bàn ăn tối ư? Đó là bàn ăn tối kiểu gì?
Chuyện đó sẽ diễn ra. Thời kỳ Phục hưng lần thứ hai tùy vào chúng ta và – xin thứ lỗi cho tôi – sẽ không thể dừng lại.
Và vì vậy tôi xin các bạn tha thứ cho sự tò mò của tôi — và các bạn tha thứ cho việc thực hiện sự tò mò của mình và tạo ra chiếc điện thoại thông minh và những viễn cảnh mới của du hành không gian.
Và với những bạn không tha thứ cho tôi, tôi xin công bố khởi động một tổ chức mới nhắm đến việc quay trở lại với ngày xưa: thư chuyển bằng đường bộ và những tín hiệu bằng khói, đi bộ, và đi xe ngựa với sự bón phân miễn phí cho các luống hoa — tất cả những thứ bạn có thể sử dụng. Yêu cầu đầu tiên của câu lạc bộ là bỏ điện thoại di động. Bạn có sẵn sàng đăng ký không ?