Nhân chi sơ tính bản thiện hay bản ác? – L’être humain est-il bon ou mauvais?
Nhân chi sơ tính bản thiện hay bản ác là cuộc tranh luận trong hàng ngàn năm qua của nhiều học giả.
Trước nhất hãy nói về “Nhân chi sơ tính bản thiện“. Đây là phần dạy đầu tiên trong 6 phần của Tam Tự Kinh, là 1 cuốn sách được biên soạn để dạy vỡ lòng cho con trẻ thời Trung Quốc xưa.
Học thuyết “Nhân chi sơ tính bản thiện“ nói lên điều gì:
Con người sinh ra bản tính ban đầu vốn thiện và tốt lành, khi lớn lên, do ảnh hưởng của đời sống xã hội mà tính tình trở nên thay đổi, tính ác có thể phát sinh, do đó cần phải luôn được giáo dục, giữ gìn và rèn luyện cho đời sống lành mạnh thì tính lành mới giữ được và phát triển, để tính dữ không có điều kiện nảy sinh.
Có học giả cho rằng chữ Thiện trong tính bản thiện không phải là khái niệm thiện ác tương đối trong dân gian mà là tính hoàn hảo trong mỗi con người. Chữ Sơ trong nhân chi sơ cũng không chỉ mang ý nghĩa là trẻ sơ sinh mà còn chỉ sự nguyên bản của con người. Câu nói này cũng không những ám chỉ con người mà bất cứ thứ gì nguyên sơ như nó vốn có cũng đều thiện, hoàn hảo.
Không thể phủ nhận xã hội, môi trường đang sống có tác động, chi phối đến tâm tính của con người, tùy theo tác động đó có mạnh hay không, có thường xuyên hay không và bản chất tâm lý của người đó có dễ bị tác động hay không.
Vậy ta thử khảo sát sơ qua về chủ đề “Con người sinh ra là tốt hay xấu, thiện hay ác?” trên 3 khía cạnh: Triết học – Tôn giáo – Khoa học
Ta có 3 quan điểm chính:
1/ Nhân chi sơ tính bản thiện
2/ Nhân chi sơ tính bản ác
3/ Nhân chi sơ tính phi thiện phi ác (như 1 tờ giấy trắng)
1. Triết học:
1.1. Bên phương Đông:
– Học thuyết “Nhân chi sơ tính bản thiện”, như đã nói trên, là tư tưởng xuất phát ban đầu từ chữ Nhân của Khổng Tử và được các học trò của ông như Mạnh Tử (372 – 289 TCN) kế thừa và phát triển. Tư tưởng đạo lý này được tồn tại, giáo dục trong Nho giáo.
– Ngược lại, “Nhân chi sơ tính bản ác” là học thuyết của Tuân Tử. Tuân Tử quan niệm bản tính con người vốn là ác. Bản chất là ác, nhưng vì được giáo dục, nên con người trở nên thiện ít, hoặc thiện nhiều tùy mỗi người. Bản chất là ác nên mới hướng thiện, chứ nếu đã là thiện rồi thì cần gì phải hướng thiện. Vì thế, loài người thường nói hướng thiện, là 1 trạng thái phải phấn đấu để đạt được, chứ xưa nay không bao giờ nghe từ hướng ác.
Các lý giải khác ở thời hiện đại cho rằng:
– Trẻ được sinh ra thì ác là bản năng còn thiện là do di truyền và môi trường giáo dục và rèn luyện. Khi còn nhỏ trẻ được giáo dục tốt rèn luyện tốt thì khi lớn lên gặp chuyện không vừa ý thì bản năng vẫn trỗi dậy nhưng sẽ kiểm soát được và ngược lại không được giáo dục rèn luyện tốt thì bản năng thể hiện ngay lập tức và có thể là gây tội ác ngay.
– Xét theo tâm lý học thông thường thì con người luôn tìm cách thỏa mãn những mong muốn và nhu cầu vị kỷ của mình trước (bản ác). Một đứa trẻ con sẽ tìm mọi cách để có được món đồ chơi mà nó muốn, dù là gào khóc hay cấu xé đả thương bạn. Chỉ qua dạy dỗ, kỷ luật, các loại hình phạt, đe dọa…con người mới bắt đầu biết cân nhắc cái ngữ cảnh xung quanh, để từ đó tiết chế bản tính ác sẵn có.
1.2. Bên phương Tây:
– Ở bên phương Tây, có Jean-Jacques Rousseau (1712 –1778), là một nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng, có quan điểm 1. Ông này nói: L’homme naît bon, c’est la société qui le corrompt – Con người sinh ra là tốt, chính xã hội đã làm con người tha hóa.
Ông cho rằng loài người là tốt về bản chất nếu sống ở trạng thái tự nhiên và rằng con người bị tha hóa bởi chính xã hội. Ông cho xã hội là nhân tạo và sự phát triển phụ thuộc lẫn nhau trong xã hội là cản trở đối với chất lượng cuộc sống của loài người.
– Quan điểm này đối lập với Thomas Hobbes (1588 –1679), là một nhà triết học người Anh, được coi là một trong những người sáng lập triết học chính trị hiện đại. Ông này nói: L’homme est un loup pour l’homme – Con người là một con sói đối với con người.
Theo quan điểm này con người vốn xuất hiện như một kẻ vô lương tâm hành động gây tổn hại cho đồng loại của mình. Tình trạng tự nhiên là trạng thái chiến tranh chống lại tất cả mọi người và nơi đàn ông là phi chính trị và phi xã hội.
Trong trạng thái tự nhiên không có luật lệ, nhưng nam giới có các quyền tự nhiên như tự kiếm ăn, tự vệ… và tự do tự nhiên, không có các ràng buộc bên ngoài. Khi không có ai để kiểm soát, con người sẽ gặp nguy hiểm thường trực, đồng thời là mối nguy hiểm tiềm tàng cho những người khác! Do vậy phải thiết lập quyền lực chính trị để khuất phục bầy sói…
2. Tôn giáo
2.1. Kitô giáo:
Ở Kitô giáo, trừ 1 số ít giáo phái, có 1 khái niệm và cũng là học thuyết có tính chất gần tương đương với học thuyết “Nhân chi sơ tính bản ác”. Đó là: Tội nguyên tổ hay tội tổ tông (original sin), có yếu tố di truyền, con người phải chịu tội này từ khi mới sinh ra đời. Đã có bài đăng về chủ đề này:
Lược sơ về khái niệm tội tổ tông ở các tôn giáo
Tội nguyên tổ là tội không vâng lời Đức Chúa Trời được truyền lại từ A-đam và Ê-va cho tất cả các thế hệ tiếp theo. Học thuyết Tội nguyên tổ của Kitô giáo cho rằng con người thừa hưởng bản chất ô uế và khuynh hướng phạm tội thông qua sự kiện được sinh ra.
Theo giáo lý của Công giáo, hậu quả của tội tổ tông là con người sống trong tình trạng thiếu vắng tính thánh thiện và hoàn hảo, bản tính nhân loại bị suy yếu trong các sức lực tự nhiên của mình, u mê dốt nát, phải đau khổ, bị sự chết thống trị và hướng chiều về tội lỗi (sự hướng chiều này được gọi là “dục vọng”). Do đó, Giáo hội ban phép Rửa Tội để tha tội, kể cả cho trẻ em dù chúng chưa từng phạm tội riêng…
John Calvin, nhà thần học sáng lập ra phong trào Kháng cách (đạo Tin Lành sau này), đã định nghĩa tội nguyên tổ như sau: tội nguyên tổ dường như là sự sa đọa di truyền và sự hư hỏng của bản chất…
2.2. Các tôn giáo khác:
Ngoài Kitô giáo, các tôn giáo khác không có khái niệm về tội tổ tông hoặc họ cho rằng con người trong sạch khi mới ra đời (phi thiện, phi ác – theo quan điểm 3)
– Trong Phật giáo không có khái niệm về tội lỗi. Hiệp hội Giáo dục Phật pháp cũng tuyên bố rõ ràng “Ý tưởng về tội lỗi hay nguyên tội không có chỗ trong Phật giáo. “Thực tế thì không có ‘tội lỗi’ trong Phật giáo, như Tội lỗi được hiểu trong một số tôn giáo. “
– Khái niệm nguyên tội không phải là một phần của học thuyết Hồi giáo. Người Hồi giáo tin rằng con người sinh ra không có tội lỗi và có khuynh hướng muốn làm hài lòng Chúa. Hồi giáo dạy rằng con người có ý chí tự do, tội lỗi là một hành động chứ không phải là một trạng thái của bản thể.
– Học thuyết về tội nguyên tổ hoàn toàn không được Do Thái chấp nhận . Người Do Thái tin rằng con người bước vào thế giới không có tội lỗi, với một tâm hồn trong sáng, vô tội và không bị ô nhiễm. Con người phạm tội vì anh ta không phải là một sinh vật hoàn hảo, chứ không phải do di truyền hay bản chất.
* Ở thời đại hiện nay, quan điểm thần học về tội tổ tông ở Kitô giáo xem ra đối kháng với khoa học về lịch sử loài người – thuyết đa chủng và quan điểm về công bằng và tự do của con người, không chấp nhận kiểu giải thích “cam làm quýt chịu” của “tội tổ tông”.
3. Khoa học:
Có 3 nghiên cứu đáng lưu tâm:
3.1. Vùng độc ác (zone de la cruauté)?:
Khoa học cho biết trong não người có khu vực cảm xúc ở não trước được kích hoạt trong tình huống bi thương, hoàn cảnh tàn khốc hay cảm giác sung sướng. Có 1 vùng gọi là Vùng độc ác (zone de la cruauté) ở nhân acbens ở thùy trước của não là nơi tạo ra khoái cảm và được kích hoạt bởi thức ăn, rượu, ma túy hoặc tình dục. Sự kích thích trong những tình huống như thế có nguồn gốc sâu xa dẫn đến hành vi tàn ác.
3.2. Thí nghiệm của nhà thần kinh học Tania Singer (sinh 1969):
Tania Singer và các đồng nghiệp của cô tại Đại học Zurich thực hiện việc quan sát các ủng hộ viên bóng đá.
Trải nghiệm này cho thấy rằng người hâm mộ thông cảm và chia sẻ gánh lấy một phần đau đớn về thể xác với một người nào đó mặc màu áo của đội ủng hộ, nhưng lại thích nhìn ai đó ủng hộ đội đối diện phải chịu đựng. Đây là cơ sở của lý thuyết trong nhóm, theo đó con người thể hiện lòng vị tha đối với những người có cùng mối quan hệ đồng nhất với mình và sự thù địch đối với các thành viên của các nhóm bên ngoài. Sự tồn tại của các cấu trúc não dành riêng cho những thay đổi trong thái độ này cho thấy rằng con người có hai mặt liên quan đến chủ đề vị tha. Anh ta không tốt cũng không xấu, nhưng thể hiện xu hướng từ bi hoặc tàn nhẫn của mình tùy thuộc vào danh tính của nạn nhân.
3.3. Thí nghiệm của nhà tâm lý xã hội học Muzafer Sherif (1906 – 1988):
Muzafer Sherif là người đã giúp phát triển lý thuyết phán xét xã hội và lý thuyết xung đột thực tế.
Năm 1961, Sherif và Carolyn Wood Sherif (vợ ông) đã phát triển lý thuyết xung đột thực tế , được mô tả là “giải thích về sự xung đột giữa các nhóm, các định kiến tiêu cực là kết quả của sự cạnh tranh thực tế giữa các nhóm đối với việc tranh giành các nguồn lực mong muốn.”
Lý thuyết này một phần dựa trên thí nghiệm của Robber’s Cave năm 1954:
Trong thí nghiệm năm 1954, “22 cậu bé da trắng, lớp năm, 11 tuổi có thành tích học tập từ trung bình đến khá và trí thông minh trên trung bình được gửi đến một trại hè hẻo lánh đặc biệt ở Oklahoma, Robbers Cave State Park . Việc gửi họ đến một địa điểm xa như vậy đã được thực hiện để giảm ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài và cho phép nghiên cứu tốt hơn “bản chất thực sự của xung đột và thành kiến”.
Các nhà nghiên cứu, kiêm luôn vai trò cố vấn tại trại hè này, đã chia những trẻ tham gia thành 2 nhóm khác nhau và mỗi nhóm được bố trí các cabin khác xa nhóm kia.
– Trong giai đoạn đầu, các nhóm không biết sự tồn tại của những người khác. Khi đó các cậu bé đã phát triển sự gắn bó với các nhóm của mình trong suốt tuần đầu tiên của trại bằng cách thực hiện các hoạt động khác nhau cùng nhau: đi bộ đường dài, bơi lội, v.v. Các cậu bé chọn tên cho nhóm của mình, The Eagles và The Rattlers, và dán chúng lên áo sơ mi và cờ. Trong giai đoạn “thành lập nhóm” này, các thành viên của các nhóm đã hiểu nhau, các chuẩn mực xã hội được phát triển và sự lãnh đạo và cấu trúc xuất hiện.
– Giai đoạn 2, sau khi cho các nhóm tiếp xúc với nhau, xung đột nhóm hoặc “xích mích” bắt đầu.
Các nhà nghiên cứu đã thiết lập một cuộc thi kéo dài bốn ngày giữa các nhóm đó với những giải thưởng hứa hẹn cho những người chiến thắng.
Định kiến trở nên rõ ràng giữa 2 nhóm. Thành kiến ban đầu chỉ được thể hiện bằng lời nói, chẳng hạn như chế nhạo hoặc gọi tên, nhưng khi cuộc thi diễn ra, thành kiến bắt đầu được thể hiện trực tiếp hơn, chẳng hạn như một nhóm đốt cờ của nhóm kia hoặc lục soát cabin của họ. Các nhóm trở nên quá khích với nhau để kiểm soát; các nhà nghiên cứu đã phải tách chúng về mặt vật lý.
Sau đó, các nhà nghiên cứu cho tất cả các bé trai thời gian nghỉ ngơi trong hai ngày, và yêu cầu chúng liệt kê các đặc điểm của hai nhóm.
Các chàng trai có xu hướng đánh giá cao tính cách của nhóm mình trong khi đối với nhóm kia thì lại rất tiêu cực.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã cố gắng giảm bớt thành kiến giữa các nhóm và nhận thấy rằng chỉ cần tăng cường tiếp xúc với nhau đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Ngược lại, “Việc buộc các nhóm làm việc cùng nhau để đạt được các mục tiêu cao hơn, hoặc các mục tiêu chung, làm giảm bớt định kiến và căng thẳng giữa các nhóm”.
—o0o—
Thật khó mà có 1 thí nghiệm hoàn hảo, như đặt con người vào trong hoàn cảnh sống trên hoang đảo, để xác định họ có bản chất lương thiện hay tàn ác khi mà nơi này không có luật pháp ngự trị và bị đẩy vào hoàn cảnh phải cạnh tranh để sinh tồn.
Ta đã từng coi:
– Robinson Crusoe trên hoang đảo: Robinson sống 1 mình, sau đó gặp Friday, 2 người sống hòa thuận…
– Eo biển xanh: 2 đứa trẻ trai gái và 1 ông lão. Ông lão chết sớm. Hai đưa trẻ lớn lên và thương yêu nhau trở thành vợ chồng…
Tất cả coi nhưng ổn thỏa, nhưng với hoàn cảnh 3 người, 2 người đàn ông và 1 người phụ nữ, hay có cả 1 đám đông xa lạ và có lý lịch đáng ngờ sống với nhau trôi dạt ở 1 hoang đảo thì sự thể sẽ ra sao?
Hãy xem phim “Survival Island”[1] hay phim “Lost” (Mất tích)[2] thì sẽ rõ.
MS
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Survival_Island
[2] https://dantri.com.vn/van-hoa/chuyen-bay-mat-tich-tung-lam-nen-bo-phim-an-khach-moi-thoi-dai-1395016394.htm