Vẻ đẹp của thân xác và ý nghĩa của tính dục con người

61

Mục lục

I. VẺ ĐẸP: GIỮA NHỤC THỂ VÀ ÁNH SÁNG

II. XÁC THỊT ĐÁNG NGỜ

     1. Chiều sâu của xác thịt

     2. Tính dục: chuyện dễ dãi hay hệ trọng?

     3. Tính dục là chuyện hệ trọng

     4. Khoái lạc mê mẩn

     5. Ham muốn dục tình: một trò chơi?

     6. Cũng là nơi người ta thường bị lầm lẫn

III. THÂN XÁC MỘT TẶNG PHẨM TÌNH YÊU

     1. Thân xác con người có tính biểu tượng

     2. Thân xác có “ý nghĩa hợp hôn”

     3. Thân xác con người có tự do nhưng trong tình trạng yếu đuối vì sa ngã

     4. Nhưng thân xác con người đã được Đức Kitô cứu chuộc

WHĐ (28.04.2021) – Một thân xác xinh đẹp, kiều diễm hay lịch lãm thường hấp dẫn sự chú ý của mọi người. Nhưng cũng có người với vẻ ngoài “xấu xí” nhưng nét tươi duyên của họ cũng tạo ấn tượng thu hút. Thế nào là vẻ đẹp thực sự của một thân xác? Lại nữa sắc đẹp của phái nam và phái nữ với thân xác phân giới còn hấp dẫn bởi nó còn khơi dậy dục vọng nơi người ngắm nhìn. Đâu là vẻ đẹp thực sự của thân xác con người? Đâu là nguồn gốc và ý nghĩa của hấp dẫn giới tính vốn thường biểu lộ qua thân xác người nam và người nữ? Sau đây là một suy tư mang tính tâm lí học chiều sâu và triết lí về con người với vẻ đẹp thân xác, suy tư tiếp nối đi vào chiều sâu nhất thuộc lãnh vực thần học về thân xác. Những suy tư này chủ yếu được gợi lên bởi hai tác giả: Xavier Lacroix[1] và đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II[2].

I. VẺ ĐẸP: GIỮA NHỤC THỂ VÀ ÁNH SÁNG

Cái nhìn của ta về một người thường không dừng lại ở nơi thể xác của người ấy, mà dường như thể xác ấy biến đi chừa chỗ cho chính con người ấy đang ở trước mắt ta với những hành vi, dự phóng hay sáng kiến của người ấy. Thể xác người đó khi ấy chỉ được nhìn như một vật trung gian. Tha nhân bấy giờ là một người đối thoại, đối tác, cộng sự của tôi trước khi là một thân xác, một nhục thể. Thế nhưng cũng có lúc cái nhìn thực tế duy lợi ấy tạm thời biến đi, ta nhìn chiêm ngưỡng chính thân thể ấy, như cái nhìn dục vọng chẳng hạn. Nhưng dục vọng xác thịt không phải là tình cảnh duy nhất ở đó thân xác được bộc lộ như là nhục thể. Chẳng hạn khi ta cảm nhận được vẻ đẹp của thân xác ai đó lộ hiện ra trước mặt ta. Ham muốn khi ấy dù không vắng bóng nhưng không phải ở tâm điểm của tâm hồn ta. Đơn giản chỉ là ta khám phá một vẻ đẹp bề ngoài đầy chất chứa, lóe sáng đặc biệt không chỉ của một diện mạo nhưng là một sự hiện ra nào đó. Vẻ đẹp chiếu sáng rực rỡ, như một ánh sáng không chỉ nhận được từ sắc diện dáng vóc bên ngoài, nhưng phát xuất ra từ bên trong chính xác thân. Gợi lên một chiều kích khác, chiều sâu thẳm. Cái vô hình được trao ban qua cái hữu hình. Ánh sáng đưa về một vùng tối, vẻ rạng ngời của thịt da khơi dậy cái lộng lẫy của nhục thể dự báo một tăm tối, tựa như mặt hồ lấp lánh báo trước vùng nước sâu tối đen, không giấu che mà tỏ lộ.

Những mức độ khác nhau của cái đẹp

Sắc đẹp là vinh quang của thân xác. Thế nhưng, có nhiều cách thức, cách nhìn khác nhau khi thâu nhận vẻ đẹp ấy. Có nhiều cách thưởng thức vẻ đẹp một cơ thể hay dung nhan rất hời hợt. Và thật là một sự bất công trong cuộc sống đối với những người có một thân xác “xấu xí” chỉ vì với những cái nhìn hời hợt này người ta đã không đoái hoài đến hay bỏ quên họ. Cái nhìn xuất phát tự con tim hướng đến chính nhân vị trên hết là cái nhìn của tình yêu biết thâu nhận chính vẻ đẹp của mỗi thân xác, mỗi khuôn mặt con người. Như Jean Vanier (người hằng ngày sống với những người khuyết tật) nói : “yêu mến một ai đó là bày tỏ cho người ấy vẻ đẹp của họ”.

Theo Xavier Lacroix[3], người ta có thể phân biệt năm mức độ của cái đẹp tùy theo cái nhìn của ta từ bên ngoài hay có khả năng nhìn sâu vào bên trong nội tâm con người.

1) Vẻ đẹp hình thể. Do sự hài hòa về hình dáng và nội dung. Hình thức có dễ nhìn hay đáng yêu hay không tùy thuộc vào chuẩn mực của mỗi văn hóa, hoặc thời đại. Chẳng hạn, nơi này thích một cơ thể thon thả nơi khác lại chuộng vẻ tròn trịa hơn. Về khuôn mặt, có nơi chú ý đến đường nét sóng mũi hơn, cằm to hay nhỏ, gò má cao hay thấp, trán rộng hẹp… Có sự hài hòa, cân xứng, tinh tế hoặc mạnh mẽ, hoàn toàn làm mê say. Nhưng cái đẹp này cũng có mặt giới hạn, vì xét cho cùng, nó cũng không khác gì lắm với vẻ đẹp của một tác phẩm nghệ thuật

2) Vẻ đẹp duyên dáng. Đối với người nhìn thân xác khởi đi từ khuôn mặt, vẻ đẹp đó trước hết là một vẻ biểu lộ sự duyên dáng. Nhìn ngắm một khuôn mặt có nghĩa trước hết là ta đón nhận. Cái được đón nhận ở đây không chỉ là cái vẻ mặt bề ngoài ấy biểu lộ, nhưng là ‘điều nó muốn nói’. Ta nhớ rằng một sự vật không thể nói, chỉ một ‘chủ thể’ mới có thể nói. Khuôn mặt diễn đạt có nghĩa là tự nó nói điều gì. Một bộ mặt trơ đờ thì ít đẹp. Vẻ mặt tỏ lộ nét vui sống, thông minh, vui vẻ, nhạy cảm, vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ, vừa nhẹ nhàng vừa nghiêm trang, vừa ngây thơ vừa chín chắn… thì sống động và rạng rỡ. Ta thường dừng lại ngắm nhìn vẻ duyên dáng quyến rũ này, nó như là một “quà tặng” và đồng thời như là một phúc lành, ân huệ cho người mang đến lẫn người đón nhận vẻ đẹp này. Vẻ đẹp này bắt đầu có ý đi vào tương giao.

3) Vẻ đẹp rạng rỡ biểu lộ một sự hiện diện. Có những diện mạo không “đẹp” theo các tiêu chuẩn của cái đẹp hình thể hoặc tiêu chuẩn của vẻ đẹp duyên dáng khả ái, nhưng lại đẹp theo một chiều kích khác, sâu sắc hơn các tiêu chuẩn trên. Từ góc nhìn của người cảm nhận, cái nhìn của ta, không giới hạn vào hình thể hoặc nét hấp dẫn bên ngoài, có thể cảm thụ được một vẻ đẹp khác. Có thể nhìn bề ngoài trông thô kệch, sù sì, xác thân còm cõi già nua, ít biểu cảm, khó hiểu, gay gắt, nhưng điều đó không quan trọng. Vấn đề ở đây là ta đang đứng trước một biến cố: biểu lộ một sự hiện diện. Một ai đó, một chủ thể, nhân vị đang đứng trước mặt chúng ta. Người ấy nói với tôi, bằng lời hay bằng cách nào đó. “Em” và “Tôi”, chứ không còn là “kẻ ấy” hay “cái đó” xa lạ. Một hiện diện mầu nhiệm, vừa mờ vừa tỏ, vừa mãnh liệt vừa yếu ớt. Một số hình thức hiện diện diễn dịch chủ yếu mặt tối hay mặt yếu, một số khác chủ yếu mặt sáng hay sức mạnh. Bên kia những tổ hợp rất khác biệt này, luôn là một kinh nghiệm kì diệu và đầy cảm xúc về cuộc sống của một chủ thể.

4) Vẻ đẹp rực rỡ ẩn giấu. Có khi chính sự hiện diện có thể bị che khuất, khó nhận biết hoặc, ngược lại, một hiện diện xem vẻ bề ngoài đáng sợ. Có những dung nhan bị méo mó, bị đời đập vỡ dập vùi, từng trải qua những ‘hỏa ngục’, hèn hạ hoặc đơn giản chỉ bị đời hắt hủi, nói chung đó là những mảnh đời diện mạo không thuộc chuẩn thông thường của chúng ta. Họ không còn hình thù bình thường, bị khinh bỉ, gớm ghét, hoặc chỉ vì nghèo đói, vô dụng, phiền nhiễu. Đó là cái nhìn thường tình của xã hội theo tiêu chuẩn thông thường, trong đó những kẻ chỉ sống hời hợt thì nhìn người khác cũng chỉ thấy trên bề mặt như thế. Thế nhưng, có những khoảnh khắc linh hứng bởi một sự sống tâm linh nào đó, ta có thể nhận thấy ánh rạng ngời huy hoàng nơi những số phận khốn khổ kia. Một ánh huy hoàng còn ẩn khuất, như vinh quang của Thiên Chúa, có thông dự vào vinh quang ấy và xuất phát từ đấy. Vinh quang của một con người duy nhất, hoàn toàn độc đáo, theo hình ảnh Thiên Chúa là Đấng đã từng bị hành hình đến mức biến dạng và bị nhạo báng. Ánh rạng ngời này còn nhiệm mầu hơn cả vẻ đẹp rạng rỡ của sự hiện diện và ta không thể nhận ra nếu không được ơn mạc khải. Mạc khải vinh quang rạng ngời còn ẩn khuất trong mỗi con người, trong những con người khốn khổ hiển nhiên, và cả nơi những người chịu nỗi khốn cùng bên trong không lộ ra ngoài, ánh rạng ngời bị che giấu đi bởi diện mạo bị làm xấu xí và những chuẩn mực chung của xã hội.

5) Dung nhan biến hình. Xảy ra là khi vinh quang ấy tỏ hiện ra. Mỗi người chúng ta có lẽ chẳng có lần nào từng gặp những người mà khuôn mặt họ tỏ lộ một ánh sáng nội tâm, biến đổi và chiếu tỏa một sự sống phát xuất từ một nguồn gốc bí nhiệm? Sự sống ấy, về mặt đức tin, được nhìn nhận như là sự sống của Chúa Cha, của Đấng Phục sinh hay của Thần Khí. Môsê và Đức Giêsu đã có xuất hiện biến hình như thế trước mặt dân và trước các môn đệ. “Khi ông Aharon và toàn thể con cái con Israel thấy ông Môsê, thì này đây da mặt ông sáng chói, nên họ sợ không dám lại gần ông” (Xh 34,30). “Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2). Mỗi người Kitô hữu, mỗi người sống trong Thần Khí được mời gọi: “Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí” (2Cr 3,18). Ta phải nhìn nhận rằng sự biến hình này hiếm khi thuộc bình diện vật lí. Ánh sáng ấy có thể đơn giản mang lấy hình hài của niềm vui và bình an mà chúng ta có thể thấy chiếu rạng từ khuôn mặt của một vị đan sĩ cao niên, của một con người cầu nguyện, một con người hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa và cho tha nhân.

Các nghệ sĩ hiếm khi có thể diễn dịch tất cả các mức độ này của cái đẹp, nhất là những cấp độ sau cùng. Tuy nhiên, nhờ các tác phẩm tạo hình lớn nổi tiếng mà chúng ta có thể vẽ lại các giai đoạn khác nhau như thế, chúng vốn không loại trừ nhau và không buộc ta phải chọn lựa nhưng phải đón nhận khi chúng được trao ban cho ta. Mỗi vẻ đẹp có giá trị của chúng; vấn đề chỉ là, đối với ai dừng lại nửa chừng, nhớ rằng những vẻ đẹp mức độ đầu tiên thường che chắn các vẻ đẹp mức độ sau. Vâng, bởi lẽ vẻ đẹp biểu lộ ra cũng có thể trở thành tấm lá chắn che nét đẹp ẩn sâu bên trong. Cái hữu hình có thể dẫn về cái vô hình, nhưng cũng có thể che giấu cái vô hình. Cái cốt yếu thì vô hình trước mắt ta; người ta có thể thấy rõ chỉ bằng con tim.

II. XÁC THỊT ĐÁNG NGỜ

Vẻ đẹp của thân xác chỉ được chiêm ngắm vẫn còn một khoảng cách với tôi. Thân thể ấy chỉ được nhận thức ở vẻ bên ngoài của nó, cả khi nó ‘hiện ra’ với tôi. Nhưng có những lúc có thể tôi thấy mình không thể hờ hững trước vẻ đẹp ấy khi dục vọng trỗi dậy. Đó là lúc ta không chỉ bằng lòng với hình thức mà còn nhắm tới ‘nội dung’, muốn chạm tới xác thể ấy như là xác thể đầy nhục cảm. Giới tính khác biệt giữa người nhìn và kẻ được nhìn càng làm sâu sắc hơn cái cảm giác hai bên bị tách biệt và nỗi ham muốn vượt thắng khoảng cách. Xác thịt xuất hiện với mảng tối đục gây xốn xang cùng với chiều sâu ấn tượng của nó. Thân xác khi ấy là một nhục thể hơn là diện mạo, là chất thể hơn là hình thể. Nhưng nhục thể ấy không chỉ như là một miếng thịt, theo nghĩa khách quan của sinh học, nó còn diễn tả một kinh nghiệm chủ quan với cảm xúc. Thân xác hiện ra như một nhục thể luôn ở trong bối cảnh của sự ham muốn, xúc cảm, dịu dàng âu yếm hay đau khổ. Kinh nghiệm xác thịt đưa ta về với khả năng được vuốt ve, sờ chạm, nhạy cảm, dễ bị thương tổn. Tiếp nhận tha nhân như một xác thể hoặc kinh nghiệm chính mình như nhục thể có nghĩa là trải nghiệm sự thụ động của hiện sinh; nó đánh dấu tự do giới hạn của chúng ta, nhưng đồng thời cũng là cơ hội tốt hơn cho ta mở ra với tha nhân.

1. Chiều sâu của xác thịt

Dục vọng làm tan biến chủ thể suy tư và hành động. Chính khoảng cách giữa hai con người, sự cách biệt hai xác thân làm nên vấn đề. Khi dục tình (eros) xuất hiện, quan hệ đối mặt và chỉ bằng lời nói thôi không đủ. Nảy sinh khao khát tự nhiên vượt thắng được các thân xác đang đóng kín, xuyên thấu được xác thịt tha nhân. Dục vọng đồng thời cho thấy có khoảng cách giữa các thân xác và lời hứa hẹn chiến thắng được khoảng cách này, vượt qua được cái vẻ bên ngoài để xuyên qua biên giới của da dẻ mà nếm hưởng xác thịt tha nhân, đi vào trong đó, tan hòa trong đó, “tan biến trong khoái lạc”.

Nhưng điều này chỉ xảy ra giữa các thân xác phân giới (sexués) , nghĩa là chủ thể nhận thức cách sinh động tha nhân thuộc về giới tính kia, thuộc về một nửa kia của nhân loại khác với tôi, mãi mãi khác với tôi, nhưng tôi cảm nhận ở đó có rất nhiều điều phong phú cần được khám phá. Tha nhân khác giới tính kia không là tôi mà tôi lại khao khát chiếm hữu, cho dù chỉ một khoảnh khắc trong khi rung động hòa điệu theo hợp âm với người và cảm thấy dù chỉ tạm thời vượt thắng được quãng cách biệt. Trong đời thường tôi biết người ấy là khác phái, tôi nhận biết điều ấy bằng lí trí và tôi nhận thấy các nét nữ (hay nam) tính của người ấy nhưng cảm nhận ấy không nằm ở bình diện ý thức rõ rệt, không cuốn hút hay ít là không gây xáo trộn. Còn trong kinh nghiệm dục vọng, tính cách khác biệt mà tôi tìm kiếm kia không chỉ là cái tôi tìm biết theo nghĩa tri thức mà còn là cái tôi muốn biết bằng trải nghiệm. Trải nghiệm sự khác biệt và khát khao được kết hợp liên kết với nhau và làm tăng trưởng lẫn nhau. Càng kinh nghiệm chúng mình là hai ta càng khát khao nên một, và ngược lại. “Ta với mình tuy một mà hai, mình với ta tuy hai mà một”.

Dưới cái nhìn của ham muốn dục tình, xác thịt dường như vừa gần gũi vừa xa lạ, vừa như nắm giữ được vừa như vuột thoát tầm tay, vừa là một nhân vị sinh động vừa như vô ngã. Vừa như là vật chất vừa như có một sự sống siêu việt, xác thịt nằm ở ranh giới giữa qui chế của sự vật và của chủ thể. Xác thịt ấm áp, ngọt ngào, tươi mát, đầy đặn, là những tính chất cảm quan thuộc vật thể; nhưng xác thịt cũng biết rung động, rộn ràng, hồi hộp, thở hơi thở của một sự sống đến từ một vùng xa xăm mầu nhiệm nào đó… Nơi xác thịt, con người của tha nhân như vừa trao hiến vừa lẩn tránh. Tôi linh cảm thấy như có một Vô biên trong cái hữu hạn.

Liên kết với kinh nghiệm dục vọng mà không hòa lẫn trong đó, kinh nghiệm về sự dịu dàng cũng được trải qua xác thể. Con người của tha nhân khi ấy không còn được cảm nhận chỉ qua các phẩm chất mạnh mẽ của con người (trí tuệ, sức khỏe, vị thế xã hội), mà còn qua một thuộc tính rất thường bị quên lãng, bị coi nhẹ, đó là: sự yếu kém. Dịu dàng như là một sự nhượng bộ, một phá vỡ sự cứng cỏi hay tương quan sức mạnh ít nhiều thuộc các mối quan hệ xã hội. Một con tim chai đá trở thành con tim bằng thịt biết cảm thương. Tha nhân khi trở thành người thân yêu thì đồng thời trở nên xác thịt, cũng như khi trở thành xác thịt thì trở thành người thân yêu. Ân cần dịu dàng qua xác thịt là cùng nhìn nhận yếu kém của hai bên, đi vào sự hòa hợp của hai kẻ yếu đuối.

Đau khổ và lạc thú là hai cách kinh nghiệm sắc nét nhất về thân xác của tôi như là xác thịt. Trong đau đớn thân xác của chúng ta cứ hiện trờ trờ ra đó trước mặt, ta không thể xua đuổi nỗi đau ấy đi được, không khống chế nó được. Nỗi đau đớn cứ ôm siết lấy ta, buộc ta cứ phải chú ý đến chỗ đau hay toàn thân nhức nhối, như muốn nổi loạn. Đau đớn vừa là một sự thu hút hết ý thức vào thân xác vừa là một lỗ thủng của tự mãn trong chủ thể bị tước mất chủ quyền. So với đau đớn, khoái lạc là kinh nghiệm mất tự chủ, bị tước mất chủ quyền trên ý chí mình với một khác biệt là không còn sự co cụm hay tấn công nữa, nhưng là một thư giãn, buông thả, một xâm nhập hồng phúc. Trong đời sống thường nhật thân xác vốn như một dụng cụ trì trệ hay thoát tục, trong đau khổ hay lạc thú nó lại như bừng dậy, rúng động và sống một cuộc sống mãnh liệt hơn, hết sức nhạy cảm với chính mình, sôi sục và nâng lên cao. Thế nhưng, khác với đau khổ vốn có thể kéo dài dai dẳng, khoái lạc cốt yếu chỉ phù du, là một trong những khoảnh khắc người ta trải nghiệm một cách kịch liệt thời gian như vụt trốn mất.

2. Tính dục: chuyện dễ dãi hay hệ trọng?

Nhìn chung, cảm xúc mãnh liệt đi kèm theo sự tỏ lộ của xác thịt không để ta dửng dưng. Hai thân xác, từ ban đầu còn xa lạ, rồi quen nhau và tiến đến mỗi ngày một gần gũi và thân mật nhau hơn, không hề là chuyện vô nghĩa. Nơi mỗi người ít nhất trong thâm tâm có một mong đợi kín đáo là làm sao để tính dục được tôn trọng. Thế nhưng, bầu khí văn hóa ngày nay đã và đang không ủng hộ điều đó. Con người ngày nay còn bâng khuâng do dự trước giá trị đạo đức thật sự của tính dục: những hành vi xác thịt cần được người ta xem nghiêm túc tới mức nào?

Các nền văn minh truyền thống có ba lí do để xem chuyện quan hệ tính dục là hết sức nghiêm túc. Trước hết, tính dục được nhìn trong (1) viễn tượng sinh sản. Sinh con là lí do làm cho hành vi giao hợp, vốn có xác suất cao dẫn đến điều ấy cách tự nhiên, phải được xem là hành vi thực hành cách hợp pháp. (2) Gắn liền với định chế. Hầu hết các nền văn minh trong lịch sử đều gắn tính dục hợp pháp với hôn nhân. Ngoài những hệ lụy về sinh sản, người ta cần giữ gìn bầu khí hòa bình, tránh bạo lực. Vì trong thực tế tính dục luôn đi liền với sự kình địch, ghen tuông, những thứ gây rối loạn xã hội. (3) Tính thiêng thánh của tính dục được cảm nhận qua sự phóng tiết sinh lí tự thâm sâu trong giao cấu và được người xưa cảm nhận như một hành vi vượt ranh giới giữa trong và ngoài, giữa sống và chết. Ngoài ra, người ta còn cảm giác bị khống chế bởi những sức mạnh mầu nhiệm và đáng sợ. Nhiều người còn cảm nhận qua khoái lạc như bước vào một đời sống thật, thuộc cảnh vực thần linh. Cảm thức đó như được xâm nhập vào tận nguồn của sự sống, tự thân vốn thánh thiêng, qua sự sinh sôi nảy nở.

Thế nhưng, ngày nay với kĩ thuật điều hòa sinh sản người ta loại bỏ lí do thứ nhất, với chủ nghĩa tự do người ta loại trừ lí do thứ hai, và với não trạng thế tục người ta xua trừ lí do thứ ba! Tính dục vui vẻ, tự do biểu lộ, thoát khỏi mọi ràng buộc, sợ hãi, càng có cơ hội bành trướng mau chóng. Một lối sống mới xuất hiện xem tính dục là vô hại, vui vẻ, trong sáng và nhẹ nhàng, không mặc cảm tội lỗi, không có nguy cơ gì, được giải phóng. Đó là quan niệm phổ biến của văn hóa ngày nay, của truyền thông đại chúng, sách báo, phim ảnh, kể cả của một số nhà văn thành đạt.

Dẫu thế, ngày nay người ta vẫn còn e dè chuyện tự do thực hành tình dục vì nguy cơ của các căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, nhất là HIV/AIDS. Thế nhưng, phát minh chiếc “bao cao su” để phòng giữ (preservative) là một phương thế “an toàn”, quả là một vật biểu trưng của não trạng văn hóa đó. Phòng giữ người ta khỏi cái gì? Đề phòng ai? Thực ra cũng một hành động đó, người ta tự phòng vệ mình vừa không để mình bị lây bệnh truyền nhiễm, cái chết, vừa không bị “đứa con” khả dĩ ngoài ý muốn  làm rắc rối! và nói cho sâu xa, như thế là phòng giữ mình khỏi đấng mình không biết trong tha nhân.

Tình dục, dù dễ dãi hay dè dặt, cũng đã bị đe dọa trở nên vô nghĩa. Cái gì càng dễ dãi càng bị giảm giá, có nguy cơ đánh mất giá trị. Những hành vi tính dục có giá trị và ý nghĩa chỉ khi đó là hoa trái của cả một quá trình vượt qua khoảng cách, chiến thắng các trở ngại, nếu mỗi người bạn tình ý thức có cái gì đó hệ trọng đang xảy ra. Nếu không, tình dục sẽ vẫn chỉ là chuyện vui đùa, phù phiếm, các hành vi tình dục vốn là để diễn tả điều thân mật nhất sẽ mất đi hương vị của chúng. Chính tình dục cũng cần có những cản trở. Trong thế giới hôm nay khi mà gặp gỡ có vẻ trở nên quá dễ dãi, thì chính ham muốn dục tình có nguy cơ bị cùn nhụt, lỗ mãng, u ám.

3. Tính dục là chuyện hệ trọng

Người ta có thể nhận ra những điểm sau đây cho thấy tính dục là hệ trọng:

1) Cảm xúc. Những hành vi gần gũi thể lí luôn có thể tạo ra cảm xúc, bao gồm những hành vi thân mật rõ ràng giữa hai người vốn ban đầu còn xa lạ, chúng thuần hóa họ dần dần vượt thắng sự xa cách. Người này cho phép người kia xâm nhập vào không gian riêng tư của mình[4]. Những hành vi ân ái, kết hợp tình dục phá vỡ vỏ bọc bảo vệ cõi thâm cung riêng tư của chủ thể. Đó quả là một cuộc phiêu lưu mà ý nghĩa của nó không được báo trước, trong đó mỗi người có rủi ro vì đã phơi mình ra trần trụi trước người khác, trước “chàng” (hay “nàng”) trở nên dễ bị xâm hại thương tổn, phô bày những yếu kém của mình. Kết hợp thể xác là đi vào thâm giao riêng tư (confidence), để rồi thâm giao lại mời gọi tin tưởng (trust) và khi lòng tin mà bị phản bội sẽ gây ra những tổn thương nặng nề.

2) Sự e thẹn. Thể hiện ham muốn tình dục ra bằng hành vi là đã vượt hàng rào e thẹn. Nếu sự vượt qua này gặp sự đồng thuận của đối tác thì đó là một bước tiến tới sự hiệp thông. Bằng không thì đây lại là một xâm phạm cưỡng bức. Sự e thẹn hay xấu hổ này là một cảm thức chung của mọi người (dù có thể được biểu lộ cách khác nhau tùy theo văn hóa) diễn tả một nỗi e ngại người ta chạm tới sự thật thâm sâu của con người mình, sợ mình bị đối xử chỉ như một sự vật, bị xem thường hay khinh miệt, không như một nhân vị. Như thế, cảm giác e thẹn vừa chối từ vừa mong đợi, mong đợi được tôn trọng và yêu thương như một con người.

3) Những vang vọng từ trong vô thức. Giao hợp không phải là một hành vi giống như các hành vi khác. Nó có một qui chế duy nhất trong số các hành vi nhân linh và trong kí ức sâu thẳm của mỗi người. Đó là một hành vi giống như hành vi từ đó chính tôi được sinh ra: hành vi gieo giống từ đó sự sống được thoát ra. Tôi có vai trò giống như vai trò của cha (mẹ) tôi một ngày nọ khi … Trong tương quan với đấng sinh thành, một khi đã nội tâm hóa lệnh cấm loạn luân, tôi buộc phải tách biệt khỏi người. Từ đó, tự trong sâu thẳm tôi bị trả về với căn cước giới tính của tôi, với phận làm con của tôi và tôi được ghép vào dây chuyền tiếp nối các thế hệ, quá khứ (làm con) cũng như tương lai (làm đấng sinh thành). Cả về phương diện này, cõi riêng tư thâm cung nhất của tôi cũng bị “xáo trộn”.

4) Giá trị yêu. Trong nền văn hóa của chúng ta tính dục cách chung gắn chặt với tình yêu hoặc, ít là gắn với cảm xúc yêu đương. Hơn nữa, không phải người ta hiện nay thường diễn tả việc kết hợp tính dục là “làm tình” đó sao? Yêu là cả một chương trình sống. Thế nhưng, thật đáng tiếc ngày nay từ ngữ này đã bị “chân không hóa” thành trống rỗng và trở nên rất mập mờ gây lẫn lộn. Thật ra, làm tình nghĩa là thực hành tình yêu, là điều gì hơn nữa chứ không chỉ là “cặp đôi” hai con người. Trong ý tưởng yêu có ý một chuyển động hướng đến tha nhân, toàn thể con người của ta hướng tới sự hợp giao, ngầm hứa hẹn một dấn thân bền vững hay đến muôn đời. Yêu không chỉ là “vui thú”, nhưng là một biến cố có tầm vóc đến mức nó đi liền với việc “thể hiện” (làm) đôi khi khiến ta ngần ngại khó nói.

4. Khoái lạc mê mẩn

Theo X. Lacroix, «Khoái lạc nhục dục không chỉ là một cảm giác cực mạnh hay các giác quan bị kích thích, mà còn là một kinh nghiệm chủ quan xâm nhập toàn thể chủ thể đến tận “linh hồn”, tận tâm can. Kinh nghiệm mê mẩn như cảm giác đất sụp, ý thức bị áp đảo, đồng thời kinh nghiệm ý thức (tâm) hòa nhập vào thân xác (thân) hay nhập thể, ý thức len lỏi vào trong mọi chi thể của xác thân, kinh nghiệm bản ngã (cái tôi) chìm ngập trong thân xác, giao hòa với cuộc sống, hòa hợp với những cái nhạy cảm. Thế nhưng, khoái lạc nhục dục còn mở ta ra với tha nhân, với thân xác của tha nhân. Nó như một tiếng kêu thét tràn trào dòng sống, đến cực điểm. Có người còn so sánh nó như một sự xuất thần, hay nó giả lập xuất thần theo nghĩa ta như được nâng tới mức giới hạn của bản thân. Một trạng thái kì lạ vừa chủ động vừa thụ động. Hưởng thụ còn là một kinh nghiệm phó thác, buông thả. Người biết phó mặc cho tha nhân mới có thể sống quan hệ tình dục hạnh phúc. Phó thác cho thân xác, cho những hành động, cho ham muốn của tha nhân. Khi phó thác, tôi vừa đón nhận vừa cho đi. Nếu nó được sống cách chân thành hành động đó tương ứng với một thái độ nội tâm sâu xa vốn cũng có một giá trị tinh thần. Ngược lại, không có khả năng phó thác hay buông thả mình cho khoái lạc có thể là dấu chỉ không có khả năng đi sâu vào quan hệ: bị bao vây, cứng đờ, khép kín. Buông thả cũng là không kiểm soát mình nữa. Hưởng thụ khoái lạc tình dục cần biết chối bỏ làm chủ chính mình như chối bỏ kiểm soát thế giới. Có ngôn ngữ diễn tả cực đỉnh khoái lạc như một cái chết nhỏ. Tương tự, sách Diễm ca diễn tả:

«Này em gái của anh, người yêu anh sắp cưới,
trái tim anh, em đã chiếm mất rồi !
Mắt em, chỉ một liếc nhìn thôi,
cổ em, chỉ một vòng kiềng trang điểm,
đã đủ chiếm trọn vẹn trái tim anh.» (Dc 4,9).

5. Ham muốn dục tình: một trò chơi?

Một thời gian dài các nhà luân lí đã nhìn dục vọng với một ánh mắt không tốt đẹp. Đối với họ, nó như là một trệch hướng với nhiều nguy hiểm và thường ẩn giấu hay bị kiềm nén, so với chính đạo của một cuộc sống nghiêm túc. Ngày nay các nhà tâm lí học và nhân học triết lí khám phá lại vai trò tích cực của ham muốn như là một trò chơi, vốn là một cách thế khẳng định cuộc sống, trải mở ra những năng lực tiềm ẩn của ham muốn, như những tiềm năng của sự tự do của con người. Chính trong khi chơi mà ta học được thực tế, ta quen với thực tại. Trò chơi giúp cởi mở ta ra với một cảnh vực trung gian giữa thực tại và giả định, giữa cái bên trong và cái bên ngoài, giữa cái tôi và cái không-phải-là-tôi. Như thế, gặp gỡ trong tình dục có thể được hiểu như là hai thân xác nhân vị từ chỗ xa lạ dần thuần hóa (quen) nhau trở nên gần gũi nhau, cùng giúp nhau vượt qua nỗi xa lạ. Trò chơi giữ khoảng cách, nỗi e thẹn, trò chơi giữa các giới hạn và khát khao, ở biên giới giữa đoan trang và khiếm nhã, giữa kính trọng và đùa cợt.

Nếu dục tình là đặc thù của con người, đó còn là vì một trò chơi, xét như là một trò chơi, tự thân mang dấu ấn của tinh thần. Chơi giúp ta thoát khỏi vũng lầy của thực tại lạnh lùng nghiêm trọng (loài vật không biết cười đùa). Chơi tách chúng ta ra khỏi cái nặng nề đôi khi của hoàn cảnh thực, tách ta khỏi các giá trị thực dụng của việc làm, chỉ vì thích vì thú mà ta làm, trở nên trẻ con, biết sống thực sự. Hơn nữa chơi còn giúp ta vượt thắng bạo lực, vốn là một xu hướng tiềm ẩn có ít nhiều trong mỗi người chúng ta, cho phép nó lộ ra trên sân chơi và thuần hóa nó, và có thể giải trừ nó. Cứ thử hình dung một người không biết chơi, biết đùa là gì, có lẽ người ấy thiếu cái gì đó, thái độ sống nào đó: thoải mái tự do, thư thái trước thực tại cuộc sống, và cả tính khiêm hạ nữa. Tóm lại, nghiêm trang quá làm cho con người ra nặng nề, ngột ngạt. Thế nhưng, nếu cả cuộc sống chỉ biết chơi, đùa, không có lúc có chỗ nào cho sự nghiêm túc, thì sẽ ra sao? Chúng ta sẽ như thế nào nếu như các hành vi trong nơi thâm sâu kín đáo nhất của thân xác, liên hệ tới cuộc sống rất riêng tư, bị xem thường và coi chẳng có giá trị chân thật gì? Ta có thể sống mà không chân thực với mình được chăng? Khi ấy, già nua, bệnh hoạn, chết chóc đến rất gần ta…

6. Cũng là nơi người ta thường bị lầm lẫn

Khoái lạc dục tình có thể mang đến hạnh phúc và sự hài hòa nhưng cũng chính nơi thân mật thâm sâu này con người dễ bị lầm lẫn nhất. Trong hành vi kết hợp hoan lạc người ta có thực sự thông giao với nhau không. Có người mỉa mai nói về hoan lạc thể xác: “nên một xương một thịt ư? Vâng, nhưng mỗi người ở trong phần thịt da riêng của mình”. Bởi có người tìm đến khoái lạc nhục dục để lẩn trốn sự chán chường hay cô đơn, để lấp khoảng trống trải. Trong dịp “gặp gỡ” ấy người đàn ông và người đàn bà không chắc đi tìm cùng một sự thể. Có thể người thì tìm kiếm vui thú, kẻ kia tìm sự âu yếm dịu dàng. Vui thú của người nam khác người nữ. Khoái lạc cực độ có thể làm cho người ta hiểu lầm, hai người dại khờ tưởng mình hòa hợp, trong khi thực ra giữa họ là một vực sâu không có thông giao không thể vượt qua. Cho nên, trong tình yêu thường có bức tường ngăn cách.[5]

Hơn nữa, nếu tìm khoái lạc dục tình chỉ vì lạc thú, người bạn tình kia có thể bị biến thành một thứ dụng cụ, đồ chơi, nó càng trở nên mơ hồ, dẫn đến thất vọng. Khoái cảm không là cứu cánh, cũng không phải là phương tiện, mà là một dấu chỉ, một quà tặng. Dấu chỉ của một thiện hảo, quà tặng được trao ban trên nẻo đường tìm kiếm thiện hảo này, đó là: người ta được nhìn nhận, gặp gỡ, sự vén tỏ mầu nhiệm tha nhân cho tôi, và tôi cho tha nhân.

III. THÂN XÁC MỘT TẶNG PHẨM TÌNH YÊU

Cái nhìn về vẻ đẹp của thân xác biểu lộ một chiều sâu vô cùng diệu vợi hơn nhiều. Đức Gioan-Phaolô II, được mệnh danh là nhà cách mạng tính dục làm đảo lại cuộc “cách mạng tình dục” thế kỉ vừa qua, đổi hướng qui thân xác con người về Nguồn cội và Cùng đích của nó. Ngài nói: “Thân xác và chỉ có thân xác, mới có khả năng làm cho những gì là vô hình, thiêng liêng và thần linh trở thành hữu hình. Thân xác được tạo dựng để chuyển giao vào thực tại hữu hình của thế giới, mầu nhiệm vô hình được ẩn giấu tự muôn thuở nơi Thiên Chúa, và như thế nó là một dấu chỉ của mầu nhiệm ấy”[6].

Thiên Chúa đã muốn làm cho Mầu nhiệm của Ngài trở nên thấy được đối với chúng ta, nên Ngài đã ghi dấu nó vào trong thân xác chúng ta bằng cách tạo dựng chúng ta có nam có nữ theo hình ảnh của Ngài (St 1,27). Nhiệm vụ của hình ảnh này là phản chiếu Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là “sự hiệp thông của các Ngôi vị thần linh khôn dò”[7]. Bởi thế, Đức Giáo hoàng mới kết luận rằng «con người trở thành “hình ảnh và họa ảnh” của Thiên Chúa không chỉ bởi nhân tính của mình nhưng còn nhờ sự hiệp thông các ngôi vị giữa người nam và người nữ ngay từ thuở ban đầu». Và ngài còn nói thêm: «Ngay từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã tuôn đổ phúc lành của phong nhiêu liên hệ tới sự sinh sản trên tất cả những điều đó (x. St 1,28)»[8].

Từ các chương đầu của sách Sáng thế và suy tư thần học về thân xác của đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II cho thấy:

1. Thân xác con người có tính biểu tượng

Từ kinh nghiệm đơn độc nguyên thủy, con người nhận thấy mình vừa là thành phần của thế giới tạo thành này vừa vượt lên trên thế giới. Như muôn loài, con người có một thân xác, con người là “xác đất vật hèn”. Nhưng thân xác con người còn có cái gì đó trong ta còn hơn thân xác vật hèn này. Chúng ta có khả năng tư duy khác các loài vật. Chúng ta có thể hướng về Thiên Chúa và thông giao với Ngài, còn các loài vật thì không thể. Chúng ta có thể nhận biết và yêu thương, đi vào quan hệ thân tình với Thiên Chúa. Hơn nữa, con người có thể thiết lập quan hệ thân mật với nhau. Như thế, chúng ta là một hữu thể hợp nhất, kết hợp cái hữu hình và cái vô hình. Chính bởi đó chúng ta đã lãnh nhận sứ mạng đặc biệt đặt tên cho các loài. Hai mặt này, hữu hình và vô hình, không tách biệt nhau nơi chúng ta. Có thể nói, chúng được “ráp lại với nhau” nơi chúng ta. Đó là ý nghĩa của chữ «biểu tượng» (symbol) trong nguyên gốc tiếng Hi lạp. Hai chiều kích thấy được và không thấy được này tồn tại và tạo nên một nhân vị. Như vậy, khi nói thân xác con người có tính chất biểu tượng, là ta muốn nói thân xác ấy còn là gì hơn nữa, không chỉ là vật chất thấp hèn. Thân xác con người là vật mang hay người vác cái vô hình. Đó chính là vai trò của một biểu tượng, nghĩa là: làm cho cái vô hình hiện diện, trở nên hữu hình. Biểu tượng là một thực tại hữu hình, nhưng nó hướng ngay sự chú ý của ta đến một sự vô hình nhưng rất thực. Biểu tượng kết hợp thế giới hữu hình và thế giới vô hình lại thành một thực thể duy nhất. Như thế biểu tượng thì hoàn toàn tự nhiên chứ không nhân tạo.

Nói thân xác con người có tính biểu tượng tức là nói nó có đặc tính đưa trả về thế giới bên kia thân xác. Thân xác thì hữu hình và khía cạnh thể lí và vật chất của nó có một ý nghĩa và một nội dung chắc chắn nào đó. Thân xác vật lí hữu hình của con người hướng đến bờ bến thiêng liêng và vô hình bên kia của nhân vị. Khi ta nghĩ đến một người bạn, ta không chỉ nghĩ đến thân xác người bạn ấy, mà nghĩ đến chính người ấy, đến cá tính người ấy, đến khả năng trí tuệ tinh thần của người ấy, …. Nói cách khác, ta nghĩ đến thực tại thiêng liêng và vô hình của người ấy. Linh hồn là chiều kích sâu xa nhất của con người, là cái nguyên lí thiêng liêng của con người. Nó là cội nguồn của sự thống nhất hữu thể nơi ta. Nói thân xác con người có tính biểu tượng, có nghĩa là nói có một nguyên lí sự sống trong ngã vị của ta không thấy được. Chúng ta khác các con vật ở chỗ đó. Chúng ta sống trong thế giới biểu tượng, còn con vật chỉ sống trong thế giới thực chứ không sống trong thế giới biểu tượng. Con vật có xác nhưng chúng không một có linh hồn thiêng liêng như ta. Con người vừa hữu hình vừa vô hình, và chúng ta kết hợp hai chiều kích này trong cách ta tư duy, trong hành động và trong lời nói của ta, nói tắt là, trong toàn thể đời sống của ta. Con người là một «ngã-vị-với-xác-thân» (body-person). Thân xác thì ở trong thời gian và không gian, linh hồn thì ở trong vĩnh cửu. Chúng ta sống trong cả hai thế giới này. Đó là nét đặc thù của riêng chúng ta xét như là con người.

Hằng ngày chúng ta sống trong thế giới biểu tượng nhưng ít khi ý thức và suy nghĩ về điều đó. Chẳng hạn, hằng ngày ta nhờ đến xúc giác để hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản thường nhật. Không có xúc giác ta không thể lái xe được. Nhưng cũng nhờ nó chúng ta mới có thể trao đổi tình cảm yêu thương. Những người yêu âu yếm nhau, người mẹ vuốt ve nựng con thơ đều nhờ xúc giác. Sờ chạm vuốt ve của xúc giác biểu thị tình yêu: khi một người xúc chạm một ai khác truyền cảm xúc của tình yêu, thì xảy ra một cái gì đó vô hình nhưng rất thực. Tình cảm được chuyển tải qua xúc giác. Nhờ thính giác, tai ta nghe những thanh âm ý nghĩa bởi trong thâm tâm ta quan tâm và chú ý những gì “người kia” muốn nói với ta. Đó cũng là một biểu tượng của tình yêu. Tính biểu tượng của cõi nhân gian lộ rõ hơn nữa bởi mặt kia của sự cô đơn nguyên thủy. Ađam không thấy có ai trong vô số loài trong tạo thành của Chúa mà thân xác giống như của mình. Ông không thể tạo lập được giao tiếp xã hội với chúng, mà chỉ có Eva. Cái khác biệt này là một cách khác nữa cho Ađam kinh nghiệm bản tính biểu tượng của xác thân con người. Thân xác các loài vật cũng là thân xác, nhưng chúng không thể là biểu tượng như thân xác của con người vốn làm hiện diện toàn thể ngã vị, cả phần hữu hình lẫn vô hình.

2. Thân xác có “ý nghĩa hợp hôn”

Ngay khi Ađam nhìn thấy Eva, ông hiểu có cái gì khác biệt ở đây. Một thân xác con người khác đang có đó sẵn sàng thiết lập cùng ông một mối quan hệ thân mật. Nàng là một bổ túc cho ông. Điều đó có nghĩa là họ có thể trở nên «một».

Thân xác đàn ông và thân xác đàn bà khác biệt nhau. Đàn ông thì cường tráng, có sức vóc mạnh mẽ hơn. Cơ thể phụ nữ thì mỏng manh, mềm yếu hơn. Họ cũng khác biệt về tính dục. Cơ quan sinh dục của đàn ông thì ở ngoài, trong khi của phụ nữ thì ở trong. Chúng được tạo dựng để dành cho nhau. Đàn ông đi vào trong cơ thể của đàn bà, đàn bà thì tiếp nhận ông. Họ nên «một xương một thịt». Khi nói thân xác con người có tính hợp hôn, đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô muốn nói rằng chúng được tạo dựng nên cho tình yêu, để sống tương giao. Đó là một hệ luận của bản tính biểu tượng của thân xác con người. Đàn ông và đàn bà hấp dẫn lẫn nhau. Có hấp dẫn thể xác bên ngoài mà cũng có hấp dẫn tinh thần từ bên trong. Họ kết hôn và hợp hoan nên một. Hành động ấy vừa thuộc thể xác vừa thuộc tinh thần, bởi thân xác con người có tính biểu tượng. Như vậy, khi vợ chồng giao hoan, họ làm thế trong tư thế của thụ tạo mang tính biểu tượng. Họ âu yếm trên da thịt, trao đổi với nhau những lời yêu thương, bằng cách ấy họ thông truyền tình yêu  cho nhau. Như thế, giao hoan là một hành động vừa tuyệt diệu vừa mầu nhiệm. Vì xác thân con người có tính biểu tượng và hôn phối, cho nên khi một người đàn ông và một người đàn bà diễn tả tình yêu của họ trong quan hệ tình dục, đó là họ thông giao, tức là trao đổi với nhau. Nói cách khác, thân xác con người có một ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ của tính dục. Như đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô nói, tính dục là một dạng ngôn ngữ hoàn toàn độc đáo. Tính dục là ngôn ngữ của thân xác.

Trong tình trạng trần truồng của mình, người đàn ông và người phụ nữ đầu tiên đã khám phá ra điều mà Đức Giáo hoàng gọi là «ý nghĩa hợp hôn của thân xác». Tình yêu hôn nhân là tình yêu hiến thân trọn vẹn.  Bởi thế, ý nghĩa hợp hôn của thân xác là «khả năng diễn tả tình yêu: một tình yêu trong đó con người trở thành tặng phẩm ngôi vị và – nhờ tặng phẩm này – con người thực hiện chính ý nghĩa của hữu thể và hiện hữu của mình»[9]. Sự khác biệt giới tính tỏ lộ một kế hoạch không thể lầm lẫn của Thiên Chúa trong đó thân xác của người nam và người nữ có ý nghĩa là tặng phẩm dành cho nhau. Nhưng không chỉ có thế, việc họ dâng hiến cho nhau, theo tiến trình bình thường tự nhiên, sẽ dẫn đến một “kẻ thứ ba”. Như đức Gioan Phaolô II đã diễn tả, hành động «biết» dẫn đến sinh sản: «Ađam biết vợ mình và sau đó bà đã mang thai» (St 4,1). Việc làm cha và làm mẹ là chóp đỉnh và đồng thời mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm của tính dục. Chỉ thị đầu tiên của Thiên Chúa trong Sáng thế là «Hãy sinh sôi nảy nở» (St 1,28). Đó không chỉ là một mệnh lệnh truyền sinh, nhưng còn là tiếng gọi hãy yêu thương theo hình ảnh của Thiên Chúa và như thế «làm cho chính ý nghĩa của hữu thể và hiện hữu của chúng ta nên trọn vẹn».

3. Thân xác con người có tự do nhưng trong tình trạng yếu đuối vì sa ngã

Trước khi phạm tội, thân xác con người hay nhân vị vốn tự do, nghĩa là không bị nô lệ cho tội lỗi cùng những dục vọng của nó. Tự do ấy của thân xác là sự tự do của tặng phẩm dành trao hiến cho nhau, như đã nói trên đây, và là nền tảng cần thiết để yêu thương như Thiên Chúa yêu thương. Không có tự do, người nam và người nữ không thể trao ban cũng không thể đón nhận tình yêu.

Thế nhưng, thân xác của con người đã bị tội lỗi làm ảnh hưởng. Thân xác không là nguyên nhân của tội. Nhưng vì chúng ta là hữu thể thống nhất của hồn và xác, và tội lỗi xuất phát từ sự lạm dụng tự do vốn thuộc lãnh vực tâm linh, nên thân xác bị ảnh hưởng.

Hậu quả đầu tiên của tội nguyên tổ là cái chết. Thiên Chúa không dựng nên chúng ta để chết. Sự chết không có ý nghĩa gì cả. Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Ngài muốn chúng ta được sống, và sống viên mãn. Như sách Khôn Ngoan đã viết: «Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu» (Kn 1,13-14). Một hậu quả khác của tội nguyên tổ là dục tình dâm loạn. Một người đàn ông có thể đem lòng thèm muốn một người đàn bà. Người ấy có thể chỉ xem người đàn bà như một món đồ chơi để thỏa khoái lạc dục vọng trong chốc lát, rồi bỏ. Có thể người ấy nhìn một người phụ nữ chỉ ở vẻ đẹp thể chất với ánh mắt nhục cảm, mà không chạm tới ngã vị vốn vô hình của một chủ thể. Nói cách khác, tội lỗi ngăn trở chúng ta hiểu thân xác con người thuộc phạm trù biểu tượng. Ta có thể thấy rất nhiều thí dụ minh họa cho cái nhìn phiến diện nô lệ đó trong thế giới ngày nay. Truyền hình, báo chí, các trang mạng toàn cầu rao rảo phơi bày bao nhiêu hình ảnh – nhất là của phụ nữ – tôn vinh chỉ duy chiều kích thể lí của xác thân con người. Chúng phản bội sự thật của nhân vị.

4. Nhưng thân xác con người đã được Đức Kitô cứu chuộc

Nhưng tất cả không bị đánh mất. Đức Kitô, nhờ cái chết và sự phục sinh của Người, khôi phục lại cho chúng ta ý nghĩa của cuộc sống và thân xác con người. Thân xác Người đã bị đóng đinh. Bởi cái chết thể lí của Người, thân xác chúng ta được «phục hồi». Thân mình Người bị ngọn giáo đâm thấu tim, từ đó máu và nước tuôn trào thành «nguồn mạch cho đời sống bí tích trong Hội thánh». Sau phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và cho họ chạm đến thân thể Người. Các Tông đồ gặp gỡ Đấng Phục sinh, còn Thánh Tôma thì được chạm ngón tay vào cạnh sườn Người. Kinh nghiệm thể lí đó đưa ngài đến đức tin.

Thật ra, sau cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, cuộc sống của chúng ta trở nên còn tốt hơn cả lúc nguyên tổ chưa phạm tội. Từ nay, Thiên Chúa đã bước vào lịch sử. Chúa Cha đã sai Con mình đến trần gian. Thiên Chúa siêu việt và vô hình đã trở nên hữu hình. Hơn nữa, vì Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể, giờ đây ta có thể sờ chạm, nếm hưởng, cảm nghe được tiếng Ngài. Thật tuyệt diệu đến không thể tin được! Tội lỗi của chúng ta  được tẩy sạch, cuộc sống của chúng ta được khôi phục lại và chúng ta được nâng lên sống một đời sống mới với Đức Kitô.

Kết

Tóm lại, khởi đi từ các kinh nghiệm nguyên thủy và kinh nghiệm tội nguyên tổ, chúng ta có thể hiểu được rằng thân xác con người vốn có tính biểu tượng và hợp hôn, thân xác ấy vốn tự do nhưng đã ra yếu đuối trong tình trạng sa ngã, nhưng đã được Đức Kitô cứu chuộc. Thân xác làm cho toàn thể ngã vị được hiện diện. Chúng ta là những tạo vật «mang tính biểu tượng». Và từ đó ta biết, thân xác chúng ta và chính chúng ta được tạo dựng để yêu thương, chứ không để phục lụy dục vọng thấp hèn. Như thế, chúng ta khám phá ra ý nghĩa sâu thẳm rằng thân xác là để tương giao hơn là để cho khoái lạc tính dục. Tính dục chỉ quan trọng trong mức độ khi nó phục vụ cho sự tương giao. Vả lại, thân xác chúng ta tự do nhưng đã bị thương tổn. Cuối cùng, trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô mà chúng ta ý thức sâu sắc rằng thân xác chúng ta, con người chúng ta được cứu chuộc. Biết và yêu mến Đức Kitô, cụ thể, sẽ giúp ta bước vào các kinh nghiệm nguyên thủy, từ đó có thể biết bản thân mình sâu hơn và biết cuộc sống mình sẽ như thế nào.

Thư mục:

Phanxicô, Amoris Laetitia – Niềm vui của Tình yêu, bản dịch Việt ngữ của VP HĐGMVN, nxb Tôn giáo 2016.

Gioan-Phaolô II, Thần học về Thân xác – Tình yêu phàm nhân trong kế hoạch thần linh, bản dịch Việt ngữ, nxb Tôn giáo 2016.

X. Lacroix, Il Corpo e lo Spirito – Sessualità e vita cristiana, bản dịch Ý ngữ, Edizioni Qiqajon, Comunità di Bose, 1996.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 101 (Tháng 7 & 8 năm 2017)


[1] Cf. X. Lacroix, Il Corpo e lo spirito – Sessualità e vita cristiana, trad. it. Di Valerio Lanzarini, ©1996 Edizioni Qiqajon, Comunità di Bose. X. Lacroix là giáo sư triết học và thần học luân lí tại phân khoa thần học Đại học Công giáo Lyon. Ông là thành viên của Ủy ban tư vấn quốc gia về đạo đức; Giám đốc học viện khoa học về gia đình năm 1986-1994; khoa trưởng khoa thần học 1997-2003; 17 năm ở trong Hội đồng quốc gia về mục vụ gia đình 1987-2004; Chuyên viên của các Giám mục Pháp và Hội đồng Tòa thánh về Gia đình. Đã kết hôn và có 3 người con.

[2] Gioan-Phaolô II, Thần học về Thân xác: Tình yêu phàm nhân trong kế hoạch thần linh, bản dịch Việt ngữ, nxb Tôn giáo 2016.

[3] Xavier Lacroix, Il Corpo e lo spirito – Sessualità e vita cristiana, trad. it. Di Valerio Lanzarini, ©1996 Edizioni Qiqajon, Comunità di Bose.

[4] Khoa học mới Proxemics phân biệt không gian thân mật (<45cm), riêng tư (<1,2m), xã hội (<3,6m) và công cộng (>3,6m). Cf. E.T. Hall, The Hidden dimension, Anchor Books, 1990. Trong mối quan hệ thân mật, người này cho phép người kia xuyên rào đi vào không gian thân mật của mình, trong khoảng cách thân mật này người ta có thể ngửi thấy mùi hương, sức nóng ấm của cơ thể và có thể cảm nhận được cảm xúc của người kia, nhìn sâu vào mắt, nghe được tiếng thì thầm bên tai.

[5] Ch. Baudelaire, Mon cœur mis à nu 55.

[6] Gioan-Phaolô II, Thần học về Thân xác: Tình yêu phàm nhân trong kế hoạch thần linh, bản dịch Việt ngữ, nxb Tôn giáo – 2016, 155-156.

[7] Ibid., 85.

[8] Ibid.

[9] Ibid.,125. Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn