Ở NƠI CÙNG CỐC

23

Ở NƠI CÙNG CỐC

( Truyện ngắn của tg Trịnh Tuyên)

Chuyện cô Thông có thai làm cả làng Cùng Cốc kinh ngạc.

“Xóm vắng, có vài chục nóc nhà, toàn là ông bà già trẻ nít, cô ta có chửa với ai mới được chứ?”

“ Ừ! Lâu nay cô ta có bao giờ đi đâu xa? Suốt ngày chăm gà, chăm lợn, ngoài thời gian ấy ra, kèm chăn dắt mấy con bò dọc bờ sông, mà khúc sông này vắng lắm, nước chảy xiết, toàn vụng thẳm, thuyền bè đi qua dạt sang bờ bên kia hết, có ai dám bén mảng đến cái xứ khỉ ho cò gáy này đâu?”

Người rỗi mồm thì cứ bàn ra tán vào, còn cái bụng cô Thông thì cứ mỗi ngày mỗi nhô cao lên theo thời gian một cách kiêu hãnh…

*

*

Làng Cùng Cốc nằm bên bờ trái thượng nguồn sông Mã. Dãy núi xa mờ kia là nhánh tỏa ra của dãy Trường Sơn, thoải dần xuống bờ sông, có đỉnh Phay Sỉ cao ngất. Phía dưới là con suối Tha Ly gồ ghề, nhấp nhô miên man đá. Nước chảy róc rách suốt ngày đêm, bốn mùa chim kêu vượn hót, đúng là nơi sơn cùng thủy tận. Có lẽ xưa kia các cụ đặt tên làng “Cùng Cốc” là vì thế.

Phía bờ sông bên tả ngạn là trại giam Thanh Yên của Bộ công an. Từ làng Cùng Cốc nhìn sang, chỉ thấy bịt bùng dây thép gai giăng trên những bức tường cao lù đen mốc. Chiều đến, tiếng kẻng báo hết giờ lao động và tiếng còi điểm danh quân số tù nhân vọng sang, nghe rõ mồn một. Đêm nào nghe tiếng súng nổ đì đòm, biết là có phạm nhân trốn trại. Nhà nước cũng đã tốn công khảo sát lắm mới tìm được một vị trí đắc địa, để thiết kế một nơi giam giữ chắc chắn những kẻ phạm tội nguy hiểm “cách ly xã hội” cho thật đúng nghĩa.

Vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước, một số người vùng xuôi nghe theo chủ trương của Đảng lên khai khẩn ở vùng này. Ban đầu cũng thành lập một “hợp tác xã” hẳn hoi nhưng vì xa phố huyện, đường xá gập ghềnh, làm ăn thì lụn bại, sau xé lẻ, nhà nào biết nhà ấy. Huyện cũng “quên” luôn. Có cán bộ nào dám đi vài chục cây số đường rừng hiểm trở mà đến chỉ đạo sản xuất? Mà cũng có sản xuất cái gì to tát đâu mà chỉ đạo? Dân đói thì vào rừng đào củ nâu, củ mài ăn cho qua ngày. Mấy chục năm rồi, làng Cùng Cốc vẫn vắng teo. Đặt tên là bản Cùng Cốc không được vì toàn người Kinh ở. Nên người ta vẫn gọi là xóm hoặc làng Cùng Cốc cho ra vẻ một làng quê của dân “chếnh tuộc”. Thanh niên nam nữ, có anh chị nào, lớn lên là lập tức rời khỏi làng đi nơi khác. Con trai con gái lớn lên, theo lời dẫn dắt của đám thầy cò, đi xuất khẩu lao động. Thành thử trong xóm bây giờ chỉ trơ khấc mấy ông bà già sống bằng tiền con cái đi làm xa gửi về cùng với việc hái lượm dưới chân núi Phay Sỉ.

Cô Thông ở cùng mẹ già đã ngoài sáu mươi. Cha cô chết vì một cơn sốt rét ác tính từ khi cô còn bé. Năm nay Thông đã gần bước sang tuổi “băm”, là đứa con gái cao tuổi nhất chưa có chồng ở cái xóm núi heo hút này.

Cô Thông bị tật nguyền từ nhỏ. Bàn chân phải quặp vào bên trong nên đi cà nhắc. Mỗi khi kéo cái chân phải lên, thì theo tương tác lực, tay trái lại huơ ra phía trước giật vào để lấy đà, trông cứ như là đang gặt lúa.

Đúng là tạo hoá khéo sắp đặt. Bù vào cái chân dị tật ấy lại đi theo một khuôn mặt hiền dịu, da trắng mát như ánh trăng rằm, cùng với đôi mắt lá răm bí ẩn, bộ ngực đầy đặn, cổ cao trắng nõn nhấp nhô cặp vú tròn căng. Giá không tật nguyền thì làm gì cô ta còn ở cái xóm này? Cô đã bay sang Đài Loan hoặc chí ít là Hàn Quốc làm làm người giúp việc kiếm tiền rồi trở về xây cái biệt thự mấy tầng sang trọng từ lâu rồi! Thời buổi này phải biết tranh thủ thời cơ. Chỉ có sang các nước Tư bản làm thuê, còn có cơ mở mày nở mặt với xóm làng, chứ còn cứ ru rú ở làng, đời coi như bỏ đi.

Trong xóm bây giờ, việc cô Thông có chửa vẫn là đầu đề của câu chuyện của mấy mụ già ngồi lê đôi mách. Người ta khẳng định như đinh đóng cột rằng, cô ta không thể chửa với mấy ông lão ngoài bảy mươi, suốt đêm ho khù khụ và cũng không thể chửa với con vượn núi khi cô đi kiếm củi như trong truyền thuyết được. Vậy thì cái cô gái quá lứa lỡ thì ở cái xóm núi hẻo lánh bốn mùa sương phủ đó chửa với ai? Quả là một vấn đề khiến nhiều người trong xóm đau đầu. Mọi người dân trong làng Cùng Cốc vẫn theo dõi cuộc sống của cô Thông vì cái bụng của cô ta đang ẩn chứa bao điều bí ẩn…

Gần đến tháng sinh nở, cô Thông đi lại có vẻ khó khăn hơn. Nhà neo người, cô cố gắng lo toan mọi việc. Trông gương mặt cô vẫn bình thường như những người phụ nữ mang thai sắp đến kỳ sinh nở: Hơi sốt ruột, thoáng chút lo lắng nhưng tự tin, đôi khi hay mỉm cười một mình, ánh mắt ngời lên một niềm hạnh phúc vì sắp được bế trên tay một sinh linh bé bỏng. Nhưng quan trọng nhất là được làm mẹ, điều mà bất cứ ai là phụ nữ cũng đều khao khát.

Cô Thông trở dạ vào một đêm trăng sáng. Khi bà đỡ đón thằng bé con ra khỏi cái cơ thể người mẹ bê bết máu thì bất thình lình có tiếng súng nổ đì đòm bên phía trai giam. Chắc lại có chuyện tù nhân trốn trại? Chỉ trong một khoảnh khắc, phía bên này, một sinh linh bé bỏng chào đời, phía bên kia một kẻ trốn khỏi nơi giam giữ để đi tìm tự do.

Thằng bé khóc to lắm, khóc như oan như ức điều chi, cứ như xé vải. Tiếng nó khóc dội vào vách núi, rồi từ vách núi, âm thanh phản hồi trở lại, vang động cả một vùng. Ở cái nơi cùng cốc heo hút này, tiếng trẻ khóc chào đời mới thiêng liêng và hạnh phúc biết bao! Ôi làng Cùng Cốc! Từ nay sẽ có thêm một công dân mới. Rồi đây, dẫu cuộc đời hạnh phúc hay khổ đau, số phận mẹ con nhà nó vẫn đang còn ở phía trước…Nhưng trước mắt, một cuộc sống mới đã bắt đầu.

Sáng hôm sau, Thông nằm ôm con, bụng nóng như lửa đốt. Linh tính báo cho cô biết, tiếng súng nổ đêm qua có liên quan đến Nam. Anh ấy liều lắm, đã nói là làm. Nam đã từng hứa với cô khi cô sinh nở, Nam sẽ có mặt bên mẹ con cô. Đêm nay, đúng như cô dự đoán, thằng Bắc, con anh sẽ chào đời. Chắc là Nam trốn không thoát nên mới có tiếng súng bắn chỉ thiên đoàng đoàng vào đêm tối kia. Cầu trời khấn phật đừng có việc gì xảy ra đối với anh ấy. Nam ơi! Anh là một người tốt nhất trên đời mà em được gặp. Nam ơi! Đừng bỏ em nghe anh…

Cô nằm quay lại với con, hình dung lại cái lần gặp gỡ định mệnh ấy.

Hơn chín tháng trước đây, Nam cùng với mười mấy người bạn tù được trại giam cho chống mảng sang dãy núi phía bên làng Cùng Cốc chặt gỗ. Nam là một phạm nhân can án giết người. Án phạt mười bảy năm, Nam thụ án được mười sáu năm. Thường những tù nhân sắp hết hạn được Ban quản giáo cho ra ngoài khu trại giam lao động, xếp vào hàng “tù nhân tự giác”.

Buổi chiều hôm ấy, sau khi đã chặt được mấy cây gỗ to, cả đám tù nhân đang khẩn trương kết bè đưa về trại thì một cơn lũ lớn ập về. Nước từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về bất ngờ đến nỗi cô Thông đang chăn dắt mấy con bò không kịp chạy lên bờ, liền bị lũ cuốn theo. Thông kêu cứu, hai tay chới với giữa dòng lũ xiết. Từ phía trên, cách một quãng không xa, một người đàn ông mặc áo tù nhân lao xuống dòng chảy không chút do dự. Khi Thông đang chìm dần, thì cảm giác có một cánh tay bế ngang người Thông nâng bổng lên. Thông vội giơ hai tay yếu ớt túm lấy người ấy rồi sau đó không còn biết gì nữa.

Thông tỉnh dậy, thấy mình đang nằm gần như trần truồng bên đống lửa, bên cạnh một người đàn ông lạ mặt mặc áo tù nhân. Cô hoảng hốt định hét lên thì bên tai vang lên một giọng nói rất trầm ấm:

“Không việc gì phải sợ! Cô bị lũ cuốn, tôi phải vất vả lắm mới đưa được cô lên bờ. Quần áo ướt hết, tôi đã hong khô”.

Người đàn ông ngoảnh mặt sang hướng khác, ném bộ quần áo cho cô và nói như ra lệnh:

“Mặc vào, không sẽ bị cảm lạnh đấy!”

Thông từ từ nhớ lại. Đúng rồi! Chiều hôm qua khi cô đang chăn dắt mấy con bò ở gần mép nước, cô đã trông thấy dòng lũ đổ từ thượng nguồn, lo cuống quít mấy con bò chưa chạy lên kịp và bị lũ cuốn. Khi cô đang chìm dần và biết là mình sẽ chết, để lại mẹ già không có ai chăm sóc thì cô được người đàn ông mặc áo tù nhân này cứu vớt…Cô lặng lẽ mặc lại quần áo, ngôi bên bếp lửa, khuôn mặt đỏ lựng lên, vẻ tin tưởng…

Họ đã ở bên nhau trong một cái hang đá khá rộng rãi và ấm áp, sinh hoạt như thời tiền sử suốt hai ngày hai đêm liền.

Nam kể cho Thông nghe về cuộc đời của anh: Nam mồ côi cha từ bé. Mẹ đã vất vả lắm mới nuôi được anh ăn học. Năm thứ tư đại học thì một sự cố đã làm đảo lộn cuộc đời anh.

Vì luôn phải vay nợ để gửi tiền cho con, mẹ anh đã nợ lão già cùng phố chuyên cho vay nặng lãi số tiền lên đến một trăm năm mươi triệu. Một lần trở về nhà muộn, vô tình đứng ngoài chứng kiến cuộc đối thoại giữa mẹ và lão già đó trong gian nhà chật hẹp của mẹ con anh.

“Tôi không thể cho cô khất thêm được nữa. Hôm nay, bằng bất cứ giá nào, cô phải thanh toán cả gốc cả lãi cho tôi. Tổng là hai trăm năm mươi triệu, không kém một xu!”

Mẹ anh vừa khóc, vừa van xin.

“Xin ông thương tình giúp đỡ cho mẹ con tôi khất thêm một năm nữa. Cháu nó học sắp xong rồi! Cháu học giỏi, ra trường chắc là xin được việc làm. Mẹ con em xin hoàn trả cho cho ông”

Lão già cười hềnh hệch:

“Tôi cóc cần chuyện con cô học giỏi hay không giỏi! Tôi chỉ cần cô trả nợ cho tôi. Còn chưa có tiền trả lãi thì trả dần bằng cách này”.

Lão già dang hai tay lao vào ôm chặt mẹ anh, nhưng gặp phải sự chống cự quyết liệt.

Và anh, một người con hiếu thảo, vì cứu mẹ mình nhưng không làm chủ được hành vi đã can án giết người…

Nam đoán chắc những người đi cùng với mình sẽ về báo cáo với ban Giám thị trại giam là mình đã bị lũ cuốn. Làm sao mà thoát được giữa dòng thác lũ hung dữ như vậy?

Người ta chỉ cần thông báo về địa phương là phạm nhân Phan Hoài Nam bỏ trốn, bơi qua sông và mất tích là xong. Đây là cơ hội cho Nam được tự do.

Nhưng với Thông, cô lại không nghĩ như vậy. Cô khuyên Nam nên quay lại trại, thụ án nốt, vì chỉ còn một năm nữa thôi là hết hạn tù và hứa khi anh sẽ theo anh về quê ra mắt người mẹ già đang ngày đêm vò võ ngóng chờ thằng con trai yêu quý của bà. Bà sẽ hạnh phúc biết bao khi được bồng đứa cháu nội trên tay…

Nam dặn dò Thông là gắng đợi anh. Khi sinh con, báo cho anh để anh được bên người vợ hiền khi vượt cạn, dù là gái hay trai cũng đều đặt tên là Bắc. Cha bờ Nam, con bờ Bắc mà!

Đêm thằng Bắc ra đời, Nam nằm trong trại giam nghe rõ tiếng khóc của nó, lòng người cha xốn xang không bút nào tả xiết. Vì là “tù tự giác” Nam được giam nới lỏng ở phía ngoài. Ban ngày đi làm, anh đã quan sát, phía bờ sông có một quãng sông lở rất sâu vào bờ trông như một cái vịnh nhỏ. Ban Giám thị trại cho chăng một hàng rào sằt bao ra tận mặt sông. Cái vịnh là nơi tù nhân vừa tắm rửa, vừa là nơi xuống gánh nước tưới cho cây cối quanh khu nhà ở của cán bộ quản giáo. Chỉ cần lặn một hơi qua cái hàng rào sắt đó là anh có thể đến bên người vợ hiền và đứa con thơ bé bỏng của anh.

Anh lẳng lặng rời khỏi những người bạn tù ngày làm nặng nhọc giờ đang ngủ say như chết, nhẹ nhàng trườn về phía cái vịnh lờ mờ ánh điện.

Nam có tài bơi lội, nhất là môn lặn. Ở trường đại học, bốn năm liền anh đạt danh hiệu vận động viên bơi lội xuất sắc. Nhưng anh không hề biết rằng, dưới chân lớp hàng rào sắt kia đã được các nhân viên kỹ thuật của trại giam bố trí một hàng rào điện tử. Ở phía dưới lớp rào sắt ấy, người ta chăng những sợi thép nhỏ, được nối với bộ cảm biến nhiệt. Nếu có tù nhân nào cả gan vượt qua lớp rào sắt đó, nhiệt độ cơ thể sẽ tác động vào bộ cảm biến nhiệt, lập tức dữ liệu được truyền qua một phần mềm máy tính. Tín hiệu sẽ chuyển về hệ điều hành trung tâm. Còi báo động sẽ rú lên thảm thiết như một con ác thú bị chọc tiết. Đèn điện sẽ bật lên đồng loạt, các trạm gác, các tổ trực đêm lập tức thực thi nhiệm vụ theo lập trình có sẵn trong trường hợp tối khẩn cấp khi có phạm nhân trốn khỏi nơi giam giữ, hàng rào sắt bao quanh ngoài sông sẽ tự động đóng sập xuống. Nam vừa chui gần qua lớp rào dây thép thì hàng rào đóng sụp! Anh quằn quại đớn đau, chỉ kịp thốt lên tiếng: Con ơi…Ngày hôm sau, một cơn lũ lớn ào qua, hàng ngàn tấn đất đá từ thượng nguồn đổ xuống, lấp kín xác tên tù nhân xấu số…

* *

*

Thời gian thấm thoát trôi qua, thằng bé con chào đời vào cái đêm cùng với một phạm nhân là cha nó trốn trại đã sáu tuổi. Thằng bé mặt mũi khôi ngô, da dẻ trắng trẻo như con trai thành phố. Nó đã vào lớp một. Hàng ngày mẹ nó đèo xe đạp qua chiếc cầu treo mới được bắc từ làng Cùng Cốc sang bờ sông phía trại giam theo “chương trình 135” của chính phủ. Nó được học cùng với những đứa trẻ cùng tuổi, con của các cán bộ quản giáo trong trại.

Sáu năm trôi qua, thằng bé cứ lớn lên trong vòng tay âu yếm của bà ngoại và mẹ nó. Nó đâu biết rằng, cái đêm nó cất tiếng khóc chào đời, ở phía bờ sông bên kia, sau lớp hàng rào sắt, cha nó – Tên tù nhân mặc áo số 53037 đã trốn nơi giam giữ để sang với nó nhưng số phận phũ phàng đã phải nằm vĩnh viễn dưới đáy sông. Trước khi giã biệt cõi đời, chỉ kịp thốt lên được một tiếng: Con ơi! Tiếng gọi tuyệt vọng của người cha thoát ra theo những bọt nước lục bục từ dưới đáy sông sâu lạnh lẽo.

Và mẹ nó, người đàn bà xóm núi vẫn sống âm thầm trong sự chờ đợi. Cứ mỗi chiều khi tiếng kẻng báo hiệu hết giờ làm việc của tù nhân, cô lại đăm đắm ngóng sang phía trại giam. Đêm nào bờ sông bên đó có tiếng súng nổ, người cô lại giật thon thót, mồ hôi vã ra như tắm…

Trinh Tuyen

Previous articleNẾU BIẾT CHỮ?
Next articleĐược chia ít tài sản vẫn nguyện báo hiếu cha mẹ