Phải làm gì khi bị người khác coi thường: Thái độ điềm tĩnh sẽ giúp bạn được người đời nể trọng

119

Cho dù bạn làm gì, bạn thành công đến đâu đi nữa, vẫn luôn có người cho bạn là sai. Cho dù bạn sống tốt thế nào, vẫn luôn có người phê bình bạn. Nếu bạn luôn tự hỏi mình: “Phải làm gì khi bị người khác coi thường?” thì bài viết dưới đây chắc chắn sẽ là câu trả lời sáng tỏ nhất dành cho bạn.

Trước tiên, xin được kể lại một câu chuyện của người xưa để làm dẫn chứng. Chuyện rằng vào năm Hi Ninh thứ 4 (1071), trong một lần cải trang dạo chơi, Tô Thức – nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời Bắc Tống, hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi là Tô Đông Pha, giữ chức thông phán ở Hàn Châu – vào một ngôi chùa để nghỉ chân vì đã khá mệt sau chuyến du ngoạn.

Do không mặc quan phục nên trông ông rất giản dị, bình thường. Thấy vậy, vị phương trượng trong chùa liền tỏ ý xem thường và nói với ông: “Ngồi”, đoạn lại quay sang bảo tiểu hòa thượng: “Trà”. Tiểu hòa thượng hiểu ngay tâm ý của thầy mình, liền mang cho khách một chén trà cũ đã nguội.

Tuy nhiên, chỉ sau vài câu chuyện, Tô Thức đã cho thấy được khả năng ăn nói lưu loát và phong thái phi phàm của mình. Lúc này, phương trượng cảm nhận được vị khách của mình chẳng phải tầm thường nên đã mời ông vào trong phòng đàm đạo. Sau khi vào phòng, phương trượng khách khí nói: “Mời ngồi!”. Lại bảo tiểu hòa thượng: “Kính trà!”.

Đến khi biết được vị khách này chính là đại thi nhân tiếng tăm lừng lẫy Tô Đông Pha, phương trượng lại trở nên cung kính hơn và mời ông vào phòng khách, liên tục nói: “Kính mời ngồi!”. Rồi lại gọi tiểu hòa thượng: “Kính trà thơm!”.

Lúc Tô Đông Pha cáo từ, phương trượng đề nghị: “Tô học sĩ hạ cố đến chơi, mời ngài đề lên mấy chữ làm lưu niệm”. Tô Đông Pha mỉm cười múa bút, viết lên một câu đối.

Vế trên là: “Tọa, thỉnh tọa, thỉnh thượng tọa”. (Ngồi, mời ngồi, kính mời ngồi).

Vế dưới là: “Trà, kính trà, kính hương trà”. (Trà, kính trà, kính trà thơm).

Vị phương trượng lúc đó mới thấy xấu hổ đỏ bừng mặt, không nói được lời nào.

Qua câu chuyện trên, có thể thấy Tô Thức thông minh và rất đáng nể trọng bởi ông đã không vì cử chỉ đối xử tệ bác của nhà sư mà nổi giận. Chính thái độ điềm tĩnh, ung dung của ông lại khiến vị phương trượng kia phải hổ thẹn.

Ở đời cũng vậy, giá trị của một người nào phải chỉ gói gọn trong vài lời nói của người khác mà phải trải qua cả một quá trình nuôi dưỡng, luyện rèn. Khi đã đạt được phong thái điềm tĩnh thanh cao như Tô Thức trong câu chuyện ở trên thì tự khắc bạn sẽ được người khác tôn trọng.

Theo các nhà tâm lý, việc một người bị khinh thường được xem là tổn hại đến lòng tự trọng, làm chúng ta cảm thấy bị coi thường. Và khi tất cả cô đọng lại thành cảm xúc trong tâm hồn, bạn sẽ cảm thấy mất giá trị hoặc không được tôn trọng.

Vì thế, trong cuộc sống, bạn không nên quá để tâm vào những lời nói tiêu cực bởi chúng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần bạn, trong khi người gieo những cảm giác đó cho bạn vẫn cứ ung dung thản nhiên.

Theo lời của nhà văn Turgenev của Nga: “Tin tưởng bản thân bạn trước, sau đó người khác mới tin tưởng bạn”. Làm gì có ai tôn trọng bạn nỗi khi chính bản thân bạn cũng tự coi thường mình? Bởi vậy, tự tin là yếu tố tiên quyết cần có để tránh bị người khác coi thường. Hãy kiên nhẫn chờ đợi, giá trị thật sự của bạn sẽ được khẳng định qua thời gian và bằng hành động chứ không phải bằng lời miệt thị của người khác.

Hãy luôn là chính mình. Khi nào muốn cười thì cười, khi nào muốn khóc thì khóc, tự mình làm chủ tâm trạng mình. Chủ động nắm giữ cuộc sống của mình, làm cho chính mình trở nên tốt đẹp hơn là một cách hoàn hảo để đáp trả những người xem thường bạn và cũng để cho mọi người càng yêu mến bạn thêm.

Sưu tầm

Previous article63 phím tắt không thể không biết với người dùng Windows
Next articleGà khác đại bàng ra sao?