Giữ đạo sau thời gian giãn cách xã hội

37

Giữ đạo sau thời gian giãn cách xã hội

Chuyện giãn cách xã hội có lẽ chưa bao giờ có trong thời đại chúng ta đang sống. Đơn giản là người với người đâu có chuyện gì phải cách ly. Thế nhưng rồi chuyện gì đến nó sẽ đến và đến thật bất ngờ không ai biết.

Cả thế giới phải chìm ngập trong u buồn và hoảng loạn khi Corona Virus xuất hiện. Giả như con virus quái ác này lây lan theo kiểu như HIV hay do lối sống, lối sinh hoạt không lành mạnh thì con người ta dễ biết để mà tránh né. Nghiệt ngã thay nó lại bay ngang qua không khí và cực kỳ nguy hiểm khi tiếp xúc gần với người đã nhiễm nó.

Để bảo vệ tính mạng con người, có quá nhiều cách để gìn giữ mạng sống. Và, đến lúc đỉnh điểm thì chuyện cách ly phải ban hành và mọi người dân phải thực hiện.

Cách ly ! Nổi khổ không của riêng ai. Cách ly làm ảnh hưởng tất cả mọi sinh hoạt của xã hội và đặc biệt là tôn giáo.

Với người Kitô hữu, việc đến Thánh Đường để thờ phượng Chúa như là một thói quen tốt và nhất là luật giữ Lễ Chúa Nhật hay Lễ Trọng tập trung tại Nhà Thờ chứ không phải là … hàm thụ.

Nỗi đau đớn nhất của người tín hữu có lẽ là dịp mùa Chay Thánh vừa qua. Mừng Đại Lễ Phục Sinh năm nay có lẽ không có mừng nỗi vì tất cả phải ở nhà và mọi tín hữu phải tham dự các nghi thức trực tuyến.

Từ những ngày đầu giãn cách và nhất là trong mùa Chay và Phục Sinh, ta bắt gặp nhiều tâm hồn thổn thức vì phải xa Nhà Thờ, xa Chúa. Cũng dễ hiểu vì như con người đánh mất điều gì đó là chính yếu, là căn cốt nhất trong tâm hồn và nhất là không còn được đến Nhà Thờ để nhận lãnh Tặng Phẩm Thần Linh nữa.

Và rồi, nỗi lo lắng cứ ngày mỗi ngày càng tăng lên về việc giảm đáng kể số người đi lễ ngày chúa nhật dù đã hết thời gian cách ly.

Với cuộc khủng hoảng do virus Corona mang đến, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, người Công Giáo đi lễ ít hơn. Vì họ sợ virus? Vì đã quen dự lễ trực tuyến? Vì chán nản hay tức giận? Vì niềm tin bị nguội lạnh.

Con số là 10 ? 20 ? Hay 30% không thiết tha việc đến Nhà Thờ nữa.

Từ cuộc khủng hoảng Covid-19, ta không thể nói chính xác có bao nhiêu phần trăm người công giáo ngừng đi lễ ngày Chúa Nhật.

Khởi đi từ những lo lắng trong thực tế của cuộc sống. Từ ngày 15 tháng 8, Đức ông Patrick Chauvet, quản nhiệm nhà thờ chính tòa Paris đã lên tiếng báo động, 30% giáo dân đã không trở lại Nhà Thờ để tham dự Thánh Lễ.

Nhìn vào tình trạng cụ thể của giáo phận Paris, nhiều người nghĩ rằng chỉ xảy ra ở Paris hay với các thành phố khác của nước Pháp?

Với tất cả tâm tình, Cha Stanislas Lemerle, cha xứ giáo xứ Saint-Ferdinand-des-Ternes, quận 17 cho biết: “Tại giáo xứ chúng tôi, số người tham dự thánh lễ có giảm sút nhưng chỉ tạm thời. Nhiều người không trở lại. Họ cách ly tại nông thôn. Ngay sau khi giáo xứ hoạt động lại, mọi người sẽ quay trở lại”.

Và vào ngày 15 tháng 8, Đức ông Patrick Chauvet tuyên bố trên đài truyền hình Europe I: “Ở cấp độ quốc gia, có 30% giáo dân đã không trở lại,” Nhưng hôm nay thì sao? Khó biết được con số, nhưng theo Đức ông, các lý do vẫn là “một số còn sợ Covid, một số khác đã quen xem lễ tại nhà.”

Còn với Đức Giám mục Bernard Ginoux, giáo phận Montauban lo âu: “Kể từ khi hết cách ly, ở đâu tôi đến, tôi cũng thấy có sự giảm sút, đặc biệt là với các người lớn tuổi, họ không trở về với thánh lễ. Các linh mục cũng xác nhận, các gia đình vẫn còn, các người trẻ vẫn còn nhưng người lớn tuổi thì ngại đến nhà thờ vì sợ nhiễm virus.”

Ngoại quốc là như thế và Việt Nam dĩ nhiên không tránh khỏi. Có điều tế nhị chẳng ai muốn nói ra vì lẽ nói ra cũng chỉ là để thêm nỗi buồn mà thôi. Ảnh hưởng của Corona Virus tác động lên đời sống đức tin của con người cách dữ dội. Không khéo thì con người sẽ chai cứng bởi họ không còn tin vào sự hiện diện của Chúa nữa và họ luôn đặt câu hỏi Chúa ở đâu trong cơn bão virus quái ác.

Thật sự mà nói, giữa một xã hội phát triển đến độ chóng mặt như thế này thì chuyện giữ đạo và sống đạo lại là một thách đố lớn cho người Kitô hữu. Câu nói mà nhiều nơi, nhiều giáo xứ vẫn hay đùa vui với nhau đó là câu chúc bình an trước khi kết Lễ : “Lễ xong chúc anh chị em đi về Bình Dương”.

Thật vậy, dường như giáo dân trong các xứ đạo nhất là xứ đạo miền quê và ngay cả người đồng bào vốn dĩ trước đây họ không bao giờ chịu rời buôn làng của họ thì nay họ phải lên đường đi kiếm sống. Đời sống kinh tế dường như thúc ép họ để họ không thể nào ở nhà được nữa.

Sự giằng co của đời sống đức tin và vật chất ngày mỗi ngày trở nên khốc liệt. Cạnh đó, nhiều người “vui vẻ” xoa địu niềm tin của người tín hữu bằng những chuyện phép lạ này phép lạ kia. Tất cả chỉ có Chúa và trong Chúa mà thôi chứ con người chả giải quyết được chuyện gì.

Chẳng phải đâu xa, những đứa trẻ mà Cha Xứ của chúng tôi cưu mang trong nhiều năm học, nay học xong 12 rồi chả biết làm gì nữa nên đành bỏ buôn làng của mình về Bình Dương sinh sống. Ngày chúng vào chào ra đi lòng tôi như quặn lại bởi không biết chuyến đi của bọn nhóc sẽ thế nào ? May thì gặp người chủ tốt và ngược lại thì mất toi con người.

Chuyện mất trước tiên mà ai ai cũng thấy đó là chuyện giữ đạo. Giữa khu công nghiệp ngút ngàn công nhân mà không có Thánh Đường thì làm sao dự Lễ ?

Chiều tối qua, nhìn bọn nhỏ bỏ hình trên phây trưng ra phòng trọ mà 3 đứa nhỏ vừa đáp ở Bình Dương sao mà nhói lòng. Chẳng phải là 3 mà là 3 chục, 3 trăm và 3 ngàn trẻ ở các làng khác cũng như thế để tìm kế mưu sinh.

Nỗi trăn trở về giữ đạo và sống đạo vẫn còn đó và có đó. Với gánh nặng trĩu của kiếp người trong cõi nhân sinh sao mà chua xót quá. Rồi đây đời sống đức tin của con người sẽ ra sao khi con người ngày mỗi ngày chìm trong gian khó. Đêm về chỉ biết thầm thĩ nguyện xin Chúa gìn giữ bọn nhóc, gìn giữ những người di dân xa xứ hãy cố gắng giữ vững niềm tin của mình và nhất là tìm cách đến cộng đoàn nào đó để giữ và sống đức tin Công Giáo của mình.