SỐNG THẬT

162

 

Hêrôđê đã sống hoàn toàn trái ngược với ơn cứu độ của Thiên Chúa, vì ông cầm tù người khác, ông sống theo những đam mê dục vọng của mình.

Cuộc đời của Hêrôđê bắt đầu trượt dài từ ngày vua dụ dỗ em dâu mình ở Rôma. Để cưới người em dâu Hêrôđia, vua đã thẳng tay ly dị người vợ đang chung sống với mình. Bị ông Gioan Tẩy Giả quở trách vì hành vi loạn luân ấy, vua lại bắt ông Gioan đem tống ngục. Rồi cuối cùng trong bữa tiệc sinh nhật vui vẻ, vua lại lỡ lời thề thốt với con gái của bà Hêrôđia. Điều đáng trách hơn nữa là vua thà phạm một tội ác tày trời còn hơn là huỷ bỏ một lời thề bốc đồng lúc “trà dư tửu hậu” với một cô gái trẻ. Vua sợ tiếng dư luận cười chê các vị khách hơn là sợ tiếng lương tâm quở trách. Biết điều mình làm là sai trái, nhưng vua vẫn không dám sửa đổi, vì quá yếu nhược. Rất tiếc cho một vị vua, chỉ vì một lỗi lầm kéo theo bao lầm lỗi tai hại khác!

Tin Mừng cho ta thấy một người nhìn lộn, nhìn gà hóa cuốc, đó chính là tiểu vương Hêrôđê. Rõ ràng chính miệng ông đã ra lệnh giết Gioan Tẩy Giả, tay ông đã bưng mâm đặt đầu Gioan Tẩy Giả đưa cho cô con gái Hêrođiađê, thế mà khi nghe nói về Đức Giêsu, ông lại dám khẳng định cách mạnh mẽ:“ Đó chính là Gioan Tẩy Giả đã sống lại”. Phải chăng lời nói, việc làm và cuộc sống của Chúa Giêsu rất giống với Gioan? Gioan được gọi là vị Ngôn Sứ cuối cùng của thời Cựu Ước, vậy phải chăng Đức Giê su cũng là một Ngôn Sứ?

Thánh Gioan đã nói lên tội của vua Hêrôđê nên ông đã bị tống ngục và cuối cùng bị giết chết bởi một thỏa mãn sắc dục của vua. Nếu ta đặt mình vào chỗ đứng của Vua Hêrôđê và bà Hêrôđia thì ta có hành động như vậy hay không? Người ta thường nói “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng” nên chẳng mấy ai dám nói thật với người khác khi thấy họ làm điều không tốt vì sợ sẽ bị ghét, bị để ý.

Gioan bị giết trong khung cảnh một bữa tiệc. Đó là tiệc mừng sinh nhật Hêrôđê Antipas là tiểu vương vùng Galilê và Pêrê. Nếu thế, bữa tiệc này hầu chắc diễn ra ở Tiberias, một thành gần hồ Galilê, nơi Hêrôđê đặt trung tâm quyền lực của mình. Gioan bị giết vì dám phản đối cuộc hôn nhân bất hợp pháp giữa Hêrôđê với bà Hêrôđia là vợ của Philíp, người anh cùng cha khác mẹ với mình.

Chuyện ngoại tình của Hêrôđê bị Gioan Tẩy giả kết án là có thể hiểu được. “Ngài không được phép lấy bà ấy” (c. 4). Lấy vợ của người anh em là phạm đến Luật Chúa (Lv 18, 16; 20, 21). Gioan là một ngôn sứ không lùi bước trước sự bất công. Ông đã sẵn sàng bênh vực sự thật, dù ông biết cái giá phải trả. Hêrôđê đã dùng quyền lực để ép Gioan phải im miệng. Ông bắt Gioan, xiềng lại và tống vào ngục. Chỉ vì sợ phản ứng của dân chúng mà Hêrôđê chưa muốn giết Gioan.

Sau khi chôn cất ông xong thì các môn đệ đến báo tin cho Chúa Giêsu. Chi tiết này nói lên mối liên hệ thân tình giữa Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Gioan Tẩy giả là hướng về Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả không phải là Chúa Giêsu, nhưng là người giúp anh em mình đến với Chúa. Chính Gioan Tẩy giả đã tuyên bố: “Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng”.

Gioan đã chu toàn ơn gọi của mình một cách tốt đẹp. Gioan chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến, không những bằng việc rao giảng thống hối, mà còn bằng chính cái chết vì trung thành với sự thật. Dung mạo của Gioan Tẩy giả loan báo dung mạo của Chúa Giêsu một cách tốt đẹp, đến nỗi khi Chúa Giêsu xuất hiện, vua Hêrôđê tưởng Ngài là hiện thân của Gioan Tẩy giả sống lại.

Người Kitô hữu được mời gọi sống hướng về Chúa, kết hợp với Chúa, trở thành một Chúa Kitô thứ hai cho anh em. Nhưng đó là để giúp anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại nơi mình. Người Kitô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Kitô phải lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở anh em đến với Chúa.

“Các con sẽ làm chứng về Thầy”, đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các Tông đồ, cho mỗi môn đệ của Chúa. Chúng ta cần trở nên một Chúa Kitô cho anh em mình, vận mệnh của Chúa sẽ là vận mệnh của chúng ta..

Khi chúng ta không sống đúng ơn gọi và sứ mệnh Ngôn Sứ của mình, chúng ta sẽ trở thành những phản chứng, những ngộ nhận và những rào cản người khác đến với Đức Kitô, đến với Giáo Hội.

Chúng ta phải tôn trọng sự thật bằng cách lắng nghe cẩn thận khi người khác trình bày ý kiến của họ, và hãy biết xét xem điều đó có đúng hay không; chứ đừng bao giờ dùng uy quyền để bóp chết sự thật.

Qua bài Tin Mừng Chúa đang mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết sống thật, chấp nhận sự thật để nhìn thấy con người thật của mình mà làm cho lương tâm của ta trở nên trong sáng hơn, xứng đáng là cung thánh nơi Thiên Chúa ngự.

Xin Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm và trung thành với sự thật, dù phải hy sinh chính mạng sống mình, để giúp người khác đến với Chúa và tin nhận Chúa.

Previous articleNIỀM TIN CỦA CON ĐÃ CỨU CON
Next articleThứ sáu. Thánh nữ Mácta. Lễ nhớ