Sự Tiện Ích Của Computer Và Internet

100
A lattice and Internet --- Image by © VISCOM/amanaimages/Corbis

DẪN NHẬP

Theo đà phát triển mau chóng và sự phổ biến rộng rãi của máy điện toán hiện nay, chúng ta đang chứng kiến trong những năm cuối của thế kỷ thứ 20 và đầu thế kỷ 21 này, sự bùng nổ toàn diện và rộng lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại các phương tiện và kỹ thuật truyền thông có tính hiện đaị, quy mô và vượt qua tất cả mọi biên giới. Do đó, hơn lúc nào hết chúng ta cần có một cái nhìn xác thực và đúng đắn về những điểm lợi – hại  trong việc sử dụng các phát minh tiến bộ của khoa học trong ngành truyền thông mới mẻ này, ngõ hầu nâng cao trình độ dân trí của mỗi nguời trong chúng ta, đặc biệt là trong phương diện giáo dục con em của chúng ta, và giúp chúng biết cách tận dụng những phương tiện trên cho đúng cách, hầu đem lại lợi ích tốt đẹp cho việc học vấn của con em chúng ta.

Theo chiều hướng đó tôi mạn phép xin  được nêu lên một số vấn đề cụ thể như sau trong phần trình bày dưới đây:

I) TẦM QUAN TRỌNG CỦA COMPUTER VÀ INTERNET[1] CHO VIỆC HỌC TẬP VÀ SỰ PHÁT TRIỂN KIẾN THỨC TỔNG QUÁT ĐỐI VỚI CÁC EM.

Ngày nay, ít có ai phủ nhận sự hữu ích và tiện lợi của computer, cũng như tầm quan trọng của nó trong mọi lãnh vực sinh hoạt của xã hội. Từ ngày có Internet, số người sử dụng computer và Internet ngày càng gia tăng, khiến cho computer không những trở nên thông dụng mà còn hết sức đa dụng. Người ta dùng computer để viết lách bài vở, nghiên cứu, làm sách báo, lưu trữ hồ sơ, soạn nhạc, vẽ họa đồ kiến trúc, quảng cáo, cung cấp các dịch vụ online… khi buồn và rãnh rỗi thì chơi games.
Nối đường dây điện thoại vào computer, connect vô Internet, người ta bắt liên lạc với cả thế giới mà hầu như không phải tốn kém gì nhiều cho lắm. Người ta có thể gơỉ và nhận điện thư (email) trong vòng tích tắc. Vì những ưu điểm đó, computer và Internet trở thành phương tiện truyền thông hữu hiệu, nhanh chóng và rẻ tiền nhất hiện nay và sẽ trở nên bá chủ trong một tương lai rất gần.

Vì những lợi ích quá lớn đó, giới truyền thông và giới thương mại đã đổ xô vào khai thác để làm giàu. Từ đó nó trở nên nguy hiểm, nhất là cho trẻ em. Nó giống như con dao hai lưỡi thật sắc bén, vừa hữu ích vừa nguy hiểm; nhưng dù sao đi chăng nữa, chúng ta không thể phủ nhận sự hiện hữu của ngành điện toán trong kỹ nghệ khoa học hôm nay.

II) NHỮNG MẶT TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC CỦA COMPUTER VÀ INTERNET TRONG VIỆC HỌC TẬP VÀ GIÁO DỤC CON EM.

A) NHỮNG MẶT TÍCH CỰC:

Cách đây 20 năm, có thể nói ngành điện toán (computer) vẫn còn là một thuật ngữ rất xa lạ đối với đại đa số trong chúng ta. Ngày nay, kiến thức về computer đã trở nên rất phổ thông và computer đã được sử dụng rộng rãi trong hầu hết mọi lãnh vực của đời sống của con người. Ứng dụng của computer trong nhiều lãnh vực thực sự đã mang lại những thành quả rất lớn lao. Tuy nhiên, theo John Ward và Pat Griffiths (1996), thì những thành quả này chỉ có được nếu hội đủ bốn điều kiện sau đây.

1) Trước hết, những người hoạch định việc ứng dụng computer phải hiểu rõ cái lãnh vực mà mình muốn ứng dụng. Họ phải nắm vững lãnh vực nào có thể computer hóa được, lãnh vực nào vẫn phải làm như bình thường.

2) Thứ hai, họ phải có kiến thức tối thiểu về khả năng của computer. Điều gì computer thực sự làm được, điều gì thực ra chỉ là huyền thoại từ những quảng cáo của các công ty điện toán, từ những lời đồn đại vô căn cứ, hoặc từ sự thiếu hiểu biết.

3) Thứ ba, cần phải có một kế hoạch chi tiết để đề phòng những hệ quả xấu.

4) Cuối cùng, phải có sự theo dõi và điều chỉnh kịp thời những trường hợp xảy ra ngoài dự liệu.

Việc dùng computer ở các trường trung học lại càng phải thận trọng hơn vì nó có tác động trực tiếp và sâu rộng đến mức độ lĩnh hội của học sinh, và sự phát triển hài hòa của các em (Valdemar, 1995).

Hiện nay, bộ giáo dục ở các tiểu bang đều có những ủy ban, hoặc những chuyên gia chuyên lo việc soạn thảo nội dung cho bộ môn computer và kế hoạch ứng dụng computer cho các bộ môn khác. Nhìn chung, việc đưa computer vào hệ thống giáo dục phổ thông ở Úc đang đi theo một chiều hướng rất thận trọng. Thế nhưng, trong phạm vi gia đình, do computer càng ngày càng rẻ, nhiều bậc cha mẹ gần như không cân nhắc đến việc lợi – hại khi mua computer cho con em. Nhiều người do sự suy nghĩ nông cạn cho rằng computer là một dụng cụ học tập vạn năng, hoặc do thấy người ta có, nhà mình cũng phải có, hoặc do sốt ruột sợ con mình không bằng con người ta nên cũng cố gắng sắm cho được computer, dù chưa có những hiểu biết tối thiểu về computer, và không có cả thời giờ để xem con mình sử dụng computer như thế nào.

Valdemar đã làm một cuộc thăm dò và thử nghiệm đối với 1000 học sinh người Ba Tây có computer ở nhà. Kết quả có đến 56% các em chỉ dùng computer để chơi game, 67% các em bỏ ra trên 2 giờ mỗi ngày để dùng computer vào những việc không liên quan gì đến chuyện học, 14% các em thức rất khuya không phải để học bài nhưng để tán dóc (chat), chuyện trò với các em khác trên Internet.

1) SO SÁNH TRUYỀN THÔNG TRÊN INTERNET VÀ CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG KHÁC

Mỗi phương tiện truyền thông hiện đại đều có những ưu khuyết điểm riêng. Cái này không thể thay cho cái khác nhưng chúng bổ túc lẫn cho nhau. Truyền thông trên Internet cũng không tránh khỏi đinh  luật này. Tuy nhiên, có thể thấy ngay lập tức những ưu điểm rất nổi bật của việc truyền thông qua mạng lưới Internet.

Trước hết, trong khi truyền hình chỉ cho phép truyền hình ảnh, truyền thanh chỉ cho phép truyền âm thanh và báo chí chỉ cho phép truyền văn bản, Internet cho phép cho chúng ta truyền tất cả các loại thông tin nói trên trong cùng một lúc. Tỷ dụ, bạn có thể trông thấy Đức Giáo Hoàng, nghe tiếng ngài lần chuỗi mân côi và nhìn thấy bản văn ngài đang đọc để đọc theo cùng một lúc như nhau.

Truyền thông trên Internet mang tính toàn cầu. Báo chí, truyền hình truyền thanh chủ yếu mang tính khu vực (local). Trước đây, chủ yếu chỉ có người Việt định cư ở Âu Châu là đọc được Dân Chúa Âu Châu. Bây giờ Dân Chúa Âu Châu lên Internet, người Việt khắp nơi trên thế giới đọc được Dân Chúa Âu Châu cách dễ dàng.

Truyền thông trên Internet có thể tiếp cận được với một số rất lớn khán, thính, độc giả. Điều đó có được trước hết là do tính toàn cầu của Internet. Henry Edward Hardy (1996) ước lượng mỗi ngày có từ 250,000 tới 500,000 người sử dụng InternetCác chuyên gia ước lượng con số này phải lên đến hơn 800,000 trong năm 1997 và 1,200,000 trong năm 1998.  Con số này chắc chắn đã gia tăng hiện nay và dĩ nhiên là khác hẳn so với trước đây theo như Hardy và các chuyên gia ước tính. Thứ nữa, giống như sách báo, tài liệu phát trên Internet có thể được duy trì trong thời gian rất lâu. Sóng truyền hình, truyền thanh đến mắt, tai người nghe là mất ngay. Ai không nghe, không coi kịp thì đành chịu. Mặt khác, các tài liệu trên Internet có thể được lấy xuống (download) và truyền đi bằng các phương tiện truyền thông khác để đến với một nhóm khán, thính, độc giả mới. Một bài viết, hay chia sẻ lấy từ Internet gần như đã sẳn sàng để in vào một trang sách báo.

Có thể tóm tắt những thành tựu gần đây của ngành truyền thông trên Internet như sau. Thứ nhất, người ta đã có thể trao đổi, chia sẻ cho nhau không chỉ là những dòng văn bản mà còn hình ảnh, âm thanh nữa. Thứ hai, việc tìm kiếm trên mạng nhện toàn cầu (World Wide Web =www) đã đạt đến mức cực nhanh. Trong nhiều trường hợp, tìm một tài liệu trên mạng nhện toàn cầu còn nhanh hơn tìm một địa chỉ trong cuốn niên giám điện thoại. Chẳng hạn, nếu bây giờ bạn muốn đọc thơ Hàn Mặc Tử, bạn có thể đánh vào trên màn ảnh computer  “Han Mac Tu”, máy sẽ tìm cho bạn các tập thơ Hàn Mặc Tử rải rác khắp nơi trong các Web site của người Việt trong nháy mắt.

2) KHẢ NĂNG THỰC SỰ CỦA COMPUTER TRONG GIÁO DỤC HỌC SINH BẬC TRUNG HỌC

Nhìn chung, computer có bốn ứng dụng chính trong chương trình giáo dục phổ thông. Ứng dụng thứ nhất, khởi xướng bởi Seymour Papert, là sử dụng lập trình điện toán (computer programming) để phát triển khả năng suy luận toán học của học sinh. Theo phương pháp Papert, học sinh dùng một ngôn ngữ lập trình (programming language) rất đơn sơ là LOGO với các lệnh đơn giản là tiến, lùi, quay trái, quay phải để chỉ đường cho một con logo di chuyển từ vị trí này đến vị trí khác. Phương pháp này giúp cho học sinh làm quen với việc hoạch định các bước cần thiết theo một trình tự hợp lý để giải quyết một vấn đề. Trình tự này thường được gọi là thuật giải (algorithm).

Ứng dụng thứ hai của computer là chương trình hóa các môn học. Bài học, bài thực hành và các câu hỏi ôn tập được viết thành các chương trình điện toán để học sinh tự học. Theo Bower (1995), 85% các nhu liệu điện toán dành cho giáo dục đang bán trên thị trường là thuộc dạng này.

Các chương trình điện toán này thường tận dụng các kỹ thuật hiện đại về âm thanh, mầu sắc, hình vẽ (graphics), hoạt họa (animation) … nên rất thành công. Đối với học sinh tiểu học, các chương trình này đặc biệt dễ thu hút các em vì hầu hết chúng được biên soạn theo phương pháp học mà chơi, chơi mà học. Học sinh trung học cũng rất thích các chương trình loại này vì nó có vẻ bớt trừu tượng và đỡ khô khan hơn những bài học ở trường. Về mặt sư phạm các chương trình này nếu được biên soạn công phu cũng giúp cho việc truyền thụ kiến thức được chính xác, nhất là những chương trình học sinh ngữ, hay những đề tài đã được chuẩn hóa.

Tuy nhiên, các chương trình này cũng còn rất nhiều khuyết điểm. Thứ nhất, các chương trình này không đánh giá được trình độ học sinh cách toàn diện. Để đánh giá mức độ lĩnh hội của học sinh, phần lớn các chương trình dùng những câu hỏi trắc nghiệm. Học sinh đánh vào máy, hoặc nhấn vào các nút trên màn hình để trả lời. Chương trình không đánh giá được một bài luận văn, cũng không đọc được một bài toán chứng minh do học sinh làm. Thứ hai, các chương trình không chẩn đoán nổi tại sao các em mắc phải sai lầm để có những hướng dẫn thích hợp. Trả lời đúng thì máy hoan hô, trả lời sai thì máy bảo sai, cùng lắm cho một hướng dẫn rất chung chung. Thứ ba, học sinh cũng không thể nêu thắc mắc vì máy không thể làm những việc nó chưa được lập trình. Thứ tư, khi trả lời, học sinh bắt buộc phải theo những ước lệ của chương trình điện toán. Những ước lệ này được đặt ra bởi những người biên soạn chương trình và tuỳ thuộc phần lớn vào khả năng của lập trình viên, nên đôi khi có thể gây mâu thuẫn với những điều các em được học ở nhà trường. Thứ năm, chương trình học thay đổi theo thời gian, theo từng quốc gia, từng tiểu bang. Hai trường trong cùng một thành phố cũng có thể có chương trình học khác nhau. Do đó, kiến thức trình bày trong các chương trình này không có gì bảo đảm là nằm trong phạm vi chương trình học của các em.

Tuy còn nhiều khuyết điểm, nhưng công tâm mà nói, những chương trình này khá thành công và một số khuyết điểm hiện nay có thể khắc phục được theo đà tiến của kỹ thuật điện toán. Thành công của các chương trình này làm cho nhiều người, chẳng hạn như Skinner (1989), tin rằng có thể dùng máy thay cho thầy cô giáo. Thực tế và lý luận khẳng định rằng quan điểm đó là sai lầm. Dù có khắc phục được hết các khuyết điểm nêu trên, máy vẫn không thể nào thay cho thầy cô giáo được. Về phương diện luân lý, quan điểm của hệ thống giáo dục Công Giáo rất rõ ràng về vấn đề này. Chúng ta dạy người (bao gồm huấn luyện và đào tạo), chứ không chỉ dạy hay truyền đạt những kiến thức suông. Qua việc tiếp xúc với thầy cô giáo và bạn bè cùng lớp, học sinh hình thành và phát triển những tình cảm, những chuẩn mực đạo đức, và những quan hệ xã hội với người khác. Về phương diện sư phạm, máy rất cứng nhắc không thể thay đổi theo đối tượng và tình huống cụ thể. Khi dạy trẻ, với những học trò ngoan thầy cô nói theo cách này, với những em rắn mắt hay nghịch ngợm, họ nói theo cách khác. Họ cũng nhìn phản ứng của trẻ mà thay đổi thái độ cho phù hợp, lúc ôn tồn, dịu dàng, lúc nghiêm khắc, lúc giảng giải chi tiết, lúc nhấn mạnh những điểm quan trọng, lúc chỉ lướt qua.

Theo Bower, các chương trình này chỉ thành công nếu như có sự tích cực tham gia của phụ huynh để có sự điều chỉnh kịp thời, đặc biệt với các chương trình dành cho học sinh tiểu học và học sinh ở những năm đầu trung học. Cuối cùng, có một điểm quan trọng bạn cần lưu ý. Khi mua những nhu liệu điện toán loại này, bạn phải cân nhắc cho kỹ. Bạn có thể mua nhầm một chương trình không có liên quan gì hoặc liên quan rất ít đến chương trình con bạn đang học. Do đó, nên hỏi kỹ trước khi mua.

Ứng dụng thứ ba của computer là mô phỏng hóa (simulation). Thay vì quan sát hay thực hiện những thí nghiệm thực sự trong phòng thí nghiệm hay tại hiện trường, computer có thể được dùng để thay thế các quan sát và thí nghiệm này. Computer cũng còn được dùng để mô phỏng những thí nghiệm mà thông thường không thể thực hiện trong phòng thí nghiệm do khống chế bởi thời gian và phương tiện. Sự tuần hoàn của máu trong cơ thể con người, sự di chuyển của các electron… là các thí dụ điển hình. Các kỹ thuật hiện đại như hình ảnh, âm thanh, hoạt họa nếu được tận dụng có thể làm cho những mô hình này trông rất giống thật.

Cuối cùng computer còn được sử dụng qua các software thông dụng như các chương trình xử lý văn bản (word processing/ microsoft word), các bảng tính điện tử (spreadsheet), các hệ thống quản trị dữ liệu (database) và các chương trình khác ít thông dụng hơn như âm nhạc, vẽ kiến trúc (computer design) vẽ đồ họa (graphics)…Trong các chương trình nói trên, có thể nói chương trình xử lý văn bản và các bảng tính điện tử, đặc biệt đóng một vai trò quan trọng đối với học sinh các năm cuối bậc trung học. Các chương trình xử lý văn bản giúp học sinh trình bày bài làm cách gọn gàng đẹp đẽ và rõ ràng. Theo sự nhận xét của Trevor Kerr (1993), thì  các học sinh, hay sinh viên viết bài (assignment, report, essay, research..) bằng computer luôn luôn có điểm trung bình cao hơn các học sinh, sinh viên viết tay. Bảng tính điện tử giúp học sinh tính toán nhanh. Nó là dụng cụ đắc lực để giải quyết các bài toán liên quan hàng loạt những con toán dài lê thê.

Có hai điểm bạn cần chú ý khi các em dùng các chương trình xử lý văn bản và các bảng tính điện tử. Thứ nhất, với các em đang học tiểu học. Không nên cho các em dùng các chương trình xử lý văn bản để kiểm tra lỗi chính tả và văn phạm. Các em phải biết tự tra từ điển và ghi nhớ. Dùng computer, các em sẽ lười ghi nhớ và mắc hoài lỗi chính tả (Spinner).

Thứ hai, chương trình ở các trường trung học phổ thông hầu như mang nặng tính chất  lý thuyết, vì các trường này không có chủ trương dạy nghề. Do đó, các thầy, cô giáo chỉ dạy lướt qua các software[2] coi như để minh họa cho bộ môn computer hay bộ môn đánh máy (typing). Nói cách khác, nhà trường chỉ dạy một cách lướt qua các chức năng chính của các software. Do đó, có nhiều chức năng của các software các em không hề biết. Thành thử, các em không tận dụng được hết các khả năng của các software đó, trừ phi có ai biết chỉ thêm cho các em. Càng biết nhiều chức năng, các em càng tiết kiệm được thời gian. Đó chính là lý do tại sao có mục Computer trên báo Dân Chúa Úc Châu do anh Đặng Minh An phụ trách. Bạn nên xem qua và cùng lúc hướng dẫn, khuyến khích các em đọc mục này.

B) NHỮNG MẶT TIÊU CỰC CỦA VIỆC SỬ DỤNG COMPUTER VÀ INTERNET

Việc dùng computer không chỉ mang lại những điều tiện lợi. Nó cũng có thể mang lại những bất lơị và nguy hại nghiêm trọng. Tôi chỉ xin mạn phép được đề cập đến hai nguyên nhân chủ yếu gây ra những tai hại này là computer games và internet.

1. Computer games:

Theo Daniel Chandler (1994), computer games chiếm hơn 85% các nhu liệu điện toán. Có thể chia các computer games thành 5 loại chính:

– Arcade games:  gồm những trò chơi đòi hỏi người dùng phản ứng thật nhanh;

– mô hình (simulation), đòi hỏi người chơi phải có kế hoạch phân công, điều hành hoạt động của những thành phần trong mô hình, chẳng hạn, một thành phố với xe cộ tấp nập;

– chiến lược (strategy), đòi hỏi người chơi phải tính toán đi bước nào trước, bước nào sau;

– thám hiểm (adventure), đòi hỏi người chơi phải mưu trí và phản ứng nhanh để có thể sống sót hầu có thể thám hiểm càng sâu càng tốt;

– và cuối cùng là các trò chơi mang tính giáo dục (vô cùng hiếm hoi).

Nhiều phụ huynh cho rằng computer games là vô thưởng vô phạt, chẳng qua chỉ là trò giải trí sau những giây phút mệt nhọc. Điều này xét cho kỹ thì có lẽ không đúng cho lắm vì:

Các loại games thuộc loại arcade và thám hiểm chiếm một tỉ lệ rất lớn (90-95%, Thomas Malone (1992). Trong các loại games này người chơi phải bắn giết hàng loạt. Bắn giết vô tội vạ. Bắn giết càng nhanh càng tốt. Điều này trực tiếp cổ võ những tư tưởng bạo lực đi nghịch lại với điều răn của Thiên Chúa, tỷ dụ, điều răn thứ năm: chớ giết người. Một khi các trẻ em quen dần với những cảnh tượng này, sử dụng bạo lực để giải quyết các khó khăn với thầy cô giáo, và các trẻ em khác sẽ là ý tưởng đến với chúng rất mau lẹ (Valdemar).

Computer games thường trình bày những điều không có thật. Trong các trò chơi, người dùng không bị chi phối bởi các định luật vật lý. Thời gian có thể quay ngược lại, chết mạng này còn mạng khác. Người lớn có thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Trẻ em chưa phát triển được khả năng đó. Thành thử, chúng có thể gặp những nguy hiểm do những hiểu lầm gây ra bởi các trò chơi điện tử. Tại Anh Quốc và nước Mỹ, một vài trẻ em dưới tuổi vị thành niên đã mang bản án giết người. Quan tòa thẩm vấn các em, sau đó mới khám phá ra các em học được thuật giết người từ những Computer games mà các em hay chơi.

Tò mò là đặc tính cố hữu của trẻ em. Do đó, khi đã chơi thì phải chơi cho đến giai đoạn cuối cùng (cũng như một số anh chị em, người lớn chúng ta coi phim tập của Hong Kong vậy). Với những games lớn gồm nhiều giai đoạn, có khi phải chơi hàng tháng mới xong. Việc học, do đó, đâm ra bê trễ.

Về mặt y học, ngồi hàng giờ trước máy computer với những mầu sắc rực rỡ rất có hại cho mắt các em. Nhịp tim đập nhanh hơn bình thường – khi chơi các trò chơi Arcade games hay thám hiểm – có thể gây ra những xáo trộn về tim và hệ thần kinh.

 2. Internet:

Internet là một nguồn tài nguyên vô tận. Tuy nhiên, rất ít nhà giáo dục khuyến khích việc dùng Internet cho học sinh bậc trung học trong phạm vi gia đình vì:

Kiến thức phổ thông mang tính kinh điển, nghĩa là, thường không cần phải cập nhật hóa từng ngày, từng tháng, từng năm. Những kiến thức ấy học sinh có thể tra cứu bằng các phương tiện rẻ hơn nhiều. Chẳng hạn, bạn có thể mua một CD bách khoa từ điển (encyclopedia) với giá vài chục đô la. Ngược lai, nếu nối vô mạng Internet, bạn có thể phải trả vài trăm đô la mỗi năm chưa kể tiền điện thoại cho mỗi lần gọi. Cho nên, trừ phi bạn đã nối sẵn vào Internet vì những mục đích khác, không nên bỏ tiền nối vào Internet chỉ để cho con bạn học, nếu các em chưa ở vào trình độ đại học.

Lang thang trên Internet – từ chuyên môn gọi là surf – con em của các bạn có thể nhìn thấy những hình ảnh xấu, những tuyên truyền bạo lực, thù hận chủng tộc, sự cổ võ cho những lối sống, những tư tưởng chống lại sự giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo.

Rất nhiều học sinh thức thâu đêm không phải để học bài nhưng để (chat) có nghĩa là: tán dóc, nói chuyện gẫu, đấu láo với những em khác trên thế giới.  Tuy nhiên, cũng có những người sử dụng phương tiện này để tìm bạn bốn phương và có kẻ đã nên duyên nghĩa vợ chồng, xây dựng tổ ấm gia đình vơí nhau sau khi đã vô Internet.

Về phương diện giáo dục, bạn nên biết qua những thông tin sau đây về Internet.

Không ai làm chủ Internet cả. Các mạng thông tin (network) trên thế giới tự nối với nhau hình thành Internet.

Khi bạn nối vào Internet, các hình ảnh khỏa thân (nude picture) mang tính cách khêu gợi tính dục, không tự nhiên xuất hiện trên màn hình. Tuy nhiên, nếu muốn nhìn những hình ảnh này thì hoàn toàn không mấy khó và không gặp bất cứ một cản trở nào. Các em thậm chí không cần mách bảo lẫn nhau vẫn có thể biết làm cách vào những chỗ này.

Hiện nay, đã có những nhu liệu điện toán nhằm cản trở trẻ em xâm nhập vào những chỗ không hay này. Những nhu liệu này thường được biết đến với tên chung là Internet filter. Có nhiều nhu liệu được cho không (sử dụng miễn phí). Bạn có thể lấy xuống và cài vào máy. Những nhu liệu này ghi nhớ địa chỉ của những Web sites (nhằm phổ biến những hình ảnk có tính cách khêu gơị) và những từ ngữ liên quan đến sex. Khi người sử dụng Internet muốn vào những địa chỉ này, thông thường họ hay đánh những chữ chính (keyword) liên quan tới sex để tìm những địa chỉ, computer sẽ từ chối. Tuy nhiên, bạn phải thường xuyên lấy xuống (download) hoặc mua những chương trình mới, vì các Web site loại này đang mọc lên như nấm.

Ở các nước Âu Mỹ, tất cả các cố gắng hiện nay để hạn chế những hình ảnh khỏa thân, có tích cách khêu gợi vấn đề tính dục, hơn là để phô trương vẻ đẹp tư nhiên mà thượng đế đã ban tặng cho con người, hầu như đều thất bại dưới áp lực của nhóm người không tốt, vì mục đích và chủ trương của họ là chỉ để kiếm tiền.

Gần đây nhất là thất bại của quốc hội và tổng thống Mỹ. Năm 1994, thượng nghị sĩ Mỹ James Exon của tiểu bang Nebraska dựa vào tài liệu của Marty Rimm, đăng tải trên báo Time để hô hào và đề nghị vơí chính phủ Mỹ đưa ra một dự luật kiểm soát tất cả các hãng thông tin phát và nhận trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Dự luật này thất bại vì trong tài liệu của Marty Rimm có nhiều chi tiết không đúng sự thật và nhiều con số đã được thổi phồng quá đáng với mục đích gây xúc động mạnh trong dân chúng. Tuy nhiên, một phần trong những cố gắng của James Exon, dự luật về sự đứng đắn trong truyền thông (Communication Decency Act), gọi tắt là CDA, để chống những hình ảnh thiếu tính cách lành mạnh trên Internet, được lưỡng viện quốc hội và tổng thống Mỹ ủng hộ. Ngày 14 tháng 6 năm 1995, thượng viện Mỹ thông qua CDA với 84 phiếu thuận trên 16 phiếu chống. Ngày 4 tháng 8 năm 1995 hạ viện Mỹ thông qua CDA với đa số áp đảo 420 phiếu thuận và 4 phiếu chống. Ngày 8 tháng 2 năm 1996, tổng thống Mỹ ký CDA theo đó những tổ chức hay cá nhân nào trên lãnh thổ Hoa Kỳ đưa những hình ảnh dâm ô lên Internet sẽ bị phạt 250,000 đô la và có thể bị tù đến 5 năm. Các tổ chức chống CDA kiện lên tối cao pháp viện. Ngày 26 tháng 6 năm 1997, tối cao pháp viện tuyên bố CDA là vi hiến vì nó vi phạm cái quyền lợi căn bản của con người, đó là quyền tự do ngôn luận và phát biểu.

Tuyên bố của tối cao pháp viện Mỹ đã mang lại sự thất bại  hoàn toàn cho dự luật về sự đứng đắn trong truyền thông (Communication Decency Act).

Ở các nước Âu Châu và Úc Châu, một số nghị sĩ và dân biểu đã bày tỏ sự quan tâm của họ trước những nguy hại có thể xảy đến cho tầng lớp giới trẻ, trước sự bành trướng mỗi ngày một rộng lớn của các Web Sites chuyên quảng cáo những tư tưởng và hình ảnh không được lành mạnh cho lắm trên mạng lưới Internet. Họ lên tiếng đòi chính phủ điạ phương nên có những biện pháp cụ thể, nhưng tới nay chưa có một cố gắng chính thức nào về việc này.

Ở Singapore, sau khi một nhóm học sinh trung học ở Singapore bị bắt quả tang vì đã mang những hình ảnh khỏa thân tới trường, báo chí Singapore đã làm rùm beng. Sự căm phẫn của dân chúng lên đến mức chính quyền phải ra một đạo luật kiểm duyệt Internet gắt gao nhất trên thế giới.

Nhưng ngược lại, tại một vài quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là các nước mà nhân quyền của con người không được tôn trọng, thì các nhà chính quyền tại đây chụp lấy cơ hội này để cấm luôn các thông tin không có ích lợi cho chế độ của họ, được đăng tải và phổ biến trên mạng lưới Internet.

Hiện nay với Google search engine – www.google.com (tiếng Anh) hoặc bằng tiếng Việt –http://www.google.com.vn – qúy vị và các bạn có thể tìm một cách dễ dàng bất kỳ websites nào hoặc bất cứ điều gì mà qúy vị muốn tham khảo, chỉ việc đánh các chữ chính hoặc cần thiết cho lãnh vực mà mình muốn tìm kiếm, rồi nhấn nút search (tìm kiếm), sau đó trên màn hình sẽ hiện ra các websites có thông tin mà các bạn muốn tìm kiếm. Qúy vị và các bạn chỉ cần lựa chọn và đọc những trang thông tin nào có liên quan đến lãnh vực mà mình cần học hỏi hay tham khảo.


[1] . INTERNET là một hệ thống gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau trên phạm vi toàn thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ truyền thông dữ liệu, như đăng nhập từ xa, truyền các tệp tin, thư tín điện tử, và các nhóm thông tin. Internet là một phương pháp ghép nối các mạng máy tính hiện hành, phát triển một cách rộng rãi tầm hoạt động của từng hệ thống thành viên. Nguồn gốc đầu tiên của Internet là hệ thống máy tính cuả Bộ Quốc Phòng Mỹ, gọi là mạng ARPAnet, một mạng thí nghiệm được thiết kế từ năm 1969 để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác khoa học trong các công trình nghiên cứu quốc phòng. ARPAnet đã nêu cao triết lý truyền thông bình đẳng ( peer-to-peer), trong đó mỗi máy tính của hệ thống đều có khả năng “nói chuyện” với bất kỳ máy tính thành viên nào khác. Bất kỳ mạng máy tính nào dựa trên cơ sở thiết kế của ARPAnet đều được mô tả như một tập hợp các trung tâm điện toán tự quản, mang tính địa phương và tự điều hành, chúng được liên kết dưới dạng “vô chính phủ nhưng có điều tiết”. Sự phát triển thiết kế của mạng ARPAnet đơn thuần chỉ do những yêu cầu về quân sự: Mạng này phải có khả năng chống lại một cuộc tấn công có thể vô hiệu hoá một số lớn các trạm thành viên của nó. Tư tưởng này đã được chứng minh là đúng khi Mỹ và các đồng minh tham gia vào cuộc chiến tranh vùng Vịnh. Sự chỉ huy và mạng kiểm soát của Irak, được tổ chức mô phỏng theo công nghệ ARPAnet, đã chống lại một cách thành công đối với các nổ lực của lực lượng đồng minh nhằm tiêu diệt nó. Đó là lý do tại sao công nghệ có nguồn gốc từ ARPAnet hiện nay đang được xuất cảng một cách rộng rãi. Mạng Internet nguyên thuỷ được thiết kế nhằm mục đích phục vụ việc cung cấp thông tin cho giới khoa học, nên công nghệ của nó cho phép mọi hệ thống đều có thể liên kết với nó thông qua một cổng điện tử. Theo cách đó, có hàng ngàn hệ máy tính hợp tác, cũng như nhiều hệ thống dịch vụ thư điện tử có thu phí, như MCI và Compuserve chẳng hạn, đã trở nên thành viên của Internet. Với hơn hai triệu máy chủ phục vụ chừng 20 triệu người dùng, mạng Internet đang phát triển với tốc độ bùng nổ, mỗi tháng có thêm khoảng một triệu người tham gia mới.
[2] .   Phần mềm – Các chương trình hệ thống, tiện ích, hoặc ứng dụng, được diễn đạt theo một ngôn ngữ mà máy tính có thể đọc được.
Previous articleNgười Làm Công Tác Truyền Thông: Thừa Tác Viên Mới Trong Công Cuộc Truyền Giáo Mới
Next articleNgười Điên Có Thể Làm Thánh Không?