TẠI SAO CÁC NỮ TU ĐỘI LÚP ?

22
19 août 2011 : Joie d'une religieuse de Iesu Communio lors de la rencontre de BXVI avec des religieuses à l'occasion des JMJ 2011, L'Escorial, San Lorenzo de El Escorial, Espagne. 2011 August 19th : BXVI meets academics and nuns during WYD 2011, the Escorial, San Lorenzo de El Escorial, Spain

TẠI SAO CÁC NỮ TU ĐỘI LÚP ?

Nó là một phần của tu phục, và đại đa số nữ tu thánh hiến, đan sĩ hay tông đồ, đều đội nó để che tóc. Nhưng khăn lúp che đầu này đến từ đâu ?

Trắng, nâu, xanh, đen, xám…, khăn lúp là biểu hiện tuyệt vời của các nữ tu. Việc sử dụng nó có trước những thời gian đầu tiên của Giáo hội, và về mặt lịch sử thuộc về truyền thống và văn hóa, trước khi bao trùm chức năng tôn giáo mà chúng ta biết ngày nay. Chẳng hạn, vào thời Chúa Kitô, phụ nữ trùm đầu che mặt vì văn hóa : ở Đông cũng như ở Tây phương, người ta gặp thấy truyền thống này thậm chí có trước các tôn giáo mặc khải mà vẫn chưa xác định được ngày xuất hiện chính xác của nó.

Theo Odon Vallet, nhà sử học về tôn giáo, lần đầu tiên đề cập đến việc bắt buộc mang nó đối với con gái, vợ và thê thiếp của những người đàn ông tự do và đối với các điếm thánh đã kết hôn được chứng thực từ triều đại của vua người Assyria Téglat Phalazar Ier (khoảng 1100 trước Công nguyên). Ông đảm bảo với những người mang nó sự bảo vệ bằng cách chứng tỏ rằng thân thể của họ không được chạm đến, trái với những phụ nữ không trùm đầu che mặt.

Cựu Ước cũng đề cấp đến việc sử dụng nó : lúc đó truyền thống quy định rằng cô dâu chỉ bỏ mạng che mặt trong sự thân mật ở chốn loan phòng. Chính như thế mà Giacóp, người nghĩ rằng mình cưới Rakhen, cuối cùng thấy mình kết hợp với Lêa (Stk 29, 26). Trong Tân Ước, khăn trùm đầu che mặt của Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai mà thánh Phaolô khuyên mang trong buổi thờ phượng không phải là không gợi nhớ khăn trùm đầu che mặt của các trinh nữ tư tế của Rôma cổ đại, được dành riêng cho nữ thần Vesta, một chiếc khăn vốn đã là một dấu hiệu đặc biệt của sự thánh hiến để cuối cùng tạo nên một « biểu tượng của siêu hình học » thực sự, theo Gertrud Von Le Fort trong Die ewig Frau [Người nữ vĩnh hằng], vì nó là thứ làm cho đối tượng mà nó bao phủ trở nên vô hình và bảo vệ sự thân mật của họ.

Một dấu hiệu hữu hình cho thế giới

Gertrud von Le Fort tiếp tục nhấn mạnh rằng theo truyền thống, tất cả những khoảnh khắc trọng đại trong cuộc đời của một người nữ đều được ghi dấu bằng việc mang khăn trùm đầu che mặt : hôn nhân, để tang và thánh hiến. Chiếc khăn trùm đầu che mặt của cô dâu trong ngày cưới chỉ là hình ảnh thoáng qua của chiếc khăn lúp mà nữ tu mang hằng ngày trong đời sống tu trì. Người nữ tu đội lúp như một dấu chỉ của sự thánh hiến. Nó không phải là sự phủ nhận nữ tính, nhưng có nghĩa là từ nay trở đi họ được hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa và cũng thế, nó không phải là một nghĩa vụ, nhưng là một sự hy sinh ưng thuận vì từ bỏ việc « bỏ khăn che » cho thế giới thấy biểu hiện nữ tính là mái tóc. Do đó, tu phục là một dấu hiệu hữu hình cho thế giới nhằm phân biệt người mang nó và như thế đánh dấu sự thánh hiến tu trì của họ.

Thánh Têrêsa Avila nhấn mạnh : « Đúng là chúng ta những người mặc tu phục Cát Minh này, chúng ta được mời gọi cầu nguyện và chiêm niệm ; đây là thiết chế đầu tiên của chúng ta, và chúng ta là nữ tử của những người Cha thánh của Núi Cát Minh, những người khi coi thường mọi sự trên thế giới, đã tìm kiếm giữa sự cô tịch sâu xa nhất kho tàng phong phú và viên ngọc quý giá mà chúng ta đang nói đến này ».

Tý Linh

(theo Morgane Afif , Aleteia)

Previous articleSỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI ÔNG BÀ VÀ NGƯỜI CAO TUỔI 2023
Next articleĐTC Phanxicô gặp gỡ trẻ em tại trại hè Vatican