Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật (Mc 12, 35-37)
Thánh Tâm của Lòng Chúa Thương Xót
- Trong các sách Tin Mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn bị chất vấn bởi các người Pharisêu, các Kinh sư, phe Hêrôđê, nhóm Sađốc… Hôm nay thánh sử Marco cho thấy chính Chúa Giêsu chất vất họ. Người đặt vấn đề về nguồn gốc của mình. Người hỏi họ: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là Con Vua Đavít? Còn chính vua Đavít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân con. Chính vua Đavít gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?” (Mc 12, 35-37). Họ bí không trả lời được, nhưng đám đông dân chúng thì nghe cách thích thú.
Kinh Thánh cho chúng ta biết, Chúa Giêsu giáng thế làm người thuộc dòng dõi vua Đavít. Ông Giuse đã thành hôn với bà Maria nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà Maria đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse là người công chính và không muốn tố giác bà, nên định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 2, 18-21). Chúng ta lưu ý lời của Thiên Thần: “Này ông Giuse, con cháu Đavit”. Thế thì về nhân tính thì Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua Đavít, chính Thiên Thần đã nói như vậy.
Người mù thành Giêricô ngồi bên vệ đường, khi nghe biết Chúa Giêsu đang đi qua, anh liền lớn tiếng kêu: “Lạy con vua Đavít, xin rũ lòng thương tôi”. Chúa Giêsu đứng lại, cho gọi anh ta lại và chữa cho anh được nhìn thấy (Mc 10, 47-49).
Chúa Giêsu không chối mình là con vua Đavit. Nhưng Người mặc khải cho biết rằng Ngài cũng là Con Thiên Chúa. Người Do Thái ném đá Chúa Giêsu. Người hỏi họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; việc nào mà các ông ném đá tôi?”. Họ đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10 32-34). Rồi khi thượng tế Caipha hỏi Chúa Giêsu trước toàn thể thượng hội đồng: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không?”. Đức Giêsu trả lời: “Chính như ngài vừa nói. Hơn nữa tôi nói cho các ông hay: từ nay các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”. Vị thượng tế xé áo mình ra và nói: “Hắn nói phạm thượng”. Không chịu tin.
Thánh Gioan, người môn đệ được Chúa yêu mến, đã ngã đầu vào ngực Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly, đã chạy nhanh ra mồ khi Chúa Phục sinh, đã thấy, đã tin, và đã làm chứng trong Tin Mừng của ngài như sau: “Từ khởi thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Chúa Giêsu là Ngôi Lời, Người là Thiên Chúa, đến từ Chúa Cha và mạc khải cho chúng ta biết Chúa Cha.
Vì thế Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật. Chúa Giêsu có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại, thiên tính và nhân tính. Chúng ta tin và tuyên xưng trong kinh Tin Kính. Một Thiên Chúa làm người nhưng tự nguyện chấp nhận khó nghèo để được gần gũi với những người nghèo khó, những người đau yếu bệnh tật và bị bỏ rơi. Một Thiên Chúa chấp nhận đau khổ hy sinh và chết sỉ nhục trên thập giá vì tình yêu để cứu chuộc nhân loại. Người đã nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34). Đó là con đường duy nhất và điều kiện duy nhất để theo Chúa.
- Hôm nay Thứ sáu đầu tháng, ngày 5 của tháng 6, tháng mà Giáo hội dành để kính nhớ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Kính nhớ Thánh Tâm Chúa Giêsu là kính nhớ tình thương vô cùng của Thiên Chúa đối với nhân loại được bày tỏ qua con người Đức Giêsu Kitô và nhất là trong cái chết trên thập giá vì tội lỗi loài người. Thánh Tâm Chúa Giêsu đã bị đâm thâu đổ hết giọt máu cuối cùng là bằng chứng của tình thương và của lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa đối với chúng ta là những người tội lỗi.
Tháng 06 năm 1675, Chúa Giêsu hiện ra với Thánh Nữ Margarita Maria Alacoque cho bà thấy Trái Tim cháy lửa của Người và nói sau: “Hãy nhìn Thánh Tâm Ta, Thánh Tâm đã rất yêu thương nhân loại để biểu lộ cho nhân loại thấy Tình Yêu của Ta. Nhưng Ta nhận được hầu hết chỉ là sự vô ơn, những sự bất kính, những điều phạm thánh, sự nguội lạnh và sự khinh mạn dễ duôi”. Và Chúa hứa: Ta sẽ ban ơn bền đỗ đến cùng cho tất cả những ai rước mình Thánh Chúa liên tục trong 9 ngày thứ Sáu đầu tháng. Họ sẽ không phải chết mà không được lãnh nhận các Bí Tích thánh. Thánh Tâm của Ta sẽ trở thành nơi trú ẩn an toàn cho họ trong giờ phút sau cùng.”
- Lời hứa này cũng giống như lời hứa Chúa Giêsu hứa cho thánh nữ Maria Faustina Kowalska vị tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót mà chúng ta rất quen thuộc. Thánh Faustina thuật lại: Ngày 22/2/1931, vào buổi tối, lúc đang ở trong phòng, tôi được nhìn thấy Chúa Giêsu trong y phục màu trắng. Một tay Người giơ lên trong tư thế ban phép lành, tay kia người chạm vào ngực áo. Từ dưới trang phục, hơi chếch một bên ngực, phát ra hai luồng sáng lớn, một màu đỏ, và một màu xanh nhạt. Trong thinh lặng, tôi chiêm ngắm Chúa; linh hồn tôi bàng hoàng trong niềm kính sợ, nhưng cũng dạt dào hoan lạc. Sau một lúc, Chúa Giêsu phán bảo tôi: “Hãy vẽ một bức hình theo như mẫu con con nhìn thấy, với hàng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”… Chúa nói: “Cha hứa rằng linh hồn nào tôn kính bức hình này sẽ không hư mất. Cha cũng hứa cho họ vinh thắng những kẻ thù ngay trên thế gian này, nhất là trong giờ lâm tử. Chính Cha sẽ bảo vệ họ như vinh quang riêng của Cha” (NK 47,48).
Vì Lòng Thương Xót, Chúa Giêsu đã chết trên thập giá cho chúng ta cách đây hai ngàn năm để chuộc tội chúng ta; vì Lòng Thương Xót, Chúa Giêsu đã hiện ra với thánh nữ Magarita Maria Alacoque năm 1675 dạy phải tôn sùng Thánh Tâm Chúa và Chúa hứa ban ơn trọng đại lúc lâm chung; rồi cũng vì Lòng Thương Xót, Chúa Giêsu lại hiện ra năm 1931 với Thánh nữ Maria Faustina Kowalska, hứa cho linh hồn nào tôn kính bức ảnh LCTX thì sẽ không hư mất, sẽ được bảo vệ trong giờ lâm tử như vinh quang riêng của Chúa.
Tình thương Chúa thật bao la không bờ bến. Chúng ta còn đợi gì mà không đáp lại lời mời của Chúa để được Chúa ban ơn vô cùng trọng đại của LCTX là bảo đảm cho phần rỗi đời đời của chúng ta?
Tóm lại, hôm nay chúng ta xin Chúa cho chúng ta nhớ hai điều để đem ra thực hành:
- Tin Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Nhưng là một Thiên Chúa nghèo hèn, khiêm nhường, vác thập giá đi chịu chết vì chúng ta, và dạy chúng ta: nếu muốn theo Người thì phải vác thập giá mà theo.
- Đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu là kính nhớ Thánh Tâm Chúa, rước lễ Thứ sáu đầu tháng; và tôn kính ảnh LCTX. Lạy Chúa Giêsu con tín thác vào Chúa. Amen.
Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương