THỬ LÍ GIẢI Ý NGHĨA CỦA MỘT SỐ BỨC CHẠM TẠI NHÀ NGUYỆN TRÁI TIM ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI TRONG QUẦN THỂ NHÀ THỜ LỚN PHÁT DIỆM

56

THỬ LÍ GIẢI Ý NGHĨA CỦA MỘT SỐ BỨC CHẠM

TẠI NHÀ NGUYỆN TRÁI TIM ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

TRONG QUẦN THỂ NHÀ THỜ LỚN PHÁT DIỆM

Ai đã từng có dịp tới thăm Quần Thể Nhà Thờ Lớn Phát Diệm đều không khỏi ngạc nhiên thán phục trước một công trình vừa nguy nga đồ sộ, nhưng đồng thời lại duyên dáng tinh xảo tới từng chi tiết nhỏ. Dù nhìn toàn cảnh hay nhìn từ một góc nhỏ nào, công trình này đều toát lên một vẻ đẹp vừa bình dị vừa vĩ đại, vừa gần gũi mà lại không tầm thường, bởi vì dường như tác giả của công trình đã gửi gắm nơi từng thớ gỗ, từng viên đá tất cả tâm huyết và bao suy tư nghiền ngẫm dựa trên vốn văn hoá sâu xa và đức tin sống động. Người viết bài này đã có thời gian chiêm ngắm và suy nghĩ về những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời nơi đây, xin được chia sẻ với quí vị gần xa một vài suy tư về phương diện thần học mang tính hội nhập văn hoá, được tác giả của công trình này, tức cha Phêrô Trần Lục, gửi gắm nơi ba bức chạm trên đá tại Nhà Nguyện Trái Tim Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Bức phù điêu trên đá chạm hình cụm sen

Đây là bức phù điêu có chiều cao 0,80 m và chiều rộng 0,60 m, nằm ở mặt bên của bàn thờ chính trong ngôi Nhà Nguyện. Bức phù điêu trình bày một cụm sen với các chi tiết diễn tả vòng đời của cây sen từ khi đâm chồi, thành nụ, nở hoa, hoa già, kết quả, và lá già rũ xuống. Thoáng nhìn, ta không khỏi thán phục đường nét tinh tế mềm mại của toàn bức phù điêu, nhưng có thể nói rằng những tư tưởng mà bức phù điêu này hàm chứa còn đáng thán phục hơn nhiều:

– Trước hết, theo truyền thống người Việt hoa sen vốn là biểu tượng của sự trong sạch, thanh khiết (1): “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Đặt trong tương quan với hai bức phù điêu ở mặt trước của bàn thờ chính giới thiệu giếng niêm phong và vườn rào kín, là hai hình ảnh lấy từ sách Diễm Ca 4, 12, được xem như giới thiệu đức trinh khiết vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria, ta có thể thấy cụm sen chính là hình ảnh diễn tả sự trong sạch và thanh khiết của Đức Mẹ theo phong cách rất Việt Nam.

– Bên cạnh đó, cây hoa sen vốn được coi là loài cây diễn tả được nhiều điểm trong Phật pháp và đã trở thành biểu tượng của Phật giáo (2). Nguyên việc cho chạm hình bông sen trên một bàn thờ Công giáo đã là quá táo bạo nếu xét trong bối cảnh văn hoá và tôn giáo Việt Nam vào thời điểm xây dựng ngôi Nhà Nguyện này, tức là năm 1883, khi phong trào Văn Thân đã gây ra những xích mích trầm trọng giữa đồng bào lương – giáo. Thế nhưng rõ ràng cha Trần Lục còn táo bạo hơn khi cho chạm cả vòng đời cây sen phát triển theo đường tròn: chồi non – trưởng thành – già nua. Nhìn theo nhãn quan Phật giáo, phải chăng đây chính là tư tưởng luân hồi, quan niệm rằng lịch sử tiến triển theo vòng tròn liên tục, cứ sinh ra, phát triển, chết đi; rồi lại sinh ra, phát triển và chết đi? Tuy nhiên, nếu chỉ có thế, thì dẫu bức phù điêu này có đẹp mấy đi nữa, chẳng qua cũng chỉ là một chắp vá gượng ép. Điều khiến cho tác phẩm này trở nên vô cùng độc đáo là ở chỗ: chính giữa bức phù điêu là hình một chiếc lá sen với các đường gân theo hình chữ thập. Chẳng cần phải nói thì ai cũng biết rằng từ hai ngàn năm nay hình chữ thập, hay nói cách khác là cây thập giá đã trở thành biểu tượng của Kitô giáo. Nếu vậy, đây lại chẳng phải là một thông điệp về lòng bao dung tôn giáo sao? Giữa lòng một cụm sen biểu trưng cho Phật giáo, lại xuất hiện hình cây thập giá biểu trưng cho Kitô giáo dưới bề ngoài của những gân lá sen. Một thông điệp vừa kín đáo, lại vừa ý vị: các tôn giáo dù khác biệt đến đâu, vẫn có thể chung sống hài hoà và tốt đẹp với nhau để cùng kiến tạo một bức tranh tuyệt đẹp. Thông điệp này vẫn còn nguyên tính cách thời sự và vô cùng quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện nay.

–  Như vừa trình bày, bức chạm giới thiệu vòng đời của một cụm sen với hình thập giá được lồng ở giữa. Đây lại là một thông điệp quan trọng khác. Nếu nhìn vòng đời của cụm sen như là tượng trưng cho vòng đời nói chung bao gồm những thăng trầm biến đổi, hay nhìn rộng hơn là cả lịch sử nhân loại mãi vẫn xoay vần theo qui luật thịnh – suy, suy – thịnh. Với hình thập giá ở giữa, dường như tác giả của công trình này muốn gửi đi một thông điệp mang tính thần học: sự sống cũng như mọi cuộc vần xoay trong thế giới đều được thập giá của Chúa Giê-su Ki-tô biến đổi và thánh hoá nhờ công trình cứu độ của Ngài.

– Chừng ấy thông điệp trên một bức phù điêu thiết tưởng đã quá phong phú, thế nhưng thông qua bức phù điêu này, hình như tác giả còn muốn gửi gắm một tư tưởng thần học rất quan trọng khác. Cây thập giá, biểu tượng của ơn cứu độ gắn liền với mầu nhiệm Nhập Thể, được kín đáo chạm theo hình chiếc lá sen và những gân lá sen. Sự hiện diện của cây thập giá âm thầm và hài hoà với toàn bức phù điêu tới mức nếu không để ý, người xem khó có thể nhận ra được điều này. Đồng thời sự hiện diện đó cũng rất rõ ràng và không thể lẫn lộn. Điều này Làm ta liên tưởng tới biến cố nhập thể của Con Thiên Chúa. Đức Giêsu là Thiên Chúa thật đã đến sống giữa con người và sống thực sự kiếp người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15). Tên Ngài cũng đã được ghi vào sổ sách của đế quốc Lamã như mọi trẻ Dothái thời đó (x. Lc 2, 1-7). Ngài đã sống một cuộc đời bình thường như mọi người khác, vì thế, khi Ngài công khai thi hành sứ mệnh Chúa Cha trao phó, rất nhiều người đã đặt câu hỏi: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được không ngoan như vậy nghĩa là làm sao?” ….. “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxê, Giuđa và Simon sao?” Quả thực, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Sự hiện diện của Ngài giữa lòng nhân loại thật kín đáo, âm thầm và khiêm nhường biết bao. Như vậy, cách chạm cây thập giá ẩn dưới hình dạng lá sen và các gân lá sen trong bức phù điêu này như một thông điệp thần học về mầu nhiệm Nhập Thể: vì tình yêu, Con Thiên Chúa đã sống hoàn toàn hoà mình giữa nhân loại. Điều này rất phù hợp với lời Tông Huấn Ecclesia in Asia: “Trong Đức Giêsu Kitô, [……] chúng ta mới biết được Thiên Chúa không ở xa chúng ta, không ở trên và cách biệt với con người, nhưng Ngài ở rất gần, thậm chí kết hợp với mỗi con người trong hết mọi tình huống cuộc sống” (số 12). Hàm ý này là một cách diễn tả mầu nhiệm nhập thể thật ý nhị.

Bức chạm thông phong chim phượng hoàng

Tác phẩm này được chạm cả hai mặt, có chiều cao 1,46 m và chiều ngang 1,58 m, được đặt ở vị trí giống như cửa sổ của gian cung thánh trong ngôi Nhà Nguyện. Đây có thể coi là bức chạm đá đẹp nhất trong ngôi Nhà Nguyện này nói riêng và toàn bộ quần thể nói chung. Đứng trước bức chạm tuyệt vời này, ta không khỏi ngây ngất, lòng trào dâng niềm cảm tạ tri ân vì Thiên Chúa, Đấng Tuyệt Mĩ, đã ban cho con người trí khôn minh mẫn và bàn tay khéo léo để có thể đến gần Ngài bằng cách cố gắng diễn tả vẻ đẹp tuyệt đối. Thế nhưng, điều còn kì lạ hơn nhiều là làm thế nào mà cách đây trên một trăm năm, một cha xứ của vùng đất quê mùa như Phát Diệm thời đó lại có thể kết hợp nhuần nhuyễn những tư tưởng khác xa nhau đến thế để tạo nên một tác phẩm hết sức độc đáo.

Chim phượng, theo văn hoá Đông phương cũng như Tây phương, vốn là con vật hàm chứa rất nhiều ý nghĩa biểu trưng, nhưng ở đây người viết chỉ xin xét tới những ý nghĩa mang tính thần học.

– Bức chạm trình bày một con chim phượng hoàng đang bay, với đường nét cực kì tinh xảo, xung quanh là những đám mây được chạm theo phong cách truyền thống Việt Nam. Trong nền văn hoá phương Đông, chim phượng là biểu tượng của bậc thánh nhân, và cũng là biểu tượng của hạnh phúc (3). Còn mây, theo thần học Công giáo, dùng để diễn ta vinh quang Thiên Chúa (4). Hơn nữa, nếu như rồng là con vật được dùng làm biểu tượng cho vua, thì đối lập lại, chim phượng lại là vật tượng trưng cho bà hoàng (5). Được đặt ở một vị trí hết sức trân trọng trong một ngôi Nhà Nguyện dâng kính Trái Tim Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, phải chăng bức chạm này được tác giả dùng để bày tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ, Đấng mà truyền thống Công giáo vẫn suy tôn với danh hiệu là Đấng Rất Thánh, là Đấng đầy dư ơn phúc (x. Lc 1, 28), và là Nữ Hoàng (Regina), là Mẹ Thiên Chúa. Nếu vậy thì vẻ đẹp hoàn mĩ toát lên từ bức chạm này phải chăng là phản chiếu vinh quang Thiên Chúa qua vẻ đẹp vô song của Đức Mẹ?

– Một chi tiết độc đáo khác không thể bỏ qua nơi bức chạm này, đó là trên mỏ của chim phượng hoàng có chạm một sợi buộc hai chiếc bút lông cùng với nghiên mực. Đây dường như lại là một thông điệp thần học cũng rất độc đáo. Như trên đã nói, chim phượng vốn là biểu tượng của vị nữ hoàng. Còn bút nghiên thời xưa vốn là những công cụ dùng để diễn tả ngôn ngữ và tư tưởng của con người. Thế mà Đức Giêsu Kitô lại là Lời của Thiên Chúa Cha. Vậy dường như chim phượng với bút lông và hộp sách ở đây nhằm tuyên xưng một trong những điểm cốt yếu của đức tin Công giáo: Đức Trinh Nữ Maria là Đấng đã cưu mang Ngôi Lời của Thiên Chúa. Thật là ý nhị và độc đáo khi diễn tả niềm tin theo một phong cách đậm đà bản sắc dân tộc như thế. Thật lạ lùng là cách diễn tả của bức chạm này lại trùng hợp với tinh thần của Tông Huấn Ecclesia in Asia: Hội nhập văn hoá để loan báo Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ duy nhất.

Bức chạm thông phong hình Lưỡng Nghi và con sư tử

Bức chạm này cũng được chạm thông phong và nằm ở gian cuối của ngôi Nhà Nguyện, chiều cao 1,34m, chiều ngang 1,53 m. Đây có thể coi là bức chạm độc đáo nhất về phương diện ý nghĩa thần học. Mặt ngoài của bức chạm này là hình một con sư tử hết sức sinh động, xung quanh là những chùm hoa, bụi cỏ. Còn mặt trong của bức chạm là biểu tượng Lưỡng Nghi với những đám mây dầy đặc bao quanh. Trong bối cảnh đạo Công giáo cách đây trên một thế kỉ, việc đặt biểu tượng Lưỡng Nghi, một biểu tượng vẫn được coi như là của “dân ngoại”, trong một ngôi Nhà Nguyện Công giáo quả là quá táo bạo, và chắc chắn phải có những lí do rất chính đáng Cha Trần Lục mới dám đặt biểu tượng này vào đây. Vậy tác giả của công trình này muốn nói gì? Hay đây chỉ đơn thuần là một cách trang trí?

– Trước tiên, như đã nói, mặt ngoài của bức chạm là hình một con sư tử. Truyền thống Thánh Kinh cho biết sư tử là biểu tượng của chi tộc Giu-đa (x. St 49, 9). Sau này Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu Kitô đã xuất thân từ chi tộc này (x. Mt 2, 6; Lc 2, 1-5). Nếu vậy, phải chăng sư tử là biểu tượng ám chỉ chính Đức Giêsu? Sư tử có gương mặt giống như mặt người đang cười. Điều này dường như nhằm diễn tả một ý nghĩa thần học: Đức Giêsu đem đến niềm vui, và chính Ngài cũng là niềm vui của thế giới. Một thông điệp thật quí giá trong thế giới bộn bề những âu lo hôm nay!

Vậy phải chăng biểu tượng Lưỡng Nghi ở mặt trong chỉ là một kiểu “thừa giấy vẽ voi”? Không thể nói thế. Vì trong một công trình được coi là viên ngọc của Quần Thể Nhà Thờ Lớn Phát Diệm, mọi sự thừa thãi phải coi là phản lại giá trị thẩm mĩ của cả công trình. Nếu thế thì việc quan trọng nhất là phải tìm ra tư tưởng mà người xưa muốn diễn tả.

–  Biểu tượng Lưỡng Nghi giới thiệu hai yếu tố: Trời – Đất, Âm – Dương. Lưỡng Nghi phát sinh từ Thái Cực: “Dịch hữu Thái Cực, thị sinh Lưỡng Nghi” (6). Thái Cực, theo triết học Trung Hoa, được coi là căn nguyên, là nền tảng, là nguyên lí, là cùng đích … của vạn vật cũng như mọi chuyển vận trong vũ trụ (7). Biểu tượng Lưỡng Nghi ở đây lại được đặt giữa một hình trái tim. Hai mặt của bức chạm này giống như hai mặt không thể tách rời của một đồng tiền, do đó hai mặt này hẳn phải kết hợp với nhau để cùng diễn tả những ý nghĩa nào đó. Nếu như Thái Cực là căn nguyên của vạn vật và từ Thái Cực đã phát sinh Lưỡng Nghi, thì phải chăng, với hình sư tử là biểu tượng cho Chúa Kitô ở mặt ngoài, tác giả muốn diễn tả rằng: Ngôi Cha đã sinh ra Ngôi Con từ đời đời – những đám mây dầy đặc dường như muốn diễn tả tình trạng “trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm” (St 1, 2) lúc ban đầu, tức là tình trạng tohu-bohu. Điều này làm ta liên tưởng tới những lời đầu tiên trong Tin Mừng theo thánh Gio-an: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1) . Hơn nữa, cũng với cùng một lối suy tư như trên, ta còn có thể thấy rằng qua bức chạm này, tác giả công trình dường như còn muốn nói rằng: phát xuất từ Chúa Cha và cùng thông phần vinh quang với Ngài, Chúa Giêsu cũng là căn nguyên, là nền tảng, là nguyên lí, là cùng đích, là trái tim, hay nói cách khác, là trung tâm của vạn vật cũng như mọi chuyển vận trong vũ trụ, một quan điểm “qui Ki-tô” (christocentrique), đồng thời cũng là một quan điểm “Chúa Ki-tô vũ trụ” (Christ cosmique). Một cách diễn tả Kitô học thật đặc sắc theo phong cách đặc trưng của truyền thống triết học phương Đông.

Một điểm nữa cần phải lưu ý, đó là chim phượng và sư tử được đặt ở những vị trí hướng về nhau. Sau những gì đã nói ở trên, ta có thể thấy rằng cách bố trí này cũng thật ý nghĩa.

Chúng ta vừa rảo qua ba tác phẩm chạm khắc trên đá trong ngôi Nhà Nguyện Trái Tim Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Quần Thể Nhà Thờ Lớn Phát Diệm. Một cái nhìn thoáng qua như thế cũng phần nào cho chúng ta thấy tính cách độc đáo về phương diện ý nghĩa thần học của ba bức chạm được trình bày trên đây, đồng thời cho phép chúng ta thấy rằng Cha Trần Lục dường như còn là một nhà tiên phong trong lãnh vực suy tư thần học. Điều độc đáo là ở chỗ vào thời điểm xây dựng ngôi Nhà Nguyện độc nhất vô nhị này, tức là vào năm 1883, khái niệm “hội nhập văn hoá” đã có nhưng còn khá mờ nhạt, sự cổ vũ cho những nỗ lực suy tư thần học dựa trên những nền triết học địa phương cũng hầu như chưa có. Thế mà có lẽ vị linh mục đáng kính của xứ Phát Diệm đã đi đúng hướng của Công đồng Vaticanô gần một trăm năm sau đó khi mạnh dạn dùng những “ánh sáng của Chân Lý” nơi các tôn giáo và truyền thống văn hoá khác để diễn tả lòng tin của mình. Sau này, Công đồng Vaticanô khẳng định: “Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giáo và giới thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người” (Tuyên ngôn về Liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo-Nostra Aetate, số 2). Những ý nghĩa trình bày trên đây cũng còn phù hợp với đường hướng của Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu được khẳng định trong Tông Huấn Ecclesia in Asia: “Việc Ki-tô giáo gặp gỡ những nền văn hoá và tôn giáo địa phương có từ lâu đời, phải là một vấn đề cấp bách. Đây là một vấn đề thách đố lớn đối với việc Phúc Âm hoá, vì những hệ thống tôn giáo như Phật giáo hay Ấn giáo đều có một đặc tính rõ rệt là cứu nhân độ thế. Một điều thật bí ẩn là tại sao Đấng Cứu Thế sinh ra tại Châu Á, mà cho tới bây giờ phần lớn dân lục địa này vẫn không biết Người” (số 2). Thế mới thấy được một khía cạnh nữa cũng thật vĩ đại nơi con người Cha Phêrô Trần Lục, bên cạnh di sản vật chất đồ sộ mà ngài để lại.

Cha Trần Lục quả là một con người đã đi trước thời đại khi cố gắng dùng văn hoá Á Châu để diễn tả đức tin Kitô giáo. Như đã nói, đây là một cách thức rao giảng Tin Mừng đã được Tông Huấn Ecclesia in Asia đặc biệt cổ võ. Bởi vì trong “tình hình đa chủng tộc, đa tôn giáo và đa văn hoá của Á Châu” (số 21), “Thượng Hội Đồng đã khuyến khích các nhà thần học trong công việc tế nhị là phát triển một nền thần học đã hội nhập văn hoá, nhất là trong môn Kitô học”, vì “thật là nghịch lí khi đại đa số người Á Châu có khuynh hướng coi Đức Giêsu, một người sinh ra trên chính mảnh đất Á Châu, là một người Tây phương hơn là Á Châu” ( số 20). Do đó, cần “rao giảng Tin Mừng bằng cách nào đánh động cảm quan của các dân tộc Á Châu, giới thiệu cho họ những hình ảnh nào về Đức Giêsu mà tâm trí cũng như văn hoá Á Châu có thể lãnh hội được, nhưng đồng thời vẫn phải trung thành với Kinh Thánh và Truyền Thống” ( số 20). Điều này có lẽ Cha Trần Lục đã tiến hành cách rất thành công từ hơn một trăm năm trước.

Những suy tư về những ý nghĩa thần học kể trên mới chỉ là một cách thử lí giải một trong những gia tài phong phú mà tiền nhân để lại. Chuyện đúng sai của lối suy tư này cần được các nhà thông thái chỉ dạy. Tuy nhiên, thiết tưởng một trong những việc quan trọng trong đường hướng hội nhập văn hoá của Giáo hội Việt Nam hiện nay là đọc lại và tìm cách giải mã gia tài đồ sộ của lịch sử trên bốn trăm năm truyền giáo tại Việt Nam. Vẫn còn đó một di sản Hán – Nôm đang dần mai một, những công trình xây dựng mang tính hội nhập đang bị phá huỷ từng ngày. Riêng với cha Phêrô Trần Lục, di sản văn chương sau bao thăng trầm loạn li đã không còn nguyên vẹn và những tư tưởng mà ngài gửi gắm trong quần thể Nhà Thờ Phát Diệm cũng chưa được khám phá, phát triển. Người Công giáo Việt Nam hiện nay mang một trách nhiệm thật nặng nề với quá khứ và tương lai.

KA

——————

Ghi chú:

1&2.   X. Bách khoa tri thức phổ thông, nhà xuất bản thông tin, in lần thứ hai, tr. 1203.

  1. Sđd, tr. 1202.
  2. “Đám mây”, 2,Điển ngữ thần học Thánh Kinh, phân khoa thần học Giáo Hoàng học viện Piô X, Đà lạt, Việt Nam, 1973, tập I, tr. 455.
  3. Bách khoa tri thức phổ thông, nhà xuất bản thông tin, in lần thứ hai, tr. 1202.
  4. TrongHệ Từ Thượng, 11,tương truyền là tác phẩm của Khổng Tử nhằm giải thích Kinh Dịch có câu: “Dịch hữu thái cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”. Xem thêm Đào Duy Anh, “Lưỡng Nghi”, Từ điển Hán Việt, nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr. 533.
  5. X.Almanach những nền văn minh thế giới, nhà xuất bản Văn hoá-Thông tin, Hà Nội, 1996, tr. 341-414.
Previous articleNhững thói quen xấu khiến bạn không hạnh phúc
Next articleĐức Giáo Hoàng cầu nguyện cho giới truyền thông