Ngày còn bé, nghe những câu chuyện mà còn nhớ mãi đến bây giờ tuy rằng tuổi không còn trẻ.
Mẹ kể lại, gia đình kia, cố gắng cho con ăn học và gửi con qua Liên Xô. Nhiều năm tháng ròng rã, chẳng thư từ gì liên lạc với gia đình. Bỗng một hôm, gia đình nhận được một bức tượng bán thân của đồng chí Hồ chủ tịch. Gia đình sau khi nhận được cái tượng bán thân của ông Hồ đã quá tức giận, không kìm được lòng tức nên đã mang ra đập bỏ ở hố rác sau nhà. Không ngờ bức tượng vỡ toang và những đồng đô la nằm bên trong bước tương văng tung tóe. Thế là phải nhọc công để hốt vào mang đi … cất.
Câu chuyện tượng bán thân của ông Hồ đó đã làm tôi liên tưởng đến vẻ huy hoàng của thập giá, vinh quang của Nước Trời được lấp lại, được che lại bằng những xù xì xấu xí bên ngoài hay có hể nói rằng bằng gai góc. Để khám phá vinh quang của Thiên Chúa hay nói cách khác để đạt vinh quang của Thiên Chúa, con người không còn con đường nào khác là phải bước đi trong đau khổ, trong thử thách của cuộc đời. Giá máu của vinh quang, của đức tin phải trả bằng mồ hôi, nước mắt và đau khổ.
Câu chuyện trong bài đọc thứ nhất mà chúng ta nghe qua cuộc đời của Abraham, ít nhiều gì diễn tả niềm tin của ông. Phải nói rằng niềm tin của Abraham được thử thách và thử thách một cách đến cay nghiệt. Ông được mời gọi lên đường mà không biết mình đi đâu và hành trang cũng chẳng được chuẩn bị gì. Ông chỉ biết được mời gọi ra đi và thế là ông đi mà thôi. Và bi đát nhất đời ông có lẽ hay nói đúng nhất đó chính là việc Thiên Chúa mời gọi ông sát tế đứa con yêu của mình.
Đứng trước lời mời gọi sát tế đó, Abraham đã vâng lời Thiên Chúa và Thiên Chúa đã chứng nhận lòng tin của ông. Thiên Chúa đã trao ban cho ông danh hiệu là cha của những kẻ tin.
Niềm tin vào Thiên Chúa trải dài trong suốt dòng lịch sử và luôn luôn đòi hỏi con người phải đấu tranh, phải chiến đấu.
Thiên Chúa không chỉ thử thách con người, Thiên Chúa không chỉ thử thách Abraham mà Thiên Chúa thử thách ngay cả chính người con thân yêu của mình.
Hôm nay, trong giây phút vinh quang, 3 môn đệ cùng Thầy của mình gặp nhau, gặp vinh quang trên Núi Chúa. Trong vinh quang chói lòa, các ông đã được tận mắt nhìn thấy. Vinh quang đó như bảo chứng hạnh phúc thật mà tương lai, mà ngày sau các ông sẽ thấy sau khi đi qua cõi đời tạm này.
Sau khi chiêm ngưỡng vinh quang, các ông lại trở về với đời thường, với biết bao nhiêu cám dỗ thử thách của phận người, nhất là niềm tin. Vinh quang có đó, vinh quang sẵ có sau thập giá, sau đau khổ và mỗi người trong các ông lại được mời gọi để đáp trả.
Có thể trước đây, nhiều lần va vấp, nhiều lần nóng nảy, nhiều lần hơn thua, nhiều lần tranh giành, các ông còn đó vẫn mang trong mình cái tính con người để tìm chỗ nhất chỗ nhì trong Triều Đình của Nước Trời. Không ai chịu ai và tranh chấp đến độ phải nhờ đến Mẹ của mình để đi đêm với Thầy Giêsu như trường hợp Giacôbê và Gioan.
Đến ngày hôm nay, khi chạm đến vinh quang Nước Trời, các ông dần dần được tỏ lộ và được biến đổi. Thế nhưng, thử thách niềm tin này vẫn chỉ là khởi đầu cho thử thách niềm tin của cuộc đời. Bởi lẽ, đơn giản rằng sau khi xuống nuối, cả con người thật của Chúa Giêsu đến như bất lực trong cuộc thương khó và nhất là trên đỉnh đồi Canvê cũng lại là những bước thử thách đức tin trong đời.
Hẳn nhiên, Thầy làm nhiều phép lạ đó chứ ! Nhưng ở trên đỉnh đồi Canvê sao Thầy không làm phép lạ cho bọn em nhờ ? Trên cây thập giá, tên trộm cũng đã ngỏ lời với Thầy mà sao Thầy không đả động gì ? Thầy không ra tay hay Cha của Thầy không ra tay ? Ngay cả Cha thầy cũng bỏ Thầy giờ phút đó huống hồ gì bọn em ?
Bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu giằng co đã đến với các môn đệ. Phải nói rằng đến từng phút từng giây trong cuộc đời của các ông. Nhưng rồi, đàng sau thập giá mà Chúa Giêsu chịu, lóe lên ánh sáng của Phục Sinh, lóe lên ánh sáng của Vinh Quang. Và từ vinh quang Phục Sinh, niềm tin của các ông mới hoàn toàn thay đổi.
Cuộc đời của mỗi Kitô hững chúng ta, chắc chắn cũng không thể nào thoát khỏi con đường thử thách như xưa Chúa thử Abraham, thử Chúa Giêsu và thử các môn đệ.
Trở về đời sống thường ngày, chúng ta chọn con đường thập giá hay con đường dễ giải của thế gian. Chúng ta đi đàng Thánh Giá và nhất là trong Thứ Sáu tuần Thánh, ra vẫn hát với nhau và hát cho nhau nghe : Lạy Chúa xin cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi nhưng liệu rằng ta có can đảm để vác thập giá như các môn đệ xưa kia hay không ? Hay mỗi khi cuộc đời của ta có chút đau khổ ta lại thoái lui và đẩy lùi thập giá ra khỏi đời chúng ta.
Thập giá đời chúng ta có thể là người vợ gau gắt, thập giá đời ta có thể là ông chồng gia trưởng, thập giá đời ta có thể là đứa con ương ngạnh … nhưng liệu rằng ta có nhận ra đó là thập giá và ta có can đảm để ta xin Chúa cho ta đủ sức để vác thập giá đời ta theo Chúa hay không ?
Có câu chuyện kia minh họa về thập giá đời.
Mỗi người được Chúa trao cho cây thập giá đời mình. Mỗi người ai cũng như ai có một cây. Trong đoàn người vác thập giá đời mình có vài người thấy nặng quá và xin Chúa cho cưa một khúc để cho nhẹ. Chúa sẵn sàng nghe theo. Họ cưa một khúc và đi một đoạn nữa thấy nặng và xin cưa, Chúa vẫn cho cưa. Đi đến chỗ kia phải qua cái vực sâu, những người chưa cưa thập giá thì lấy cây thập giá đời mình làm chiếc cầu để bước qua và họ bước qua một cách nhẹ nhõm để tiếp tục đời mình. Những người đã lỡ cưa thập giá đời mình thì đành chịu ở lại không thể nào tiếp tục hành trình được vì thập giá đời mình đã quá ngắn.
Dẫu là câu chuyện ví von nhưng cũng để lại trong chúng ta nhiều suy nghĩ về cuộc đời, nhất là về những đau khổ trong đời ta. Ta lại xin Chúa thêm ơn cho ta để ngày mỗi ngày ta tiếp tục sống trong những đau khổ và với những đau khổ với Chúa để ngày sau ta được cùng hưởng vinh quang Thiên Quốc với Ngài.