Tôi giết vua, con giết cha không phải chuyện đột biến trong sớm chiều, mà có nguyên do được tích tụ dần dần. Cô giáo quỳ gối cũng vậy.
LTS: Truyền thống tôn sư trọng đạo “sụp đổ” không phải chỉ một ngày, không phải đến vụ cô giáo bị ép quỳ trước phụ huynh ở Long An mới sụp đổ, mà nó đã sụp kể từ thời “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.
Nhà giáo Nguyễn Trọng Bình gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết mới, chia sẻ góc nhìn của thầy về nguyên nhân và giải pháp tránh lặp lại những chuyện buồn như vụ cô giáo bị phụ huynh ép quỳ ở Long An, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
1. “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật”
Cách đây khoảng 5 năm, chính xác là vào ngày 31/12/2013, Báo Tuổi Trẻ khi ấy có mở một diễn đàn cuối năm với sự tham gia của các nhà văn hóa để cùng tham gia thảo luận, bàn bạc và tìm ra giải pháp nhằm“Trám “lỗ thủng” văn hóa, đạo đức”[1] cho người Việt hiện nay.
Đến nay, tôi vẫn còn nhớ như in ý kiến của nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn liên quan đến chủ đề này.
Cụ thể, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn khi ấy đã dẫn lại câu “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” của đại thi hào Nguyễn Trãi.
Câu nói này hiểu nôm na là mọi sự họa phúc của con người đều có căn nguyên, có đầu mối của nó chứ không phải chuyện một ngày một bữa ra mà.
Nhắc lại cuộc thảo luận và nhất là ý kiến của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn ở trên, tôi muốn liên hệ câu chuyện cô giáo ở Long An bị một vị phụ huynh ép quỳ gối đang làm nổi sóng dư luận cả nước những ngày qua với một góc nhìn khác.
Trước hết, tôi cho rằng, câu chuyện này thực ra chỉ là sự bổ sung hay “góp vào” cái thực trạng về sự “xuống cấp”và suy đồi đạo đức và văn hóa của xã hội ta có hơn chục năm gần đây mà thôi.
Nói khác đi, đây chính là hệ lụy tất yếu; đồng thời là một biểu hiện sống động và cụ thể nhất cho thấy cái thảm trạng “giáo dục lạc đường và văn hóa lạc trôi”[2] mà có lần trên diễn đàn của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tôi đã lên tiếng.
Những ngày qua, tôi cũng đã tìm và đọc hầu hết các bài viết có liên quan đến câu chuyện “cô giáo quỳ gối” ở Long An.
Và tôi nhận thấy, tựu chung lại đa phần các bài viết hoặc là bày tỏ niềm cảm thông, chia sẻ với nạn nhân; than vãn cho nghề giáo bạc bẽo, sự sụp đổ của truyền thống “tôn sư trọng đạo”…; hoặc không thì lên án, chỉ trích không tiếc lời vị phụ huynh kia.
Bên cạnh đó, là số ít bài viết thể hiện sự không đồng tình với cách phạt học trò của cô giáo hay sự thiếu trách nhiệm thậm chí bỏ mặc cô giáo của ông Hiệu trưởng nơi cô công tác v.v và v.v…
Cứ cho rằng những ý kiến cùng sự phân tích trong các bài viết trên là hợp lý, hợp với bối cảnh của câu chuyện. Tuy vậy, điều tôi băn khoăn là “sau tất cả” ai trong chúng ta dám đảm bảo rằng từ nay về sau những chuyện như thế sẽ không tái diễn và nền giáo dục nước nhà sẽ tốt hơn lên?
Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hợp (người ngồi giữa, bên trái) động viên cô giáo B.T.C.N (Ảnh: Mai Hương / Báo Long An, baolongan.vn)
Nói cách khác, chúng ta có thể dễ dàng bày tỏ cảm xúc, tình cảm đau buồn, xót xa với cô giáo kia, hay than vãn về sự sụp đổ của cái truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc; hoặc thay nhau làm “người phán xử” buộc tội (thậm chí là khai trừ Đảng, truy tố trước pháp luật nếu đủ cơ sở) vị phụ huynh kia.
Nhưng vấn đề quan trọng và cấp bách hơn là làm sao để thay đổi cái thảm trạng kia? Tiếc thay, theo quan sát của tôi vấn đề quan trọng này lại chẳng mấy người bàn đến và nhất là bàn cho tới nơi tới chốn!?
Trong phát biểu của mình cách đây 5 năm, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn còn diễn giải thêm rằng:
“Tôi giết vua, con giết cha không phải chuyện đột biến trong sớm chiều, mà có nguyên do được tích tụ dần dần” (Thần thí kỳ quân, tử sát kỳ phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai dã tiệm hĩ)”.
Tuy giản đơn nhưng đó là một nhận định đúng đắn, bởi ai cũng đồng ý rằng những tệ trạng xã hội cần phải “trị căn” hơn là “trị chứng”, nếu không muốn bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực bất tận, gây thêm bao đổ vỡ, khổ đau.”
Ý kiến của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn theo tôi là rất xác đáng thế nhưng 5 năm qua ý kiến này nhìn chung rất ít được lưu ý, quan tâm đúng mức.
Cũng giống như giờ đây có ý kiến cho rằng việc cô giáo ở Long An quỳ gối cũng đồng nghĩa với sự sụp đổ cái truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt.
Ý kiến này theo tôi tuy không sai nhưng cũng không hoàn toàn chính xác vì chỉ nhìn vấn đề theo một chiều.
Thực ra nếu nói cái truyền thống “tôn sư trọng đạo” bị sụp đổ thì có lẽ phải nói rằng nó sụp đổ từ rất lâu rồi (chẳng qua là do chúng ta không có dũng khí để nhìn thẳng vào sự thật mà thôi).
Chính xác hơn, theo tôi cái truyền thống ấy bắt đầu lung lay kể từ khi xuất hiện những câu nói như: “nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa” hay “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” cách đây mấy chục năm.
Những câu nói này chính là dấu hiệu đầu tiên nói lên sự lệch lạc và khủng hoảng trong nhận thức của toàn xã hội về vai trò và vị thế của nghề giáo; là sự coi thường tầng lớp trí thức – những người “gieo mầm văn hóa” trong xã hội nói chung.
Và rồi cái truyền thống kia đã chính thức sụp đổ trong khoảng 10 năm trở lại đây khi những câu chuyện thầy cô giáo nhận phong bì từ cha mẹ học sinh, hay “đì” học sinh vì các em không đến chỗ mình học thêm, giảng viên đại học gạ tình nữ sinh cho điểm…
Hay gần đây là những câu chuyện về “chạy trường”, “chạy lớp” thậm chí là “đổi tình lấy biên chế”; chuyện về cái “nén bạc đâm toạc luận án” từ bậc đại học đến nghiên cứu sinh từ đó sinh ra những “lò ấp Tiến sĩ”…
Nói cách khác, đây là bằng chứng (tuy không phải tất cả) cho thấy giáo dục đã và đang là cuộc trao đổi, bán mua không hơn không kém. Giáo dục như thế thì hỏi sao vị thế của những người được xem là “thầy thiên hạ” được người đời kính trọng?
2. Mỗi người xin hãy tự vấn và “tự phán xử” mình trước
Như vậy, ở góc nhìn văn hóa, có thể nói sự sụp đổ cái truyền thống “tôn sư trọng đạo” của chúng ta hôm nay, hay cụ thể hơn là sự đổ vỡ mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình, giữa các thầy cô giáo với các em học sinh cùng các vị phụ huynh vốn đã được tích tụ từ khá lâu rồi và đó là một quy luật và hệ lụy tất yếu không thể tránh khỏi.
Vậy nên, nếu muốn thay đổi thì cần phải tìm ra cái “đầu mối” để “trị căn” chứ không phải “trị chứng”.
Từ đây, về mặt nhận thức để từng bước thay đổi nhằm khôi phục lại truyền thống “tôn sư trọng đạo”, theo tôi mỗi chúng ta thay vì nhiệt thành và hăng hái làm “người phán xử” (vị phụ huynh kia) hoặc“thương vay khóc mướn” (cho cô giáo nọ) thiết nghĩ chi bằng hãy nghiêm túc và dũng cảm nhìn lại bản thân và “tự phán xử”mình trước.
Trong ý nghĩa này tôi cho rằng:
Trước hết, các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục từ cấp cao nhất cho đến thấp nhất hãy nhìn lại xem cái “quốc sách hàng đầu” đã và đang triển khai, vận hành khai ra sao?
Các quyết sách, chính sách về giáo dục do các vị ban hành có thật sự giúp cho giáo dục nước nhà phát triển một cách lành mạnh không?
Cụ thể hơn có tạo điều kiện tốt nhất các Thầy cô giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ của họ?
Và khi các thầy cô giáo trên khắp cả lên tiếng phản ánh những vấn đề bất cập về chính sách kia thì các vị có thực sự cầu thị, có thành tâm lắng nghe và thay đổi, điều chỉnh cho nó phù hợp hơn?
Các vị có thật sự quan tâm và thấu hiểu cuộc sống khó khăn vất vả của đại bộ phận các thầy cô giáo hay các vị chỉ giả vờ quan tâm họ bằng những lời phát biểu trau chuốt mỹ miều trong mỗi dịp tựu trường hay kỷ niệm ngày Nhà giáo 20/11 hàng năm?
Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm, tôi không biết những người được giao trọng trách xây dựng và thực hiện đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” nước nhà như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình sách giáo khoa mới – đang suy nghĩ gì về những vấn nạn và bất cập của nền giáo dục hiện nay?
Và sau khi cái đề án trên hoàn thành thì những bất cập ấy có được khắc phục không?
Tiếp theo, các vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ…- những người được xem là tầng lớp “tinh hoa” nhất trong môi trường giáo dục hiện nay – hãy nghiêm túc tự vấn xem các vị có xứng đáng với chức danh mà các vị đang khoác lên mình không?
Cụ thể, trong vai trò và vị trí “đầu tàu” nhằm đào tạo ra các thầy cô giáo các vị có tạo niềm tin cho toàn xã hội cả về chuyên môn lẫn“đạo đức khoa học”?
Các vị có khi nào tự vấn và đặt câu hỏi tại sao xã hội hiện nay lại mất niềm tin thậm chí dè bỉu coi thường về học vị và chức danh của mình?
Còn với đa phần các thầy cô giáo, xin hãy tự hỏi lại bản thân lâu nay phải chăng các thầy cô cũng đang có sự lấn cấn và nhầm lẫn thậm chí ảo tưởng về vai trò vị trí của mình trong đời sống xã hội?
“Nghề giáo là nghề cao quý trong những nghề cao quý”ư? Trước đây có người nói như vậy nhưng có bao giờ chúng ta tự vấn lại xem cách nói như thế có đúng và còn phù hợp với trong thời đại hôm nay nữa không?
Nói nghề giáo là “quý nhất” vậy nghề nào “quý nhì”?
Hay nếu nói nghề của mình là “cao quý” vậy phải chăng chúng ta đang ngầm nói rằng trong xã hội này còn có những nghề nghiệp thấp hèn chăng?
Thiển nghĩ, trong cuộc sống chẳng có nghề nào là thấp hèn cả.
Và cao quý hay thấp hèn ở đây là do cách hành xử, ứng xử của mỗi cá nhân chứ không do nghề nghiệp quy định.
Phải chăng vì ít khi tự nhận thức lại mình nên thời gian qua trong mối quan hệ với học trò và cha mẹ các em không ít các thầy cô giáo đã có những ứng xử không đúng mực?
Có không ít thầy cô tự cho mình cái quyền “Thầy Cô là cha mẹ” hay “Thầy Cô luôn luôn đúng” nên đã trách mắng, quở phạt oan thậm chí xâm phạm thân thể học trò mình? Và trong quan hệ với các vị phụ huynh, có người còn phân biệt đối xử rất “không phải đạo”?
Với các vị phụ huynh khá giả và có điều kiện, thường hay tặng quà và phong bì thì hồ hởi, xởi lởi hết lòng với con em họ nhưng với các vị phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, có không ít thầy cô thậm chí không thèm tiếp chuyện hoặc nhìn họ bằng nửa con mắt…?
Cuối cùng là với các vị phụ huynh học sinh.
Các vị hãy nhớ lại xem có phải lâu nay việc dạy dỗ con em mình đa phần các vị đều phó mặc cho nhà trường nhất là với các vị có điều kiện về kinh tế, vật chất?
Tuy nhiên, khi có vấn đề gì phát sinh thì các vị không ngần ngại xông vào trường miệt thị thậm chí xúc phạm các thầy cô giáo – những người đã trực tiếp dạy dỗ con em của quý vị?
“Trọng thầy mới được làm thầy”, tuy các vị miệng thì bảo yêu mến kính trọng nhưng thực ra sự kính trọng của các vị là có điều kiện.
Các vị tặng quà hay đưa bao thư cho các Thầy cô giáo nhân ngày 20/11 trước hết là ngầm bảo rằng các thầy cô giáo phải chăm sóc và tận tâm hơn cho con cái các vị; sau nữa là để chứng tỏ đẳng cấp giàu có của bản thân mình…
Tâm hồn những đứa trẻ thơ giống như tờ giấy trắng, chính các vị chứ không phải ai khác với những cách hành xử và sự coi thường các thầy cô giáo như vậy đã vô tình trở thành một tấm gương vô cùng xấu xí gián tiếp hại con em của các vị chứ không phải ai khác?
3. Thay lời kết
Thực tế đã chứng minh không một quốc gia nào trên thế giới trở nên thịnh vượng và văn minh lại có một nền giáo dục lạc hậu, yếu kém.
Tuy nhiên, ai đó đã nói rằng “đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”! Câu nói tưởng giản đơn nhưng chứa đựng một triết lý sâu xa về sự “tự nhận thức” của mỗi cá nhân để xã hội ngày một tốt đẹp và văn minh hơn.
Và cũng đáng tiếc thay, câu nói này có vẻ như rất ít được chúng ta quan tâm và suy nghĩ một cách nghiêm túc và thấu đáo.
Vì ít khi chịu “tự nhận thức”, tự nhìn lại bản thân nên trước một vấn đề nan giải của cuộc sống cách cư xử, ứng xử của chúng ta hoặc là rơi vào ảo tưởng hoặc trở nên tự ti.
Mà ảo tưởng hay tự ti tất yếu sẽ gây ra sự rối loạn.
Phải chăng đó cũng là lý do mà mọi sự cảnh báo của các nhà văn hóa về sự “xuống cấp” và suy đồi văn hóa, đạo đức của người Việt từ khá lâu rồi nhưng cho đến hôm nay những vấn đề đó chẳng những không được khắc phục mà còn trở nên trầm trọng, nguy hiểm hơn?
Vậy nên, một lần nữa thiết nghĩ để những câu chuyện buồn của ngành giáo dục hôm nay không tái đi tái lại nữa điều quan trọng trước hết là mỗi chúng ta (trong đó có người viết bài này) hãy “tự nhận thức” và “tự phán xử”bản thân mình trước.
Hay nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt là, “để khắc phục và từng bước thay đổi hiện trạng văn hóa hôm nay mỗi chúng ta hãy thường xuyên nhắc nhở mình, rằng chúng ta đang làm đồi bại một nền văn hóa hay chúng ta là thành viên của một nền văn hóa đồi bại”? [3].
Và “tự nhận thức” phải chăng chính là bước đi đâu tiên để chúng ta “trị căn” cho những mọi sự bất cấp của nền văn hóa và giáo dục nước nhà hôm nay như cách nói của nhà nghiên cứu Bùi Văn Sơn Nam cách đây 5 năm?