Mở rộng tâm hồn về phía Chúa

44

Tôi đi tu, dâng mình cho Chúa. Mục đích chính không phải để chứng minh lòng tôi muốn quảng đại đối với Chúa, với Hội Thánh, với các linh hồn. Bởi vì, vô số những người ở ngoài đời, cũng đã chứng minh một cách hùng hồn họ quảng đại không những chẳng kém mà còn hơn những kẻ đi tu.

Tôi đi tu, dâng mình cho Chúa. Mục đích chính không phải để chứng minh lòng tôi muốn quảng đại đối với Chúa, với Hội Thánh, với các linh hồn. Bởi vì, vô số những người ở ngoài đời, cũng đã chứng minh một cách hùng hồn họ quảng đại không những chẳng kém mà còn hơn những kẻ đi tu.
Mục đích chính cũng không phải để tìm sự an ổn cho thân phận yếu đuối của tôi. Bởi vì ý hướng đó dễ pha màu ích kỷ. Nếu đi tu để tìm an thân, thì đâu có gì gọi là lý tưởng. Đàng khác, nhiều lúc thực tế đời tu không được an ổn, và kẻ khuấy động sự an ổn ấy, chính lại là thánh ý Chúa.
Mục đích chính cũng không phải để chứng minh một sự trọn lành. Bởi vì nếu nói đời tu là bậc trọn lành trên lý thuyết, thì tôi thấy ái ngại. Nếu nói đời tu là bậc trọn lành trên thực tế, thì tôi sợ mắc cỡ.
Vậy mục đích chính đời tu của tôi là gì? Thưa vắn tắt là để đáp lại lời Chúa gọi tôi, bởi vì chính Chúa đã gọi tôi vào cuộc sống này.
Ơn Chúa gọi không phải là một sự kiện đã qua, nhưng là một ơn luôn luôn mới mẻ, luôn luôn mang tính cách thời sự của từng ngày, của phía trước.
Tôi cần gặp Đấng đã và đang gọi tôi. Gặp gỡ Người, gần gũi với Người, thân thiết với Người, yêu mến và hiểu biết Người, để rồi tôi có thể làm chứng về Người, không phải một cách chung chung, mà là trong hoàn cảnh hôm nay.
Làm chứng về Chúa không phải là truyền đạt những gì tôi học được về Chúa qua các sách, các môn, các lớp, các trường, nhưng chủ yếu là sống sự sống của Chúa, và nói lên phần nào những kinh nghiệm về chính sự sống mới trong tôi ở thời điểm hiện nay, trên Đất Nước này.
Sự phát triển những kinh nghiệm bản thân về Chúa, cho tôi thấy rõ dung nhan nhân lành của Chúa xuyên qua các chuyển biến đụng tới đời mình.
Những kinh nghiệm bản thân như thế giúp tôi xác tín Chúa thương yêu tôi, Người là Đấng cứu độ tôi, Người là hy vọng của tôi, Người là Đấng trung tín, nơi tôi phải tuyệt đối phó thác tựa nương.
Phải coi sự thân thiết với Chúa là một ân huệ, một bổn phận, một đặc điểm của người tu.
Sự thân thiết này là một cuộc sống gắn bó thường xuyên, được duy trì và đẩy tới nhờ một số điểm mạnh. Ở đây tôi xin nói về vài điểm mạnh mà linh mục vốn coi trọng. Đó là những tiếp xúc có tính cách mở rộng tâm hồn về Chúa, tăng thêm tình thân thiết với Người.
I/ Sám hối
Trong sám hối, linh hồn tôi nhìn vào Chúa và nhìn vào mình, nhưng nhìn vào Chúa nhiều hơn.
Tôi nhìn Chúa trên thánh giá. Tôi nhìn Chúa trong bí tích Thánh Thể. Tôi nhìn Chúa trong những kẻ nghèo túng, bệnh nạn, khổ đau, và những người tốt xung quanh tôi.
Khi tôi nhìn Chúa Giêsu ở những nơi ấy, tôi sẽ cảm thấy tôi còn quá xa những gì Chúa mong chờ nơi tôi. Khoảng cách thực sâu rộng. Đó là vực thẳm. Làm sao qua được?
Càng cố vượt qua, tôi càng cảm thấy thấm thía trong máu thịt tôi có một lề luật khác chống lại luật Chúa. Nó muốn xiềng xích tôi vào tội lỗi và những lợi ích hẹp hòi. Lề luật ấy là những khuynh hướng xấu ăn rễ ngay trong bản năng và cá tính. Nó đặt cơ sở ngay trong nền tảng cấu trúc tâm sinh lý. Nó chìm ẩn trong các lớp vô thức và tiềm thức. Nó được hỗ trợ bởi vô số những điều kiện bên ngoài của môi trường xã hội.
Đứng sau dòng thác những khuynh hướng lôi cuốn tôi vào đường tà, còn có vô số quỷ dữ địa ngục. Chúng thù ghét Chúa và những ai quyết tâm theo Chúa.
Hành động của Satan nhắm vào các linh mục thường rất tinh vi. Nó ưa tạo nên những não trạng nguy hại hơn là xúi giục làm những việc tội lỗi rõ rệt. Trong số những não trạng nguy hại cho đức tin đang phát triển đó đây, phải kể đến não trạng tục hoá, não trạng biệt phái, não trạng an thân ù lì, não trạng tự ái, quyền lợi.
Thiết tưởng đời tu của ta sẽ không khỏi cạn dần ơn thánh do ảnh hưởng những não trạng xấu, nếu hằng ngày ta không dành ra một ít thời giờ để hồi tâm, để trở về với chính mình. Biết đâu ta cũng đã đánh mất phần nào cả những đức tính sơ đẳng của đạo làm người, chứ chưa nói đến đạo làm con Chúa và làm tông đồ của Chúa.
Thiết tưởng đời tu của ta sẽ không tránh được một sự thoả hiệp ngầm với những não trạng xấu, nếu ta không thường xuyên kiểm tra lại lòng ta đối với vinh quang Thiên Chúa, đối với các bề trên, đối với các anh em linh mục, đối với các bổn phận mục vụ của ta. Ta có thực sự mến Chúa trên hết mọi sự, sẵn sàng từ bỏ hết mọi sự và hăm hở đón nhận mọi thánh giá để đi theo Chúa không? Ta có thực sự yêu thương các linh hồn một cách vị tha và năng động như Chúa Giêsu không?
Thiết tưởng đời tu của ta cũng sẽ không khỏi biến chất bởi những não trạng xấu, nếu hằng ngày ta không coi lại lòng mình xem có nhạy cảm trước những vấn đề khẩn thiết của cuộc sống đồng bào, nhất là những người nghèo khó cơ cực xung quanh ta, của địa phận ta, của Hội Thánh ta không, và xem lòng ta có thường nảy sinh ra được tâm tình cảm tạ Chúa trước bao sự lạ lùng, Chúa đang làm nơi vô số người tốt thuộc mọi tôn giáo, mọi lý tưởng, mọi ngành nghề không? Hay là ta chỉ biết nhạy cảm đối với những gì đụng tới tự ái và quyền lợi hẹp hòi của ta?
Những nhận thức như trên là cần thiết. Nhưng linh hồn sám hối sẽ không dừng lại ở đó. Họ dùng những nhận thức ấy để đào sâu sự khiêm tốn trong lòng mình, rồi từ đó càng khẩn khoản xin Chúa giúp cho mình được thanh luyện.
Thực sự ta chẳng bao giờ hiểu hết được những lợi ích của sự thanh luyện. Người tông đồ cần phải được Chúa nhào nặn, tẩy rửa, uốn nắn. Chúa làm việc đó bằng những dịu dàng pha trộn đắng cay của Tám Mối Phúc. Khó nghèo, hiền từ, khiêm tốn, hoà giải, trong sạch, là những nguồn chảy ra hạnh phúc ngọt ngào, nhưng cũng là những nguồn phải đào tìm bằng thánh giá với bao nhiêu nhọc nhằn, nhục nhã, cô đơn, cơ cực. Lòng ta càng được thanh luyện, để trở nên nghèo khó và tự do, thì càng dễ vâng phục sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Thái độ cậy tin phó thác để được Chúa thanh luyện là một điều cần trên đường sám hối, trở về với Chúa.
Những lần được đứng đồng tế bên cạnh Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, tôi rất cảm động. Khi thấy Ngài đọc kinh sám hối đầu thánh lễ với thái độ hết sức chân thành. Có một sự trung thực sâu xa. Có một sự ăn năn thống thiết. Có một sự nài xin khẩn khoản. Khi Đức Thánh Cha đọc “Xin Chúa thương xót chúng con”, tôi như thấy Ngài có một cái nhìn rất khiêm tốn về mình, về Hội Thánh, cùng với một cái nhìn phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
Đúng như vậy. Trong sám hối, linh hồn phó thác mọi sự cho Chúa, kể cả những quyết tâm sẽ làm những việc này việc nọ, hầu lòng mình được mở rộng hơn về phía Chúa và về phía con người.
Mở rộng lòng ta về phía Chúa và về phía con người, đó là mong ước sâu xa của người tông đồ. Một sự sám hối theo hướng đó trong tinh thần ngợi khen cảm tạ Tình Yêu Thiên Chúa sẽ tẩy rửa, tôi luyện lòng ta, để càng ngày ta càng được tham dự vào sự sống của Chúa. Và đây là điều mà linh mục sẽ tìm được nhiều nhất, khi tiếp xúc với Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể.
II/ BÍ tích Thánh Thể
Trong một buổi sinh hoạt tĩnh tâm giữa bạn bè, mỗi người chúng tôi đều được mời chia sẻ cho nhau những tâm tư thường có của mình khi viếng Thánh Thể nhất là khi dâng thánh lễ. Mọi người đã thành thật phát biểu. Có thể là chưa nói hết. Nhưng những gì đã nói ra đều là những kinh nghiệm sống động. Hầu như ai cũng nói đến sự gặp gỡ Chúa. Kinh nghiệm chung nhất là sự hiệp thông với Chúa. Viếng Mình Thánh, dâng thánh lễ, rước lễ, là được thông hiệp với Chúa Kitô. Sự thông hiệp này có tính cách riêng biệt, tuỳ người và tuỳ trường hợp.
Có lúc tôi hiệp thông với Chúa Giêsu trong việc Người đền tội cho nhân loại. Tôi đem tâm tình thống hối của tôi, thân phận của tôi, hoàn cảnh của tôi, đặt vào công phúc bao la của Chúa cứu thế. Tôi tin tưởng rằng: Công phúc của tôi chẳng là gì, nhưng “Nhờ Người, với Người và trong Người” mà tôi sẽ được thứ tha và được cứu độ.
Có lúc tôi hiệp thông với Chúa Giêsu trong việc Người cảm tạ Chúa Cha. Khi lập phép Thánh Thể, Người đã ngước lên trời, tạ ơn Chúa Cha và đọc lời chúc tụng. Hôm nay tôi hiệp thông với Người, để cảm tạ và chúc tụng Chúa Cha vì muôn ơn Người đang mưa xuống trên Hội Thánh và trên nhân loại, cách riêng vì ơn tôi được Chúa yêu thương và được tin vào tình yêu của Người.
Có lúc tôi hiệp thông với Chúa Giêsu trong việc Người vâng phục thánh ý Chúa Cha. Người đã vâng phục cho đến chết. Trong tinh thần vâng phục ấy, tôi sẽ có những quyết định cụ thể, như tránh mọi tội trọng, mọi tội nhẹ cố tình, hết sức chu toàn bổn phận, sẵn sàng đón nhận mọi đớn đau hồn xác mà Chúa sẽ gởi đến, để góp phần nhỏ bé vào công trình cứu độ của Chúa.
Có lúc tôi hiệp thông với Chúa Giêsu trong tinh thần bác ái của Người. Người đã vất vả đi tìm chiên lạc, đã quảng đại tha thứ cho mọi kẻ làm khổ mình, đã cam chịu nhục nhã đắng cay như một tội phạm ghê tởm. Khi hiệp thông với trái tim bác ái của Chúa Kitô, tôi xin Chúa luôn đổi mới trái tim tôi và trái tim mọi người, để tôi và mọi người biết yêu thương nhau chân thành, ít nhất biết sống tình người với nhau.
Có lúc tôi hiệp thông với Chúa Giêsu trong sự Người phó thác mình cho Đức Chúa Cha. “Con xin phó thác linh hồn Con trong tay Cha”. Lời phó thác ấy gói ghém cả một thực tế phũ phàng. Người đã làm tất cả, chịu đựng tất cả. Thế mà trên thánh giá, Người thấy như chẳng mấy ai đã tin theo Người! Tôi cũng muốn nói lên lời phó thác như Chúa Kitô, khi thấy thực tế quá xa với những ước mơ, khi tín hiệu về một trời mới đất mới còn quá yếu ớt, mà niềm tin như đang cạn dần với bao nghiệt ngã đắng cay phải chịu đựng. Tôi phó thác và hiệp thông vào sự sống lại của Chúa Kitô, tin tưởng rằng Chúa có cách dẫn đưa lịch sử đến đích điểm tốt đẹp nhất theo kế hoạch của Người.
Có lúc tôi hiệp thông với Chúa Giêsu trong sự Người hiện diện giữa trần gian. Phép Thánh Thể là sự Chúa có mặt giữa con cái loài người, như một tình yêu thắp sáng lên niềm hy vọng. Khi hiệp thông với Người, tôi xin Người làm cho nhiều tín hữu, nhiều gia đình, nhiều cộng đoàn trở thành những ngọn đèn đức tin, đức ái, thắp sáng lên niềm hy vọng, làm chứng rằng Chúa là Tình Yêu đang có mặt giữa chúng ta.
Những chia sẻ như trên gợi ý cho thấy những thái độ nội tâm khi đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. Đến với Người không phải là để học hỏi và bắt chước Người cho bằng để hiệp thông vào sự sống của Người. Sự hiệp thông này sẽ không thực hiện được, nếu việc viếng Chúa, rước lễ, dâng lễ chỉ làm theo hình thức thói quen một cách khô khan, máy móc, không có chuẩn bị tâm hồn trước, và ngay trong thời gian dâng lễ, rước lễ, viếng Chúa, vẫn cứ tiếp tục hướng ngoại. Với những cung cách như thế, người làm việc tôn giáo vô tình đã góp phần không nhỏ vào việc tục hoá bàn thờ, Lời Chúa và bí tích Thánh Thể.
Trái lại, việc thông hiệp với Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể sẽ được thực hiện tốt, nếu ta đến với Chúa Giêsu như một người yếu đuối, nhưng được trao sứ mệnh cùng với Chúa phải cố gắng cứu độ anh em đồng bào hôm nay của mình, bằng chính tình thương của Chúa. Có nghĩa là ta sẽ đến với Chúa Giêsu Thánh Thể đúng như một người bé nhỏ, nhưng mang trên vai bao gánh nặng tinh thần của Hội Thánh và của đồng bào. Ta đến, vì ta tin Lời Chúa: “Những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ bổ sức cho”. Và thực như vậy, Chúa sẽ bổ sức cho ta thật lạ lùng, khi ta hiệp thông với Chúa Giêsu Thánh Thể. Sự bổ sức này, ta cũng còn gặp được ở giờ nguyện gẫm.
III/ Nguyện gẫm
Một trong những quan tâm hàng đầu của giáo sĩ triều, là tích cực tham gia cuộc đấu tranh của tinh thần Đức Kitô chống lại tinh thần quỷ dữ Satan. Tinh thần Đức Kitô lan tới đâu là Nước Trời mở rộng tới đó.
Tinh thần Đức Kitô giúp ta biết Chúa, biết ta, biết người một cách sâu sắc. Biết phân biệt các sự kiện có tính cách dấu chỉ, biết đọc được ý nghĩa các dấu chỉ. Nhờ đó mà thẩm định được phần nào mức độ thấm nhập của tinh thần Đức Kitô trong chính lòng mình, trong cộng đoàn mình, trong xã hội mình, để rồi biết tìm cách đẩy lùi những bóng tối của tinh thần ác quỷ Satan.
Một đặc điểm thấy rõ nơi tinh thần Đức Kitô trong lịch sử là sức sáng tạo và đổi mới. Nhìn bao quát lịch sử chung thế giới hôm nay, ta thấy tinh thần Chúa đang hướng dẫn nhân loại theo hướng đi lên, do nhiều sáng tạo tuyệt vời và đổi mới tốt đẹp về nhiều mặt.
Trong đường hướng ấy, người tông đồ đồng hành với Chúa Kitô trên dòng lịch sử, rất cần để tinh thần Chúa đổi mới lòng mình, đổi mới cách nhìn của mình, để có những tâm tình và tư tưởng sáng tạo trong mục vụ, theo đúng hướng của tinh thần Chúa. Trung tín với tinh thần Chúa không phải là luôn tái bản và sao chép lại mọi cái tốt cũ.
Tinh thần Đức Kitô là ơn ta đã nhận được khi chịu phép rửa tội. Nhưng lúc ấy nó mới chỉ là mầm non. Mầm non này sẽ phát triển dần dần nhờ các bí tích ta chịu sau này, và nhờ cuộc sống thân thiết thường xuyên với Chúa. Giờ nguyện gẫm hằng ngày là dịp tiếp xúc rất quan trọng, để ta gần gũi tinh thần Đức Kitô.
Nguyện gẫm là vừa cầu nguyện và vừa suy gẫm, vừa có trước mắt Chúa những chân lý ngàn đời và vừa có thực tế cụ thể cuộc sống, nhưng chủ yếu là gặp gỡ chính Chúa.
Theo nội dung tổng quát đó, tiến trình giờ cầu nguyện gẫm có thể cụ thể hoá như sau:
Thứ nhất, tôi đến với Chúa trong nhận thức mình là người môn đệ Chúa, khát khao được tinh thần Chúa thâm nhập vào tôi, để tôi biết làm chứng về Chúa trong hoàn cảnh hiện nay. Tài liệu gẫm có thể là một trang sách đạo đức, một tấm ảnh đạo, một đoạn thánh ca, một biến cố, một cảnh thiên nhiên, nhưng nhất là Lời Chúa. Có trăm đề tài khác nhau, nhưng bất cứ đề tài nào cũng chỉ là những tiếng dạy dỗ. Tôi nghe lời dạy dỗ, nhưng không dừng lại ở lời dạy dỗ, mà sẽ đến với chính Đấng dạy dỗ, với khát vọng đón nhận tinh thần sống động của Người.
Thứ hai, tôi đến với Chúa, mang theo thân phận con người cụ thể của tôi. Tôi đang thế nào, ở hoàn cảnh nào, với tình trạng nào, thì tôi đến với Chúa như vậy. Tôi biết, tôi có một cái tôi cần phải cải đổi, cần phải thanh luyện. Tôi có những vấn đề cần được Chúa soi sáng. Cái nhìn về mình càng khiêm tốn, và càng khó nghèo, thì càng dễ đón nhận tinh thần Chúa.
Thứ ba, tôi chăm chú nhìn Chúa với tất cả lòng tin mến, cậy trông. Tôi khát khao Chúa với niềm tin vững vàng: Chỉ có Người là Đấng cứu độ của tôi. Tôi nhìn Chúa ở trước mặt tôi dưới nhiều hình thức, thí dụ Chúa trong phép Thánh Thể, Chúa trên thánh giá. Có thể một hình ảnh nào khác được hình thành trong lòng trí tôi theo ý nghĩa Phúc Âm. Nhưng dù dưới hình ảnh nào, Chúa vẫn là một Chúa sống động, Chúa đang nhìn tôi, Chúa đang yêu thương tôi. Tôi lắng đợi ơn Chúa.
Thứ bốn, tôi kéo dài thời gian gặp Chúa. Tinh thần Chúa đi vào trong tôi, không phải như một tư tưởng suông, mà như một sự sống. Tinh thần ấy đến như một sự truyền cảm của Đấng tối cao, làm cho tâm hồn tôi nên mới.

Trên đây chỉ là mấy việc đạo đức thấy cần nhắc tới, chứ không phải bấy nhiêu đã đủ cho cuộc sống thiêng liêng linh mục. Lòng kính mến đối với Đức Mẹ, thánh Giuse, các thiên thần, các thánh, các linh hồn nơi luyện ngục không những rất hữu ích, mà còn rất hợp với nhiều hoàn cảnh phức tạp của linh mục. Hẳn mỗi người chúng ta cũng đã có một số kinh nghiệm thiêng liêng về các tôn sùng ấy. Mong những sùng mộ ấy càng giúp ta sống thân thiết với Chúa hơn, càng giúp ta thấy Chúa có mặt trong mọi vấn đề của ta hơn, càng giúp ta trở nên ngoan ngoãn hơn và càng biết đón nhận hơn quyền năng nhân ái của Chúa. Chính nhờ thái độ biết đón nhận ơn Chúa và khả năng đón nhận Chúa mà ta được thánh hoá.
“Để đạt tới những mục đích mục vụ trong việc canh tân bên trong Giáo Hội… Thánh Công đồng hằng tha thiết khuyên tất cả các linh mục hãy dùng mọi phương tiện thích hợp mà Giáo Hội ban cho để luôn luôn nỗ lực tiến cao hơn trên đường thánh thiện, nhờ đó các ngài trở nên những khí cụ ngày càng thích hợp hơn cho việc phục vụ toàn thể dân Chúa” (PO.12)

Previous articleChị đã chọn cái nghề hạ lưu nhất mà người đời đều khinh bỉ: “LÀM ĐĨ”
Next article15 câu trích từ Tông huấn “Christus vivit”