LỄ ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP – HÃY RƯỚC MẸ VỀ NHÀ MÌNH
Is 7, 10-17; Kh 12, 1-6.10; Ga 19, 25-27
Trở về với những trang sách Sáng Thế, chiều chiều gió hiu hiu thổi, Thiên Chúa đi dạo với hai ông bà nguyên tổ trong vườn địa đàng.
Phải nói rằng cảnh thiên đàng đã đẹp cộng thêm hình ảnh đẹp của Thiên Chúa và hai ông bà nguyên tổ quả là tuyệt vời. Thiên Chúa cho hai ông bà thừa hưởng công trình sáng tạo của Thiên Chúa thế nhưng mà hai ông bà đặc biệt là bà đã không cảm nhận được ân sủng từ Thiên Chúa để rồi bà giơ tay hái trái cấm từ lời ngon ngọt của con rắn.
E-và đã phạm tội ! Thiên Chúa giận thì giận nhưng vẫn thương con người. Thiên Chúa đã hứa cho một người phụ nữ khác thay thế E-và bất tuân.
Lời hứa cứu độ đã đến với con người, đã đến với nhân loại sau một thời gian dài. Tưởng chừng như Thiên Chúa lãng quên nhưng không, Ngài đã thực thi lời hứa đó. Người nữ sửa cái sai của E-và đó chính là Trinh Nữ Maria. Hai chữ E-va Mẹ đảo vần. Eva bất tuân còn Mẹ thì xin vâng : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”
Mặc dầu chưa hiểu hết ý định và chương trình của Thiên Chúa, nhưng vì tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Maria đã thưa lời “Xin vâng” và đón nhận tất cả, đón lấy ý Chúa làm ý mình để chương trình tình yêu của Thiên Chúa được hoàn tất.
Với lời “Xin vâng” của thôn nữ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người, mở đầu công cuộc cứu rỗi trần gian. Thôn nữ Maria trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế qua thái độ khiêm nhường khi lời đáp xin vâng phát xuất từ lòng tin của mình. Lời “Xin vâng” của Mẹ là cửa ngõ dẫn vào ơn cứu độ. “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật.” Mẹ “Xin vâng” là Mẹ đón nhận công việc mở cửa cho ơn cứu độ tuôn tràn đến với nhân loại.
Nhờ lời “Xin vâng” của Mẹ Maria, Đức Giêsu đã đến trần gian, khai mở cho nhân loại một thời đại mới, thời đại của tình yêu cứu độ. Đức Giêsu đã đến phá tan bức màn đêm tăm tối, mở ra một bầu trời hy vọng cho nhân loại. Nhờ lời Mẹ xin vâng, lịch sử nhân loại bước sang trang mới, mở ra một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên hồng ân cứu độ.
Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt hảo về sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Bằng niềm tin và sự vâng phục, Mẹ đã tự do cộng tác vào công trình cứu độ. Từ lúc nhận lời Sứ thần truyền tin với lời “Xin vâng” đầu tiên, Mẹ đã sống vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong suốt cuộc đời. Qua từng biến cố, Mẹ đã liên tục thưa những tiếng “Xin vâng”, để cùng với Chúa Giêsu tiến bước trong hành trình đức tin với lòng vâng phục thánh ý Chúa Cha, để cuối cùng là lời “Xin vâng” hiệp nhất với Chúa Giêsu trên thập giá hoàn tất ý định của Thiên Chúa. Sau hai tiếng “Xin vâng” của Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.”
Với lời “Xin vâng”, Mẹ Maria quả thực đã trở thành người đầu tiên trong nhân loại nói lên sự vâng phục trọn vẹn đối với Thiên Chúa. Trong khi thế trần vui mừng vì hy vọng được tha thứ nhờ lời “Xin vâng” của Mẹ, thì Mẹ Maria lại nghĩ đến những đòi hỏi gắt gao của lời xin vâng đó. Mẹ biết lời xin vâng ấy sẽ dẫn đưa Mẹ trên con đường hy sinh, nhưng vì yêu nhân loại và khát khao làm vimh danh Thiên Chúa, Mẹ đã đón nhận tất cả để chương trình cứu độ được nên hoàn trọn.
Hình ảnh, con người xin vâng của Mẹ Maria quá tuyệt vời. Mẹ đã sửa sai cho người nữ đầu tiên trên trái đất này. Mẹ đã làm cho cục diện cứu độ được thay đổi, Mẹ đã làm cho những gì hư mất nay được phục hồi. Chính nhờ lời xin vâng tuyệt hảo mà Thiên Chúa cứ mãi chở che Mẹ, ấp ủ Mẹ.
Hình ảnh người phụ nữ trong sách Khải Huyền cũng chính là hình ảnh của Mẹ Maria. Đối diện với thế lực của quỷ dữ nhưng Mẹ được chở che vì Mẹ đã ôm trọn, Mẹ đã cưu mang con Thiên Chúa. Mẹ đã được đưa ngay lên tòa của Thiên Chúa trước những thế lực quỷ dữ canh chừng ăn tươi nuốt sống Mẹ.
Và, hình ảnh hết sức đẹp mà chúng ta thấy trong trang Tin Mừng rất ngắn của Thánh Gioan. Mẹ Maria, đứng dưới chân thập giá, chỉ còn mình Mẹ và người môn đệ Chúa yêu, Mẹ cũng đã ôm trọn Gioan vào lòng để chở che Gioan trong nỗi cô đơn, trong nỗi cay đắng tột cùng của Chúa Giêsu. Mọi người bỏ đi hết, mọi người tháo chạy hết và chỉ còn mình Mẹ can trường dưới chân cây thập giá.
Mẹ là như thế ! Mãi mãi Mẹ vẫn như vậy trong suốt cả cuộc đời. Mẹ ôm con khi sinh con nơi hang đá Bê lem, Mẹ ôm con trốn sang Ai Cập, Mẹ ôm con dâng mình cho Chúa và Mẹ cũng ôm con Mẹ trên đỉnh đồi Gôn gô tha. Và, Mẹ đã ôm Gioan đại diện cho nhân loại vào trong lòng Mẹ để Mẹ chở che.
Bản tính Mẹ là như vậy, bản chất Mẹ là như vậy.
Mẹ yêu thương, che chở con người để rồi trong thế giới “Thánh tượng” (icon), tranh icon được biết đến nhiều nhất là bức “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” (Our Lady of Perpetual Help) – được vẽ vào khoảng thế kỷ 13 có nguồn gốc từ Hy Lạp theo truyền thống Byzantium – mà nguyên bản, từ năm 1866 đến nay, được đặt tại nhà thờ Thánh An Phong (Alfonso) ở Rôma, Ý.
Sự nổi tiếng này có nhiều nguyên do, mà trước hết là bởi niềm tin của giáo dân về sự linh thiêng của “Thánh tượng” (có vô số truyền thuyết về “quyền năng Thiên Chúa” thể hiện qua “Thánh tượng” này được lan truyền khắp nơi…).
Tiếp theo, phải kể đến sự kiện các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã chọn “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” làm bổn mạng cho sứ vụ chính của Hội Dòng, và nhận sự uỷ thác của Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX phải truyền bá hình ảnh “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” cho toàn thế giới – kể từ năm 1866.
Đức Mẹ tuy bồng ẵm Chúa Giêsu trong lúc con mình sợ hãi, nhưng lại không hướng ánh mắt về con mình, mà về phía người đối diện ngắm nhìn bức ảnh. Điều đó như Đức Mẹ muốn nhắn gửi sứ điệp:
“Là người Mẹ, tôi biết con tôi đang tìm sự an ủi chở che, nên ngồi sát nép vào lòng tôi tìm sự an ủi giúp đỡ để con tôi làm trọn hảo ý Thiên Chúa muốn. Và tôi chấp nhận vâng theo ý Thiên Chúa bằng lòng để con tôi hy sinh cho công cuộc cứu rỗi loài người khỏi vòng tội lỗi. Tôi đã nói lời xin vâng theo ý Thiên Chúa ngay từ giây phút Thiên Thần đến truyền tin cho tôi. Điều này tôi không bao giờ rút lại.
Như Chúa Giêsu, con tôi, nép sát mình bên tôi khi sợ hãi lúng túng nhìn thấy cây thập giá, con người các bạn trong cơn khốn khó đau khổ, cũng được phép chạy đến tìm sự an ủi giúp đỡ nơi tôi.
Tôi là người mẹ luôn sẵn sàng phù hộ giúp đỡ cho những người cần đến kêu cầu tôi.
Và trong dòng thời gian do lòng kính mến cùng biết ơn, người ta ca tụng tặng tôi danh hiệu: Đức Bà phù hộ các giáo hữu! Đức Bà an ủi kẻ âu lo!
Tôi vui mừng được làm công việc của một người mẹ bây giờ ở trên trời chuyển lời cầu xin của người tín hữu tới nhan Thiên Chúa, Đấng là kho tàng mọi ân đức phúc lộc cho con người.”
Và đó đây trong kinh cầu Đức mẹ hằng cứu giúp, người tín hữu Chúa Kitô hát kêu xin: “Con xin dâng lên gia đình con cái, trong tay khoan nhân của Mẹ Chúa trời! Xin Mẹ thương hãy giúp đỡ con!”
Hôm nay, mừng kính Mẹ Hằng Cứu Giúp, một lần nữa, chúng ta chân nhận, chúng ta xác tín rằng Mẹ luôn luôn che chở, Mẹ luôn phù trì chúng ta : Mẹ nguồn cậy trông chưa thấy ai xin Mẹ về không, hỡi Mẹ Thiên Chúa, xin hãy lắng nghe con nài van. Mẹ nguồn an vui, ôi Nữ Trinh là nguồn an vui, hết tình kêu khấn con tin chắc Mẹ luôn nhận lời.
Chuyện quan trọng và hết sức quan trọng là chúng ta có bắt chước như Gioan là mang Mẹ về nhà của mình hay không ? chúng ta mang mẹ nào đó về nhà để rồi chúng ta cứ mãi hoang mang, mãi mất lòng tin.
Cuộc đời này có quá nhiều lắng lo để rồi chúng ta hoang mang, chúng ta mất lòng tin.
Cứ bắt chước như Gioan, hãy rước Mẹ về nhà mình để rồi gia đình chúng ta luôn được bình an dưới sự chở che của Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Lm. Anmai, C.Ss.R.