HÃY TỈNH THỨC

128

 

Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến… nên anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Ngôn sứ Êlia đã thắt lưng mình để chạy (1V 18, 46).  Thái độ mà Chúa Giêsu khuyên nhủ cho những ai đang mong đợi ngày Chúa quang lâm là hãy bắt tay vào làm việc và đừng biếng nhác (1Ts 5, 6-8; 1Pr 5, 8; 1, 13).  Tỉnh thức là nền tảng cho người Kitô hữu.  Cách sống của người Kitô hữu thì không chỉ là một thái độ bởi vì người ấy giờ đây đã mặc lấy Đức Kitô và dành trọn cho vương quốc của Người.

Hãy “thắt lưng cho gọn”, là hình ảnh của những người trong tư thế sẵn sàng. Thật vậy, khi xưa, người Do Thái thường hay may áo với những tua dài, khi đi nhanh hoặc chạy, họ phải vận tua áo vào thắt lưng để cho gọn gàng, như thế khi di chuyển mới không bị vướng. Đức Giêsu bảo các môn đệ “thắt lưng cho gọn”, là Ngài muốn dạy các ông phải trong tư thế sẵn sàng, để khi cần hành động thì được thanh thoát, nhẹ nhàng, không bị vướng bận vào những chuyện phụ thuộc.

“Hãy thắt lưng”; “hãy cầm đèn trong tay” là thái độ sẵn sàng để đón Chúa đến của mỗi người chúng ta. Có một câu chuyện giả tưởng kể về một cuộc họp kín của hội đồng Satan, rất nhiều kế sách được đưa ra… nhưng đều bị bãi bỏ hết, chỉ có một ý kiến được tất cả hội đồng nhất trí, đó là sáng kiến của một Quỷ già. Quỷ này đưa ra một chiêu thức như sau: gấp gì, còn kịp chán, để gần chết rồi ăn năn trở lại, hãy sống vui đã!

Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chúng ta chính là phục vụ. Càng phục vụ, chúng ta càng nhận ra được Chúa đang đến. Càng phục vụ, chúng ta càng nên giống Chúa trong cung cách vương giả của Ngài. Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi hỏi nhiều. Ân sủng dồi dào mà chúng ta lãnh nhận qua bí tích rửa tội là để san sẻ; tình yêu chúng ta cảm nhận được trong đức tin là để trao ban cho mọi người.

Sự tỉnh thức đích thực của người kitô hữu chúng ta chính là ý thức rằng: sống tích cực để yêu thương và phục vụ, và đó cũng là hạnh phúc đích thực của chúng ta, vì như Chúa Giêsu đã nói: “Cho thì có phúc hơn là nhận”.

Thật không dễ dàng có thái độ sẵn sàng theo đúng ý Chúa muốn. Vào thời các Tông đồ, có những tín hữu quá sốt sắng chờ đợi Chúa trở lại đến độ lơ là việc bổn phận của mình. Đó là thái độ của tín hữu cộng đoàn Thessalonica mà thánh Phaolô đã phải khuyến cáo: “Thưa anh em, về ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Ngài, thì tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào.”

Thiên Chúa Cha đã sẵn lòng dọn sẵn cho chúng ta một vương quốc, chúng ta phải sẵn sàng để đón nhận lấy, sau khi chúng ta đã bỏ lại đằng sau mọi trở ngại. Người Do Thái thắt áo choàng của họ ở thắt lưng để có thể làm việc một cách hữu hiệu hơn.

Sống chờ đợi Chúa lại đến gần không phải bằng thái độ thụ động, nhưng là bằng thái độ tích cực. Thánh Phaolô đã mô tả thái độ đó như sau: “Anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bất chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, là con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ, hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, hãy đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ.”

Thức tỉnh cũng có nghĩa là thay đổi trái tim bằng đá vốn đóng kín trước tha nhân, với cuộc sống bằng một trái tim mở rộng với anh chị em và không đóng kín đối với chân lý. Thức tỉnh, nghĩa là đón nhận mọi sự, không phải như là một qui luật, một hy sinh hay duy ý chí, nhưng mà do giác ngộ; là chấp nhận các biến cố, vì bạn nhìn thấy rõ ràng và không gì hay không ai có thể lừa đối bạn; là khơi dậy cái ánh sáng sẽ không bao giờ tắt nữa.

Thật vậy, không ít người đã vấp phải cạm bẫy này. Họ vẫn cứ ăn chơi trác táng, cờ bạc, rượu chè, trai gái… vẫn sống bất chính, tham ô, bóc lột, thờ ơ trước nỗi khổ của anh em… họ viện vào lý do là mình còn trẻ, vẫn khỏe nên chưa thể chết được, vì thế, để đến khi về già mới hay, đâu có muộn! Thế nhưng trong thực tế đời thường, có biết bao người chết khi tuổi mới đang độ thanh xuân…Có những người chết vì thiên tai, tai nạn, bệnh tật, hay chỉ một cơn gió độc ập đến đã đủ để cướp đi sinh mạng của mỗi người…  Chính vì thế, phải “sẵn sàng” trong tư thế “tỉnh thức”.

Sống đức tin, đức cậy, đức mến, trong khi chờ đợi Chúa đến, không có nghĩa là chúng ta bỏ quên sự dấn thân của mình. Mỗi người chúng ta cần phải luôn tỉnh thức với thái độ tích cực, đồng thời nỗ lực góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Tỉnh thức là thể hiện niềm tin Chúa sẽ đến, là biểu lộ lòng yêu mến chờ đợi Chúa, là trung tín với những gì Chúa giao phó và khôn ngoan làm sinh lợi cho sự nghiệp của Chúa.

Và rồi sự tỉnh thức đích thực là chu toàn bổn phận của mình. Với một tinh thần trách nhiệm và với một tinh thần phục vụ quên mình… Xin Chúa cho ta luôn tỉnh thức để chờ đợi Chúa đến bất cứ lúc nào trong đời chúng ta.

 

 

Previous articleThánh GIUSE CALASANZ Linh Mục (1557-1648)
Next articleTỈNH THỨC ĐỂ ĐỢI CHỜ