16-10 – MỪNG KÍNH THÁNH GIÊRAÐÔ – Trợ sĩ DCCT. – Vị Thánh Hay Làm Phép Lạ – Vị Thánh Của Các Thai Phụ
321
Thánh Giêrađô, Trợ sĩ Dòng Chúa Cứu Thế (1726-1755), Lễ kính 16/10
Lm. Giuse Trịnh Ðức Hòa, C.Ss.R.
Từ tháng 9/2004 đến tháng 10/2005, Dòng Chúa Cứu Thế toàn cầu tổ chức mừng Năm Thánh Giêrađô, kỷ niệm 100 năm được phong Hiển thánh (1904 – 11/12 – 2004) và 250 năm ngày Thánh nhân qua đời (1755 – 16/9 – 2005). Cuộc đời của Thánh Giêrađô được mệnh danh là “Vị Thánh Hay Làm Phép Lạ” và “Vị Thánh Của Các Phụ Nữ Ðương Thai” là một chuỗi những chuyện lạ kỳ độc đáo.
ÐƯỢC CHƠI VỚI CHÚA
Giêrađô mở mắt chào đời ngày 6/4/1726 tại Murô, một làng nhỏ miền Nam nước Ý. Bé Giêrađô đã trở nên niềm vui đặc biệt cho bố Ðôminicô và mẹ Bênita vì là con trai út của gia đình. Ba người chị của Giêrađô là Brigítta, Anita và Êlisabét. Ngay từ thời thơ ấu, bé Giêrađô đã sớm biểu lộ tấm lòng yêu mến Chúa thật hồn nhiên.
Ngày nọ năm 1732, bà Bênita thấy Giêrađô hớn hở chạy vào nhà:
– Mẹ ơi, xem này!
Giêrađô xòe tay cho mẹ xem mẩu bánh trắng.
– Ai cho con vậy?
– Một đứa nhỏ đầu xóm!
Bà Bênita không hỏi thêm vì đoán ấy chỉ là một cậu bé giàu sang nào đó. Nhưng ngày hôm sau lại thấy Giêrađô mang về một mẩu bánh trắng khác. Chuyện lạ cứ tiếp diễn những ngày sau đó và kéo dài nhiều tháng. Khi bị tra hỏi, bé Giêrađô chỉ trả lời vỏn vẹn:
– Một đứa nhỏ cho con.
Hai mươi năm sau, Giêrađô mới tâm sự với chị Brigítta của mình:
– Bây giờ em mới biết đứa trẻ đã cho em tấm bánh trắng là chính Chúa Giêsu. Thế mà em cứ ngỡ trẻ ấy như bao đứa khác trong xóm.
Chị Brigítta chợt hiểu ra vì sao Giêrađô thích lui tới nhà thờ một mình khi còn bé … chỉ để được chơi với Chúa và được Chúa chia cho mẩu bánh trắng.
NGƯỜI LAO ÐỘNG
Năm mười hai tuổi, Giêrađô chịu tang bố. Từ nay mồ côi cha, cậu phải chung vai kiếm kế sinh nhai cho gia đình. Vâng lời mẹ, Giêrađô đến học nghề may với ông Máctinô Pannutô là một người rất khó chịu và thường chửi rủa và đánh đập cậu. Dẫu vậy, cậu vẫn phó thác tin tưởng vào Chúa và không chút oán giận ông Máctinô.
Sau thời gian học việc làm thợ may, có một thời gian Giêrađô giúp việc cho Ðức Cha vùng Lacedonia lúc ấy đang dưỡng bệnh ở Muro. Một lần nữa, cậu cho thấy đức tính kiên nhẫn chịu đựng bằng cách thinh lặng trước những cơn nổi nóng của vị giám mục này.
Chính trong thời gian làm việc cho Ðức Cha Lacedonia, cậu Giêrađô đã thực hiện một trong những phép lạ đầu tiên đáng ghi nhớ khiến người ta bắt đầu chú ý đến cậu. Ðó là có một lần Giêrađô vô tình để rơi chùm chìa khoá xuống giếng nước. Thế là Giêrađô cầu nguyện lấy lại chùm chìa khoá, không phải bởi vì cậu sợ những cơn giận dữ của vị giám mục, nhưng chỉ lo rằng sự bất cẩn của cậu khiến vị giám mục phạm tội vì mất sự nhẫn nại. Với sự đơn sơ tin tưởng Chúa luôn quan phòng, Giêrađô lấy một sợi dây buộc một tượng Chúa Giêsu Hài Ðồng nhỏ và thả xuống giếng. Khi kéo dây lên, thì lạ thay, chùm chìa khoá nằm trong tay tượng Chúa! Ðám đông tụ chung quanh giếng đều lấy làm kinh ngạc và hoan hô Giêrađô. Từ đó, giếng này có tên là “Giếng Giêrađô”.
MẸ Ở LẠI, CON ÐI LÀM THÁNH !
Từ lâu, Giêrađô hằng ấp ủ ước mơ dâng mình cho Chúa. Lúc 16 tuổi, Giêrađô tính vào một tu viện dòng Phanxicô nhánh Capuchin ở San Menna, gần nơi ngài sinh trưởng. Mặc dầu có một người cậu đang tu ở tu viện này, Giêrađô không được Nhà dòng nhận bởi lẽ cậu có vẻ yếu đuối. Rồi khi được 18 tuổi, một tu viện Phanxicô khác cũng không nhận cậu. Thế rồi, vào lúc 21 tuổi, cậu Giêrađô thuyết phục một người bạn đi vào rừng vắng thử sống đời ẩn tu. Người bạn chỉ sau một hai ngày đã quay về nhà còn Giêrađô mặc dầu ưa thích lối sống tu này nhưng cũng không lâu bởi vì phải vâng lời cha giải tội không được tiếp tục nữa. Thiên Chúa quan phòng cho Giêrađô sống một đời tu khác, trở thàn Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế.
Tháng Tám 1748, hai tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, Cha Gácsidi và Thầy Ônôfriô Rítca, đến giáo xứ Murô để quyên tiền xây trung tâm hành hương Materdomini. Cảm kích gương nghèo khó và khiêm hạ của hai ngài, Giêrađô đã tìm đến trò chuyện với thầy Ônôfriô. Qua buổi nói chuyện, Giêrađô càng say mê lý tưởng ơn gọi tu trì và quyết tâm trở thành tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế.
Ngày 13/4/1749, bốn thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế đến giảng tuần Ðại phúc tại giáo xứ Murô. Giêrađô tìm đến Cha đặc trách Phaolô Cafarô để xin vào Dòng. Cha thẳng thắn từ chối vì cậu Giêrađô tuy trông thánh thiện, nhưng người quá gầy gòm xanh xao. Các Cha chối từ, sức khỏe suy kém, lẫn lời than van khóc lóc của mẹ già và các chị: “Xin các Cha đừng nhận em con!”, tất cả vẫn không làm Giêrađô thoái chí.
Trước ngày lên đường về lại Nhà Dòng, Cha Cafarô căn dặn bà mẹ:
– Lúc chúng tôi rời nơi đây, hãy nhốt Giêrađô trên gác và canh chừng cẩn thận, kẻo cậu ta trốn theo chúng tôi.
Khóa sắt chỉ khóa được cửa phòng, chứ nào khóa được tấm lòng đã bốc lửa yêu Chúa. Ðêm đến, Giêrađô nối nhiều mảnh vải thành dây, đoạn cột đầu dây vào thành cửa sổ, nhẹ nhàng thả mình xuống đất, rồi nhanh chân đuổi theo các cha Dòng. Ðến sáng, bà mẹ lên phòng con. Cửa vẫn đóng im lìm, nhưng Giêrađô đã cao bay xa chạy, để lại giòng chữ trên bàn, “Mẹ ở lại, con đi làm thánh!”
CON CƯNG CỦA CHÚA
Ðuổi kịp theo đoàn xe các thừa sai, Giêrađô một lần nữa nài nỉ các cha cho vào Dòng. Kẻ xin càng cương quyết, người cho càng cự tuyệt. Cuối cùng Giêrađô hạ tuyệt chiêu:
– Thưa cha, nếu Cha không nhận con, con sẽ đứng trước cửa Nhà Dòng suốt đời với đám ăn xin.
Ðành chịu thua, Cha Cafarô bất đắc dĩ viết giấy giới thiệu Giêrađô cho Cha Lôrensô Antôniô, Bề trên nhà Ðêlicitô như sau: “Xin gửi đến Cha một thỉnh sinh hoàn toàn vô dụng, vì thể lực quá yếu và không làm được việc nặng. Tôi đã không sao khước từ anh ta được. Dù vậy, ở Murô anh ấy được coi là người đạo hạnh.”
Nhờ trung kiên với ơn Chúa, Giêrađô đã tuần tự trải qua thời kỳ dự tu rồi vào Tập Viện. Giáng sinh 1749, Giêrađô tuyên khấn lần đầu để chính thức trở nên tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Còn lời nào tả trọn niềm vui được thuộc về Chúa Cứu Thế! Còn hạnh phúc nào sánh bằng vinh dự được trao sứ mạng rao giảng Tin Mừng! Ngày 17/7/1752 Thầy Giêrađô tuyên lời khấn trọn đời.
Thánh An Phong đã đặt một phương châm sống cho tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế là: “Ẩn tu tại gia, tông đồ tại ngoại”. Thầy Giêrađô đã triệt để áp dụng phương châm này vào cuộc sống hằng ngày.
“Ẩn tu tại gia …” Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế cần có một tâm hồn chiêm niệm, một đời sống kết hiệp bền chặt với Chúa Giêsu Cứu Thế qua cầu nguyện và khổ chế. Thánh Giêrađô không những đã trung thành với những giờ kinh nguyện chung trong Nhà Dòng mà còn dành nhiều giờ cầu nguyện riêng trước Nhà Tạm. Một nhân chứng là Cha Tannoia thuật lại: “Khi tôi vào nhà nguyện mà Thầy Giêrađô không hay biết, tôi thấy Thầy đi qua lại trước bàn thờ, như bị giằng co giữa tiếng gọi phải hoàn tất việc bổn phận bên ngoài và ước muốn được gần gũi Chúa Giêsu Thánh Thể. Thầy cứ quỳ xuống rồi đứng lên như cưỡng lại một sức vô hình đang kéo Thầy ở lại. Cuối cùng, cố đứng dậy, Thầy nói lớn: ‘Hãy để con đi, con còn việc phải làm!’ Rồi Thầy bước nhanh ra cửa”.
Lòng kính yêu Mẹ Maria của Thầy Giêrađô cũng đằm thắm như lòng ngài say mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngày nọ tại Thánh đường Ðức Mẹ An Ủi ở Ðêlixitô, Thầy âu yếm hướng mắt nhìn lên bức ảnh Mẹ Vô Nhiễm treo trên cầu thang. Bỗng chốc Thầy xuất thần, toàn thân được nhấc bổng lên gần ảnh thánh một lúc lâu trước sự chứng kiến đầy kinh ngạc của khách hành hương.
TÔNG ÐỒ TẠI NGOẠI
Lòng Thầy Giêrađô luôn đói khát: đói khát Chúa và đói khát các linh hồn. Ðói khát Chúa vì các linh hồn và đói khát các linh hồn vì Chúa. Thầy viết: “Lạy Chúa, ước chi con có thể giúp hoán cải các tội nhân vốn nhiều như nước ngoài bể, như cát dưới bãi, như lá trên rừng”. Phương thế hữu hiệu Thầy dùng để cứu các linh hồn là lời cầu nguyện đêm ngày và vô số việc hy sinh hãm mình. Thêm vào đó là một câu nói khích lệ, với ơn đọc thấu lương tâm tội nhân, cảnh tỉnh về tương lai và tỏ bày thế giới siêu nhiên. Nhờ đó, Thầy Giêrađô đã đem nhiều chiên lạc về nhà Cha. Cha Mátgốtta và Cha Caiônê từng xác nhận: “Cả trăm thừa sai cũng không đem nhiều người trở lại bằng Thầy Giêrađô”.
Ngày trước bị coi là “một thỉnh sinh vô dụng”, nay Thầy Giêrađô được trọng kính như một đấng thánh. Các Cha Dòng, mỗi khi mở tuần Ðại phúc, đều mời Thầy Giêrađô đi hỗ trợ, vì biết lời cầu nguyện và hy sinh của Thầy có sức động lòng Trời và chuyển lòng người. Thậm chí các Giám mục của ba giáo phận Murô, Menphi và Troia đã chính thức mời Thầy Giêrađô làm linh hướng cho ba đan viện nữ: Dòng Carmêlô tại Ripacanđiđa, Dòng Biển Ðức tại Atella, Dòng nữ Chúa Cứu Thế tại Foggia. Không thuyết giảng hùng hồn, nhưng khiến được vô số người trở lại. Không khảo cứu thần học, nhưng làm cố vấn cho cả Giám mục và Linh mục. Hơn ai hết, Giêrađô biết những thành quả đó không do tự sức riêng, nhưng tất cả là hồng ân Chúa. Phần ngài, có chăng là khiêm tốn thực thi trọn vẹn Thánh ý Chúa, như ngài từng cầu nguyện:
“Thánh ý Chúa là niềm vui đời con.
Con muốn điều Chúa muốn,
Khi Chúa muốn,
Như Chúa muốn,
Vì Chúa muốn”.
BÁNH THÁNH GIÊRAÐÔ
Một điều Giêrađô tin chắc sẽ luôn làm hài lòng Chúa là dám chia sẻ tất cả cho người nghèo. Mùa đông giá 1754, Thầy Giêrađô được giao nhiệm vụ phát bánh mì cho tất cả những ai tìm đến xin Nhà Dòng. Giêrađô hằng hái chia hàng trăm ổ bánh cho người nghèo. Ðến trưa, Nhà Dòng dùng cơm nhưng bánh trong lò đã hết nhẵn. Cha Bê trên gọi vị tu sĩ “quá thương người” kia đến nhắc nhở lần sau đừng bất cẩn như thế. Giêrađô thưa:
– Xin Cha Bề trên yên tâm. Chúa sẽ lo liệu. Nào xin Cha đến soát lại lò bánh.
Anh làm bánh lắc đầu quả quyết:
– Hết sạch rồi ạ!
Giêrađô điềm nhiên:
– Chúng ta cứ đến lò xem sao.
– Thầy muốn xem thì xem. Tôi đã nói hết trơn bánh rồi.
Thầy Giêrađô lẳng lặng dẫn Cha Bề trên đến lò bánh. Mở cửa lò. Và kìa, lò đang đầy ắp lớp bánh thơm dòn, khiến hai người sửng sốt ngỡ ngàng.
Nghiêng sang anh làm bánh, Cha Bề trên ôn tồn:
– Lần sau cứ để mặc Thầy ấy phát bánh. Chúa ở với Thầy và thích đùa với Thầy, vì Thầy là con cưng của Chúa.
Cũng về phép lạ làm ra bánh của Thầy Giêrađô, một hôm, hai cô gái nghèo con ông bà Laurentio Mariello đến xin nhưng bánh đã được Thầy phát hết cho người nghèo. Thầy suy nghĩ một chốc, trở vào nhà Dòng, rồi quay lại liền, với trên tay hai ổ bánh mì thật thơm ngon, còn nóng hổi như vừa lấy trong lò ra, nhưng hình thù lại khác hẳn các bánh khác. Mọi người đều sửng sốt. Những người chứng kiến chỉ thấy Ngài bước chân vào cửa nhà Dòng rồi bước ra, chẳng sờ tới một vật gì trong nhà cả. Mà thật sự lò bánh mì nhà Dòng đã tắt lửa từ lâu.
Một phép lạ tương tợ khác cũng đã xảy ra cho một người tuy có địa vị, nhưng nghèo đói. Vì xấu hổ, ông không dám đến gần xin bánh. Khi Thầy Giêrađô phát bánh xong, người ta mới lưu ý Ngài về trường hợp của ông. Ngài nói: “Tôi rất tiếc ông đến trễ quá.” Nhưng rồi Ngài tiếp liền: “Xin ông đợi cho một chút.” Ngài trở vào nhà Dòng, rồi lại trở ra liền, với một ổ bánh mì còn nóng, bọc trong vạt áo choàng của Ngài. Bánh đó bởi đâu mà có, trong khi lò bánh nhà Dòng đã tắt nguội từ lâu? Phép lạ đã rõ ràng như ban ngày.
Do những tích bánh lạ nói trên, nhứt là bánh lạ Giêrađô phát cho người nghèo, mà hàng năm, đến ngày lễ Thánh Giêrađô, Dòng Chúa Cứu Thế có thói quen làm phép và phát bánh Thánh Giêrađô cho các tín hữu. Các thân hữu năng lui tới nhà Dòng Chúa Cứu Thế trước đây ở Việt Nam, đều biết thói quen này.
Ðó cũng là lý do tại sao trong các kỳ Ðại Hội thường niên của Hội Bảo Trợ Ơn Gọi của Phụ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế ở Hải ngoại đều có lễ nghi làm phép và phát bánh Thánh Giêrađô cho bà con đến tham dự Ðại Hội.
KHĂN THÁNH GIÊRAÐÔ
Về sự tích khăn Thánh Giêrađô, một ngày nọ, đến thăm gia đình Pirôfanđô, Thầy Giêrađô để quên chiếc khăn tay. Một bé gái chậy theo trao khăn lại cho Thầy. Giêrađô đáp:
– Em cứ giữ lấy. Sẽ có ngày em dùng tới.
Lớn lên lập gia đình và khi sinh con đầu lòng gặp trắc trở hiểm nghèo, cô chợt nhớ đến khăn Thầy Giêrađô, liền lấy ra đắp lên mình. Tức khắc, cơn đau thuyên giảm và cô đã sinh nở mẹ tròn con vuông. Tiếng lành đồn xa, khắp miền Ôlivêtô tuôn đến gặp người mẹ may mắn để xin một mẩu “khăn Thánh Giêrađô”. Cha Tannoia công nhận:
– Thầy Giêrađô được mọi người tin tưởng khẩn cầu như vị quan thầy linh nghiệm của các bà mẹ cưu mang, sinh nở khó khăn. Thầy đáng là bổn mạng các bà mẹ!
Không lạ gì, ngày nay có bao trẻ mang tên ngài và nhiều bà mẹ mang thai cầu nguyện với ngài để được mẹ tròn con vuông!
Hiện vẫn còn một tục lệ phổ biến cho các bà mẹ ở Ý và nhiều nơi khác, đó là họ lấy một khăn tay trắng chạm vào thánh tích Thánh Giêrađô ở Materdomini, nơi Ngài qua đời và chôn cất, rồi đặt trên người trong thời gian mang thai hay sinh nở khó khăn.
NHỮNG ƠN LẠ CHÚA BAN
Ngoài những ơn lạ Thiên Chúa ban cho như đọc được linh hồn người tội lỗi, được ơn thông hiểu Thánh Kinh và các mầu nhiệm trong đạo thánh, hoá bánh mì cho người nghèo, Thầy Giêrađô còn được ban ơn ngất trí hay xuất thần, tức là một tình trạng siêu nhiên không còn biết những gì chung quanh trong khi linh hồn vui hưởng chiêm niệm Thiên Chúa một cách tuyệt diệu. Ðiều này xảy ra thường xuyên cho Thầy Giêrađô vì Thầy lúc nào cũng suy niệm về Chúa và Thánh ý Ngài. Một lần Thầy rơi vào tình trạng ngất trí trong khi nấu ăn bữa tối cho cộng đoàn tu viện. Thấy ngài bất động lâu quá, các tu sĩ bạn muốn biết bữa ăn đã chuẩn bị chưa. Tỉnh cơn ngất trí, và lạ thay thật đúng giờ, Thầy Giêrađô đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thức ăn. Sau đó, Thầy giải thích là do các thiên thần nấu thay cho ngài!
Chúa còn ban cho Thầy Giêrađô có ơn lưỡng tại tức là có mặt ở hai nơi cùng một lúc. Chẳng hạn, có lúc Thầy không hề ra khỏi tu viện nhưng những người khác thấy Thầy chăm sóc cho người bệnh ở làng họ.
Ðiều đáng kinh ngạc hơn nữa là Thiên Chúa còn cho Thầy quyền năng để thắng ma quỷ. Có một đêm khuya nọ, Thầy Giêrađô có việc phải cỡi ngựa đi ngang qua một khu rừng. Một cơn bão lớn thình lình ập đến và mưa như thác lẫn sương mù dày đặc khiến đường đi rất nguy hiểm. Một con quỷ hình hài khủng khiếp hiện ra đe doạ lấy hồn Thầy. Thầy liền nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi bắt quỷ dẫn ngài đến nơi bình an.
Ða số những phép lạ Thầy Giêrađô thực hiện nhằm giúp đỡ người khác. Có lần, Thầy hồi sinh một đứa bé rơi từ một vách đá cao. Thầy cũng làm phép lành trên một tí lúa mì của một gia đình nghèo để có thể có hoài cho đến vụ mùa sau. Lần khác, Thầy đi trên nước biển để kéo một thuyền của ngư phủ đang trong cơn bão tố về đến bờ bình an.
CUỘC THỬ THÁCH LỚN LAO
Mặc dầu Thầy Giêrađô được nhiều anh em trong Dòng lẫn giáo dân bên ngoài kính phục về sự thánh thiện và khiêm nhường, cũng như các phép lạ ngài làm, điều đó cũng không làm cho ngài thoát khỏi thử thách của thánh giá Chúa gửi đến. Số là vào năm 1754, Thầy Giêrađô vẫn thường khuyến khích và giúp đỡ các cô gái muốn đi tu vào các tu viện nữ, trong số đó có hai chị em gia đình Caggiano.
Negia Caggiano là một trong hai cô gái đã được Thầy Giêrađô giúp đỡ, sau đó chán ghét đời sống trong tu viện và chỉ sau 3 tuần đã trở về nhà. Thay vì thú nhận mình không tu được, cô Neria bắt đầu tung tin sai lạc về cuộc sống của các nữ tu và khi những người dân tốt lành ở Murô từ chối không chịu tin vào những câu chuyện vớ vẩn đó, cô quyết bảo vệ tiếng tăm mình bằng cách hủy hoại danh dự của Thầy Giêrađô, vị linh hướng ân nhân của cô. Trong một lá thư gửi cho Thánh An Phong là Bề trên của Thầy Giêrađô, Neria Caggiano ngụy tạo một câu chuyện, tố cáo Thầy Giêrađô có tình ý với một cô gái trẻ trong một gia đình ngài vẫn hay ghé lại khi đi với giúp các cuộc giảng đại phúc.
Sau khi nhận được thư, Thánh An Phong liền cho gọi Thầy Giêrađô để trả lời về việc tố cáo này. Tuy nhiên, thay vì lên tiếng tự biện hộ, Thầy Giêrađô vẫn im lặng, theo gương Thầy Chí Thánh là Chúa Giêsu. Thấy Thầy Giêrađô lặng thinh, Thánh An Phong không còn cách nào khác là ra một việc đền tội nặng nề cho vị tu sĩ trẻ này: Giêrađô không được rước lễ và bị cấm liên lạc với bấy kỳ ai ở bên ngoài.
Ðối với Thầy Giêrađô, từ bỏ việc hoạt động bên ngoài giúp cho tha nhân thật không dễ dàng chút nào, nhưng đây chỉ là một việc đền tội nhỏ so với việc không được rước Chúa Thánh Thể. Thầy xin Bề trên đừng cho thầy giúp lễ vì sợ rằng vì lòng khao khát rước Chúa mãnh liệt, ngài có thể chụp lấy Mình Thánh nơi tay các linh mục dâng lễ!
Một thời gian sau, cô Neria Caggiano bị đau nặng và viết một lá thư cho Thánh An Phong, thú nhận việc cô gán tội cho Thầy Giêrađô trước đây. Thánh An Phong rất vui mừng khi được tin về sự vô tội của Thầy. Khi gặp Thầy Giêrađô sau đó, Thánh An Phong hỏi tại sao Thầy lại yên lặng khi biết rằng việc cô ta tố cáo chỉ là sự ngụy tạo, Thầy chỉ đơn sơ trả lời đó là do Luật Dòng cấm sĩ tử không được tự bào chữa! Dù sao đi nữa, dẫu trong khi bị thử thách hay sau khi được chứng tỏ vô tội, Thầy Giêrađô cho thấy sự tin tưởng tuyệt đối rằng thánh ý Chúa luôn được thực hiện.
CON XIN CHẾT, THEO THÁNH Ý CHÚA
Ngày 30/4/1755, Giêrađô được chuyển về Nhà Dòng Mater Domini. Chứng lao phổi hoành hành ngài bấy lâu đã đến thời kỳ thứ ba. Thầy y tá Saêriô ngày nọ ngửi thấy mùi thơm lạ thường toát ra từ phòng bệnh Thầy Giêrađô. Tìm đến, Thầy nói nhẹ:
– Thầy Giêrađô này, dùng nước hoa là lỗi luật đấy!
Giêrađô mỉm cười, nhỏ nhẹ đáp:
– Nói thật, tôi có xức nước hoa nào đâu!
Về sau, cứ mỗi thứ Sáu kính Chúa chịu nạn, mùi “nước hoa” từ phòng Thầy Giêrađô lại càng thêm thơm tho dịu dàng. Thì ra hương thơm ấy không phải là mùi nước hoa nhân tạo, mà tỏa ra từ vết thương trên người thầy Giêrađô như hương thơm linh thánh.
Ngày 4/10, Giêrađô nói với Bác sĩ Santôrelli:
– Bác sĩ à, tôi xin đón nhận tất cả. Vì chẳng bao lâu nữa tôi sẽ an nghỉ. Giờ đã đến . Chúa muốn tôi chịu đau khổ và tôi không muốn sự gì khác.
– Lạy Chúa, xin thứ tha tội con. Con xin chết, theo Thánh Ý Chúa.
Nửa đêm, Giêrađô thì thào xin nước. Khi Thầy Savêriô đem nước trở lại, chợt thấy Giêrađô ngước nhìn mình, rồi trút hơi thở cuối cùng.
Rạng ngày 16/10/1755, người ta bỗng nghe Thầy Cátminê Santanienlô giật hồi chuông vui của ngày đại lễ. Cha nọ chạy đến chận lại:
– Thầy lầm rồi, phải giật chuông tử chứ?
– Con muốn giật chuông tử đấy chứ, nhưng có ai đang kéo tay con giật liên hồi!
Sau khi qua đời, Giêrađô làm nhiều phép lạ phi thường hơn nữa. Ngày 11/12/1904, Giêrađô được Ðức Giáo Hoàng Piô X tôn phong hiển thánh. Ngày nay, Materdomini, nơi giữ hài cốt ngài, đã trở thành một trong những trung tâm hành hương nổi tiếng trên thế giới.
VỊ THÁNH HAY LÀM PHÉP LẠ
Lòng sùng kính Thánh Giêrađô nhanh chóng lan tràn khắp nước Ý và cả thế giới. Ngài được mọi người biết đến với danh hiệu “vị thánh hay làm phép lạ”. Bởi vì thánh nhân thường giúp những người tội lỗi xưng tội cách trọn với Chúa, nhiều người đặt ngài làm bổn mạng việc xưng tội cách trọn. (Thánh An Phong được Giáo Hội chính thức công nhận là Bổn mạng các Cha Giải tội). Những người khác tôn sùng ngài như là bổn mạng người lao động vì thánh nhân từng là một thợ may trẻ và là tu sĩ lao động. Bởi vì Thánh Giêrađô gặp rất nhiều khó khăn mới có thể để vào dòng và do ngài hay khuyến khích các cô gái vào tu viện nên một số người cũng chọn ngài làm bổn mạng ơn gọi.
VỊ THÁNH CỦA CÁC BÀ MẸ
Trên hết, các bà mẹ ở Ý rất kính mến Thánh Giêrađô và chọn ngài làm quan thày. Có nhiều lý do cho việc này. Trước hết, thánh nhân có tình yêu thật thà, đơn sơ như trẻ em đối với Thiên Chúa và Mẹ Maria. Thứ đến, câu chuyện về lòng yêu mến và việc chơi đùa của Thánh Giêrađô với Chúa Giêsu Hài đồng khi còn nhỏ thật hồn nhiên và dễ thương khiến nhiều bà mẹ và trẻ em ở Ý rất ưa thích. Sau cùng, ngay cả khi còn sống và nhất là sau khi ngài qua đời, Thánh Giêrađô đã giúp nhiều bà mẹ được sinh nở bình an. Do đó, danh tiếng ngài lan rộng đến nỗi nhiều bà mẹ ở các nước khi vào bệnh viện chờ lâm bồn đều có đem theo ảnh hay tấm mề đai có hình thánh nhân. Hàng ngàn bà mẹ đã cảm nghiệm được ơn lành của thánh nhân. Nhiều bệnh viện lấy tên Thánh Giêrađô đặt cho khu phụ sản, và cho những bệnh nhân các kinh nguyện và hình Thánh Giêrađô. Hàng ngàn trẻ em được cha mẹ đặt tên Giêrađô vì tin rằng thánh nhân sẽ cầu bàu cho con cái họ được mạnh khoẻ.
THÁNH GIÊRAÐÔ: TẤM GƯƠNG SỐNG THÁNH
Hiện ở trên trời Thánh Giêrađô cầu bàu cho các bà mẹ và trẻ em để được những ơn cần thiết nhưng còn hơn thế nữa, Ngài dạy cho các bậc cha mẹ và đặc biệt, các bà mẹ, bổn phận của họ trong cuộc sống. Sự dữ khủng khiếp đang hoành hành trong đời sống hôn nhân hôm nay là tệ nạn ngừa thai nhân tạo và phá thai. Lấy cớ sức khoẻ yếu kém, thiếu khả năng tài chánh, hay lo sợ cho tương lai hoặc bất kỳ điều gì khác, rất nhiều phụ nữ chấp nhận thực hành những điều dữ này và hạn chế nhân số trong gia đình bằng những phương thế tội lỗi. Cách bảo vệ duy nhất đúng đắn chống lại những sự dữ này là tuyệt đối tin tưởng vào Chúa.
Thiên Chúa đưa hôn nhân thành một bí tích và do đó hứa cho mọi cặp Kitô hữu sống đời hôn phối có tất cả những ân huệ cần thiết để thực thi lề luật Ngài đã đặt ra cho cuộc sống hôn nhân.
Một trong những nhân đức nổi bật nhất của Thánh Giêrađô là lòng phó thác và châm ngôn được ngài ưa thích nhất là: “Chúa sẽ lo liệu.” Một lần khi thánh nhân đi hành hương cùng với một số thầy sinh viên và ngài lấy những đồng tiền cuối cùng để mua hoa trưng bàn thờ trong một nhà nguyện dọc đường. Khi đặt hoa lên bàn thờ, Thánh Giêrađô nói: “Chúa biết con lo cho Chúa thì giờ Chúa hãy lo cho các thầy sinh viên và con với.” Và quả thực, Chúa đã cho mọi người có đủ tiền trong suốt cuộc hành hương.
Hoặc khi bị cáo gian là có quan hệ với một cô gái, thay vì đứng ra tự bào chữa theo lời các tu sĩ bạn, Thánh Giêrađô chỉ trả lời: “Chúa sẽ lo liệu.”
Rồi khi bị đau yếu và trong cơn lâm tử, lòng tin tưởng vào Chúa của Thánh Giêrađô không chút lung lay.
Như thế, Thánh Giêrađô tỏ cho thấy ngài quả là mẫu mực cho các bà mẹ noi theo trong sự phó thác cho Chúa, nhất là cuộc sống hôn nhân của họ để đừng có sa vào những cạm bẫy của “văn hoá sự chết”.
Ngày nay, đứng trước hiểm hoạ của nền văn minh sự chết, các thai nhi và các thai phụ đã không được tôn trọng xứng đáng với phẩm giá con người. Thánh Giêrađô đã được xem như một vị thánh tôn trọng và bảo vệ sự sống.
KẾT LUẬN
Dù sống một cuộc đời vắn vỏi, 29 năm với sáu năm là tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, Thánh Giêrađô đã để lại cho lớp tu sĩ mai hậu một tấm gương dấn thân triệt để theo chân Chúa Cứu Thế, mưu tìm phần rỗi các linh hồn.
Ðồng thời, Thánh Giêrađô cũng chỉ cho mọi người, cách riêng các bà mẹ, con đường sống hạnh phúc đích thực của một Kitô hữu, đó là phải yêu mến Chúa và tha nhân một cách thiết tha, đúng theo bí quyết sống của ngài:
“Hãy yêu Chúa nhiều; luôn kết hiệp với Chúa; hãy làm mọi sự cho Chúa; hãy yêu mọi sự vì Chúa; hãy luôn kết hợp ý mình với Thánh Ý Chúa; và hãy chịu đau khổ nhiều vì Chúa.”