25 nhà khoa học lừng danh nói về Thiên Chúa
Dù ai nói rằng khoa học và tôn giáo không hòa hợp với nhau nhưng những người đoạt giải Nobel và các nhà khoa học này thì không.
Johannes Kepler (1571–1630), Một trong những nhà thiên văn vĩ đại nhất:
“Thiên Chúa thật vĩ đại. Quyền năng Ngài vĩ đại và sự khôn ngoan thì vô hạn. Hãy ca tụng Ngài bằng ngôn ngữ của mình, hỡi trời và đất, mặt trời và mặt trăng, các tinh tú. Lạy Thiên Chúa và là Đấng Tạo Dựng nên con! Với trí khôn giới hạn của con, con muốn loan báo sự kỳ diệu của các công trình Ngài cho mọi người hiểu được”
Nicolaus Copernicus (1473–1543), nhà thiên văn học và là người đề xuất thuyết nhật tâm (heliocentrism):
“Ai có thể sống cận kề với một trật tự hoàn bị nhất và trí năng siêu vượt của Thiên Chúa mà không cảm thấy dâng trào những cảm hứng cao quý? Nào ai không thán phục vị kiến trúc sư của tất cả các công trình này?”
Isaac Newton (1643–1727), nhà sáng lập vật lý lý thuyết cổ điển:
“Điều ta biết được chỉ là một giọt nước, điều ta chưa biết là cả một đại dương bao la. Những xếp đặt và hài hòa của vũ trụ chỉ có thể xuất phát từ bản vẽ của một Đấng toàn năng và toàn tri”
Carl Linnaeus (1707–1778), nhà sáng lập môn thực vật học hệ thống:
“Tôi đã thấy Thiên Chúa toàn năng, vô hạn và vĩnh cửu đi ngang qua rất gần, và tôi quỳ xuống bái lạy Ngài”
Alessandro Volta (1745–1827), người khám phá ra các ý niệm cơ bản về điện:
“Tôi tuyên xưng đức tin Công giáo Roma, thánh thiện và tông truyền. Tôi tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi đức tin này, nhờ đó mà tôi có một ý hướng vững chắc để sống và chết”
Andre-Marie Ampere (1775–1836), người khám phá ra các định luật cơ bản về điện:
“Thiên Chúa vĩ đại biết bao và khoa học của chúng ta chỉ là chuyện vặt vãnh!”
Augustin Louis Cauchy (1789–1857), nhà toán học kiệt xuất và nhà sáng lập môn Toán phân tích phức tạp (complex analysis):
“Tôi là Kitô hữu, có nghĩa là tôi tin vào thần tính của Đức Kitô, giống như tất cả các nhà thiên văn vĩ đại khác cũng như các nhà toán học lớn trong quá khứ”
Carl Friedrich Gauss (1777-1855), được cho là “Ông hoàng của các nhà toán học” vì đã đóng góp nhiều vào lãnh vực toán học và khoa học:
“Khi giờ cuối cùng đã điểm, chúng ta vui sướng hân hoan vì sẽ nhìn thấy Đấng mà chúng ta chỉ có thể thấy lờ mờ trong tất cả những khám phá của chúng ta”
Justus von Liebig (1803–1873), nhà hóa học lừng danh:
“Sự vĩ đại và trí khôn vô tận của Đấng Tạo Hóa sẽ chỉ được nhận thấy bởi những người cố công rút ra những ý tưởng của mình từ cuốn sách vĩ đại mà chúng ta gọi là thiên nhiên”
Robert Mayer (1814–1878), nhà khoa học tự nhiên (Định luật bảo tồn năng lượng):
“Tôi đang dần kết thúc cuộc đời mình với sự quả quyết rằng: khoa học thật sự và triết học thật sự không là gì khác ngoài là môn dẫn nhập cho Kitô giáo”
Angelo Secchi (1803–1895), nhà thiên văn học lừng danh:
“Từ chiêm ngưỡng đất trời đến Thiên Chúa chỉ là một khoảng cách ngắn”
Charles Darwin (1809–1882), Thuyết tiến hóa:
“Tôi không bao giờ từ chối sự hiện hữu của Thiên Chúa. Tôi nghĩ thuyết tiến hóa phù hợp với niềm tin vào Thiên Chúa. Tôi cho rằng bằng chứng mạnh mẽ nhất về sự hiện hữu của Thiên Chúa đó là ta không thể giải thích hay hiểu được vũ trụ mênh mông vượt xa mọi phép tính toán và không thể giải thích được rằng con người là kết quả của ngẫu nhiên”
Thomas A. Edison (1847–1931), nhà sáng chế nắm giữ 1200 bằng sáng chế:
“Tôi tôn trọng và ngưỡng mộ tất cả các kỹ sư, đặc biệt là người kỹ sư vĩ đại nhất: Thiên Chúa”
Carl Ludwig Schleich (1859–1922), nhà phẫu thuật nổi tiếng, người tiên phong của phương pháp gây tê tại chỗ (local anesthesia):
“Tôi trở thành tín hữu qua kính hiển vi và quan sát thiên nhiên, và tôi muốn đóng góp theo khả năng mình vào sự hòa hợp giữa khoa học và tôn giáo”
Guglielmo Marconi (1874–1937), nhà sáng chế vô tuyến điện thoại, giải Nobel 1909:
“Tôi hãnh diện tuyên xưng rằng mình là một tín hữu. Tôi tin vào quyền năng của sự cầu nguyện, và tôi tin không chỉ như là người Công giáo mà còn là một nhà khoa học”
Robert Millikan (1868–1953), Nhà vật lý Hoa Kỳ, giải Nobel 1923:
“Tôi có thể khẳng định rằng việc từ chối đức tin là thiếu nền tảng khoa học. Theo quan điểm của tôi, không có bất kỳ sự mâu thuẫn nào giữa đức tin và khoa học”
Arthur Eddingtong (1882–1946), Nhà thiên văn học người Anh, nhà toán học và vật lý thiên thể:
“Trong số những người sáng tạo nên thuyết vô thần thì không có ai là nhà tự nhiên học. Tất cả họ đều là những triết gia tồi”
Albert Einstein (1879–1955), người đặt nền cho vật lý hiện đại (Thuyết tương đối), giải Nobel 1921:
“Những ai nghiêm túc nghiên cứu khoa học đều chắc một điều là trong tất cả những định luật của vũ trụ đều có bóng dáng của một thần linh siêu vượt lên trên con người và chúng ta phải cảm thấy mình thật thấp kém”
Max Planck (1858–1947), người sáng tạo nên vật lý lượng tử (quantum physics), giải Nobel 1918:
“Do xung lượng của kiến thức đòi hỏi, không gì ngăn cản chúng ta liên kết trật tự của vũ trụ với Thiên Chúa của tôn giáo. Đối với người tin, Thiên Chúa đứng ở đầu câu chuyện; đối với nhà vật lý, Thiên chúa ở cuối câu chuyện”
Erwin Schrödinger (1887–1961), người khám phá ra cơ học sóng (wave mechanics), giải Nobel 1933:
“Kiệt tác tinh vi nhất là tác phẩm của Thiên Chúa, theo các nguyên tắc cơ học lượng tử (quantum mechanics)…”
Howard H. Aiken (1900-1973), người tiên phong trong lãnh vực máy tính:
“Vật lý hiện đại dạy tôi rằng thiên nhiên không thể tự xếp đặt mình theo trật tự. Vũ trụ là một khối trật tự khổng lồ. Vì vậy, nó đòi hỏi một “Nguyên Nhân Đầu Tiên” thật vĩ đại và không phụ thuộc vào đinh luật biến đổi năng lượng hai và vì thế đó là Đấng Siêu Nhiên”
Wernher von Braun (1912–1977), kỹ sư tên lửa và kiến trúc sư không gian:
“Trên hết mọi sự là vinh quang Thiên Chúa, Đấng mà con người và khoa học khám phá và tìm kiếm mỗi ngày với sự tôn kính thẳm sâu”
Charles Townes (1915), Nhà vật lý cùng nhận giải Nobel 1964 Nobel vì đã khám phá ra các nguyên tắc của tia laser:
“Là người có tôn giáo, tôi cảm thấy được sự hiện diện và can thiệp của Đấng Sáng Tạo ở cách xa tôi nhưng luôn rất gần … một trí năng góp phần sáng tạo nên các định luật của vũ trụ.”
Allan Sandage (1926-2010) Nhà thiên văn Hoa Kỳ, người tính toán tốc độ giãn nở của vũ trụ và tuổi của nó bằng cách quan sát các vì sao xa:
“Thuở thiếu thời tôi là người vô thần. Khoa học đã đưa tôi đến kết luận rằng thế giới này phức tạp hơn tôi tưởng. Tôi chỉ có thể giải thích mầu nhiệm hiện hữu bằng cách nại vào một Đấng Siêu Nhiên”
Tấm danh thiếp và sự ngạc nhiên:
Một sinh viên trẻ ngồi cùng toa xe lửa với một ông già đang lần hạt. Anh mạnh dạn bắt chuyện với ông: “Thay vì lần hạt, tại sao ông không dành thời gian học hỏi và tự đào luyện bản thân đôi chút nhỉ? Tôi có thể gởi cho ông một cuốn sách hướng dẫn” Ông già đáp: “Anh làm ơn gởi cuốn sách đến địa chỉ này”, và ông trao cho anh sinh viên tấm danh thiếp. Tấm danh thiếp ghi là: Luis Pasteur, Viện khoa học Paris. Anh sinh viên cảm thấy xấu hổ vô cùng. Ạnh định khuyên nhủ một học giả lừng danh nhất của thời đại mình, nhà sáng chế ra vaccines, được cả thế giới ca tụng và là một người siêng năng lần hạt
Tác giả Javier Ordovás
là nhà kinh tế học đã viết hơn 500 bài báo về các vấn đề Công giáo