1. Sự hiểu lầm:
Tại Alaska có một cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn. Đến thời kỳ người vợ sinh nở nhưng do sinh khó nên đã qua đời để lại đứa con.
Người cha vì mải cuộc sống bận rộn, nên con không có ai chăm sóc. Vì vậy người cha đã đào tạo một con chó. Con chó này rất thông minh và biết nghe lời, có thể chăm sóc em bé được. Nó còn mang được bình sữa mang đến cho em bé uống.
Một hôm người cha để con chó ở nhà trông chừng đứa bé, khi ông trở về nhà bỗng thấy khắp miệng con chó toàn là máu, nguyên nhân là vì……
Người đàn ông ra ngoài có việc, để con chó ở nhà trông đứa bé. Khi ông trở về, nhìn thấy khắp sàn nhà toàn là máu, nhưng lại không thấy đứa bé đâu cả. Còn con chó thì vừa liếm máu tươi ở khóe miệng, vừa vẫy vẫy cái đuôi vui vẻ nhìn ông.
Người đàn ông nổi giận, liền rút con dao đâm mạnh vào bụng con chó. Con chó kêu thảm một tiếng, làm cho đứa trẻ đang ngủ say dưới tấm thảm loang lổ vết máu giật mình tỉnh dậy. Lúc này, người đàn ông kia mới phát hiện xác chết của một con cho sói đang nằm bên cạnh góc tường.
Cảm ngộ: Có rất nhiều sự việc mà bạn nhìn thấy tận mắt, nghe thấy tận tai, nhưng nó chưa chắc đã đúng như những gì bạn nghĩ.
Trong việc đối nhân xử thế, chúng ta hãy cố gắng học cách lắng nghe, nên cho người khác có cơ hội để giải thích. Có như vậy, mới giúp chúng ta tránh được nhiều điều khiến ta phải hối tiếc sau này.
Ngược lại nếu chúng ta không hỏi, không nói, không giải thích mà đã vội vã hành động hay phán xét thì đây không phải là thể hiện sự mạnh mẽ, cá tính mà nó chính là sự bất công, không có trách nhiệm với chính mình và những người khác.
2. Sự nóng giận
Một cậu bé có tính xấu rất hay nổi nóng. Một hôm cha cậu bé đưa cho cậu một túi đinh và nói với cậu bé rằng mỗi khi cậu nổi nóng thì hãy chạy ra đằng sau nhà đóng một cái đinh lên hàng rào gỗ.
Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng 37 cái đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần cậu bé đã tập kiềm chế cơn giận của mình và số lượng đinh cậu đóng lên hàng rào mỗi ngày một ít đi. Cậu nhận thấy rằng kiềm chế cơn giận của mình thì dễ hơn là phải đóng cây đinh lên hàng rào.
Một ngày kia, cậu đã không nổi giận một lần nào suốt cả ngày. Cậu nói với cha và ông bảo cậu hãy nhổ một cái đinh ra khỏi hàng rào mỗi một ngày mà cậu không hề nổi giận với ai dù chỉ một lần.
Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một bữa cậu bé tìm cha mình báo rằng đã không còn một cái đinh nào trên hàng rào nữa. Cha cậu đã cùng cậu đến bên hàng rào. Ở đó ông nói với cậu rằng:
“Con đã làm rất tốt, nhưng hãy nhìn những lỗ đinh trên hàng rào. Hàng rào đã không thể giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói đó cũng giống như những lỗ đinh này, để lại những vết sẹo trong lòng người khác. Dù sau đó con có nói xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương đó vẫn còn ở lại. Vết thương tinh thần cũng đau đớn như những vết thương thể xác vậy. Những người xung quanh ta, bạn bè ta là những viên đá quý. Họ giúp con cười và giúp con trong mọi chuyện. Họ nghe con nói khi con gặp khó khăn, cổ vũ con và luôn sẵn sàng mở rộng tấm lòng mình cho con. Hãy nhớ lấy lời cha…”
Cảm ngộ: Con người khi cáu giận thường trút giận dữ lên những người thân yêu ở quanh mình, bởi vì họ biết những người thân yêu của chúng ta sẽ luôn bao dung và tha thứ cho chúng ta. Nhưng những lời nói khi tức giận luôn giống như những chiếc đinh làm tổn thương người khác. Có thể bạn chỉ là vô tâm nhưng vết thương đó cũng giống như lỗ hổng trên hàng rào vậy, nó đã tạo thành những vết thương nghiêm trọng. Vì vậy nhất định đừng lãng phí tình yêu thương mà những người thân yêu dành cho bạn, bởi vì điều này đối với họ lại là một sự tổn thương lớn.
3. Sự khoan dung
Câu chuyện kể về một người lính Mỹ, cuối cùng đã được trở về nhà sau trận chiến đấu vô cùng ác liệt ở Việt Nam…
Từ San Francisco, anh gọi điện cho cha mẹ mình: “Ba mẹ ơi, con đã trở về nhà này, nhưng con có một chuyện muốn nhờ ba mẹ. Con có một người bạn, con muốn đưa anh ấy về nhà cùng con”. “Chắc chắn rồi, con trai yêu quý“, cha mẹ anh vui vẻ trả lời: “Ba mẹ rất muốn gặp bạn con”.
“Nhưng có một điều con muốn nói trước với ba mẹ”, chàng trai tiếp tục, “anh bạn con đã bị thương khá nặng trong chiến tranh. Anh ấy đã hơi bị đãng trí và còn bị mất một cánh tay và một chân. Anh ấy không có nơi nào để về, và con muốn anh ấy đến sống với chúng ta…”
“Ồ, ba mẹ xin lỗi con, con trai… Nhưng có lẽ chúng ta có thể giúp anh ấy tìm một nơi nào khác để sống…”
“Không, ba mẹ ơi, con muốn anh ấy tới sống với chúng ta”.
“Con à“, người cha nói, “con có biết con đang yêu cầu cha mẹ điều gì không? Một người tàn tật đến như vậy sẽ là một gánh nặng khủng khiếp cho ba mẹ. Ba mẹ còn có cuộc sống riêng của mình chứ, ba mẹ không thể để một điều như vậy làm ảnh hưởng tới cuộc sống riêng. Ba nghĩ rằng con hãy về nhà đi và quên anh bạn đó của con đi. Anh ấy rồi sẽ tìm được cách lo liệu cho cuộc sống của mình thôi…”
Lúc đó, người con trai gác điện thoại. Cha mẹ anh không còn nghe thấy điều gì từ đầu dây bên kia nữa. Song, một vài ngày sau đó, họ đột nhiên nhận được một cú điện thoại từ đồn cảnh sát San Francisco. Con trai của họ đã qua đời sau khi ngã từ trên một tòa nhà xuống, cảnh sát đã thông báo như vậy cho họ. Cảnh sát San Francisco nhận định rằng đó là một vụ tự sát.
Cha mẹ người lính, trong đau đớn tột cùng, đã vội vã bay tới San Francisco và được đưa tới nhà xác thành phố để nhận diện thi thể của con trai. Họ nhận ra anh, người con trai yêu quý của mình. Nhưng đột nhiên họ khiếp hãi không thốt nên lời khi nhìn thấy một điều mà trước đó họ không hề hay biết, đó là con trai của họ chỉ còn một cánh tay và một chân.
Những giọt nước mắt ân hận rơi xuống, nhưng tất cả đã quá muộn màng.
Cảm ngộ: Đừng bao giờ đối xử phân biệt với người khác, bạn sẽ không biết được người thực sự bị gây tổn thương là ai? Hãy bao dung rộng lượng với mọi người và tự nghiêm khắc với bản thân mình! Nếu mỗi người chúng ta đều có thể dành sự bao dung và nhân ái cho những người lạ như cho chính người thân của mình, thì thế giới này sẽ tốt đẹp biết bao.
Bởi vì với sự từ bi, bao dung chúng ta sẽ đủ sức mài mòn bất kỳ hòn đá vô tri vô giác nào để trở thành một viên ngọc lung linh tỏa sáng, đủ sức biến điều khó khăn trở nên dễ dàng, đủ sức biến một người tầm thường hay tàn khuyết thành một vĩ nhân.