HÃY PHỤC VỤ TRONG KHẢ NĂNG CÓ THỂ

102

 

Dụ ngôn hôm nay muốn khai triển tư tưởng của bài Tin Mừng lần trước. Hôm nay Chúa cũng tự ví như người đi xa nhà một thời gian rồi sẽ trở về. Và cũng như chàng rể đến trễ, người đi xa hôm nay cũng chậm về (câu 19). Nhưng đang khi bài học lần trước dạy phải sẵn sàng vì ngày Chúa đến sẽ bất thần, hôm nay bài dụ ngôn bảo phải chăm chỉ làm việc sinh nhiều quả phúc đức.

Quả vậy bài dụ ngôn đã tập trung vào việc tính sổ, tức là việc phán xét trong thời cánh chung. Ba tên đầy tớ đến trước mặt chủ. Hai người đầu tiên đưa đến cả vốn lẫn lãi. Ông chủ khen họ lương hảo và trung trực và đưa họ vào sống trong hoan lạc của ông. Còn người thứ ba đến, chỉ mang theo tiền vốn và nói rằng y biết chủ là người hà khắc, và tham lam, nên vì sợ, y đã đem chôn tiền vốn và bây giờ xin nộp lại cho chủ. Y tưởng như vậy là thoát thân. Ai ngờ chính luận lý của y lại lên án y. Không biết làm ra của cải, tại sao y không đặt tiền vào ngân hàng để ít ra tiền cũng sinh lời? Vì thế chủ gọi ý là tên tôi tớ bất hảo và lười biếng.

Mọi chuyện xảy ra giữa ông chủ và các tôi tớ. Ông chủ chuẩn bị đi xa, đã ký thác công việc quản lý tài sản ông cho các đầy tớ. Trong thời gian ông đi vắng, các đầy tớ này phải vận dụng khả năng mà làm cho số bạc đã nhận sinh lãi. Như vậy, các tôi tớ này không tự do và độc lập, nhưng họ ở trong một tương quan lệ thuộc và phục vụ. Họ thuộc về ông chủ; những gì được ký thác cho họ là của cải của ông chủ và những gì họ làm sinh ra từ đó là sở hữu của ông chủ. Họ bị ràng buộc với chủ nhiều cách.

Thánh Matthêu muốn chú trọng đến từ ngữ “lười biếng” này. Nó đối với từ ngữ “trung trực” ở trên khi người chủ khen hai tôi tớ đã biết làm việc. Và trong sách Tin Mừng của Matthêô từ ngữ “trung trực” luôn được dùng để nói về người tôi tớ, trong khi chủ vắng nhà, vẫn làm việc chăm chỉ, phân phát của ăn thức uống hẳn hoi cho mọi người trong nhà; đang khi tên quản gia gian ác thấy chủ về trễ, thì ăn uống với lũ say sưa và đánh đập các bạn tôi tớ (24, 48-49).

Vậy, nếu được ghép những tư tưởng ấy lại chúng ta có thể nói rằng: thánh Matthêô bảo chúng ta trong thời gian chờ Chúa trở lại, tức là trong cuộc sống trần gian này, chúng ta không được lười biếng, ích kỷ, chỉ biết ăn uống say sưa và hành hạ người khác, nhưng phải bắt chước những người tôi tớ lương hảo, “ngay” khi được giao phó công việc đã “đi” doanh lợi (câu 16) và vì thế được khen là trung trực, tức là nhiệt tình với chức năng của mình. Trong ngày chung thẩm, những người tôi tớ như vậy sẽ được đi vào sự hoan lạc đời đời của Chúa; còn những kẻ lười biếng sẽ bị đày xuống nơi tối tăm khóc lóc.

Hai người tôi tớ tốt bắt tay vào việc tức khắc. Họ sử dụng của cải đã được giao cho họ theo cách tương ứng với ý muốn của ông chủ. Họ tuân theo các mục tiêu của ông và bảo vệ của cải lợi lộc cho ông. Cách làm của họ đã đưa lại hoa trái dồi dào.

Người tôi tớ thứ ba mang yến bạc đến trả lại cho chủ, không hơn không kém. Ngay từ đầu, anh đã có một tương quan sai lạc với chủ. Anh ta thấy ông là một con người cứng rắn, anh trách ông là gặt chỗ không gieo, và anh sợ ông (25, 24t). Anh nhìn nhận mình lệ thuộc ông, nhưng không quy phục ông với lòng tin tưởng và cần mẫn. Anh cảm thấy sự lệ thuộc của mình gay go và áp bức và tức giận với ông như đối với một kẻ bóc lột bắt kẻ khác làm việc cho mình và sống nhờ công lao của những kẻ khác.

Do đó, anh từ chối phục vụ và không hành động theo ý muốn của chủ. Anh không phung phí của cải được giao và không tiêu xài cho mình. Anh chỉ để nó ở đấy không sinh lợi và trả lại cho chủ y như đã nhận. Những lời nói của anh chao đảo giữa sự nghi ngờ, phản đối và sợ hãi. Anh bị kết án không phải bởi vì anh đã không đạt được con số như các đồng nghiệp, nhưng bởi vì anh không vận dụng một sáng kiến nào cả, dù là việc dễ hơn như bỏ số bạc vào ngân hàng (dễ hơn cả việc đào lỗ chôn giấu nén bạc của chủ!), dễ nhưng phiêu lưu hơn, nên cũng nặng trách nhiệm hơn. Lỗi của anh là đã chôn giấu một của cải tự nó phải sinh lời.

Như các tôi tớ trong dụ ngôn, chúng ta, cùng với những gì chúng ta có, là thọ tạo của Thiên Chúa. Chúng ta không có gì thuộc về chúng ta; các khả năng của chúng ta từ Ngài mà đến. Tuy nhiên, không phải mọi người đã nhận được như nhau; mức độ các ân ban của Thiên Chúa cho từng người thì khác nhau, và đó là quyền của Ngài. Các nén bạc đây có thể là các đức tính, các khả năng phải phát triển. Nhưng điều tác giả dụ ngôn nhấn mạnh là sự tin tưởng nơi ông chủ, và sự tha thiết, quảng đại hy sinh hầu chu toàn ý muốn của chủ.

Với dụ ngôn “Các nén bạc”, Chúa Giêsu cũng mượn các qui luật kinh tế để nói về cách sử dụng và khai thác vốn đầu tư trong cuộc đời chúng ta. Cũng như người chủ mời gọi người đầy tớ dùng vốn là những nén bạc đã được trao phó để sinh lời thêm, Thiên Chúa cũng mời gọi ta dùng vốn là “ơn ban” mà Ngài đã trao tặng cho ta trong cuộc sống, là của cải và tài năng mà ta đã lãnh nhận …Ngài mời gọi ta làm lời ra nhiều thêm, để làm vinh danh Chúa hơn, để giúp ích cho anh chị em chung quanh mình nhiều hơn.

Thật ra khi Chúa Giêsu nói dụ ngôn các nén bạc, Người có ý nhắm vào hàng Biệt phái và Luật sĩ thời bấy giờ. Họ có một thứ tôn giáo sợ hãi. Họ tưởng cứ giữ các luật buộc là đủ để được công chính và Chúa sẽ phải công minh trả công cho họ. Nhưng nếu Chúa là Chúa và họ là tôi tớ thì họ luôn luôn phải tìm hiểu ý Người chứ sao lại bó buộc Người trong một khuôn khổ. Tôn giáo như vậy không còn là những tương quan sống động mà chỉ là pháp luật. Thánh Matthêô áp dụng rộng ra và bảo chúng ta phải nhiệt tình làm theo Ý Chúa.

Như vậy, cái ta cho không chỉ là của cải vật chất mà là chính con người chúng ta. Chúng ta có thể trao cho nhau những điều rất đơn giản, sự chăm sóc yêu thương, một lời nói động viên, một cái nhìn thông cảm hay một lời cám ơn, xin lỗi…

Và như vậy, Trang Tin Mừng dạy ta hiểu rằng cuộc sống trần gian không phải để hưởng thụ và sống ích kỷ, nhưng phải cần mẫn chăm chỉ làm việc phục vụ anh em.

Previous articleNHÌN ĐƯỜNG MÀ ĐI CHỨ
Next articleThứ bảy. Thánh nữ Mônica. Lễ nhớ.