Gặp gỡ vị linh mục gần 100 tuổi quen biết Thánh Maximilian Kolbe

111

Gặp gỡ vị linh mục gần 100 tuổi quen biết Thánh Maximilian Kolbe

 

Những ký ức của Cha Dòng Phan Sinh Lucjan Krolikowski vẫn rõ ràng và sống động — cũng như nắm bắt tay của ngài vẫn chắc chắn.

Và với một linh mục đang chuẩn bị bước sang tuổi tròn một thế kỷ, thì niềm vui tỏa sáng nơi tất cả những gì cha làm cũng mạnh mẽ như vậy.

Khi nghe thấy nói cha trông không giống như sắp sửa tròn 100 tuổi, cha trả lời, “Tôi cảm thấy không thích điều đó!” Với một sự thoải mái trong giọng nói, cha nói thêm rằng đôi mắt cha không còn tốt và đôi tai cha cũng vậy. “Nhưng tôi vẫn đi loanh quanh với cái gậy chống,” vị linh mục gần 100 tuổi nói, ngài đang sống ở Connecticut với các giáo sĩ cao niên khác.

Nhìn vào tấm hình chụp năm 1939 của cha với các chủng sinh khác vùng với Thánh Maximilian Kolbe, nó làm ngài phấn khởi hẳn lên — cha là người có nụ cười tươi nhất. Thật vậy, cha vẫn có nụ cười đó sẵn sàng trên môi.

Vào ngày 7 tháng Chín, Cha Lucjan sẽ bước sang tuổi 100. Nó sẽ là một ngày trọng đại cho người tu sĩ Phan Sinh, ngài sinh 1 năm sau khi Thánh Maximilian Kolbe được truyền chức linh mục năm 1918, và ngày kính thánh nhân là 14 tháng Tám, và trước năm Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II chào đời. Cha Lucjan biết cả hai thánh nhân.

Gặp gỡ vị linh mục gần 100 tuổi quen biết Thánh Maximilian Kolbe

Thánh Maximilian và tôi

Cha theo các môn học chuẩn bị cho chức tư tế cùng chủng viện với Maximilian Kolbe ở Ba Lan, nhưng phải chuyển hướng trên con đường tiến đến thánh chức khi Đệ Nhị Thế Chiến nổ ra. Cha bị quân Xô-viết bắt vào cùng khoảng thời gian Thánh Maximilian Kolbe bị quân Đức bắt.

“Tôi ở cùng với ngài ba năm trước khi tôi bị Cộng sản Đông Âu bắt và bị chuyển đến trại tập trung ở Siberia,” cha kể lại cho Register khi nhìn lại một số điểm nhấn trong cuộc đời ngài qua cuộc nói chuyện.

Trong suốt ba năm cha học để trở thành một nhà truyền giáo tại tiểu chủng viện “City of the Immaculate” (Kinh Thành Mẹ Vô Nhiễm) tại Niepokalanow, đó là chủng viện của Cha Kolbe — và cha gia nhập một cộng đoàn rất tốt: với 700 tu sĩ và 130 chủng sinh, là một nơi đào tạo lớn nhất trên thế giới (và hiện vẫn còn rất mạnh).

Cha Lucjan khấn tạm chỉ ba ngày trước khi chiến tranh nổ ra ở Ba Lan và 10 ngày trước sinh nhật thứ 20 của cha. Thánh Maximilian Kolbe hiện diện trong buổi Lễ thiêng liêng đó.

Rồi bắt đầu những năm sau đó có thể viết thành một quyển tiểu thuyết phiêu lưu. Khi quân Đức tấn công Ba Lan từ phía Tây và quân Xô-viết xâm chiếm đất nước từ phía Đông, chủng sinh trẻ tuổi Lucjan bị bắt, bị giam giữ không một lý do, và bị chuyển đến trại tập trung dưới chân rặng Himalayas.

“Khi Hitler xâm chiếm Nga, Nga quá sợ nên đã thả những người có thể phục vụ trong quân đội,” Cha Lucjan nhớ lại. Vì thời hạn khấn tạm của cha đã hết (cho đến lúc đó thì cha được miễn quân dịch), Cha Lucjan được chuyển từ trại “đến trường quân sự pháo binh, rất gần với biên giới Trung Hoa — cách xa chiến tuyến,” cha nói. Cha phục vụ trong quân đội Ba Lan. Lần di chuyển sau đó, được gửi đến Ba Tư và Iraq, chứng minh một sự tái gia nhập chủng viện đầy ngạc nhiên.

“Khi chúng tôi đến gần Bagdad, tôi đăng ký vào chủng viện, chủng viện Phan Sinh,” cha kể lại. Đang rất cần các linh mục cho Quân đội Giải phóng Ba Lan, đang tìm kiếm những người đã học xong một số môn.

Cha giải thích, “Tôi được giải ngũ và chuyển đến Beirut, Li-băng. Tôi ở Beirut bốn năm và được giảng dạy bởi các cha Dòng Tên người Pháp. Tôi được truyền chức tại Beirut” như là một Tiểu đệ Dòng Phan Sinh.

Sự ảnh hưởng và mẫu gương của Cha Maximilian Kolbe vẫn còn thể hiện rõ qua nhiều thập niên.

Vị thánh tương lai “có một tình yêu đối với sự nghèo khó,” Cha Lucjan nhớ lại. “Ngài khiêm nhường, rất khiêm nhường. Và là một người tổ chức giỏi.” Một bằng chứng: ngài xây dựng Niepokalanow ở Ba Lan và sau đó là một chủng viện khác giống như vậy ở Nhật. Về tính khiêm nhường, ngài trông cũng giống như bất kỳ một tu sĩ nào, trong chiếc áo chùng và để một bộ râu dài. Kolbe cũng có chơi cờ vua ở chủng viện. “Ngài rất thông minh đến mức ngài có thể chơi với một số chủng sinh cùng một lúc.”

Truyền chức và sứ mạng

Sau lần truyền chức của Cha Lucjan vào năm 1946 — cùng năm Đức Karol Wojtyla được truyền chức linh mục — cha được bổ nhiệm làm tuyên úy của một nhà thương lớn của quân đội. Nhanh chóng đi theo tiếng gọi “nhu cầu cần có một vị tuyên úy cho trẻ em, thanh thiếu niên ở Đông Phi —Tanzania, Uganda”, Cha Lucjan nói tiếp. Những đứa trẻ đang cần giúp đỡ là những trẻ người Ba Lan mồ côi trong chiến tranh.

Cha nói, “Tôi được bài sai đến đó và ở đó một vài năm” tại chân núi Kilimanjaro. Người Cộng sản Ba Lan truy đuổi các bé, không còn được quyền kiểm soát các trại, và cương quyết rằng phải đưa các bé trở về Ba Lan. Nhưng chúng tôi từ chối. Cả trại đều từ chối có bất kỳ liên lạc nào với người Cộng sản, vì chúng tôi bị họ bắt từ ngay từ đầu chiến tranh.”

Điều đó buộc ngài, hai người đàn ông và một phụ nữ giúp ngài, và gần 160 trẻ mồ côi phải bỏ chạy vì các trại tị nạn bị đóng cửa năm 1949. “Chúng tôi chạy sang Ý,” cuối cùng “lại gần Núi Cassino,” cha kể lại những cuộc chạy trốn khỏi Cộng sản đuổi theo sát sườn.

Cộng sản Ba Lan tìm được họ và “ra lệnh những đứa trẻ phải trở về Ba Lan,” cha nói, “nhưng chính những đứa trẻ đã có kinh nghiệm về sự ly tán gia đình của chúng. Tôi đón các trẻ và rời bỏ Ý rồi thoát sang Đức; vì Cộng sản Ba Lan rất mạnh, nên khi chúng tôi đến Đức, họ lại xuất hiện và ra lệnh, ‘Quay về Ba Lan’.”

Người Cộng sản thậm chí buộc cha phải vào nằm trong bệnh viện tại Đức. Cha Lucjan giải thích, “Họ nói rằng tôi bị bệnh lao và rất nguy hiểm cho các đứa trẻ. Nhưng chúng tôi có một người bạn — Đức Tổng Giám mục Giu-se Charbonneau ở Montreal. Chúng tôi giải thích về tình trạng nguy hiểm của những đứa trẻ và có thể bị đưa về Ba Lan bằng vũ lực.” Đức Tổng Giám mục liền trợ giúp, và Canada sẵn sàng đón nhận các trẻ.

“Chúng tôi chạy từ Đức sang Canada, và chúng tôi cập bến tại Halifax, Nova Scotia, rồi đi đến Montreal.” Trong một quyển sách của cha có tấm hình Cha Lucjan và một số thanh thiếu niên, những đứa trẻ mồ côi trông rất hạnh phúc đang đứng trên boong tàu.

Vì ở Montreal không nơi nào có đủ chỗ cho tất cả các trẻ, cha “đã chia các em thành những nhóm nhỏ theo tuổi — 15 tuổi, 16 tuổi, 10 tuổi, vân vân,” cha nói. “Những người Pháp và hàng giáo phẩm chăm sóc các em. Chúng tôi có được những mạnh thường quân tặng cho chúng tôi quần áo, một bác sĩ khám bệnh miễn phí.” “Đức Hồng y [Paul-Émile] Léger của Montreal là cứu tinh của chúng tôi.”

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II

Các trẻ liên tục có những cuộc đoàn tụ. Và đặc biệt một lần thăm của Đức Hồng y Karol Wojtyla vào năm 1975 làm cho các trẻ rất vui. Cha Lucjan nhớ lại, “Đức Hồng y Wojtyla nói với các thiếu niên và thiếu nhi nam nữ, ‘Chúng ta là những đại sứ của Ba Lan.’ Ngài rất yêu các thiếu nhi của chúng tôi vì chính ngài cũng là một người mồ côi.”

Cha Lucjan được gặp gỡ vị thánh người Ba Lan thêm các lần khác, như tấm hình năm 1972 cho thấy. Và năm 1978 cha được hội kiến riêng với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II.

Họ có nói chuyện với nhau bằng tiếng Ba Lan không? Dĩ nhiên rồi.

Với một tia sáng lóe lên trong ánh mắt và một nụ cười tươi, vì tu sĩ gần 100 tuổi tiết lộ rằng ngài Gioan Phaolo II “nói với tôi, ‘chúng ta sẽ nói tiếng Ba Lan trên thiên đàng!’”

Cha Lucjan rất lưu loát tiếng Ba Lan và tiếng Anh, ngoài ra cha còn biết hai ngôn ngữ khác. Sau khi các trẻ ổn định chắc chắn ở Canada, ngài được bổ nhiệm làm mục tử tại Nhà thờ Đức Bà Czestochowa ở Montreal. Năm 1966 cha chuyển đến Athol Springs, New York, để làm việc với Father Justin Rosary Hour, đây là chương trình truyền thanh Công giáo lâu đời nhất bằng tiếng Ba Lan.

Cha làm việc với Father Justin Rosary Hour 34 năm, chương trình phát thanh cho người Ba Lan trên khắp Canada và Mỹ, gồm những người tị nạn Ba Lan sau những năm chiến tranh. Cha Lucjan viết các chương trình phát thanh và hầu hết các bài nói. Các khách mời gồm những nhân vật nổi tiếng và các chức sắc của Giáo hội chẳng hạn Đức Hồng y Gioan Krol của Philadelphia (ngài là con của gia đình Ba Lan nhập cư), và dĩ nhiên sau đó là Đức Hồng y Wojtyla.

“Chương trình truyền thanh tiếp tục từ tuần này sang tuần khác,” cha Lucjan giải thích. “Khi tôi nghỉ (lúc 80 tuổi) hình như có 10 quyển sách được in cho công chúng.” Các quyển sách bao gồm tất cả nội dung của các chương trình phát thanh. “Người ta muốn mua sách. Chúng tôi bận rộn suốt, có khi cả đêm,” cha nói, rồi nói thêm với một cách nói dí dỏm thường làm đôi mắt cha sáng lên, “Bây giờ thì tôi chả làm được nữa rồi.”

Theo một ý nghĩa nào đó, việc viết lại tất cả nội dung các chương trình là cha đi theo những bước chân của Thánh Maximilian Kolbe, là một người đầy sinh lực trong việc loan truyền đức tin qua sách báo trong thời của ngài.

“Khi tôi nhàn rỗi tôi đã viết được năm quyển sách,” cha nói với một nụ cười lặng lẽ khi nhìn lại những năm đã qua. Trong số những sách đó gồm có Stolen Childhood: A Saga of Polish War Children (Tuổi thơ bị đánh cắp: truyện nhiều tập của những trẻ em Ba Lan thời chiến) và một quyển hồi ký của cha, A Franciscan Odyssey: Autobiography of WWII Prisoner, Soldier, Priest and Foster Parent (Ô-đi-xê của Dòng Phan Sinh: hồi ký của một tù nhân, quân nhân, linh mục và người cha nuôi của Đệ Nhị Thế Chiến).

Cuối cùng vị tu sĩ hiền từ tiếp tục thi hành đời sống linh mục tại Vương cung Thánh đường Thánh Stanislaus Basilica ở Chicopee, Massachusetts, tại đây dù bước sang tuổi 90, ngài vẫn tiếp tục dâng Lễ, giảng và giải tội, cho cả những học sinh của giáo xứ.

Món quà của quá khứ và tương lai

Bây giờ, Cha Lucjan vừa nhìn lại thế kỷ đã qua và hướng đến buổi cử hành Thánh Lễ sắp tới tại Vương cung Thánh đường Thánh Stanislaus vào ngày 7 tháng Chín — ngày sinh nhật thứ 100 của ngài.

Cha Lucjan tiếp tục đồng tế Thánh Lễ, và cha vẫn còn giữ liên lạc với những người trong nhóm trẻ mồ côi trước đây còn sống.

Cha thích hồi tưởng lại những kỷ niệm đặc biệt.

Cha kể lại, “Tôi yêu Châu Phi, những khu rừng nhiệt đới, vì tôi là một hướng đạo sinh. Rừng nhiệt đới và thú rừng truyền cảm hứng cho tôi. Tôi cùng với những người khác, những người Châu Phi, tổ chức một cuộc safari, và tôi leo lên núi Kilimanjaro, ngọn núi cao nhất ở Châu Phi.”

Khi được hỏi sự quen biết với hai vị thánh có ảnh hưởng gì đến bản thân, cha hào hứng trả lời, với ánh mắt ngời sáng đó, “Tôi bắt buộc mình, bắt buộc mình phải trở nên tốt lành như các ngài!”

Cha có lời khuyên nào để chia sẻ với độc giả của Register không? Hăng say và không chút chần chừ, và với giọng nói nhấn mạnh từng chữ, cha nói, “Hãy mỉm cười! Hãy mỉm cười với mọi người. Và đừng bao giờ đầu hàng. Và hãy yêu thương mọi người.”

Joseph Pronechen là cây bút của ban biên tập Register.

 

Previous articleÁm ảnh “rừng ma” tại Kon Tum
Next articleĐứa trẻ cứng đầu: Thánh Maximillian Kolbe từng là sự kinh hoàng cho thân mẫu của ngài