Tại sao cơm nguội có thể gây ngộ độc thực phẩm?
Vấn đề nằm ở hạt gạo! Gạo chưa nấu có thể chứa một loại vi khuẩn có tên bacillus cereus có nguồn gốc trong đất và nó có các bào tử có thể tồn tại ngay cả khi đã được nấu chín hoàn toàn. Khi cơm chín để ở nhiệt độ phòng, bào tử bacillus cereus có thể phát triển thành vi khuẩn và chúng tạo ra các sản phẩm phụ độc hại. Một trong những phụ phẩm độc hại này có thể gây nôn mửa liên tục đến 6 giờ trong khi các phụ phẩm độc hại khác lại gây đau bụng, tiêu chảy kéo dài đến 15 giờ. Vi khuẩn này cũng vừa khiến một sinh viên người Bỉ tử vong do ăn mỳ Ý để lâu trong tủ lạnh.
Đó là lúc bạn đã bị ngộ độc thực phẩm, thường thì các triệu chứng giảm dần sau 24 giờ. Đa phần trường hợp bệnh gây ra bởi vi khuẩn bacillus cereus thường nhẹ nhưng những triệu chứng ngộ độc có thể trở nên nguy hiểm đối với những ai có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người già, người bị suy giảm miễn dịch.
Khi bạn ăn cơm để tủ lạnh quá lâu hoặc chưa được hâm nóng kỹ, bạn có thể sẽ ăn phải vi khuẩn bacillus cereus. Cơm càng để lâu ở nhiệt độ phòng thì bào tử vi khuẩn càng có thời gian phát triển và nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm càng cao.
Cơm chín phải ăn ngay và cơm thừa nên được làm lạnh trong vòng một giờ sau khi ăn xong. Chúng ta cần bảo quản cơm thừa trong tủ lạnh và phải ăn trong vòng 1 ngày (dĩ nhiên phải hâm nóng mới được ăn) hoặc đổ bỏ. Nếu có ăn phải vi khuẩn bacillus cereus thì nó sẽ không khiến bạn bị ngộ độc ngay lập tức bởi nó có thể ẩn nấp trong cơ thể tới 16 giờ trước khi các triệu chứng ngộ độc xuất hiện.