Khuôn Mặt Đức Giêsu, Khuôn Mặt Khổ Đau Của Thiên Chúa

69

Khuôn Mặt Đức Giêsu, Khuôn Mặt Khổ Đau Của Thiên Chúa

Hãy chiêm ngắm khuôn mặt Đấng Cứu Thế trong cuộc khổ nạn. Hãy lắng nghe Người cầu nguyện với Chúa Cha trong vườn cây dầu và trên thập giá. Chén đắng Người xin Chúa Cha cất khỏi, Người đã uống vì vâng theo ý Cha (x.Mc 14,36); lời kêu cứu tưởng như tuyệt vọng của Đức Giêsu trên thập giá, “sao Cha lại bỏ rơi con?” (Mt 27,46) lại ngập tràn tin tưởng và hy vọng.

Hãy nhìn vào những giọt mồ hôi quyện lấy nước mắt, thấm đượm máu hồng trên khuôn mặt thánh thiện của Đấng Cứu Độ để thấu hiểu mầu nhiệm Con Thiên Chúa đã trút bỏ vinh quang, mang lấy phận người khốn khổ và gánh mọi tội lỗi nhân loại nơi những vết thương của Người, để những ai đang lao đao lâm cảnh khốn cực, một lúc nào đó sẽ nhận ra, Thiên Chúa không hề vô cảm lặng thinh, xa cách và không hiện diện trước những thảm cảnh khiến con người bị đày đoạ đau khổ.

Khuôn mặt Đức Giêsu chịu nạn chỉ cho thấy sự hiện diện gần gũi, lắng nghe và thấu hiểu của Thiên Chúa; chính Người sẽ can thiệp và giải thoát nhân loại. Đó là sự chiến thắng của đức tin, có thể lấp đầy vực thẳm khổ đau bằng niềm hy vọng, biến cái chết thành ơn cứu sống.

Bao nhiêu khuôn mặt của nhân loại đang bị đày ải, từng người một, đều tìm thấy dấu vết những khổ đau của mình trên khuôn mặt và thân thể Đức Giêsu, như những vết cứa vào tâm hồn của Thiên Chúa.

Bao nhiêu lời than van về tình cảnh tuyệt vọng của mình trong hiện tại được dâng lên Chúa như một lễ vật của lòng dạ tan nát, phải được lồng vào trong những tiếng rên xiết và những nỗi đau của Đức Giêsu, thì mới thấu hiểu được sự thinh lặng của Thiên Chúa là một sự thinh lặng hiện diện và cảm thông, như khi chúng ta hiện diện trước nỗi đau của người ta thương mến.

Sự thinh lặng của Thiên Chúa không phải là một sự bất lực chung cuộc, dù trải qua một thời gian dài như một sự bỏ rơi, khiến lòng dạ của người cầu nguyện tan nát. Sự cô đơn với nỗi đau trở thành một sức nặng không thể chịu đựng, cho thấy toàn cảnh của sự thê lương chứ không phải bộc lộ sự bế tắc.

Nhưng sự kiếm tìm không mệt mỏi một sự ủi an, giải thoát hoặc chữa lành từ Thiên Chúa lại không đi qua những cảm xúc như một sự trải nghiệm dịu êm của hệ thần kinh, mà từ lòng kiên trì được xây dựng trên đức tin, biết rằng Thiên Chúa chẳng bỏ rơi những ai kêu cầu Người (x.Tv 9,13); và được củng cố bằng đức cậy, “bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chứa chan” (Tv 129,7), và chứng tỏ đức mến thẳm sâu qua sự vâng phục hoàn hảo (x.Pl 2,8)

Đó là thái độ của Đức Giêsu, Người Tôi Tớ Tín Trung của Thiên Chúa đã chịu thử thách trong đau khổ nhưng vẫn giữ được mối tương quan với Thiên Chúa, một Thiên Chúa như thể thinh lặng và không hiện diện giữa lúc cam go và nguy kịch nhất. Đó cũng là thái độ của người Kitô hữu trong hoàn cảnh bi đát này.

Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu, trỗi vượt muôn ngàn danh hiệu, Danh hiệu Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,10.11) Đó là chiến thắng của đức tin có thể biến cái chết thành nguồn ơn sự sống, biến vực thẳm khổ đau thành suối nguồn hy vọng.

Vì cuộc khổ nạn dau thương của Chúa Giêsu Kitô.

Xin cứu chúng con và toàn thế giới.

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR

Previous articleĐÀNG THÁNH GIÁ GIA ĐÌNH
Next articleLời Tâm Sự Của Đấng Đáng Kính FX Nguyễn Văn Thuận