Cuộc du hành vì người HIV/AIDS của vị linh mục dòng Phanxicô

44

Cuộc du hành vì người HIV/AIDS của vị linh mục dòng Phanxicô

Mang theo tinh thần khiêm tốn và thích rày đây mai đó, một linh mục của dòng Anh Em Hèn Mọn Capuchin quyết định chu du khắp nơi trên thế giới bằng đôi chân của mình.

Khi đến bất cứ nơi đâu, cha Marcelo Monti không những loan truyền Lời Chúa, mà còn đề cập đến tầm quan trọng của nỗ lực nâng cao nhận thức về HIV/AIDS, căn bệnh thế kỷ đã cướp đi mạng sống của người chị ruột cách đây 10 năm. Trong vòng 11 tháng, vị linh mục người Brazil đã lặn lội 5.800 km, vượt qua 6 quốc gia, nhưng vẫn còn cách khá xa mục tiêu đầu tiên của cuộc hành trình là Quebec (Canada).

Ði để chia sẻ

Trung bình cha Monti đi được khoảng 29 cây số mỗi ngày, dùng một chiếc xe đẩy để gói ghém mang theo tất cả hành trang tùy thân. Ngài hoàn toàn không có xu nào dính túi và dựa vào tiền quyên góp cũng như lòng hiếu khách của những người gặp trên đường đi. “Chỉ có 3 lần tôi không được người đối diện chào đón”, trang tin Crux dẫn lời cha Monti. Tuy nhiên, những va chạm nho nhỏ không ảnh hưởng đến tinh thần của vị mục tử thuộc dòng Phanxicô Capuchin (Anh Em Hèn Mọn Lúp Dài), mà thay vào đó, ngài luôn nhớ đến vô số lần được mọi người mời vào nhà và thậm chí nhường cả chiếc giường của họ cho mình. “Trên đường đi, tôi học được cách tin tưởng vào lòng tốt của con người. Tôi biết rằng sẽ luôn có người mời tôi vào nhà họ”, cha cảm kích.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm ngoái, chính xác là 26.8, ngày cha tròn 40 tuổi. Cha Monti rời khỏi TP Pelotas của Brazil rồi đi bộ xuyên Uruguay, Argentina, Bolivia, Chile và Peru. Ðôi khi ngài trả tiền cho chỗ nghỉ qua đêm (nhờ vào tiền quyên góp trên đường), hoặc dựng lều. Ða số thời gian, vị linh mục đi bộ một mình, nhưng cũng có những thời điểm các huynh đệ dòng Phanxicô Capuchin hoặc những tín hữu trẻ đi cùng ngài trong những đoạn ngắn. “Có lẽ nhờ vào lối sống theo linh đạo dòng Phanxicô, tôi cảm thấy mình luôn hòa hợp với bất cứ môi trường nào, dù chỉ một mình. Tôi cũng hết sức cởi mở và sẵn lòng quen biết mọi người ở khắp chốn”, ngài chia sẻ trên trang tin Crux.

Cha đã chia sẻ những trải nghiệm của mình với nhiều báo đài

Trên đường đi, cha Monti không mặc tu phục đặc trưng của dòng Phanxicô Lúp Dài, như thánh Phanxicô thành Assisi từng khoác vào thời điểm bắt đầu truyền đạo, trang phục dành cho những con người cùng khổ. “Thánh Phanxicô không muốn được đối xử khác biệt so với những người xung quanh thời đó nên chọn cách ăn mặc như những người nghèo khó”, cha Monti giải thích. Theo gương thánh nhân, trong trang phục dân thường, vị mục tử người Brazil muốn tránh bất kỳ những ưu đãi đặc biệt nào dành riêng cho những con người sống đời thánh hiến: “Tôi là một người Mỹ Latinh với màu da sậm, và những người nhìn thấy tôi đang đẩy xe trên đường có thể cho rằng tôi là một con người nghèo khổ, sống lang thang. Tôi muốn đặt mình vào cảm nhận của những con người đó”.

Chuyến đi của hy vọng

Khi trả lời phỏng vấn báo đài về cuộc hành trình của mình, đến thời điểm này, cha đã trò chuyện với ít nhất 70 tờ báo, đài phát thanh và chương trình TV, cha Monti luôn đề cập đến mục tiêu thực sự thúc đẩy ngài lên đường: Xóa bỏ lòng kỳ thị và những hiểu lầm liên quan đến những người nhiễm HIV. “Thử tưởng tượng bản thân mình trong tình cảnh luôn đối mặt với những ánh mắt đầy hoài nghi, e ngại, và biết rằng mọi người xung quanh không dám chạm vào tay mình. Không may, định kiến là có thật và tồn tại dai dẳng”, ngài chia sẻ với Crux.

Sống cùng người bản địa

Ý niệm đầu tiên về cuộc hành trình đã nhen nhóm khi cha Monti vẫn còn là dự tu. Bề trên đã kể cho cha nghe về khởi đầu của dòng Phanxicô và ý nghĩa của sự lên đường. “Có một đoạn thánh Phanxicô kêu gọi chúng ta sống như những người hành hương và thử sống cuộc đời của những người lạ trên thế giới này. Tôi luôn nghĩ về điều đó”, ngài nhớ lại. Lần trải nghiệm du hành đầu tiên là khi cha cùng một huynh đệ cất bước lên đường suốt 13 ngày trong tình trạng túi rỗng tuếch. Kế tiếp là hai cuộc hành hương ngắn, nhưng cha Monti luôn đau đáu về một điều gì đó quan trọng đang chờ đợi mình thực hiện.

Cha Monti gọi cuộc hành trình hiện tại là Caminho de Aline – Uma Volta ao Mundo Pela Vida e Contra a AIDS (Con đường của Aline – Ði vòng quanh thế giới vì sự sống và chống AIDS), để tưởng nhớ người chị bạc mệnh. Hồi tháng 8, ngài cần phải đến Ecuador, nhưng vẫn còn nấn ná ở Cusco, Peru: “Sau đó, tôi đi bộ đến Colombia và chuyển sang dùng máy bay tới CH Dominic. Tôi trải qua hai tháng ở đó và Haiti, nơi tôi từng tham gia một sứ vụ trong quá khứ. Sau đó, tôi đáp máy bay trở về Panama và đi bộ lên hướng bắc để đến Quebec”. Ðó là chặng đường đầu tiên.

Được đón tiếp một cách thân tình

Sau khi đến Canada, ngài sẽ bay về Senegal và tiếp tục đi bộ xuyên châu Phi, Ðông Âu và châu Á, trong nỗ lực truyền bá quan điểm về AIDS, phá tan lòng thành kiến và gieo mầm hy vọng. “Tôi đang làm điều này một cách hết sức bình thường, chỉ đi bộ. Vì vậy tôi nghĩ rằng mọi người có thể tìm ra những biện pháp đơn giản để suy ngẫm về các giải pháp có thể, và mang đến hy vọng cho những ai đang bế tắc”, cha kết luận. Mang lại niềm vui của Tin Mừng cho những con người khổ đau vì bệnh tật và định kiến xã hội cũng chính là con đường truyền giáo mà cha Monti đã chọn lựa và tin tưởng dấn bước.

Previous articleAnh trai thánh Gioan Phaolô II qua đời vì chữa bệnh cho bệnh nhân
Next articleXin lễ cầu nguyện cho linh hồn thai nhi?