NGƯỜI TRẺ VÀ SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG

267

NGƯỜI TRẺ VÀ SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG


Dẫn nhập:

Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (AG 2). Điều này Kitô hữu nào cũng biết, nhưng vẫn cứ phải nhắc đi nhắc lại hoài để mỗi người có thể loan báo và làm chứng về Chúa Kitô trong vai trò của mình, theo những cách thế riêng và tại môi trường sống của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn chủ đề cho Sứ điệp ngày Truyền giáo năm nay là: “Chúng tôi không thể không nói về những điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4,20). Theo Ðức Thánh Cha, chủ đề Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2021 là một lời mời gọi mỗi người chúng ta lãnh trách nhiệm và loan báo điều chúng ta mang trong tâm hồn. Sứ vụ này luôn là căn tính của Giáo hội: Giáo hội hiện hữu để loan báo Tin Mừng.

Trong Thư Mục vụ năm 2020, Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi mọi Kitô hữu noi gương Mẹ Maria để  “trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng cho người khác, bằng đời sống chan chứa yêu thương và dấn thân phục vụ” (số 6).

Hoà chung theo đường hướng của Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội Việt Nam, Giáo phận Cần Thơ chúng ta đã đưa ra những quyết định thực hành Mục vụ rất cụ thể trong Năm “Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình” này. Và đề tài được đề nghị để tìm hiểu và áp dụng trong tháng 10.2021 là: Cần mạnh dạn phân công cho người trẻ làm một số công tác trong gia đình Giáo xứ, cách riêng là công tác Loan báo Tin Mừng.

Chúng ta hãy cùng nhau nhìn về vai trò của người trẻ trong việc loan báo Tin Mừng hiện nay, soi rọi nó dưới ánh sáng Lời Chúa và Giáo huấn của Giáo hội – nhất là theo gương mẫu của Mẹ Maria, từ đó có thể nêu lên một vài gợi ý thực hành cụ thể, để sứ mạng Loan báo Tin Mừng đạt được hiệu quả thiết thực hơn.


1. Người trẻ và sứ mạng loan báo Tin Mừng

1.1. Nội dung của công tác Truyền giáo theo Tin Mừng

Dựa vào Lời Chúa trong Tin Mừng, chúng ta có thể khẳng định rằng, nội dung Truyền giáo gồm 4 việc quan trọng sau:

– Truyền giáo là “loan báo Tin Mừng” (Mc 16,14) của Chúa Giêsu Kitô. Rao giảng về Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa làm người giống như ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, đã ở cùng, đã loan báo Tin Mừng Nước Trời, đã chấp nhận chịu chết và đã phục sinh để cứu độ nhân loại.

– Truyền giáo là “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), nghĩa là thiết lập cộng đoàn Giáo Hội, quy tụ muôn dân theo Chúa Kitô.

– Truyền giáo là “làm phép rửa cho họ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19), nghĩa là cử hành Phụng vụ và các Bí tích, để qua đó Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho con người.

– Truyền giáo là “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,20), nghĩa là dạy Giáo lý, là Huấn giáo để cho người ta biết Chúa, tin Chúa, yêu Chúa và gặp gỡ Chúa trong đời sống cầu nguyện, cũng như trong đời sống hằng ngày.

1.2. Người trẻ đảm nhận sứ mạng loan báo Tin Mừng

1.2.1. Từ thực trạng ngày nay của Giới trẻ Công giáo dưới lăng kính “loan báo Tin Mừng”:

– Tông huấn Christus Vivit đã nhận định: “một số lớn giới trẻ, với nhiều lý do khác nhau, không đòi hỏi gì ở Hội Thánh vì họ cho rằng Hội Thánh chẳng có liên can gì đến cuộc đời họ. Một số còn minh nhiên yêu cầu Hội Thánh để họ yên thân, vì họ cảm thấy khó chịu, nếu không muốn nói là bực bội, khi Hội Thánh hiện diện (…)”. Mà một trong những “lý do nghiêm trọng và đáng trân trọng” là: “vai trò thụ động dành cho giới trẻ trong cộng đồng Kitô hữu”. (số 40).

– Sự “thụ động” mà Tông huấn đề cập đến, chúng ta có thể thấy được xuyên qua những hiện tượng sau đây:

+ Người trẻ không hoặc ít nhận được sự tín nhiệm trong gia đình Giáo xứ: rất ít người trẻ được giao việc trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, hoặc làm trưởng các Hội đoàn… Có lẽ là do“tâm lý chung” coi các bạn trẻ còn đang trong tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới!”.

+ Người trẻ không hoặc ít quan tâm đến các công tác chung trong gia đình Giáo xứ, vì sống trong một xã hội kim tiền và hưởng thụ, nên người trẻ thường bị cuốn vào vòng lẩn quẩn tiền tài danh vọng để rồi đắm mình trong những “con dao hai lưỡi” có tên “công nghệ”.

+ Trong thời buổi di dân, nhiều người trẻ phải rời quê hương xứ sở để “tha hương cầu thực” nên trở nên “xa lạ” với chính cộng đoàn “quê nhà” lẫn cộng đoàn “quê người”, nên dễ dẫn đến tình trạng lơ là trong đời sống đức tin, thì làm sao có thể hăng say loan báo Tin mừng.

1.2.2. Đến những lời nhắn nhủ của vị Chủ chăn Giáo hội hoàn vũ:

– Đức Thánh Cha Phanxicô đặt vấn đề để các bạn trẻ tự vấn lương tâm: Tại sao lại không nói về Chúa Giêsu chứ, tại sao không kể cho người khác rằng Người ban cho chúng ta sức sống, rằng chúng ta thích thú trò chuyện với Người, rằng chúng ta sống rất tốt với việc suy niệm Lời Người?” (CV 176).

– Ngài mời gọi các bạn trẻ biết “đi vô” và “đi ra”:

+ Biết “đi vô”“đừng sợ Đức Kitô và Hội thánh của Người! Vì trong Hội thánh chúng ta tìm được kho tàng làm cho cuộc sống chúng ta dạt dào niềm vui”. Bởi lẽ, “nhờ Phép Rửa các con đã trở thành những thành viên sống động của Hội thánh: cùng nhau chúng ta đã nhận lãnh sứ mạng đem Tin Mừng đến cho mọi người (…). Việc lớn lên trong ơn đức tin mà các bí tích của Hội thánh ban cho chúng ta, làm cho chúng ta được hòa vào dòng chảy hùng vĩ của các chứng nhân, là những người từ thế hệ này sang thế hệ khác giúp cho sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những bậc tiền bối trở thành chứng tá và mối khích lệ cho những ai đang nhìn về tương lai” (Sứ điệp ngày thế giới Truyền giáo năm 2018).

+ Biết “đi ra”“Đừng để cho tính năng động của tuổi trẻ bị dập tắt trong bóng tối của một căn phòng khép kín trong đó cửa sổ duy nhất thông ra thế giới bên ngoài là máy tính và điện thoại thông minh. Hãy mở rộng cánh cửa của cuộc sống các bạn!”. Đi ra đến “chỗ tận cùng của trái đất hôm nay (…) là các mạng xã hội (…). Thế nhưng vì thiếu sự trao hiến cuộc đời một cách chân thành, chúng ta có thể có vô số các mối tiếp xúc, nhưng không bao giờ có sự chia sẻ đời sống hiệp thông. Chia sẻ sứ mạng đi đến tận cùng trái đất, đòi hỏi sự trao hiến bản thân trong ơn gọi mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta (x. Lc 9,23-25)” (Sứ điệp ngày thế giới Truyền giáo năm 2018).

1.2.3. Đức Maria là kiểu mẫu tuyệt hảo cho một Hội Thánh trẻ trung Truyền giáo:

– Lời thưa của cô gái trẻ Maria: “xin hãy làm cho tôi như thế!”

+ Đó là lời “xin vâng” dứt khoát, chủ động, không hề do dự (x. CV 45)

+ Đó là lời “xin vâng” của một người mang một cam kết dấn thân (x. CV 45).

+ Đó là lời “xin vâng” với sự nhẫn nại bền chí (x. CV 45)

+ Đó là lời “xin vâng” ân cần và chẳng hề bận tâm đến các kế hoạch của mình (x. CV 46).

– Thực vậy, “Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh truyền giáo, và không có Mẹ, chúng ta không bao giờ có thể thực sự hiểu rõ tinh thần của cuộc tân phúc âm hoá” (EG 284). Bởi vì Mẹ “là người phụ nữ đầy đức tin, sống và tiến bước trong đức tin, và ‘cuộc lữ hành đức tin phi thường của Mẹ biểu thị một điểm qui chiếu cho Hội Thánh’” (EG 287).

– Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị một công cuộc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh theo phong cách Maria:

+ của tình thương và sự dịu dàng

+ của lòng khiêm nhường và suy đi nghĩ lại trong lòng

+ của cầu nguyện và lao động để phục vụ người khác (x. EG 288).


2. Những gợi ý thực hành cụ thể

2.1. Cầu nguyện để “tái loan báo Tin mừng” cho chính mình

– Cầu nguyện là nền tảng của tất cả đời sống Kitô hữu. Nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô dịu dàng và giàu lòng thương xót trong lời cầu nguyện, người trẻ dễ trở nên sẵn sàng hơn, để gặp gỡ và trợ giúp cùng một Chúa Kitô ấy, trong đời sống thường ngày của mình.

– Với tư cách là những người truyền giáo, người trẻ được mời gọi trở thành những người cầu nguyện trong hành động. Tất cả các hoạt động của người trẻ phải tuôn chảy từ một đời sống cầu nguyện, bao gồm cả cầu nguyện cá nhân và cộng đồng: Thánh lễ, các Bí tích, viếng Thánh Thể, kính lòng thương xót Chúa, Lần Chuỗi Mân Côi…

2.2. Tích cực tham gia vào việc tông đồ của cộng đoàn

Vượt qua những trở ngại và những pháo đài, bản thân người trẻ cần quảng đại dấn thân tiến những bước đầu tiên, thay vì sống mòn trong sự chờ đợi.

– Người trẻ cần luôn ý thức mình là tông đồ đã cam kết với chính Chúa Giêsu Kitô để sẵn sàng tham gia với một nhóm nhỏ, với những cộng đoàn cơ bản, với cộng đoàn Giáo xứ nơi mình đang sống, để mở rộng cánh cửa của cuộc sống, để thời gian và không gian của người trẻ tràn ngập những mối liên hệ có ý nghĩa, và cụ thể trong cuộc sống hàng ngày (x. Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2018, số 1).

– Vì thế, người trẻ hãy tìm kiếm mọi cơ hội để phục vụ và tỏ bày tình yêu thương. Trước hết cho cha mẹ, anh chị em trong gia đình, cho hàng xóm láng giềng, Giáo xứ, cho bạn bè đồng nghiệp và cho tất cả những người khác qua khả năng và kỹ năng của mình. Các việc phục vụ ấy sẽ trở nên một lời giới thiệu sống động về Chúa Giêsu cho người khác.

2.3. Tin tưởng trao cho người trẻ những công tác trong Giáo xứ, cách riêng là công tác Loan báo Tin Mừng

– Các Giáo xứ hãy chú ý đến lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ Điệp Truyền Giáo 2018: “Người trẻ là niềm hy vọng của sứ vụ truyền giáo”; và trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống: Các bạn hỡi, đừng đợi đến ngày mai mới đóng góp năng lực, sự gan dạ và sự sáng tạo của các con cho việc biến đổi thế giới này. Tuổi trẻ của các con không phải là một “thời gian chuyển tiếp”. Các con là hiện tại của Thiên Chúa, Ngài muốn các con trổ sinh hoa trái” CV 178), để “mạnh dạn phân công cho người trẻ làm một số công tác trong gia đình Giáo xứ, cách riêng là công tác Loan báo Tin Mừng”.

– Những công tác mà người trẻ có thể đảm nhận và tham gia rất năng động và hiệu quả:

+ Mục vụ Truyền thông

+ Văn hoá – Văn nghệ – Thể thao

+ Tham gia vào Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, đặc biệt trong các vai trò chuyên trách như: Đội mai táng, Caritas, Phụng vụ, Giáo lý, Ca đoàn…

+ Đặc biệt, các Giáo xứ nên mời gọi và tổ chức cho các bạn trẻ thành những “cán bộ truyền giáo” hay “thừa tác viên loan báo Tin mừng”.

– Đồng hành với các bạn trẻ:

+ Quy tụ, lắng nghe người trẻ: để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng, để người trẻ bộc lộ những khát vọng cống hiến – những thao thức trăn trở – những sáng kiến mới mẻ…

+ Khích lệ, đồng hành, nâng đỡ những sáng kiến của người trẻ, ví dụ như “Người trẻ giới thiệu Chúa Giêsu cho người trẻ”, hay “Chương trình hành động Laudato sí”…

+ Dành nhiều ưu tiên để tạo “sân chơi” cho các bạn trẻ về tinh thần lẫn thể chất, mở rộng đến các bạn trẻ lương dân theo nguyên tắc “một kèm một”: hát thánh ca, câu lạc bộ thể thao – âm nhạc – kỹ năng sống…


Kết luận:

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI trong Thông điệp Evangelii nuntiandi đã nhận định thật chí lý: “Người thời nay sẵn sàng nghe những nhân chứng hơn là thầy dạy, và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (EN 41). Quả vậy, khi chúng ta dám tin tưởng trao trách nhiệm cho người trẻ, chính là lúc chúng ta trở thành những “chứng nhân” chứ không chỉ là những “thầy dạy” lý thuyết suông.

* Thảo luận: Đâu là những công tác cụ thể của Giáo xứ, cách riêng là trong việc loan báo Tin Mừng, mà Giáo xứ có thể mạnh dạn phân công cho các bạn trẻ ?

Và trong một cộng đoàn vững vàng niềm tin vào Thiên Chúa và tín nhiệm nhau cách chân thành như thế, thì chắc chắn cả cộng đoàn sẽ trở nên “lời loan báo Tin Mừng” sắc nét và hiệu quả, như lời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định trong Tông huấn Ecclesia In Asia: “Cộng đoàn Kitô hữu mà càng bén rễ sâu vào kinh nghiệm nơi Thiên Chúa, được xuất phát từ một niềm tin sống động, thì cộng đoàn ấy càng có thể loan báo một cách đáng tin cậy cho tha nhân để họ nhận biết trọn vẹn về Nước Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô” (EiA 23).

Lm. Phêrô Vũ Văn Hài, GP Cần Thơ

Previous article10 quốc gia đông tín hữu Công giáo nhất thế giới
Next articleNhững điều bạn không nên nói khi đi làm