Chuyện Cọp Năm Dần

129

Chuyện Cọp Năm Dần

Năm hết, Tết đến. Đông qua, Xuân tới. Đó là quy trình theo định luật tự nhiên – định luật bất biến của Thiên Chúa. Năm 2022 là năm Nhâm Dần, cầm tinh Con Cọp – còn gọi là Hổ, Hùm, Ông Ba Mươi, và được mệnh danh là Chúa Tể Sơn Lâm vì có đặc tính kiêu hùng, dũng mãnh, khiến muôn vật khiếp sợ. Nhâm Dần là kết hợp thứ 39 trong hệ thống đánh số Can Chi của người Á Đông, được kết hợp từ thiên can Nhâm (Thủy Dương) và địa chi Dần (cọp).

Năm 2021 Tân Sửu, cứ tưởng Con Trâu hiền từ lắm, nào ngờ “mắc dịch” quá trời, dân chúng lao đao khốn khổ. Nhưng rồi tất cả cũng qua đi. Năm 2022 Nhâm Dần, Con Cọp dữ dằn lắm, ai cũng lo sợ. Nhưng đó chỉ là chuyện thế gian, con vật nào hiền hay dữ còn tùy ở chính chúng ta. Bởi vì ơn Chúa vẫn chan hòa, như Chúa xác định với Thánh Phaolô: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2 Cr 12:9) Và Ngài cũng nói với mỗi chúng ta như vậy, đặc biệt là năm mới này.

Có lẽ vì cọp là con vật dữ dằn nên người ta tin nhảm nhí rằng người tuổi Dần cũng dữ tợn, hung hăng, do đó mà người ta kỵ người tuổi Dần, vì sợ họ “dữ như sư tử Hà Đông.” Thật là vô lý và… vô duyên vô cùng!

Tục ngữ Hán-Việt nói: “Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm.” Vẽ cọp chỉ vẽ da chứ khó vẽ xương, biết người chỉ biết mặt chứ không biết lòng. Ca dao cũng nói tương tự: “Sông sâu còn có kẻ dò, Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.” Cũng có dị bản thế này: “Lòng sông lòng biển dễ dò, Ai từng bẻ thước mà đo lòng người.” Hoặc: “Dò sông dò biển dễ dò, Đố ai lấy thước mà đo lòng người.”

Thật vậy, “cái tôi” nổi dậy khiến người ta nham hiểm vô cùng, chẳng khác gì cọp dữ gầm rú rồi nhảy tới xé xác con mồi. Và rồi người ta thủ đoạn tới cùng, dám hành động cách dã man nhất đối với bất kỳ ai – kể cả đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em. Vụ án Cain giết Abel là trường hợp điển hình đã xảy ra từ xa xưa.

  1. CỌP TRONG THIÊN NHIÊN

Cọp thường thích ăn mồi mà nó tự bắt được, nhưng nó cũng không bỏ qua việc ăn xác thối khi khan hiếm thức ăn, lúc đói ngấu, thậm chí nó có thể cướp mồi từ các động vật khác. Mặc dù các động vật ăn thịt thường tránh né nhau, nhưng nếu con mồi bị tranh giành hoặc gặp phải đối thủ gay gắt cạnh tranh, nó thể hiện tính hiếu chiến ngay lập tức.

Cọp là loài độc cư, chỉ đến thời kỳ giao phối chúng mới sống cùng nhau. Thông thường, con đực có tính trăng hoa, còn con cái khá chung tình nhưng rất kén chọn trong việc chọn bạn tình. Độ tuổi phát dục của cọp tương đối giống nhau: Con cái khoảng 3 tuổi rưỡi, con đực muộn hơn. Thời kỳ động dục của cọp từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Trong khoảng thời gian đó, tiếng gầm của cọp rất to, vang xa hơn bình thường gấp nhiều lần, có thể đạt tới 2 km, để có thể quyến rũ bạn tình. Một con cọp 3 tuổi có thể giao phối và sinh sản, cọp cái mang thai khoảng 102-106 ngày, mỗi lứa sinh khoảng từ 2-4 con, cọp mới đẻ nặng khoảng từ 780gr đến 1.600gr.

Khả năng tử vong của cọp con khi chào đời tương đối cao, sau khi sinh nó không thể nhìn thấy. Nó mở mắt khi được 6 đến 14 ngày. Răng sữa của cọp con mọc khi được khoảng 2 tuần, bắt đầu ăn thịt lúc được 8 tuần. Lúc đó, con cái thường chuyển cọp con tới nơi khác, và cọp con có thể đi săn với cọp mẹ một thời gian ngắn, rồi nó đi lang thang cho đến khi lớn lên.

  1. CỌP TRONG CỔ TÍCH

Một con cọp từ trong rừng đi ra, thấy một anh nông dân cùng một con trâu đang cày dưới ruộng. Thấy trâu cặm cụi đi từng bước, lâu lâu lại bị quất một roi vào mông, cọp lấy làm ngạc nhiên lắm. Ðến trưa, trâu được tháo ách cày, cọp liền đi lại gần trâu hỏi:

– Này, trông anh khỏe thế, sao anh lại để cho người đánh đập khổ sở như vậy?

Trâu nói nhỏ với cọp:

– Này, con người tuy nhỏ nhưng có trí khôn, lạ lắm!

Cọp không hiểu nên tò mò:

– Trí khôn là cái gì? Nó như thế nào?

Trâu không biết giải thích ra sao, đành trả lời đại khái:

– Trí khôn là trí khôn chứ còn là cái gì nữa? Muốn biết rõ thì cứ hỏi con người xem!

Cọp thong thả bước lại chỗ người nông dân và hỏi:

– Trí khôn của ông đâu, cho tôi xem nó thế nào, có được không?

Người nông dân chau mày suy nghĩ một lát rồi nói:

– À, trí khôn tôi để ở nhà. Ðể tao về lấy cho mày xem. Nếu cần thì tao sẽ cho mày một chút.

Nghe con người nói vậy, cọp mừng lắm. Người nông dân toan bước đi, rồi làm như sực nhớ ra điều gì nên nói:

– Nhưng mà tao đi khỏi, lỡ mày ăn mất trâu của tao thì sao?

Cọp băn khoăn, chưa biết trả lời thế nào thì người nông dân nói tiếp:

– Hay là mày chịu khó để tao buộc tạm vào gốc cây này, tao yên tâm về lấy trí khôn ra đây, được không?

Cọp đồng ý. Người nông dân vội lấy dây thừng trói cọp thật chặt vào gốc cây, xong rồi lấy rơm chất chung quanh cọp, vừa châm lửa đốt vừa quát lớn:

– Trí khôn của tao đây! Trí khôn của tao đây!

Thấy vậy trâu thích quá, bò lăn ra mà cười, không may hàm trên va vào đá, răng gãy không còn chiếc nào. Một lúc sau, dây thừng cháy đứt, cọp liền vùng dậy rồi ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào rừng mà không dám ngoái nhìn lại. Từ đó, cọp sinh ra con nào trên mình cũng có những vết đen dài, đó là dấu những vết cháy, còn trâu thì chẳng con nào có răng ở hàm trên cả.

Là con người, dù là ai cũng vẫn khôn hơn loài vật vì được Thiên Chúa ban “sinh khí đặc biệt” – tức là Thần Khí, khác với động vật và thực vật, đó chính là linh hồn. Loại sinh khí của động vật và thực vật cũng làm chúng sống nhưng không có lý trí như con người. Loại sinh khí ở động vật gọi là giác hồn, loại sinh khí ở thực vật gọi là sinh hồn. Linh hồn của con người rất đặc biệt và bất tử. Chúa Giêsu đã xác định: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.” (Ga 6:63)

  1. CỌP GỢI SUY TƯ

Kho tàng vô giá là ca dao, tục ngữ, thành ngữ, ngạn ngữ, châm ngôn, phương ngôn,… đúc kết kinh nghiệm của tiền nhân nên giống như những viên ngọc bích giúp chúng ta thêm khôn hơn trong cuộc sống.

Theo ý phàm nhân, những đàn ông “râu hùm, hàm én” được coi là diện mạo oai phong. Đó là trời phú. Thật tồi tệ đối với những kẻ hèn nhát mà lại ra vẻ “cáo mượn oai hổ,” chỉ dựa vào uy thế của người có quyền lực để hống hách với người khác. Đó là dại dột. Đáng lẽ phải “cầm gươm đằng lưỡi, cưỡi hổ đằng đầu” thì họ lại làm ngược lại, không chỉ ngu xuẩn mà còn nguy hiểm.

“Biết điều” là cách sống không dễ nhưng cần thiết, do đó mà phải cố gắng. Vì thế, “chớ thấy hùm ngủ vuốt râu, đến khi hùm dậy đầu nâu chẳng còn.” Theo lẽ thường, “chim cùng thì mổ, hổ cùng thì vồ” vì đó là cách phản ứng tự vệ khi người ta bị dồn vào thế cùng. Đừng ngu ngốc mà chọc tổ ong vò vẽ. Nếu thực sự can đảm thì phải dám “chui vào hang cọp” để chứng tỏ bản lĩnh, chứ đừng khoác lác hoặc chỉ tay năm ngón kiểu Biệt Phái.

Chẳng mấy ai dám “vuốt râu hùm,” chẳng mấy ai dám thẳng thắn, bộc trực, chỉ hành động theo kiểu “mượn gió bẻ măng” mà thôi. Mạnh miệng mà không dám mạnh tay. Đích thực là dạng hèn nhát. Vì thế, chớ có “đuổi hùm cửa trước, rước beo cửa sau” theo kiểu “cõng rắn cắn gà nhà.” Chính người thân và đồng bào mình mà còn không thương thì từ thiện hoặc giúp đỡ người khác để làm gì? Phải chăng có mưu đồ?

Người ta có “điệu hổ ly sơn” – đưa cọp ra khỏi núi. Đó là hành động của những kẻ yếu thế, họ tìm mọi cách để tách người mạnh ra khỏi hoàn cảnh, môi trường có lợi, để dễ bề chinh phục, tiêu diệt hoặc thực hiện âm mưu đen tối, hầu có thể giành tư lợi một cách dễ dàng hơn. Đúng là “hổ vằn ngoài da, người vằn trong bụng” nên khó lường trước lòng dạ con người. Thực sự có những người thuộc loại “miệng hùm, gan sứa” mà thôi. Họ nói miệng thì mạnh bạo, nhưng thực chất thì nhút nhát và hèn hạ.

Thông thường, “hổ phụ sinh hổ tử” là đúng quy trình tự nhiên với cách giáo dục đúng đắn. Nhưng có những trường hợp ngược lại, hổ phụ không sinh hổ tử mà sinh ra thứ khác loài. Thật vậy, có những người cha viết sách mà lại có những đứa con đốt sách. Chẳng có gì tuyệt đối ở thế gian này, cha con mà vẫn khác xa nhau một trời, một vực.

Sống tiết kiệm là điều tốt. Tiết kiệm chứ đừng hà tiện. Cứ “ki cóp cho cọp nó tha” thì thật là ngu ngốc, bởi vì lo hà tiện, dành dụm, tích trữ, ăn không dám ăn, xài không dám xài, đàn con lũ cháu cũng chẳng được thơm lây chút gì, cuối cùng để cho kẻ khác cuỗm mất sạch. Công dã tràng. Đó cũng là một dạng tội thờ ngẫu tượng!

Là phàm nhân, cũng có lúc ông Gióp tỏ ra yếu đuối. Ông Êliphát nói với ông Gióp: “Này, anh đã khuyên nhủ bao người, đã làm cho những đôi tay rã rời nên mạnh mẽ. Người lảo đảo mà đứng vững được là nhờ lời anh. Cũng nhờ anh mà đầu gối lung lay thành cứng cáp. Giờ đây, đến lượt anh, anh lại ra yếu nhược, đến phiên anh bị đánh, anh sợ hãi bàng hoàng. Chẳng lẽ lòng kính sợ của anh không làm anh tin tưởng, và cuộc sống vẹn toàn chẳng giúp anh hy vọng hay sao?” (G 4:3-6) Chúng ta thấy chính mình qua hình ảnh ông Gióp. Chúng ta cũng rất yếu đuối và nhiều lần ngã gục khi đau khổ.

Sau đó, ông Êliphát xác định với ông Gióp: “Xin anh nhớ kỹ: Có ai vô tội mà phải tiêu vong? Có nơi nào người công chính lại bị huỷ diệt? Điều tôi thấy rành rành là những người vun trồng tội ác và gieo tai rắc họa cuối cùng chỉ gặt lấy họa tai. Chúng bị tiêu vong do hơi thở của Thiên Chúa, chúng phải tận diệt vì nộ khí của Người. Tiếng sư tử gầm, tiếng hùm thiêng rống, Người làm cho im bặt. Người bẻ gãy nanh sư tử con.” (G 4:7-10)

Chẳng ai nắm tay được từ sáng tới tối. Không chỉ là “nhân vô thập toàn” mà là rất yếu đuối, sức mạnh không bằng con kiến. Thật vậy, Thánh Phaolô tâm sự: “Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.” (Rm 7:18-20) Đúng là “nói trước, bước không qua” mà. Thật đáng quan ngại!

Thiên Chúa biết sức con người có hạn, nhưng Ngài cũng biết rõ ai có sức chịu đựng tới mức nào, chứ Ngài không bắt ai chịu quá sức. Ngài cho phép đau khổ xảy ra với chúng ta vì Ngài muốn tôi luyện chúng ta nên can trường, cũng là cách Ngài giúp chúng ta “lập công” cho chính mình và hoàn thiện để nên thánh. Đau khổ có giá trị cao lắm. Chắc chắn những người thành tâm tín thác vào Ngài thì được an toàn, có thiên thần che chở, nếu gặp nguy hiểm cũng không sao: “Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc, đạp nát đầu sư tử khủng long.” (Tv 91:13)

Cuối cùng, suốt đời chúng ta cần ghi nhớ lời Thánh Phêrô nhắn nhủ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr 5:8) Điều đó phải là điều tâm nguyện cho năm mới và suốt đời chúng ta trên đường lữ hành trần gian này. Chiếc khẩu trang Tin-Cậy-Mến là “lá chắn đặc biệt” cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh.

Xin Thiên Chúa thương xót và gia ân cho chúng con. Xin Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Maria và Đức Thánh Giuse cầu thay nguyện giúp cho chúng con. Amen. T T Thu

Previous articleThánh lễ an táng cha Giuse Trần Ngọc Thanh, OP.
Next articleThánh Lễ Đưa Chân Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, OP tại Nhà Nguyện Plei Don