Giáo lý hôn nhân Công Giáo

233

Bài 1

HÔN NHÂN CÔNG GIÁO LÀ MỘT BÍ TÍCH

I. HÔN NHÂN TỰ NHIÊN.

II. HÔN NHÂN CÔNG GIÁO.

III. MẪU MỰC HÔN NHÂN CÔNG GIÁO.

LỜI HƯỚNG DẪN.

“Thiên Chúa đã lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Đời sống chung này được gầy dựng do giao ước Hôn nhân, tức là do sự ưng thuận cá nhân

không thể rút lại. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị cả trước mặt xã hội

nữa” (MV. 48).

I. HÔN NHÂN TỰ NHIÊN.

+ Hôn nhân tự nhiên là một giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ (x. Mt 19,4), với đầy đủ tự do và ý thức trách nhiệm, để sống yêu thương nâng đỡ nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha mẹ.

+ Xét như thế, giao ước Hôn nhân (Hôn ước) :

± Là loại giao ước đặc biệt : Nhằm tới chính ngôi vị của hai bên lập ước ; có mục đích yêu thương nhau trọn đời và làm tăng số loài người trên mặt đất.

± Là loại giao ước bình đẳng, song phương và độc hữu của đôi bạn nam nữ.

± Những đặc tính cốt yếu và mục đích của Hôn ước là do Thiên Chúa ấn định, chứ không do ý muốn của hai người lập ước (x. Mt 19,4-6).

II. HÔN NHÂN CÔNG GIÁO LÀ MỘT BÍ TÍCH.

1. Bí tích (dấu tích bí nhiệm) : là những dấu hiệu hữu hình được Chúa Kitô dùng để ban ân sủng cho loài người :

– Là dấu chỉ hữu hình : Mỗi Bí tích đều có một dấu hiệu bên ngoài (thường gồm chất thể, cử chỉ và lời đọc). Nhờ đó, việc Thiên Chúa ban ơn được ta cảm nhận rõ ràng hơn, do chính giác quan của mình.

Nói cách khác, nhờ những dấu hiệu bên ngoài, Bí tích bày tỏ cho ta ơn của Chúa. Ví dụ : Việc đổ nước trên đầu, cho ta dễ thấy Chúa thanh tẩy ta; việc xức dầu bệnh nhân cho ta dễ thấy Chúa thêm sức

cho ta.

– Ban ơn sủng : Các Bí tích không những diễn tả ân sủng nhờ các dấu hiệu, mà còn thực sự làm phát sinh ân sủng. Nói cách khác : Khi Hội thánh cử hành Bí tích, thì Chúa Giêsu hành động để ban ơn cứu chuộc cho ta.

Ví dụ : Bí tích Rửa tội thực sự biến đổi ta nên con cái Chúa. Bí tích Xức dầu Bệnh nhân thực sự ban cho người lãnh nhận ơn an ủi và ơn sức mạnh.

2. Hôn nhân Công giáo là một Bí tích :

a) Khi hai người ngoài Công giáo kết hôn, họ thực sự thành vợ chồng theo luật tự nhiên. Hôn phối của họ có giá trị trước mặt Thiên Chúa.

Thiên Chúa ban cho họ những ơn tự nhiên để họ chu toàn trách nhiệm làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ; nhưng không phải là Bí tích.

Còn nơi người Công giáo, không những Thiên Chúa ban cho họ những ơn tự nhiên, mà còn ban ơn siêu nhiên để họ chu toàn trách nhiệm vợ chồng, cha mẹ trong tư cách họ là con cái Chúa, đáng lãnh nhận phần thưởng sau này. Tuy nhiên, đối với người Công giáo, việc kết

hôn chỉ có giá trị trước mặt Thiên Chúa trong điều kiện này là : Họ kết hôn theo luật Hội thánh. Lúc ấy họ cử hành Bí tích Hôn nhân. Nếu không như thế, đời sống chung của họ là một chung chạ tội lỗi (ngay cả khi được dân luật nhìn nhận).

b) Vậy Bí tích Hôn nhân ban cho đôi bạn những ơn gì ?

Thưa : Ban cho đôi bạn những ơn cần thiết trong đời sống Hôn nhân và Gia đình :

+ Tăng thêm ơn thánh hóa, làm cho sức sống siêu nhiên nơi họ dồi dào hơn.

+ Ban nhiều hiện sủng, để họ được trợ giúp khi thi hành công việc bổn phận hằng ngày.

Nhờ dòng suối ân sủng ấy, đôi bạn được nâng đỡ trong nỗ lực thánh hóa bản thân, trong trách vụ làm vợ chồng, làm cha mẹ. Công đồng Vaticanô II nói : “Vợ chồng Kitô hữu được củng cố và như được thánh hiến bằng một Bí tích để chu toàn xứng đáng các bổn phận trong bậc

sống của họ. Nhờ sức mạnh của Bí tích này, họ được thấm nhuần Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến và ngày càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và thánh hóa lẫn nhau ; và bởi đó, họ cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa” (MV.48b ; xem thêm Cl 3,12-17).

III. MẪU MỰC CỦA HÔN NHÂN CÔNG GIÁO.

Mẫu mực của Hôn nhân Công giáo là sự kết hợp mầu nhiệm giữa Chúa Kitô và Hội thánh :

1. Xưa kia Thiên Chúa đã ký kết với Israel một giao ước tại núi Sinai. Theo giao ước này : Thiên Chúa nhận Israel làm dân riêng, còn Israel nhận Thiên Chúa là Chúa và phụng thờ Người hết tình (x. Xh 19-20). Đó là giao ước cũ.

2. Vào “thời sau hết”, Chúa Kitô lập Hội thánh : Người ký kết với Hội thánh một giao ước trong Máu Người (x. Mt 26,26-29). Đó là giao ước mới. Theo giao ước này, Chúa Giêsu mãi mãi yêu thương và hiến thân cho Hội thánh, còn Hội thánh cũng mãi mãi yêu mến và hiến thân cho Chúa Kitô như vậy.

3. Những lời giảng dạy, các hành động của Chúa Cứu thế đều biểu lộ tình yêu cao cả của Người đối với Hội thánh :

a) Biểu lộ tình yêu kết hợp :“Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9).

Chính tình yêu kết hợp này là điều kiện để sống còn (“ngành nào lìa cây sẽ khô héo liền”), để sinh sản (“ngành nào kết hợp cùng cây, sẽ sinh nhiều hoa trái”).

b) Biểu lộ tình yêu hiến thân :“Máu Giao ước mới, giao ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội” (Mt 26,28). Chúa Kitô hy sinh mạng sống mình cho Hội thánh được sống và đó là tột đỉnh của tình yêu :“Không có tình yêu nào mạnh hơn là thí mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13).

c) Biểu lộ lời cam kết trung thành với Hội thánh suốt đời : “Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Hội thánh, nếu không có Chúa Kitô, không thể tồn tại vì thiếu sự sống thần linh và sẽ chỉ còn là một tổ chức trần gian mà thôi. Và Chúa Giêsu, nếu không có Hội thánh, cũng không thể tiếp tục sinh sản con cái cho đến tận thế được.

Do sự cần thiết song phương này, Chúa Giêsu không thể rời bỏ Hội thánh ; Hội thánh cũng không thể tách khỏi Chúa Kitô.

Và đó chính là mẫu mực của Hôn nhân Công giáo.

4. Trong Hôn nhân Công giáo, đôi bạn phải noi gương Chúa Kitô và Hội thánh : Biết yêu thương kết hiệp với nhau cho đến chết, sẵn sàng tha thứ những khuyết điểm, bất trung, biết hy sinh cho lợi ích của nhau và của con cái, để giúp nhau thăng tiến về mọi phương diện. Có như thế, họ mới đạt được mục đích Hôn nhân là trọn đời yêu thương nhau, sinh sản và giáo dục con cái.

BÀI HỌC

01. H. Hôn nhân là gì ?

T. Hôn nhân là một giao ước giữa một người nam và một người nữ, có mục đích yêu thương nâng đỡ nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái.

02. H. Hôn nhân Công giáo là gì ?

T. Hôn nhân Công giáo là Hôn nhân được Chúa Giêsu nâng lên hàng Bí tích.

03.H. Bí tích Hôn nhân ban cho đôi bạn những ơn nào?

T. Bí tích Hôn nhân thánh hóa tình yêu vợ chồng và ban nhiều ơn đặc biệt giúp họ chu toàn nghĩa vụ đối với bạn mình và đối với con cái.

04.H. Mẫu mực của Hôn nhân Công giáo là gì ?

T. Mẫu mực của Hôn nhân Công giáo là tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh.

05. H. Tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh có những đặc điểm nào ?

T. Tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh có những đặc điểm này :

+ Sự kết hiệp phong phú giữa Chúa Kitô và Hội thánh.

+ Sự hiến thân trọn vẹn của Chúa Kitô cho Hội thánh.

+ Sự trung tín tuyệt đối của Chúa Kitô đối với Hội thánh.

Bài 2

ĐẶC TÍNH HÔN NHÂN CÔNG GIÁO

I. HAI ĐẶC TÍNH.

II.NỀN TẢNG CỦA HAI ĐẶC TÍNH ẤY.

LỜI HƯỚNG DẪN.

“Bởi giao ước Hôn nhân, người nam và người nữ ‘không còn là hai nhưng là một xương một thịt’ (Mt 19,6) phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hiệp mật thiết trong con người và trong hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày một đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau, cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi phải kết hợp với nhau bất khả phân ly” (MV.48).

I. HAI ĐẶCTÍNH CỦA HÔN NHÂN CÔNG GIÁO.

1. Đơn hôn :

Đơn hôn là Hôn nhân giữa chỉ một người nam và một người nữ. Hôn nhân Công giáo là duy nhất, trung tín, không chia sẻ. Người nam không thể là chồng của người nữ nào ngoài vợ mình; và người nữ cũng không thể là vợ của người nam nào ngoài chồng mình. Dùng kiểu nói

xưa, thì gọi là “Nhất phu nhất phụ”. Đặc tính Đơn hôn loại trừ mọi hình thức đa thê.

2. Bất khả phân ly :

Bất khả phân ly là Hôn nhân ràng buộc hai người cho đến chết. Khi người nam và người nữ đã kết hôn thành sự và hợp pháp, họ phải chung thủy với nhau trọn đời (MV 20). Không ai có thể tháo cởi dây

Hôn nhân đó, dù hai vợ chồng đồng tình, dù quyền lực tôn giáo hay dân sự. Đặc tính vĩnh viễn này loại trừ sự ly dị.

II. NỀN TẢNG CỦA HAI ĐẶC TÍNH HÔN NHÂN.

Hai đặc tính “Đơn hôn” và “Bất khả phân ly” phát xuất từ ý định của Thiên Chúa và từ mục đích của Hôn nhân.

1. Từ ý định của Thiên Chúa.

a) Chúa Kitô đã nhắc lại ý định của Thiên Chúa : “Các ông lại không đọc : Từ khởi nguyên, Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ sao ? và Người phán : Bởi thế, đàn ông sẽ bỏ cha mẹ mình và khăng khít với vợ, và cả hai sẽ nên một thân xác. Cho nên họ không còn là hai mà là một thân xác” (Mt 19, 3-5) : Chúa nói về tính đơn hôn.

b) Chúa Kitô cũng trả lời các Biệt phái rằng : “Tại các ông chai đá cứng lòng, nên ông Môsê cho phép bỏ vợ. Chứ từ đầu, không có như vậy” (Mt 19,8) : Chúa nói về tính bất khả phân ly của Hôn nhân.

2. Từ mục đích của Hôn nhân.

Hôn nhân tự nhiên đòi buộc phải đơn hôn và vĩnh viễn để đạt mục đích trọn đời yêu thương nhau, sinh sản và giáo dục con cái.

a) Đôi bạn chung sống là để giúp đỡ lẫn nhau. Sự giúp đỡ này chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi họ chung thủy với nhau.

Còn nếu như họ chia sẻ tình cảm với người khác, hoặc chỉ có ý giúp đỡ nhau một thời gian, thì sự giúp đỡ ấy không thể tận tình và hữu hiệu được.

b) Sinh sản con cái là do việc kết hợp yêu đương thân mật vợ chồng. Nếu vợ chồng bất tín, thì nguồn gốc đứa con sẽ bị nghi ngờ. Lúc ấy, làm sao họ có thể “yên tâm” săn sóc giáo dục đứa con mà họ nghi ngờ không phải con của mình được ?

3. Tuy nhiên, nếu chỉ lập luận trên bình diện tự nhiên của loài người có lý trí suy xét, có tự do định đoạt, thì khó trưng ra những luận cứ tuyệt đối chắc chắn để bảo vệ tính “vĩnh viễn” của Hôn nhân được :

a) Không thể dựa vào “ích lợi của con cái” để quả quyết Hôn nhân là bất khả phân ly; vì như thế, những đôi bạn không có con, có thể bỏ nhau mà không vi phạm luật.

b) Cũng không thể vịn vào câu nói “Tình yêu chân thật phải chung thủy” để buộc vợ chồng luôn gây gỗ phải sống với nhau trọn đời ; vì sống “khổ” như thế mãi là trái với mục đích Hôn nhân (tức là tạo hạnh phúc cho nhau).

Do đó, phải tìm ra một luận cứ vững chắc hơn vốn là nền tảng cho hai đặc tính của Hôn nhân. Luận cứ đó là PHẨM GIÁ của HÔN NHÂN CÔNG GIÁO.

Hôn nhân Công giáo được thiết lập mô phỏng tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh, một tình yêu không chia sẻ và bền vững muôn đời. Chính sự mô phỏng này ban cho Hôn nhân Công giáo phẩm giá cao qúy nhất : Tình yêu vợ chồng sánh ví tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh. “ Bí tích này (Hôn phối) quả thật cao quí.

Đây tôi nói về Chúa Kitô và Hội thánh”(Ep 5, 32).

Vậy Hôn nhân Công giáo phải là đơn hôn và vĩnh viễn dựa vào phẩm giá ấy. (Xem lại mẫu mực tình yêu Hôn nhân Công giáo, bài 01).

BÀI HỌC

06. H. Hôn nhân Công giáo có mấy đặc tính ?

T. Hôn nhân Công giáo có hai đặc tính :

– Đơn hôn (một vợ một chồng)

– Bất khả phân ly (không được ly hôn).

07. H. Nền tảng của hai đặc tính ấy là gì ?

T. Nền tảng của hai đặc tính này là ý định của Thiên Chúa về Hôn nhân.

08.H. Chúa dạy gì về Hôn nhân ?

T. Chúa dạy rằng :“ Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ ” và Người đã phán :“ Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly ”(Mt 19,

4-6).

Bài 3

MỤC ĐÍCH HÔN NHÂN CÔNG GIÁO.

I. TRỌN ĐỜI YÊU THƯƠNG NHAU.

II. SINH SẢN VÀ GIÁO DỤC CON CÁI.

LỜI HƯỚNG DẪN.

“Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản tính qui hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái. Con cái là ơn huệ cao quí nhất của Hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Thiên Chúa đã phán :“Đàn ông ở một mình không tốt” (St 2,18). Người là Đấng :“… từ buổi đầu, đã dựng nên một người nam và một người nữ” (Mt 19,4) ; chính Thiên Chúa muốn thông ban cho con người cộng tác một phần đặc biệt vào công cuộc tạo dựng của Người. Người đã chúc lành cho người nam và người nữ rồi nói :“Các ngươi hãy tăng gia, sinh sản” (St 1,28)(MV 50).

MỤC ĐÍCH CHÍNH YẾU.

Để biết mục đích Hôn nhân Công giáo là gì, chúng ta phải tìm trong Kinh Thánh. Trong Kinh Thánh, có hai đoạn văn nói về Thiên Chúa tạo dựng loài người : Sáng thế 1 và Sáng thế 2.

– Sáng thế 1 : Bằng những dòng đơn giản song trang trọng, tác gỉa đoạn văn cho biết : Thiên Chúa dựng nên loài người một trật có nam có nữ theo hình ảnh Người. Thiên Chúa cho họ quyền cai quản vạn vật và truyền cho họ hãy sinh sôi nảy nở đầy mặt đất(x. St 1,26-30).

– Sáng thế 2 : Với lối văn sống động, giàu hình ảnh, tác gỉa đoạn văn cho biết : Sau khi dựng nên loài người, Thiên Chúa mới tác tạo chim muông cầm thú, dẫn chúng đến cho Adam. Adam không tìm thấy trong muông chim cầm thú “một sự trợ giúp tương hợp” (St 2, 20). Bấy giờ Thiên Chúa mới tạo nên người nữ, cho làm bạn với Adam (x. St 2, 18-23)

Như vậy căn cứ vào Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng : Ngay từ đầu, hai khía cạnh không thể tách rời của Hôn nhân được Thiên Chúa ấn định : vợ chồng trọn đời yêu thương nhau (x. St 2, 24) và sinh sản đầy mặt đất (x. St 1, 28). Và đó là hai mục đích của Hôn nhân.

Vấn đề này, HĐGMVN đã giải thích :“Ngày nay loài người đã đầy mặt đất, cần phải tính đến việc nuôi sống và giáo dục những mầm non của loài người. Đàng khác, mệnh lệnh sinh sản cho đầy mặt đất gắn liền với mệnh lệnh làm chủ mặt đất. Muốn thế thì đứa con sinh ra phải được nuôi nấng và giáo dục cho nên người. Điều này đưa chúng ta vào những vấn đề cấp bách và nghiêm trọng hiện nay là vấn đề sinh sản có trách nhiệm và vấn đề giáo dục con cái”

(Thư Mục vụ HĐGMVN tháng 10/1992 – số 11).

I. TRỌN ĐỜI YÊU THƯƠNG NHAU.

1. Đôi bạn đến với nhau là do tình yêu thúc đẩy và sống với nhau là để giúp nhau phát triển tình yêu ấy. Câu Kinh Thánh “Adam không tìm được sự trợ giúp tương hợp” diễn tả “cái thiếu, cái cần” của Adam. Dù Adam có tất cả vạn vật chung quanh, ông vẫn cảm thấy thiếu, thấy trống vắng. Phải có “cái gì” để lấp đầy sự trống vắng đó. “Cái để lấp đầy”, chính Thiên Chúa đã ban cho Adam, đó là Evà. Khi Evà được đưa tới, Adam thốt lên sung sướng: “Này xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi… từ nay, người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ và cả hai sẽ nên một xương một thịt” (St 2, 23). Lời nói ấy biểu lộ sự hài lòng của Adam. Adam đã tìm được sự “trợ giúp tương hợp”, Adam đã cảm thấy đầy đủ.

Như thế hai người nam nữ đến với nhau, là để lấp đầy cho nhau, để bù đắp cái “thiếu” của nhau, để tương trợ trong tình yêu.

2. Trong cuộc sống : Không những nâng đỡ nhau trong tình yêu, đôi bạn còn phải nâng đỡ nhau trong cuộc sống nữa. Nam và nữ đôi bên có sở trường riêng nhưng người nào cũng có cái yếu kém, cái hạn hẹp của mình. Mỗi người phải biết mình cần tới người kia. Cho dù tài giỏi, trong sinh hoạt gia đình, nếu không có sự giúp đỡ của người kia, mình khó thành công. Có nhìn nhận giá trị của nhau như thế, đôi bạn mới quí trọng nhau, mới yêu thương nhau, mới nói được “mình với ta tuy hai mà một”.

3. “Tương trợ trong tình yêu và trong cuộc sống” còn là để phục vụ sự sống mới. Như tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh, không ngừng phát sinh hoa trái là các Kitô hữu qua Bí tích Rửa tội và ân sủng các Bí tích khác ; Cũng vậy, vợ chồng yêu thương kết hợp với nhau trong đời sống Hôn nhân sẽ nhằm tới việc tác sinh mầm sống mới và giáo dục chúng nên người và nên con Chúa. Đó là Ơn gọi rất cao quí của cha mẹ Công giáo. Công Đồng dạy :“Con cái là ân huệ cao quí của Hôn nhân, và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc cho cha mẹ” (MV. 50).

4. Mối tương giao tâm lý : Để đạt mục đích tương trợ tình yêu và trong cuộc sống, đôi bạn cần hiểu biết những khác biệt tâm lý của nhau. Người nam và người nữ có những nét tâm lý khác nhau. Những nét khác nhau ấy không loại trừ nhau, mà bổ túc cho nhau. Sau đây là năm định luật tâm lý :

a) Luật ưu tiên.

Nơi người nam: Thể xác (sắc diện) chiếm địa vị ưu tiên

Nơi người nữ :Trái tim (tình yêu) chiếm ưu thế.

Giải thích :

+ Người nam : Khi nghĩ về người nữ, thường hình dung một thân hình thẩm mỹ. Anh chú trọng trước tiên tới cái đẹp thân xác và coi đó như cái chính yếu. Còn cái đẹp tâm hồn của chị, anh nghĩ tới sau đó.

+ Người nữ : Khi nghĩ tới người nam, chị thường tưởng đến trước hết những đức tính của anh, nào là anh đứng đắn, anh đơn giản, anh hiền lành, anh nhiều nghị lực… Cũng còn có nghĩa là: người nữ nhìn mọi sự, phán đoán mọi sự dưới lăng kính tình cảm của mình hơn là dưới ánh sáng lý trí.
Áp dụng cuộc sống :

+ Người nam hãy nhớ bạn mình cần đến tình yêu chân thành, sâu sắc, tế nhị. Hãy săn sóc tình cảm của vợ bằng những lời âu yếm, những cử chỉ thân thương…

+ Người nữ đừng quên khía cạnh sắc diện là yếu tố ràng buộc chồng mình. Hãy gìn giữ dáng nét của mình vì chồng. Hãy biết săn sóc nhu cầu vật chất của chồng…

b) Luật phân cách.

Nơi người nam : Trái tim nhiều ngăn.

Nơi người nữ: Trái tim một ngăn.

Giải thích :

+ Quan niệm sống của người nam : Ngoài tình yêu, người nam còn nghĩ đến nhiều chuyện : công danh, nghề nghiệp, giải trí, bè bạn, (người ta gọi là trái tim nhiều ngăn : ngăn cho tình yêu, ngăn cho công việc, ngăn cho giải trí…). Đôi khi các ngăn này như biệt lập nhau, khiến chị không sao hiểu nổi anh, chẳng hạn khi anh chăm chú vào công việc, xem ra anh quên tất cả, quên cả chị… điều này làm chị khó chịu.

+ Quan niệm sống của người nữ : một trái tim, một tình yêu : yêu chồng, yêu con. Mối tình lớn lao ấy xâm chiếm hoàn toàn con người chị. Trái tim chị chỉ chứa đựng người yêu, mọi cái khác, công danh, giải trí… như bị đẩy ra ven bờ trái tim (người ta gọi là một ngăn).

Áp dụng cuộc sống :

Đôi bạn phải biết trao đổi với nhau những vấn đề căn bản của cuộc sống chung : Như nhân cách, tổ chức gia đình, công ăn việc làm, giao tế xã hội, sinh sản giáo dục con cái, đời sống tôn giáo, những giải trí… Biết những điều ấy :

+ Để người vợ khỏi “tủi” khi thấy chồng như chỉ chú ý vào công việc mà “bỏ rơi” chị.

+ Để người chồng biết chăm sóc đời sống tình cảmcủa vợ hơn.

+ Để mỗi bên biết hy sinh sở thích vì lợi ích gia đình, nhưng không phải vì thế mà đánh mất đi sắc thái riêng tư. Mỗi người hãy giữ bản lãnh của mình mà làm phong phú đời sống chung.

c) Luật chi tiết.

Người nam : Thích cái tổng quát, đại sự, dễ bỏ qua các chi tiết vụn vặt.

Người nữ: Để mắt tới từng khíacạnhnhỏbé,nhiều khi vì đó không nhìn hết cả vấn đề.

Giải thích :

Người nam thường nhìn tổng quát và tiến thẳng tới vấn đề chính yếu. Anh phác họa rõ ràng chương trình hành động, lý luận vững chắc.

Còn chị thì lưu tâm tới những cái nhỏ bé, chi tiết, một sự kiện nhỏ cũng có thể trở thành quan trọng, che lấp cái chính.

Áp dụng vào cuộc sống :

Sự khác biệt tâm lý này thường là nguyên do cho nhiều vui buồn sướng khổ trong đời sống đôi bạn.

Do đó, người chồng không nên quên các chi tiết có thể mang hạnh phúc tới cho vợ mình : một cái nhìn khích lệ, một lời khen, một quà tặng nhỏ, một cử chỉ yêu thương…

Ngược lại, người vợ cũng đừng quá tỉ mỉ với chồng, dặn dò từng chi tiết, lặp đi lặp lại những lỗi lầm nhỏ nhặt, chị nên bớt đi những cái vụn vặt chỉ làm chồng bực nhọc, khó chịu.

d) Luật bất đồng cảm.

Người nam: Phản ứng bồng bột, sôi nổi, mau bốc, nhưng cũng mau tàn.

Người nữ: Phản ứng chậm chạp, êm đềm, chậm bốc, chậm tàn.

Giải thích :

Trước một sự cố, người nam thường phản ứng tức khắc mãnh liệt, nhưng cũng dễ nguội, dễ hạ. Chính vì thế ta thường thấy “tiếng sét ái tình” xảy ra cho nhiều thanh niên hơn là cho thanh nữ.

Người nữ thì chậm chạp hơn, song khi phát lộ thì gia tăng rất nhiều, và phải nhiều thời gian mới trở lại bình thường.

Áp dụng vào cuộc sống.

Biết rằng đàn ông dễ nổi nóng, dễ phản ứng tức thời, mạnh bạo, chị sẽ tránh những lời nói hoặc cử chỉ như đổ dầu vào lửa, biết dùng sự khả ái trời cho để làm dịu tình thế.

Còn anh, nên tỉnh táo trước dáng vẻ bình thản của chị kẻo có lúc anh không ngăn được những phản ứng quyết liệt như vũ bão của chị.

đ) Định luật thính giác.

Người nam: trầm ngâm.

Người nữ :thích nghe lời âu yếm.

Giải thích :

Người nữ thường thích nghe những lời âu yếm, tán tỉnh. Các lời người ta nói thường làm người nữ chú ý hơn là việc người ta làm.

Người nam lại thích trầm ngâm, ít nói nhất là khi ở nhà.

Áp dụng vào cuộc sống :

– Người chồng phải tập nói, năng nhắc lại những kỷ niệm êm đềm năm xưa, nói với giọng nhẹ nhàng, âu yếm, kính trọng. Người nữ thích sống lại dĩ vãng đó. Cần có đối thoại giữa vợ chồng. Yêu là nói, là nghe, là cởi mở tâm hồn mình và đón nhận người khác.

– Còn chị, hãy biết tôn trọng chồng khi thấy anh đang bận tâm một chuyện nào.

II.SINH SẢN.

Đôi bạn chung sống để trọn đời yêu thương nhau, lại còn sinh sản, giáo dục con cái. Việc giáo dục là tất yếu tiếp theo việc sinh sản.

1. Nền tảng việc sinh sản.

Yêu nhau đến độ nên một, và nên một cả trong việc sinh hoạt vợ chồng là để sinh sản. Việc sinh sản con cái như thế, là do lệnh truyền của Thiên Chúa, và do mục đích nội tại của phái tính.

a) Do lệnh truyền của Thiên Chúa.

Chính Thiên Chúa ngay từ đầu dựng nên người nam và người nữ, đã muốn loài người nối tiếp nhau có mặt đông đảo trên địa cầu này. Thiên Chúa ban cho loài người vinh dự được cộng tác với Người trong việc tạo dựng.

b) Do mục đích nội tại của phái tính.

Tự bản tính, nam nữ thu hút nhau. Sức hút ấy thể hiện trọn vẹn khi đôi bạn hiến dâng tâm hồn và thể xác cho nhau; kết quả việc tự hiến ấy, vừa là tạo hạnh phúc cho nhau, vừa là sinh ra những con người mới.

2. Giá trị việc sinh sản.

a) Nơi loài người, sinh sản là một hành vi nhân linh cao đẹp (lý trí + tự do + sinh lý), chứ không phải chỉ là một tác động bản năng thuần túy sinh lý như nơi các vật hạ đẳng (GĐ.11). Chính hành vi nhân linh cao đẹp này nâng con người lên địa vị trổi vượt muôn loài.

b) Là sự cộng tác tuyệt hảo với Thiên Chúa, con người là linh hồn và xác thể. Khi đôi bạn kết hợp tạo nên một bào thai (phần thể chất) thì Thiên Chúa ban cho bào thai ấy một linh hồn (phần thiêng liêng). Sự kết hợp hồn-xác ấy làm thành một con người mới.

Vậy “con người mới ấy” vừa là kết quả công việc Thiên Chúa, vừa là kết quả công việc loài người. Đó chính là hồng ân tạo dựng tuyệt vời mà Thiên Chúa chia sẻ cho loài người.

3. Mục đích việc sinh sản.

a) Để cộng đoàn nhân loại ngày càng đông đảo nhờ những con người mới được sinh ra và được giáo dục.

b) Để loài người nối tiếp nhau, quản trị vạn vật theo ý định của Thiên Chúa, “Ta hãy tạo dựng loài người giống hình ảnh Ta, để họ làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú trên đất và mọi côn trùng sống động trên địa cầu” (Kn 1,26).

c) Để phát triển Hội thánh là Nhiệm thể Chúa Kitô : “Nhờ đời sống lứa đôi”, Người (TC) làm cho gia đình của Người ngày càng phong phú hơn (MV. 50).

d) Để cha mẹ sống mãi nơi con cái.

Thông điệp “Sự sống con người”, số 9 viết : “Tình yêu vợ chồng chính là tình yêu phong phú, không hề tiêu hao mất mát, trong việc kết hợp giữa vợ chồng. Trái lại, đủ sức tiếp tục tạo thành những đời sống mới”.

BÀI HỌC

09. H. Mục đích Hôn nhân Công giáo là gì ?

T. Mục đích Hôn nhân Công giáo là vợ chồng TRỌN ĐỜI YÊU THƯƠNG NHAU, SINH SẢN VÀ GIÁO DỤC CON CÁI CÙNG GIÚP NHAU NÊN THÁNH.

10.H. Làm thế nào để đôi bạn sống trọn đời yêu thương nhau ?

T. Để sống trọn đời yêu thương nhau, đôi bạn phải:

+ Sống đạo tốt.

+ Tôn trọng phẩm giá và quyền lợi chính đáng của bạn mình.

+ Lưu ý đến những khác biệt về tâm sinh lý trong đời sống vợ chồng.

11.H. Việc sinh sản con cái có những ý nghĩa nào ?

T. Việc sinh sản con cái có những ý nghĩa chính yếu này :

+ Thiên Chúa cho loài người được vinh dự cộng tác với Người trong việc tạo dựng.

+ Con cái là hoa quả tốt đẹp của tình yêu vợ chồng.

+ Góp phần tăng thêm cộng đoàn nhân loại và phát triển Hội thánh.

12.H. Bí tích Hôn nhân giúp đôi bạn nên thánh cách nào ?

T. Nhờ ơn thiêng của BT Hôn nhân đôi bạn nên thánh trong niềm vui đón nhận nhau, sinh sản và giáo dục con cái.

Bài 4

GIÁO DỤC CON CÁI

I. QUYỀN VÀ BỔN PHẬN GIÁO DỤC.

II. NHỮNG MỤC TIÊU GIÁO DỤC.

LỜI HƯỚNG DẪN.

“Bổn phận giáo dục bắt nguồn từ trong ơn gọi đầu tiên của đôi bạn là dự phần vào công việc sáng tạo của Thiên Chúa. Khi sinh ra một ngôi vị mới trong tình yêu và do tình yêu, một ngôi vị mang sẵn trong mình ơn gọi phải lớn lên và phát triển, bậc cha mẹ cũng từ đó mà lãnh nhận bổn phận phải giúp đỡ hữu hiệu cho ngôi vị ấy được sống nhân bản trọn vẹn” (GĐ. 36)

I. QUYỀN VÀ BỔN PHẬN GIÁO DỤC.

1. Giáo dục con cái là hướng dẫn và giúp đỡ chúng phát triển toàn diện con người.

2. Việc giáo dục này là quyền lợi và bổn phận của cha mẹ, không ai có thể thay thế được.

3. Điều đó còn là vinh dự của cha mẹ Công giáo, vì khi thi hành bổn phận giáo dục, họ biết mình cộng tác với tình yêu Thiên Chúa và trở thành người diễn đạt tình yêu của Người (x. MV. 50).

4. Bậc cha mẹ hãy ghi nhớ điều này :”Gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà không một đoàn thể nào khác có thể vượt qua được” (TN. Giáo dục Kitô giáo 3).

5. Muốn giáo dục thành công, cha mẹ cần lưu ý mấy điểm rất quan trọng này :

a) Cha mẹ phải thăng tiến chính bản thân trước đã : phải nêu gương đời sống cao đẹp về nhân cách, đạo đức và các khả năng khác, vì “cha mẹ hiền lành để đức cho con”.

b) Cha mẹ phải nhất trí trong đường hướng và phương thức giáo dục con cái : tìm hiểu tính tình, năng khiếu của con cái và phải biết dùng phương thức thích hợp giúp chúng đạt mục đích.

c) Tạo bầu khí gia đình lành mạnh, cởi mở, thánh thiện, mọi người sống hòa thuận, lạc quan và biết tín nhiệm nhau.

II. NHỮNG MỤC TIÊU GIÁO DỤC.

Phải giáo dục con cái về toàn diện mà cụ thể là những điểm sau :

1. Giáo dục tôn giáo :

Quan điểm đầu tiên của cha mẹ Công giáo là phải dạy dỗ con cái về Thiên Chúa, về đạo lý, về cách sống đạo. Việc giáo dục tôn giáo phải bắt đầu ngay từ tấm bé, vì cây “bé ngả chiều nào, lớn ngảchiều ấy”; và phải tiếp tục không ngừng.

Đặc biệt người mẹ, thường gần gũi con hơn, nên có trách nhiệm thường xuyên và cụ thể hơn.

Muốn được thế, cha mẹ phải hiểu biết giáo lý, phải sống đạo như : siêng năng cầu nguyện, tham dự Thánh lễ và các Bí tích, nêu gương sáng ở đời sống hằng ngày…

2. Giáo dục ngôn từ và văn hóa.

Dạy trẻ biết nói năng và cư xử lễ độ. Trẻ hay bắt chước ngôn từ và cách sống của người khác. Vì thế, cha mẹ nên để mắt tới bạn bè chúng; sửa dạy những câu nói, cử chỉ khiếm nhã; theo dõi và khích lệ việc học hành của chúng, chọn và kiểm soát sách báo : Trẻ em chỉ nên đọc những sách dành cho tuổi chúng, hướng dẫn chúng đọc những sách báo hữu ích.

3. Giáo dục sức khỏe :

“Tinh thần sáng suốt trong thân xác lành mạnh”. Sự sạch sẽ bên ngoài là một trợ lực quí giá cho sự trong sạch tâm hồn, và nhiều khi còn là phản ảnh tự nhiên của tâm hồn cao đẹp nữa. Giúp chúng tập luyện thân xác, tăng cường sức lực. Dạy chúng biết tôn trọng thân xác là Đền Thờ Chúa Thánh Thần.

4. Giáo dục các đức tính nhân bản xã hội.

Tục ngữ có câu “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Song song với việc giáo dục sức khỏe, cha mẹ cần tích cực giáo dục con cái về các đức tính cá nhân và xã hội : Cần, kiệm, liêm, chính, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín ; công, dung, ngôn, hạnh… là những đức tính vốn được người Việt nam ưa chuộng. Vì thế cần giúp chúng ngay từ bé biết rèn luyện những đức tính ấy.

5. Giáo dục giới tính :

Đây là một vấn đề phức tạp và tế nhị, nhưng không thể bỏ qua trong việc giáo dục.

Ở từng lứa tuổi, trẻ em thắc mắc về nguồn gốc của chúng. Do đó, tùy hạng tuổi, cha mẹ cần cắt nghĩa cho chúng vấn đề ấy, trong tình thân ái, tế nhị và trong sạch. Đó là bổn phận trước tiên của cha mẹ, vì cha mẹ hiểu con cái mình hơn, biết lúc nào chúng thắc mắc, biết giải đáp tới đâu là đủ cho chúng, biết lợi dụng cơ hội thuận tiện nhất.

+ Nếu cha mẹ khước từ việc này, các em sẽ tò mò tìm hiểu nơi sách vở, báo chí thiếu đứng đắn, nơi bạn bè, phim ảnh… và hậu quả thật tai hại.

+ Biết giáo dục đúng đắn và đúng lúc, sẽ tạo được nơi các em thế quân bình, là điều cần thiết cho mọi thành công trên đường đời.

6. Giáo dục tương lai :

Cha mẹ hướng dẫn các em biết nhìn về tương lai, vạch định một chí hướng cho đời mình. Giúp các em tập lựa chọn, dù lựa chọn ấy còn non yếu nhưng rất ích lợi cho các lựa chọn quan trọng sau này.

Nhắc nhở, tạo điều kiện để các em xác tín và trung thành với ý hướng và ơn gọi của mình.

BÀI HỌC

13.H. Giáo dục con cái là gì ?

T. Giáo dục con cái là hướng dẫn và giúp chúng phát triển con người toàn diện về thể lý, trí tuệ, đức hạnh và tôn giáo.

14.H. Việc cha mẹ giáo dục con cái hệ trọng thế nào ?

T. Đối với cha mẹ, việc giáo dục con cái vừa là một bổn phận, vừa là một vinh dự vì khi thi hành công việc ấy, họ cộng tác với Thiên Chúa chăm sóc mầm non quí giá cho xã hội và Hội thánh.

15.H. Muốn giáo dục thành công, cha mẹ phải thế nào ?

T. Cha mẹ phải :

+ Thăng tiến và thánh hóa bản thân.

+ Nhất trí với nhau trong đường hướng và cách thức giáo dục.

+ Tạo bầu khí gia đình hòa thuận, thánh thiện và tín nhiệm nhau.

Bài 5

LUÂN LÝ TÍNH DỤC

LỜI HƯỚNG DẪN.

“Tính dục cũng như khả năng sinh sản của con người, trổi vượt cách kỳ diệu hơn những gì thấy được ở cấp sinh vật thấp hơn. Bởi vậy, chính những hành vi đặc thù của đời sống vợ chồng, được thực hiện đúng theo phẩm giá đích thực của con người, đều phải được kính cẩn tôn trọng. Vì thế, khi cần hòa hợp tình vợ chồng với việc truyền sinh trong tinh thần trách nhiệm, đôi bạn phải ý thức rằng giá trị luân lý của hành động không chỉ lệ thuộc vào ý muốn thành thật và việc cân nhắc các lý do, nhưng phải được thẩm định theo những tiêu chuẩn khách quan, suy diễn từ bản tính của nhân vị và của hành động nơi nhân vị. Những tiêu chuẩn ấy sẽ tôn trọng ý nghĩa trọn vẹn của sự trao hiến và sinh sản con cái trong khung cảnh tình yêu đích thực” (MV. 51).

NGUYÊN TẮC LUÂN LÝ TÍNH DỤC.

Thiên Chúa là Chúa sự sống, đã trao cho loài người nghĩa vụ bảo tồn nòi giống. Đàng khác, tính dục và khả năng sinh sản nơi loài người trổi vượt hơn nơi các sinh vật hạ đẳng. Vậy, để chu toàn nghĩa vụ ấy cách xứng hợp, đúng với phẩm giá của mình, đôi bạn phải nắm vững một số nguyên tắc luân lý sau đây :

1. Nguyên tắc 1 :

Trong khuôn khổ Hôn nhân theo luật tự nhiên và Hôn nhân Công giáo, các hành vi trao hiến vợ chồng, tự bản chất, là lương thiện.

Tự hiến cho nhau trong sinh hoạt vợ chồng là hành vi cần thiết để biểu lộ tình yêu, làm phát sinh sự sống và là sự nâng đỡ cho lòng tín trung, cho nên các hành vi ấy là lương thiện.

a) Dấu hiệu biểu lộ tình yêu.

Mọi tình yêu chân thật đều phát xuất từ Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 16).

Hơn nữa, chính Chúa Kitô đã ban dồi dào phúc lành cho tình yêu đôi bạn qua Bí tích Hôn phối, là Bí tích được thiết lập theo gương kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội thánh ; mà các hành vi ân ái là cách biểu lộ tình yêu, nhờ đó đôi bạn thể hiện mục đích hôn nhân là trọn đời yêu thương nhau và sinh sản, giáo dục con cái.

b) Dấu hiệu biểu lộ sự sống.

Đâu có tình yêu, đó có sự sống. Mà tự bản chất, tình yêu vợ chồng hướng về việc phát sinh và dưỡng dục sự sống. Giống như tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh trổ sinh hoa trái không ngừng, tình yêu đôi bạn qua hành vi ân ái sẽ đưa tới việc sinh sản con cái, là ân huệ tuyệt hảo và hạnh phúc của cha mẹ.

c) Dấu hiệu biểu lộ lòng trung tín.

Tình yêu chân thật đòi phải trung tín. Mà nhờ các hành vi tự nguyện trao hiến, đôi bạn được hỗ trợ để mãi mãi keo sơn, trong tư tưởng cũng như trong thân xác, lúc bĩ cực cũng như lúc thái lai, nhờ đó tránh được mọi thứ ngoại tình và bất tín.

Do đó, các hành vi tự hiến vợ chồng tự bản chất là lương thiện.

2) Nguyên tắc 2 :

Luân lý Công giáo tôn trọng thân xác, nhưng không quá đề cao hành vi giới tính.

a) Thiên Chúa tạo dựng loài người có hồn xác. Trách nhiệm thuộc về con người toàn diện “hồn xác” ấy. Chính việc Ngôi Hai xuống thế làm người và việc Chúa Kitô phục sinh thân xác của Người từ cõi chết, là bằng chứng xác nhận giá trị của thân xác.

Niềm tin “xác loài người ngày sau sống lại” cũng khẳng định giá trị của thân xác, cho nên thân xác có một giá trị xứng đáng trong chương trình cứu độ.

b) Tuy nhiên, thân xác không phải là tất cả con người. Do đó, các hành vi sinh lý chỉ có giá trị giới hạn. Chúng chỉ đáng quí trọng khi được thực hiện phù hợp với luật lệ Thiên Chúa. Cho nên không thể quá đề cao hành vi trao hiến làm phương hại các giá trị cao quí hơn của con người.

3. Nguyên tắc 3 :

Đời sống Hôn nhân Công giáo phải là đời sống trong sạch và tiết độ.

Không phải chỉ là bậc tu trì mới cần sống trong sạch và tiết độ mà là mọi người, kể cả những người sống bậc vợ chồng, vì :

a) Trong sách và tiết độ trong hành vi ân ái là thước đo tinh thần xả kỷ, hiến thân vì hạnh phúc và nhu cầu của người mình yêu.

b) Trong sạch và tiết độ còn là sự biểu lộ mức trưởng thành và tự chủ của đôi bạn biết yêu thương, kính trọng nhau.

c) Phải trong sạch trong thân xác : lạc thú tính dục được Thiên Chúa sắp đặt để nâng đỡ đời sống Hôn nhân và Gia đình. Do đó, chỉ những ai là vợ chồng của nhau mới có quyền trên thân xác nhau.

d) Chúa Giêsu còn căn dặn loài người phải giữ trong sạch cả trong tư tưởng :”Ta bảo các ngươi, ai nhìn người nữ để thỏa mãn lòng dục, thì đã ngoại tình với nó trong lòng rồi” (Mt 5, 28). Như thế, người ta không được cố tình suy tưởng và ước muốn điều tà dâm.

Do đó, nếu thời đính hôn là thời thuận lợi để hai người nam nữ tìm hiểu chính mình và người bạn tương lai, thì họ phải biết giữ gìn nhau trong sự kính trọng và ý hướng xây dựng cho nhau. Những cử chỉ sỗ sàng, những thử nghiệm tình ái trong thời kỳ này là lỗi giới răn 6, có tội.

BÀI HỌC

16.H. Luân lý tính dục trong đời sống Hôn nhân là gì ?

T. Luân lý tính dục trong đời sống Hôn nhân là tính cách hợp pháp do chính Thiên Chúa thiết lập cho đời sống vợ chồng.

17.H. Luân lý tính dục có những nguyên tắc nào ?

T. Có những nguyên tắc này :

+ Các hành vi trao hiến vợ chồng, tự bản chất, là lương thiện.

+ Luân lý Công giáo tôn trọng thân xác, nhưng không quá đề cao hành vi giới tính.

+ Phải có sự trong sạch và tiết độ trong đời sống vợ chồng.

Bài 6

LƯƠNG TÂM CÔNG GIÁO VÀ VẦN ĐỀ ĐIỀU HÒA SINH SẢN

I. GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH.

II.LƯƠNG TÂM VÀ TRÁCH NHIỆM.

III.BA TIÊU CHUẨN.

IV.NHỮNG PHƯƠNG PHÁP NGỪA THAI.

LỜI HƯỚNG DẪN.

“Bổn phận sinh sản và giáo dục phải được coi là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng. Trong khi thi hành bổn phận ấy, họ biết mình cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hóa và như trở thành những kẻ diễn đạt tình yêu của Người. Bởi vậy, họ sẽ chu toàn bổn phận mình với trách nhiệm của con người và của Kitô hữu” (MV.50).

I. GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH.

Thông điệp “Sự sống con người” số 10 có viết :“Xét về những điều kiện thể lý, xã hội, kinh tế, tâm lý, tình phụ tử có trách nhiệm được rèn luyện hoặc do quyết định đã suy nghĩ và quảng đại để làm cho gia đình thêm đông, hoặc do quyết định tránh sinh thêm tạm thời hay vô hạn vì những lý do hệ trọng mà vẫn tôn trọng luật luân lý…”

Giáo huấn trên xác định việc điều hòa sinh sản là hợp với ý Thiên Chúa. Gia đình đã đông con, nhưng nghèo túng, thiếu nơi ăn chốn ở, không bảo đảm việc giáo dục con cái xứng hợp và chu đáo, tình trạng bệnh tật… là những lý do chính đáng đôi bạn cần suy xét thận trọng để quyết định ngưng sinh thêm con cái, tạm thời hoặc vĩnh viễn. Tuy nhiên, điều quan trọng là đôi bạn phải luôn tôn trọng luật luân lý mà Hội thánh đã xác định.

Để có quyết định đúng đắn về điều hòa sinh sản, đôi bạn cần phải có lương tâm ngay thẳng và chân chính, có tinh thần trách nhiệm cao, cùng với sự suy nghĩ chín chắn và quảng đại.

II. LƯƠNG TÂM VÀ TRÁCH NHIỆM.

“Hôn nhân và tình yêu vợ chồng tự bản chất qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái… Và đó là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng” (MV. 50).

Nhận thức được sứ mệnh cao quí ấy, đôi bạn phải giải quyết việc sinh sản con cái thế nào cho phù hợp luật luân lý ?

1. Trước hết, đôi bạn cần phải tuân theo tiếng nói chân chính và ngay thẳng của lương tâm.

+ Lương tâm là tiếng nói trong mỗi người, chỉ dẫn điều hay lẽ phải, đòi buộc làm lành tránh dữ, và phải trả lời trước mặt Thiên Chúa về các hành động của mình.

+ Sống theo tiếng nói của lương tâm là hành động theo qui tắc khách quan, nghĩa là phải hành động theo luật Thiên Chúa đã được Hội thánh giải thích và hướng dẫn, chứ không được theo phán đoán chủ quan mù quáng của mình.

+ Đối với vấn đề điều hòa sinh sản cũng vậy : Đôi bạn phải ý thức mình không thể hành động theo sở thích, hoặc vì những lý do chủ quan ; trái lại, phải học biết luật Chúa, và áp dụng giáo huấn Hội thánh vào hoàn cảnh từng gia đình.

2. Dưới đây là những tiêu chuẩn luân lý hướng dẫn đôi bạn khi phải quyết định điều hòa sinh sản :

a) Liên quan tới tinh thần trách nhiệm.

Đôi bạn cần phải luôn nhớ rằng : Sinh sản và giáo dục là hai trách nhiệm đồng thời của cha mẹ. Vì thế, khi nghĩ đến việc sinh con, phải nghĩ đến những điều kiện tạm đủ để nuôi dưỡng và giáo dục chúng cách xứng hợp. Không thể chấp nhận việc sinh sản bừa bãi, thiếu khả năng hay phương tiện nuôi sống và giáo dục con cái. Cũng không thể chấp nhận những người vì ích kỷ, lười biếng, vì sắc đẹp mà hạn chế số con cách mù quáng và phi lý.

b) Liên quan tới quyết định đúng đắn.

Để quyết định nên hay không nên hạn chế sinh sản, đôi bạn cần suy nghĩ chín chắn và quảng đại. Một suy nghĩ chín chắn và quảng đại phải đặt căn bản trên :

+ Những lý do chính đáng và khách quan đối với việc hạn chế số con : con cái đã đông, thiếu phương tiện tối thiểu để nuôi sống, giáo dục, tình trạng bệnh tật của cha mẹ…

+ Suy nghĩ và quyết định của cả người cha và người mẹ.

+ Nếu thụ thai dù ngoài ý muốn, đôi bạn phải quảng đại chấp nhận đứa con như là kết quả tiến trình sinh lý tự nhiên mà Thiên Chúa đã thiết lập nơi loài người.

c) Liên quan tới chính hành vi vợ chồng.

+ Phải tôn trọng tính cách nhân bản việc phối hợp nam nữ và những khả năng sinh sản nơi con người.

+ Phải tôn trọng bản chất tự nhiên của việc phối hợp thể xác là hướng về việc sinh sản trong bầu khí yêu thương của hai người.

+ Phải tuân giữ giáo huấn của Thông điệp “Sự sống con ngưòi” về các phương pháp được sử dụng và những phương pháp không được sử dụng.

+ Phải tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai.

III. BA TIÊU CHUẨN THỰC TẾ CẦN TUÂN THỦ.

1. Hạnh phúc của chính đôi bạn.

Mỗi đứa con chào đời phải củng cố và xây dựng tình yêu và hạnh phúc của đôi bạn, vì đứa con là kết quả tình yêu tự hiến giữa vợ chồng. Nhưng đôi bạn cần để ý đến những gì tạo hạnh phúc cho nhau. Người nữ kết hôn trước khi là mẹ, phải là vợ ; người nam cũng thế. Do đó, không chỉ để lo cho con cái mà quên người bạn đời của mình. Đôi bạn phải để ý đến những vấn đề riêng tư của nhau như sức khỏe, tâm lý, ước vọng tương lai…

2. Hạnh phúc của con cái.

Con cái là hồng ân tốt đẹp nhất của hôn nhân. Tác sinh một đứa con là tự ý chấp nhận tạo mọi điều kiện cho nó sống hạnh phúc, sống xứng thân phận con người và con Chúa.

Do đó, đôi bạn cần chú ý đến khả năng tài chính, đến nơi ăn chốn ở, tới việc giáo dục, để tạo hạnh phúc cho con cái.

3. Thiện ích của xã hội và Hội thánh.

Xã hội lớn mạnh là nhờ ở những phần tử cường tráng, chuyên cần làm việc, có những đức tính cao qúy. Do đó, sự lượng định khả năng nuôi sống và giáo dục con cái trở nên phần tử hữu dụng cho xã hội và Hội thánh cũng là tiêu chuẩn mà đôi bạn cần lưu ý để quyết định việc điều hòa sinh sản.

Hội thánh ao ước cho nhân loại được tăng số, nhưng phải là tăng số có ý thức trách nhiệm và trong bầu khí yêu thương đích thực, hơn là ỷ nại mù quáng vào các phương pháp nhân tạo của việc hạn chế sinh sản.

Chính Đức Phaolô VI trên diễn đàn Liên hiệp quốc ngày 04.10.1965 đã kêu gọi thế giới như sau :“Khoa học phải phụng sự và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, chứ không phải để tiêu diệt nhân loại, phải liệu sao để cơm gạo được dồi dào trên bàn ăn nhân loại, chứ không phải là để kiểm soát cách gỉa tạo, nhằm giảm bớt số thực khách trong yến tiệc cuộc đời”.

IV. NHỮNG PHƯƠNG PHÁP NGỪA THAI.

A. Phương pháp ngừa thai nhân tạo :

Là những phương pháp dùng các cách thế :

+ Hoặc là trực tiếp làm cho không thể thụ thai tạm thời hay vĩnh viễn nơi người nam cũng như nơi người nữ :

Thuốc ngừa thai : thuốc uống, thuốc chích, tây y,đông y;

Bao cao su,vòng xoắn, màng chắn, hóa chất diệt tinh trùng.

Cắt hay cột thắt vòi trứng nơi người nữ và cắt haycột thắt ống dẫn tinh nơi người nam, gọi là triệt sản, triệt sinh.

+ Hoặc là trực tiếp hủy diệt trứng đã thụ tinh hay giết chết bào thai

Điều hòa kinh nguyệt.

Phá thai, nạo thai.

LUÂN LÝ TÍNH :

Thông điệp “Sự sống con người” số 14 ghi rõ :

– Cấm phá thai vì là một tội ác. Sự sống là cao quí, thiêng liêng, dù là một thai nhi tàn tật yếu đuối, quái dị. Trực tiếp phá thai là tội ác có kèm theo hình phạt.

– Cấm những hành động trực tiếp ngăn cản thụ thai hoặc tạm thời hoặc vĩnh viễn trong giải phẫu triệt sản hay triệt sinh.

– Cấm những dụng cụ ngừa thai.

– Cấm các loại thuốc ngừa thai.

– Cấm việc “điều hòa kinh nguyệt” là hình thức phá thai non.

TẠI SAO CẤM ĐOÁN ?

1. Vì các phương pháp ngừa thai trực tiếp đối nghịch với bản chất và mục đích của hành vi thân mật vợ chồng là sinh con cái. Dù không phải bất cứ lần yêu thương thân mật nào đều có thể thụ thai, nhưng việc trực tiếp ngừa thai là nghịch với bản chất và mục đích của hành vi đó.

2. Vì các phương pháp ngừa thai nhân tạo trực tiếp vi phạm đến sự sống mới vừa được hình thành : vòng xoắn hủy diệt trứng đã thụ tinh, “điều hòa kinh nguyệt” trục xuất trứng đã thụ tinh… hoặc đang được phát triển thành thai nhi như phá thai, nạo thai…

B. Phương pháp tự nhiên :

Là những phương pháp vận dụng việc hành kinh tự nhiên trong chức năng sinh sản của người nữ, để chỉ giao hợp trong thời kỳ không thể thụ thai nếu đôi vợ chồng có lý do chính đáng muốn ngưng tạm thời hay dài hạn việc sinh thêm con.

Dưới đây chúng tôi chỉ giới thiệu hai phương pháp tương đối dễ và có hiệu quả :

1. Phương pháp Ogino-Knauss : Cách thế sử dụng :

a) Quan sát : Người vợ lưu ý và ghi rõ lịch hành kinh từ 08 đến 12 tháng, ví dụ : sau 8 tháng có lịch trình như sau : 25, 27, 30, 29, 28, 30, 27, 26. Ngày kinh thay đổi từ 25 đến 30 ngày.

b) Làm bài toán trừ : Phải luôn nhớ hằng số : 18-10

+ Lấy số nhỏ nhất trừ cho 18, ví dụ : 25-18 = 7. Ngày 7 là ngày cuối cùng của thời kỳ tương đối an toàn.

+ Lấy số lớn nhất trừ cho 10, ví dụ : 30-10 = 20. Ngày 20 là ngày đầu tiên của thời kỳ tuyệt đối an toàn.

c) Kết luận : Nếu muốn hạn chế sinh con, muốn tránh thụ thai, vợ chồng phải kiêng cữ từ ngày 7 đến ngày 20 kể từ ngày bắt đầu có kinh.

2. Phương pháp Billings hay phương pháp biết ngày trứng rụng, cũng gọi là phương pháp chất nhờn : Căn cứ trên triệu chứng chất nhờn nơi người nữ để định thời kỳ an toàn.

Cách thức bài tiết chất nhờn : hiện tượng này có chung cho tất cả mọi phụ nữ. Mỗi lần rụng trứng, người nữ nào cũng tiết ra một ít chất nhờn từ cổ tử cung. Chất nhờn này biến đổi theo các trạng thái sau đây : từ chất nhờn dính và đục, đến trong, sang độ trong suốt, kéo sợi trắng như lòng trắng trứng gà (đây là giai đoạn tột đỉnh của rụng trứng).

Tiếp sau là chất nhờn dính và đục, rồi hết chất nhờn…

Phụ nữ cảm giác được chất nhờn trong suốt này khi đứng hay ngồi hay khi đi lại và lúc đó đạt tới cao điểm của khả năng thụ thai nhất.

Nguyên tắc áp dụng :

a) Trước khi rụng trứng, tuân theo định luật : ngày khô, đêm an toàn, bỏ ngày kế tiếp.

+ Ngày khô : tức là sự khô ráo nơi cửa mình của người nữ vì không có bài tiết chất nhờn. Cần phân biệt chất nhờn này với chất nhờn do âm hạch sản xuất khi người nữ bị kích thích.

+ Đêm an toàn : nghĩa là đêm đó không thụ thai.

+ Bỏ ngày kế tiếp : không giao hợp ngày kế tiếp vì ngày này có tiết ra chất nhờn hoặc do việc giao hợp đêm vừa qua hoặc là chất nhờn báo động ngày rụng trứng.

b) Phải tránh tất cả mọi gần gũi sinh lý trong những ngày có chất nhờn, nếu không muốn thụ thai.

c) Sau hiện tượng tột đỉnh (tức là ngày có chất nhờn trơn, trong suốt và kéo sợi như lòng trắng trứng gà xảy ra trước khi rụng trứng), kể từ đêm thứ tư, ngày nào cũng an toàn, cho tới kỳ hành kinh sau, cho dù có hay không có chất nhờn, không thể thụ thai trong thời kỳ này.

d) Cần quan sát và ghi chú để có kinh nghiệm bản thân về chất nhờn này và thời gian bài tiết chất nhờn nơi người nữ.

Phương pháp Billings rất hiệu nghiệm đối với nhiều phụ nữ, miễn là họ biết áp dụng đúng các nguyên tắc trên.

Ví dụ : Bắt đầu chu kỳ :

Hình vẽ ghi lại các thời kỳ của chu kỳ hành kinh nơi người nữ (chu kỳ 30 ngày)

2) Thời kỳ khô ráo (dài hay ngắn tùy từng chu kỳ và tùy từng người nữ).

3) Chất nhờn xuất hiện và biến đổi :

– Đến trong và bớt dính, trong và trong suốt.

– Hiện tượng tột đỉnh: thời rụng trứng, chất nhờn trong suốt kéo sợi, trắng như lòng trắng trứng gà.

– Chất nhờn trở lại trạng thái dính và đục.

4) Thời kỳ tuyệt đối an toàn (từ ngày thứ 5 đến khi có kinh).

5) Hành kinh lần sau.

Luân lý tính :

1. Các phương pháp tự nhiên không đối nghịch với bản chất và mục đích của hành vi yêu thương thân mật và không trực tiếp ngăn cản việc trứng thụ tinh hay giết chết bào thai.

2. Các phương pháp này có hiệu nghiệm thực sự nếu các đôi vợ chồng lưu ý các nguyên tắc áp dụng đã nêu trên.

BÀI HỌC

18. H. Hội thánh dạy thế nào về việc sinh sản con cái ?

T. Hội thánh dạy : sinh sản phải có trách nhiệm, nghĩa là khi sinh con, cha mẹ phải lo lắng chăm sóc, dưỡng dục để chúng sống xứng đáng phẩm giá làm người và làm con Chúa. Do đó, đôi bạn cần suy xét thận trọng về sức khỏe, kinh tế, giáo dục… để có quyết định đúng đắn.

19. H. Để có quyết định đúng đắn về việc điều hòa sinh sản, đôi bạn phải có những yếu tố nào ?

T. Đôi bạn phải có những yếu tố này :

+ Lương tâm ngay thẳng, chân chính.

+ Tinh thần trách nhiệm cao.

+ Tuân giữ giáo huấn của Hội thánh về việc điều hòa sinh sản.

Bài 7

ĐÔI BẠN VÀ CÁC BÍ TÍCH

I. HÔN PHỐI VÀ PHÉP RỬA.

II. HÔI PHỐI VÀ THÊM SỨC.

III. HÔN PHỐI VÀ GIẢI TỘI.

IV. HÔN PHỐI VÀ TRUYỀN CHỨC.

V. HÔN PHỐI VÀ XỨC DẦU BỆNH NHÂN.

LỜI HƯỚNG DẪN.

“Các Bí tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng Thân thể Chúa Kitô và sau cùng là thờ phượng Thiên Chúa. Tuy nhiên, là những dấu chỉ, các Bí tích còn giữ vai trò giáo huấn nữa… Do đó, việc quan trọng là làm sao cho các tín hữu dễ dàng hiểu được những dấu chỉ của các Bí tích được lập ra để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu” (PV. 59)

I. HÔN PHỐI VÀ PHÉP RỬA.

1. Thánh Phaolô, khi viết về tình yêu đôi bạn, đã dạy : “Chồng hãy yêu thương vợ mình như Chúa Kitô đã yêu thương Hội thánh, hiến thân vì Hội thánh, để sau khi dùng nước và Lời hằng sống rửa cho sạch, thì thánh hóa Hội thánh” (Ep 5,25). Nghĩa là nhờ cái chết và tình yêu tận hiến, Chúa Kitô đã biến Hội thánh thành trinh trong và là mẹ sự sống thế nào, thì nhờ Bí tích Rửa tội đôi bạn được trở nên phần tử của Hội thánh ; nhờ Bí tích Hôn phối, đôi bạn được thông phần giao ước tình yêu của Chúa Kitô và Hội thánh. Như vậy, lòng trung thành trong đức tin và đức mến mà mỗi người tuyên hứa khi chịu phép rửa tội, cũng chính là lòng trung thành, và tình yêu mà đôi bạn trao cho nhau trong giao ước Hôn nhân.

Vì thế, khi đôi bạn sống Bí tích Rửa tội của mình trong đời sống chung, họ làm cho chính lời giao ước Hôn nhân của họ được thực hiện.

2. Phép Rửa rất cần cho được sống đời đời :“Ai không sinh lại bởi nước và Thánh Thần, không được vào Nước Trời” (Ga 3, 5). Chính Phép Rửa tha tội tổ tông và tội riêng, ban ơn thánh hóa, sinh ta làm con Thiên Chúa và Hội thánh.

Do đó, đôi bạn cần đặc biệt quan tâm thực hiện việc rửa tội cho con cái tùy theo các trường hợp sau đây :

a) Trường hợp thông thường :

Khi sinh con được chừng một tháng, cha mẹ và người đỡ đầu đưa con đến nhà thờ xin Linh mục rửa tội cho em. Nên có sự hiện diện đông đủ và ý thức của mọi người trong gia đình. Có thể tổ chức việc mừng “đầy tháng” cho em vào ngày rửa tội.

b) Trường hợp nguy tử :

Khi em chưa được rửa tội mà đau nặng, thì cha mẹ lo liệu cho em được rửa tội ngay bằng cách :

+ Tìm người khác (nếu không có ai thì cha hay mẹ) rửa tội cho em như sau : Lấy nước lã đổ trên trán em, vừa đổ vừa đọc :“T. Cha (mẹ) rửa con : nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Khi làm việc này, ít nhất có ý hướng làm theo ý Hội thánh.

+ Ghi vào sổ gia đình Công giáo và sớm trình cha sở.

+ Khi em khoẻ lại, có thể đưa em tới xin chịu “phép bù”.

c) Trường hợp tối khẩn.

Khi sẩy thai hoặc khó sinh, đôi bạn cần chú ý :

+ Mọi bào thai phải được rửa tội dù nó được bao nhiêu tháng. Nếu bào thai chắc chắn còn sống, thì rửa tội cách tuyệt đối: “T. Cha (mẹ) rửa con : nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Nếu hồ nghi thai đã chết, thì rửa tội hồ nghi :“T. nếu còn sống, cha (mẹ) rửa con, nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

+ Khi sẩy thai thì xé bọc thai rồi đổ nước hoặc dìm vào nước và đọc :”Nếu nên, ta rửa con, nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

+ Quái thai cũng phải rửa tội.

II. HÔN PHỐI VÀ THÊM SỨC.

Khi lãnh Bí tích Thêm sức, người tín hữu được đầy ơn Chúa Thánh Thần, để trở nên chứng tá đức tin, có nhiệm vụ bảo vệ và mở mang Nước Chúa.

Khi lãnh Bí tích Hôn phối, đôi bạn trở thành nhân chứng cho tình yêu tự hiến và xây dựng Nước Chúa trong chính bậc sống Hôn nhân của mình.

Những hy sinh, đau khổ, những thử thách trong cuộc sống chung, sự giáo dục con cái nên người và nên con Chúa đều là những công việc quí giá góp phần mở mang Nước Chúa. Chính ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần sẽ giúp đôi bạn chu toàn những nhiệm vụ trên.

III. HÔN PHỐI VÀ GIẢI TỘI.

Trước khi lãnh nhận Bí tích Hôn phối, Hội thánh khuyên đôi bạn xưng tội. Xưng tội để tâm hồn được trong sạch, xứng đáng lãnh nhận dồi dào ơn huệ Chúa ban trong ngày thành hôn.

Nhưng suốt quá trình chung sống, đôi bạn không sao tránh hết mọi khuyết điểm, sai sót : những sai sót về tình yêu, về lòng trung thành, về đức nhẫn nại… có thể làm họ chán nản cuộc sống chung. Bấy giờ, Bí tích Giải tội sẽ xóa đi những lỗi lầm ấy và ban nhiều ơn giúp đôi bạn phấn khởi tiến bước trong cuộc sống hôn nhân, với nhiều cố gắng mới. Cũng nhờ Bí tích Giải tội, họ ý thức được những buồn phiền đã gây ra cho nhau, từ đó trở nên xả kỷ, quảng đại hơn. Họ cũng phấn đấu sống hòa hợp với các phần tử khác trong gia đình, với lối xóm.

IV. HÔN PHỐI VÀ THÁNH THỂ.

Ơn vô giá mà đôi bạn được hưởng trong Thánh lễ Hôn nhân là Hiệp lễ. Lúc ấy họ được tham dự vào chính giao ước tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh. Nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, họ được Chúa làm bạn đồng hành, được Người trợ lực suốt cuộc đời.

Cùng dâng lễ và hiệp lễ ngày ấy cũng như nhiều ngày khác, đôi bạn phải tự buộc mình sống tình yêu Chúa Kitô và thương mến nhau hơn. Nhờ tình yêu siêu nhiên ấy, đôi bạn dễ lướt thắng những cái vụn vặt khó chịu hằng ngày.

V. HÔN PHỐI VÀ TRUYỀN CHỨC.

Hôn phối và Truyền chức là 2 Bí tích xã hội, vì nhằm xây dựng một xã hội do chính Chúa Kitô thiết lập, đó là Hội thánh.

Bí tích Hôn phối làm tăng số con cái trong Hội thánh. Bí tích Truyền chức tuyển chọn các thừa tác viên phục vụ Hội thánh. Chính ơn gọi Linh mục được gieo mầm từ trong gia đình, cho nên gia đình được gọi là “Chủng viện sơ khai” (ĐTLM. 20).

Do đó, Công đồng Vatican II khuyên :“Cha mẹ hãy thận trọng giúp con cái lựa chọn ơn gọi ; và nếu thấy chúng có ơn thiên triệu, họ hãy thận trọng nuôi dưỡng ơn thiên triệu đó” (TĐGD. 11).

VI. HÔN PHỐI VÀ XỨC DẦU BỆNH NHÂN.

Trong ngày cưới, đôi bạn hứa chung thủy với nhau cho đến chết. Cái chết niêm ấn lòng trung tín trọn vẹn của họ. Ở biên giới sự sống và sự chết, phép XỨC DẦU kết thúc đoạn đường lữ hành và mở ra cho cuộc sống vĩnh cửu. Thánh Thể lúc ấy là của ăn đàng giúp người tín hữu đủ sức đi tới bàn tiệc muôn thuở của giao ước tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh khải hoàn. Trên giường hấp hối, đôi bạn thấu triệt được ý nghĩa cao đẹp cuộc sống chung đầy nỗ lực của mình, đó là cuộc đồng hành với Chúa Kitô, là thời gian thử thách và tinh luyện tình yêu, là đoạn đường dẫn tới cuộc sống mai sau vĩnh cửu đầy hạnh phúc.

+ Hãy liệu cho bệnh nhân lãnh nhận Bí tích Xức dầu lúc còn tỉnh táo.

+ Những người thân yêu nên có mặt trong giờ phút ấy để cầu nguyện cho bệnh nhân ; cũng là để hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân, vì lúc ấy bệnh nhân thường rất sợ cô độc.

+ Vấn đề “chung sự” nên tổ chức đơn giản, có ý nghĩa, tránh những lãng phí, phô trương. Hãy chú trọng tới tinh thần.

ĐGM Giáo phận đã nhắn nhủ về vấn đề này như sau (Trích Thư chung số 333/1/TGM số 1) :

“VIỆC MA CHAY” : Thật không có gì tỏ tình đoàn kết và bác ái bằng việc chúng ta cùng đến nhà hiếu cầu nguyện, cùng nhau tham dự Thánh lễ an táng và tiễn đưa người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng. ‘Nghĩa tử là nghĩa tận’. Việc làm đó cũng giúp thân nhân người quá cố biết nhìn thấy trong việc ra đi của người thân yêu, ý nghĩa siêu nhiên của cuộc đời chúng ta :

. Một cuộc đi về Nhà Chúa.

. Biết biến sự đau khổ thành lời cầu nguyện cho người quá cố được mau về hưởng tôn nhan Chúa.

Do đó, nếu lợi dụng dịp này để tổ chức ăn uống linh đình bên xác người chết, thì việc làm đó trái với tinh thần hy sinh, bác ái, và làm cho đám tang mất ý nghĩa cao siêu. Hơn nữa, việc tổ chức ăn uống, nhiều khi trở nên gánh nặng cho tang quyến và còn có thể vì đó gây ra cãi lộn, chia rẽ trầm trọng trong gia đình.

Vì thế :

1) Chúng tôi yêu cầu anh chị em bãi bỏ việc ăn uống, không những trong ngày an táng, mà còn trong cả ngày giỗ kỵ. Hãy nêu cao tinh thần Thánh Phaolô :“Khóc với người khóc…” mà đừng trở thành gánh nặng cho ai.

Nếu phải giải quyết cơm nước cho người ở xa, thì phải tiết giảm tối đa: cơm đơn giản, không tổ chức ăn bên cạnh người chết..

2) Thánh lễ và nghi thức an táng phải đồng đều cho hết mọi người. Không có phép Tòa Giám mục, không được cử hành Thánh lễ tại nhà hiếu, kể cả những Linh mục khác Giáo phận. Các vùng Kinh tế mới và nơi không có Linh mục, có qui chế riêng.
3) Được sử dụng kèn tây, kèn ta, nhưng của xứ nào thì sử dụng tại xứ ấy, không đem đi xứ khác. Kèn chỉ sử dụng trong lúc di quan, lễ an táng, để tránh phiền hà cho đồng bào lối xóm trong giờ nghỉ ngơi.

4) Xứ nào Linh mục đã có thói quen theo xác ra nghĩa địa thì cứ giữ, nhưng phải làm sao cho mọi người được hưởng đồng đều.

5) Bỏ các hình thức cổ hủ : đội mũ rơm, thắt lưng dây chuối, chống gậy…

BÀI HỌC

20.H. Các Bí tích giúp gì cho đời sống đôi bạn ?

T. Các Bí tích có mục đích thánh hóa loài người, xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô và thờ phượng Thiên Chúa. Riêng đối với đôi bạn, các Bí tích nhất là Bí tích Giải tội và Thánh Thể, còn thánh hóa tình yêu vợ chồng, ban nhiều ơn sủng giúp đôi bạn chu toàn trách nhiệm đối với nhau và đối với con cái.

21. H. Hôn nhân liên hệ với Bí tích Rửa tội thế nào ?

T. Có liên hệ cơ bản vì chỉ những ai đã Rửa tội mới có thể cử hành Bí tích Hôn nhân. Hơn nữa, Bí tích Rửa tội là cửa ngõ vào Nước Trời (x. Mc 16,16), nên do tình thương và trách nhiệm, cha mẹ phải lo liệu cho con cái được rửa tội theo qui định của Hội thánh.

22.H. Cha mẹ phải lo liệu việc Rửa tội cho con cái thế nào ?

T. Cha mẹ phải lo cho con cái được Rửa tội như sau:

a) Lúc bình thường : Sau khi sinh con khoảng một tháng, cha mẹ cùng người đỡ đầu, đem con đến Nhà thờ để Linh mục rửa tội.

b) Khi nguy tử : cha mẹ hoặc người khác rửa tội cho con.

c) Trường hợp sẩy thai bất cứ vào giai đoạn nào, cũng phải rửa tội.

Bài 8

GIA ĐÌNH VÀ LỜI CHÚA

I.LỜI CHÚA CẦN THIẾT CHO GIA ĐÌNH.

II.ĐỌC LỜI CHÚA THẾ NÀO ?

III.SỐNG LỜI CHÚA THẾ NÀO ?

LỜI HƯỚNG DẪN.

“Bởi vì gia đình Kitô hữu dự phần vào sự sống và sứ mệnh của Hội thánh, một Hội thánh đang kiên trì lắng nghe Lời Thiên Chúa với tâm tình tôn giáo và đang công bố Lời ấy với lòng tin cậy mãnh liệt, nên gia đình Kitô sống vai trò tiên tri của mình bằng cách đón nhận và loan báo Lời Thiên Chúa : Như thế gia đình ngày càng trở nên một cộng đoàn tin và loan báo Tin mừng” (GĐ. 51).

I. LỜI CHÚA CẦN THIẾT CHO GIA ĐÌNH.

Lời Chúa có cần thiết cho đời sống Hôn nhân và gia đình Công giáo không ?

Thưa rất cần thiết vì những lý do chính yếu sau đây :

1. Lời Chúa là Lời tình yêu : Thánh Kinh là bộ sách ghi lại tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Đọc Thánh Kinh ta sẽ hiểu được tình yêu ấy như thế nào. Cho nên, càng hiểu biết Lời Chúa, ta càng thấm thía hơn tình yêu của Chúa, từ đó biết sống tình yêu đôi bạn sâu sắc hơn theo mẫu mực tình yêu cao vời ấy.

2. Lời Chúa là Lời cứu rỗi, Lời đem lại sự sống cho loài người :“Thầy có những Lời làm cho chúng con được sống” (Ga 6, 68). Nhờ Lời Chúa được ban như lương thực hằng ngày, đôi bạn và gia đình Công giáo luôn tiến triển trong đời sống đức tin và được vững mạnh thực hành các nhân đức.

3. Lời Chúa còn là Lời biểu lộ ý muốn của Chúa Cha, Đấng tác tạo vạn vật do tình yêu. Vì thế, hiểu biết Lời Chúa, đôi bạn và gia đình Công giáo sẽ biết cách sống phù hợp thánh ý Chúa và đó chính là sự trọn lành :“Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe Lời Người” (Mc 9,7).

II. ĐỌC LỜI CHÚA THẾ NÀO TRONG GIA ĐÌNH ?

1. Phải đọc Lời Chúa (Thánh Kinh) trong Đức tin với tâm tình khiêm tốn, đơn sơ “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và nâng cao kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 51-52) :

+ Đọc trong ước muốn được dạy dỗ :“Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1 Sam 3, 10) ;

+ Và sẵn sàng thực hiện điều Chúa dạy :“Phúc cho những ai biết lắng nghe và thực hành Lời Ta” (Lc 11, 28).

2. Phải đọc chậm rãi : Lối hành văn trong Thánh Kinh nhiều khi khác lối hành văn Việt ngữ. Cả cách lý luận, trình bày tư tưởng cũng có thể xa lạ đối với người Việt nam chúng ta. Do đó :

+ Khi đọc xong đoạn sách, nên dừng lại suy nghĩ giây lát : Chúa muốn nói với tôi điều gì qua đoạn Thánh Kinh này ? Tôi có thể áp dụng điều ấy như thế nào vào đời sống cụ thể của gia đình tôi ?

+ Nếu đọc chung, cha mẹ hoặc anh chị nên gợi ý suy nghĩ cho cả gia đình.

3. Khi đọc hằng ngày, nên đọc lần lượt đoạn nọ tiếp đoạn kia để dễ nắm bắt tư tưởng liên tục của Thánh Kinh.

Nếu không, ít là vào các giờ kinh gia đình tối thứ bảy và áp lễ trọng nên đọc bài Tin mừng của Thánh Lễ, giúp dễ hiểu bài giảng của Thánh lễ.

4. Chia phiên cho con cái đọc sẽ có nhiều điểm lợi. Em nào đọc, phải coi trước.

Bậc cha mẹ nên nhận định điều này : Hiện nay con cái có nhiều cơ may hơn mình xưa kia trong việc học hỏi Thánh Kinh và Giáo lý. Do đó, cha mẹ cần tìm dịp bổ túc kiến thức tôn giáo của mình (tìm đọc sách dẫn giải đơn sơ về Thánh Kinh ; đọc các bài học Giáo lý của con cái).

III. GIA ĐÌNH SỐNG LỜI CHÚA THẾ NÀO ?

Đọc Thánh Kinh chung trong gia đình có điểm lợi là mọi người được hướng dẫn bởi cùng một Lời Chúa trong ngày, và như vậy, dễ giúp nhau thực hành Lời Chúa hơn :

1. Tối hôm trước, nhờ sự hướng dẫn và chia sẻ, mọi người đã hiểu Chúa muốn dạy mình điều gì rồi ; cũng đã được gợi ý để thực hành điểm nọ điểm kia cho ngày hôm sau.

2. Tối hôm sau, trao đổi xem mỗi người đã thực hành quyết tâm hôm trước ra sao, có gì khó khăn, vướng mắc… Hướng dẫn hoặc khích lệ thêm để cả nhà sống Lời Chúa.

3. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để sống Lời Chúa là :

+ Một khi đã xác tín “Mọi sự trong Thánh Kinh được Thiên Chúa linh ứng, có ích lợi cho việc dạy dỗ, biện bác, sửa trị và rèn luyện trong công chính” (2 Tm 3, 16), chúng ta phải cương quyết để Lời Chúa canh tân cuộc sống chúng ta : Loại bỏ tự ái, kiêu căng, cố chấp để “tập tành” các nhân đức.

+ Nhất là phải kiên trì. Việc từ bỏ nết xấu, thực tập nhân đức không phải là công việc 1 tháng, 1 năm, nhưng là trọn đời. Do đó, phải bền chí, phải có tâm hồn lạc quan, phấn khởi và hy vọng…

Với vài điểm thực hành căn bản đó, nếu kiên trì thực hiện, chắc chắn gia đình sẽ được Chúa ban nhiều hồng phúc :“Phúc cho những ai biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa” (Lc 11, 28).

BÀI HỌC

23. H. Lời Chúa có cần thiết cho đời sống Hôn nhân và Gia đình Công giáo không ?

T. Lời Chúa rất cần thiết cho đời sống Hôn nhân và Gia đình, vì:

+ Lời Chúa là Lời tình yêu.

+ Lời Chúa ban sự sống.

+ Lời Chúa biểu lộ ý muốn của Thiên Chúa.

24.H. Phải đọc Lời Chúa thế nào ?

T. Phải đọc Lời Chúa trong Đức tin với tâm tình khiêm tốn, đơn sơ, trong ước muốn được dạy dỗ và trong tư thế sẵn sàng thực hiện điều Chúa dạy.

25. H. Đọc Lời Chúa trong gia đình thì được những ích lợi nào ?

T. Khi đọc Lời Chúa trong gia đình, mọi người không những được thánh hóa, nuôi dưỡng (x. Hc. MK. 21), mà còn được hướng dẫn bởi cùng một giáo huấn nên dễ giúp nhau thực hành Lời Chúa hơn.

Bài 9

KINH NGUYỆN GIA ĐÌNH

I.TẦM MỨC VÀ ÍCH LỢI.

II. NỘI DUNG KINH NGUYỆN.

III.HÌNH THỨC KINH NGUYỆN.

LỜI HƯỚNG DẪN.

“Ta ao ước và thiết tha hy vọng trong các gia đình có những buổi sum họp dành cho Kinh nguyện… Gia đình nào muốn sống sung mãn ơn gọi và đường tu đức riêng của gia đình Công giáo, thì phải tận dụng mọi năng lực để khắc phục những khó khăn gây cản trở cho sự gặp gỡ kinh nguyện chung trong gia đình” (Tông huấn về lòng tôn kính Đức Maria, 54).

I. TẦM MỨC VÀ ÍCH LỢI.

1. Gia đình là “Hội thánh tại gia” (HT.11). Tựa như Hội thánh có nghĩa vụ thánh hóa các tín hữu nhờ các Bí tích và cử hành Phụng vụ, gia đình cũng phải giúp nhau nên thánh bằng mọi phương thế, cách riêng bằng việc tạo điều kiện để mọi người tham dự các cử hành ở Nhà thờ cách sốt sắng hơn. Để được thế, gia đình cần chú trọng tới việc cầu nguyện. Đức Thánh Cha Yoan-Phaolô II nói :“Để việc Phụng tự cử hành tại Nhà thờ được chuẩn bị và kéo dài ngay tại gia đình, thì các gia đình Công giáocần thực hiện cầu nguyện riêng”. Người còn nhắc nhở cha mẹ : “Các cha mẹ Công giáo có bổn phận đặc biệt giáo dục con cái biết cầu nguyện, phải giúp chúng dần dần khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa và đối thoại cá nhân với Người” (GĐ. 60. 61).

2. Trong thực tế, việc gia đình cầu nguyện buổi tối, khi quây quần trước ảnh tượng Chúa và Mẹ Maria là cơ hội quí giá để mọi người thánh hóa sinh hoạt hằng ngày :

+ Dâng lời cảm tạ vì các hồng ân lãnh nhận trong ngày.

+ Dâng niềm vui nỗi buồn, dâng mồ hôi nước mắt, những thành quả lao động suốt ngày qua, để xin Chúa thanh tẩy, chấp nhận và chúc lành…

3. Cũng là cơ hội để cha mẹ dạy dỗ con cái, hướng dẫn chúng biết cách thực tập nhân đức, biết cách đối xử với mọi người, biết làm ăn sinh sống (ví dụ : kiểm điểm công việc, phân chia công việc cho hôm sau).

4. Một lợi ích khác cũng rất đáng kể : việc gặp gỡ mỗi ngày trong bầu không khí yêu thương đầm ấm và thánh thiện gia đình, sẽ tăng thêm tình thân ái giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái cũng như những người cùng sống dưới một mái nhà; nhờ đó họ hiểu biếtnhau hơn, thông cảm nhau hơn, dễ giúp nhau hơn và tránh được nhiều hiểu lầm, nghi kỵ.

II. NỘI DUNG KINH NGUYỆN.

1. Nội dung Kinh nguyện gia đình, trước hết là mọi vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống gia đình.

Đức Thánh Cha Yoan-Phaolô II nói : “Kinh nguyện gia đình có nội dung độc đáo là chính cuộc sống gia đình… Những vui mừng và cực nhọc, hy vọng và u buồn, ngày sinh và ngày giỗ, kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ, những lần ra đi vắng nhà và trở về, những lựa chọn quan trọng và quyết định, cái chết của những người thân yêu… đều là những dấu hiệu về sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa trong lịch sử gia đình, và những biến cố ấy cũng phải trở thành những lúc thuận tiện cho lời tạ ơn, khẩn cầu, cho sự tin tưởng phó thác của gia đình trong tay Cha trên trời” (GĐ.59).

2. Nội dung kinh nguyện gia đình còn là những điều liên quan tới Hội thánh hoàn cầu, tới thế giới. Hội thánh cũng như thế giới có những công việc, những nhu cầu bao la cần mọi người chung lưng góp sức thực hiện và đáp ứng, mà kinh nguyện của các tín hữu khắp nơi là sự hỗ trợ quí giá nhất.

3. Các linh hồn trong luyện ngục (ông bà, cha mẹ, họ hàng, ân nhân, các linh hồn mồ côi) cũng là những đối tượng mà mọi gia đình phải quan tâm trong kinh nguyện cuối ngày.

III. HÌNH THỨC KINH NGUYỆN GIA ĐÌNH.

1. Trước hết, chúng ta phải khách quan công nhận rằng Giờ Kinh nguyện Gia đình hiện nay đã bị xuống cấp do nhiều nguyên nhân :

+ Nhiều bậc cha mẹ chưa ý thức đầy đủ tầm mức và ích lợi việc cầu nguyện tại gia đình, nên thiếu quan tâm tổ chức, tham dự, khích lệ…

+ Một số khác, quá chú trọng vào lượng hơn vào phẩm : đọc những kinh dài lê thê, có khi khó hiểu đối với giới trẻ. Trong khi đó, không dành chỗ cho việc đọc Thánh Kinh, nên giờ kinh trở thành nặng nề, nhàm chán, thiếu sức sống, thiếu Lời Chúa hướng dẫn.

+ Vì cuộc sống hôm nay nhiều người còn khó khăn, lo chạy bữa, khiến mọi người mệt mỏi sau một ngày làm việc.

+ Cũng phải kể đến những giải trí công cộng diễn ra vào thời khắc bất lợi cho việc tổ chức giờ kinh tối gia đình.

2. Phải canh tân Kinh nguyện gia đình :

+ Vẫn giữ lại những kinh cần thiết làm nền cho giờ kinh nguyện : Kinh Truyền tin, kinh Chúa Thánh Thần, Kinh Tin, Cậy, Mến, Lạy Cha, Kính mừng, Sáng Danh, Lạy Nữ Vương, Cám ơn, Trông cậy, kinh Vực sâu.

+ Dành ít phút để đọc Lời Chúa.

+ Vẫn giữ việc lần hạt Mân côi, nhưng mỗi tối một vài chục.

+ Nên kéo dài giờ kinh 15 – 20 phút là đủ. Cần sống động, tâm tình, có ích lợi cho mọi người.

3. Đề nghị một giờ Kinh tối :

+ Mọi người tụ tập trước bàn thờ Chúa, thắp nến.

+ Nguyện kinh Chúa Thánh Thần, Kinh Tin, Cậy, Mến.

+ Xướng một mầu nhiệm Mân côi, lần hạt l chục, kinh Nữ Vương.

+ Đọc Phúc âm, thinh lặng, suy niệm, chia sẻ (chừng 5 phút).

+ Kinh Ăn năn tội, kinh Quan thầy, kinh Cám ơn, Vực sâu.

+ Hát bài kết thúc (kính Đức Mẹ hoặc theo mùa Phụng vụ).

Một buổi Kinh tối như trên, không quá khó để thực hiện nhưng cũng không dễ dàng, vì nó đòi hỏi từng người trong gia đình phải cố gắng và kiên trì.

BÀI HỌC

26. H. Kinh nguyện trong gia đình có cần thiết không ?

T. Rất cần thiết vì Kinh nguyện chung giúp gia đình sống tốt đẹp ơn gọi Kitô hữu và dạy con cái biết cầu nguyện.

27. H. Giờ Kinh tối gia đình có những mục đích nào ?

T. Giờ Kinh tối gia đình có những mục đích này :

+ Cảm tạ Thiên Chúa vì những hồng ân đã lãnh nhận.

+ Dâng niềm vui, nỗi buồn của gia đình và bản thân lên Chúa.

+ Kiểm điểm và giúp nhau kiểm điểm đời sống.

+ Xin Chúa gìn giữ mọi người được an lành.

+ Tăng thêm tình thân ái gia đình.

Bài 10

GIA ĐÌNH VÀ HỘI THÁNH

I.NHỮNG LIÊN HỆ.

II.NHỮNG NGHĨA VỤ.

III.GIÁO LUẬT.

LỜI HƯỚNG DẪN.

“Giữa những nghĩa vụ căn bản của gia đình Kitô giáo, có một nghĩa vụ có thể nói là có tính cách Hội thánh, vì nghĩa vụ này đặt gia đình vào chỗ phục vụ cho việc xây dựng Nước Thiên Chúa trong lịch sử, đó là tham dự vào cuộc sống và sứ mạng của Hội thánh” (GĐ. 49).

I. NHỮNG LIÊN HỆ.

Liên hệ giữa Gia đình và Hội thánh rất sâu xa và nhiều đến nỗi có thể gọi gia đình Công giáo là “Hội thánh tại gia” (HT.11). Công đồng còn nói :“Sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội tự nhiên và Kitô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn Hôn nhân và Gia đình” (MV. 47).

Do đó, Gia đình Công giáo cần tìm hiểu mối dây liên hệ này để chu toàn nghĩa vụ đối với Hội thánh.

1. Về phía Hội thánh :

Mẹ Hội thánh sinh ra, dưỡng dục và xây dựng gia đình Công giáo bằng cách thực hiện cho gia đình sứ mạng Hội thánh đã nhận từ Chúa Kitô. Đó là :

a) Khi loan báo Tin mừng cho gia đình, Hội thánh nói cho gia đình biết bản tính đích thực của gia đình : Gia đình là gì ? Phải trở nên như thế nào cho phù hợp ý Thiên Chúa.

b) Khi cử hành Bí tích Hôn phối, Hội thánh làm phong phú, củng cố, thánh hóa gia đình bằng ân sủng, hầu gia đình biết tôn vinh Thiên Chúa.

c) Hội thánh hướng dẫn gia đình biết cách phục vụ tình yêu thương, biết cách thực hiện hiến thân mà chính Chúa Kitô đã thực hiện trước đó cho nhân loại (x. GĐ. 49).

2. Về phía gia đình :

Gia đình Công giáo đã được tháp nhập vào Hội thánh, sự tháp nhập này cho phép gia đình dự phần vào sứ mạng cứu rỗi của Hội thánh theo cách thức riêng của mình. Đó là :

a) Khi lãnh Bí tích Hôn nhân, đôi bạn và cha mẹ Công giáo nhận được những ơn riêng dành cho họ, nhờ đó họ chu toàn bổn phận yêu thương trọn đời và giáo dục con cái nên thánh (x. HT. 11).

b) Đôi bạn nhận được tình yêu của Chúa Kitô như là mẫu gương và nguồn mạch ơn thánh hóa, nhờ đó gia đình trở thành một cộng đoàn được cứu rỗi.

c) Sau hết, đôi bạn được mời gọi truyền đạt cho anh chị em mình, chính tình yêu của Chúa Kitô, và như thế, họ làm cho gia đình mình trở nên khí cụ cứu rỗi người khác.

II. NHỮNG NGHĨA VỤ.

1. Gia đình đối với Hội thánh :

Do ân sủng nhận được từ Hội thánh qua Bí tích Hôn phối và do lời mời gọi tham dự vào sứ mạng của Hội thánh, gia đình Công giáo có nhiều trách nhiệm đối với Hội thánh :

a) Trước hết, gia đình phải có “một tấm lòng và một đức tin” với Hội thánh trong cảm thức cũng như trong việc Tông đồ. Gia đình phải nhạy cảm trước các biến cố xảy ra trong Hội thánh, phải chia sẻ những lo âu và hy vọng của Hội thánh.

b) Phải nhất trí với các giáo huấn của Hội thánh, và tìm cách làm cho các giáo huấn ấy được thực hiện.

c) Vì là tế bào của Hội thánh, gia đình phải trở nên tế bào lành mạnh để cả Nhiệm thể được lành mạnh : sống tình yêu toàn diện, hiệp nhất, trung thành và phong phú.

d) Vì là “Hội thánh tại gia”, gia đình Công giáo phải xây dựng nếp sống theo mẫu mực Hội thánh, gồm 3 chức năng : Tư tế, Ngôn sứ, Vương gỉa tại chính gia đình mình, cũng phải thực hiện 3 chức năng ấy theo chiều kích Hội thánh toàn cầu, nghĩa là :

+ Về chức năng tư tế : “Như Hội thánh là dân Tư tế, luôn dâng lên Thiên Chúa lời ca ngợi, cảm tạ qua Kinh nguyện, qua các nghi thức Phụng tự, nhất là Phụng vụ Bí tích, gia đình cũng phải thực thi chức năng tư tế của mình : đó là siêng năng cầu nguyện, chuyên chăm tham dự các Bí tích, cách riêng Bí tích Thánh Thể, biết dâng hiến cuộc đời với mọi vui buồn, sướng khổ trong ý hướng cầu nguyện cho Hội thánh, cầu nguyện cho các chương trình mục vụ của Giáo xứ, Giáo phận và Hội thánh đạt kết quả tốt đẹp. Cần phải làm sao để mọi thành phần trong gia đình Công giáo tham dự vào Bí tích Thánh Thể nhất là các ngày Chúa nhật và lễ Trọng” (GĐ. 61).

+ Về chức năng Ngôn sứ : Như Hội thánh hằng kiên trì thực thi chức năng Ngôn sứ bằng cách trung thành lắng nghe và mạnh dạn công bố Lời Chúa, mỗi người cũng phải biết đón nhận, sống và thông truyền cho mọi phần tử trong gia đình, cũng phải biết học hỏi các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, Đức Giám mục Giáo phận, để truyền đạt lại cho người khác : “Trong nhiều hoàn cảnh ngày nay, việc dạy Giáo lý tại gia đình trở nên cần thiết đến mức tuyệt đối” (GĐ. 52)

+ Về chức năng Vương giả : Như Hội thánh luôn thi hành chức năng Vương gỉa bằng cách nỗ lực sắp xếp các thực tại trần thế dưới Vương quyền Chúa Kitô, đôi bạn và cha mẹ Công giáo cần tìm kiếm Nước Thiên Chúa qua việc quản trị các thực tại trần gian và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa (HT. 31). Phải tổ chức gia đình theo hướng dẫn của Hội thánh, giúp người khác thực hiện việc tổ chức ấy trong tinh thần bác ái, hầu làm cho đời sống Hội thánh địa phương được tốt đẹp. Cũng biết góp phần xây dựng Giáo xứ tùy khả năng và hoàn cảnh.

Tóm lại, hãy nhớ lời khuyên của Công đồng Vaticanô II: “Các Gia đình hãy quảng đại, san sẻ cho nhau sự phong phú tinh thần. Như thế vì gia đình Công giáo phát xuất từ cuộc Hôn nhân là hình ảnh giao ước tìnhyêu nối kết Chúa Kitô và Hội thánh, họ sẽ làm cho mọi người thấy sự hiện diện sống động của Chúa cứu thế trong thế giới và trong bản chất đích thực của Hội thánh, qua tình yêu vợ chồng, qua sự quảng đại chấp nhận sinh sản con cái, qua sự hiệp nhất và trung thành của hai vợ chồng, cũng như qua sự hợp tác thân ái giữa mọi thành phần trong gia đình” (MV. 48)

2. Hội thánh đối với gia đình : (chỉ bàn tới Giáo luật về Hôn nhân)

a) Luật pháp cần cho Hôn nhân bởi Hôn nhân là một cuộc sống công khai. Cuộc sống công khai cần được nhìn nhận và bảo vệ.

+ Là công dân, ta có luật “Hôn nhân và Gia đình” được Quốc Hội thông qua ngày 29.12.1986 gồm 57 điểm.

+ Là người Công giáo, ta có 11 khoản trong bộ “Tân Giáo luật” ban hành ngày 25.01.1983.

b) Luật Hôn nhân có mục đích giúp đôi bạn thực hiện đời sống lứa đôi và gia đình theo tinh thần Chúa Kitô, bảo đảm việc kết hôn thành sự, củng cố tình yêu chuyên nhất vàbền vững, nâng đỡ việc chu toàn nghĩa vụ sinh sản và giáo dục con cái.

c) Đối với người Công giáo, diễn tiến Hôn nhân phải được thực hiện trong khuôn khổ luật đạo, mới có giá trị trước mặt Thiên Chúa.

III. SAU ĐÂY LÀ MỘT SỐ ĐIỂM GIÁO LUẬT VÀQUI ĐỊNH LIÊN QUAN TỚI VIỆC KẾT HÔN.

A. Để kết hôn thành sự :

1. Hai bên đã rửa tội trong Hội thánh Công giáo. Trường hợp kết hôn với người ngoài Công giáo, phải có phép chuẩn khác đạo của Đức Giám mục (GL. 1086. I)

2. Phải đủ tuổi : Nam trọn 16, nữ trọn 14. Nhưng Hội thánh khuyên nên theo Dân luật tại mỗi Quốc gia (GL. 1083). Dân luật Việt nam qui định nam 20, nữ 18.

3. Phải ý thức và đầy đủ tự do ưng thuận lấy nhau (GL. 1057, 1095, 1096, 1101, 103, 1104).

4. Hôn phối phải được cử hành theo nghi thức Hội

thánh (GL. 1108).

5. Không mắc ngăn trở theo Giáo luật.

B. Mấy ngăn trở thông thường :

1. Ngăn trở dây Hôn phối : một trong hai người còn bị ràng buộc bởi dây Hôn phối trước (GL. 1085).

2. Ngăn trở bất lực : một trong hai người trước khi kết hôn đã mắc chứng bịnh bất lực không thể chữa trị được (GL. 1084)

3. Ngăn trở họ hàng :

a) Họ máu :

+ trực hệ : tiêu hôn ở mọi đời (GL.1091)

+ Bàng hệ : Hôn phối vô hiệu cho đến hết cấp thứ 4 (GL.1091,2)

b) Họ kết bạn :

Hôn phối vô hiệu ở mọi cấp trực hệ (GL.1092).

4. Ngăn trở tội ác : Kẻ giết người phối ngẫu của một người (hoặc giết kẻ phối ngẫu của chính mình) để lấy người ấy. Khi hai người đồng tình trực tiếp hay gián tiếp gây nên cái chết của người phối ngẫu để lấy nhau (GL. 1090).

5. Một trong hai người bị ngăn trở bởi lời khấn công khai và trọn đời sẽ vô hiệu hóa hôn nhân (GL. 1088).

C. Qui định của Đức Giám mục Giáo phận Xuân Lộc về thủ tục Hôn phối :

(Theo thông cáo số 10.89/TGM ngày 15.06.1989)

Thống nhất việc đăng ký kết hôn như sau :

+ Phải trình diện với Cha xứ trước khi đăng ký kết hôn phần đời (thể thức tùy theo từng giáo xứ).

+ Việc học, khảo giáo lý và làm lời khai Hôn phối : Bên nào làm tại bên ấy. Cha xứ bên nam giới thiệu cho cha xứ bên nữ.

+ Có giấy giới thiệu, cha xứ bên nữ sẽ làm tờ rao Hôn phối cho cả hai bên.

+ Nếu không có gì ngăn trở theo Giáo luật thì được đăng ký phần đời. Sau đó cử hành nghi thức Hôn phối.

+ Muốn làm phép bên nào tùy ý chọn.

D. Hướng dẫn của Đức Giám mục Xuân Lộc về cưới hỏi : (Theo thông báo số 333/1 TGM ngày 2.9.1983)

“Chúng tôi đồng ý rằng việc cưới hỏi là một dịp vui lớn trong gia đình, trong xứ họ và đặc biệt đối với đôi tân hôn. Vui với ngưới vui là một việc làm rất đáng khuyến khích, cho nên mỗi khi trong giáo xứ có lễ cưới, nếu được cả cộng đoàn giáo xứ cùng dâng lễ cầu nguyện cho đôi tân hôn được nhiều ơn Chúa, để làm tròn bổn phận người Kitô trong đời sống gia đình và nên nhân chứng Chúa Kitô trong đời sống xã hội, thì quí giá biết bao.

Còn việc tổ chức ăn uống linh đình, tốn phí tiền của quá đáng, đấy là một việc làm không hợp lý. Đã thế, việc làm này dễ trở nên dịp ganh đua lấy tiếng như : tổ chức lễ cho to, đàn hát rầm rộ, rước dâu xe hoa xe khách, ăn nhậu linh đình… Đối với những người có của thì có thể trở nên dịp khoe khoang, giữa lúc chung quanh chúng ta còn biết bao nhiêu người, bao nhiêu công trình cần thiết phải giúp đỡ, phải xây dựng. Xài phí quá đáng như vậy là việc trái với đức ái của Đạo. Còn đối với những người không có của thì :“vì tiếng đời” hoặc “phải trả nợ miệng” mà phải vay mượn để tổ chức, họ sẽ rơi vào cảnh nợ nần, gia đình tan nát, con cái thay vì trăm năm hạnh phúc, lại lâm cảnh lo trả nợ suốt đời. Vì thế :

1) Chúng tôi yêu cầu anh chị em tiết giảm tối đa trong việc cưới hỏi. Ăn uống vui tươi nhưng tránh quá tốn phí. Chỉ được tổ chức bữa ăn đơn giản trong ngày dạm hỏi và một bữa ăn thân mật trong chính ngày cưới. Bỏ những bữa tiệc trà, bánh ngọt và những bữa ăn phụ khác.

2) Thánh lễ cưới sao cho trang trọng, sốt sắng, đồng đều cho mọi người, không phân biệt thứ hạng (trừ trường hợp đặc biệt cho những người ân nghĩa của Giáo xứ).

3) Các Linh mục trong xứ không nên đi dự tiệc cưới.

4) Tránh hẳn nạn thách cưới hoặc ra giá cả như một việc mua bán.

BÀI HỌC

28. H. Công Đồng Vaticanô II nói thế nào về liên hệ giữa gia đình và Hội thánh ?

T. Công đồng dạy :“Sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội nhân loại và Kitô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn Hôn nhân và Gia đình”(Hc. MV. 47).

29. H. Hội thánh liên hệ thế nào với Gia đình ?

T. Hội thánh sinh ra, dưỡng dục và xây dựng gia đình Công giáo.

30.H. Gia đình liên hệ thế nào với Hội thánh ?

T. Gia đình dự phần sứ mệnh cứu rỗi của Hội thánh theo cách thức riêng của mình.

31.H. Gia đình có nghĩa vụ gì đối với Hội thánh ?

T. Gia đình có nhiều nghĩa vụ đối với Hội thánh :

+ Gia đình phải hiệp thông với Hội thánh.

+ Gia đình phải tuân giữ các giáo huấn của Hội thánh.

+ Gia đình thi hành 3 chức năng Tư tế, Ngôn sứ và Vương gỉa theo cách thức riêng của mình.

Bài 11

GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

I.GIA ĐÌNH VỚI XÃ HỘI.

II.XÃ HỘI VỚI GIA ĐÌNH.

III.ĐẠI GIA ĐÌNH.

LỜI HƯỚNG DẪN.

“Bởi vì Thiên Chúa đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội loài người, nên gia đình trở thành tế bào đầu tiên và sống động của xã hội. Gia đình có những liên hệ chặt chẽ và sống động với xã hội, vì nó làm thành nền tảng cho xã hội, và không ngừng tiếp sức cho xã hội bằng việc phục vụ sự sống. Chính giữa lòng gia đình đã sinh ra các công dân, và chính trong gia đình mà các công dân ấy lần đầu tiên thực tập các nhân đức xã hội, là linh hồn cho sinh hoạt và sự phát triển của xã hội” (GĐ. 42).

I. GIA ĐÌNH VỚI XÃ HỘI.

1. Trong cơ cấu tự nhiên, con người vốn có chiều kích xã hội. Tự thâm tâm, con người được mời gọi để sống hiệp thông với tha nhân, và để trao đổi chính mình cho người khác.

2. Chiều kích xã hội đó, Thiên Chúa đặt vào con người, theo lời Công đồng Vat.II :“Thiên Chúa, với lòng phụ tử, hằng chăm sóc mọi người, đã muốn rằng : Mọi người họp thành một gia đình đối xử với nhau như anh chị em” (MV. 24).

3. Cho nên, có sự tùy thuộc lẫn nhau giữa con người với xã hội, những gì giúp ích cho con người, cũng là để phục vụ xã hội, và những gì làm cho xã hội, cũng là để giúp ích cho con người. Tông huấn Gia đình, số 45 nói :“Tương quan chặt chẽ giữa gia đình và xã hội : một đàng đòi hỏi gia đình phải mở rộng và tham gia vào xã hội cũng như vào việc phát triển xã hội, nhưng đàng khác lại đòi hỏi xã hội không được thiếu sót trong bổn phận nền tảng của mình là tôn trọng và thăng tiến gia đình”.

4. Sau đây là một số liên hệ giữa gia đình và xã hội :

a) Hôn nhân và gia đình là cách diễn tả đầu tiên của chiều kích xã hội nơi con người.

Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã dựng nên loài người có nam có nữ, cho họ sống chung với nhau. Xã hội nhỏ bé đó là diễn tả đầu tiên của tính hợp quần nơi con người (x. MV.12).

b) Hôn nhân và gia đình là khung cảnh đầu tiên để người giáo dân dấn thân hoạt động xã hội. Khi vợ chồng hướng tới nhau, cha mẹ săn sóc con cái, ông bà khuyên bảo lũ cháu đàn con, là làm cho tính xã hội nơi họ mở rộng dần. Họ tập sống xã hội trong chính gia đình mình(x. GĐ. 42).

c) Gia đình còn là tế bào nền tảng của xã hội, vì gia đình là cái nôi của sự sống và tình yêu, trong đó con người được sinh ra và lớn lên. Mà tế bào gia đình có tốt, xã hội mới tốt được, như luật “Hôn nhân và Gia đình” đã xác nhận “Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt; xã hội tốt thì gia đình càng tốt” (Lời mở đầu của Luật Hôn nhân và Gia đình).

Cho nên phải quan tâm đặc biệt gìn giữ gia đình trong trạng thái lý tưởng : yêu thương, hiệp nhất, hy sinh vì lợi ích của nhau. Các chiến dịch chống lại việc sinh sản có trách nhiệm, não trạng tìm kiếm khoái lạc, sự nghèo khổ cùng cực về văn hóa và giáo lý, đều là những thảm trạng đang làm vơi cạn nguồn mạch sự sống.

d) Gia đình phải ý thức tính cách căn bản của mình là hạt nhân nền tảng của xã hội để từ đó giữ vai trò chủ chốt và tích cực trong việc thăng tiến gia đình. Phải đòi hỏi mọi người, kể cả các nhân viên chính quyền, khi bảo vệ gia đình thì cũng bảo vệ chính xã hội.

e) Sau đây là một số quyền lợi căn bản của gia đình, mà xã hội phải tôn trọng (x. GĐ. 46) :

+ Mọi người, cách riêng những người nghèo, đều được lập gia đình và duy trì Gia đình bằng những phương tiện thích hợp.

+ Quyền sống thân mật trong cuộc sống Hôn nhân. Quyền duy trì dây Hôn nhân bền vững.

+ Quyền giáo dục con cái đúng với truyền thống riêng của gia đình, đúng với những giá trị tôn giáo và văn hóa, nhờ những phương tiện và những cơ chế cần thiết (x. TDTG. 5).

+ Quyền có được nhà ở thích hợp với đời sống lành mạnh gia đình.

+ Quyền có những giải trí lành mạnh.

+ Quyền di dân toàn thể gia đình để mưu tìm hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn.

II. XÃ HỘI VỚI GIA ĐÌNH.

Tương quan chặt chẽ giữa xã hội với gia đình đòi buộc xã hội phải tôn trọng và thăng tiến cuộc sống gia đình :

1. Xã hội, nói đúng hơn, phải nhận rằng gia đình là “một xã hội được hưởng quyền lợi riêng biệt và ưu tiên” (TDTG. 5). Do đó, trong những gì liên hệ tới mối tương quan giữa xã hội với gia đình, thì xã hội có nghĩa vụ phải theo đúng nguyên tắc hỗ trợ cho gia đình.

2. Theo nguyên tắc ấy :

a) Quốc gia không được tước mất của gia đình những trách nhiệm mà gia đình có thể tự mình chu toàn cách tốt đẹp, hoặc một mình hoặc bằng cách liên kết với những gia đình khác.

b) Trái lại, Quốc gia phải cung ứng cho gia đình mọi sự trợ giúp (về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa…) mà gia đình cần có để làm tròn các nghĩa vụ của gia đình.

3. Sau đây là một số điểm dân luật nhằm bảo vệ và hỗ trợ đời sống Hôn nhân và Gia đình :

a) Để việc kết hôn có giá trịpháp luật :

+ Nam 20, nữ 18 tuổi mới được kết hôn (đ. 5).

+ Phải tự nguyện, không bên nào được ép buộc bên nào, không ai được cưỡng ép hoặc cản trở (đ. 6).

+ Cấm kết hôn :

Những người đang có vợ chồng.

Những người mắc bệnh tâm thần, bệnh hoa liễu.

Những người cùng dòng máu trực hệ.

Những người bàng hệ trong ba đời.

Giữa cha mẹ nuôi với con nuôi (đ. 7).

+ Phải được kết hôn theo thủ tục qui định.

b) Để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của vợ chồng và con cái:

+ Vợ chồng có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình (đ. 10).

+ Nghĩa vụ chung thủy, yêu thương giúp đỡ nhau (đ. 11).

+ Vấn đề tài sản riêng và chung, vấn đề nghề nghiệp, nhà ở, xin xem các điều 12-18.

+ Về con cái : nghĩa vụ, tài sản, con cái vị thành niên, xin xem các điều 19-27.

III. ĐẠI GIA ĐÌNH.

1. Ngoài mối liên hệ với xã hội theo đúng nghĩa, còn có những liên hệ khác gần gũi hơn, mà gia đình Công giáo cần lưu tâm, đó là mối liên hệ với đại gia đình.

2. Ở Việt nam, đôi bạn mới kết hôn, thường ở chung với cha mẹ; thời gian vắn dài tùy hoàn cảnh. Cha mẹ, vợ chồng, con cháu làm thành một gia đình. Còn đại gia đình gồm cả những người cùng một tổ sinh ra, người sống cũng như người đã chết.

3. Trong sinh hoạt gia đình, con dâu, con rể phải một lòng tôn kính, mến yêu, phụng dưỡng cha mẹ đôi bên. Đưa chuyện bên này về bên kia, thường là căn cớ gây nên những xích mích khó hàn gắn.

4. Đối với đại gia đình, đây là nét đặc sắc của dân tộc Việt nam, nói lên “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Kẻ sống kẻ chết, người ở xa, người ở gần gắn bó với nhau. Dù làm ăn xa xôi cách trở, thường cố gắng mỗi năm một vài lần về đoàn tụ xung quanh ông bà, cha mẹ ; tình nghĩa gia tộc vì thế thêm đậm đà.

5. Tuy nhiên, cũng có vài điểm bất lợi, nhất là khi nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Lúc ấy, bậc ông bà thường can thiệp thái quá vào cuộc sống con cái, cháu chắt, có thể gây khó khăn cho việc phát huy tính tự lập, bản lãnh và tài năng của con cháu. Tâm lý khác biệt giữa các thế hệ cũng thường là nguyên nhân gây nhiều va chạm nặng nề và dai dẳng.

Để giảm bớt những xung đột đó, mỗi thế hệ nên tự hạn chế: người gìa nhiều kinh nghiệm, xứng đáng được tôn trọng, được lắng nghe. Tuổi trẻ phải học hỏi nhiều ở người gìa. Song tuổi trẻ cũng có quyền tổ chức đời sống theo ý nguyện riêng, bậc ông bà, cha mẹ nên tỏ ra khoan dung hơn.

6. Khi xảy ra những bất hòa, nên sớm gặp gỡ, trao đổi trong tình thân mật, xây dựng, hơn là để lâu, có thể “tức nước vỡ bờ”.

7. Phần anh chị em ruột thịt, dâu rể trong đại gia đình, phải biết yêu thương, đùm bọc nhau. Hãy thực hành chữ “nhịn” : “một nhịn chín lành”.

8. Và hơn tất cả, là gia đình Công giáo, mọi thành phần hãy sống noi gương gia đình Nazareth, biết kính trên nhường dưới, biết phục vụ lẫn nhau, thì dù là tiểu gia đình hay đại gia đình, họ sẽ thấy hạnh phúc tràn đầy.

“Thật là tốt đẹp lắm thay,

Anh em được sống sum vầy bên nhau”.

BÀI HỌC

32.H. Gia đình và xã hội có liên hệ gì với nhau ?

T. Gia đình và xã hội có liên quan mật thiết với nhau, vì :

+ Gia đình là khung cảnh đầu tiên thể hiện tính xã hội của con người và là khung cảnh đầu tiên để con người tập dấn thân hoạt động xã hội.

+ Gia đình là nền tảng xã hội.

33.H. Gia đình và xã hội có những vấn đề gì đối với nhau ?

T. Gia đình phải góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phúc âm ; còn xã hội phải tôn trọng và giúp đỡ những quyền lợi căn bản của Gia đình.

Phụ trương 2 :

NGHI THỨC GIA TIÊN

Nghi thức Hôn phối tại nhà thờ luôn được các đôi bạn Công giáo đặt lên hàng đầu với rất nhiều tâm tình và chuẩn bị. Còn một nghi thức khác có tính dân tộc cũng nên được lưu ý đặc biệt, đó là lễ Gia Tiên.

Gọi là lễ Gia Tiên cho vắn gọn, chứ thực ra, hiện nay nơi nhiều gia đình Công giáo, lễ Gia Tiên thường gồm 3 tiết mục : cảm tạ Thiên Chúa – Kính nhớ Tổ tiên – Chúc mừng cha mẹ, Ông bà còn sống.

Dưới đây là vài nét về ý nghĩa tục lệ xưa, về thích ứng hiện nay nơi các gia đình Công giáo ; cuối cùng là một số hướng dẫn cụ thể và một mẫu nghi thức đề nghị :

I. Ý NGHĨA CỦA TỤC LỆ.

1. Lễ Gia tiên : Gia tiên = Tổ tiên gia đình. Lễ Gia tiên là lễ lạy Bàn thờ, ra mắt ông bà trong ngày cưới. Người Việt nam tin rằng : Dù có thác đi, người quá cố vẫn hiện diện trong gia đình, sống cùng con cái cháu chắt. Cho nên trong ngày cưới, cô dâu, chú rể được hướng dẫn tới bàn thờ Tổ tiên (thường được trưng bày di ảnh, hoa nến, gia phả…) lễ 4 lễ rưỡi, để ra mắt các anh linh gia tộc, rồi cắm hương vào lư đồng.

Lễ Gia tiên được tổ chức cả hai bên Nhà Gái lẫn Nhà Trai.

2. Lễ mừng cha mẹ :

Sau lễ Gia tiên, cô Dâu chú Rể phải lễ mừng cha mẹ (vợ) và các bậc trên như ông bà cụ kỵ nếu các vị này còn sống. Chú rể tạ ơn cha mẹ vợ để tạ ơn sinh thành dưỡng dục vợ mình ; còn cô Dâu lễ để tạ ơn sinh thành dưỡng dục và gầy dựng cho mình.

Dịp này Cha mẹ vợ thường cho tiền hay vàng bạc. Cũng có lễ mừng Cha mẹ chồng tại nhà Trai.

3. Lễ tơ hồng : Ông bà xưa tin rằng : Nguyệt-Lão là vị Thần Chủ về hôn sự. Để tạ ơn vị thần này đã tác hợp nên cuộc nhân duyên, người ta tổ chức lễ tơ hồng, Nguyệt-Lão dùng sợi tơ hồng (xích thằng) xe cho đôi bạn nên duyên. Bàn thờ tơ hồng lập giữa sân với đầy đủ hương đăng, hoa quả lễ vật. Cô Dâu chú Rể qùy trước Bàn Thờ để một vị cao niên đọc văn tế tơ hồng. Nghe xong cô Dâu chú Rể mỗi người 4 lễ rưỡi.

Sau đó uống chung một chén rượu, ăn một miếng trầu têm chung một quả cau và một lá trầu không, để chỉ từ nay hai người nên một, sẽ say nhau tới đầu bạc răng long.

Trong lúc uống rượu ăn trầu thường có đốt pháo.

II. THÍCH ỨNG NƠI CÁC GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO.

1. Lễ Gia Tiên.

Trong nhiều thế kỷ, người Công giáo do dự bày tỏ chữ Hiếu đối với người quá cố theo kiểu “phục lạy”, vì cử chỉ ấy có thể hiểu lầm là việc thờ phượng, mà việc thờ phượng chỉ dành cho một mình Thiên Chúa. Thông cáo của Hội đồng Giám mục Việt nam ngày 14.11.1964 đã xác nhận xá lạy, thắp nhang… trước bàn thờ tổ tiên (và trước linh cữu) không phải là hành động thờ phượng, mà chỉ tỏ lòng tôn kính.

Từ đó, lễ Gia Tiên được dần dần tổ chức trong các gia đình Công giáo. Bàn thờ tổ tiên thường được đặt dưới bàn thờ Chúa (hoặc một nơi khác xứng đáng trong nhà) có di ảnh, hoa nến, trái trăng, để tỏ lòng thành kính biết ơn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây (chứ không phải để tổ tiên dùng hương vị). Đặt cuốn gia phả để con cháu biết cội nguồn, biết họ hàng để chu toàn hiếu đễ.

Cô Dâu chú Rể đến lễ Gia tiên là để tỏ lòng hiếu, thay vì 4 lễ rưỡi (4 phục 1 lạy) theo phong tục, ngày nay chỉ vái 3 cái.

2. Lễ mừng cha mẹ.

Ngoài ý nghĩa xã hội như đã trình bày, người Công giáo muốn cho lễ mừng Cha mẹ đượm tính Công giáo nữa.

Giới răn 4 dạy thảo kính cha mẹ. Chính Chúa Kitô đã nhắc lại lời Thiên Chúa “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ, kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, sẽ bị xử tử… Ai nói với cha mẹ rằng : Những gì con có để giúp cha mẹ đều là lễ phẩm dâng lên cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thảo kính cha mẹ nữa. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ Lời Thiên Chúa” (Mt 15, 1-6).

Thì đây là cơ hội quí báu để con cái tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ : Chín tháng cưu mang, 3 năm bú mớm, bao năm trường nuôi nấng, dạy dỗ, nay con cái đã bước vào tuổi trưởng thành, tới ngày lập gia thất. Công lao ấy là của cha mẹ (Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra):thành công ấy là do cha mẹ.

Cho nên hôm nay trong bầu không khí trang trọng, trước mặt những người thân yêu và khách quí, con cái muốn tỏ bày lòng biết ơn đối với bậc sinh thành thì đó là phải đạo. Ít cô Dâu chú Rể nào giữ lòng mình khỏi xúc động khi cử hành nghi thức này.

3. Tạ ơn Thiên Chúa.

a) Người Công giáo tin rằng : Thiên Chúa là cội nguồn mọi sự, chính Người dựng nên vũ trụ và loài người, như kinh tiền tụng lễ mùng 2 tết :

“Khi ngắm xem muôn loài trong vũ trụ, tự nhiên chúng con thấy vạn sự có cội rễ căn nguyên : chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha mẹ. Nhưng phải nhờ ơn Cha mạc khải, chúng con mới nhận biết Cha là nguyên lý sáng tạo muôn loài, là Cha chung của tất cả chúng con !”

b) Người Công giáo cũng tin rằng : Thiên Chúa điều khiển mọi sự, đặc biệt là loài người. Chuyện nhân duyên cũng do Chúa : Kinh tiền tụng tiếp tục :“Cha đã ban sự sống cho Ông bà, Cha mẹ, tổ tiên chúng con, để các ngài truyền lại cho con cháu. Cha cũng ban cho các ngài ân huệ dư đầy, để chúng con được thừa hưởng phúc ấm mà nhận biết, tôn thờ, phụng sự Cha”.

Cho nên đôi bạn phải dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.

Niềm tin ấy làm phát sinh “Nghi thức tạ ơn Thiên Chúa” trong ngày cưới. Nghi thức này thay thế lễ Tơ Hồng dân gian.

Hơn nữa, vì lòng kính trọng, vì niềm tin Thiên Chúa là cội nguồn mọi tình phụ tử, người Công giáo đặt nghi thức này lên trước hết.

Do đó thứ tự phổ biến hiện nay (ở nhà Gái và nhà Trai) là như sau :

– Nghi thức Tạ ơn Thiên Chúa.

– Kính nhớ Tổ tiên.

– Lễ mừng cha mẹ.

III. VÀI HƯỚNG DẪN.

1. Do ý nghĩa tôn giáo và xã hội cao đẹp của nghi thức, các gia đình Công giáo nên tổ chức lễ Gia Tiên dịp Hôn phối.

2. Tuy nhiên, nên vắn gọn, vì lúc ấy khách được mời rất đông, lại tiệc cưới rườm rà sau đó, nếu kéo dài sẽ gây bất tiện.

3. Vì tính cách trang trọng của buổi lễ, hãy chọn người hướng dẫn có tư cách và năng động. Năng động, để tạo bầu khí thân mật ngay từ đầu, để biến báo những “phút chết”, những “ngập ngừng” của cô Dâu chú Rể. Có tư cách, để buổi lễ được trang trọng và đạt ý nghĩa trọn vẹn.

4. Người hướng dẫn cần hiểu rõ ý nghĩa các nghi thức ; cần trao đổi trước với đôi bên để sắp đặt chương trình hợp lý; cần nhận diện những gương mặt quan trọng của buổi lễ, cần đưa đẩy câu chuyện cách tự nhiên và ý nhị.

IV. ĐỀ NGHỊ MỘT MẪU NGHI THỨC TẠI GIA ĐÌNH.

Nghi thức Nghinh hôn (lễ cưới) được cử hành hết sức mềm dẻo : có nơi tổ chức, có nơi không, có nơi tổ chức cả nhà Trai lẫn nhà Gái, có nơi chỉ tổ chức ở một nhà.

Đề nghị mẫu này, chúng tôi không có ý mong các gia đình cứ phải theo như vậy ; mà có ý để các gia đình hiểu được ý nghĩa các nghi thức, rồi nếu tổ chức, cố gắng đạt được các ý

nghĩa ấy.

LỄ NGHINH HÔN thường gồm 3 phần theo thứ tự sau đây :

a) Nhà Trai tới Nhà Gái xin Dâu.

b) Rước Dâu từ Nhà Gái về Nhà Trai.

c) Tiệc mừng.

A. TẠI NHÀ GÁI.

Mọi sự được xếp đặt chu đáo. Vào giờ ấn định, Đại diện nhà Trai đến Nhà Gái và được đón vào nhà. Người hướng dẫn nhà Gái thông báo chương trình, gồm những điểm sau :

1) Nhà Trai ngỏ lời và giới thiệu lễ vật.

2) Nhà Gái đáp lời.

3) Lễ Gia tiên.

+ Tạ ơn Thiên Chúa.

+ Kính nhớ Tổ Tiên,

+ Mừng cha mẹ vợ.

1. Đại diện nhà Trai có thể ngỏ lời như sau :

Kính thưa Ông bà và quí họ nhà Gái. Thiên Chúa là Đấng an bài mọi sự. Chính Người đã sắp đặt cho hai gia đình chúng ta gần gũi nhau. Lại nhờ sự lo liệu chu đáo của Ông Bà, quí họ, chiều qua (sáng nay) hai cháu đã thành hôn trước Bàn Thờ Chúa.

Hôm nay theo truyền thống cha ông để lại, chúng tôi có chút lễ vật đưa đến, bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đối với ông bà và họ hàng, và trên nữa là bậc tổ tiên trong quí họ.

(Tùy tiện giới thiệu lễ vật).

2. Đại diện nhà gái đáp từ.

“Chúng tôi thành thật cảm ơn quí vị đã có lòng thương đến cháu gái chúng tôi, hôm nay lại còn đưa cả sính lễ. Vậy xin được đem lễ vật vào và xin cho hai cháu bước ra làm lễ Gia Tiên”.

(Cô Dâu chú Rể bước ra nếu chưa đứng ở đó).

3. Lễ Gia Tiên.

a) Tạ ơn Thiên Chúa.

Hướng dẫn : Thiên Chúa là nguồn mọi tình phụ tử trên trời dưới đất. Nhờ Người mà chúng ta có cha có mẹ, Ông bà, Tổ tiên. Vậy giờ đây, kính xin mọi người đứng lên, hợp ý với hai cháu dâng lên Thiên Chúa lòng cảm tạ tri ân trong giờ phút long trọng này.

Hai cháu hãy tiến đến trước Bàn thờ Thiên Chúa, thắp hương và dâng lời cảm tạ.

(Làm dấu Thánh giá – Hát Kinh Chúa Thánh Thần – Lạy Cha. Hết kinh Lạy Cha, cô Dâu chú Rể vái hương 3 lần rồi cắm vào lư đồng).

b) Kính nhớ Tổ tiên :

Hướng dẫn : Nghi lễ tạ ơn Thiên Chúa đã xong (xin mời mọi người an tọa). Bây giờ là nghi lễ kính nhớ Tổ tiên.

Sách Huấn ca (Hc 44,10-45) dạy rằng : “Hãy ca tụng bậc cha ông đã sống qua các thời đại, công đức các ngài không chìm vào dĩ vãng, gia tài của các ngài là lũ cháu đàn con”.

Nhờ ân trạch các ngài mà hai cháu được xe duyên kết ngãi. Vậy hai cháu hãy thành kính dâng lên tổ tiên nén hương trầm và 3 lễ xá, bày tỏ lòng biết ơn theo truyền thống tốt đep của dân tộc mình.

(cô Dâu chú Rể lễ rồi cắm nhang).

c) Mừng cha mẹ.

Hướng dẫn : Gần gũi yêu thương và hao mòn tâm lực với các cháu nhất, là cha mẹ các cháu. Chính nhờ cha mẹ sinh dưỡng, sắp đặt mà các cháu có ngày vui nhất đời hôm nay. Và đó là thành công to lớn đáng chúc mừng. Vậy các cháu hãy đến bày tỏ lòng biết ơn và chúc mừng sự thành công của cha mẹ các cháu.

(Cô Dâu chú Rể đến trước mặt cha mẹ. Cô Dâu nói ít lời cảm ơn cha mẹ, nếu không, hướng dẫn tiếp) :

Hai cháu đã đến trước mặt cha mẹ để cảm tạ và chúc mừng, nhưng vì xúc động quá, các cháu không nói lên lời… vậy xin cha mẹ miễn thứ cho các cháu và xin cho các cháu vài lời khuyên làm hành trang về nhà chồng.

(cha mẹ khuyên bảo mấy lời, cho quà…)

4. Nhà Trai xin Dâu.

a) Đại diện Nhà Trai :

Các bậc Phụ Mẫu có thể cho các cháu nhiều lời khuyên bổ ích nữa, song đã tới giờ lên đường. Vả lại, bên Nhà Trai chúng tôi, khách đã đến đông đủ và đang chờ mong các cháu. Vậy chúng tôi xin thành thật cám ơn sự đón tiếp nồng hậu của quí gia đình và xin cho phép chúng tôi được đón Dâu.

b) Đại diện nhà Gái :

Theo lời yêu cầu của Nhà Trai, chúng tôi không dám giữ cháu lâu hơn, chúng tôi xin cám ơn quí họ nhà Trai đã có những tâm tình rất nồng hậu đối với nhà Gái chúng tôi; cũng xin quí vị bỏ qua những thiếu sót của gia đình chúng tôi hôm nay. Hai cháu hãy chuẩn bị ra xe. Chúng tôi cũng xin có một số người tháp tùng quí vị, đưa cháu về nhà chồng. Kính chúc quí vị và gia đình vạn sự như ý.

B. TẠI NHÀ TRAI.

Các nghi thức tại nhà Trai đại khái cũng như ở nhà Gái, tuy nhiên chúng tôi có thể lưu ý đến mấy chỗ sau đây :

1. Phần tạ ơn Thiên Chúa : nếu có vài phút đọc Lời Chúa, có thể đọc những đoạn sau đây :

+ Rm 8, 31-39 : Trung thành với tình yêu Chúa.

+ Ep 6, 1 – 4: Con cái phải thảo kính cha mẹ.

+ Cl 3, 12-17 : Các đức tính gia đình.

+ Tb 7, 9-17: Thiên Chúa điều khiển việc kết hôn.

+ Tv 32, 2-9: Chúa bao bọc kẻ kính sợ Người.

2. Phần mừng cha mẹ chồng :

Vì con cái lấy chồng gánh vác giang san nhà chồng, người hướng dẫn phải giới thiệu thế nào để lột được các đức tính hiếu thảo, phục vụ và hòa thuận trong gia đình.

3. Cuối bữa tiệc, nhà Gái có thể cáo biệt như sau :

Kính thưa Ông bà và quí Họ Nhà Trai.

Thật là cuộc lễ tốt đẹp, làm hài lòng mọi người, chúng tôi hết sức vui mừng và an tâm vì con cái chúng tôi gửi thân nơi gia đình nề nếp và đạo hạnh này. Trước khi ra về, xin phép cho chúng tôi có đôi lời với các cháu :

Hai cháu thân mến, các cháu đã thực sự bước vào cuộc sống mới, cuộc sống gia đình với nhiều an ủi, nhưng cũng có nhiều thử thách. Các cháu hãy ghi nhớ và thực hành những lời khuyên tốt đẹp của cha mẹ đôi bên mà làm cho gia đình hạnh phúc. Hãy yêu thương nhau để tình yêu ngày thêm khắng khít hơn. Hãy hiếu thảo để đền đáp công ơn cha mẹ. Biết sống hòa thuận với anh chị em trong gia đình… Sự có mặt đông đảo của hai gia đình và quí khách nói lên lòng thương mến các cháu ; các cháu phải ăn ở làm sao để không phụ lòng tốt ấy.

Riêng cháu… (gái), từ nay cháu thuộc hẳn về nhà chồng. Cháu hãy hết sức sống cho nhà chồng : ngoan ngoãn, vâng lời và phụng dưỡng cha mẹ chồng như cháu đã vâng lời, phụng dưỡng cha mẹ cháu. Biết tín nhiệm người chồng của cháu. Hãy quên mình phục vụ mọi người. Sớm tối biết cầu nguyện với Chúa và Đức Mẹ. Xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, đổ phúc lành tràn đầy cho gia đình cháu.

Một lần nữa, chúng tôi xin cảm tạ quí Gia đình. Xin trao gửi cháu gái chúng tôi cho ông bà. Xin Chúa chúc lành cho hai gia đình chúng ta.

Xin tạ từ.

4. Nhà Trai đáp lời :

Kính thưa quí Vị Đại diện nhà Gái :

Phía phải cảm ơn, chính là nhà Trai chúng tôi. Chúng tôi xin thành thật cảm ơn quí họ nhà Gái đã đến cùng chung vui với chúng tôi và tạo niềm phấn khởi cho hai cháu. Chúng tôi xin hứa yêu thương săn sóc cháu… như chính con đẻ của chúng tôi. Xin Chúa chúc lành cho tình thân giữa hai gia đình chúng ta. Cũng xin quí Vị bỏ qua những thiếu sót trong buổi lễ hôm nay.

Kính chúc quí vị ra về bình an.

Previous articleLINH MỤC NHẠC SĨ THÀNH TÂM VÀ ĐÊM GIAO LƯU ÂM NHẠC “MỘT ĐỜI TẠ ƠN”
Next articleTình yêu “agape” là gì?