TÀI LIỆU HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2016

126

Hội Thánh Truyền Giáo,                                                                                                                     Chứng Nhân của Lòng Thương Xót                                                                                             (Vaticanô, 15 – 5 – 2016, Lễ Hiện Xuống)

Chủ đề: Hội Thánh Truyền Giáo, Chứng nhân lòng thương xót.

Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo 2016 được cử hành trong Năm Thánh Lòng Thương Xót: đây là cơ hội rất thích hợp để suy tư và thể hiện Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong công việc truyền giáo cúa Hội Thánh: “Hội Thánh được sai đi loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, trái tim đang đập của Tin Mừng (Misericordiae Vultus, 12) và công bố lòng thương xót tại mọi góc cùng của thế giới, đến với hết mọi người, người già cũng như người trẻ”.

Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn nơi Đức Giêsu.

Thiên Chúa là Người Cha nhân từ, quan tâm chăm sóc mọi người, nhất là những người nghèo khổ. Tình thương của Thiên Chúa là tình thương dịu dàng của cha người mẹ “đi vào đời sống con cái họ” (x. Gr 31:20); trước những sự yếu đuối và bất trung của họ, trái tim Người vẫn tràn trề sự cảm thương (x. Hs 11:8).
Đức Giêsu là Đấng mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa một cách cao cả và trọn vẹn nhất bằng các lời giảng dạy và các dụ ngôn của Ngài, “nhưng trên hết chính Người làm cho lòng thương xót trở thành nhập thể và nhân cách hoá” (Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia, 2). “Khi chúng ta tiếp đón và đi theo Đức Giêsu bằng Tin Mừng và các bí tích, với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể trở thành những con người có lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng xót thương; chúng ta có thể học biết yêu thương như Người yêu thương chúng ta và biến cuộc đời chúng ta trở thành một món quà cho không, một dấu chỉ lòng nhân ái của Người”. (x. Misericordiae Vultus, 3).
“Hội Thánh trước hết là cộng đoàn sống bằng lòng thương xót của Chúa Kitô; Hội Thánh thấy được cái nhìn của Người và cảm nhận rằng mình đã được Người chọn vì tình yêu nhân từ của Người”.

Các thành viên của Hội Thánh truyền giáo bằng cách làm chứng về lòng thương xót của Thiên Chúa.

Hội Thánh từ thời kỳ đầu cho đến nay luôn luôn có rất nhiều người, nam cũng như nữ, và thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi, làm chứng về lòng thương xót của Thiên Chúa.
Đặc biệt ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia hoạt động truyền giáo của Hội Thánh. Sự tham gia truyền giáo của nữ giới có ý nghĩa đặc biệt vì nó “là một dấu chỉ về tình mẫu tử của Thiên Chúa… các phụ nữ và các gia đình thường hiểu rõ hơn các vấn đề của dân chúng và biết cách cư xử với họ một cách thích hợp, đôi khi rất sáng tạo: trong việc chăm sóc đời sống, tập trung vào con người hơn là cơ cấu,… đặc biệt qua việc chăm sóc người nghèo”.
Truyền giáo bắt đầu bằng việc giáo dục dựa trên lòng thương xót.

Hoạt động truyền giáo dành rất nhiều thời gian và công sức cho việc giáo dục, “giống như người trồng nho nhân từ của Tin Mừng (x. Lc 13:7-9; Ga 15:1), kiên nhẫn chờ đợi cây nho sinh hoa kết quả sau nhiều năm tăng trưởng chậm chạp; bằng cách này họ làm phát sinh một dân mới có khả năng rao truyền Tin Mừng, họ sẽ đem Tin Mừng đến những nơi mà người ta nghĩ là Tin Mừng không thể được biết đến bằng cách nào khác”.
“Hội Thánh cũng có thể được định nghĩa như là ‘người mẹ’ cho những ai một ngày kia sẽ có niềm tin vào Đức Kitô. Vì vậy tôi mong rằng dân thánh của Thiên Chúa sẽ tiếp tục thi hành việc phục vụ hiền mẫu này về lòng thương xót, nó giúp cho những ai chưa biết Chúa có thể gặp được Người và yêu mến Người. Đức tin là quà tặng của Thiên Chúa chứ không phải kết quả của việc cải đạo; trái lại, đức tin lớn lên nhờ những người rao giảng Tin Mừng làm chứng cho Đức Kitô bằng đức tin và đức ái của mình”.

Bổn phận truyền giáo của Hội Thánh trong bối cảnh thế giới hôm nay.

“Mọi dân tộc và mọi nền văn hoá đều có quyền đón nhận sứ điệp cứu độ là món quà của Thiên Chúa cho mọi người. Điều này lại càng cần thiết khi chúng ta nghĩ đến biết bao cảnh bất công, chiến tranh và khủng hoảng nhân đạo vẫn còn đang cần được giải quyết. Từ kinh nghiệm, các nhà truyền giáo biết rằng Tin Mừng của sự tha thứ và lòng thương xót có thể đem lại niềm vui và sự hoà giải, công lý và hoà bình”.
Lệnh truyền của Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28:19-20), lệnh truyền này chưa dừng lại; đúng hơn, nó thúc đẩy tất cả chúng ta, trong bối cảnh của thế giới đầy thách thức ngày nay, phải lắng nghe tiếng gọi canh tân ‘động lực’ truyền giáo”.

ĐTC Phanxicô kêu gọi sự đóng góp cụ thể cho công cuộc truyền giáo của Hội Thánh.

“Năm Thánh này đánh dấu kỷ niệm 90 năm Ngày Thế Giới Truyền Giáo, lần đầu tiên được phê chuẩn bởi Đức Giáo Hoàng Piô XI năm 1926 và được tổ chức bởi Hội Giáo Hoàng Truyền Bá Đức Tin. Vì vậy đây là dịp thích hợp để nhớ lại những chỉ thị khôn ngoan của các vị Tiền Nhiệm của tôi, các ngài đã truyền rằng phải dành cho Hội này tất cả các khoản quyên góp tại mỗi giáo phận, giáo xứ, cộng đoàn dòng tu, hiệp hội và phong trào giáo hội trên khắp thế giới để chăm lo cho các cộng đoàn Kitô hữu đang túng thiếu và nâng đỡ việc rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất”.
Sự đóng góp và chia sẻ này là “dấu chỉ của sự hiệp thông truyền giáo của Hội Thánh. Chúng ta đừng đóng kín lòng mình với các mối quan tâm riêng của mình, nhưng hãy mở lòng chúng ta ra cho toàn thể nhân loại”.

Đức Maria, biểu tượng của nhân loại được cứu độ và là mẫu gương truyền giáo cho Hội Thánh.
ĐTC Phanxicô xin mọi tín hữu nhìn lên Mẹ Maria là “mẫu gương truyền giáo của Hội Thánh, xin Mẹ dạy cho mọi người nam và nữ cũng như các gia đình biết nuôi dưỡng và bảo vệ ở mọi nơi sự hiện diện sống động và mầu nhiệm của Chúa Phục Sinh, Đấng đổi mới các mối quan hệ giữa người với người, các nền văn hoá và các dân tộc, và là Đấng đổ tràn lòng thương xót và niềm vui trên mọi người”.

Previous articleCẦU NGUYỆN VỚI SỰ KIÊN TRÌ
Next articleHÃY TỈNH THỨC CHỜ ĐỢI CHÚA