ĐẠO YÊU THƯƠNG

24

ĐẠO YÊU THƯƠNG
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm


1. VÀO CHUYỆN
2. TẠI SAO GỌI LÀ ĐẠO CÔNG GIÁO ?
3. ĐỨC GIÊSU KITÔ
4. ĐỨC GIÊSU BÀY TỎ KHUÔN MẶT THIÊN CHÚA TÌNH YÊU.
5. ĐỨC GIÊSU XÂY DỰNG MỘT THẾ GIỚI MỚI
6. ĐỨC GIÊSU VÀ GIÁO HỘI CỦA NGÀI
7. ĐỜI SỐNG NGƯỜI CÔNG GIÁO
8. ĐẠO CÔNG GIÁO VÀ VIỆC THỜ KÍNH TỔ TIÊN
9. ĐỨC MARIA VÀ CÁC THÁNH
10. CHÂN TRỜI HY VỌNG
PHỤ LỤC 1 Gii thích mt s t ng trong đo Công Giáo
PHỤ LỤC 2
Nhng s liu thng kê v dân s Kitô Giáo nói chung  và Công Giáo nói riêng trên thế gii
 

1. VÀO CHUYỆN


Bạn thân mến,

Nếu đến thăm thủ đô Hà Nội, bạn sẽ thấy gần Hồ Gươm có phố Nhà Thờ.

Gọi là phố Nhà Thờ vì con đường ấy dẫn đến ngôi nhà thờ cổ kính rêu phong, mà người dân Hà Nội quen gọi là Nhà Thờ Lớn. Nếu bạn hỏi thăm, người ta sẽ nói:
“Nhà Thờ Công Giáo đấy”.



Khi bạn ghé Sài Gòn, lại thấy ở đầu đường Đồng Khởi, con đường trung tâm và đẹp nhất thành phố, sừng sững ngôi nhà thờ rực rỡ mầu gạch đỏ. Nhiều người dân Sài Gòn quen gọi là Nhà Thờ Đức Bà và coi đó như một trong những biểu tượng của Sài Gòn hoa lệ. Nếu bạn hỏi thăm, người ta cũng bảo: “Nhà Thờ Công Giáo đấy”.



Không chỉ có Nhà Thờ Lớn hay Nhà Thờ Đức Bà, còn cả hàng trăm ngôi nhà thờ lớn nhỏ của người Công Giáo trên khắp mọi miền đất nước. Mỗi Chủ nhật, bạn thấy nhiều người ăn mặc lịch sự đến nhà thờ. Hằng năm, vào những dịp lễ lớn, nhất là lễ Giáng Sinh, những ngôi nhà thờ ấy trở thành trung tâm thu hút mọi người, Công Giáo và cả ngoài Công Giáo, đến xem hang đá, nghe Thánh Ca Giáng Sinh, dự lễ.

Thế rồi, qua các phương tiện truyền thông, bạn cũng nghe nói đến những nhân vật Công Giáo nổi tiếng, ví dụ Mẹ Têrêxa Calcutta, một nữ tu được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1979, vì tình yêu thương và sự phục vụ bà dành cho những người cùng khổ trong xã hội.

Gần gũi hơn, ngay trong trường bạn đang học, tại xí nghiệp hoặc cơ quan bạn đang làm, cũng có những người theo đạo Công Giáo. Có khi một trong những bạn thân của bạn cũng là người Công Giáo.

Rồi với chút ngạc nhiên bởi cách sống của họ, bạn tự hỏi: Đạo Công Giáo là đạo gì? Tại sao gọi là Công Giáo? Đạo này dạy người ta điều gì? Theo đạo này thì phải làm sao?

Nếu bạn thắc mắc như thế, tôi xin kể cho bạn nghe đôi chút về đạo Công Giáo.
 

2. TẠI SAO GỌI LÀ ĐẠO CÔNG GIÁO ?


Bạn thân mến,


Đọc sách báo, hay lang thang trên mạng, thỉnh thoảng bạn cũng thấy nhắc đến đạo Công Giáo. Bên canh đó, còn là Thiên Chúa Giáo, rồi Kitô Giáo, Chính Thống Giáo và Tin Lành nữa. Những tôn giáo này có liên hệ với nhau không?

Có lần bạn đem ra hỏi một người Công Giáo, nhưng xem ra họ cũng mù mờ, cho nên bạn cảm thấy mơ hồ. Vậy, để tôi kể bạn nghe, đơn giản thôi chứ không rắc rối lắm đâu.

Tâm điểm của mọi sự ở đây là nhân vật có tên gọi là GIÊSU, có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ.

Ngài cũng được gọi là Đấng KITÔ, dịch sát nghĩa là Đấng được xức dầu. Chúng ta cứ gọi là Đấng Cứu Thế cho dễ hiểu.

Đức Giêsu Kitô xuất hiện trong lịch sử nhân loại cách đây hai ngàn năm, tại đất nước Do Thái. Những ai tin vào Ngài và đi theo Ngài thì được gọi là Kitô hữu, và đạo Ngài rao giảng được gọi là Kitô Giáo.

Thuở ban đáu, chỉ có Kitò Giáo mà thôi. Nhưng đến thế ký XI (1054), do những bất đồng vé nôi dung giáo lý, cũng như kỷ luật Giáo Hội, đã có sự phân chia thành hai khỏi là Chính Thống Giáo và Công Giáo.

Đến thế kỷ XVI (1517), ngay trong khối Công Giáo ở phương Tây, lại có một cuộc ly khai nữa.

Những người ly khai được gọi là Cải Cách (Protestant Reformation). Riêng ở Việt Nam lại quen với tên gọi là Tin Lành.

Tất cả những người theo đạo Công Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành, đều tin vào Đức Giêsu Kitô. Vì thế đều được gọi chung là Kitô hữu, đều theo Kitô Giáo cả.

Còn Thiên Chúa Giáo là từ được dùng ở Việt Nam để nói về Công Giáo. Tuy nhiên, từ ngữ này chưa đúng lắm. Thiên Chúa Giáo là từ ngữ được dùng để chỉ về tôn giáo độc thần, thờ một Thiên Chúa Duy Nhất. Nhưng tôn giáo độc thần gồm có Do Thái Giáo, Kitô Giáo, Hồi Giáo. Do đó, dùng từ Thiên Chúa Giáo để nói về Công Giáo là chưa chính xác đủ.

Hơn thế nữa, gọi là Thiên Chúa Giáo không diễn tả được ý nghĩa của Công Giáo (Catholicism) là đạo phổ quát, dành cho hết mọi người.

Hy vọng bạn đã có sự phân biệt rõ ràng những điểm chung và riêng của những từ ngữ trên.

Dù thế nào chăng nữa, nhân vật trung tâm vẫn là Đức Giêsu Kitô. Vì thế, tôi mời bạn đọc những trang kế tiếp, để biết rõ hơn về nhân vật trung tâm này.

 

3. ĐỨC GIÊSU KITÔ


Chúc Mừng Giáng Sinh. Merry Christmas!



Không có thời điểm nào trong năm lại tưng bừng, nhộn nhịp, vui tươi và an bình như mùa Giáng Sinh. Nhạc Giáng Sinh vang lên khắp nơi. Hàng trăm triệu thiệp Giáng Sinh được người ta gửi cho nhau, qua bưu điện cũng như online. Giáng Sinh đã trở thành lễ hội quốc tế. Đêm Giáng Sinh rực rở sắc mầu. Đêm Giáng Sinh chan hòa ánh sáng. Người Công Giáo cũng như không Công Giáo đan tay nhau tiến về thánh đường đi lễ nửa đêm. Giáng sinh làm cho mọi người gần nhau hơn.

Bạn thân mến,

Lễ Giáng Sinh, chính là lễ mừng sinh nhật của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, Đấng mà người Công Giáo đặt trọn niềm tin tưởng và yêu mến.

Ngày sinh của Ngài có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử nhân loại. Vì thế, người ta lấy năm sinh của Ngài, để phân chia niên lịch (dương lịch): Trước Đức Kitô (Before Christ ,viết tắt B.C.), và sau Đức Kitô, gọi là Năm của Chúa (Anno Domini, viết tắt A.D).

Để giới thiệu với bạn về ngày lễ đặc biệt này, tôi muốn mời bạn đến chiêm ngắm hang đá.

Giáng Sinh là phải có hang đá. Ở Sài Gòn, có đường Phạm Thế Hiển, quận 8, tràn ngập hang đá lớn nhỏ mỗi năm khi Giáng Sinh về.

Ngoài ra, bạn có thể thấy hang đá ở bất cứ nhà thờ nào, kể cả trong các gia đình Công Giáo bạn ghé thăm.

Hang đá tái hiện cảnh Đức Giêsu Kitô sinh ra trong sự khó nghèo, trên cánh đồng Bêlem, giữa đồng không mông quạnh.

Sách sử kể rằng: Theo chiếu chỉ của hoàng đế Rôma lúc đó, truyền kiểm tra dân số trong khắp để quốc Rôma, ông Giuse và bà Maria lên đường về Bêlem để khai tên tuổi.

Đến Bêlem, Maria tới ngày mãn nguyệt khai hoa, nhưng hai ông bà lại không tìm được chỗ trong quán trọ, nên bà đã sinh con ngoài cánh đồng, lấy tã bọc con và đặt nằm trong máng cỏ.

Bạn nhìn xem, Hài nhi bé bỏng được đặt nằm trong máng cỏ, có bò, lừa quỳ bên, thở hơi ấm cho bé thơ.

Bạn có thấy điều rất đặc biệt không? Cha mẹ của hài nhi mới sinh không bồng con trên tay, hoặc ôm con vào lòng, nhưng cả hai ông bà đều quỳ gối thờ lạy! Tại sao vậy? Vì hài nhi mới sinh kia không chỉ là một con người, mà là Thiên-Chúa-làm-người.

Chính vì thế, trong đêm Đức Giêsu Kitô giáng sinh, muôn vàn thiên thần hợp tiếng ngợi khen Thiên Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời; Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương yêu”.

Ngoài ra, còn có ánh sao chỉ đường cho ba đạo sĩ từ phương xa tìm đến thờ lạy Đấng Thiên-Chúa-làm-người. Ba đạo sĩ này là đại diện cho muôn dân muôn nước trên thế giới vẫn không ngừng tìm đến với Đức Giêsu Kitô.

Ý nghĩa của lễ Giáng Sinh là ở đây:

Thiên Chúa không chỉ ở trên chốn cao xanh, nhưng Ngài đã muốn đến ở với loài người, để sẻ chia nỗi mong manh của phận người, để đồng hành với con người trong mọi bước thăng trầm của đời sống, đế dẫn lối con người về bến bờ bình an và hạnh phúc đích thực, vững bền.

Khi Thiên Chúa xuống trần, Ngài đã quyết định làm một hài nhi sinh ra trong một gia đình nghèo. Còn gì yếu đuối mong manh cho bằng trẻ sơ sinh? Còn gì nghèo khó cho bằng sinh ra giữa cánh đồng hoang vắng? Thiên Chúa đã quyết định làm người nghèo như thế để nói với mọi người rằng, giá trị đích thực của một con người không do quyền lực hay tiền bạc, nhưng do chính phẩm giá làm người.

Vì thế, người tin vào Đức Giêsu Kitô được kêu gọi kính trọng và yêu thương mọi người, không phân biệt chủng tộc hay quốc gia, giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ, già hay trẻ, mạnh khỏe hay đau yếu. Phải kính trọng và yêu thương mọi người vì họ là con người và được Thiên Chúa yêu thương.

Chính vì thế, Đêm Giáng Sinh là “Đêm Thánh vô cùng” (Silent Night), Đêm tràn ngập niềm vui (Joy to the World) và bình an. Đêm nay, tiếng súng ngưng bặt trên toàn thế giới. Đêm nay, dù là da trắng hay da đen, da vàng hay da đỏ, tất cả nhân loại được liên kết thành một gia đình và cùng với ca đoàn các thiên thần cất cao tiếng hát:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương yêu”.

 

4. ĐỨC GIÊSU BÀY TỎ KHUÔN MẶT THIÊN CHÚA TÌNH YÊU.


Bạn thân mến,

Theo truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc, đa số người Việt Nam tin tưởng vào một Đấng siêu nhiên được gọi là Ông Trời. Dĩ nhiên, không phải là bầu trời trên đầu chúng ta, nhưng là Đấng ngự trên “cõi trời”.

Ngài còn được gọi là Đấng Tạo Hóa, vì chính Ngài tạo dựng nên vũ trụ và thế giới này.

Cảm thức tôn giáo ấy đã thấm sâu trong tâm hồn người Việt, đi vào những câu ca dao bình dị như

“Lạy Trời mưa xuống,
lấy nước tôi uống,
lấy ruộng tôi cày…”;

trở thành phản ứng tự nhiên trong cuộc sống, khi chúng ta kêu lên “Trời ơi !”

Tuy có một cảm thức sống động về Ông Trời, nhưng người ta lại không biết rõ Ông Trời ra sao. Vì thế, nhiều khi hình dung Ông Trời theo trí tưởng tượng của con người và dựa vào những tiêu chuẩn của loài người.

Để thấy được dung nhan đích thực của Thiên Chúa, chúng ta cần được chính Thiên Chúa tỏ mình ra, chứ không chỉ là những suy luận và tưởng tượng của con người.

Đức Giêsu Kitô là Đấng từ trời cao mà xuống, từ Thiên Chúa mà đến, cho nên chỉ có Ngài mới bày tỏ cho nhân loại biết dung nhan đích thực của Ông Trời.

Vậy, Ngài nói với chúng ta ra sao?

Ngài công bố: Thiên Chúa là Tình Yêu.

Đó là chân lý trung tâm của Kitô Giáo và mọi chân lý khác trong Đạo đều xoay quanh chân lý này.

Thiên Chúa yêu thương con người và làm mọi sự chỉ vì tình yêu. Chính vì thế, Đức Giêsu mời gọi những ai đi theo Ngài hãy gọi Thiên Chúa là “Cha”, trong tiếng Do Thái là abba.

Bạn biết không, abba chính là tiếng trẻ thơ gọi cha của nó, tiếng gọi ngập tràn tin tưởng, yêu mến và phó thác.

Đức Giêsu Kitô đã dành cả cuộc sống trần thế để công bố, rao giảng và thể hiện dung mạo yêu thương của Thiên Chúa. Ngài bày tỏ dung nhan Thiên Chúa Tình Yêu qua việc giảng dạy, và để cho mọi người đều hiểu được, Đức Giêsu dùng những dụ ngôn, tức là những câu truyện và hình ảnh đơn sơ, bình dị trong cuộc sống thường ngày, nhưng lại hết sức sâu sắc, đến nỗi đã hai ngàn năm qua, chúng ta vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa.

Thiên Chúa được mô tả như người cha thương con, đến nỗi dù đứa con bất hiếu, bỏ nhà đi hoang, người cha vẫn ngày đêm trông ngóng, mong con trở về.

Thiên Chúa giống như người chăn chiên, khi có một con chiên đi lạc, ông bỏ cả đoàn chiên ở lại, để đi tìm con chiên lạc, và khi tìm được, ông vui mừng vác nó trên vai đem về nhà.

Đức Giêsu còn bày tỏ khuôn mặt của Thiên Chúa Tình Yêu bằng chinh cách sống và cách ứng xử của Ngài:

– Ngài sống nghèo và gần gùi với những người nghèo, những người bị xã hội coi thường.

– Ngài chữa lành những thương tích trên thân xác và trong tâm hồn của con người. Ví dụ: những người mắc bệnh phong cùi, hoặc những người bị mọi người lên án là tội lỗi.

– Ngài nâng đỡ và bênh vực nhừng người cô thân cô thể trong xã hội.

Lời rao giảng và lối sống yêu thương của Đức Giêsu đã lôi cuốn rất nhiều người đi theo Ngài.

Hơn thế nữa, Ngài còn khẳng định: Ngài là “Con Thiên Chúa”. Vì thế, Đức Giêsu bị những người có thế lực thù ghét và họ quyết định giết Ngài. Để thực hiện kế hoạch, họ tố cáo Ngài về một tội danh chính trị và theo yêu cầu của họ, tổng trấn Philatô – người đại diện của đế quốc Rôma tại Do Thái lúc đó – đã ra lệnh xử tử Đức Giêsu bằng hình phạt nặng nề nhất.

Bạn có thấy cây thập giá trong các nhà thờ và các gia đình Công Giáo không?

Thập giá là khung gỗ có hình chữ Thập (+) được người Rôma dùng để đóng
đinh các phạm nhân nô lệ hoặc không phải công dân của họ vào đó. Vì thế,
thập giá là dấu hiệu của đau khổ, ô nhục, sợ hãi và chết chóc.

Đức Giêsu đã phải chịu hình phạt khủng khiếp như thế, là đóng đinh vào thập giá.

Nhưng lạ thay, từ đỉnh cao thập giá, từ ngút ngàn đau đớn, thay cho những lời chửi bới và nguyền rủa, người ta lại nghe được lời khẩn nguyện của Đức Giêsu:

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.

Đỉnh cao của tình yêu là ở đó: Tha thứ cho chính những người làm hại mình.

Thập giá là dấu chứng của tình yêu vĩ đại, tình yêu đi đến cùng.

Thế đấy, cả cuộc đời Đức Giêsu là để giới thiệu và loan báo dung nhan đích thực của Thiên Chúa Tình Yêu.

Theo Kinh Thánh, sau khi đem xác Chúa Giêsu xuống từ thập giá, các môn đệ đã mai táng Ngài trong mộ đá. Thế nhưng, ba ngày sau, khi các môn đệ đến thăm mộ thì xác Đức Giêsu không còn trong mộ đá nữa. Cùng với sự kiện ngôi mộ trống, các môn đệ còn được gặp và trò chuyện với Đức Giêsu trong nhiều dịp khác, vì thế các ông tin chắc chắn rằng:

ĐỨC GIÊSU KITÔ ĐÃ SỐNG LẠI TỪ CÕI CHẾT
VÀ LÀ ĐẤNG HẰNG SỐNG!

Sự sống lại của Đức Giêsu từ cõi chết là sự chiến thắng của tình yêu. Không phải hận thù nhưng chính tình yêu mới là sức mạnh tuyệt đối. Tình yêu chiến thẳng hận thù và chết chóc. Hận thù chỉ mang lại chết chóc, còn tình yêu mở đường cho sự sống đích thực, trọn vẹn và vững bền.

Để ghi nhớ biến cố hết sức quan trọng này, hằng năm, người Công Giáo mừng Lễ Phục Sinh cách trọng thể.

Nhìn từ bên ngoài, ngày lễ này không tưng bừng nhộn nhịp như Lễ Giáng Sinh, nhưng đây chính là ngày lễ lớn nhất đối với người Công Giáo, cũng như mọi Kitô hữu.

Đức Giêsu đã sống lại và là Đấng Hằng Sống. Ngài không hiện diện cách hữu hình như hai ngàn năm trước, nhưng Ngài vẫn ở bên chúng ta cách thiêng liêng, để chia sẻ, nâng đỡ, hướng dẫn, bảo ban, cứu giúp chúng ta như Ngài đã ở bên các môn đệ ngày xưa.

Bạn có muốn tin vào vị Thiên Chúa Tình Yêu không?

Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn về Đức Giêsu Kitô, mời bạn đọc Kinh Thánh. Toàn bộ Kinh Thánh gồm hai phần: Cựu Ước và Tân Ước.

Trong Tân Ước, phần chính yếu nhất là bốn sách Tin Mừng (hoặc Phúc Âm) do bốn vị thánh sử viết: Matthêu, Maccô, Luca, Gioan.

Đọc bốn sách Tin Mừng, bạn sẽ biết rõ hơn về cuộc đời và giáo huấn của Đức Giêsu Kitô, Đấng Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta.

 

5. ĐỨC GIÊSU XÂY DỰNG MỘT THẾ GIỚI MỚI


Bạn thân mến,

Cùng với việc bày tỏ dung mạo đích thực của Thiên Chúa là Cha yêu thương, Đức Giêsu đến trong cuộc đời này còn để loan báo và kiến tạo một thế giới mới, được gọi là Nước Trời, Nước của Thiên Chúa.

Thế giới mới ấy là thế giới của tình yêu thương và chia sẻ, thay cho một thế giới tràn ngập áp bức, bất công và bóc lột.

Có lần Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng Ngài nuôi sống cả chục ngàn người. Đám đông hàng ngàn người ấy, với những khác biệt về tuổi tác, giới tính, trình độ văn hóa, tất cả đều dùng chung một bữa ăn thanh đạm, nhưng hoàn toàn bình đẳng và đầy ắp tình người (Gioan 6,1-15).

Các Kitô hữu đầu tiên đã sống tinh thần ấy cách triệt để:

“Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của cải chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Công vụ Tông Đồ 2,44-45).

Lại chẳng phải là hình ảnh của thế giới lý tưởng mà nhân loại hằng mong ước sao?

Thế giới mới là thế giới của sự thật và thành tín thay cho một thế giới của gian dối và lừa lọc.

Khi phải ra trước tòa án của Philatô, tổng trấn Rôma thời đó, Đức Giêsu đã dõng dạc tuyên bố:

“Tôi đã sinh ra và đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Gioan 18,37).

Vâng, Ngài đến để bày tỏ sự thật về Thiên Chúa, sự thật về con người, về phẩm giá và vận mệnh tối hậu của con người. Khi sống theo sự thật đó, chúng ta sẽ trở thành
những con người tự do đích thực:

“Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Gioan 8,32).

Thế giới mới là thế giới của khoan dung và tha thứ, thay cho một thế giới đầy rẫy hận thù và chiến tranh.

Đức Giêsu dạy các môn đệ rằng:

“Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, cho mưa xuống trên người
công chính cũng như kẻ bất lương” (Matthêu 5,44-45).

Đức Giêsu không chỉ nói, mà chính Ngài còn làm gương trước.

Khi bị đóng đinh trên thập giá, Ngài cầu xin Cha tha thứ cho những kẻ làm hại mình:

“Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Luca 23,34).

Martin Luther King, nhà đấu tranh cho dân quyền bằng đường lối bất bạo động tại Hoa Kỳ, được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1964, khi suy nghĩ về lời cầu nguyện này, đã kêu lên:

“Đó là giây phút đẹp nhất cuộc đời Đức Giêsu”.

Thế giới mới ấy có được khi chúng ta hiểu ra rằng: Tất cả nhân loại có chung một người Cha là Thiên Chúa, vì thế tất cả là anh chị em với nhau. Và phải cư xử với nhau như anh chị em ruột thịt trong một mái ấm gia đình.

Một người con càng có lòng hiếu thảo với cha mẹ bao nhiêu, thì càng yêu thương  anh chị em trong nhà bấy nhiêu.

Cũng thế, chính niềm tin vào Thiên Chúa là Cha yêu thương, giúp cho người môn đệ Đức Giêsu nhìn người khác bằng một cặp mắt mới, để khám phá đây là anh chị em của tôi.

Trong gia đình của Thiên Chúa, luật tối thượng là luật yêu thương như Đức
Giêsu dạy:

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Người ta cứ dựa vào dấu hiệu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau” (Gioan 13,34-35).

Tiêu chuẩn để nhận diện một tình yêu chân chính là sự hy sinh và từ bỏ, chứ không phải chiếm hữu hay hưởng thụ như nhiều người lầm tưởng:

“Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Gioan 15,13).

Vì thế giới mới là thế giới của tình yêu thương và chia sẻ, sự thật và thành tín, khoan dung và tha thứ, nên phương thế xây dựng thế giới mới không phải là vũ khí và kế hoạch quân sự, càng không phải là bạo lực và khủng bố, nhưng là sự hoán cải:

“Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Maccô 1,15).

Hoán cải là thay đổi trong chiều sâu của tâm hồn, từ hận thù sang yêu thương, từ ích kỷ đến vị tha, từ kiêu căng đến khiêm tốn. Sự thay đổi ấy sẽ tác động trên cách nhìn, cách nghĩ và cách sống của chúng ta; từ đó, hình thành và làm mới lại những quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, những quan hệ thấm đậm tình yêu thương và chia sẻ, khoan dung và tha thứ. Thế giới mới ấy được bắt đầu trong tâm hồn mỗi người và ngày càng rõ nét nhờ những con người mới, với quả tim mới.

Tôi muốn mời bạn đọc một bài thơ, cũng là lời cầu nguyện của một vị thánh Công Giáo, thánh Phanxicô Assisi, ở đó gói ghém tâm tình và hướng sống của những con người thuộc về thế giới mới, thế giới chứa chan mừng vui, bình an và hạnh phúc.

Lạy Chúa từ nhân,
xin cho con biết mền yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.
Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,
đem thứ tha vào nơi lăng nhục,
đem an hòa vào nơi tranh chấp,
đem chân lý vào chốn lỗi lầm,
để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn ụ sầu.

Lạy Chúa, xin hãy dạy con,
tìm an ủi người hơn được người ủi an,
tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,
tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.

Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Ôi Thần Linh thánh ái, xin mở rộng lòng con.
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

 

6. ĐỨC GIÊSU VÀ GIÁO HỘI CỦA NGÀI


Bạn thân mến,

Đức Giêsu đi rao giảng khắp nơi về Thiên Chúa Tình Yêu và loan báo thế giới mới, người ta lũ lượt đến nghe và theo Ngài. Trong đám đông quân chúng ấy, có một số nhỏ được gọi là các môn đệ, rồi trong số các môn đệ lại có nhóm nhỏ 12 người được Đức Giêsu đặt làm Tông Đồ (nghĩa là người-được-sai-đi).

Đứng đầu nhóm 12 này là Tông Đồ Phêrô. Tất cả quy tụ lại thành Giáo Hội của Đức Giêsu Kitô, gắn bó mật thiết với nhau như những chi thể trong cùng một thân thể, với Đức Giêsu Kitô là Đầu và mỗi người là một chi thể.

Nhóm 12 Tông Đồ là những người cùng ăn cùng ở với Đức Giêsu, trực tiếp nghe lời Ngài giảng dạy, tận mắt chứng kiến việc Ngài làm, thấu triệt giáo huấn của Ngài.

Khi Đức Giêsu không còn hiện diện hữu hình trên trần gian, các Tông Đồ là những vị tiếp nối sứ mệnh của Đức Giêsu, sứ mệnh loan báo Tin Mừng về Thiên Chúa Tình Yêu và xây dựng thế giới mới:

“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”(Matthêu 28,19-20).

Các Tông Đồ đã mạnh dạn và hăng hái thi hành sứ mệnh được Đức Giêsu trao phó. Tin Mừng Đức Giêsu được loan báo khắp nơi và Kitô Giáo ngày càng lan rộng, bắt đầu từ Do Thái, rồi khắp đế quốc Rôma thời ấy, và theo dòng thời gian, tiếp tục lan rộng khắp năm châu.

Cũng trong dòng chảy đó, Tin Mừng của Đức Giêsu bắt đầu được loan báo trên quê hương Việt Nam từ gần 500 năm về trước (1533), và ngày nay đã lan rộng khắp các tỉnh thành của đất nước.

Hiện nay, dân số Công Giáo trên toàn thế giới là gần 1,2 tỷ người, chiếm 18% dân số thế giới. Nếu tính thêm các Kitô hữu thuộc Chính Thống Giáo và Tin Lành thì tổng số người tin vào Đức Giêsu là khoảng 2,2 tỷ người, chiếm gần 1/3 dân số thế giới.

Riêng tại Việt Nam, số tín hữu Công Giáo khoảng 6 triệu người, chiếm 7% dân số cả nước.

Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, Giáo Hội là “đoàn chiên” của Đức Giêsu Kitô và Ngài trao phó đoàn chiên ấy cho Tông Đồ Phêrô cũng như các Tông Đồ khác chăm Sóc.

“Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Gioan 21,17).

Vì số tín hữu gia tăng rất đông và thuộc nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa, do đó Giáo Hội của Đức Giêsu Kitô cũng cần được tổ chức quy củ, để phục vụ các tín hữu và loan báo Tin Mừng cách hiệu quả.

Người kế nhiệm thánh Tông Đồ Phêrô để chăm sóc Giáo Hội toàn cầu là các vị giáo hoàng, hiện nay là Đức giáo hoàng Phanxicô.

Giáo Hội toàn cầu được phân chia thành nhiều giáo phận, mỗi giáo phận do một giám mục đứng đầu.
Mỗi giáo phận lại được chia thành nhiều
giáo xứ, do các linh mục đứng đầu (được
gọi là cha xứ hoặc cha sở).

Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam hiện nay được chia thành 26 giáo phận, thuộc 3 giáo tỉnh: Hà Nội, Huế, Sài Gòn.

Giáo tỉnh Hà Nội gồm 10 giáo phận: Hà Nội, Bắc Ninh, Bùi Chu, Hải Phòng, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Phát Diệm, Thái Bình, Thanh Hóa, Vinh.

Giáo tỉnh Huế gồm 6 giáo phận: Huế, Ban Mê Thuột, Đà Nẵng, Kontum, Nha Trang, Quy Nhơn.

Giáo tỉnh Sài Gòn gồm 10 giáo phận: Thành phố Hồ Chí Minh , Bà Rịa, Cần Thơ, Đà Lạt, Long Xuyên, Mỹ Tho, Phan Thiết, Phú Cường, Vĩnh Long, Xuân Lộc.

 

7. ĐỜI SỐNG NGƯỜI CÔNG GIÁO


Bạn thân mến,

Bạn hỏi tôi:
Một người đã tin vào Đức Giêsu Kitô và gia nhập Giáo Hội Công Giáo, họ phải sống thế nào?

Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi rất cụ thể. Theo tôi, nếu bạn trở thành người Công Giáo, bạn vẫn sống cuộc sống như mọi người, với những trách nhiệm cá nhân, gia đình, xã hội.

Tuy nhiên, đời sống bạn sẽ được dệt bằng hai tâm tình xuyên suốt là Mến Chúa và Yêu người.

Nếu bạn tin rằng: Thiên Chúa là Cha yêu thương bạn, bạn sẽ đáp lại tình yêu ấy bằng lòng yêu mền Chúa, như con cái trong gia đình yêu mến cha mę.

Vì vêu mến Chúa nên người Công Giáo dành thời giờ gặp gỡ và tâm sự với Chúa, gọi là cầu nguyện. Đức Giêsu dạy rằng:

“Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó con bò cap? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Luca 11,11-14).

Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, người Công Giáo cầu nguyện với Cha trên trời, tâm sự với Ngài, xin Ngài trợ giúp. Và tin tưởng rằng: Ngài sẽ ban cho mình những gì tốt lành và hữu ích lâu dài, kể cả khi điều mình cầu xin xem ra như không được nhận lời.

Đức Giêsu còn đích thân dạy các môn đệ Ngài cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha:

Lạy Cha chúng con ở trên trời,
chúng con nguyện Danh Cha cả sáng,
Nước Cha trị đển,
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày,
và tha nợ chúng con,
như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.

Xin chớ để chúng con sa chước cảm dỗ,
nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.
(Matthêu 6,9-13)

Ngoài ra, khi tin vào Đức Giêsu Kitô, người Công Giáo hiểu rằng: Họ trở nên một chi thể trong một Thân Mình là Giáo Hội; vì thế, không chỉ cầu nguyện một mình, họ còn đến nhà thờ làm việc thờ phượng chung với cộng đoàn.

Cách riêng là vào Chủ nhật, người Công Giáo trên toàn thế giới đều đến nhà thờ để thờ phượng Chúa, gọi là Thánh Lễ Chúa nhật.

Trong giờ thờ phượng, họ cùng lắng nghe Lời của Chúa qua các bản văn Kinh Thánh, Lời sưởi ấm tâm hồn, soi sáng trí khôn, hướng dẫn cuộc sống, để sống đúng với danh nghĩa con cái Chúa.

Sau đó, theo lời Đức Giêsu truyền dạy:

“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thấy”,

họ cử hành việc tưởng nhớ cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu Kitô trên thập giá, nhờ đó đón nhận hồng ân cứu độ Thiên Chúa ban cho mỗi người.

Trong tương quan với chính bản thân cũng như với mọi người, đời sống của người Công Giáo được hướng dẫn bằng “Mười điều răn”, tất cả tóm lại trong
luật yêu thương, như thánh Phaolô dạy:

“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài ên nợ tương thân tương ái, vì ai yêu người thì đã chu toàn lề luật. Thật thế. các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn xấu, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương chính là chu toàn lề luật” (Rôma 13,8-10).

Tình yêu này bắt đầu từ chính bản thân:

“Hãy yêu thương người thân cận như chính mình” (Matthêu 22,39).

Bạn đừng quên là phải yêu thương và trân trọng chính con người của mình, không được chê bai hay ghét bỏ.

Vì yêu thương chính bản thân nên không được hủy hoại sự sống của mình bằng việc tự tử, cũng không làm hại bản thân bằng những thứ nghiện ngập (ma túy, rượu chè, cờ bạc…) hoặc bằng những hành động hạ thấp phẩm giá của mình.

Vì yêu thương người khác nên không được làm hại họ bằng bất cứ hình thức nào, trái lại phải tôn trọng mọi người và những gì thuộc về họ, như thân xác, của cải, phẩm giá, danh dự.

Chính vì thế, người Công Giáo không được trộm cắp, gian dối, vu khống, giết người, ngoại tình, lạm dụng tình dục.

Cách riêng trong đời sống gia đình, luật yêu thương soi sáng mọi mối tương quan trong mái ấm gia đình.

Người Công Giáo phải thảo kính cha mẹ, chăm sóc cho cha mẹ khi các ngài còn sống, và cầu nguyện cho các ngài khi đã qua đời.

Vợ chồng phải yêu thương nhau bằng tình yêu đơn nhất, trung tín và thủy chung, cùng nhau chăm sóc và giáo dục con cái nên người và nên con cái Chúa.

Chính vì thế, vợ chồng Công Giáo không được ly dị, nhưng phải biết tha thứ và chịu đựng lẫn nhau, vì ích chung của gia đình, nhất là của con cái.

Luật yêu thương cũng mời gọi đôi vợ chồng tôn trọng sự sống của con cái ngay từ giây phút thụ thai. Chẳng lẽ chúng ta tôn trọng sự sống của người khác, mà lại không tôn trọng sự sống của chính con cái mình sao?

Do đó, vợ chồng Công Giáo không chấp nhận phá thai dưới bất cứ hình thức nào.

Đồng thời, họ sinh con với ý thức trách nhiệm, không chỉ sinh ra một con người, nhưng còn phải nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ con cái nên người đúng nghĩa.

Ban thân mến,

tôi muốn mời bạn đọc một bài thơ về tình yêu trong Kinh Thánh để thấy tình yêu có ý nghĩa cao quý thế nào với những ai tin vào Đức Giêsu Kitô.

“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có tình yêu, thì cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.

Giả như tôi được ơn nói tiên trị, biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hoặc có cả đức tin mạnh đến nỗi chuyển núi dời non, mà không có tình yêu, thì cũng chẳng là gì.

Giả như tới có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt, nhưng không có tình yêu, thì cũng chẳng ích gì.

Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang tự đắc;

Tình yêu không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận,không nuôi hận thù; Không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.

Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cd, chịu đụng tất cả.

Tình yêu không bao giờ mất được, nhưng sẽ tồn tại muôn đời”.
(1 Côrintô 13,1-8).

 

8. ĐẠO CÔNG GIÁO
VÀ VIỆC THỜ KÍNH TỔ TIÊN


Bạn thân mến,

Có một người quen kể cho tôi nghe câu chuyện đời của chị.

Chị có người bạn trai, cả hai yêu nhau tha thiết và tính đến chuyện trăm năm. Thế nhưng, gia đình chị theo đạo Ông Bà, còn gia đinh anh lại là Công Giáo. Mà chị nghe rằng theo đạo Công Giáo thì phải bỏ Ông Bà Tổ Tiên, thế nên chị dứt khoát không theo.

Anh cũng chấp nhận “đạo ai nấy giữ. Khi về nhà chồng, năm này qua năm khác, chị thấy anh chị em nhà chồng sống rất tốt, thuận thảo yêu thương nhau. Hằng năm, cứ đến những ngày Tết hoặc Kỵ giỗ, mọi người tụ tập ở nhà người anh lớn, cùng nhau đến nhà thờ dự lễ cầu nguyện cho Ông Bà Tổ Tiên, sau đó quây quần bên mâm cơm gia đình, tối đến lại còn đọc kinh cầu nguyện cho Ông Bà. Tâm trí chị bắt đầu xuất hiện câu hỏi:

“Như vậy, sao lại bảo theo đạo Công Giáo thì phải bỏ Ông Bà Tổ Tiên?”

Chi bắt đầu để tâm tìm hiểu thêm, rồi xin theo học giáo lý, cuối cùng xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Một trong những nét đẹp nhất của văn hóa Việt Nam là việc thờ kính Ông Bà Tổ Tiên. Việc thờ kính ấy thể hiện đạo lý làm người, ý thức rằng “cây có cội, nước có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ”, vì thế con cái phải hiếu đễ với cha mẹ, khi các ngài còn sống, cũng như khi đã qua đời.

Đạo lý ấy còn diễn tả cảm thức về sự hiệp thông giữa người sống và người chết. Tổ Tiên Ông Bà dù đã khuất bóng, nhưng vẫn hiện diện cách linh thiêng và tiếp tục phù hộ cho con cháu. Còn con cháu luôn tưởng nhớ các ngài, nhất là trong những dịp quan trọng của gia đình.

Đạo lý ấy cũng là đạo lý được người Công Giáo nêu cao.

Bản thân Đức Giêsu Kitô trong cuộc sống trần thế, luôn là một người con chí hiếu.

Kinh Thánh kể chuyện cậu bé Giêsu “ở Nadarét và hẳng vâng phục cha mẹ” (Luca 2,51).

Kinh “Mười điều răn” của người Công Giáo được chia làm hai phần chính: trước là bổn phận đối với Thiên Chúa, sau là bổn phận đối với mọi người.

Trong phần thứ hai này, đứng đầu là mệnh lệnh: “Hãy thảo kính cha mẹ”.

Bạn có thể tìm thấy trong Kinh Thánh rất nhiều lời khuyến dụ về lòng hiếu thảo.

Mỗi năm, người Công Giáo dành cả tháng Mười Một để tưởng nhớ, cầu nguyện cho Tổ Tiên Ông Bà và những người đã khuất. Các nghĩa trang Công Giáo tràn ngập người đến tảo mộ, thắp hương khấn vái, đọc kinh cầu nguyện.

Không những thế, trong suốt năm, nhất là vào những dịp kỵ giỗ, con cháu trong nhà đều xin lễ cầu nguyện cho Ông Bà Tổ Tiên và những người thân yêu đã qua đời.

Như thế, chắc chắn có sự hiểu lầm nào đó khi nói rằng: “Theo đạo Công Giáo thì phải bỏ Ông Bà Tổ Tiên”. Có chăng là vì người Công Giáo muốn đặt mọi sự vào đúng vị trí thôi.

Bạn nghĩ xem, chúng ta đón nhận sự sống và hiện hữu này từ ông bà cha mẹ, nên phải hiếu thảo với các ngài. Đúng quá! Vậy, ông bà cha mẹ chúng ta đón nhận sự sống từ đâu? Chắc chắn là từ Tổ Tiên, nên chúng ta phải hiếu kính với Tổ Tiên. Thế còn Tổ Tiên đón nhận sự sống từ đâu? Các ngài không thể tự ban sự sống cho mình, nhưng cũng đón nhận sự sống từ Đấng là cội nguồn mọi sự sống, Đấng ban tặng sự sống cho mọi sinh linh trong thế giới này. Đấng ấy chính là Thiên Chúa, Đấng mà Tổ Tiên Ông Bà cũng như chúng ta ngày nay phải hiếu kính và biết ơn.

Vì thế, người Công Giáo quan niệm rằng: Chúng ta phải làm cả hai việc:
– một là thờ phượng Thiên Chúa,
– hai là tôn kính Tổ Tiên Ông Bà là những vị đã cộng tác với Thiên Chúa trong việc trao ban sự sống cho chúng ta.

 

9. ĐỨC MARIA VÀ CÁC THÁNH


Bạn thân mến,

Bước vào một nhà thờ hoặc một gia đình Công Giáo, bạn thường thấy bên cạnh
tượng Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, còn có tượng hoặc ảnh một người phụ nữ có khuôn mặt thật thánh thiện, xinh tươi. Đó là tượng Đức Mẹ hoặc
Đức Bà Maria.

Ngoài ra, trong các nhà thờ còn có nhiều ảnh tượng các Thánh khác, khiến bạn thắc mắc: Không biết những ảnh tượng này có ý nghĩa gì.

Người Công Giáo có lòng kính mến đặc biệt đối với Đức Mẹ vì ngài đã sinh hạ Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, cho nhân loại.

Theo Kinh Thánh, Đức Mẹ đã thụ thai và sinh hạ Đức Giêsu là do sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa, chứ không do quan hệ vợ chồng. Vì thế, người Công Giáo gọi ngài là Mẹ, đồng thời là Đức Trình Nữ Maria.

Mẹ đã chăm sóc Đức Giêsu với tất cả tấm lòng của người mẹ.

Mẹ đã chịu những nỗi thống khổ tột cùng khi đứng dưới chân thập giá của con mình.

Mẹ là nguồn nâng đỡ ủi an rất lớn cho các môn đệ Đức Giêsu trong những hoàn cảnh khó khăn, thử thách.

Ngày nay, Mẹ được hưởng vinh quang và hạnh phúc trọn vẹn với Đức Giêsu trên thiên quốc, nhưng Mẹ vẫn tìiếp tục chăm sóc, ủi an, nâng đỡ tất cả những ai đến với Mẹ.

Không những người Công Giáo, mà cả nhiều anh chị em ngoài Công Giáo cũng đến cầu xin Mẹ giúp đỡ trong những lúc khó khăn, và không ít người đã nbận được ơn lành từ bàn tay từ mẫu của Đức Mẹ.

Các Thánh là những con người như chúng ta. Các ngài sống trong nhiều thời dại và nhiều nền văn hóa, nhiều hoàn cảnh xã hội khác nhau, nhưng các ngài có một điểm chung là đặt trọn niềm tin vào Đức Giêsu Kitô và sống theo giáo huấn của Chúa cách triệt để, dù phải chấp nhận những hy sinh, mất mát, kể cả mất mạng sống.

Nối bật hơn cả là Thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, và là cha nuôi của Đức Giêsu.

Rồi đến 12 thánh Tông Đồ, những người làm thành nền móng của Giáo Hội Đức Kitô.

Ngoài ra, còn rất nhiều vị thánh thuộc mọi thời đại, mọi chủng tộc, mọi nền văn hóa. Có những vị chúng ta biết rõ tên tuổi và đời sống thánh thiện của các ngài, có ngày kính nhớ hằng năm.

Nhưng còn có rất nhiều vị thánh chúng ta không biết rõ.

Hằng năm, người Công Giáo dành ngày 1 tháng Mười Một, để tôn vinh toàn thể Các Thánh Nam Nữ.

Khi tôn kính Đức Mẹ Maria và Các Thánh, người Công Giáo tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội những con người thánh thiện.

Các Thánh giống như những vì sao chiếu sáng trên bầu trời. Những vì sao ấy đón nhận ánh sáng từ Đức Giêsu Kitô và chiếu soi miền đất tối tăm của nhân loại, đang bị tội lỗi và sự dữ thống trị.

Tôn kính Đức Mẹ Maria và Các Thánh, người Công Giáo còn chiêm ngắm đời sống các ngài, như những tấm gương soi lối chỉ đường.

Các Thánh cũng là những con người, với những trải nghiệm thường tình của con người.

– Có vị từng sống trong tội lỗi, nhưng đã thay đổi cuộc đời và nêu gương về lòng sám hối.

– Có vị phải đối diện với rất nhiều cám dỗ và thử thách, nhưng đã vượt qua tất cả, nêu gương trung thành với Chúa.

– Có vị phải chịu bắt bớ, đánh đập và giết chết, nhưng vẫn kiên trung, nêu gương can đảm trong đời sống đức tin.

Các Thánh đã cung cấp những mẫu gương sống động cho người Công Giáo noi theo, để sống trọn vẹn niềm tin của mình trong mọi hoàn cảnh.

Cuối cùng, người Công Giáo đến với Đức Mẹ Maria và Các Thánh để xin ơn trợ giúp, vì tin tưởng mãnh liệt vào lời chuyển cầu của các ngài trước nhan Thiên Chúa. Qua các ngài, Thiên Chúa tiếp tục bày tỏ tình yêu và lòng thương xót dành cho nhân loại, nhất là những người khó nghèo, đau khổ, bất hạnh trong xã hội.

Tai Việt Nam, Đền thánh Đức Mẹ La Vang (Quảng Trị) là Trung tâm hành hương của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, hằng năm, thu hút cả triệu người đến hành hương, cầu nguyện và cầu xin ơn lành nơi Đức Mẹ.

Ngoài ra, còn nhiều Trung tâm hành hương kính Đức Mẹ tại các giáo phận, để anh chị em tín hữu có thể dễ dàng đi hành hương và cầu nguyện với Đức Mẹ.

 

10. CHÂN TRỜI HY VỌNG


Bạn thân mến,

Sâu xa trong lòng người, vẫn còn đó những câu hỏi không dễ trả lời:

– Tôi la ai?
– Tôi từ đâu đến?
– Tôi sẽ đi về đâu sau cuộc đời này?

Những câu hỏi có khi bị lãng quên trong dòng đời bận rộn, nhưng một lúc nào đó lại xuất hiện vì là vấn nạn muôn thuở của con người.

Từ rất lâu, truyền thống văn hóa Việt Nam đã nói:

– “Sinh ký, tử quy”,
– “Sống là gửi, thác mới là về”.

Nói theo ngôn ngữ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì mỗi chúng ta đều có “Một cõi đi về”.

“Đi về” chứ không phải “đi tới”. Nghĩa là chúng ta đã từ một nơi nào đó đến trần gian này, rồi sẽ về lại nơi ấy và chỉ nơi ấy mới là nhà của mình, ngôi nhà vĩnh cửu.

Đó là câu trả lời theo văn hóa Việt Nam trước câu hỏi ở sâu thằm lòng người về ý nghĩa của hiện hữu và vận mệnh cuối cùng của đời người.

Quan niệm ấy rất gần gũi với đạo lý Công Giáo, vì thế khi nghe tin một người thân qua đời, người Công Giáo bảo là họ “về nhà Cha”, tức là về nhà của Cha ở trên trời.

Chúng ta từ Thiên Chúa mà đến và sẽ về lại với Thiên Chúa.

Chân trời hy vọng của chúng ta không chỉ là những thành đạt và hạnh phúc trong  cuộc đời này, mà còn hướng đến hạnh phúc vĩnh hằng, vượt qua cả biên giới của sự chết.

Thế nhưng “cõi đi về” ấy thế nào, “nhà của Cha” ra sao?

Trong một số tôn giáo, thời gian và lịch sử được nhìn như một vòng tròn, những chu kỳ lặp đi lặp lại như bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông trong vận hành của thiên nhiên.

Còn đạo Công Giáo quan niệm thời gian và lịch sử như một đường thẳng: Có khởi điểm và có chung cục tuyệt đối.

Vũ trụ này có một khởi điểm (tạo dựng) và sẽ tiến đến chung cục (tận thế).

Cuộc sống con người cũng thế, có một khởi điểm (sinh ra) và kết thúc (chết đi).    

Chúng ta chỉ sống cuộc đời này một lần duy nhất, sau đó là vĩnh cửu.

Vận mệnh vĩnh cửu của mỗi người ra sao tùy thuộc cách sống của họ trong cuộc đời hiện tại.

Ngay sau khi chết, mỗi người phải đối diện với Thiên Chúa Tình Yêu, cũng là Thẩm phán chí công, và mỗi người sẽ được xét xử đúng theo những gì mình đã sống và đã làm.

Với người Công Giáo, hình ảnh phán xét này thúc giục họ sống cho đúng với lương tâm ngay thẳng.

Đồng thời diễn tả niềm hy vọng vào sự công bằng của Thiên Chúa.
Chỉ nơi Thiên Chúa, sự công bằng tuyệt đối mới được thực hiện trọn vẹn.

Những ai sống trọn vẹn tình yêu trong cuộc đời này, tình yêu ấy sẽ nở hoa hạnh phúc trong cuộc sống mai sau.

– Họ là những người đã để cho Thiên Chúa thấm nhập hoàn toàn cuộc sống của mình, do đó họ cũng hoàn toàn mở lòng ra với người lân cận.

– Họ là những người luôn gắn bó với Thiên Chúa và để cho Ngài hướng dẫn toàn bộ cuộc đời họ ngay từ bây giờ, vì thế giờ chết là lúc họ “về nhà Cha”, đạt đến sự hoàn tất cuộc sống yêu thương họ đã sống. Họ được chia sẻ hạnh phúc trọn vẹn với Thiên Chúa Tình Yêu, và đó là Thiên Đàng.

Những ai đã cố gắng yêu thương, nhưng tình yêu nơi họ chưa hoàn hảo vì còn chen lẫn nhiều ích kỷ, hận thù, ghen ghét; những ai đã cố gắng sống theo sự thật, nhưng vẫn có nhiều khi yếu đuối và thỏa hiệp với tội lỗi, thì sau khi chết, họ cần được thanh luyện để xứng đáng với Tình Yêu tinh ròng và chí thánh nơi Thiên Chúa. Người Công Giáo gọi tình trạng đó là Luyện Ngục, nghĩa là tình trạng được thanh luyện, sau đó mới được hưởng hạnh phúc trọn vẹn với Thiên Chúa.

Ngoài ra, đáng tiếc thay, có thể có những người đã phá hủy hoàn toàn khát vọng sự thật và khả năng yêu thương, những người mà nơi họ tất cả đã trở thành giả dối, những người chỉ sống cho thù hận và chà đạp lên tình yêu ngay trong chính bản thân mình. Một vài nhân vật trong lịch sử đã để lại hình ảnh đáng sơ đó. Đây chính là ý nghĩa của từ Hỏa Ngục, tình trạng của những tâm hồn tự tách mình ra khỏi thế giới của yêu thương mãi māi.

Văn hào Fedor Dostoievski nói rằng: “Tôi tự hỏi hỏa ngục là gì? Và tôi quả quyết rằng hỏa ngục là không thể yêu thương”. Tuy nhiên, tình trạng này không doThiên Chúa, nhưng do sự cố chấp của con người như thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Thiên Chúa nhân lành vô cùng sẽ không bao giờ loại bỏ những ai không muốn loại bỏ Ngài”.

Niềm tin vào sự sống vĩnh hằng thúc đẩy người Công Giáo sống cuộc đời hiện tại với tất cả ý thức trách nhiệm.

– Làm sao sống thật đúng, thật tốt, thật đẹp, phù hợp với Chân, Thiện, Mỹ.

– Làm sao để cho Tin Mừng tình yêu của Đức Giêsu Kitô hướng dẫn và chi phối toàn bộ cuộc đời mình, vì cuộc sống này quyết định vận mệnh vĩnh cửu của tôi.

Niềm tin vào thế giới mai sau cũng không làm cho người Công Giáo lãng quên trách nhiệm xây dựng trần thế, trái lại càng thúc đẩy họ góp phần với mọi người thiện chí, xây dựng xã hội hiện tại ngày càng tốt đẹp hơn theo định hướng của thế giới mới, thế giới ngập tràn chân lý, yêu thương và an bình.

*****

Bạn thân mến,

Cảm ơn bạn đã vui lòng nghe tôi kể chuyện về đạo Công Giáo. Nếu có những từ khó hiểu, bạn có thể xem thêm ở phần Phụ Lục. Để tìm hiểu thêm về Công Giáo, bạn có thể đọc:

1. Kinh Thánh Tân Ước
2. Youcat (viết tắt của Youth Catechism – Giáo lý Công Giáo cho người trẻ).

Những sách này đều được bán tại các Nhà sách Công Giáo. Bạn cũng có thể đến gặp bất cứ linh mục, tu sĩ, tín hữu Công Giáo nào để hỏi thêm về đạo Công Giáo. Tôi tin rằng họ sẽ sẵn sàng đón tiếp và chia sẻ với bạn về niềm tin Công Giáo.

 

PHỤ LỤC 1
Giải thích một số từ ngữ trong đạo Công Giáo


Bí Tích

Dấu hiệu hữu hình người ta có thể thấy, nghe, sờ mó được. Ví dụ: nước, dầu, lời nói. Trong nghi thức tôn giáo, những chất liệu này được dùng để diễn tả thực tại vô hình, qua đó người tin Chúa cảm nhận Thiên Chúa đang có mặt ở đó để chữa lành, tha thứ, nuôi dưỡng, ban sức mạnh để sống yêu thương.

Cứu độ

Cứu là giúp, chữa trị, giải thoát khỏi cảnh đau thương. Độ là cứu vớt, đưa từ bờ này sang bờ kia. Cứu độ có nghĩa là sự giải thoát, chữa lành của Thiên Chúa, để đưa chúng ta từ đời sống cũ đến đời sống mới, nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất của loài người.

Đấng Cứu Độ

Cũng được gọi là Đấng Cứu Thế hoặc Đấng Cứu Chuộc. Giáo Hội Công Giáo  dành riêng tước hiệu Đấng Cứu Độ cho Đức Giêsu Kitô. Bằng cách hiến trọn thân mình cho Thiên Chúa và loài người, Đức Giêsu Kitô đã đưa nhân loại thoát vòng nô lệ tội lỗi, để tiến đến tình trạng tự do của con cái Thiên Chúa.

Giám Mục

Đức Giám Mục là người kế vị Các Thánh Tông Đồ, để chăm sóc đời sống đức tin của các cộng đoàn Kitô hữu. Thông thường, Đức Giám Mục là người đứng đầu một giáo phận.

Giáo Hoàng

Đức Giáo Hoàng là từ được dùng để chỉ người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, còn gọi cách kính trọng là Đức Thánh Cha. Đức Giáo Hoàng hiện nay (2013-) là vị giáo hoàng thứ 266 trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, lấy danh hiệu là Phanxicô.

Giáo lý

Những nội dung cốt yếu và căn bản của một tôn giáo. Giáo lý của đạo Công Giáo được trình bày đầy đủ và chính thức trong cuốn Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.

Nhà Thờ

Cũng được gọi là Giáo Đường hoặc Thánh Đường, là nơi các tín hữu thờ phượng Thiên Chúa, cầu nguyện và tham dự các nghi thức phụng vụ. Cấu trúc Nhà Thờ gồm hai phần chính: phần cung thánh và phần dành cho giáo dân.

Linh Mục

Người chăm sóc đời sống thiêng liêng. Các linh mục cộng tác và chia sẻ trách nhiệm với vị giám mục giáo phận để chăm sóc đời sống thiêng liêng của một cộng đoàn được trao phó cho các ngài.

Linh hồn

Sự sống thiêng liêng, phần thâm sâu và giá trị nhất nơi con người. Linh hồn con người được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng, chứ không do cha mẹ sinh ra. Linh hồn thì bất tử.

Phúc Âm

Phúc có nghĩa là điều lành; Âm là tin báo. Phúc Âm là Tin tốt lành, nên cũng được gọi là Tin Mừng. Sách Phúc Âm chỉ bốn quyển sách đầu tiên trong bộ Thánh Kinh Tân Ước, do bốn tác giả Matthêu, Maccô, Luca và Gioan ghi chép lại cuộc đời, lời giảng dạy, cuộc khổ nạn và sự sống lại của Chúa Giêsu.

Rửa Tội

Giáo Hội Công Giáo có bảy bí tích: Rửa Tội: là bí tích đầu tiên, nền móng cho tất cả đời sống Kitô hữu, là cửa dẫn vào Giáo Hội. Nhờ bí tích Rửa Tội, con người được giải thoát khởi tội lỗi, trở nên con cái Thiên Chúa… và chi thể trong Thân Thế mầu nhiệm của Đức Kitô. Bí tích Rửa Tội cũng được gọi vắn tắt là Phép Rửa.

Thánh Kinh

Sách Thánh Kinh của Giáo Hội Công Giáo gồm 73 cuốn, chia làm hai phần chính: Cựu Ước (46 cuốn) và Tân Ước (27 cuốn).

Thiên thần

Cũng được gọi là Thiên sứ. Theo niềm tin của người Công Giáo, các thiên thần là những thụ tạo thiêng liêng, được Thiên Chúa dựng nên để sống trong hạnh phúc trọn vẹn với Ngài và thi hành sứ mệnh Ngài trao phó.
– Mỗi người chúng ta đều có một Thiên thần hộ mệnh, gìn giữ và khuyên bảo làm những việc lành.

Tiên tri

Tiên có nghĩa là trước, hướng dẫn; tri là hiểu biết, thông truyền.
– Trong Kinh Thánh, tiên tri là người được Thiên Chúa gọi làm sứ giả của Chúa. Các tiên tri nhân danh Chúa mà nói và thông truyền sứ điệp của Thiên Chúa, đôi khi báo trước những điều sẽ xảy ra. Các tiên tri cũng được gọi là ngôn sứ.

Tu sĩ

Các Kitô hữu dâng hiến trọn vẹn đời sống và tình yêu của họ cho Thiên Chúa, vì  thế, họ từ bỏ mọi sự để bước theo Chúa Giêsu trong đời sống khó nghèo, độc thân
khiết tịnh, vâng phục.

Tín điều

Những chân lý đức tin và luân lý mà các tín hữu buộc phải tin, sau khi đã được Giáo Hội định tín.

Tội lỗi

Theo nghĩa thông thường, tội lỗi là điều làm trái pháp luật, trái với điều luật của tôn giáo. Theo Thánh Kinh, tội lỗi là lỗi phạm đến chân lý, trái với lương tâm ngay chính, xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân.

Tôn giáo

Một tín ngưỡng có tổ chức với hệ thống giáo lý và niềm tin vào Đấng thiêng liêng. Tôn giáo thế hiện lòng con người khao khát Thiên Chúa và luôn mong mỏi tìm kiếm Ngài, hoặc ít ra là những giá trị Chân-Thiện-Mỹ.
 

PHỤ LỤC 2

Những số liệu thống kê về dân số Kitô Giáo nói chung
và Công Giáo nói riêng trên thế giới



Theo thống kê này, số Kitô hữu trên toàn thế giới là 2,2 tỉ người, chiếm 1/3 dân số thế giới.

Trong số 2,2 tỉ người Kitô hữu, có 50% là Công Giáo, khoảng 37% thuộc nhiều truyền thống Tin Lành khác nhau (bao gồm Anh Giáo), và 12% là các tín hữu Chính Thống Giáo (cả Hi Lạp và Nga).

 Ngoài ra, những người thuộc các truyền thống khác và tự coi mình là Kitô hữu (bao gồm Christian Scientists, Mormons, Chứng nhân Giêhôva) chiếm khoảng 1% tổng số Kitô hữu trên thế giới.

Kitô hữu có mặt trên khắp các châu lục, tính theo tỷ lệ dân số thì đông nhất là tại châu Mỹ La Tinh và vùng Caribê (90%), sau đó là Bắc Mỹ (77%), châu Âu (75%) và châu Phi (63%). Kitô Giáo chỉ là thiểu số tại châu Á-Thái Bình Dương (7%) và
Trung Đông-Bắc Phi (4%).

Previous articleBạc bẽo, vô ơn !
Next articleVề già cứ chọn 1 người này để sống chung bên cạnh, đảm bảo sẽ hạnh phúc