Vốn dĩ, là phàm nhân ai mà chẳng có lỗi lầm. Khi phạm lỗi, ta luôn mong mỏi nhận được sự tha thứ. Vậy khi người khác gây cho ta vết thương thể xác và cả vết thương lòng, liệu ta có dễ dàng tha thứ?
Lỗi lầm xuất phát từ đâu?
Lỗi lầm đến từ một hành động, một lời nói, thậm chí là từ một suy nghĩ. Dù vô tình hay cố ý, nó cũng đã khiến chúng ta làm tổn thương lẫn nhau.
Mình có một người bạn, thời niên thiếu chính là khoảng thời gian đẹp nhất của tụi mình. Mình đã ở bên cạnh bạn lúc vui vẻ và cả khó khăn; lúc bạn buồn vì quyết định không đi tu của bạn đã khiến những người khác thất vọng, lúc bạn hồ hởi chạy về báo tin “Em ơi, anh đậu đại học rồi!”, và cả lúc kể cho mình nghe về buổi hẹn hò đầu tiên bằng cái giọng hạnh phúc… Nhưng rồi tự dưng một ngày bạn cắt đứt liên lạc trên Facebook. Thật sự rất khó khăn để có thể nghe được lý do, nhưng thật chua chát: “Unfriend thì unfriend thôi!”. Một hành động lặng lẽ đã khiến tụi mình thành hai người xa lạ.
“S.O.S – Share our stories” – trang chia sẻ những thông tin, câu chuyện quấy rối tình dục – đã đăng tải rất nhiều bài báo, bài viết và cả những câu chuyện của các nạn nhân. Nhiều confession được đăng tải với nội dung khiến người đọc không khỏi phẫn nộ. Trái lại với sự hy vọng được cầu cứu, được lắng nghe của nạn nhân, họ lại bị chính những người thân yêu xem thường, giễu cợt, chửi mắng, thậm chí là nhục mạ và đổ lỗi. Một vài câu nói tưởng chừng vô tình nhưng lại khiến họ đau lòng hơn cả nỗi đau thể xác mà họ đang phải chịu đựng.
Tất nhiên là có hàng trăm ngàn lý do cho câu chuyện chúng ta có thể làm nhau đau. Vậy ta đối mặt thế nào với việc người khác gây lỗi lầm với mình?
Giận dữ là bản năng của con người. Đó chính là xúc cảm đầu tiên. Sau đó, có người chọn im lặng và để bụng. Có người lại chọn cách mắng chửi để thỏa cơn giận. Nhưng nhìn chung, mình thấy chửi vậy thôi chứ người ta vẫn tiếp tục lầm bầm miết chuyện đó. Chửi mắng vẫn chưa thỏa mãn, người ta sẽ chọn tâm sự to nhỏ với hội bạn. Từ đây ta kể nhau nghe những quả phốt to đùng, cùng nhau cà khịa, xéo xắc… Vâng, giận dữ, mắng chửi chưa đủ thỏa đáng, ta thực hiện quá trình “cà nghiệp”.
Có phải đến đây bạn cho rằng việc tha thứ chính là cách giải quyết tốt nhất? Ai cũng biết điều đấy, nhưng nói thì dễ, làm mới khó. Vậy, điều gì là rào cản cho sự tha thứ?
Thứ nhất, kẻ làm lỗi không thích xin lỗi. Không phải họ không biết mình sai, mà là vì họ không muốn thừa nhận, ngại và sợ cảm giác “quê”.
Thứ hai, nhiều người phải chịu tổn thương quá lớn đã khiến họ không cảm thấy việc xin lỗi và làm hòa trong mối quan hệ nó không còn quan trọng. Nhưng bên cạnh đó vẫn có người cố chấp không mở lòng mình đón nhận sự hối lỗi của đối phương.
Quy chung hai lý do bản thân mình nhận ra phía trên, rào cản lớn nhất cho sự tha thứ đó chính là cái tôi của đôi bên.
Nếu mãi để cái tôi vươn cao bên cạnh vết thương gây cho nhau, ta được gì?
Xin thưa, không được gì cả!
Điều chắc chắn đầu tiên, ta sẽ mất một mối quan hệ!
Nếu không tha thứ, chúng ta sẽ như thế nào?
Tâm trí và lòng ta cứ mãi bận tâm về chuyện đó, dù sau một thời gian dài nhưng khi nhắc lại giống như trỗi dậy con quỷ xấu tính của bản thân. Ta vô tình mang năng lượng tiêu cực cho cuộc sống của chính mình và cho những người xung quanh. Không ai muốn nhận lấy nguồn năng lượng tiêu cực đúng không? Cứ mãi ôm đồm lỗi lầm của người khác, kẻ mệt mỏi nhất không ai khác chính là bản thân mình.
Do vậy, tha thứ chính là phương thức chữa lành tốt nhất. Bản thân bạn sẽ được “giải thoát” khỏi những âu lo, buồn bã. Bớt nặng lòng thì bạn mới trở nên vui vẻ và thần thái trở lại. Bạn có thể bộc lộ cảm xúc của mình khi tức giận nhưng hãy học cách tha thứ, học cách mở lòng mình trước. Để làm được điều đó, bạn hãy tập dần cách điều khiển cảm xúc và hành động của mình, quan trọng hết là cầu nguyện nhiều hơn, suy niệm nhiều hơn như Chúa Jesus đã kêu gọi anh em tha thứ 70 lần 7. Chỉ khi tha thứ cho người khác là tha thứ cho chính bản thân! Mình làm đau nhau nhiều rồi, mình mạt sát nhau bằng lời nói đủ rồi, mình tha thứ cho nhau được không?